Bản án 01/2019/LĐ-PT ngày 13/11/2019 về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 01/2019/LĐ-PT NGÀY 13/11/2019 VỀ TRƯỜNG HỢP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 08 tháng 11 và ngày 13 tháng 11 năm 2019, tại Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 01/2019/TLPT-LĐ, ngày 14 tháng 5 năm 2019 về việc: Trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST, ngày 19 tháng 3 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện PH, tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 01/2019/QĐ-PT, ngày 30 tháng 9 năm 2019 giữa các đương sự.

1. Nguyên đơn: Lê Thanh Nh; Địa chỉ ấp 1, xã Thạnh Hoà, huyện PH, tỉnh Hậu Giang.

2. Bị đơn: Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn phân bón HV; Địa chỉ số 4, Q lộ 61, ấp 1, xã Thạnh Hoà huyện PH, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Duy T; chức vụ: Giám đốc; Địa chỉ số 4, ấp 1, xã Thạnh Hoà huyện PH, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Xuân Kh; Địa chỉ số 293, Q lộ 1, xã Thạnh Xuân, huyện CT A, tỉnh Hậu Giang (Văn bản ủy quyền ngày 08/11/2019) Người đại diện theo ủy quyền của ông Phan Duy T: Bà Nguyễn Thị Diễm Trinh; Địa chỉ: số 42, đường Võ Văn Kiệt, phường An Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ (Văn bản ủy quyền ngày 13/11/2019) Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trần Minh Tr - Công ty Luật Miền Tây – Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Nguyễn Xuân Kh; Địa chỉ số 293, Q lộ 1, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

- Ông Hồ Phạm Q; Địa chỉ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Thanh Nh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau: Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà nguyên đơn Lê Thanh Nh trình bày:

Vào tháng 01 năm 2010, nguyên đơn có xin vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn phân bón HV là bị đơn trong vụ án (sau đây gọi Công ty), giữa nguyên đơn và Công ty có ký 02 bản hợp đồng: một hợp đồng thể hiện mức tiền lương 1.800.000 đồng/1 tháng, một hợp đồng thể hiện mức phụ cấp dùng để tham gia Bảo hiểm xã hội; mức tiền lương được tăng dần sau các năm tiếp theo.

Đến ngày 06.01.2017, giữa nguyên đơn và Công ty tiếp tục xác lập hợp đồng số 04/2017: công việc của nguyên đơn được giao là nhập, xuất hàng, mức lương chính 3.000.000 đồng/tháng; phụ cấp 1.800.000 đồng/tháng. Đến tháng 01 năm 2018 giữa nguyên đơn và Công ty tiếp tục xác lập phụ lục hợp đồng điều chỉnh lương tăng lên 3.600.000 đồng/tháng nhưng phụ cấp còn 1.200.000 đồng/tháng, các chế độ Bảo hiểm được tham gia đầy đủ. Thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi áp dụng theo Luật lao động nhưng thực tế từ khi vào làm việc thì nguyên đơn làm tất cả các ngày trong tuần. Đối với ngày lễ thì chỉ nghỉ ngày lễ 30.4.2017 và 30.4.2018. Đối với ngày tết nguyên đán thì chỉ nghỉ từ 29/12 (al) của năm trước đến ngày mùng 4/01 năm sau (có năm nghỉ đến mùng 6), các ngày làm việc trong chế độ ngày được nghỉ thì nguyên đơn không được trả lương và phụ cấp.

Ngày 03.5.2018, nguyên đơn có xin phép Công ty nghỉ một ngày 05.5.2018 (xin phép không làm thành văn bản), lúc đầu Công ty đồng ý cho nghỉ nhưng đến ngày 04.5.2018; Đại diện Công ty là Nguyễn Xuân Kh (Phó giám đốc) không đồng ý cho nghỉ nhưng do công việc quan trọng nên nguyên đơn nghỉ 01 ngày. Ngày 06.5.2018 nguyên đơn đi làm lại thì Công ty không giao việc và đến ngày 22.5.2018, ông Hồ Phạm Q (Chủ tịch Công đoàn của Công ty) thông báo là nguyên đơn bị đuổi việc và cho nguyên đơn hưởng lương đến 30.5.2018.

Ngày 30.5.2018, nguyên đơn gặp Nguyễn Xuân Kh là Phó Giám đốc Công ty yêu cầu được nhận lương và Quyết định thôi việc: Lần đầu Công ty cấp cho nguyên đơn Quyết định nghỉ việc tính từ ngày 30.6.2018 và cho hưởng thêm 01 tháng Bảo hiểm xã hội nhưng nguyên đơn không đồng ý nên đổi lại Quyết định nghỉ từ ngày 30.5.2018. Từ trước khi nghỉ việc, nguyên đơn không nhận được bất kỳ thông báo nào từ Công ty, về lương thì nhận đến tháng 5/2018, ngoài ra không còn nhận khoản nào khác. Do Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, gây thiệt thòi đến quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết:

- Buộc Công ty bồi thường hợp đồng lao động theo quy định Điều 42 và 48 Bộ luật lao động với số tiền 83.400.000 đồng;

- Buộc Công ty bồi thường các khoản tiền lương tăng ca các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ phép năm trong thời gian làm việc 08 năm 05 tháng tại Công ty với số tiền 213.760.000 đồng, cộng với lãi suất 6%/năm là 55.000.000 đồng.

Tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu Công ty phải bồi thường là 352.160.000 đồng.

Tại phiên tòa, nguyên đơn xác định: thay vì yêu cầu Công ty đóng Bảo hiểm xã hội trong thời gian không được làm việc nhưng do nguyên đơn đã nhận lại sổ bảo hiểm từ khi nghỉ việc nên không yêu cầu tiếp tục đóng mà yêu cầu các số tiền này được bồi thường chung cho nguyên đơn. Tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu Công ty phải bồi thường tại phiên tòa 334.465.000 đồng.

Quá trình tố tụng bị đơn (có người đại diện theo ủy quyền tại cấp sơ thẩm là ông Lê Thanh Mẫn trình bày):

Thống nhất với nguyên đơn về thời gian Công ty nhận nguyên đơn vào làm tại Công ty và các chế độ bảo hiểm, chế độ tiền lương, phụ cấp như nguyên đơn trình bày. Đối với chế độ làm việc và nghỉ ngơi của người lao động: nếu có làm việc trong các ngày nghỉ, ngày lễ thì Công ty có trả thêm cho người lao động một khoản tiền nhất định ngoài tiền lương.

Đối với việc xin phép nghỉ một ngày của nguyên đơn: do hàng hoá về nhiều, không giải phóng ghe chở hàng được nên Công ty không giải quyết cho nghỉ nhưng nguyên đơn vẫn nghỉ, khi nguyên đơn trở lại làm việc, Công ty vẫn cho làm nhưng chuyển về bộ phận Văn phòng của Công ty để làm việc khác nhưng nguyên đơn không đồng ý. Việc điều chuyển công việc thì Công ty có thông báo cho nguyên đơn biết trước nhưng nguyên đơn không hợp tác, khi nguyên đơn đến Công ty thì không làm việc gì, không bàn giao kho lại cho Công ty, nguyên đơn chỉ nghe ông Hồ Phạm Q nói Công ty đuổi việc là tự động nghỉ, đến ngày 30.5.2018 thì nguyên đơn đến nhận Quyết định thôi việc do bộ phận kế toán soạn thảo và đưa cho Nguyễn Xuân Kh Phó Giám đốc ký giao cho nguyên đơn. Đối với yêu cầu của nguyên đơn: Công ty chỉ đồng ý nhận nguyên đơn trở lại làm việc, đồng thời trả tiền Bảo hiểm xã hội và trả lương cho nguyên đơn trong những ngày không được làm việc. Tại phiên tòa Đại diện theo ủy quyền của Công ty xác định: việc Công ty ban hành Quyết định cho nguyên đơn thôi việc là sai nên công ty sẽ nhận nguyên đơn trở lại làm việc và tự nguyện bồi thường cho nguyên đơn 43.500.000 đồng.

Tại phiên tòa, nguyên đơn không đồng ý trở lại làm việc cho Công ty. Về việc đóng Bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn trong những ngày không được làm việc: giữa nguyên đơn và Đại diện theo ủy quyền của Công ty thỏa thuận những ngày không được làm việc là 10 tháng (làm tròn) và thống nhất được số tiền Công ty có nghĩa vụ đối với nguyên đơn là 5.700.000 đồng.

Đối với nguyên đơn yêu cầu bồi thường tiền lương của các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày 31 (các tháng có 31 ngày) thì phía Công ty không đồng ý. Vì trước khi vào làm cho Công ty, người lao động đã được Công ty trao đổi, thoả thuận rõ và những ngày làm này Công ty cũng đã trả tiền cho người lao động đầy đủ.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện PH, tỉnh Hậu Giang tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn phân bón HV đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:

Buộc Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn phân bón HV có nghĩa vụ bồi thường cho ông Lê Thanh Nh tổng số tiền 70.361.568 đồng (bảy mươi triệu ba trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm sáu mươi tám đồng).

- Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Thanh Nh không yêu cầu Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn phân bón HV nhận trở lại làm việc.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, quyền thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 02/4/2019, nguyên đơn ông Lê Thanh Nh có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm do mức lương căn cứ bồi thường chưa phù hợp và phần yêu cầu các khoản tiền tăng ca chưa được chấp nhận, đề nghị sửa bản án sơ thẩm chấp nhận số tiền 363.159.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm Nguyên đơn thay đổi yêu cầu kháng cáo, chỉ yêu cầu số tiền 352.160.000 đồng theo nội dung đơn khởi kiện ban đầu.

Bị đơn không thống nhất bồi thường toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chỉ chấp nhận bồi thường theo bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu ý kiến: Từ giai đoạn thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật tố tụng. Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ Luật tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm về phần án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục:

Cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, do đó, trình tự thủ tục phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm ban hành thông báo đối thoại đồng thời lập biên bản đối thoại là chưa đúng thủ tục tố tụng. Qua xem xét biên bản đối thoại thì cũng nhằm mục đích hòa giải để các đương sự thỏa thuận việc giải quyết vụ án. Thêm vào đó, biên bản về việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (Bl 22) Thẩm phán – Chủ tọa phiên họp không ký tên là vi phạm nhưng các đương sự thống nhất các chữ ký trong biên bản này và có tham dự phiên họp. Xét thấy, sự vi phạm của cấp sơ thẩm không làm thay đổi nội dung yêu cầu của đương sự nên Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Theo hồ sơ thể hiện, bắt đầu ngày 08/11/2019 thì người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà Nguyễn Xuân Kh, đến ngày 13/11/2019 bị đơn có văn bản rút ủy quyền đối với bà Kh, đồng thời người đại diện theo pháp luật của bị đơn ủy quyền lại cho bà Nguyễn Thị Diễm Tr và tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trinh không yêu cầu Luật sư Trần Minh Tr tiếp tục bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn. Xét thấy, đây là ý chí tự nguyện của các đương sự nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2] Xét việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động Cấp sơ thẩm nhận định Quyết định về việc cho thôi việc đối với công nhân viên ngày 30/5/2018 của Công ty TNHH Phân bón HV thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị đơn và nguyên đơn không có kháng cáo yêu cầu xem xét lại quyết định này nên cấp phúc thẩm không xem xét. Cấp sơ thẩm buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn là có cơ sở.

[2] Xét các khoản bồi thường [2.1] Về xác định các khoản bồi thường theo hợp đồng lao động Về xác định tiền lương làm cơ sở bồi thường: Nguyên đơn kháng cáo yêu cầu tiền lương làm cơ sở bồi thường là số tiền thực lãnh 4.800.000 đồng chứ không phải theo mức lương 3.600.000 đồng như trong hợp đồng lao động. Hội đồng xét xử xét thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật lao động năm 2012 “Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản...” và theo khoản 2 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dân thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (gọi chung là Nghị định số 05/2015/NĐ-CP) “Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động...” đồng thời theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2015/NĐ-CP bổ sung Điều 26a thì tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Đối chiếu với hợp đồng lao động số 04/2017 hiệu lực ngày 01/02/2017 và Phụ lục hợp đồng ngày 01/01/2018 thể hiện mức lương cơ bản và trách nhiệm là 3.600.000 đồng, không ghi mức lương khác. Nguyên đơn cho rằng thực tế có hợp đồng 4.800.000 đồng nhưng bị đơn không đưa cho nguyên đơn hợp đồng này, trong khi đó bị đơn không thừa nhận không có hợp đồng nào thể hiện mức lương 4.800.000 đồng. Nguyên đơn khởi kiện nhưng không đưa ra được các tài liệu chứng cứ, cấp sơ thẩm chấp nhận tiền lương 3.600.000 đồng làm cơ sở tính các khoản bồi thường là có căn cứ.

Đối với từng khoản bồi thường, thời gian tính các khoản bồi thường kể từ ngày đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đến khi xét xử sơ thẩm nguyên đơn không yêu cầu cấp phúc thẩm tính lại nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét lại vấn đề này.

Từ đó, cấp sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn 70.361.568 đồng tiền thiệt hại trong hợp đồng là có cơ sở nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3.2] Về xác định các khoản chi trả tiền tăng ca, nghĩ lễ, nghĩ phép, thứ 7, chủ nhật và tiền lãi suất.

Nguyên đơn cho rằng, trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ tháng 01 năm 2010 đến 30/5/2018 nguyên đơn có làm việc trong các ngày nghĩ, lễ, thứ 7, chủ nhật, tăng ca nhưng chưa được bị đơn trả lương. Bị đơn cho rằng, thời gian làm việc của nguyên đơn Công ty đã thực hiện đầy đủ theo chế độ do luật lao động quy định, khi làm việc thêm bị đơn cũng đã chi trả các chế độ đầy đủ. Hội đồng xét xử xét thấy, nguyên đơn chỉ phát sinh tranh chấp các khoản này khi bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động, trước đó không có tranh chấp. Đáng lẽ ra nếu như bị đơn không chi trả các chế độ cho nguyên đơn trong thời gian nêu trên thì nguyên đơn phải có yêu cầu hoặc khiếu nại đòi quyền lợi cho mình. Trong khi đó, nguyên đơn đã làm việc tại Công ty hơn 8 năm; Trong thời gian đó thì hàng tháng nguyên đơn đã được chi trả lương và các khoản khác nhưng không tranh chấp hay khiếu nại gì. Nay cho rằng bị đơn chưa chi trả đầy đủ là chưa có cơ sở để giải quyết; Nguyên đơn cũng không cung cấp được tài liệu hay chứng cứ nào khác chứng minh cho yêu cầu của mình. Thêm vào đó, theo hợp đồng lao động thể hiện chế độ nghĩ ngơi (nghĩ hàng tuần, nghĩ phép năm, lễ tết,...) được thực hiện theo quy định của luật lao động. Do đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ; Do yêu cầu các khoản chi trả tiền tăng ca, nghĩ lễ, nghĩ phép, thứ 7, chủ nhật không được chấp nhận, nên yêu cầu về lãi suất của nguyên đơn cũng không được cấp sơ thẩm chấp nhận là phù hợp.

Từ những nhận định nêu trên, nguyên đơn kháng cáo nhưng không đưa ra được các tài liệu, văn bản để chứng minh nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[3] Về phần án phí lao động sơ thẩm: Đây là tranh chấp lao động có giá trị từ 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, cấp sơ thẩm xác định mức án phí 5% là chưa phù hợp nên cần điều chỉnh lại. Mức án phí là 3% giá trị tranh chấp.

Đồng quan điểm với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm về án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 38, Điều 41, Điều 42, Điều 48 và Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về qui định mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Sửa bản án sơ thẩm về án phí.

Tuyên xử:

1. Buộc Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn phân bón HV có nghĩa vụ bồi thường cho ông Lê Thanh Nh tổng số tiền 70.361.568 đồng (Bảy mươi triệu ba trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm sáu mươi tám đồng).

Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Thanh Nh không yêu cầu Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn phân bón HV nhận trở lại làm việc.

2. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Án phí lao động sơ thẩm: Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn phân bón HV phải nộp 2.110.847 đồng (Hai triệu một trăm mười nghìn tám trăm bốn mươi bảy đồng).

4. Án phí lao động phúc thẩm: Không ai phải chịu. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 13/11/2019.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

791
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2019/LĐ-PT ngày 13/11/2019 về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:01/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 13/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về