Bản án 02/2019/DS-ST ngày 18/04/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K, TỈNH HÒA BÌNH

BẢN ÁN 02/2019/DS-ST NGÀY 18/04/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 18 tháng 4 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 01/2019/TLST-DS ngày 04 tháng 01 năm 2019, về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2019/QĐXX-ST ngày 28/02/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 03/2019/QĐST-DS ngày 03 tháng 04 năm 2019, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ngân hàng B Địa chỉ trụ sở: số 89 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Chí D – Chủ tịch Hội đồng quản trị

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tân C – Trưởng bộ phận xử lý nợ và Ông Cao Văn Đ – Cán bộ xử lý nợ.

Bị đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1975.

Nơi cư trú: xóm TH, xã H, huyện K, tỉnh Hòa Bình;

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có mặt, bị đơn vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện và lời khai trong suốt quá trình tố tụng, nguyên đơn có người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 06/7/2017 ông Nguyễn Văn H có ký Giấy đăng ký vay tiêu dùng cá nhân, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ và dịch vụ ngân hàng điện tử với Ngân hàng B (sau đây viết tắt là B Bank) Chi nhánh Hòa Bình, địa chỉ: số 878 tổ 17 đường Cù Chính Lan,phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vay số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) với lãi suất thoả thuận 30%/năm để tiêu dùng cá nhân. Thời hạn vay là 60 tháng tính từ ngày giải ngân vốn vay đầu tiên, loại hình cho vay là Tín chấp hộ kinh doanh, khoản vay không có tài sản đảm bảo. Sau khi ký hợp đồng, phía Ngân hàng đã gọi điện thoại cho ông H để điều chỉnh lãi suất của khoản vay. Ngày 10/07/2017, trên cơ sở giấy đăng ký vay tiêu dùng và điều chỉnh lãi suất đã được ông H chấp thuận, B Bank đã chuyển tiền qua tài khoản tín dụng cá nhân của ông H mở tại B Bank, mã số khoản vay là LN1707070106037.

Theo thỏa thuận, ông H có trách nhiệm thanh toán số tiền lãi và gốc hàng tháng cho B Bank. Tính đến ngày 14/8/2018 Ông H đã thanh toán 1.269.069 đồng tiền nợ gốc và 5.547.140 đồng tiền nợ lãi, tổng cộng là 6.816.209 đồng. Từ đó đến nay ông H không thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào dù Ngân hàng đã nhắc nhở, yêu cầu thanh toán. Ngày 10/9/2018 B Bank đã chuyển khoản vay của ông Nguyễn Văn H sang nợ quá hạn, tính đến ngày 18/4/2019 cụ thể nợ gốc là 198.730.931 đồng và nợ lãi quá hạn là 159.184.529 đồng, phạt chậm trả lãi là 15.222.454 đồng, tổng cộng là 373.137.914 đồng.

Do khách hàng trễ hạn thanh toán B Bank khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Nguyễn Văn H thanh toán cho B Bank toàn bộ số tiền nợ gốc, nợ lãi và các khoản phát sinh liên quan theo hợp đồng tín dụng nêu trên.

Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn cung cấp chứng cứ là file ghi âm xác nhận lại thỏa thuận về lãi giữa B Bank và ông Nguyễn Văn H, cho rằng việc thông báo cho ông H về lãi suất duyệt chi cho vay là 32%/năm đã được ông H biết và chấp thuận. Vì vậy việc đề nghị HĐXX cho phép B Bank tiếp tục tính lãi theo lãi suất 32%/năm đối với dư nợ gốc.

Nguyên đơn yêu cầu cho tiếp tục tính lãi theo đúng thỏa thuận giữa B Bank và ông Nguyễn Văn H và các văn bản tín dụng kèm theo từ ngày 10/9/2018 cho đến ngày ông H thực tế thanh toán hết nợ tại B Bank.

Bị đơn ông Nguyễn Văn H không đến Tòa nên không thu được lời khai cũng như không hòa giải được. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã triệu tập ông H hợp lệ nhưng ông H không đến làm việc. Tòa án đã tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Vụ án thuộc trường hợp không hòa giải được. Việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử là có căn cứ.

* Đi diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình phát biểu ý kiến:

Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án: lập hồ sơ vụ án, tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định hoãn phiên tòa, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia phiên tòa đảm bảo đúng quy định của Bộ luật TTDS . Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, nguyên đơn tuân thủ pháp luật không vi phạm tố tụng. Bị đơn chưa chấp hành đúng theo quy định của pháp luật.

Việc thu thập chứng cứ: Tòa án chưa yêu cầu nguyên đơn cung cấp hợp đồng tín dụng nên chưa đảm bảo yêu cầu thụ lý.

Về chứng cứ mới nguyên đơn cung cấp trước phiên tòa là file ghi âm, Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã được sao lưu chứng cứ. Vì vậy đề nghị HĐXX cho tạm ngừng phiên tòa, giám định đoạn ghi âm về giọng nói và nội dung trong đoạn ghi âm do nguyên đơn cung cấp có phải là giọng nói của ông Nguyễn Văn H và nhân viên của B Bank không? Nội dung của đoạn ghi âm thể hiện nội dung gì? Về việc giải quyết vụ án: chưa đề cập đến.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng dân sự:

Xét đơn khởi kiện của B Bank, Giấy đăng ký vay tiêu dùng và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy: giao dịch giữa B Bank và ông H là có thực, giấy đăng ký vay tiêu dùng thể hiện đầy đủ các nội dung cơ bản cần có của một hợp đồng tín dụng, vì vậy tranh chấp giữa các đương sự được xác định là tranh chấp hợp đồng tín dụng. Mặt khác, tính đến ngày 14/8/2018 Ông H đã thanh toán 1.269.069 đồng tiền nợ gốc và 5.547.140 đồng tiền nợ lãi chứng tỏ có việc ông H đã được B Bank chấp thuận đề nghị vay và đã giải ngân đúng theo quy định. Bị đơn cư trú tại huyện K nên theo qui định của các Điều 26; Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật tố tụng Dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hòa Bình.

Giao dịch vay nợ giữa ông Nguyễn Văn H và B Bank được thể hiện bằng Giấy đăng ký vay tiêu dùng cá nhân, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ và dịch vụ ngân hàng điện tử, đại diện nguyên đơn đã xác nhận mã số LN1707070106037 không phải là giao dịch điện tử mà chỉ là mã số để quản lý khoản vay trên hệ thống của B Bank. Đại diện của B Bank cũng xác nhận ngoài giấy đăng ký vay tiêu dùng không có bất cứ giấy tờ nào khác thể hiện giao dịch giữa hai bên.

Ông Nguyễn Văn H đã được tòa án triệu tập hợp lệ để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng đều vắng mặt. Căn cứ khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự vụ án này thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được.

Ông Nguyễn Văn H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa. Đại diện của nguyên đơn có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt bị đơn. Căn cứ khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt ông Nguyễn Văn H.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Xét B Bank và ông Nguyễn Văn H có ký hợp đồng tín dụng vào ngày 06/7/2017 với thời hạn vay là 60 tháng, số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) với lãi suất thoả thuận 30%/năm. Ngày 10/7/2017 B Bank đã giải ngân vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Văn H mở tại B Bank. Đây là hợp đồng vay tài sản có kỳ hạn và có lãi. Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì tổ chức tín dụng và bên vay có quyền thỏa thuận về lãi suất vay nên hợp đồng vay giữa B Bank và ông Nguyễn Văn H đúng qui định của pháp luật. Nghĩa vụ của bên vay phải trả đủ tiền gốc và lãi hàng tháng khi đến hạn nhưng tính đến tháng 09/2017 ông H chỉ trả được 6.816.209 đồng (bao gồm 1.269.069 đồng tiền nợ gốc và 5.547.140 đồng tiền nợ lãi) là vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn cho rằng lãi suất cho vay đối với ông H là 30% là phần ông H đề nghị ban đầu, thực tế ông H đã đồng ý với điều chỉnh lãi suất lên 32% thông qua điện thoại và đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu này. Về yêu cầu trên của đại diện nguyênđơn, HĐXX có nhận định như sau: hợp đồng tín dụng ngân hàng là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa các tổ chức tín dụng (bên cho vay) với pháp nhân, cá nhân có đủ những điều kiện do luật định (bên vay), theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định và thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Việc thỏa thuận giữa các bên đương sự về việc điều chỉnh lãi suất cho vay không lập thành văn bản, vì vậy không có căn cứ để HĐXX công nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

Dựa trên thỏa thuận về lãi suất giữa B Bank và ông H, VB Bank yêu cầu ông H thanh toán toàn bộ số tiền vốn vay còn thiếu và lãi quá hạn tính đến ngày xét xử sơ thẩm tổng cộng là 373.137.914 đồng, bao gồm : nợ gốc: 198.730.931 đồng; nợ lãi: 159.184.529 đồng; phạt lãi chậm trả: 15.222.454 đồng. Như đã nhận định về lãi suất ở trên, HĐXX không có cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B Bank. Vì vậy, buộc ông Nguyễn Văn H phải thanh toán toàn bộ số tiền vốn vay và lãi còn thiếu theo thỏa thuận ký với B Bank ngày 06/7/2017: số tiền 200.000.000 đồng với lãi suất 30%/năm. Cụ thể như sau:

- Lãi suất trong hạn: từ ngày 10/7/2017 đến 09/8/2017 là 5.166.667 đồng, từ ngày 10/8/2017 đến ngày 13/8/2017 là 666.667 đồng. Ngày 14/8/2019 ông Nguyễn Văn H đã trả 1.269.069 đồng tiền nợ gốc, tiền nợ lãi còn phải trả đối với dư nợ gốc 198.730.931 đồng tính đến ngày 09/9/2017 là 4.471.446 đồng. Số tiền lãi trong hạn tổng cộng ông H phải nộp là : 10.304.780 đồng. Ông H đã nộp 5.547.140 đồng, còn thiếu 4.757.640 đồng.

- Lãi suất quá hạn: từ ngày 10/9/2017 đến 18/4/2018 là 145.570.406 đồng.

- Phạt chậm trả lãi từ ngày 10/9/2017 đến 18/4/2018 là 14.369.359 đồng.

Vậy, ông Nguyễn Văn H còn phải thanh toán cho B Bank số tiền như sau: tiền nợ gốc: 198.730.931 đồng; tiền nợ lãi: 150.328.046 đồng; tiền phạt lãi chậm trả: 14.369.359 đồng, tổng cộng là 363.428.336 đồng và phải thanh toán cho B Bank làm một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ông H đã được Tòa án tống đạt hợp lệ thông báo thụ lý vụ án nhưng không có ý kiến phản đối chứng tỏ có việc vay nợ và thiếu nợ giữa ông H và B Bank. Căn cứ Điều 463, Điều 466 Bộ luật Dân sự B Bank yêu cầu ông H phải trả số tiền gốc và lãi phát sinh còn thiếu theo hợp đồng tín dụng ký ngày 06/7/2017.

[3] Căn cứ án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm thì:

Đi với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Nên ông Nguyễn Văn H còn phải tiếp tục chịu lãi quá hạn trên phần nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất mà ông Nguyễn Văn H phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay.

[4] Về án phí: Theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016): “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.” Nên án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án này được tính như sau:

Do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận toàn bộ nên nguyên đơn phải chịu án phí tương ứng đối với phần yêu cầu không được chấp nhận . Cụ thể là: 9.709.578 đồng x 5% = 485.500 đồng.

Ông Nguyễn Văn H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận. Cụ thể là: 363.428.336 đồng x 5% = 18.171.400 đồng

[5] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Các Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 227, Điều 228, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Các Điều 463, Điều 466 của Bộ luật dân sự năm 2015;

- Luật các tổ chứ tín dụng năm 2010; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Án lệ số 08/2016/AL Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tuyên xử vắng mặt bị đơn Nguyễn Văn H.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn B Bank:

Buộc ông Nguyễn Văn H phải trả cho B Bank số tiền nợ gốc là 198.730.931 đồng và nợ lãi quá hạn là 150.328.046 đồng, phạt chậm trả lãi là 14.369.359 đồng, tổng cộng là 363.428.336 đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Văn H còn phải tiếp tục trả cho B Bank khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất mà ông Nguyễn Văn H phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Nguyễn Văn H phải chịu là 18.171.400 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

B Bank phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là : 485.500 đồng, được đối trừ với số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 7.161.000 đồng ( Bảy triệu một trăm sáu mươi mốt nghìn đồng) đồng theo biên lai thu tiền số AA/2015/0004117 ngày 09/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Hòa Bình. Nay B Bank được hoàn lại số tiền 6.675.500 đồng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự;thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Ngân hàng B có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 18/04/2019.

Ông Nguyễn Văn H vắng mặt được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được tống đạt bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

326
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2019/DS-ST ngày 18/04/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:02/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kỳ Sơn (cũ) - Hoà Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về