TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KẾ SÁCH, TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 03/2019/HS-ST NGÀY 15/03/2019 VỀ TỘI HÀNH HẠ NGƯỜI KHÁC
Trong ngày 15 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 01/2019/TLST-HS ngày 02 tháng 01 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2019/QĐXXST-HS ngày 13/02/2019 và Thông báo dời ngày xét xử số 02/TB.TA ngày 22/02/2019 đối với bị cáo:
Họ và tên: Hồ Thị V, sinh năm 1967, tại thị xã Ngã Năm; nơi cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: không biết chữ; dân tộc: Kinh, giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hồ Văn Út và bà Lý Thị Út; có chồng là D Đức Hùng (đã ly hôn), có 01 con là D Thị Thu Nhơn, sinh năm 2000; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/11/2018 cho đến ngày 13/01/2019. Bị cáo có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Thị Hoàng, Văn phòng Luật sư Hoàng Long, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ (có mặt).
- Người bị hại: Bà Ngô Kim S, sinh năm 1921 Nơi Cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng (đã chết)
Người đại diện hợp pháp của người bị hại: Ông Trịnh Hải Tr, sinh năm 1957, nơi cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, là con bà S (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Bà Phạm Thị Thanh T, sinh năm 1960, nơi cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
- Người làm chứng:
1/ Bà Lương Thị H, sinh năm 1966 Nơi cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
2/ Bà Bùi Phương L, sinh năm 1978 Nơi cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
3/ Chị Khưu Thị Thùy D, sinh năm 1991 Nơi cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
4/ Ông Trần Sang Tr, sinh năm 1960 Nơi cư trú: ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
5/ Bà Nguyễn Thị Thủy T1 (N), sinh năm 1977 Nơi cư trú: ấp M, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
6/ Bà Lâm Thị Thu H (Th), sinh năm 1968 Nơi cư trú: ấp P, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Tất cả đều vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Bị cáo Hồ Thị V bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách truy tố về hành vi phạm tội như sau: Bị cáo là người làm thuê cho vợ chồng ông Trịnh Hải Tr, bà Phạm Thị Thanh T, công việc hàng ngày của bị cáo là làm việc nhà, nấu ăn và chăm sóc cho bà Ngô Kim S, sinh năm 1921, là mẹ ruột của ông Tr, cùng sống chung nhà với vợ chồng ông Tr tại ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Cuối năm 2017 bà S bị bệnh nặng, không thể đi lại được nên mọi sinh hoạt của bà S đều do bị cáo và vợ chồng ông Tr chăm sóc. Khoảng tháng 02/2018, trong lúc chăm sóc bà S, bị cáo đã nhiều lần có hành vi đối xử tàn ác với bà S như dùng tay kéo lê, quăng trên giường và đút cháo cho bà S ăn liên tục không ngừng, những hành vi này của bị cáo đã bị bà T dùng điện thoại di động quay lại thành 03 đoạn video. Sau đó bà T gửi 03 đoạn video qua tài khoản tin nhắn Mesenger trên mạng xã hội Facebook cho bà Nguyễn Thị Mỹ N, là chị dâu của ông Tr đang định cư tại nước Australia với mục đích để bà N và chồng là ông Trịnh Thanh Tr gửi tiền về hỗ trợ nuôi bà S. Sau đó bà T đã xoá bỏ 03 đoạn video này khỏi bộ nhớ điện thoại. Vào ngày 11/7/2018 bà Ngô Kim S chết. Đến ngày 22/9/2018, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản tên "D D D " của chị Khưu Thị Thuỳ D, có đăng tải 03 đoạn video có nội dung như trên làm gây xôn xao dư luận trong cộng đồng mạng xã hội và gây phẫn nộ, bức xúc cho người dân sinh sống tại địa phương. Ngày 17/10/2018 Hội người cao tuổi huyện Kế Sách gửi văn bản đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kế Sách kiến nghị khởi tố hành vi hành hạ, ngược đãi người già của Hồ Thị V.
Tại bản Kết luận số 4642/C09B ngày 19/11/2018 của Phân viện KH học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh, kết luận: 03 tập tin hình ảnh (video) gửi giám định có tên:
“VIDEO – DOWLOAD - 1537528184993 - 1539239781622.mp4”; “VIDEO - DOWLOAD - 1537572519633 - 1537669589818.mp4” và “VIDEO - DOWLOAD -1537572548970 - 1537669592234.mp4” lưu trên thẻ nhớ (USB) hiệu Team 16GB có ghi “PAT.PEND” (ký hiệu A) là liên tục về nội dung và không phát hiện thấy dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa về nội dung; không xác định được thời gian khởi tạo của 03 tiệp tin video nêu trên.
Ngày 13/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kế Sách ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hồ Thị V về “Tội hành hạ người khác”; áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến nay.
Ngày 02/01/2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách ban hành cáo trạng số 02/CT-VKS-H.KS truy tố bị cáo V về “Tội hành hạ người khác” theo điểm a khoản 2 Điều 140 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với bà Phạm Thị Thanh T không có hành vi giúp sức cũng không xúi giục bà V hành hạ bà S, bà T chỉ dùng điện thoại di động quay lại hành vi hành hạ bà S, nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà T.
Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng áp dụng điểm a khoản 2 Điều 140, điểm i, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo từ 6 tháng đến 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 đến 18 tháng.
Bị cáo thừa nhận hành vi của mình theo Cáo trạng của Viện kiểm sát, đã biết lỗi và xin giảm nhẹ hình phạt để nuôi con.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo tận tình chăm sóc cho bị hại, vì bị hại nằm một thời gian dài nhưng không bị lở loét, thân thể sạch sẽ, bị cáo có thời gian dài chăm sóc bị hại đã thể hiện mối quan hệ tốt giữa ông, bà chủ với người làm công. Hành vi đối xử tàn ác là gây đau đớn về thể xác và tinh thần, nhưng bị cáo không gây thương tích, đau đớn, thiệt hại sức khỏe cho bị hại; mặc dù bị cáo đút nhanh cho bị hại ăn nhưng đây là thức ăn xay nhuyễn, bị hại ăn không rơi rớt, không bị trào ngược, nhìn bị hại háo hức khi ăn; nệm kim đan có độ đàn hồi cao nên một mình bị cáo không thể cùng lúc di chuyển bị hại một cách nhẹ nhàng nhất. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, hành động nhất thời, suy nghĩ nông cạn dẫn đến bị cáo phạm tội. Viện kiểm sát truy tố bị cáo khoản 2 là quá nặng, hành vi này lẽ ra chỉ xử phạt về mặt hành chính; bị cáo là thành phần lao động nghèo, bị bệnh. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 140, điểm i, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo cải tạo không giam giữ.
Người đại diện người bị hại yêu cầu Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và không có yêu cầu gì.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Những người làm chứng gồm bà Lương Thị H, Bùi Phương L, Khưu Thị Thùy D, Trần Sang Tr, Nguyễn Thị Thủy T1 và Lâm Thị Thu H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ. Những người này đã có lời khai trực tiếp tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, việc vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc xét xử, tại phiên tòa, bị cáo đại diện Viện kiểm sát, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác đề nghị Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt những người này. Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 293 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, xét xử vắng mặt những người nêu trên.
[2] Bà S đã chết do bị bệnh và tuổi cao, theo các tài liệu có trong hồ sơ và lời khai của ông Tr thì bà S có 03 người con là ông Ngô Minh Q (mang theo họ mẹ), ông Trịnh Thanh Tr1 và ông Trịnh Hải Tr. Ông Tr và bà T cho rằng ông Q và ông Tr1 hiện nay đang ở Australia, ông, bà không biết địa chỉ. Ngoài lời khai thì vợ chồng ông Tr không cung cấp được giấy tờ, tài liệu chứng minh được ông Qu và ông Tr1 hiện nay đang ở Australia. Mặt khác, bà S đã có người đại diện là ông Tr. Vì vậy, vụ án được Tòa án nhân dân huyện Kế Sách thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 268 và khoản 1 Điều 269 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
[3] Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hồ Thị V khai nhận: Trước đây bị cáo là người làm thuê cho vợ chồng ông Trịnh Hải Tr, bà Phạm Thị Thanh T, công việc hàng ngày của bị cáo là làm việc nhà, nấu ăn và chăm sóc cho bà Ngô Kim S là mẹ ruột của ông Tr, cùng sống chung nhà với vợ chồng ông Tr tại ấp N, thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Thời gian làm việc của bị cáo cho gia đình ông Tr được khoảng 10 năm. Trong thời gian này, vào khoảng cuối năm 2017 bà S bị bệnh, không thể đi lại được nên mọi sinh hoạt của bà S đều do bị cáo và vợ chồng ông Tr chăm sóc. Khoảng tháng 02/2018, trong lúc chăm sóc bà S, bị cáo đã nhiều lần có hành vi đối xử không đúng với bà S như dùng tay kéo lê, quăng trên giường và đút cháo cho bà S ăn liên tục, khi bị cáo làm như vậy thì bị bà Phạm Thị Thanh T dùng điện thoại di động quay lại thành 03 đoạn video. Hình ảnh 03 đoạn video mà Hội đồng xét xử cho xem tại phiên tòa là hình ảnh, việc làm của bị cáo đối với bà S. Việc bị cáo làm như vậy là do hôm đó sức khỏe bị cáo không tốt, muốn làm cho xong sớm để ra khỏi phòng, bị cáo làm trong một buổi nhưng không nhớ buổi sáng hay chiều, bị cáo làm là tự phát, không ai xúi giục, ép buộc làm. Bị cáo không có trình độ học vấn nên không biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, nay bị cáo đã biết lỗi và xin giảm nhẹ hình phạt.
[4] Lời nhận tội của bị cáo là phù hợp với Cáo trạng của Viện Kiểm sát, lời khai của đại diện bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, kết luận giám định và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
[5] Tại bản Kết luận giám định số 4642/C09B ngày 19/11/2018 của Phân viện kH học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: 03 tập tin hình ảnh (video) gửi giám định có tên: “VIDEO – DOWLOAD - 1537528184993 - 1539239781622.mp4”; “VIDEO - DOWLOAD - 1537572519633 - 1537669589818.mp4” và “VIDEO - DOWLOAD -1537572548970 - 1537669592234.mp4” lưu trên thẻ nhớ (USB) hiệu Team 16GB có ghi “PAT.PEND” (ký hiệu A) là liên tục về nội dung và không phát hiện thấy dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa về nội dung.
[6] Điều 140 Bộ luật hình sự quy định:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn T thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
[7] Bà S sinh năm 1921, khi bị cáo thực hiện hành vi năm 2018 thì bà S là người cao tuổi, đang bị bệnh, không thể tự đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày đều lệ thuộc vào bị cáo và người thân trong gia đình, nhưng trong lúc chăm sóc bà S bị cáo lại có hành vi dùng tay kéo lê, quăng trên giường và đút cháo cho bà S ăn liên tục, là hành vi đối xử tàn ác, hành hạ bà S. Vì vậy, bị cáo Hồ Thị V bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Kế Sách truy tố về tội “Hành hạ người khác” theo điểm a khoản 2 Điều 140 của Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử kết luận: Bị cáo Hồ Thị V phạm tội “Hành hạ người khác ” theo điểm a khoản 2 Điều 140 theo của Bộ luật hình sự năm 2015.
[8] Bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ gây đau đớn về thể xác, đau khổ về tinh thần cho bị hại mà còn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương, bị dư luận xã hội lên án. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần thiết phải cần xử lý nghiêm mới đủ để giáo dục bị cáo và có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
[9] Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo: Không có.
[10] Xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi phạm tội bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được quy định tại điểm i, điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Trước khi phạm tội bị cáo không có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt, đại diện bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, bị cáo không biết chữ nên nhận thức và am hiểu về pháp luật kém, là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
[11] Bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 và nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51, không có tình tiết tăng nặng theo Điều 52 của Bộ luật hình sự nên Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo.
[12] Bị cáo có nhân thân tốt, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, có khả năng tự cải tạo, bị xử phạt dưới 03 năm tù, không thuộc trường hợp không cho hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 65 của Bộ luật hình sự, quyết định cho bị cáo hưởng án treo để các bị cáo có điều kiện ở bên ngoài xã hội làm những việc tốt đẹp, có ích cho gia đình và cũng để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước.
[13] Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Hành hạ người khác”, áp dụng điểm a khoản 2 Điều 140, điểm i, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo từ 6 tháng đến 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 đến 18 tháng là có căn cứ, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[14] Xét lời trình bày, bào chữa của Luật sư. Như đã nhận định trên, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội lúc đó bà S đã 98 tuổi, là người già yếu, ốm đau nên Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 140 là đúng pháp luật nên đề nghị của Luật sư về chuyển khung xuống khoản 1 và xử phạt bị cáo cải tạo không giam giữ là không có căn cứ chấp nhận. Còn các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như Luật sư đã trình bày là phù hợp pháp luật nên được chấp nhận.
[15] Về trách nhiệm dân sự: Đại diện bị hại và những người khác không yêu cầu bị cáo bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.
[16] Đối với bà Phạm Thị Thanh T không có hành vi giúp sức, không xúi giục bị cáo hành hạ bà S, bà T chỉ dùng điện thoại di động quay lại hành vi của bị cáo để gửi cho bà Nguyễn Thị Mỹ Nhiên với mục đích để vợ chồng bà Nhiên gửi tiền về hỗ trợ nuôi bà S nên Viện kiểm sát không có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà T.
[17] Về án phí: Bị cáo Hồ Thị V bị kết án nên phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1/. Tuyên bố bị cáo Hồ Thị V phạm tội “Hành hạ người khác”.
2/. Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 140, điểm i, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Hồ Thị V 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng, kể từ ngày 15/3/2019.
Giao bị cáo Hồ Thị V cho Ủy ban nhân dân thị trấn A, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo có thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
3/. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội: Buộc bị cáo Hồ Thị V chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Báo cho bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 03/2019/HS-ST ngày 15/03/2019 về tội hành hạ người khác
Số hiệu: | 03/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kế Sách - Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 15/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về