Bản án 42/2017/HSST ngày 08/09/2017 về tội giết người

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 42/2017/HSST NGÀY 08/09/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 08/9/2017, tại Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 36/2017/HSST ngày 03 tháng 8 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 51/2017/HSST-QĐ ngày 24/8/2017 đối với:

Bị cáo Vòng Cỏn D (T), sinh năm: 1965 tại Quảng Trị; Trú tại: thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Hoa; Tôn giáo: không; Nghề nghiệp: Làm rẫy; Trình độ văn hóa: 02/12; Con ông Vòng Cọc K (đã chết) và bà Dịch Siêu H, sinh năm 1927. Tiền sự: không; tiền án: Không. Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/12/2016 cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa: Ông Nguyễn Minh Đăng –Luật sư Văn phòng luật sư Đăng Minh Bình Phước thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước; Địa chỉ: Đường Hùng Vương, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước (có mặt)

Người bị hại: Bà Hồ A N, sinh năm 1966; Trú tại: thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước (có mặt)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lâm Thị P, sinh năm 1971 (có mặt)

Ông Vòong Cỏng C, sinh năm 1967 (có mặt) Trú tại: thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước Người phiên dịch:

Ông Lương Khởi M, sinh năm 1950 (chi hội trưởng Hội nông dân thôn Bình Tiến, dân tộc: Hoa); Trú tại: thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước (vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vòng Cỏn D và chị Hồ A N có mối quan hệ là anh chồng và em dâu. Khoảng tháng 5/2016, gia đình D và gia đình chị N có tranh chấp với nhau về ranh giới đất rẫy tại thôn B, xã N, huyện B và được hòa giải thôn hòa giải.

Khoảng 06 giờ ngày 23/12/2016, D đi vào rẫy thì thấy hàng cây gòn (khoảng 20 cây) trồng ở sát hàng rào, khu vực giáp ranh với đất rẫy của gia đình chị N bị vàng lá sắp chết nên nghĩ do chị N xịt thuốc diệt cỏ làm hàng cây gòn bị chết. Sau đó D gọi điện thoại trình báo sự việc trên cho anh Trần A Lộc là người làm trong tổ hòa giải thôn Bình Tiến biết rồi đi hái cà phê. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, D đi hái cà phê thì thấy chị N chạy xe mô tô ngang qua nên kêu nhưng chị N không nghe. Đến khoảng 12 giờ, thấy chị N chạy xe máy đi về, D lấy cây rựa dài 87cm, lưỡi bằng kim loại dài 30cm, cán bằng tre dài 57cm để dưới gầm giường chạy ra đường chặn xe chị N. Khi chị N dừng xe lại, D đứng phía bên trái chị N, tay phải cầm cây rựa giơ lên đe dọa và hỏi “Sao mày xịt thuốc mà mày xịt chết hàng gòn của tao”, chị N nói “Tui xịt cỏ bên rẫy tui, cây ông chết thì kệ ông”. D tiếp tục nói “mày có tin tao chém mày không”, chị N trả lời “Ông ngon ông chém tôi đi”. Nghe vậy, D cầm rựa chém liên tiếp 02 nhát từ trên xuống trúng bên trái đỉnh đầu của chị N. Bị chém nên chị N bước chân trái qua bên phải xe để bỏ chạy thì bị vướng vào bao đựng đồ để trên gác baga xe máy, D chém tiếp 01 nhát nữa vào bên phải đỉnh đầu của chị N. Khi chị N chuẩn bị bỏ chạy, D chém thêm 01 nhát trúng vào tay trái chị N, do vướng xe máy của chị N nên D bị ngã. Chị N chạy được khỏang 20m thì bị té và ngất xỉu, D không đuổi theo mà cầm rựa đi vào để dưới gầm giường trong chòi rẫy rồi lấy xe máy đi về nhà, gọi điện thoại báo cho vợ là chị Lâm Thị P biết sự việc trên. Sau đó D đến công an xã Nghĩa Bình đầu thú, khai báo về hành vi phạm tội của mình.

Chị N sau khi tỉnh dậy thì gọi điện thoại báo cho anh Lộc biết và kêu mọi người vào cứu. Sau đó chị được anh Trần Cẩm V và anh Trần A D chạy vào đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã Nghĩa Bình.

Quá trình điều tra, D khai chỉ nhớ chém chị N 03 nhát vào đầu và 01 nhát vào cánh tay trái, không nhớ còn chém thêm nữa hay không, ngoài D thì không có ai khác chém chị N nên các thương tích ở trán đỉnh trái và cánh tay trái do D gây ra.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 19/2017/TgT ngày 21/02/2017 của Trung tâm giám định y khoa – pháp y tỉnh Bình Phước đối với Hồ A N kết luận như sau:

- Dấu hiệu chính qua giám định: Chấn thương vỡ sọ đỉnh phải + dập não đỉnh phải đã phẫu thuật gặm sọ, lấy não dập, di chứng khuyết sọ đỉnh phải kích thước 9x5cm đáy mềm, tổn thương não. 02 sẹo cánh tay trái: 1/3 giữa – ngoài 2x0,2cm; 1/3 dưới – sau – ngoài kích thước 4x0,2cm mềm.

- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 53%.

Tại bản kết luận giám định AND số 1140/C54B ngày 19/5/2017 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: trên cán và lưỡi cây rựa gửi giám định đều dính máu người. Phân tích kiểu gen (ADN) theo hệ Identifiler cho thấy các dấu vết máu này đều có kiểu gen trùng với kiểu gen (AND) của bị hại Hồ A N.

Tại bản kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số 109/2017/TgT ngày 04/7/2017 của Trung tâm giám định y khoa – pháp y tỉnh Bình Phước đối với Hồ A N kế luận:

Vết đứt dạng hình chữ V trên mũ vải khi đội vào đầu trụng hợp với vị trí 02 vết cắt nhau vùng đỉnh chẩm trái của Hồ A N.

Trường hợp Vòng Cỏn D đứng bên trái Hồ A N chém từ trên xuống dưới tạo ra được vết đứt mũ hình chữ V và 02 vết thương cắt nhau vùng đỉnh chẩm trái của bị hại Hồ A N với 02 lần chém.

Trường hợp Vòng Cỏn D đứng bên trái bị hại Hồ A N chém: bị hại xoay người ngược lại có thể tạo ra được vết rách ở mũ vải đang đội và vết thương vùng đỉnh phải của bị hại Hồ A N (theo diễn biến ghi nhận tại bản ảnh 37 đến 41).

Trường hợp Vòng Cỏn D đứng bên phải Hồ A N chém: không thể tạo ra được tổn thương vùng đỉnh chẩm phải và 02 vết thương vùng đỉnh chẩm trái của bị hại Hồ A N.

Trường hợp bị hại nằm úp mặt xuống đất, Vòng Cỏn D đứng bên phải và bên trái bị hại dùng rựa chém bị hại có thể tạo ra được vết thương trên đầu bị hại N.

Căn cứ vào lời khai của bị hại Hồ A N, lời khai của bị cáo Vòng Cỏn D và kết quả thực nghiệm điều tra ngày 30/5/2017 thì diễn biến theo lời khai của bị cáo Vòng Cỏn D phù hợp hơn với thương tích trên người bị hại Hồ A N.

Vật chứng thu giữ trong quá trình điều tra: 01 cây rựa dài 87cm, lưỡi bằng kim loại dài 30cm, cán bằng tre dài 57cm, 01 mũ vải màu đen.

Trách nhiệm dân sự : bị hại Hồ A N yêu cầu bị cáo bồi thường chi phí điều trị là 81.488.210đ, tiền xe đi lại là 12.384.000đ, tiền mất thu nhập là 10.000.000đ, tiền công cho người chăm sóc là 3.750.000đ. Tổng cộng là 107.622.210đ. Ngoài ra người bị hại còn yêu cầu bị cáo bồi thường tiền tổn thất tinh thần và tiền công lao động theo quy định của pháp luật.

Chị Lâm Thị P (vợ bị cáo D) đã giao nộp cho cơ quan điều tra số tiền là 20.000.000đ để bồi thường cho bị hại Hồ A N.

Tại bản Cáo trạng số 29/CTr-VKS ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo Vòng Cỏn D phạm tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự và thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 18 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như bản Cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà giữ nguyên Cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Giết người”, áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 18; Điều 52; Điều 33 của BLHS xử phạt bị cáo mức án từ 10 đến 11 năm tù.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như bị cáo đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, bị cáo là người dân tộc thiểu số có nhận thức pháp luật hạn chế, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, luôn tuân thủ pháp luật, là lao động chính trong gia đình, mẹ bị cáo già yếu, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường khắc phục một phần hậu quả, đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Vì bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của BLHS, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo mức án từ 7 đến 8 năm tù.

Bị cáo nói lời sau cùng: bị cáo xin lỗi người bị hại và xin Hội động xét xử xử bị cáo một mức án nhẹ cho bị cáo sớm về với gia đình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1].Trong quá trình điều tra, truy tố, các hành vi, quyết định của cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

[2]. Xét lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng về thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội. Phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định pháp y, kết luận giám định AND, phù hợp với thương tích của người bị hại, kết quả thực nghiệm điều tra cùng các chứng cứ khác được xét hỏi công khai tại phiên tòa. Hội đồng xét xử có cơ sở khẳng định: ngày 23/12/2016, Vỏng Cỏn D đã có hành vi dùng dao rựa chém 03 nhát vào đầu và 01 nhát vào tay của chị Hồ A N gây thương tích 53%.

Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác được pháp luật hình sự bảo vệ, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân.

Bị cáo phạm tội với lỗi cố ý, khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo hoàn toàn nhận thức được việc dùng dao rựa là hung khí nguy hiểm chém nhiều nhát vào đầu là vùng xung yếu của cơ thể là nguy hiểm đến tính mạng của người khác nhưng chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà bị cáo vẫn cố tình thực hiện thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự. Việc chị N không chết là ngoài ý muốn của bị cáo.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93; Điều 18 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Xét tính chất hành vi do bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, không những xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại mà còn để lại hậu quả xấu về mặt xã hội, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân. Vì vậy, cần xử phạt bị cáo một mức án tương xứng với hành vi mà bị cáo đã gây ra mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

[3]. Tuy nhiên,sau khi phạm tội, bị cáo đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo đã tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại khắc phục một phần hậu quả cho người bị hại, bị cáo là người dân tộc thiểu số nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa có tiền án, tiền sự. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự được Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình đối với bị cáo.

Tuy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, do đó không thể áp dụng Điều 47 BLHS cho bị cáo.

 [4].Về trách nhiệm dân sự: tại phiên tòa, người bị hại Hồ A N và bị cáo thống nhất bồi thường các khoản tiền như sau:

- Chi phí điều trị là 86.081.000đ;

- Tiền công lao động cho người chăm sóc trong 25 ngày,mỗi ngày 120.000đ là 3.000.000đ;

- Tiền mất thu nhập từ ngày 23/12/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm là 255 ngày, mỗi ngày 120.000đ là 30.600.000đ;

- Tiền xe đi cấp cứu là 1.000.000đ, tiền xe từ bệnh viện Chợ Rẫy về điều trị tại bệnh viện tỉnh Bình Phước là 1.500.000đ, tiền xe đi từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước về nhà là 600.000đ, tiền xe hai lần đi tái khám tại bệnh viện tâm thần trung ương ở Biên Hòa, Đồng Nai là 3.500.000đ, tiền xe hai lần đi tái khám tại bệnh viện Chợ rẫy là 960.000đ, hai lần phải thuê xe đi đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước và công an huyện Bù Đăng để lấy lời khai là 1.400.000đ. Tổng cộng là 8.960.000đ

- Đối với tiền tổn thất tinh thần, người bị hại và bị cáo thống nhất là theo quy định của pháp luật.

Xét tính chất mức độ hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra cho người bị hại là đặc biệt nghiêm trọng, người bị hại bị thiệt hại 53% sức khỏe, tiền tổn thất tinh thần mà bị cáo phải bồi thường cho người bị hại bằng 53 tháng lương cơ sở (1.300.000đ/tháng) là 68.900.000đ.

Như vậy, tổng cộng bị cáo phải bồi thường cho người bị hại số tiền là 197.541.000đ, được trừ đi số tiền chị P (vợ bị cáo) đã khắc phục bồi thường 20.000.000đ tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước (số tiền này đã được chuyển cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước quản lý theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 0000019 ngày 03/8/2017), bị cáo còn phải bồi thường cho người bị hại số tiền 177.541.000đ (một trăm bảy mươi bảy triệu năm trăm bốn mươi mốt ngàn đồng).

Chị Lâm Thị P (vợ bị cáo D) không yêu cầu bị cáo phải trả số tiền 20.000.000đ nên không xem xét.

[5].Vật chứng của vụ án gồm: 01 cây rựa (dài 87cm, lưỡi bằng kim loại dài 30cm, cán bằng tre dài 57cm) là công cụ phạm tội và 01 mũ vải màu đen không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.

Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước là có căn cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận

Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo được Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.

Án phí sơ thẩm bị cáo phải chịu theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Vòng Cỏn D (T) phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

[2]. Về áp dụng pháp luật: Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; Điều 18; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 52; Điều 33 của Bộ luật hình sự;

[3]. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Vòng Cỏn D (T) 11 (mười một) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 23/12/2016.

[4].Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 589, 591, 593 của Bộ luật dân sự năm 2015. Công nhận sự thỏa thuận của bị cáo và người bị hại về trách nhiệm dân sự.

Buộc bị cáo Vòng Cỏn D tiếp tục bồi thường cho người bị hại số tiền là 177.541.000đ (một trăm bảy mươi bảy triệu năm trăm bốn mươi mốt ngàn đồng).

Người bị hại Hồ A N liên hệ đến Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước để nhận số tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) chị P đã bồi thường theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 0000019 ngày 03/8/2017 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước.

Đối với số tiền 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) chị P đã bồi thường thay cho bị cáo, chị P không yêu cầu bị cáo trả lại nên không xem xét.

“Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015”.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

[5].Vật chứng của vụ án: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Tịch thu tiêu hủy số vật chứng gồm: 01 cây rựa dài 87cm, lưỡi bằng kim loại dài 30cm, cán bằng tre dài 57cm, 01 mũ vải màu đen.

[6]. Án phí và quyền kháng cáo

Án phí hình sự sơ thẩm bị cáo phải chịu 200.000đ.

Án phí dân sự sơ thẩm bị cáo phải chịu 4.438.000đ

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

596
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 42/2017/HSST ngày 08/09/2017 về tội giết người

Số hiệu:42/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:08/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về