Bản án 01/2020/DS-ST ngày 29/05/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 01/2020/DS-ST NGÀY 29/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP 

Ngày 29 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 04/2020/TLST-DS ngày 07/01/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2020/QĐXXST-DS ngày 16/4/2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 11/2020/QĐST-KDTM ngày 05/5/2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP T (Ngân hàng T).

Địa chỉ trụ sở: Số 191 B, phường L, quận H, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Hồ Hùng A- Chủ tịch HĐQT. Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị N- Giám đốc xử lý nợ.

Người được bà Phạm Thị N ủy quyền lại (Giấy ủy quyền số 398- 03/2020/UQ-TCB ngày 09/5/2020):

- Bà Phạm Thị C- Cán bộ xử lý nợ. Có mặt.

- Ông Đinh Đắc D- Cán bộ xử lý nợ. Có mặt.

Địa chỉ: Tầng 22, Tòa nhà văn phòng Ngân hàng T, số 119 T, phường T, quận C, thành phố Hà Nội.

2. Bị đơn: Bà Bùi Thị T, sinh năm 1986.

Địa chỉ: Ngõ 19B đường L, Khu 15, phường N, thành phố H, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Tại đơn khởi kiện và trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án, đại diện của nguyên đơn trình bày:

Ngày 26/12/2017, Ngân hàng TMCP T (Ngân hàng T) chi nhánh H và bà Bùi Thị T ký Đề nghị giải ngân kiêm hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số HDG20170746/HĐTD và Điều khoản, điều kiện chung về tín dụng tại Ngân hàng T (viết tắt: HĐTD) với nội dung: Ngân hàng T cho bà T vay số tiền 200.000.000đ để đầu tư tài sản cố định phục vụ hoạt động kinh doanh; Thời hạn vay 60 tháng kể từ ngày 02/01/2018; Lãi suất vay 11.79%/năm; Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn; Tiền gốc được trả trong vòng 60 kỳ (01 tháng/kỳ) và tiền lãi được trả 01 tháng/lần vào ngày 02 hàng tháng; Trường hợp vi phạm thỏa thuận thì khách hàng phải chịu phạt vi phạm theo mức 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Ngoài ra hai bên còn thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất vay, chuyển nợ quá hạn, thu hồi nợ trước hạn và các nội dung khác. Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng T đã giải ngân cho bà T số tiền vay 200.000.000đ và nhiều lần điều chỉnh lãi suất vay đối với khoản tiền vay của bà T. Tuy nhiên bà T đã chậm thanh toán, không thanh toán, thanh toán không đầy đủ tiền gốc, tiền lãi trong nhiều kỳ liên tiếp nên ngày 27/5/2019, Ngân hàng T quyết định thu hồi toàn bộ khoản nợ của bà T trước hạn. Tính đến hết ngày 07/5/2019, số tiền bà T chưa thanh toán cho Ngân hàng T là 199.245.476đ gồm: Nợ gốc = 177.706.275đ; nợ lãi = 21.539.201đ.

Ngày 08/01/2018, Ngân hàng T chi nhánh H và bà Bùi Thị T ký Hợp đồng cung cấp hạn mức thấu chi tài khoản số HDG20180019/HĐHMTCF1 và Điều khoản, điều kiện chung về tín dụng tại Ngân hàng T (viết tắt: HĐ thấu chi) với nội dung: Ngân hàng T cho bà T vay tiền theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán với giá trị hạn mức thấu chi là 150.000.000đ; Thời hạn sử dụng hạn mức thấu chi từ ngày 08/01/2018 đến ngày 08/01/2019; Lãi suất vay 12,99%/năm; Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn; Nợ gốc được trả vào ngày cuối cùng của thời hạn sử dụng hạn mức thấu chi; Nợ lãi được trả hàng tháng vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng; Trường hợp vi phạm thỏa thuận thì khách hàng phải chịu phạt vi phạm theo mức 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Ngoài ra các bên còn thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất và các nội dung khác. Thực hiện hợp đồng, ngày 09/01/2018, Ngân hàng T giải ngân cho bà T số tiền vay 150.000.000đ và nhiều lần điều chỉnh lãi suất vay đối với khoản tiền vay thấu chi của bà T. Thời hạn sử dụng hạn mức thấu chi đã kết thúc và Ngân hàng T nhiều lần đôn đốc nhưng tính đến hết ngày 07/5/2019, bà T chưa thanh toán cho Ngân hàng T tổng số tiền nợ phát sinh từ HĐ thấu chi là 175.986.847đ gồm: Nợ gốc = 150.000.000đ; nợ lãi = 25.986.847đ.

Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, bà Bùi Thị T và Ngân hàng T đã ký Hợp đồng thế chấp số HDG20170747/HĐTC ngày 28/12/2017 (viết tắt: HĐTC) với nội dung: Bà T thế chấp cho Ngân hàng T quyền sử dụng 59.6m2 đất ở thuộc thửa đất số 277, tờ bản đồ số 47 ở khu 15, phường N, thành phố H, tỉnh Hải Dương. Giấy tờ về tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 148767, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH-000163 do UBND thành phố Hải Dương cấp ngày 03/5/2010 mang tên bà Bùi Thị T.

Vì bà T vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng T khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà T phải thanh toán cho Ngân hàng T tổng số tiền nợ tính đến hết ngày 07/5/2019 là 375.232.323đ và phải chịu lãi phát sinh tiếp theo kể từ ngày 08/5/2019 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ. Buộc bà T phải thanh toán cho Ngân hàng T số tiền phạt vi phạm là 26.216.502đ. Trường hợp bà T không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì Ngân hàng T có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Quá trình chuẩn bị xét xử vụ án, Tòa án nhiều lần triệu tập bị đơn là bà Bùi Thị T nhưng bà T đều vắng mặt không có lý do và không gửi cho Tòa án quan điểm về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án và đại diện khu dân cư trực tiếp đến tận nơi cư trú của bà T nhưng bà T từ chối làm việc với Tòa án về các nội dung liên quan đến vụ án.

Tại phiên tòa: Đại diện nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tổng số tiền nợ tính đến hết ngày 29/5/2020 là 418.619.838đ gồm: Nợ gốc = 327.706.275đ; lãi trong hạn = 35.665.142đ; lãi quá hạn = 55.248.421đ. Đại diện nguyên đơn tự nguyện rút yêu cầu được thanh toán tiền lãi phạt do chậm trả lãi với tổng số tiền là 16.087.697đ, tiền phạt vi phạm là 26.216.502đ và giữ nguyên yêu cầu khởi kiện về xử lý tài sản thế chấp.

Đại diện Viện kiểm sát xác định Thẩm phán, HĐXX, Thư ký phiên tòa, nguyên đơn đã tuân theo và chấp hành đúng; bị đơn chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền nợ là 418.619.838đ và phải chịu lãi phát sinh trên số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo thỏa thuận kể từ ngày 30/5/2020 cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Trường hợp bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì Ngân hàng T có quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp theo HĐTC đã ký giữa các bên. Nếu số tiền bán tài sản thế chấp lớn hơn khoản nợ phải trả cho Ngân hàng T thì phần chênh lệch được trả cho bên thế chấp. Nếu số tiền bán tài sản thế chấp không đủ để trả nợ thì bà T phải tiếp tục thanh toán phần còn thiếu cho Ngân hàng T. Đình chỉ giải quyết yêu cầu được thanh toán tiền lãi phạt là 16.087.697đ và tiền phạt vi phạm là 26.216.502đ. Buộc bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật và hoàn trả nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về tố tụng: Bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, HĐXX quyết định xét xử vụ án vắng mặt bị đơn. Quyền khởi kiện: Khoản tiền vay của bị đơn phát sinh từ HĐTD ngày 26/12/2017 có thời hạn vay là 60 tháng kể từ ngày 02/01/2018 nhưng các bên đương sự đã thỏa thuận tại Điều 6 của Điều khoản, điều kiện chung về tín dụng tại Ngân hàng T nội dung: Ngân hàng T có quyền thu hồi toàn bộ tiền vay trước hạn khi bên vay không trả hay chậm trả nợ hoặc phát sinh bất kỳ khoản nợ quá hạn nào tại Ngân hàng T và Ngân hàng T có quyền thực hiện mọi biện pháp không trái quy định pháp luật để thu hồi nợ. Thực tế bị đơn đã chậm thanh toán hoặc không thanh toán tiền gốc, tiền lãi của HĐTD trong nhiều kỳ và khoản tiền vay của bị đơn phát sinh từ HĐ thấu chi đã bị quá hạn từ ngày 09/01/2019. Ngày 27/5/2019, Ngân hàng T ban hành Thông báo số 4753/2019/TB-XLN về việc thu hồi nợ trước hạn đối với khoản vay của bà T. Vì vậy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán toàn bộ số nợ gốc còn lại (bao gồm cả số nợ gốc chưa đến hạn) và tiền lãi phát sinh từ các hợp đồng là phù hợp với thỏa thuận của các bên và phù hợp quy định tại Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng.

Việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn rút yêu cầu được thanh toán lãi phạt do bị đơn chậm trả lãi với tổng số tiền là 16.087.697đ và rút yêu cầu được thanh toán tiền phạt vi phạm là 26.216.502đ. Việc rút yêu cầu của đại diện nguyên đơn là tự nguyện nên được chấp nhận. HĐXX căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ giải quyết phần yêu cầu khởi kiện mà đại diện nguyên đơn đã rút.

[2] Xét HĐTD, HĐ thấu chi, HĐTC, HĐXX thấy rằng: Các bên tham gia đều có đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện giao kết hợp đồng; nội dung và mục đích của các hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Việc lập HĐTD, HĐ thấu chi được thực hiện đúng trình tự của pháp luật về tín dụng ngân hàng; tài sản thế chấp được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên thế chấp; HĐTC được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Vì vậy HĐTD, HĐ thấu chi, HĐTC đều hợp pháp và làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia.

[3] Về số tiền bị đơn chưa thanh toán cho nguyên đơn:

3.1 Theo HĐTD: Ngày 02/01/2018, Ngân hàng T giải ngân cho bà T số tiền vay 200.000.000đ. Bà T đã thanh toán được số tiền vay 22.293.725đ. Vì vậy số tiền gốc bà T chưa thanh toán là 177.706.275đ.

Ngày 27/5/2019, Ngân hàng T có Thông báo thu hồi nợ trước hạn đối với khoản vay của bà T phát sinh từ HĐTD ngày 26/12/2017 nhưng không chuyển dư nợ gốc chưa đến hạn thanh toán sang nợ quá hạn. Tuy nhiên, Ngân hàng T đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất vay đối với khoản vay nói trên của bà T. Số tiền lãi phát sinh tính đến hết ngày 29/5/2020 gồm: Tiền lãi trong hạn = 44.624.423đ, bà T đã thanh toán 9.558.566đ và chưa thanh toán 35.065.857đ. Tiền lãi quá hạn = 12.073.607đ, bà T đã thanh toán 142.434đ và chưa thanh toán 11.931.173đ. 3.2 Theo HĐ thấu chi: Ngày 09/01/2018, Ngân hàng T giải ngân cho bà T số tiền vay 150.000.000đ. Thời hạn vay theo thỏa thuận tại HĐ thấu chi đã kết thúc nhưng bà T chưa thanh toán được khoản tiền gốc nào và Ngân hàng T không cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản vay của bà T. Vì vậy số tiền gốc bà T chưa thanh toán là 150.000.000đ.

Căn cứ tài liệu là Sổ phụ kiêm phiếu báo nợ do nguyên đơn cung cấp và trình bày của đại diện nguyên đơn tại phiên tòa, có căn cứ xác định số tiền lãi trong hạn tính đến hết ngày 08/01/2019 bà T chưa thanh toán là 599.285đ. Bà T phải chịu lãi quá hạn kể từ ngày 09/01/2019 đến hết ngày 29/5/2020 là 43.317.248đ. Bà T chưa thanh toán được số tiền lãi quá hạn nào.

3.3 Tổng số tiền nợ bà T chưa thanh toán cho Ngân hàng T tính đến hết ngày 29/5/2020 là 418.619.838đ gồm: Nợ gốc = 327.706.275đ; lãi trong hạn = 35.665.142; lãi quá hạn = 55.248.421đ.

Bà T còn phải chịu lãi phát sinh của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất thỏa thuận tại các HĐTD, HĐ thấu chi kể từ ngày 30/5/2020 cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.

[4] Xử lý tài sản thế chấp: Tài sản thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bà T theo HĐTC ngày 28/12/2017 là quyền sử dụng 59.6m2 đất ở thuộc thửa đất số 277, tờ bản đồ số 47, địa chỉ: Khu 15, phường N (nay là Ngõ 19B đường L, khu 15, phường N), thành phố H, tỉnh Hải Dương. Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án xác định trên thửa đất số 277 có xây dựng 01 nhà bê tông cốt thép 02 tầng. Trình bày của nguyên đơn phù hợp với phản ánh của đại diện khu dân cư và chính quyền địa phương về nguồn gốc ngôi nhà là do bà T xây dựng từ nhiều năm nay nhưng chưa làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà và chưa xin cấp số nhà. Tại khoản 3 Điều 318, khoản 1 Điều 325 Bộ luật dân sự quy định: “Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác … Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Mặt khác, các bên thỏa thuận tại điểm c khoản 9.6 Điều 9 của HĐTC như sau: “Khi xử lý tài sản, Ngân hàng T có toàn quyền thu giữ, xử lý, ưu tiên thanh toán đối với toàn bộ phần giá trị tăng thêm do Bên thế chấp hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác đầu tư vào tài sản thế chấp có trước, trong và sau thời điểm thế chấp mà chưa được ghi nhận trong Hợp đồng này và/ hoặc bất kỳ tài sản nào khác đi liền hoặc không đi liền theo tài sản thế chấp cho dù đã hình thành hay hình thành trong tương lai, miễn là nằm trên/thuộc/đi kèm thửa đất được ghi nhận trong Giấy chứng nhận”. Vì vậy ngôi nhà bê tông cốt thép 02 tầng xây dựng trên thửa đất số 277 cũng là tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của bà T với Ngân hàng T. Tại Điều 3 của HĐTC, các đương sự thỏa thuận: Bà T đồng ý thế chấp tài sản để bảo đảm cho toàn bộ các nghĩa vụ của mình với Ngân hàng T phát sinh từ HĐTD ngày 26/12/2017 và các hợp đồng được ký kết trước, trong và sau ngày ký kết HĐTC. Do đó trường hợp bà T không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng T có quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mại các tài sản thế chấp nói trên để thu hồi nợ phát sinh từ HĐTD ngày 26/12/2017 và HĐ thấu chi ngày 08/01/2018. Nếu giá trị tài sản thế chấp lớn hơn khoản nợ phải thanh toán thì phần chênh lệch được trả cho bà T. Nếu giá trị tài sản thế chấp không đủ để trả nợ thì bà T phải tiếp tục thanh toán phần còn thiếu cho Ngân hàng T.

[5] Về án phí: Yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật. Hoàn trả nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ vào các Điều 317, 318, 319, 325 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 91, 95 Luật các tổ chức tín dụng; Án lệ số 08/2016/AL; điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 147, khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

1. Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP T (Ngân hàng T).

1.1 Buộc bà Bùi Thị T phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng T tổng số tiền nợ tính đến hết ngày 29/5/2020 là 418.619.838đ (bốn trăm mười tám triệu sáu trăm mười chín nghìn tám trăm ba mươi tám đồng), gồm: Nợ gốc là 327.706.275đ; nợ lãi trong hạn là 35.665.142đ; nợ lãi quá hạn là 55.248.421đ.

Kể từ ngày 30/5/2020, bà Bùi Thị T phải chịu khoản tiền lãi phát sinh của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận tại Đề nghị giải ngân kiêm hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số HDG20170746/HĐTD ngày 26/12/2017 và Hợp đồng cung cấp hạn mức thấu chi tài khoản số HDG20180019/HĐHMTCF1 ngày 08/01/2018. Trường hợp trong các hợp đồng trên, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng T thì lãi suất mà bà T phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng T theo quyết định này cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng T.

1.2 Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Ngân hàng T có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Bùi Thị T không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng T có quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp gồm: Quyền sử dụng 59.6m2 đất ở thuộc thửa đất số 277, tờ bản đồ số 47 và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà bê tông cốt thép 02 tầng, địa chỉ: Ngõ 19B đường L, khu 15, phường N, thành phố H, tỉnh Hải Dương; Giấy tờ về tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 148767, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH-000163, do UBND thành phố Hải Dương cấp ngày 03/5/2010 đứng tên bà Bùi Thị T theo Hợp đồng thế chấp số HDG20170747/HĐTC ngày 28/12/2017.

Trường hợp số tiền bán tài sản thế chấp lớn hơn khoản nợ phải trả cho Ngân hàng T thì phần chênh lệch sẽ trả lại cho bà Bùi Thị T. Nếu số tiền bán tài sản thế chấp không đủ để trả nợ cho Ngân hàng T thì bà Bùi Thị T phải tiếp tục thanh toán phần còn thiếu cho Ngân hàng T.

2. Đình chỉ giải quyết yêu cầu của Ngân hàng T về việc buộc bà Bùi Thị T phải thanh toán số tiền phạt chậm trả lãi là 16.087.697đ và tiền phạt vi phạm là 26.216.502đ.

3. Về án phí: Bà Bùi Thị T phải chịu 20.744.800đ (hai mươi triệu bảy trăm bốn mươi bốn nghìn tám trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả Ngân hàng T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 9.380.000đ (chín triệu ba trăm tám mươi nghìn đồng) theo biên lai số AA/2018/0000864 ngày 07/01/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

4. Nguyên đơn được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; bị đơn được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc niêm yết bản án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

409
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2020/DS-ST ngày 29/05/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp

Số hiệu:01/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hải Dương - Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về