Bản án 03/2018/LĐ-PT ngày 01/06/2018 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 03/2018/LĐ-PT NGÀY 01/06/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 01 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2018/TLPT-LĐ ngày 27 tháng 3 năm 2018 về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số: 02/2018/LĐ-ST ngày 23/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2018/QĐPT-LĐ ngày 09 tháng 4 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trịnh Huê T1, sinh năm 1969; (Có mặt)

Địa chỉ: Số 144, đường T1, khóm 3, phường 8, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phan Hoàng B. Địa chỉ: Số 196, đường T2, khóm 8, phường 5, thành phố C, tỉnh Cà Mau (Theo văn bản ủy quyền ngày 20/9/2017) (Có mặt)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Hồ Nguyên L thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).

- Bị đơn: Công ty cổ phần cấp nước C.

Địa chỉ: Số 204, Q, khóm 3, phường 5, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hơp phap của bị đơn: Ông Lê Anh T2, sinh năm 1952. Địa chỉ: Số 107, đường N, phường 5, thành phố C, tỉnh Cà Mau là người đại diện theo văn bản ủy quyền số 22/GUQ-CNCM ngày 02/01/2018 (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Trịnh Huê T1 trình bày:

Ngày 01/3/2005 ông ký hợp đồng lao đông vơi Công ty cấp thoát nước và công trình đô thị C, nay là Công ty cổ phần cấp nước C (gọi tắt là Công ty), công viêc ông làm là nhân viên ghi thu thuộc Phòng giao dịch khách hàng. Thời hạn hợp đồng là 01 năm, quá hạn đó không ký lại hợp đồng thì xem như hợp đồng dài hạn. Trong quá trình làm việc ông không vi phạm quy định, quy chế Công ty. Tiền lương và hệ số ông được hưởng là 1,18 x 3.320.000 đồng.

Ngày 17/5/2016 Công ty ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐQT “về việc thông qua phương án sử dụng lao động”. Ngày 27/7/2016, Công ty ban hành quyết định số 165/QĐ-CTN về việc chấm dứt hợp đồng lao động cho ông nghỉ việc hưởng chế độ và chốt sổ Bảo hiểm xã hội đến ngày 27/7/2016.

Viêc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông đã vi phạm các điều sau:

- Vi phạm khoản 3 Điều 44 Bộ luật lao động năm 2012, khoản 2 điều 31 và điều 208 BLLĐ. Công ty đã không xin ý kiến của UBND tỉnh C trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với 29 người lao động.

Do Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông là trái pháp luật nên ông yêu cầu Tòa án buộc Công ty các vấn đề như sau:

- Hủy Quyết định số 165/QĐ-CTN ngày 27/7/2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông và nhận ông trở lại làm việc.

- Chi trả tiền lương trong thời gian không được làm việc tính từ ngày27/7/2016 đến ngày 22/02/2018 là 19 tháng x 3.917.000 đồng/tháng = 74.434.400đồng.

- Chi trả 02 tháng tiền lương theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động bằng 7.835.200 đồng do ban hành Quyết định trái luật.

- Tiền ăn giữa ca là 680.000đ /tháng x 19 tháng = 12.920.000 đồng

- Tiền thưởng = 7.443.440 đồng

- Tiền thưởng Lễ 30/4- 01/5 và nghỉ Tết là 4.000.000 đồng

- Tiền lương 15 ngày nghỉ phép năm = 2.938.200 đồng

- Tiền tổn thất tinh thần 33.200.000 đồng

- Chi phí nhờ tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 10.000.000 đồng

- Chi phí khác 2.000.000 đồng

Tổng cộng là 171.146.808 đồng.

Đại diện bị đơn ông Lê Anh T2 trình bày: Sau khi Công ty thực hiện xong cổ phần hóa, đi vào hoạt động, về cơ cấu tổ chức bộ máy của Công ty chưa phù hợp, hiệu quả không cao nên Công ty tiến hành tái cơ cấu tổ chức bộ máy Công ty. Quy trình tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động, Công ty đã tiến hành họp Ban chấp hành Đảng uỷ, họp chủ chốt lãnh đạo các phòng ban, Hội đồng quản trị đã thông qua Nghị quyết số 05 và 06 thực hiện tái cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động và phương án sử dụng lao động, quá trình thực hiện có trao đổi với Ban chấp hành Công đoàn của Công ty. Giám đốc Công ty ban hành quyết định số 165/QĐ-CTN ngày 27/7/2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T1 là đúng trình tự luật định nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T1.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 02/2018/LĐ-ST ngày 23/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau quyết định:

Căn cứ vào các Điều 22, 31,36, 44, 46 và Điều 208 Bộ luật lao động; Điêu 147 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Trịnh Huê T 1 khởi kiện Công tycổ phần cấp nước C đôi vơi cac yêu câu:

- Hủy Quyết định số 165/QĐ- CTN ngày 27/7/2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông và nhận ông trở lại làm việc.

- Chi trả tiền lương trong thời gian không được làm việc tính từ ngày 27/7/2016 đến ngày 22/02/2018 là 19 tháng x 3.917.000đ/tháng = 74.434.400 đồng.

- Chi trả 02 tháng tiền lương theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động bằng 7.835.200 đồng do ban hành Quyết định trái luật.

- Tiền ăn giữa ca là 680.000đ /tháng x 19 tháng = 12.920.000 đồng

- Tiền thưởng = 7.443.440đồng

- Tiền thưởng Lễ 30/4- 01/5 và nghỉ Tết là 4.000.000 đồng

- Tiền lương 15 ngày nghỉ phép năm = 2.938.200 đồng

- Tiền tổn thất tinh thần 33.200.000 đồng

- Chi phí nhờ tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 10.000.000 đồng

- Chi phí khác 2.000.000 đồng

Tổng cộng là 171.146.808 đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 06/3/2018 ông Trịnh Huê T1 kháng cáo với nội dung đề nghị xem xét sửa án sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện của ông. Ông T1 thay đổi một phần yêu cầu, đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận điều chỉnh tính lại mức lương cho ông vì thời gian ông nghỉ việc mức lương tối thiểu vùng có thay đổi và yêu cầu được tính lương đến thời điểm xét xử phúc thẩm.

Nguyên đơn tranh luận: Công ty chấm dứt hợp đồng với ông T1 nhưng không trao đổi ý kiến với Ban chấp hành Công đoàn, không báo trước cho người lao động vào không xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban nhân dân tỉnh C là vi phạm các Điều 31, 38, 44, 46 Bộ luật lao động, Điều 13 Nghị định số05 của Chính phủ và vi phạm Điều 48 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (viết tắt Luật số 69). Tranh chấp của ông T1 với Công ty là tranh chấp tập thể lao động nên Công ty đã vi phạm Điều 208 Bộ luật lao động.

Phía bị đơn tranh luận: Bị đơn xác định việc Công ty cho ông T1 thôi việc là căn cứ vào phương án cổ phần hóa, trong phương án này đã quy định sẵn, các trình tự này đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh C và đã được thông qua đại hội đồng cổ đông của Công ty. Do đó, Công ty không vi phạm Điều 48 Luật số 69 và không vi phạm Luật Doanh nghiệp, Công ty chấm dứt hợp đồng với ông T1 thuộc trường hợp đổi cơ cấu tổ chức và sắp xếp lại lao động nhằm tăng hiệu quả, cụ thể trước khi tái cơ cấu, sử dụng lao động lợi nhuận của Công ty là 8,4 tỷ, sau khi tái cơ cấu, tổ chức lại lao động thì lợi nhuận của Công ty tăng cao là 9,5 tỷ.

Công ty không vi phạm khoản 2 Điều 31, khoản 3 Điều 44 của Bộ luật Lao động vì khi thực hiện phương án tái cơ cấu, xây dựng phương án sử dụng lao động đều có Ban chấp hành Công đoàn tham gia và ký tên, đóng dấu của tổ chức Công đoàn và đã báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đến 70 ngày. Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông T1 không thuộc trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác nên không cần phải báo trước nên không vi phạm khoản 2 Điều 31 của Bộ luật lao động. Tranh chấp giữa ông T1với Công ty là tranh chấp lao động cá nhân chứ không phải tranh chấp lao động tập thể nên không vi phạm Điều 208 của Bộ luật Lao động.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự. Sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau với nội dung chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Huê T1, hủy quyết định số 165/QĐ-CTN ngày 27/7/2016 của Công ty, buộc Công ty nhận ông T1 trở lại làm việc, buộc Công ty phải thanh toán chế độ tiền lương, bồi thường cho ông T1 và đóng các khoản bảo hiểm theo quy định. Không chấp nhận các yêu cầu về tiền ăn giữa ca, tiền thưởng Lễ, Tết, tiền nghỉ phép năm, chi phí nhờ tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chi phí khác, tiền tổn thất tinh thần.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông T1 theo hình thức là “Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động” theo quy định tại khoản 10 Điều 36 Bộ Luật lao động. Để chấm dứt hợp đồng lao động với ông T1 Công ty phải thực hiện các trình tự theo quy định tại Điều 44 và Điều 46 Bộ luật lao động và Công ty phải chứng minh được việc thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.

 [2] Vấn đề thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động Công ty: Tài liệu hồ sơ thể hiện Công ty có tổ chức lại lao động vì trước khi tái cơ cấu tổ chức lại lao động thì Công ty có tổng số lao động là 267 người, sau khi tổ chức lại lao động thì Công ty hoạt động có hiệu quả và chỉ sử dụng số lao động là 240 người, không phát sinh thêm bất cứ bộ phận mới hay người lao động mới nào, chỉ thay đổi tên của các phòng ban và bố trí lại lao động cho phù hợp với điều kiện hoạt động của Công ty. Điều này chứng minh được Công ty có thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.

 [3] Về việc tuân thủ theo quy định tại Điều 44 và 46 Bộ luật lao động thấy rằng: Ngày 09/5/2016 Công ty đã phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn để trao đổi phương án tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động, cùng ngày Giám đốc Công ty trình Hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua phương án này. Ngày 12/5/2016, HĐQT ban hành Nghị quyết 05 thông qua phương án. Trong phương án được HĐQT thông qua theo Nghị quyết số 05 tại trang 17 có nội dung: “Bước 2: Xây dựng phương án sử dụng lao động. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty”.

 [4] Theo khoản 3 Điều 44 Bộ luật Lao động quy định “Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động...”, Khoản 2 Điều 46 Bộ luật lao động quy định “Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

Xét thời điểm xây dựng phương án tái cơ cấu tổ chức chưa có danh sách của những người bị chấm dứt hợp đồng lao động (ngày 09/5/2016).

Tuy nhiên ngày 16/5/2016, HĐQT, Ban điều hành, Trưởng phòng tổ chức làm việc với Trưởng bộ phận, đơn vị trực thuộc chốt lại danh sách người lao động tiếp tục sử dụng sau khi tái cơ cấu (BL 98) không có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động. Như vậy, khi xây dựng phương án tái cơ cấu tổ chức bộ máy thì Công ty thực hiện trình tự chặt chẽ là có họp Ban chấp hành Công đoàn vào ngày 09/5/2016 để thông qua phương án. Tuy nhiên đến bước quan trọng là xây dựng phương án sử dụng lao động thì không có tài liệu nào thể hiện là Công ty trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Thực tế khi kết thúc cuộc họp ngày 16/5/2016 (BL 98) thì ngày 17/5/2016 HĐQT đã thông qua Nghị quyết số 06. Trong thời gian này không có tài liệu thể hiện việc trao đổi với Ban chấp hành Công đoàn là không đúng với Nghị quyết số 05 của Công ty và không tuân thủ theo khoản 3 Điều 44, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật lao động.

 [5] Mặc dù trong phương án và các danh sách chấm dứt hợp đồng lao động có chữ ký của bà Thắm và đóng dấu của Ban chấp hành Công đoàn nhưng không có bất cứ biên bản nào thể hiện khi xây dựng phương án sử dụng lao động có sự tham gia của Ban chấp hành Công đoàn. Tại biên bản làm việc ngày 24/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đối với Ban chấp hành Công đoàn của Công ty thì những thành viên của Ban chấp hành Công đoàn đều thể hiện quan điểm là khi xây dựng phương án sử dụng lao động, Công ty không mời Ban chấp hành tham gia.

Tại phiên tòa, phía Công ty cho rằng khi họp lãnh đạo và các trưởng bộ phận phòng ban xong, vào ngày 16/5/2016 thì Công ty có đưa danh sách cho bà Thắm ký tên, việc bà Thắm ký danh sách chấm dứt hợp đồng lao động là đã thể hiện Công ty có trao đổi với Ban chấp hành Công đoàn. Như vậy điều này thể hiện là mọi việc do Ban lãnh đạo của Công ty quyết định, việc bà Thắm ký tên chỉ là hình thức, không thể hiện được ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đây là trách nhiệm của Công ty trong việc phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn nhưng Công ty không thực hiện là vi phạm khoản 5 Điều 192 Bộ luật Lao động. Do đó, Công ty chưa thể cho thôi việc đối với nhiều người mà chưa trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

[6] Quyết định số 165/QĐ-CTN ngày 27/7/2016 được ban hành khôngđúng trình tự thủ tục như nhận định nêu trên nên cần chấp nhận kháng cáo của ôngT1 về việc hủy Quyết định này và buộc Công ty phải nhận ông T1 trở lại làm việc.

Do chấp nhận yêu cầu hủy Quyết định số 165/QĐ- CTN ngày 27/7/2016 nênCông ty phải có trách nhiệm vật chất đối với ông T1 theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động, cụ thể Công ty phải trả cho ông T1 các khoản sau:

Chi trả tiền lương trong thời gian không được làm việc: Ông T1 yêu cầu được tính tiền lương từ ngày 28/7/2016 đến ngày xét xử phúc thẩm, mức lương ông yêu cầu theo hợp đồng lao động là 1,18 nhân với mức lương tối thiểu vùng từng thời điểm do Nghị định của Chính phủ ban hành. Phía Công ty chấp nhận yêu cầu này của ông T1 nếu như Hội đồng xét xử quyết định hủy quyết định của Công ty. Xét yêu cầu của ông T1 là có cơ sở như nhận định trên nên chấp nhận yêu cầu của ông T1 buộc Công ty phải chi trả cho ông T1 số tiền cụ thể:

- Từ ngày 28/7/2016 đến 30/12/2016 là 05 tháng 03 ngày x 1,18 x 3.100.000 = 18.789.000 đồng.

- Từ ngày 01/01/2017 đến 30/12/2017 là 12 tháng x 1,18 x 3.320.000 = 47.011.000 đồng.

- Từ ngày 01/01/2018 đến 01/6/2018 là 05 tháng 01 ngày x 1,18 x 3.530.000 = 21.016.000 đồng. Tổng cộng tiền lương: 86.816.000 đồng.

- Buộc Công ty bồi thường cho ông T1 bằng 02 tháng tiền lương (Tại thời điểm xét xử phúc thẩm theo mức lương cơ bản nhân với mức lương tối thiểu vùng)là 3.520.333 đồng/tháng x 1,18 x 02 tháng = 8.330.000 đồng.

Ngoài ra, Công ty còn phải có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm cho ông T1 từ tháng 28/7/2016 đến ngày xét xử phúc thẩm. Ông T1 có nghĩa vụ phối hợp với Công ty để đóng các khoản bảo hiểm của người lao động theo quy định của pháp luật.

- Đối với tiền ăn giữa ca là 680.000 đồng/tháng x 19 tháng = 12.920.000 đồng; Tiền thưởng = 7.443.440 đồng; Tiền thưởng Lễ 30/4-01/5 và nghỉ Tết là 4.000.000 đồng. Theo Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/01/2015 có quy định không tính tiền lương là tiền ăn giữa ca, tiền thưởng nên không chấp nhận yêu cầu này của ông Trung.

- Đối với tiền lương 15 ngày nghỉ phép năm = 2.938.200 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm ông T1 thừa nhận từ khi hợp đồng lao động đến nay nếu ông nghỉ phép năm thì vẫn được hưởng lương, nếu không nghỉ thì Công ty cũng không chi trả. Do buộc Công ty nhận ông T1 trở lại làm việc nên ông T1 có quyền thỏa thuận với Công ty để được nghỉ phép năm theo quy định.

- Tiền tổn thất tinh thần 33.200.000 đồng. Theo Điều 42 Bộ luật lao động quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật buộc người sử dụng lao động phải bồi thường 02 tháng tiền lương, do đó không chấp nhận yêu cầu bồi thường tiếp số tiền 33.200.000 đồng

- Chi phí nhờ tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 10.000.000 đồng. Theo khoản 2, 3 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định chi phí cho Luật sư do người yêu cầu chịu.

- Chi phí khác 2.000.000 đồng. Ông T1 trình bày chi phí khác cụ thể là chi phí in ấn tài liệu và phí công chứng các giấy tờ đi khởi kiện. Theo quy định từ Điều 151 đến Điều 169 của Bộ luật tố tụng dân sự thì chi phí khác có cụ thể là chi phí ủy thác, chi phí định giá… không có các loại chi phí do ông T1 đặt ra, do đó không chấp nhận yêu cầu này của ông Trung.

Tổng cộng các khoản ông T1 yêu cầu được chấp nhận là 95.146.000 đồng.

Đối với số tiền trợ cấp thôi việc hiện ông T1 chưa nhận nên không xem xét đối trừ. Công ty tự thực hiện thủ tục để nhận lại số tiền này.

 [7] Án phí lao động sơ thẩm, phúc thẩm ông T1 không phải chịu, quá trình giải quyết ông đươc miên dư nôp nên không đăt ra viêc ho àn lại. Công ty cổ phần cấp nước C phải chịu án phí lao động sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trịnh Huê T1.

Sửa bản án sơ thẩm số 02/2018/LĐ-ST ngày 23/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau.

Căn cứ vào các điều 22, 31, 36, 42, 44, 46 Bộ luật lao động; Điêu 147, Điều 151 đến Điều 169; khoản 2, 3 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Huê T 1 đối với Công ty cổ phần cấp nước C.

- Hủy Quyết định số 165/QĐ-CTN ngày 27/7/2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T1 và buộc Công ty cổ phần cấp nước C nhận ông Trịnh Huê T1 trở lại làm việc.

- Buộc Công ty cổ phần cấp nước C thanh toán cho ông Trịnh Huê T1 tổng số tiền là 95.146.000 đồng (Chín mươi lăm triệu, một trăm bốn mươi sáu ngàn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

Buộc Công ty cổ phần cấp nước C phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 28/7/2016 đến ngày xét xử phúc thẩm. Ông T1 có nghĩa vụ phối hợp với Công ty để đóng các khoản bảo hiểm của người lao động theo quy định của pháp luật.

Công ty có nghĩa vụ thanh toán tiền lương và các chế độ bảo hiểm khác cho ông Trịnh Huê T1 từ ngày xét xử phúc thẩm đến khi nhận ông Trịnh Huê T1 trở lại làm việc.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T1 đối với các khoản sau:

- Tiền ăn giữa ca là 12.920.000 đồng.

- Tiền thưởng 7.443.440 đồng.

- Tiền thưởng lễ 30/4; 01/5 và nghỉ Tết là 4.000.000 đồng.

- Tiền nghỉ phép năm 2.938.200 đồng.

- Tiền tổn thất tinh thần 33.200.000 đồng.

- Chi phí nhờ tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp 10.000.000 đồng.

- Chi phí khác 2.000.000 đồng.

3. Án phí lao động sơ thẩm, phúc thẩm: Ông T1 không phải nộp, đã được miễn dư nôp nên không đăt ra viêc hoan lai . Công ty cổ phần cấp nước C phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 2.854.000 đồng.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

831
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2018/LĐ-PT ngày 01/06/2018 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:03/2018/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 01/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về