TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
BẢN ÁN 01/2019/HS-PT NGÀY 11/12/2019 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Trong các ngày 10 và 11 tháng 12 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu mở phiên toà xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 12/2019/TLHS-PT ngày 10 tháng 9 năm 2019 do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án số 23/2019/HSST, ngày 7 tháng 8 năm 2019 của TAND huyện SH, tỉnh Lai Châu theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 15/2019/QĐXXPT-HS ngày 25 tháng 10 năm 2019 đối với:
Bị cáo: Chẻo Xoang M;sinh năm: 1984; Nơi sinh: huyện SH, tỉnh Lai Châu; Nơi cư trú: bản P 1, xã P, huyện SH, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: 0/12; dân tộc: Dao, giới tính: Nam; tôn giáo: không; con ông Chẻo Yêu S3 và bà Tẩn San C; có vợ là Chẻo Mý H và 03 con (con lớn nhất sinh năm 2004, con nhỏ nhất sinh năm 2016); tiền sự: không; tiền án: không; bị bắt hồi 22 giờ 30 phút, ngày 26 tháng 7 năm 2017; tạm giữ từ 15 giờ 00 phút ngày 27 tháng 7 năm 2017 đến 15 giờ 00 phút ngày 02 tháng 8 năm 2017; tạm giam từ ngày 02 tháng 8 năm 2017 đến ngày 03 tháng 01 năm 2019 bị cáo được tại ngoại; bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo:
1. Ông Lê Quốc Đ, sinh năm 1968 (vắng mặt)
2. Bà Đào Thị Lan A, sinh năm 1972 (Vắng mặt)
Đều là Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn TT, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội;
Địa chỉ: Số nhà 32, Ngõ 72, Phố A, phường Y, quận T, thành phố Hà Nội
3. Ông Chu Văn T, sinh năm 1977 (Có mặt) Luật sư - Công ty Luật TNHH88
Địa chỉ: 648 Q, Phường L, Quận H, Thành phố Hà Nội
4. Ông Trần Đình T, sinh năm 1978 (Có mặt)
Luật sư Công ty Luật TNHH K, thuộc Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội
Địa chỉ: Phòng 1613, Tòa nhà T và Căn hộ Chung cư -, Phường Phúc La, Quận H, Thành phố Hà Nội.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông Đỗ Ngọc T3; sinh năm 1983; Nơi cư trú: Tổ 19, phường TP, thành phố LC; (Có mặt)
Ông Hà Văn S; sinh năm: 1994; Nơi cư trú: thôn PS, thị trấn PT, huyện PT, tỉnh Lai Châu; (Có mặt)
* Người làm chứng:
1. Ông Bùi Đức L, sinh năm 1989 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Khu 6,Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu
2. Ông Thào A K, sinh năm 1994 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản NK 3, Xã HT, huyện SH, Tỉnh Lai Châu
3. Ông Giàng A T4, sinh năm 1989 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản NK 3, Xã HT, huyện SH, Tỉnh Lai Châu
4. Ông Tẩn Ngọc S2, sinh năm 1994 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản T, xã T, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu
5. Tẩn A X, sinh năm 1969 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản TS, xã P, huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
6.Tẩn A S, sinh năm 1977 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản TS, xã P, huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
7. Ông Tẩn A P, sinh năm 1988 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản TC, xã T, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu
8. Ông Tẩn A N, sinh năm 1990 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản TC, xã T, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu
9. Ông Chẻo Lao P2 (Vắng mặt)
Địa chỉ: Bản Hoàng Hồ, Xã P, Huyện SH, Lai Châu.
10. Ông Chẻo Sần P3, sinh năm 1973. (Có mặt)
Địa chỉ: Bản TS, xã P, huyện SH, Tỉnh Lai Châu
11. Kiều Thị T3, sinh năm 1993 (Có mặt)
Địa chỉ: Khu 2, Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu
12. Chẻo La U, sinh năm 1994 (Có mặt)
Địa chỉ: Bản P 1, Xã P, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
13. Ông Triệu Tài P4, sinh năm 1991(Có mặt)
Địa chỉ: Bản P 1, Xã P, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
14. Lù A Đ3, sinh năm 1989 (Có mặt)
Địa chỉ: Khu 5, Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
15. Trần Văn M2 (Có mặt) 16. Giàng A S4, sinh năm 1989 (Có mặt)
Địa chỉ: Khu 3, Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
17. Võ Văn T5, sinh nam 1992 (Có mặt)
Địa chỉ: Khu 3, Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
* Người chứng kiến:
1. Ông Nguyễn Trọng T, sinh năm 1986.
Địa chỉ: Khu 6, Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
2. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1986
Địa chỉ: Khu 6, Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu.
3. Bà Nguyễn Thị Thu T7,
Địa chỉ: Khu 5, Thị trấn SH, Huyện SH, Tỉnh Lai Châu. Đều vắng mặt tại phiên tòa
* Những người triệu tập đến phiên tòa:
Điều tra viên: Tẩn A Đ2, Nguyễn Ngọc P4, Lò Văn D; CB điều tra Quàng Văn S5
Nơi công tác: Công an Huyện SH, tỉnh Lai Châu. Đều có mặt
Kiểm sát viên Vũ Hồng P5 (Có mặt)
Nơi công tác: Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh Lai Châu.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 20 giờ đến 22 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2017, khi đoàn công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện SH, tỉnh Lai Châu thực hiện nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường tại Km 02, tỉnh lộ 129 thuộc bản TS, xã P, huyện SH, tỉnh Lai Châu. Khi ông Hà Văn S là cán bộ Công an huyện SH đang làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh hiện trường, do không đồng ý việc ông Sơn quay mình, bị cáo Chẻo Xoang M đã có hành vi đuổi theo, dùng tay kéo cổ áo, cào vào cổ ông Sơn để lấy chiếc điện thoại Iphone 6 trên tay ông Sơn, dùng vũ lực cản trở ông Sơn làm nhiệm vụ. Hành vi của bị cáo M làm cho ông Sơn bị thương tích phần mềm kích thước 1cm x 0,1cm ở góc hàm bên trái và một đám tổn thương phần mềm kích thước 8cm x 1,5cm ở vùng cổ bên trái đo từ dái tai bên trái xuống 8cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Hà Văn S là 1% (tại thời điểm giám định). Khi thấy ông Sơn bị đánh, ông Đỗ Ngọc T3, là điều tra viên đang thực hiện nhiệm vụ tổ trưởng tổ khám nghiệm hiện trường đến can ngăn, thì bị cáo Chẻo Xoang M đã có hành vi dùng vũ lực, dùng tay túm vào cổ áo, giật đứt cầu vai và đấm một phát vào mặt (mồm) của ông Thanh. Hành vi của bị cáo làm ông Thanh bị tổn thương phần mềm ở chính giữa vùng cổ trước, kích thước vết tổn thương 0,5cm x 0,3cm; làm cho chiếc áo là trang phục thường dùng thu đông của ngành Công an mà ông Thanh đang mặc bị đứt 01 chiếc cúc đầu tiên từ trên xuống phần trụ áo (phía trước) và đứt cúc cầu vai bên trái. Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện SH, tỉnh Lai Châu tiến hành bắt giữ bị cáo Chẻo Xoang M, một số người đã có hành vi ném gạch, đá trúng vào ông Đỗ Ngọc T3 và một số người Công an đang thi hành nhiệm vụ. Những hành vi này đã gây thương tích ở vùng vành tai bên phải, vành tai bên trái, cổ bên trái và mặt khuỷu tay bên trái cho ông Đỗ Ngọc T3, gây hư hỏng xe ô tô chuyên dụng mang biển kiểm soát 25A-000.67 của Công an huyện SH, tỉnh Lai Châu.
* Tại bản kết luận giám định pháp y tư pháp về thương tích số: 54/BKL-TTPY ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Lai Châu, đối với ông Hà Văn S đã kết luận:
1. Dấu hiệu chính qua giám định: Góc hàm bên phải có vết thương phần mềm (chưa lành sẹo) kích thước 1cm x 0,1cm; Vùng cổ trái đo từ dái tai bên trái hướng xuống dưới 8cm có một đám tổn thương phần mềm kích thước 8cm x 1,5cm vết thương đang đóng vảy (chưa thành sẹo);
2. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của Hà Văn S hiện tại là: 1% (Một phần trăm).”
* Tại bản kết luận giám định pháp y tư pháp về thương tích số: 55/BKL-TTPY ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Lai Châu, đối với ông Đỗ Ngọc T3 đã kết luận:
1. Dấu hiệu chính qua giám định: Vành tai bên phải có 01 vết tổn thương phần mềm kích thước: 2,5cm x 1cm vết thương đang đóng vẩy (chưa thành sẹo), có chiều từ trên xuống dưới; Sau vành tai bên phái có 01 vết tổn thương phần mềm kích thước 3,2cm x 0,8cm vết thương đang đóng vảy (chưa thành sẹo); Cổ bên phải đo từ dái tai hướng xuống dưới 7cm có vết tổn thương phần mềm (chưa thành sẹo) kích thước 0,5cm x 0,3cm; Ngay chính giữa vùng cổ trước có vết tổn thương phần mềm kích thước 6cm x 0,1cm vết thương đang đóng vảy (chưa thành sẹo); Mặt sau khuỷu tay bên trái có vết tổn thương phầm mềm kích thước 6cm x 0,1cm vết thương đang đóng vảy (chưa thành sẹo);
2. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể Đỗ Ngọc T3 hiện tại là: 2% (Hai phần trăm).” Bản án số 23/HSST ngày 7 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân Huyện SH đã quyết định:Tuyên bố Bị cáo Chẻo Xoang M phạm tội “ Chống người thi hành công vụ’’. Áp dụng khoản 1 điều 257; điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 xử phạt bị cáo Chẻo Xoang M: 07 (bảy) tháng tù; được khấu trừ đi 05 tháng 11 ngày ngày tạm giữ, tạm giam. Bị cáo còn phải chấp hành 01(một) tháng19 (Mười chín) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.
Ngoài ra bản án còn tuyên xử lý vật chứng và quyền kháng cáo cho bị cáo.
Trong ngày 16/8/2019, bị cáo Chẻo Xoang M kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS- ST ngày 7 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân Huyện SH đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và tuyên bị cáo không phạm tội. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bào chữa cho bị cáo luật sư Chu Văn T đề nghị Hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội chống người thi hành công vụ. Ra quyết định khởi tố vụ án về tội “bức cung, dùng nhục hình” vì: Hồ sơ vụán không hợp pháp, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội không có căn cứ; Xác định tư cách điều tra viên Tẩn A Đ2, LùA Đ3 là người được phân công khám nghiệm hiện trường, tại phiên tòa xác định là người chứng kiến; Tư cách tố tụng của đại diện VKS: Ông Phong là người biết việc là người phân công điều tra giám sát hoạt động tố tụng là không đúng; HĐXX cấp sơ thẩm xét xử bị cáo bằng 3 bản cáo trạng; Bị cáo là người không biết chữ nhưng không có văn bản giải thích cho bị cáo để bị cáo thực hiện quyền trợ giúp pháp lý. Các vật chứng là băng ghi âm ghi hình không có, vật chứng là chiếc áo thu đông thì BL392 ngày 12/8/2017 không có chiếc áo này.
Luật sư Trần Đình T đồng ý với ý kiến của Luật sư Chu Văn T và đề nghị: Toàn bộ hồ sơ vụ án không có giá trị pháp lý vì được thực hiện bởi những người trái thẩm quyền; Có những lời khai giữa ông Thanh và ông Sơn có mâu thuẫn nhưng không được làm rõ. Dùng lời khai của các bị can khác đã được đình chỉ làm chứng cứ kết tội bị cáo là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, chuyển hồ sơ cho Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra về tội Ra bản án, quyết định trái pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện SH, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện SH, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, những ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng đã được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo và những người liên quan. Tại phiên tòa hôm nay, những người triệu tập đến phiên tòa ông Nguyễn Ngọc P4, Ông Lò Văn D, Ông Vũ Hồng P5, Ông Quàng Văn S5 đều cam đoan trước Tòa án về việc trong suốt quá trình điều tra thu thập chứng cứ đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật tố tụng, các tài liệu thu thập là khách quan, không có sự ép cung dùng nhục hình, không có việc làm sai lệch hồ sơ vụ án và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý có trong hồ sơ vụ án Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 02/8/2019, các thủ tục tống đạt đã hợp lệ. Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử là đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại giai đoạn phúc thẩm, từ khi thụ lý vụ án đến khi Tòa án cấp phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử, bị cáo Chẻo Xoang M không đề nghị người bào chữa tại giai đoạn phúc thẩm nhưng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho bị cáo, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án đưa ông Lê Quốc Đ, Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Trí Tuệ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để bào chữa cho bị cáo. Phiên tòa mở vào ngày 8/11/2019 thì 6/11/2019 Tòa án Phúc thẩm nhận được thủ tục bị cáo mời Luật sư Lê Quốc Đ và luật sư Đào Thị Lan A Luật sư - Công ty Luật TNHH Trí tuệ, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Tại phiên tòa 8/11 bị cáo và các luật sư của bị cáo vắng mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa và ấn định ngày xét xử 29/11/2019. Ngày 11/11/2019 Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục nhận được thủ tục bị cáo mời luật sư Chu Văn T Luật sư Đoàn Luật sư Việt nam - Công ty Luật TNHH88. Ngày 15/11/2019 Tòa án cấp phúc thẩm nhận được thủ tục bị cáo mời Luật sư Trần Đình T bào chữa cho bị cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đầy đủ quyền của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, vắng mặt người bào chữa Lê Quốc Đ và Đào Thị Lan A. Xét thấy Tòa án đã tống đạt hợp lệ, hai luật sư này vắng mặt lần thứ hai, có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do phải tham gia xét xử vụ án khác ở Nghệ An xong không có căn cứ về việc hai luật sư tham gia bào chữa vụ án khác ở Nghệ An, bị cáo không đề nghị hoãn phiên tòa nên căn cứ vào khoản 1 điều 291 Bộ luật tố tụng hình sự, vụ án được xét xử theo thủ tục chung.
Đối với Luật sư Phan Tú Giang trong giai đoạn sơ thẩm bị cáo có nhờ Luật sư Phan Tú Giang bào chữa cho bị cáo nhưng đến cấp phúc thẩm Luật sư Phan Tú Giang không làm thủ tục bào chữa theo quy định của pháp luật nên trong suốt giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm Luật sư Giang không tham gia.
Người bào chữa Chu Văn T đề nghị triệu tập thêm hội đồng xét xử sơ thẩm, thư ký phiên tòa sơ thẩm để làm rõ về việc biên bản phiên tòa BL 1858, 1859 có 3 bản cáo trạng đều mang số 24/ KSĐT-TA, số 24/CT-VKS-SH. có bản đề ngày 2/6/2019, có bản đề ngày 3/6/2019. Cần triệu tập Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa để làm rõ. HĐXX xét thấy có việc Thư ký Tòa án cấp sơ thẩm ghi không thống nhất số, ký hiệu, ngày ban hành cáo trạng tại biên bản phiên tòa nói trên. Tuy nhiên sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Phiên tòa mở vào ngày 02/8/2019 xét xử bị cáo theo bản cáo trạng số 24/CT- VKSSH ngày 02/6/2019 và thực tế Tòa án nhân dân huyện SH xét xử bị cáo Chẻo Xoang M với tội danh “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 đúng với cáo trạng số 24/CT- VKSSH ngày 02/6/2019 có trong hồ sơ vụ án. Đây là việc làm cẩu thả của Thư ký phiên tòa sơ thẩm xong chưa đến mức vi phạm nghiêm trọng cần phải chấn chỉnh kiểm điểm nghiêm túc, do đó không nhất thiết phải triệu tập Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa.
Về ý kiến của luật sư cho rằng Tẩn A Đ2 là người được phân công khám nghiệm hiện trường lại tham gia với tư cách là điều tra viên. Về sai sót này cấp sơ thẩm đã phát hiện ra và không lấy các tài liệu do Tẩn A Đ2 thu thập làm căn cứ giải quyết vụ án. Luật sư cho rằng ông Phong là Kiểm sát viên là người biết vụ việc lại tham gia giám sát hoạt động điều tra là không đúng và dùng lời khai của các bị can khác đã được đình chỉ bị can để làm căn cứ kết tội bị cáo M. Về vấn đề này HĐXX xét thấy luật không quy định trong trường hợp này Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng. Việc kết tội bị cáo trên cơ sở nhiều tài liệu chứng cứ khác, không chỉ riêng lời khai của các bị can đã được đình chỉ. Ngoài ra các luật sư cho rằng vật chứng đưa ra xem xét tại phiên tòa không có căn cứ vì không có trong kế hoạch điều tra và lệnh nhập kho vật chứng ngày 2/8/2017 không có chiếc áo này. HĐXX xét thấy chiếc áo thu đông trang phục của ngành Công an này đến ngày 02/5/2019 HĐXX sơ thẩm ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu thu giữ chiếc áo này và đến ngày 31/5/2019 mới thu giữ chiếc áo này nên không có trong lệnh nhập kho vật chứng là đúng.
Cũng tại phiên tòa luật sư cho rằng ông Nguyễn Ngọc P4 được Tòa án cấp sơ thẩm xác định là người làm chứng lại tiến hành hoạt động điều tra là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hội đồng xét xử thấy rằng, Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Phương tại các phiên tòa trước ngày 2/8/2019 là người làm chứng là sai, ông Phương không chứng kiến hành vi phạm tội của bị cáo nên ông Phương là điều tra viên điều tra vụ án là không trái với quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên tại phiên tòa ngày 2/8/2019 Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định ông Nguyễn Ngọc P4 là người được triệu tập đến phiên tòa và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay HĐXX phúc thẩm cũng không xác định ông Phương là người làm chứng.
Ý kiến luật sư cho rằng không thu thập được băng ghi âm ghi hình thì tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông Vũ Hồng P5 và ông Hà Văn S đã làm rõ tại phiên tòa, do khi cơ quan điều tra tiến hành việc ghi hình thì đã bị đối tượng M và một số đối tượng tấn công và cướp điện thoại nên không thu thập được, [2] Về chứng cứ chứng minh hành vi mà bị cáo Chẻo Xoang M đã thực hiện: Tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay bị cáo Chẻo Xoang M không thừa nhận hành vi phạm tội và giữ nguyên lời khai như phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cho rằng: vào khoảng 18 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2017, khi bị cáo đang làm gạch tại lán ở bản P 1, xã P thì nghe có người qua đường nói là ở khu vực ngã ba đường đi xã T có tai nạn giao thông, do bận làm việc nên bị cáo không đi xem. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, bị cáo xuống xem hiện trường vụ tai nạn giao thông. Tại hiện trường tai nạn giao thông, lúc đó trời đã tối và có ánh đèn điện của nhà người dân hai bên đường, khi bị cáo tiến gần đến vị trí chiếc xe máy bị tai nạn thì thấy có ánh đèn xe ô tô của Công an huyện SH chiếu sáng. Có đông người đứng xem, bị cáo có thấy mấy người dân tộc Mông đang đứng gần vị trí xe máy bị tai nạn. Lúc đó chiếc xe máy vẫn nằm ở đường và có vết máu ở gần vị trí xe đổ, người bị tai nạn không có ở đó. Có nhiều người xem tai nạn quay phim, chụp ảnh, trong đó có ông Hà Văn S (sau này bị cáo mới biết đó là người quay phim bị cáo tên là Sơn, làm ở Công an huyện SH). Bị cáo nói với ông Sơn là không được quay phim bị cáo thì ông Sơn bỏ chạy, nên bị cáo đã cùng với một người đàn ông ở đó đuổi theo ông Sơn. Khi đuổi kịp ông Sơn, bị cáo từ phía sau dùng tay túm vào cổ áo ông Sơn, còn người đàn ông kia lấy điện thoại của ông Sơn rồi đưa cho bị cáo cầm, sau đó ông Sơn chạy đi. Lúc đó bị cáo có nhìn thấy ông Triệu Tài Phúc là cán bộ xã P đang đứng gần ông Đỗ Ngọc T3 là công an huyện SH, đang mặc quần áo công an màu xanh. Do chiếc điện thoại không phải của bị cáo, nên bị cáo đã đưa chiếc điện thoại cho ông Triệu Tài P4, để trả lại cho người chủ của điện thoại. Bị cáo chưa kịp đưa điện thoại đến tay của ông Phúc thì có người kéo bị cáo, nên chiếc điện thoại bị rơi xuống đất. Sau đó bị cáo đứng ở hiện trường tiếp tục xem khoảng 30 phút sau thì bị Công an bắt. Sau khi bị bắt đưa về Trụ sở Công an huyện SH, bị cáo bị ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Tẩn A Đ2 đánh đập, bắt phải khai theo ý chí của Cơ quan Điều tra là: khi bị cáo không cho ông Hà Văn S quay phim hiện trường tai nạn, bị cáo đuổi theo túm vào cổ áo và cào vào cổ ông Sơn, thì bị cáo đã biết ông Sơn là công an; bị cáo được đấm ông Đỗ Ngọc T3. Nhưng thực tế bị cáo không biết người thanh niên quay phim lúc đó là cán bộ Công an huyện SH, do người thanh niên này không mặc quần áo của Công an. Khi bị cáo xem hiện trường vụ tai nạn giao thông, bị cáo có nhìn thấy ông Thanh đang mặc quần áo Công an màu xanh, nhưng bị cáo không được đánh ông Thanh. Bị cáo cho rằng bị cáo bị ép cung, dùng nhục hình. Tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ để làm rõ có hay không bị cáo bị ép cung dùng nhục hình xong tại kết luận điều tra ngày 17/01/2019 của cơ quan điều tra đã kết luận không có căn cứ bị cáo bị ép cung dùng nhục hình.
Lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra tại bút lục 417 thể hiện: “Do bức xúc cảnh sát giao thông đánh người nên tôi hô hào cùng mọi người không cho các cán bộ đưa xe đi”; “ Tôi nhìn thấy một cán bộ công an sau này tôi mới biết là đồng chí Đỗ Ngọc T3… Ngay lúc đó cán bộ Thanh cầm vào tay tôi, tôi dùng tay phải đấm một nhát vào mồm, mặt cán bộ Thanh, mục đích để bỏ chạy đi về”. Taị phiên tòa ngày 01/02/2018, BL 911- 14 bị cáo thừa nhận hành vi của mình là sai, BL 911- 15 Chẻo Xoang M khai: Bị cáo và bị cáo Pao tự đuổi đánh Công an chứ không cùng nhau. Bị cáo có cầm cổ áo Sơn, kéo cổ áo và cào cào vào cổ.
Lời khai Tẩn A P (BL 490) thể hiện “…Một lúc sau tôi thấy cầm tay một cán bộ đằng sau một số người khác đang đuổi đánh cán bộ, một lát sau khi Công an bắt anh Chẻo Xoang M thì hiện trường trở lên căng thẳng…”. BL 493 Tẩn A P khai “Tôi có nhìn thấy anh Chẻo Xoang M đánh và giằng co với một cán bộ Công an”. Các bút lục nêu trên đều thể hiện Tẩn A P đã đọc lại lời khai và xác nhận lời khai trong các bút lục nói trên là đúng lời khai của Tẩn A P.
Lời khai Tẩn A S (BL553) ngày 12/10/2017: “…Khi lực lượng Công an định mang xe máy đi thì người nhà nạn nhân bị tai nạn không cho mang xe đi thì tôi thấy anh Chẻo Xoang M cùng nhiều người khác đưổi đánh cán bộ Công an đang quay phim chụp ảnh…”. Biên bản hỏi cung này do điều tra viên Nguyễn Ngọc P4 thực hiện, có chữ ký của Tẩn A S; Bút lục 557 biên bản hỏi cung ngày 07/11/2017 đối với Tẩn A S, San khai “… tôi thấy Chẻo Xoang M nhà ở P cùng Chẻo Sần P3 trú cùng bản với tôi và một số người khác đuổi theo đánh cán bộ Công an huyện”.Biên bản này Tẩn A S đã tự tay ghi rõ “ Tôi đã được đọc lại lời khai trên, tôi không sử dụng đe dọa cán bộ chỉ được hô một câu đánh đi, còn lại là đúng những gì đã khai” và ký rõ tên Tẩn A S.
Lời khai ông Đỗ Ngọc T3 trình bày tại cấp sơ thẩm: Khoảng 19 giờ 00 phút, ông Thanh được Lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện SH phân công làm Tổ trưởng tổ khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực ngã ba đi xã T, huyện SH, thuộc bản TS, xã P, huyện SH. Khi đến hiện trường vụ tai nạn giao thông, ông đã giới thiệu đầy đủ các thành viên tổ công tác, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện SH, thông qua nội dung khám nghiệm và đề nghị người dân hợp tác, tạo điều kiện để tổ công tác làm nhiệm vụ. Nhưng sau đó có rất nhiều người dân tụ tập, có hành vi chửi bới, xúc phạm, cản trở tổ công tác làm nhiệm vụ, ông Thanh cùng thành viên Tổ công tác chỉ đề nghị người dân giãn ra để tạo điều kiện cho Tổ công tác làm việc mà không ai có hành động gì tác động tới người dân. Khi việc đo đạc hiện trường đã hoàn thành và tổ công tác tiến hành thủ tục đưa chiếc xe máy bị tai nạn về trụ sở Công an huyện SH để tiến hành các thủ tục tiếp theo, thì người dân có hành động cản trở Tổ công tác không cho mang chiếc xe máy về. Khi ông Thanh thấy ông Sơn là thành viên Tổ công tác đang bị Chẻo Xoang M đuổi theo, túm bóp cổ và ông Sơn chạy đến vị trí của ông Thanh đứng, ông Thanh đến can ngăn thì bị cáo M đã dùng tay đấm một nhát vào mồm ông Thanh, ngay sau đó dùng tay túm cổ áo, giật cầu vai bên trái của ông Thanh. Biết hành vi của bị cáo M dùng vũ lực cản trở Tổ công tác khi đang thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng do lực lượng Công an lúc đó rất mỏng, ít người, Người dân bị tâm lý đám đông chi phối nên có những hành động, lời nói quá khích nên ông Thanh cùng Tổ công tác không tiến hành bắt giữ đối với bị cáo M được. Khoảng 30 phút sau, khi được tăng cường lực lượng của Công an huyện SH, ông đã cùng cán bộ Công an huyện SH tiến hành bắt giữ bị cáo M, khi đang dẫn bị cáo M lên thùng xe chuyên dụng của Công an huyện SH thì ông bị ai đó dùng đá ném trúng đầu nên bị choáng rồi bị ngất ngay sau đó và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện SH. Hành vi của bị cáo M làm cho ông không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ của mình được giao và đã cản trở Tổ công tác Công an huyện SH khi đang thi hành công vụ. Bị cáo M là người trực tiếp gây ra thương tích ở vùng cổ trước cho ông, làm đứt cúc áo đầu tiên từ trên xuống (phần trụ áo), đứt cúc cầu vai áo bên trái của ông. Đến nay thương tích ở cổ đã hồi phục. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, ông Thanh khai đúng như phiên tòa sơ thẩm.
Ngoài ra còn có các lời khai của Võ Văn T5, Kiều Thị T3 trình bày: Khoảng 19 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2017, trong khi thực hiện việc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông ông Hà Văn S đang dùng điện thoại di động quay phim xung quanh khu vực hiện trường thì thấy bị cáo M bóp cổ, giật điện thoại của ông Sơn. Khi ông Đỗ Ngọc T3 can ngăn thì bị cáo M đã đấm vào mặt và giật cầu vai bên trái của ông Thanh. Sau đó có người ném đá vào ô tô của Công an huyện SH. Đến khi có lực lượng Công an huyện tăng cường thì tổ công tác tiếp tục làm việc, bà có nghe thấy tiếng đàn ông nói “tối rồi, đánh chết mẹ chúng nó đi”, sau đó lực lượng Công an khống chế, bắt giữ bị cáo M thì có nhiều người dân đuổi theo, chửi bới, cản trở, ông Đỗ Ngọc T3 bị ném đá trúng vào đầu và được đưa đi cấp cứu. Đặc biệt bà T3 cho rằng bà dễ dàng nhận ra bị cáo M vì hôm đó bị cáo có dán băng gạc màu trắng ở sống mũi.
Người làm chứng Triệu Tài P4 trình bày: Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông Phuc khai không nhìn thấy M đánh ông Thanh. Tuy nhiên tại cấp sơ thẩm ông Phúc khai: Tối 26 tháng 7 năm 2017, khi ông đi đến vị trí đầu xe ô tô của Công an huyện thì thấy ông Đỗ Ngọc T3 là cán bộ Công an huyện SH đang có xô sát, hai người đứng sát đối mặt với bị cáo M, hai bên sát ngực vào nhau, có lời qua tiếng lại rất căng thẳng.Ông có nói với ông Thanh là “tình hình rất căng thẳng, cứ bình tĩnh”. Một lúc sau thì bị cáo M được vợ và một số người kéo ra. BL 911-8 Triệu Tài P4 khai: Khi cơ quan khám nghiệm hiện trường thì thấy Chẻo Xoang M đuổi đánh đồng chí Hà Văn S, đồng chí Thanh đến ngăn cản, bà con kích động lấy đá ném vỡ gương xe ô tô, sau đó đồng chí Hùng bắt Chẻo Xoang M và Chẻo Sần P3.
BL 1386 ông Phúc khai; Tôi chạy ra thấy đồng chí Thanh ngăn M không cho đuổi người thanh niên, M dùng tay đẩy đồng chí Thanh ra, tôi thấy đồng chí Thanh và M đang xô vào nhau.
Người làm chứng Giàng A S4 trình bày: Khoảng 18 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2017 ông được Lãnh đạo Công an huyện SH phân công tham gia Tổ công tác khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông xảy ra tại bản TS, xã P. Khi đến hiện trường thì người bị tai nạn đã được đưa đi cấp cứu. Ông Đỗ Ngọc T3 đã tiến hành các thủ tục để Tổ công tác tiến hành khám nghiệm hiện trường. Khi Tổ công tác làm việc thì có nhiều người chửi bới Tổ công tác, người nhà người bị tai nạn không hợp tác, không cho mang xe đi khỏi hiện trường. Khi ông giải thích cho người nhà người bị tai nạn thì có nhiều người ném đất, đá vào đầu xe ô tô của Công an huyện, ông cùng ông Tẩn A Đ2 quan sát nhưng vì trời tối nên không nhận ra được ai ném. Một lúc sau ông thấy bị cáo M đuổi theo, kéo áo ông Hà Văn S, khi ông Thanh can ngăn thì bị cáo M dùng tay giật cầu vai của ông Thanh . Do lúc đó ông đang di chuyển về phía đầu xe ô tô của Công an huyện SH để cất máy ảnh, nên ông không quan sát được bị cáo M có đánh, đấm ông Thanh hay không.
Người làm chứng là ông Tẩn A Đ2 trình bày: Khoảng 20 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2017, Ông được Lãnh đạo Công an huyện SH phân công tham gia Tổ công tác khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông xảy ra tại bản TS, xã P. Tại hiện trường tai nạn giao thông có nhiều người lăng mạ, chửi tục nhằm vào lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ. Ông thấy bị cáo M là người rất hung hăng, sau đó bị cáo M đe dọa, cấm ông Hà Văn S không được quay phim tại hiện trường. Ông nghe có người nói “nó là công an đấy”, rồi bị cáo M lao đến vị trí ông Sơn đang quay phim. Ông chạy lại can ngăn nhưng không kịp vì bị Chẻo Sần P3 từ phía sau đấm sượt qua vai trúng vào cằm, đồng thời dùng chân đạp vào phần đầu gối của ông. Ông nghe thấy ông Đỗ Ngọc T3 hô với ông Sơn là “chạy đi”, thấy bị cáo M dùng tay đấm vào mặt và túm vào cổ áo ông Thanh, lúc đó có ông Triệu Tài P4 đang đứng gần vị trí của ông Thanh.
Tại bản tường trình hồi 16 giờ ngày 03 tháng 8 năm 2017, tại Công an huyện SH, tỉnh Lai Châu, người làm chứng Tẩn Ngọc S2 trình bày: Vào khoảng 21 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2017, ông Sơn đi chơi ở xã P, khi đi đến ngã ba xã T – P thì nhìn thấy có đám đông người tụ tập bên cạnh một chiếc xe máy bị ngã ven đường, cạnh xe còn một ít máu. Ông nhìn thấy Tổ công tác Công an huyện SH đang làm nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường. Ông nghe thấy có nhiều người chửi bới, đe dọa “đánh đi, đánh bọn chó Công an đi”, “đừng cho bọn Cảnh sát mang xe đi, phải giải quyết tại chỗ”, ngăn cản không cho cán bộ tạm giữ chiếc xe máy. Khi có một cán bộ Công an đang quay phim thì bị cáo Chẻo Xoang M và một số người khác dồn, đuổi theo người cán bộ quay phim. Ông nhìn thấy bị cáo M đấm vào mặt một cán bộ Công an đang mặc đồng phục cảnh sát. Đồng thời Ông nghe thấy tiếng ném đá vào xe ô tô của Công an huyện SH. Một lúc sau thì Công an huyện tăng cường thêm đã bắt bị cáo Chẻo Xoang M và Chẻo Sần P3 lên xe, Ông thấy một cán bộ công an ngã xuống đường, rồi mọi người giải tán.
Người làm chứng Trần Văn M2 trình bày: Ông Minh được Tổ công tác khám nghiệm hiện trường phân công làm nhiệm vụ đo, vẽ sơ đồ hiện trường. Khi làm xong thì thấy bị cáo M và Sơn xô xát với nhau. Khi ông Đỗ Ngọc T3 can ngăn thì Sơn bỏ chạy về phía ô tô của Công an huyện SH thì có nhiều gạch, đá ném về phía ông Sơn và ông Thanh. Ông nhìn thấy bị cáo M và ông Thanh xô đẩy nhau, có đông người kéo bị cáo M ra. Một lúc sau có lực lượng Công an huyện tăng cường đã tiến hành bắt giữ bị cáo M.
Người làm chứng Lù A Đ3 trình bày: Khi Tổ công tác Công an huyện SH đang khám nghiệm hiện trường thì bị nhiều người dân xung quanh chửi bới. Lúc đó ông Triệu Tài P4 có can thiệp, giải thích cho người dân nhưng người dân không chấp hành. Khi ông Hà Văn S chụp ảnh hiện trường thì bị cáo M xông vào bóp cổ, Ông nhìn thấy ông Đỗ Ngọc T3 ra can ngăn để ông Sơn chạy thoát ra thì bị cáo M đã túm cổ áo, kéo đứt cầu vai áo của ông Thanh.
Xem xét vật chứng là chiếc áo thường dùng thu đông của ngành Công an tại phiên tòa xác định: chiếc áo đã bị đứt 01 cúc phía trên cùng trụ áo (còn lại phần chỉ khâu màu xanh), đứt 01 cúc cầu vai áo (còn lại phần chỉ khâu màu xanh).
Tại bản kết luận giám định pháp y tư pháp về thương tích số: 55/BKL- TTPY ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Lai Châu, đối với ông Đỗ Ngọc T3 đã kết luận: “1. Dấu hiệu chính qua giám định: Vành tai bên phải có 01 vết tổn thương phần mềm kích thước: 2,5cm x 1cm vết thương đang đóng vẩy (chưa thành sẹo), có chiều từ trên xuống dưới; Sau vành tai bên phái có 01 vết tổn thương phần mềm kích thước 3,2cm x 0,8cm vết thương đang đóng vảy (chưa thành sẹo); Cổ bên phải đo từ dái tai hướng xuống dưới 7cm có vết tổn thương phần mềm (chưa thành sẹo) kích thước 0,5cm x 0,3cm; Ngay chính giữa vùng cổ trước có vết tổn thương phần mềm kích thước 6cm x 0,1cm vết thương đang đóng vảy (chưa thành sẹo); Mặt sau khuỷu tay bên trái có vết tổn thương phầm mềm kích thước 6cm x 0,1cm vết thương đang đóng vảy (chưa thành sẹo); 2. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể Đỗ Ngọc T3 hiện tại là 2% (Hai phần trăm).” Ngoài ra xem xét giữa bị cáo M với Tẩn A P, Tẩn A S trước đó không có mâu thuẫn. Giữa bị cáo M và các cán bộ điều tra, Viện Kiểm sát không hề có mâu thuẫn, nhưng Tẩn A P và Tẩn A S đều thừa nhận nhìn thấy M đuổi đánh cán bộ công an. Lời khai của Páo và San phù hợp với lời khai của Triệu Tài P4, phù hợp với lời khai của những người làm chứng khác trong vụ án, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, phù hợp với thương tích của Đỗ Ngọc T3. Đặc biệt phù hợp với lời khai của chính bị cáo tại biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 26/7/2017 ( ôngNguyễn Văn Học khẳng định việc lập biên bản là khách quan) Tại phiên tòa hôm nay, những người triệu tập đến phiên tòa ông Nguyễn Ngọc P4, Ông Lò Văn D, Ông Vũ Hồng P5, Ông Quàng Văn S5 đều cam đoan trước Tòa án về việc trong suốt quá trình điều tra thu thập chứng cứ đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật tố tụng, các tài liệu thu thập là khách quan, không có sự ép cung dùng nhục hình, không có việc làm sai lệch hồ sơ vụ án và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý có trong hồ sơ vụ án. Mặc dù trong giai đoạn điều tra và xét xử sơ thẩm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót trong hoạt động tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 19 giờ 00 phút, khi Công an huyện SH thực hiện khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực ngã ba đi xã T, huyện SH, thuộc bản TS, xã P, huyện SH. Khi thực hiện khám nghiệm hiện trường đã hoàn thành và tổ công tác tiến hành thủ tục đưa chiếc xe máy bị tai nạn về trụ sở Công an huyện SH để tiến hành các thủ tục tiếp theo, thì người dân có hành động cản trở Tổ công tác không cho mang chiếc xe máy về. Chẻo Xoang M đuổi theo, túm bóp cổ và ông Sơn chạy đến vị trí của ông Thanh đứng, ông Thanh đến can ngăn thì bị cáo Chẻo Xoang M đã có hành vi dùng vũ lực, dùng tay túm vào cổ áo, giật đứt cầu vai và đấm một phát vào mặt (mồm) của ông Thanh. Hậu quả ông Thanh bị tổn thương phần mềm ở chính giữa vùng cổ trước, kích thước vết tổn thương 0,5cm x 0,3cm; làm cho chiếc áo là trang phục thường dùng thu đông của ngành Công an mà ông Thanh đang mặc bị đứt 01 chiếc cúc đầu tiên từ trên xuống phần trụ áo (phía trước) và đứt cúc cầu vai bên trái, ông Thanh bị thương tích 2%. Hành vi của Chẻo Xoang M đủ yếu tố cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại khoản 1 điều 257 Bộ luật hình sự. Do đó cấp sơ thẩm quy kết tội danh và áp dụng các điều luật để xử phạt bị cáo 7 tháng tù là đúng với tính chất mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, không oan sai. Vì vậy việc bị cáo kháng cáo kêu oan không có căn cứ chấp nhận. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Về án phí: Theo quyết định 582/QĐ- Ttg ngày 28/4/2017; 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, bị cáo được miễn án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 điều 355, 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Chẻo Xoang M và giữ nguyên bản án sơ thẩm số 23/2019/HSST, ngày 07 tháng 8 năm 2019 của TAND huyện SH, tỉnh Lai Châu, Cụ thể:
1. Tuyên bố bị cáo Chẻo Xoang M phạm tội “Chống người thi hành công vụ” Căn cứ vào khoản 1 Điều 257, Điều 38, điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Chẻo Xoang M07 (bảy) tháng tù, được khấu trừ thời gian tạm giữ tạm giam 05 tháng 07 ngày, bị cáo còn phải chấp hành 01 (một) tháng 23 (hai mươi ba) ngày tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.
2. Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, bị cáo Chẻo Xoang M được miễn án phí hình sự phúc thẩm.
Các phần khác của bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HSST, ngày 7 tháng 08 năm 2019 của TAND huyện SH, tỉnh Lai Châu không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án 11/12/2019.
Bản án 01/2019/HS-PT ngày 11/12/2019 về tội chống người thi hành công vụ
Số hiệu: | 01/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lai Châu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/12/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về