Bản án 01/2018/HS-ST ngày 24/01/2018 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH LIÊU, TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 01/2018/HS-ST NGÀY 24/01/2018 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Ngày 24 tháng 01 năm 2018 tại: Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh; Xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 09/2017/TLST-HS ngày 31 tháng 12 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2018/QĐXXST-HS ngày 05 tháng 01 năm 2018 đối với các bị cáo:

1.Bị cáo: Trần Tiến D; Sinh ngày 05 tháng 3 năm 1993, tại: Xã L, huyện B, tỉnh Quảng Ninh; Nơi cư trú: Thôn N, Xã L, huyện B, tỉnh Quảng Ninh; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hoá (học vấn): 8/12; Dân tộc: Tày; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Trần Thế B và bà Nình Thị N; Vợ con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Chưa có; Nhân thân: Không; Bị bắt, tạm giam ngày 14/10/2017; Hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh  (Có mặt).

2.Bị cáo: Trạc A N; Sinh ngày 24 tháng 3 năm 2000 (Đến ngày thực hiện hành vi phạm tội bị cáo 17 tuổi 06 tháng 11 ngày), tại: Xã H, huyện B, tỉnh Quảng Ninh; Nơi cư trú: Thôn S, Xã H, huyện B, tỉnh Quảng Ninh; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hoá (học vấn): 8/12; Dân tộc: Dao; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Trạc Sáng P và bà Tằng Sám M (Bỏ đi Trung Quốc năm 2007, hiện không có địa chỉ); Vợ con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Chưa có; Nhân thân: Không; Bị cáo hiện tại ngoại tại nơi cư trú (Có mặt)

3.Người đại diện hợp pháp của bị cáo Trạc A N: Ông Trạc Sáng P; Sinh năm 1971; Nơi cư trú: Thôn S, Xã H, huyện B, tỉnh Quảng Ninh; Nghề nghiệp: Làm ruộng, là bố đẻ của bị cáo (Có mặt).

4. Người bào chữa cho bị cáo Trạc A N: Ông Phạm Thành Dũng, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng ninh (Có mặt).

5. Bị hại:

-Anh La Thế M (Sinh năm 1990); Nơi cư trú: Thôn N, Xã L, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt).

-Anh Trần Minh D (Sinh năm 1995); Nơi cư trú: Khu B, thị trấn B, huyện B, tỉnh Quảng Ninh ( Vắng mặt).

-Anh Trần Quang H (Sinh năm 1980); Nơi cư trú: Khu B, thị trấn B, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Vắng mặt).

-Bà Hoàng Thị P (Sinh năm 1971); Nơi cư trú: Thôn N, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt).

- Anh Dương Văn L (Sinh năm 1988); Nơi cư trú: Thôn N, Xã L, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt).

6.Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại Hoàng Thị P là Luật sư Dương Xuân Tích, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh, công tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh (Có mặt)

7. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

-Anh Hoàng Minh Q (Sinh năm 1997); Nơi ĐKNKTT: Khu 4, xã V, huyện C, tỉnh Phú Thọ; Chỗ ở hiện nay: Khu B, thị trấn B, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt).

-Anh Đỗ Anh D (Sinh năm 1991); Chỗ ở hiện nay: Khu B, thị trấn B, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Vắng mặt).

-Anh Doòng A T (Sinh năm 1993); Nơi cư trú: Thôn P, xã Đ, huyện B, tỉnh Quảng Ninh ( Có mặt).

8. Người tham gia tố tụng khác:

-Những người làm chứng: Trần Sinh P; Chíu Chăn L; Hoàng Thế D; Doòng A N; Chu Văn P; Chu Văn C; Hoàng Văn Q; Nình Văn C; Dương Văn T; Trắng Văn M; Hoàng Thị V; Loan Thị V; Lài Trắng P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ  án  được tóm tắt  như sau:  Trong thời gian từ ngày 29/8/2017 đến ngày 14/10/2017, Trần Tiến D đã thực hiện liên tiếp 05 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Bình Liêu, trong đó có 01 vụ Dũng cùng Trạc A N thực hiện, cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất: Khoảng 20h  ngày 29/8/2017, Trần Tiến D đến quán điện tử của anh Hoàng Văn B ở thôn K, Xã L, huyện B để chơi điện tử. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày thì D ra về, D thấy chiếc xe mô tô nhãn hiệu Yamaha sirius BKS14P3-6881 của anh La Thế M, trú tại Thôn N, xã L đang dựng ở sân trước cửa quán anh B không có người trông coi, xe không tắt khóa điện (do khóa đã bị hỏng), khi đó anh M đang ở trong quán. D đến điều khiển chiếc xe này đến khu vực cầu ngầm sang B, xã L cất giấu. Đến ngày 31/8/2017, D điều khiển xe mô tô của anh M đến Thôn P, xã Đ, huyện B rồi bán xe này cho anh Doòng A T với giá 1.600.000đ. Bản kết luận định giá tài sản số 930/KLĐG ngày 10/10/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Bình Liêu kết luận: chiếc xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Sirius, BKS 14P3-6881 có trị giá 2.940.000đ.

Vụ thứ 2: Tối ngày 01/9/2017 Trần Tiến D đến nhà ông Trần Sinh P (bác họ của D) ở Khu B, thị trấn B, huyện B chơi và xin ngủ lại ở phòng anh Trần Minh D (con ông P) ở trên tầng hai. Khi thấy chiếc máy vi tính xách tay nhãn hiệu Dell Vostro V2420 của anh Trần Minh D để ở trong phòng, Trần Tiến D đã nảy sinh ý định trộm cắp. Khoảng 20h ngày 02/9/2017, lợi dụng anh Trần Minh D đi chơi, Trần Tiến D đã sử dụng một sợi dây thừng của gia đình ông P buộc chiếc máy vi tính xách tay và bộ sạc máy vi tính vào rồi thả từ trên tầng 2 xuống sân. Sau đó D đi xuống tầng một xin phép vợ chồng ông P đi chơi, rồi D mang chiếc máy vi tính xách tay và bộ sạc máy vi tính vừa thả xuống sân đem đi cất giấu. Đến  tối ngày 03/9/2017, Trần Tiến D lấy số tài sản nêu trên bán cho anh Hoàng Minh Q là chủ cửa hàng điện thoại di động ở thị trấn B với giá 900.000đ. Bản kết luận định giá tài sản số 842/KLĐG ngày 08/9/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Bình Liêu kết luận: chiếc máy vi tính xách tay nhãn hiệu Dell Vostro V2420 và bộ sạc máy tính xách tay của anh Trần Minh D có trị giá 5.080.000đ.

Vụ thứ 3: Khoảng 01h30’ phút ngày 04/10/2017, Trần Tiến D đi bộ đến vỉa hè đường nội thị khu vực trước cửa nhà anh Trần Quang H ở Khu B, thị trấn B thấy chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave a BKS 14U1-269.96 của anh Đỗ Anh D gửi nhờ anh H trông giữ đang dựng trên vỉa hè không có người trông coi, xe không khóa cổ, khóa càng nên đã nảy sinh ý định trộm cắp. D đến dắt xe này rồi ngồi thả trôi xuống dốc, sau đó dắt xe đến nhà anh Chu Văn P ở thôn N, xã V, huyện B gửi nhờ nhưng D không nói cho anh P biết xe do trộm cắp mà có. Đến ngày 06/10/2017, D đến nhà anh P lấy xe dắt đến nhà anh Chu Văn C ở thôn N, xã V, khi đó chỉ có chị Chu Thị T là con anh C ở nhà. D cùng Trạc A N lấy ở nhà anh C một chiếc tô vít đem cậy phá mở khóa điện, khóa yên xe, đấu nối dây điện của xe nhưng D không nói cho chị T và N biết xe do trộm cắp mà có. D lấy trong cốp dưới yên xe của anh Duy 74.000đ rồi điều khiển xe chở N đi chơi đến khoảng 21h cùng ngày thì bị Công an Xã L, huyện B kiểm tra, tạm giữ xe tại khu vực sân bóng xã L. Bản kết luận định giá tài sản số 983/KLĐG ngày 25/10/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Bình Liêu kết luận: chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave a, gắn BKS 14U1-269.96 có trị giá 7.900.000đ.

Vụ thứ 4: Khoảng 0h ngày 05/10/2017, Trần Tiến D rủ Trạc A N đi trộm trâu, N đồng ý. Đến khoảng 02 giờ 30 phút cùng ngày, D dẫn N đến gần khu vực trước cửa nhà chị Hoàng Thị P ở thôn N, xã T, huyện B, N dùng đèn pin điện thoại di động của N soi cho D cởi dây đang buộc một con trâu đực khoảng 06 năm tuổi của gia đình chị P ở gốc cây vải. Sau đó cả hai thay nhau dắt, đuổi con trâu đi đến nhà bà Loan Thị V ở Khu B, thị trấn B để bán nhưng bà V không mua nên D và N đã bỏ lại con trâu ở đó rồi đi về. Đến ngày 08/10/2017 gia đình chị P đã tìm lại được con trâu. Bản kết luận định giá tài sản số 1030/KLĐG ngày 08/11/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Bình Liêu kết luận: con trâu của gia đình bà Hoàng Thị P nêu trên có trị giá 18.000.000đ.

Vụ thứ 5: Khoảng 16h  ngày 14/10/2017, Trần Tiến D đi chơi về đến đường liên thôn thuộc thôn N, Xã L, huyện B thấy chiếc xe mô tô nhãn hiệu Yamaha sirius, BKS 14P1-001.53 của chị Trần Thị S trú tại thôn N đang dựng ở lề đường không có người trông coi, xe không khóa cổ, khóa càng nên đã nảy sinh ý định trộm cắp. D đến ngồi lên xe thả trôi xuống dốc ngã ba thôn N, rồi tiếp tục đẩy xe đi về hướng thôn N. Khi D đang đẩy xe đi thì bị anh Nình Văn C nhìn thấy nghi ngờ D trộm cắp xe, anh C đi báo cho anh Trắng Văn M ở gần đó biết. Thấy vậy, D bỏ xe lại ở lề đường rồi chạy xuống khe suối gần đó thì bị anh M cùng một số người dân đuổi theo yêu cầu D về Công an xã L làm rõ. Bản kết luận định giá tài sản số 985/KLĐG ngày 25/10/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Bình Liêu kết luận: chiếc xe mô tô nhãn hiệu Yamaha sirius, BKS 14P1-001.53 của chị Trần Thị S có trị giá 6.080.000đ.

Bản cáo trạng số: 01/KSĐT-HS ngày 30/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Liêu, đã truy tố Trần Tiến D, Trạc A N về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 138 của Bộ luật hình sự.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Liêu đề nghị: Tuyên bố các bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản”; Đề nghị áp dụng: Khoản 1, Điều 138; Điểm b, p, khoản 1, Điều 46; Điểm g, n, khoản 1, Điều 48; Điều 20; Điều 53 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo D từ 24 đến 30 tháng tù; Đề nghị áp dụng Khoản 1, Điều 138; Điểm h, p, khoản 1, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 69 và Điều 73 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo N từ 06 đến 09 tháng cải tạo không giam giữ. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm c, Khoản 2, Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự (2015); Tịch thu tiêu hủy 01 đoạn dây màu trắng và 01 đoạn dây màu vàng; 01 tô vít; 01 mũi khoan 8 bằng kim loại. Về bồi thường thiệt hại: Buộc bị cáo D phải trả lại cho anh Doòng A T số tiền 1.600.000đ anh đã bỏ ra mua xe mô tô gắn BKS 14P3-6881; Còn đối với yêu cầu của bà Hoàng Thị P về việc buộc các bị cáo phải bồi thường cho gia đình bà số tiền công của 10 người (anh em, bà con trong thôn) đã đi tìm con trâu cho gia đình bà 03 ngày. Tổng số 30 ngày công với giá trị 150.000đ/ngày, tổng số tiền là 4.500.000đ. Tuy nhiên bà P chưa nộp được các tài liệu chứng minh yêu cầu của mình, vì vậy chưa xem xét giải quyết và dành cho bà P khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.

Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo Trạc A N: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, thấy rằng việc truy tố và xét xử bị cáo Trạc A N về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1, điều 138 của Bộ luật hình sự là đúng người, đứng tội; Tuy nhiên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, bị cáo N phạm tội khi còn ở độ tuổi chưa thành niên, thực hiện hành vi phạm tội do bị cáo D lôi kéo, rủ rê; Bản thân bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ bỏ đi biệt tích từ khi bị cáo được 7 tuổi, thiếu cả sự quan tâm giáo dục của bố, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Nên ngoài các tình tiết giảm nhẹ như đề nghị của Viện kiểm sát, thì đề nghị áp dụng thêm khoản 2, điều 46 của Bộ luật hình sự và cho bị cáo được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.

Đại diện hợp pháp của bị cáo Trạc A N: Không có ý kiến gì.

Ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại Hoàng Thị P: Qua xem xét yêu cầu của bà Hoàng Thị P về việc yêu cầu bị các bị cáo phải bồi thường cho bà chi phí đi tìm trâu của những người trong gia đình và bà con trong thôn, thời gian tìm kiếm là 03 ngày, với số tiền là 4.500.000đ; Mặc dù tại phiên tòa hôm nay bà P chưa xuất trình được các tài liệu để chứng minh yêu cầu của mình; Nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận, vì trên thực tế khi bị mất tài sản thì cũng phải đi tìm và báo cơ quan chức năng; Chi phí mà bà P yêu cầu là chi phí hợp lý theo quy định cần phải được bồi thường.

Ý kiến của những người bị hại: Đối với anh La Thế M tại phiên tòa qua sự phân tích của Hội đồng xét xử về việc mua bán chiếc xe mô tô Yamaha sirius BKS 14P3-6881(xe không có giấy đăng ký, số khung, số máy bị đục), nên anh M có ý kiến không nhận lại chiếc xe mô tô; Bà Hoàng Thị P có yêu cầu các bị cáo Trần Tiến D và Trạc A N phải bồi thường cho gia đình bà số tiền công của 10 người (anh em, bà con trong thôn) đã đi tìm con trâu cho gia đình bà 03 ngày. Tổng số 30 ngày công với giá trị 150.000đ/ngày, tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 4.500.000đ. Còn đối với những người bị hại khác không có ý kiến và yêu cầu bồi thường.

Ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Đỗ Anh D không yêu cầu bị cáo bồi thường cho anh số tiền 74.000đ; Anh Doòng A T có yêu cầu bị cáo D phải bồi thường lại cho anh số tiền 1.600.000đ là số tiền anh bỏ ra mua chiếc xe mô tô.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo Trần Tiến D đã khi nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và thể hiện: Do chơi bời và thường sử dụng ma túy đá, nên để có tiền mua ma túy sử dụng, trong thời gian từ ngày 29/8/2017 đến ngày 14/10/2017, Trần Tiến D đã một mình thực hiện 04 vụ trộm cắp tài sản gồm: trộm 01 chiếc xe mô tô gắn BKS 14P3-6881 của anh La Thế M; 01 chiếc máy vi tính xách tay và 01 bộ xạc máy vi tính của anh Trần Minh D;

01 chiếc xe mô tô gắn BKS 14U1-269.96 và 74.000đ của anh Đỗ Anh D; 01 chiếc xe mô tô BKS 14P1-001.53 của chị Trần Thị S có tổng trị giá là 22.074.000đ. Trần Tiến D còn cùng với Trạc A N trộm cắp 01 con trâu của gia đình chị Hoàng Thị P trị giá 18.000.000đ.

Bị cáo Trạc A N cũng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận của các bị cáo phù hợp nhau, cùng có nội dung: Khoảng 00 giờ ngày 05/10/2017, bị cáo D rủ bị cáo N đi trộm cắp trâu, N đồng ý. Đến khoảng 02h30’ cùng ngày, lợi dụng lúc nửa đêm không có ai đi lại, trông giữ con trâu. D dẫn N đến gần khu vực trước cửa nhà chị Hoàng Thị P (tại thôn N, xã T, huyện B) chỗ buộc con trâu, N dùng đèn pin điện thoại di động của N soi cho D cởi dây đang buộc một con trâu đực khoảng 06 năm tuổi của gia đình chị P ở gốc cây vải. Sau đó cả hai thay nhau dắt, đuổi con trâu đi đến nhà bà Loan Thị V ở Khu B, thị trấn B để bán với giá 17.000.000đ nhưng bà V không mua nên D và N đã bỏ lại con trâu ở đó rồi bỏ đi

Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với lời khai của những người bị hại La Thế M, Trần Minh D, Trần Quang H, Trần Thị S, Hoàng Thị P và Lô Đức C về thời gian, địa điểm và tài sản bị cáo đã trộm cắp.

Để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là: Doòng A T, Hoàng Minh Q đã khai nhận về thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận mua bán tài sản mà bị cáo D đã trộm cắp, anh Đỗ Anh D khai về thời gian, địa điểm, đặc điểm  xe mô tô và số tiền, vật dụng anh Duy cất để trong cốp dưới yên xe mô tô gắn BKS 14U1-269.96 bị trộm cắp. Những người làm chứng là: Hoàng Thế D, Trần Sinh P, Chu Văn P, Chu Thị T, Hoàng Thị V, Loan Thị V, Lài Trắng P, Nình Văn C, Dương Văn T,Trắng Văn M đều có lời khai cơ bản phù hợp với nhau và phù hợp với lời khai của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Tại các biên bản định giá tài sản: Số 842/KLĐG ngày 08/9/2017, số 930/KLĐG ngày 10/10/2017, số 983/KLĐG ngày 25/10/2017, số 985/KLĐG ngày 25/10/2017, số 1030/KLĐG ngày 08/11/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Bình Liêu đã kết luận thì tổng trị giá các tài sản mà bị cáo D đã trộm cắp là 40.074.000đ và trong đó bị cáo N cùng tham gia trộm cắp là 18.000.000đ.

Như vậy qua sự phân tích và đánh giá nêu trên cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở để xác đinh hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội "Trộm cắp tài sản", quy định tại Khoản 1, Điều 138 của Bộ luật hình sự. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân được Nhà nước và pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương; Trong một khoảng thời gian ngắn bị cáo D đã thực hiện nhiều lần trộm cắp tài sản (mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm) và rủ Trạc A N là người chưa thành niên cùng tham gia trộm cắp tài sản; Vì vậy cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g (Phạm tội nhiều lần), điểm n (Xúi giục người chưa thành niên phạm tội), khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 đối với bị cáo D và có mức hình phạt tương xứng với tính chất mức độ, hành vi phạm tội của mỗi bị cáo.

Khi quyết định hình phạt cũng xem xét: Tại phiên toà hôm nay cũng như tại cơ quan điều tra các bị cáo đã khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình và tỏ ra ăn năn hối cải; Sau khi phạm tội bị cáo D và gia đình đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại Trần Minh D số tiền 9000.000đ; Bị cáo N phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Bản thân bị cáo N khi thực hiện hành vi phạm tội 17 tuổi 06 tháng 11 ngày; Trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Do vậy cần xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm  p,  Khoản 1 (Và áp dụng thêm điểm b, khoản 1 đối với bị cáo D; Áp dụng điểm h, khoản 1, khoản 2, đối với bị cáo N), Điều 46 cuả Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Xét vai trò của các bị cáo trong vụ án: Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là tự phát; Mặc dù các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nhưng giữa các bị cáo không có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm rõ ràng; không có sự câu kết chặt chẽ nên không thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm có tổ chức mà chỉ là đồng phạm giản đơn. Bị cáo Trần Tiến D là kẻ có vai trò chính, thực hiện 05 vụ trộm cắp tài sản, vì vậy phải chịu mức hình phạt cao nhất trong vụ án; Bị cáo Trạc A N là kẻ đồng phạm thực hành, có vai trò thứ yếu, bị Trần Tiến D rủ rê, xúi giục, khi thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 18 tuổi vì vậy cần áp dụng các quy định khi xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại Điều 69 của Bộ luật hình sự; Xét thấy chưa cần thiết phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo N, mà có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ để giáo dục, giúp đỡ bị cáo sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật hình sự.

[2] Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Liêu truy tố các bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Khoản 1, Điều 138 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội có căn cứ pháp luật.

Về quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Trạc A N: đề nghị xem xét áp dụng thêm khoản 2, điều 46 của Bộ luật hình sự; Với lý do bị cáo N có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Xét thấy cần xem xét, chấp nhận.

[3] Tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Quá trình tiến hành tố tụng qua đánh giá các hành vi, quyết định tố tụng, Hội đồng xét xử nhận thấy quá trình điều tra, truy tố đã đảm bảo đầy đủ và đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

[4] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 5, Điều 138 của Bộ luật hình sự; Xét thấy bị cáo có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, không có thu nhấp; Vì vậy miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo D và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo N.

[5] Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Quá trình điều Trần Tiến D đã tác động gia đình bồi thường cho anh Trần Minh D số tiền 900.000đ mà anh Trần Minh D đã bỏ ra để chuộc lại chiếc máy vi tính.

Đại diện Viện kiểm sát có đề nghị buộc bị cáo D trả lại cho anh T số tiền 1.600.000đ và anh Doòng A T có yêu cầu bị cáo D phải trả lại anh số tiền 1.600.000đ anh đã bỏ ra mua xe mô tô gắn BKS 14P3-6881; Hội đồng xét xử nhận thấy Anh Doòng A T mặc dù biết xe mô tô bị cáo D bán không có giấy đăng ký xe, vẫn thỏa thuận đồng ý mua với giá 1.600.000đ; Xe mô tô là loại tại sản có đăng ký, việc mua bán, chuyển nhượng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng do ham rẻ, anh T đã vi phạm quy định của pháp luật; Chiếc xe mô tô là tài sản do Trần Tiến D trộm cắp mà có (nhưng quá trình điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh anh T biết đó là tài sản do phạm tội mà có, nên không đủ căn cứ để xử lý hình sự); Đồng thời bị cáo D đã sử dụng số tiền này vào việc mua ma túy đá để sử dụng cho bản thân; Vì anh T cũng là người có lỗi,  khi thiệt hại xảy ra anh T cũng phải tự chịu trách nhiệm về thiệt hại của mình; Vì vậy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của anh T và đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát.

Về yêu cầu của bà Hoàng Thị P, cũng như ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P; Tại phiên tòa bà P chưa đưa ra được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường của mình; Nên chưa có căn cứ để xem xét yêu cầu của bà P; Mặc dù chưa được xem xét, giải quyết yêu cầu tại phiên tòa hôm nay, nhưng bà P vẫn được quyền khởi kiện yêu cầu các bị cáo bồi thường bằng một vụ án dân sự, khi bà P có đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình.

Về số tiền 74.000đ của anh Đỗ Anh D mà bị cáo D chiếm đoạt và 1.600.000đ tiền bán xe mô tô cho anh T, bị cáo D đã chi tiêu cho bản thân và mua ma túy sử dụng hết; Vì vậy cần buộc bị cáo nộp lại để sung quỹ Nhà nước.

[6] Về xử lý vật chứng: Quá trình điều tra thu giữ 01 đoạn dây màu trắng; 01 đoạn dây thừng màu vàng; 01 tô vít; 01 mũi khoan 8; Đối với 02 đoạn dây thừng là công cụ, phương tiện bị cáo D thực hiện hành vi phạm tội, còn chiếc tô vít và mũi khoan cũ, đã hỏng không còn giá trị sử dụng. Vì vậy cần tịch thu, tiêu hủy theo quy định tại Điểm a, c, Khoản 2, Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Đối với chiếc xe mô tô BKS 14P1-001.53, quá trình điều tra xác định thuộc sở hữu của anh Dương Văn L (chồng chị S), Cơ quan điều tra đã trả chiếc xe này cho anh L. Còn đối với chiếc xe mô tô gắn BKS 14P3-6881. Kết quả giám định xác định số khung, số máy của xe đã bị tẩy xóa, đục lại, không xác định được số nguyên thủy; Đối với chiếc xe mô tô gắn BKS 14U1-269.96. Kết quả giám định xác định số khung của xe là: RLHHC1201BY173687, số máy của xe là: HC12E-2973676 đều không bị tẩy xóa sửa chữa đục lại. Tuy nhiên qua tra cứu theo biển số xe 14U1-269.96 thì xác định được xe biển số 14U1-269.96 có số khung là: RLHHC1251FY164036 và có số máy là: HC12E7164075. Do chưa xác định được chủ sở hữu hợp pháp của hai chiếc xe mô tô nêu trên nên Cơ quan điều tra đã tách ra khi nào làm rõ được sẽ xử lý sau.

Chiếc điện thoại di động mà Trạc A N đã sử dụng soi cho Trần Tiến D tháo dây để trộm trâu, N khai đã làm rơi mất nên Cơ quan điều tra không thu giữ được. Vì vậy không đề cập xử lý.

[7] Anh Doòng A T có hành vi mua chiếc xe mô tô gắn BKS 14P3-6881, anh Hoàng Minh Q có hành vi mua chiếc máy vi tính xách tay và bộ sạc máy vi tính đều là những tài sản do Trần Tiến D trộm cắp mà có; Anh Chu Văn P có hành vi cho Trần Tiến D gửi chiếc xe mô tô gắn biển số biển số 14U1-269.96 do D trộm cắp mà có và chị Chu Thị T có hành vi để cho D đưa chiếc xe này đến nhà rồi D và N lấy tô vít cậy phá mở khóa điện, khóa yên xe... nhưng quá trình điều tra xác định anh T, anh Quang, anh P và chị T đều không biết đây là những tài sản do D phạm tội mà có nên không có cơ sở để xử lý.

[8] Về án phí:  Bị cáo Trần Tiến D phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự. Đối với bị cáo Trạc A N có đơn xin miễn nộp án phí, do bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vì vậy miễn án phí hình sự cho bị cáo N. Mặc dù yêu cầu của anh Doòng A T không được chấp nhận, nhưng anh T có đơn xin miễn án phí, bản thân anh T là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nên miễn án phí dân sự cho anh T.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Các bị cáo Trần Tiến D và Trạc A N  phạm tội: Trộm cắp tài sản”.

-Căn cứ vào: Khoản 1, Điều 138; Điểm b, p, khoản 1, Điều 46; Điểm g, n, khoản 1, Điều 48; Điều 20; Điều 53 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Trần Tiến D 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 14/10/2017.

-Căn cứ vào: Khoản 1, Điều 138; Điểm h, p, khoản 1, khoản 2, Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 69 và Điều 73 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Trạc A N 06 (Sáu) tháng cải tạo không giam giữ; Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Không khấu trừ thu nhập của bị cáo Trạc A N trong thời gian bị cáo chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; Giao bị cáo Trạc A N cho UBND Xã H, huyện B, tỉnh Quảng Ninh để giám sát giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với UBND xã H trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

-Căn cứ vào: Điểm b, khoản 1, Điều 41 của Bộ luật hình sự. Buộc bị cáo Trần Tiến D phải nộp lại tổng số tiền 1.674.000đ (Một triệu, sáu trăm bảy mươi tư nghìn đồng) để sung quỹ Nhà nước.

-Căn cứ vào: Điểm a, c, Khoản 2, Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự (2015).

Tịch thu, tiêu hủy: 01 (Một) tô vít dài 29,5cm, phần cán gỗ màu sơn đỏ dài 11cm, phần kim loại hình tròn có mũi dẹp, nhọn 2 cạnh dài 18,5cm (Tô vít cũ đã qua sử dụng); 01 (Một) mũi khoan 8 bằng kim loại dài 14,9cm, một đầu mũi khoan hình xoắn ốc, một đầu có 4 cạnh (Mũi khoan cũ đã qua sử dụng); 01 (Một) đoạn dây thừng màu trắng dài 2,2m và 01(Một) đoạn dây thừng màu vàng dài 3,7m có chu vi 01cm được nối với nhau (Hai đoạn dây đều đã qua sử dung).

(Toàn bộ vật chứng và tình trạng vật chứng được thể hiện tại Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 04/01/2018 tại: Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh).

-Căn cứ vào: Khoản 2, Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự (2015); Điểm a, c, Khoản 1, Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14  ngày 30/12/2016 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Bị cáo Trần Tiến D phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự. Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Trạc A N và án phí dân sự cho anh Doòng A T.

Án xử công khai sơ thẩm; Báo cho những người có mặt biết quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Những người vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

220
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/HS-ST ngày 24/01/2018 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:01/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bình Liêu - Quảng Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về