Bản án 01/2018/KDTM-PT ngày 07/03/2018 về đòi lại tiền đặt cọc từ việc hủy hợp đồng mua bán cổ phần

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

BẢN ÁN 01/2018/KDTM-PT NGÀY 07/03/2018 VỀ ĐÒI LẠI TIỀN ĐẶT CỌC TỪ VIỆC HỦY HỢP ĐỒNG MUA BÁN CỔ PHẦN

Ngày 07 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 05/2017/TLPT-KDTM ngày 01 tháng 11 năm 2017 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2017/KDTM-ST ngày 07 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2018/QĐKDTM-PT ngày 24 tháng 01 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H do ông Trương Anh T là Chủ tịch HĐQT làm đại diện theo pháp luật. Địa chỉ trụ sở: xxx Huỳnh Văn B, phường x, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trương Anh T ủy quyền cho ông Phan H, sinh năm 1980. Nơi cư trú: Số x Trần Nhân T, phường T, thành phố P, tỉnh Ninh Thuận tham gia tố tụng (Giấy ủy quyền ngày 03/4/2017), có mặt.

2. Bị đơn: Công ty TNHH thương mại & xây dựng S (Sáp nhập Công ty TNHH du lịch N) do ông Đinh A là Giám đốc đại diện theo pháp luật. Địa chỉ trụ sở: Số Trần Quang D, phường T, thành phố P, Ninh Thuận, có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam. Địa chỉ trụ sở chính: Số x Hàng v, quận H, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Tấn V – Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng T đầu tư và phát triển Ninh Thuận tham gia tố tụng (Quyết định ủy quyền tham gia tố tụng số: 01/2016/QĐ-BIDV.NT ngày 28/10/2016), có mặt.

- Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Địa chỉ: Tầng x – Tòa nhà C, số x Trần Duy H, quận C, Thành phố Hà Nội, có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

- Ông Nguyễn L nguyên giám đốc công ty cổ phần du lịch N. Nơi cư trú: Phường P, thành phố P, tỉnh Ninh Thuận, vắng mặt.

- Ông Lê Văn L nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần du lịch N. Địa chỉ: Số x Trần P, phường P1, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ông Phan H là đại diện theo ủy quyền của ông Trương Anh T - Chủ tịch HĐQT là đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H trình bày:

Ngày 20/02/2008 giữa Công ty cổ phần du lịch N (gọi tắt là Công ty CP du lịch) và công ty H có ký kết Biên bản thỏa thuận về việc Công ty CP du lịch bán cho Công ty Hoàng Q số cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (gọi tắt là SCIC) tại Công ty CP du lịch 39.192 cổ phiếu, mệnh giá 100.000đồng/1 cổ phiếu. Tổng giá trị là 3.919.200.000đ, công ty H đặt cọc trước 1.000.000.000đ (một tỷ đồng). Ngày 22/02/2008, Công ty H đã chuyển số tiền đặt cọc này vào tài khoản của Công ty CP du lịch mở tại Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận (theo ủy nhiệm chi ngày 22/02/2008). Tuy nhiên, khi số tiền này chuyển vào tài khoản của Công ty CP du lịch thì Ngân hàng T đầu tư và phát triển chi nhánh Ninh Thuận lại cấn trừ vào số công nợ quá hạn và lãi suất của Công ty CP du lịch. Do việc thỏa thuận mua bán cổ phần giữa Công ty H và Công ty CP du lịch không thành công nên Công ty CP du lịch xác nhận hoàn trả lại số tiền đặt cọc là 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) và lãi suất cho Công ty H.

Tuy nhiên, sau đó Công ty CP du lịch đã chuyển đổi thành Công ty TNHH du lịch N. Mặc dù, Công ty H đã nhiều lần đòi nợ nhưng Công ty TNHH du lịch N vẫn không trả. Hiện nay Công ty TNHH du lịch N đã sáp nhập vào Công ty TNHH TM- XD S. Vì vậy, Công ty H yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty TNHH TM-XD S hoặc Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đặt cọc này cho Công ty H, Công ty H không yêu cầu tính lãi.

Ông Đinh A là Giám đốc đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH thương mại & xây dựng S (sáp nhập Công ty TNHH du lịch N) trong quá trình giải quyết vụ án trình bày: Việc mua bán cổ phiếu giữa công ty H và Công ty CP du lịch không liên quan gì đến công ty chúng tôi. Việc mua bán cổ phần giữa công ty H và Công ty CP du lịch trong khi chưa có sự đồng ý của Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước là thỏa thuận vô hiệu. Công ty chúng tôi đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Vì bận công việc nên đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt công ty chúng tôi.

Ông Nguyễn Tấn V - Phó giám đốc Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam trình bày:

Công ty CP du lịch là một khách hàng đã vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận theo Hợp đồng tín dụng. Theo đó giữa Chi nhánh Ngân hàng T đầu tư và phát triển Ninh Thuận và Công ty CP du lịch có thỏa thuận như sau: “Khi tài khoản tiền gửi của bên vay có số dư thì Ngân hàng được quyền trích tài khoản tiền gửi thu nợ vay. Vì vậy, khi tài khoản tiền gửi của Công ty CP du lịch có số dư (được hình thành từ bất cứ nguồn nào) thì Ngân hàng được quyền trích tài khoản tiền gửi để thu nợ vay, đồng thời xem xét giải ngân vốn vay khi Công ty CP du lịch có nhu cầu bổ sung vốn đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngày 25/02/2008 tài khoản tiền gửi của Công ty CP du lịch có số dư là 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) và Công ty CP du lịch không có bất kỳ một văn bản nào đề nghị Ngân hàng không thu nợ vay, do đó Ngân hàng đã thu nợ vay và sau đó đã cho Công ty CP du lịch vay vốn khi có nhu cầu bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh với số tiền vay lớn hơn 1.000.000.000đ (một tỷ đồng). Đến thời điểm ngày 31/5/2010 Ngân hàng đã bán toàn bộ nợ vay của Công ty CP du lịch cho bên mua nợ là Công ty TNHH TM-XD S. Nay Công ty H yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam có trách nhiệm hoàn lại số tiền đặt cọc là 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) cho Công ty H thì Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam không đồng ý vì Ngân hàng đã thu nợ đúng theo quy định.

Quá trình giải quyết vụ án, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tại văn bản số 1579/ĐTKDV-ĐT3 ngày 18/9/2013, SCIC có ý kiến trình bày: SCIC là cổ đông sở hữu 39.192 cổ phần (mệnh giá 100.000đ/CP) tại Công ty cổ phần du lịch N; SCIC không ủy quyền bằng bất kỳ hình thức nào cho ông Nguyễn L – Giám đốc Công ty CP du lịch để thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của SCIC cho công ty H. Theo văn bản số 1002/TCT-ĐT ngày 11/10/2007, SCIC đề nghị ông Nguyễn L “ ...nghiên cứu xây dựng phương án bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần của SCIC cho đối tác chiến lược ...”; SCIC không có thông tin về việc Công ty CP du lịch chuyển nhượng số cổ phần của SCIC cho công ty H; Tháng 5 năm 2010, SCIC đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của SCIC cho Công ty TNHH TM-XD S; Việc ông Nguyễn L thay mặt Công ty CP du lịch chuyển nhượng số cổ phần của SCIC cho công ty H khi chưa được sự cho phép, ủy quyền của SCIC là trái với quy định của pháp luật ...; Vào thời điểm công ty H khởi kiện công ty TNHH du lịch N, SCIC đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP du lịch do đó không còn các quyền và nghĩa vụ với tư cách cổ đông. Do đó SCIC không có ý kiến gì về vụ kiện này.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: ông Nguyễn L nguyên giám đốc công ty cổ phần du lịch N, vắng mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: ông Lê Văn L nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần du lịch N, vắng mặt.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2017/KDTM-ST ngày 07 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận quyết định:

Căn cứ vào Điều 30, Điều 35, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 123, 131, 166, 275, 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 27, điểm d mục 3 Phần I (Danh mục án phí) của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam.

- Buộc Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả lại 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) cho Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất được quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, quyền và nghĩa vụ của các bên thi hành án dân sự theo quy định của Luật thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 18 tháng 9 năm 2017, Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam do ông Nguyễn Tấn V - Phó giám đốc Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ninh Thuận là người đại diện theo ủy quyền kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những vấn đề sau:

1. Hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2017/KDTM- ST ngày 07 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Việt Nam thay đổi nội dung kháng cáo: Đề nghị sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H về việc buộc Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Ninh Thuận trả số tiền 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) tiền đặt cọc.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viển Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm.

- Về hình thức đơn kháng cáo: Đúng quy định và trong hạn luật định nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

- Về nội dung kháng cáo: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận, chấp nhận nội dung kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam do ông Nguyễn Tấn V – Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng T đầu tư và phát triển Ninh Thuận đại diện theo ủy quyền kháng cáo toàn bộ bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2017/KDTM-ST ngày 07/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự sửa Bản án sơ thẩm theo hướng buộc Công ty TNHH thương mại và xây dựng S phải có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng).

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần” là không chính xác. Vì theo đơn khởi kiện của Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty TNHH thương mại và xây dựng S hoặc Ngân hàng đầu tư phải có nghĩa vụ trả lại cho Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H 1.000.000.000 đồng tiền đặt cọc để thực hiện giao dịch mua bán cổ phần. Theo đó quan hệ pháp luật tranh chấp ở vụ án này là “Tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc” mới đúng quy định của pháp luật. Vì vậy Tòa án cấp phúc thẩm cần sửa lại quan hệ pháp luật cho đúng với yêu cầu khởi kiện cuả nguyên đơn và đúng quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết “Tranh chấp Hợp đồng mua bán cổ phần” là không phù hợp pháp luật. Bởi vì, nguyên đơn và bị đơn đều là pháp nhân hoạt động thương mại theo quy định pháp luật, tranh chấp phát sinh từ việc Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty TNHH TM-XD S (sáp nhập Công ty TNHH du lịch N) hoặc Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam có trách nhiệm hoàn lại số tiền đặt cọc mua bán cổ phần là 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) theo Biên bản thỏa thuận về việc mua bán cổ phần ngày 20/02/2008 giữa nguyên đơn và Công ty TNHH du lịch N. Nên có đủ căn cứ xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Đòi lại tiền đặt cọc từ việc hủy hợp đồng mua bán cổ phần”.

Sau khi đã tống đạt Thông báo thụ lý, Quyết định gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng ông Nguyễn L, ông Lê Văn L là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn vắng mặt không có lý do. Riêng phía bị đơn Công ty TNHH thương mại & xây dựng S và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có yêu cầu giải quyết vắng mặt. Căn cứ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan này là đúng quy định pháp luật.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam nhận thấy:

Căn cứ vào Điều 128 Bộ luật dân sự 2005 nay là Điều 123 BLDS năm 2015, thì Biên bản thỏa thuận ngày 20/02/2008 về việc Công ty CP du lịch bán 39.192 cổ phiếu, mệnh giá 100.000đ/cổ phiếu, tổng giá trị là 3.919.200.000đ của SCIC cho Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H và thỏa thuận công ty H đặt cọc trước số tiền 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) chưa được sự đồng ý của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là vô hiệu toàn bộ do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Việc phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng Công ty CP du lịch là một khách hàng đã vay vốn theo Hợp đồng tín dụng. Theo đó các bên có thỏa thuận như sau: “Khi tài khoản tiền gửi của bên vay có số dư thì Ngân hàng được quyền trích tài khoản tiền gửi thu nợ vay”. Ngày 25/02/2008 tài khoản tiền gửi Công ty CP du lịch có số dư là 01 tỷ đồng và Công ty CP du lịch không có bất kỳ văn bản nào đề nghị Ngân hàng không thu nợ vay, do đó Ngân hàng đã thu nợ vay với số tiền này từ Công ty CP du lịch là đúng quy định nên Ngân hàng không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc Ngân hàng phải hoàn trả lại số tiền đặt cọc này cho nguyên đơn. Tại văn bản số 029/CV-PC ngày 01/7/2009 của Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam có ý kiến chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận xử lý khoản tiền 01 tỷ đồng đã thu nợ từ nguồn đặt cọc mua cổ phần của Công ty H khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 31/5/2010 Ngân hàng đã bán toàn bộ nợ vay của Công ty CP du lịch cho bên mua nợ là Công ty TNHH TM-XD S. Tại phiên tòa phía Ngân hàng cũng thừa nhận giao dịch mua bán cổ phần ngày 20/02/2008 giữa Công ty H và Công ty CP du lịch là trái pháp luật và cho rằng khoản tiền đầu tư tài chính 01 tỷ đồng của Công ty H vào Công ty CP du lịch trên thực tế là không còn do Công ty CP du lịch đã thua lỗ dẫn đến âm vốn chủ sở hữu. Do đó việc Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H yêu cầu Công ty TNHH TM-XD S hoàn trả số tiền 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) là không có cơ sở.

Do thỏa thuận mua bán 39.192 cổ phiếu thuộc sở hữu của SCIC giữa Công ty CP du lịch và Công ty H ngày 20/02/2008 là trái pháp luật, số tiền đặt cọc đã bị Ngân hàng T đầu tư phát triển Việt Nam thu hồi nợ từ Công ty CP du lịch vào ngày 25/02/2008. Xét nguồn gốc số tiền này phát sinh từ giao dịch dân sự trái pháp luật do đó Công ty CP du lịch chưa xác lập quyền sở hữu đối với số tiền đặt cọc này kể từ thời điểm xác lập giao kết (ngày 22/02/2008), trong khi đó đến ngày 25/02/2008 phía Ngân hàng mới cấn trừ số tiền đặt cọc này vì cho rằng số tiền này thuộc sở hữu của Công ty CP du lịch là không có căn cứ. Mặt khác tại ủy nhiệm chi ngày 22/02/2008 (BL 48) thể hiện “ Đặt cọc tiền mua cổ phần tại Cty CP Du lịch N”, điều này thể hiện giao dịch mua bán cổ phần giữa Công ty H và Công ty CP du lịch chưa thành công. Trường hợp thỏa thuận mua bán cổ phần này thành công thì người sở hữu số tiền đặt cọc này là SCIC chứ Công ty CP du lịch không sở hữu số tiền này, điều này thể hiện tháng 5/2010 SCIC đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho Công ty TNHH TM-XD S (BL 67,68). Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc phía bị đơn nay là công ty TNHH TM-XD S hoặc phía Ngân hàng phải hoàn trả lại cho nguyên đơn số tiền đặt cọc này là có căn cứ để HĐXX xem xét chấp nhận.

Từ sự phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ các Điều 123, 131, 166, 275 Bộ luật dân sự năm 2015, buộc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho nguyên đơn là Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H số tiền 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) là phù hợp.

[3] Quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[4] Do không chấp nhận kháng cáo, nên người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam phải chịu án phí phúc thẩm.

[5] Những phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 30; Điều 38; khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 148; khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Áp dụng các Điều 123, 131, 166, 275, 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

Không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng T đầu tư và phát triển Việt Nam, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

- Buộc Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả lại 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) cho Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất được quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

Về án phí:

Án phí sơ thẩm:

- Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn lại cho Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc H 29.779.000 (hai mươi chín triệu bảy trăm bảy mươi chín nghìn) đồng đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai số 0003788 ngày 20/3/2012 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

- Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Việt Nam phải chịu 42.000.000 (bốn mươi hai triệu) đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Án phí phúc thẩm: Ngân hàng T Đầu tư và Phát triển Việt Nam phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm 2.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 0014219 ngày 20/9/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1577
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/KDTM-PT ngày 07/03/2018 về đòi lại tiền đặt cọc từ việc hủy hợp đồng mua bán cổ phần

Số hiệu:01/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Thuận
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 07/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về