TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 02/2021/HS-ST NGÀY 12/01/2021 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 12/01/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 44/2020/TLST-HS ngày 16/11/2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 65/2020/QĐXXST-HS ngày 15/12/2020 đối với bị cáo:
Họ và tên Giàng Chứ N, sinh ngày 15/11/1985, tại xã S, huyện Đ, tỉnh Hà Giang. Nơi cư trú thôn P, xã S, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm nương; trình độ văn hóa: 0/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Giàng Chúng C (đã chết) và bà Vàng Thị C1, sinh năm 1953; có vợ là Sùng Thị D, có 03 con lớn sinh năm 2003 nhỏ sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 27/7/2020; có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Giàng Chứ N: bà Bùi Thị H - Trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Giang; có mặt.
- Bị hại: ông Giàng Sính C2 (đã chết).
- Người đại diện hợp pháp của bị hại: anh Giàng Mí C3, sinh năm 1993; địa chỉ thôn C, xã S, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; có mặt.
- Người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan: chị Sùng Thị D, sinh năm 1986; địa chỉ thôn P, xã S, huyện Đ, tỉnh Hà Giang; có mặt.
- Người làm chứng: anh Vừ Mí T, chị Ly Thị S; vắng mặt không có lý do.
- Người phiên dịch tiếng Mông: ông Giàng Cồ S, sinh năm 1962; địa chỉ tổ 4, phường M, thành phố H, tỉnh Hà Giang; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 10 giờ 00 phút ngày 27/7/2020 Giàng Chứ N, Giàng Sính C2, Vừ Mí T cùng một số người khác đến nhà chị Ly Thị S ở thôn P, xã L, huyện Đ, tỉnh Hà Giang để giúp gia đình chị S thu hoạch ngô, đến khoảng 16 giờ chiều gia đình chị S có mời anh chị em giúp thu hoạch ngô ăn cơm, uống rượu, ngồi cùng mâm với Giàng Chứ N có Giàng Sính C2, Vừ Mí T và 04 người khác. Sau khi uống hết khoảng 03 pépsi rượu (loại dung tích 1,5lit), đến khoảng 18 giờ cùng ngày, thì mọi người đứng dậy đi về hết, còn lại Giàng Chứ N, Giàng Sính C2 và Vừ Mí T vẫn tiếp tục ngồi uống rượu, nói chuyện với nhau.
Quá trình nói chuyện N và C2 xảy ra mâu thuẫn và cãi nhau, nguyên nhân là do trước đây 02 người cùng yêu chị Vừ Thị M, trú tại thôn P, xã L, huyện Đ, C2 cho rằng được yêu M trước, còn N nói mày yêu trước nhưng cũng không được ngủ với M trước tao. Sau đó, N đứng dậy, C2 cũng đứng dậy theo và dùng tay phải đấm luôn một phát trúng vào mắt trái của N làm N ngã ra phía sau người chị S đang ngồi, N đứng dậy túm áo C2 thì bị C2 tiếp tục dùng tay phải đấm một phát trúng vào ngực phải N, rồi 02 người cùng túm áo của nhau, giằng co đẩy nhau ra khu vực giữa hiên nhà thì N bị ngã, xong tiếp tục đứng dậy giằng co với C2, lúc này có chị S và anh T kịp thời chạy đến để can ngăn, nhưng không được N và C2 tiếp tục giằng co đẩy nhau ngã xuống hiên nhà, trước cửa ra vào, C2 nằm ngửa ở phía dưới dùng tay đấm vào mặt N, còn N đè ở phía trên dùng tay đấm vào người C2 và 02 người vật lộn, giằng co, đấm nhau liên tiếp, anh T và chị S tiếp tục can ngăn, kéo được C2 ra và kéo N đứng dậy. Khi đứng dậy N đi lấy được con dao nhọn, loại dao bầu, bằng kim loại, liền lưỡi (tổng dài là 33,8cm, bản rộng nhất 7,6cm, phần lưỡi dài 23,8cm hình vòng cung) đặt ở thớt gỗ, trên bình gas, cách chỗ ngồi ăn cơm khoảng 01m, tay phải N cầm cán dao, mũi dao hướng về phía trước, lưỡi dao hướng xuống dưới chạy đến chỗ C2 đang đứng quay lưng về phía N, rồi đâm một phát với lực mạnh từ sau ra trước, từ dưới lên trên, từ phải qua trái trúng vào vùng lưng bên trái của C2, làm C2 ngã gục luôn xuống nền hiên nhà, chảy nhiều máu và bị chết ngay tại chỗ, còn N quay lại chỗ chiếu ngồi ăn cơm nằm, sau đó N bị quần chúng nhân dân giữ và áp giải đến Trụ sở Công an xã L, huyện Đ để làm rõ về hành vi giết người.
Tại kết luận giám định pháp y tử thi số 248/KLPY-PC09 ngày 14/8/2020 của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Giang kết luận: Nguyên nhân chết của Giàng Sính C2 "Mất máu cấp do vết thương vùng lưng bên trái làm đứt thận và các mạch máu vùng rốn thận trái"; cơ chế hình thành vết thương, "Vết thương vùng lưng trái do vật sắc gọn gây ra, các tổn thương còn lại do vật tầy gây ra".
Cáo trạng số 31/CT-VKS-P2 ngày 13/11/2020, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đã truy tố bị cáo Giàng Chứ N về tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa bị cáo Giàng Chứ N xác nhận hành vi phạm tội đúng như trong cáo trạng đã nêu, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố bị cáo về tội “Giết người” là hoàn toàn đúng người, đúng tội, không oan. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội lần đầu, sau khi phạm tội bị cáo rất hối hận về hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã cùng gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và xin được miễn án phí.
Đại diện hợp pháp của bị hại Giàng Sính C2 là anh Giàng Mí C3 xác nhận bị cáo và gia đình đã bồi thường một phần các chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần cho bị hại số tiền là 60.000.000 đồng vào ngày 31/7/2020. Tại phiên tòa đại diện hợp pháp của bị hại tiếp tục yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền còn thiếu là 180.222.000 đồng; về trách nhiệm hình sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Giàng Chứ N về tội "Giết người". Sau khi phân tích toàn diện, đầy đủ tính chất vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ Kiểm sát viên đề nghị:
Về tội danh: đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Giàng Chứ N phạm tội “Giết người”.
Về hình phạt: áp dụng khoản 2 Điều 123, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Giàng Chứ N từ 07 đến 08 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 27/7/2020.
Về trách nhiệm dân sự: xử buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại theo quy định của pháp luật.
Về vật chứng: áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự đề nghị tịch thu tiêu hủy các vật chứng đã qua sử dụng không còn giá trị.
Về án phí: miễn các khoản tiền án phí cho bị cáo.
Người bào chữa cho bị cáo trình bày: nhất trí quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang về tội danh, điều luật đã truy tố. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự, quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sau khi sự việc xảy ra bị cáo và gia đình đã tự nguyện bồi thường 60.000.000 đồng, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo N dưới mức thấp nhất hình phạt với mức 05 năm tù; về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho phù hợp và miễn các khoản tiền án phí cho bị cáo.
Ý kiến của bị cáo đối với quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên toà và khi trình bày lời nói sau cùng đó là đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa, bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa đã thực hiện là hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa vắng mặt người làm chứng là anh Vừ Mí T, chị Ly Thị S. Tuy nhiên, người làm chứng đã có lời khai rõ ràng trong giai đoạn điều tra và xét thấy việc người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, căn cứ Điều 293, Điều 299 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử thảo luận và quyết định vẫn tiến hành xét xử.
[3] Về tội danh: từ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại phiên tòa có đủ cơ sở để khẳng định sau khi uống rượu tại nhà chị Ly Thị S ở thôn P, xã L, huyện Đ, tỉnh Hà Giang vào khoảng 18 giờ ngày 27/7/2020, do có mâu thuẫn, cãi vã, Giàng Chứ N bị anh Giàng Sính C2 đấm vào mắt trái, sau đó cả hai vật lộn, giằng co, đấm lẫn nhau, ngay sau khi được mọi người can ngăn, do bực tức vì bị C2 đánh Giàng Chứ N lấy được con dao nhọn, loại dao bầu, bằng kim loại, liền lưỡi (tổng dài là 33,8cm, bản rộng nhất 7,6cm, phần lưỡi dài 23,8cm hình vòng cung) đặt ở thớt gỗ, trên bình gas, cách chỗ ngồi ăn cơm khoảng 01m, tay phải N cầm cán dao, mũi dao hướng về phía trước, lưỡi dao hướng xuống dưới đến chỗ C2 đang đứng quay lưng về phía N, rồi đâm một phát với lực mạnh từ sau ra trước, từ dưới lên trên, từ phải qua trái trúng vào vùng lưng bên trái của C2, làm C2 ngã gục luôn xuống nền hiên nhà. Hậu quả xảy ra đã khiến cho bị hại Giàng Sính C2 chết do mất máu cấp.
[4] Lời khai của bị cáo Giàng Chứ N trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa thống nhất, không có mâu thuẫn, phù hợp với lời khai của người làm chứng (bút lục từ 191 đến 223), kết quả khám nghiệm hiện trường (bút lục từ 04 đến 22), kết quả thực nghiệm điều tra (bút lục từ 41 đến 57), kết luận giám định pháp y (bút lục 124, 125) cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
[5] Do đó, có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Giàng Chứ N phạm tội Giết người, theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[6] Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng với lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, tính mạng của người khác đã được pháp luật hình sự bảo vệ, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi mà bị cáo đã gây ra cần có mức hình phạt nghiêm khắc, để đảm bảo tác dụng giáo dục, cải tạo, răn đe người phạm tội và làm gương cho những người khác.
[7] Về tình tiết tăng nặng: không.
[8] Về tình tiết giảm nhẹ: quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hồi cải; bị cáo đã cùng gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại; bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, sống ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, bị hại Giàng Sính C2 cũng có một phần lỗi khi đã dùng tay đấm vào mắt trái, vào ngực của N trước, đây là nguyên nhân dẫn đến sô sát, vật lộn giữa hai bên; tại phiên toà người đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[9] Cần tiếp tục ra quyết định tạm giam đối với bị cáo để đảm bảo thi hành án.
[10] Về hình phạt bổ sung: xét thấy không cần áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[11] Về trách nhiệm dân sự: tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị hại anh Giàng Mí C3 giữ nguyên yêu cầu bị cáo Giàng Chứ N phải bồi thường cho gia đình tiền chi phí mai táng là 140.222.000 đồng, tiền bồi thường về tổn thất tinh thần là 100.000.000 đồng, tổng cộng là 240.222.000 đồng.
[12] Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu của người đại diện hợp pháp của bị hại là quá cao và không hợp lý, bị hại cũng là người có lỗi dẫn đến sự việc nên bị hại cũng phải chịu một phần trách nhiệm về dân sự; bị cáo và gia đình thuộc hộ nghèo, gia đình gặp khó khăn về kinh tế, các con của bị cáo còn nhỏ nên cần được cân nhắc khi xem xét về phần trách nhiệm dân sự cho hợp tình, hợp lý. Do đó, căn cứ vào Điều 584, Điều 585, Điều 591 Bộ luật Dân sự, Mục 2 phần II của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ xử buộc bị cáo phải chịu các khoản sau:
[13] Đối với khoản tiền chi phí mai táng: xử buộc bị cáo Giàng Chứ N phải bồi thường khoản tiền chi phí hợp lý cho việc mai táng số tiền là 40.000.000 đồng (bao gồm các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe và các khoản chi phí hợp lý khác phục vụ cho việc chôn cất theo thông lệ chung).
[14] Về khoản tiền cấp dưỡng: đến thời điểm xét xử cháu Giàng Mí C4 (con của bị hại) đã trên 18 tuổi, khỏe mạnh và lao động bình thường, bố mẹ của bị hại Giàng Sính C2 đều đã chết (bút lục 178, 179) nên vấn đề cấp dưỡng không đặt ra.
[15] Về khoản tiền bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần: quá trình điều tra xác định những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bị hại bao gồm Lầu Thị M1, sinh năm 1982, Giàng Mí C4, sinh ngày 10/10/2002 là vợ, con của bị hại Giàng Sính C2, ngoài ra không còn ai khác. Việc bị cáo N thực hiện hành vi phạm tội khiến bị hại chết đã gây tổn thất về tinh thần cho vợ, con của bị hại Giàng Sính C2 nên cần buộc bị cáo N phải bồi thường một khoản tiền nhất định để bù đắp tổn thất về tinh thần cho chị M1 và cháu C4 với mức là 30 tháng lương cơ sở/01 người, cụ thể là 30 x 1.490.000 đồng = 44.700.000 đồng x 2 = 89.400.000 đồng.
[16] Như vậy, tổng cộng số tiền bị cáo phải bồi thường là 129.400.000 đồng, bị cáo N và gia đình đã tự nguyện bồi thường số tiền là 60.000.000 đồng. Bị cáo N còn phải tiếp tục bồi thường số tiền còn thiếu cho chị Lầu Thị M1, cháu Giàng Mí C4 số tiền là 69.400.000 đồng. Do hai mẹ con chị M1 và cháu C4 cùng sống chung tại địa chỉ thôn C, xã S, huyện Đ, tỉnh Hà Giang nên cần tuyên chị Lầu Thị M1 là người đại diện nhận số tiền trên là phù hợp.
[17] Xử lý vật chứng
[18] Quá trình điều tra Cơ quan Công an đã thu giữ 01 chiếc điện thoại di động, nhãn hiệu Mobell màu đen của bị cáo Giàng Chứ N, kết quả điều tra đã chứng minh không liên quan đến vụ án. Ngày 27/10/2020 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định xử lý vật chứng, trả lại cho bị cáo Giàng Chứ N, vợ là chị Sùng Thị D đã nhận lại đồ vật trên, nên không cần xem xét.
[19] Đối với các vật chứng khác gồm 01 con dao liền chuôi bằng kim loại mũi nhọn một lưỡi sắc; 01 chiếc áo phông cộc tay màu trắng; 01 chiếc áo phông có cổ. Đây là các vật chứng có liên quan đến việc phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.
[20] Ý kiến, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang tại phiên tòa là có căn cứ nên được chấp nhận.
[21] Chấp nhận một phần ý kiến, quan điểm và đề nghị của người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa; không chấp nhận đề nghị áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo.
[22] Về án phí: bị cáo là người dân tộc Mông, sinh sống tại thôn P, xã S, huyện Đ, tỉnh Hà Giang là vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II và khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020), tại phiên tòa bị cáo có đơn xin miễn án phí. Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu của bị cáo là có căn cứ nên cần chấp nhận miễn khoản tiền án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[23] Quyền kháng cáo: bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Giàng Chứ N phạm tội "Giết người".
2. Áp dụng khoản 2 Điều 123, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Giàng Chứ N 08 (tám) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam ngày 27/7/2020.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
Áp dụng Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự quyết định tạm giam bị cáo Giàng Chứ N với thời hạn là 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.
3. Về trách nhiệm dân sự: căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự, Điều 584, Điều 585, Điều 591 Bộ luật Dân sự xử buộc bị cáo Giàng Chứ N có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại số tiền là 129.400.000 đồng. Xác nhận bị cáo N và gia đình đã tự nguyện bồi thường số tiền là 60.000.000 đồng.
Bị cáo Giàng Chứ N còn phải tiếp tục bồi thường số tiền còn thiếu là 69.400.000 đồng cho chị Lầu Thị M1 sinh năm 1982; địa chỉ thôn C, xã S, huyện Đ, tỉnh Hà Giang.
Số tiền nói trên kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu số tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi xuất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Về vật chứng: áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy 01 con dao liền chuôi bằng kim loại mũi nhọn một lưỡi sắc; 01 chiếc áo phông cộc tay màu trắng; 01 chiếc áo phông có cổ.
Đặc điểm, tình trạng các vật chứng như biên bản giao nhận vật chứng ngày 13/11/2020 giữa Công an tỉnh Hà Giang và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Giang.
5. Về án phí: áp dụng Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án miễn khoản tiền án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cho bị cáo Giàng Chứ N.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Bị cáo, người đại diện hợp pháp cho bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 02/2021/HS-ST ngày 12/01/2021 về tội giết người
Số hiệu: | 02/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/01/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về