Bản án 03/2019/DS-PT ngày 16/01/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 03/2019/DS-PT NGÀY 16/01/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 16/01/2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 106/2018/TLPT- DS ngày 03/12/2018 về việc: "Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản".

Do bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DS-ST ngày 27/09/2018 của Toà án nhân dân thành phố B bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2019/QĐ-PT ngày 03/01/2019 giữa:

Nguyên đơn: Ông Trần Nam Ph, sinh năm 1971, có mặt.

Địa chỉ: Số nhà A, ngõ B, đường Trần Nguyên H, phường Trần Nguyên H, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.

Bị đơn: Chị Trịnh Thị Th, sinh năm 1982, có mặt.

Địa chỉ: Số X, đường Yết K, tổ 7, phường N, thành phố B, tỉnh Bắc Giang.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Anh Đỗ Đức K, sinh năm 1981-Chồng chị Th, có mặt.

Địa chỉ: Số X, đường Yết K, tổ 7, phường N, thành phố B, tỉnh Bắc Giang. Hiện chị Th và anh K đều đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang.

Do có kháng cáo của chị Trịnh Thị Th.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Trần Nam Ph trình bày: Do ông có mối quan hệ quen biết chị Trịnh Thị Th nên ngày 17/3/2016, ông đã cho chị Th vay 200.000.000 đồng. Khi vay chị Th đã viết và ký Giấy vay tiền với ông. Tại Giấy vay tiền thì Chị Th đã nêu rõ mục đích vay là để chị Th lo việc gia đình và hẹn đến ngày 28/3/2016 thì trả cả tiền gốc và tiền lãi cho ông. Ông và chị Th đã thỏa thuận miệng là tính tiền lãi theo mức lãi suất của Ngân hàng. Số tiền ông đã cho chị Th vay là tiền của cá nhân ông . Hết thời hạn vay, ông đã nhiều lần yêu cầu chị Th trả tiền cho ông nhưng không có kết quả. Nay, ông yêu cầu vợ chồng chị Th phải trả cho ông số tiền gốc là 200.000.000 đồng và tiền lãi của số tiền trên theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa ngày 31/8/2018, ông Ph chỉ yêu cầu chị Th và anh K phải trảcho ông Ph số tiền gốc là 100.000.000 đồng theo Giấy cam kết nhận tiền ngày 17/3/2016, ông Ph không yêu cầu vợ chồng chị Th phải trả cho ông Ph tiền lãi.

Bị đơn là chị Trịnh Thị Th trình bầy: Chị thừa nhận đã vay của ông Ph số tiền 200.000.000 đồng. Giấy cam kết nhận tiền ngày 17/3/2016 do ông Ph xuất trình là do chị viết và ký nhưng việc chị vay tiền này không liên quan gì đến chồng chị là anh Đỗ Đức K. Chị đã trả cho ông Ph được 100.000.000 đồng tiền gốc. Số tiền này thì chị đã đưa cho anh Ngô Tiến Th1 (là cháu ông Ph) trả ông Ph hộ chị. Khi chị đưa tiền cho anh Th1 thì hai bên có viết Giấy biên nhận nhưng Giấy biên nhận này chị chưa thể xuất trình cho Tòa án vì lý do chị đang bị tạm giam trong 1 vụ án hình sự.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là annh Đỗ Đức K trình bày: Anh là chồng chị Th, việc chị Th vay tiền của ông Ph và chị Th đã sử dụng vào việc gì thì anh không biết. Anh không liên quan gì đến việc chị Th vay tiền của ông Ph nên anh không đồng ý về việc ông Ph đề nghị anh và chị Th phải có trách nhiệm trả cho ông Ph số tiền trên.

Người làm chứng:

+ Anh Ngô Tiến Th1 trình bày: Mẹ anh là chị gái của ông Ph, anh phải gọi ông Ph là cậu. Còn anh và chị Trịnh Thị Th có quan hệ bạn bè.

Do chị Th có nhu cầu vay tiền nên anh đã giới thiệu chị Th đến gặp ông Ph và chị Th đã vay của ông Ph số tiền 200.000.000 đồng. Vào buổi tối khoảng năm 2017, chị Th có đưa cho anh số tiền 100.000.000 đồng với mục đích là nhờ anh trả tiền cho ông Ph. Anh cũng đã nhận của chị Th số tiền 100.000.000 đồng, ngay sau đó anh đã đưa cho bà Dương Thị H (vợ ông Ph). Việc anh đưa tiền cho bà H thì anh cũng không nói gì về việc số tiền này là tiền của chị Th trả cho ông Ph. Khi bà H nhận tiền của anh thì bà H cũng không viết giấy biên nhận.

+ Bà Dương Thị H trình bày: Bà là vợ ông Trần Nam Ph, anh Th1 là cháu ruột ông Ph, anh Th1 gọi bà là mợ. Bà không quen chị Th. Số tiền ông Ph cho chị Th vay là tiền của cá nhân ông Ph nên bà không liên quan gì đến vụ án này. Về việc anh Th1 đã trình bầy là anh Th1 đã đã đưa tiền cho bà thì bà có ý kiến như sau: Khoảng giữa năm 2017, anh Th1 đã đưa cho bà số tiền 100.000.000 đồng. Khi anh Th1 đưa cho bà số tiền này thì anh Th1 cũng không nói gì về việc chị Th đã nhờ anh Th1 trả tiền cho ông Ph nên bà không biết số tiền này của ai. Khi bà nhận tiền thì bà cứ nghĩ là tiền của anh Th1 trả cho vợ chồng bà vì trước đó anh Th1 có vay tiền của vợ chồng bà. Nay anh Th1 trình bày cho bà biết số tiền này là của chị Th trả cho ông Ph thì bà mới biết.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/9/2018, ông Ph đã trình bày: Ông đề nghị vợ chồng chị Th phải trả cho ông số tiền gốc còn nợ là 100.000.000 đồng, ông không yêu cầu vợ chồng chị Th phải trả cho ông tiền lãi của số tiền trên.

Với nội dung trên, bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DS-ST ngày 27/9/2018 của Toà án nhân dân thành phố B đã áp dụng khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 227; Điều 228; Điều 271; Khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 357; Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015. Khoản 2 Điều 26 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội xử.

1- Buộc Chị Trịnh Thị Th và anh Đỗ Đức K phải trả cho ông Trần Nam Ph số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) theo Giấy cam kết nhận tiền ngày 17/3/2016.

2- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc chị Trịnh Thị Th và anh Đỗ Đức K phải chịu 5.000.000 đồng án phí DSST.

Hoàn trả ông Trần Nam Ph số tiền 5.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2012/06584, ngày 08/2/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.

Ngoài ra bản án còn tuyên lãi chậm thi hành án, quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Ngày 12/10/2018, chị Trịnh Thị Th nộp đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm đã xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Nam Ph vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, chị Trịnh Thị Th vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

+ Chị Trịnh Thị Th trình bầy: Mặc dù khi chị vay tiền của ông Ph thì chị cũng đã viết trong Giấy vay tiền là để lo việc gia đình nhưng chị vay tiền của ông Ph là để hùn vốn với một người bạn để kinh doanh. Việc kinh doanh này chưa thực hiện được vì bạn của chị bị bệnh hiểm nghèo. Số tiền chị vay của ông Ph thì bạn chị đang quản lý, sử dụng chứ chị cũng không mang về để chi tiêu cho gia đình. Khi chị vay tiền của ông Ph thì chồng chị là anh Đỗ Đức K không biết. Chị đồng ý trả cho ông Ph số tiền 100.000.000 đồng. Việc ông Ph yêu cầu cả vợ chồng chị cùng có trách nhiệm trả nợ cho cho ông Ph thì chị không đồng ý vì anh K không có liên quan đến việc chị vay tiền của ông Ph.

+ Anh Đỗ Đức K trình bầy: Anh là chồng chị Th nhưng anh không đồng ý về việc anh và chị Th phải trả cho ông Ph số tiền 100.000.000 đồng vì khi chị Th vay tiền của ông Ph thì anh không biết. Chị Th cũng không dùng số tiền vay của ông Ph để chi tiêu trong gia đình. Mặc dù sau khi xét xử thì anh không nhất trí với bản án sơ thẩm đã tuyên về nghĩa vụ trả nợ của anh, nhưng anh cũng không kháng cáo bản án sơ thẩm vì anh nghĩ 1 mình chị Th kháng cáo là đủ.

+ Ông Trần Nam Ph trình bầy: Ông không đồng ý với kháng cáo của chị Th về việc cá nhân chị Th có nghĩa vụ trả nợ cho ông. Trong Giấy biên nhận vay tiền thì chị Th đã viết rõ việc chị Th vay tiền để lo việc gia đình. Nay, chị Th lại trình bầy vay tiền của ông để cho người khác sử dụng là không đúng.

+ Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu:

- Về tố tụng: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang và các đương sự đã chấp hành đầy đủ các trình tự, thủ tục của BLTTDS.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS: Không chấp nhận kháng cáo của chị Th, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử. Tuy nhiên bản án sơ thẩm đã không áp dụng Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết là không đầy đủ. Việc Tòa án cấp sơ thẩm đã viện dẫn các Điều luật của BLDS năm 2015 là không chính xác vì việc giao dịch vay tiền giữa các bên diễn ra trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực nên phải áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết mới đúng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

Do ông Trần Nam Ph có mối quan hệ quen biết chị Trịnh Thị Th nên ngày 17/3/2016, ông Ph đã cho chị Th vay 200.000.000 đồng. Tại Giấy vay tiền do chị Th viết và ký tên thì Chị Th đã nêu: “Tên tôi là Trịnh Thị Th, sinh ngày 18/9/1982, Quê quán: Phồn X, huyện Y, tỉnh Bắc Giang; có địa chỉ thường trú: Tổ N, phường N, thành phố B; Nơi công tác: Viện KSND tỉnh Bắc Giang; số CMND 121420574. Ngày 21/3/2016 có nhận của ông Trần Nam Ph có địa chỉ: Số nhà A, ngõ B, đường Trần Nguyên H, phường Trần Nguyên H, thành phố B, tỉnh Bắc Giang; số tiền là 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng); Lý do: vay lo việc gia đình; cam kết: ngày 28/3/2016 (dương lịch) cháu gửi gốc + lãi”.

Theo ông Ph trình bầy thì ông Ph và chị Th đã thỏa thuận miệng là tính tiền lãi theo mức lãi suất của Ngân hàng. Số tiền ông Ph đã cho chị Th vay là tiền của cá nhân ông Ph. Hết thời hạn vay, ông Ph đã nhiều lần yêu cầu chị Th trả tiền cho ông Ph nhưng không có kết quả.

Tại đơn khởi kiện, ông Ph yêu cầu vợ chồng chị Th phải trả cho ông Ph số tiền gốc là 200.000.000 đồng và tiền lãi của số tiền trên theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/9/2018, ông Ph chỉ yêu cầu vợ chồng chị Th phải trả cho ông Ph số tiền gốc còn nợ là 100.000.000 đồng mà không yêu cầu tiền lãi.

Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ph và buộc vợ chồng chị Th, anh K phải trả cho ông Ph số tiền 100.000.000 đồng.

Sau khi xét xử, chị Trịnh Thị Th đã nộp đơn kháng cáo không đồng ý về việc bản án sơ thẩm đã tuyên đối với trách nhiệm trả nợ của chồng chị Th là anh Đỗ Đức K đối với ông Ph .

Tại phiên tòa phúc thẩm chị Th đã trình bầy: Chị Th vay tiền của ông Ph là để hùn vốn với một người bạn để kinh doanh. Việc kinh doanh này chưa thực hiện được vì bạn của chị Th bị bệnh hiểm nghèo. Số tiền chị Th vay của ông Ph thì bạn chị Th đang quản lý, sử dụng chứ chị Th cũng không mang về để chi tiêu cho gia đình. Khi chị vay tiền của ông Ph thì chồng chị Th là anh Đỗ Đức K không biết. Việc ông Ph yêu cầu cả vợ chồng chị Th cùng có trách nhiệm trả nợ cho cho ông Ph thì chị Th không đồng ý vì anh K không có liên quan đến việc chị Th vay tiền của ông Ph. Chị Th đồng ý trả cho ông Ph số tiền 100.000.000 đồng.

Ông Ph không đồng ý với nội dung kháng cáo của chị Th.

Xét yêu cầu kháng cáo của chị Th, Hội đồng xét xử xét thấy: Theo nội dung Giấy cam kết nhận tiền đã nêu ở trên thì chị Th vay tiền của ông Ph để chị Th lo việc gia đình. Nay, chị Th lại cho rằng việc vay tiền của ông Ph là để hùn vốn kinh doanh với người khác mà không sử dụng vào việc chi tiêu trong gia đình nhưng chị Th cũng không có chứng cứ để chứng minh về việc chị Th đã sử dụng số tiền vay của ông Ph vào mục đích khác.

Chị Th cho rằng, số tiền chị vay ông Ph không liên quan gì đến anh K chồng chị Th là không phù hợp với nội dung Giấy cam kết nhận tiền của chị Th đã ghi ngày 17/3/2016.

Theo Điều 27 và Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình đã quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng do 1 bên thực hiện và nghĩa vụ chung về tài sản chung của vợ chồng thì anh K phải chịu nghĩa vụ do chị Th thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Còn anh K cho rằng không biết việc chị Th vay tiền ông Ph và không đồng ý trả tiền cho ông Ph nhưng sau khi xét xử sơ thẩm thì anh K cũng không nộp đơn kháng cáo.

Bản án sơ thẩm đã buộc vợ chồng chị Th và anh K phải trả cho ông Ph số tiền 100.000.000 đồng là hoàn toàn có căn cứ phù hợp với quy định của tại Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay và các Điều 27; 37 Luật hôn nhân và gia đình.

Nay, chị Th kháng cáo về việc anh K chồng chị Th không có trách nhiệm trả nợ cho ông Ph là không có cơ sở chấp nhận. Hội đồng xét xử xét thấy: Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về nội dung trên.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang cho rằng: Bản án sơ thẩm đã không áp dụng Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết là không đầy đủ. Việc Tòa án cấp sơ thẩm đã viện dẫn các Điều luật của BLDS năm 2015 là không chính xác vì việc giao dịch vay tiền giữa các bên diễn ra trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực nên phải áp dụng BLDS năm 2005 để giải quyết mới đúng.

Đối với việc Tòa án cấp sơ thẩm đã viện dẫn các Điều luật của BLDS năm 2015 thì thấy:

Theo khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định về Điều khoản chuyển tiếp đã quy định:

“1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.

Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11;

b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;

c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;

Theo nội dung vụ án thì: Ngày 17/3/2016, ông Ph cho chị Th vay tiền, đến hạn trả nợ nhưng chị Th không trả được tiền cho ông Ph nay có xẩy ra tranh chấp được coi là giao dịch dân sự (Hợp đồng vay tài sản) đang được thực hiện.

Theo quy định của BLDS năm 2005 thì nội dung và hình thức của giao dịch về Hợp đồng vay tài sản phù hợp với nội dung và hình thức của giao dịch về Hợp đồng vay tài sản của Bộ luật dân sự năm 2015.

Theo điểm b khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 như đã viện dẫn ở trên thì việc Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các Điều luật của BLDS năm 2015 là chính xác.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm không viện dẫn Điều 27 Luật hôn nhân gia đình để buộc trách nhiệm trả nợ của anh K đối với ông Ph là thiếu sót, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Các quyết định khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm không giải quyết.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của chị Trịnh Thị Th, giữ nguyên bản án án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 227; Điều 228; Điều 271; Khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 357; Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 27, Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình; Khoản 2 Điều 26 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội xử.

1- Buộc Chị Trịnh Thị Th và anh Đỗ Đức K phải trả cho ông Trần Nam Ph số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) theo Giấy cam kết nhận tiền ngày 17/3/2016.

2- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc chị Trịnh Thị Th và anh Đỗ Đức K phải chịu 5.000.000 đồng án phí DSST.

Hoàn trả ông Trần Nam Ph số tiền 5.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số AA/2012/06584, ngày 08/02/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.

3- Về án phí dân sự phúc thẩm: Chị Trịnh Thị Th phải chịu 300.000 đồng án phí DSPT. Xác nhận chị Th đã nộp đủ số tiền 300.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2012/07027, ngày 15/10/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự .

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

279
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2019/DS-PT ngày 16/01/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:03/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về