Bản án 01/2018/HS-ST ngày 05/02/2018 về tội chống người thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DUYÊN HẢI, TỈNH TRÀ VINH

BẢN ÁN 01/2018/HS-ST NGÀY 05/02/2018 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 05 tháng 02 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 01/2018/TLST-HS ngày 16 tháng 01 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2018/QĐXXST-HS ngày 23 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo:

Họ và tên: Thạch Hoàng S sinh ngày 09 tháng 9 năm 1999 tại tỉnh T; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ấp B, xã K , huyện T, tỉnh T; nơi cư trú ấp L, xã ĐC, huyện D, tỉnh T; nghề nghiệp làm thuê; trình độ văn hóa 07/12; dân tộc Khmer; tôn giáo không; quốc tịch Việt Nam; con ông Thạch Sâm B và bà Ngô Thị H; tiền sự không; tiền án không; bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 25 tháng 12 năm 2017 cho đến nay; bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Phạm Duy K sinh năm 1985. Nơi cư trú ấp L, xã ĐC, huyện D, tỉnh T (Có mặt).

- Người làm chứng: Ông Thạch Hồng S1 sinh năm 1979. Nơi cư trú ấp L, xã ĐC, huyện D, tỉnh T (Có mặt).

Anh Cao Minh V sinh năm 1990. Nơi cư trú ấp L, xã ĐC, huyện D, tỉnh T (Có mặt).

- Người phiên dịch tiếng Khmer: Bà Sơn Thị H, nghề nghiệp cán bộ hưu trí. Nơi cư trú khóm 2, phường 1, thị xã D, tỉnh T (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào chiều ngày 30-11-2017, bị cáo Thạch Hoàng S đến nhà chú ruột là ông Thạch Hồng S1, trú tại ấp L, xã ĐC, huyện D, tỉnh T để uống rượu cùng ông Hồng S1 và một số người. Trong lúc uống rượu, ông Hồng S1 nói bị cáo đi làm tôm mà không có tiền mua một lít rượu uống nên cả hai xảy ra mâu thuẫn và tất cả nghỉ uống, ông Hồng S1 cùng vợ là bà Kim Thị Q đi ra chòi tôm, những người còn lại đi về nhà. Khi về, bị cáo nói cho cha mình là ông Thạch Sâm B nghe việc ông Hồng S1 có lời nói xúc phạm đến bị cáo, nên ông B lấy một đoạn sắt dài khoảng một mét cùng với bị cáo đi đến nhà ông Hồng S1 để nói chuyện. Khi đến, ông B không gặp ông Hồng S1 nên tức giận và đã xảy ra cự cãi với c hị ruột mình là bà Thạch Thị H và con bà H là Thạch Thị Hồng L nhà cạnh bên. Trong lúc cự cãi, ông B đã dùng đoạn sắt đánh vào cột nhà mồ của cha mình làm bể hai miếng gạch nhỏ và đánh gãy một nhánh cây mai vàng được trồng phía trước nhà mồ. Riêng bị cáo Thạch Hoàng S dùng tay đánh vào mặt chị L nhưng không gây thương tích. Lúc này ông Hồng S1 ở ngoài chòi tôm cách khoảng 200m, nghe cự cãi nên đ iện thoại báo anh Phạm Duy K, chức vụ Phó Trưởng Công an xã ĐC đến giải quyết. Khi nhận được thông tin, anh K phân công anh Cao Minh V, Công an viên ấp đến trước, sau đó ông Hồng S1 tiếp tục điện thoại lần thứ hai thì anh K trực tiếp đến giải quyết vụ việc.

Khi thấy anh K cùng lực lượng Công an đến, ông S1 cùng bà Q đi từ chòi tôm phía trước nhà đi vào, ông Hồng S1 có cầm trên tay một đoạn cây tầm vông dài 1,9m đi phía trước và bà Q đi phía sau. Khi vào gần đến sân trước nhà thì ông B chạy đến dùng tay đánh vào người bà Q nhưng không gây thương tích, ông Hồng S1 nhìn thấy vợ bị đánh nên đã cầm đoạn cây tầm vông trên tay phải đánh mạnh một cái trúng vào tay phải ông B nhưng không gây thương tích, làm đoạn tầm vông gãy thành hai đoạn. Bị cáo đứng gần đó chạy đến định đánh ông Hồng S1 thì bị ông Hồng S1 cầm đoạn cây tầm vông dài 109cm, bị gãy còn lại trên tay phải, đứng đối diện đánh một cái theo hướng từ phải qua trái trúng vào vị trí cung mày trái của bị cáo gây thương tích.

Sau khi bị gây thương tích, bị cáo nhặt lấy một đoạn tre dài 82cm ở trên sân, chạy đến đánh ông Hồng S1. Ngay lúc này anh K và anh V đến can ngăn. Anh K mặc trang phục Công an xã, đứng đối diện với bị c áo, dùng tay chỉ vào bị cáo và yêu cầu bỏ đoạn tre xuống để Công an xã giải quyết đồng thời anh K kêu ông Hồng S1 và bà Q chạy vào nhà đóng cửa lại để không cho bị cáo đánh. Khi đó, bị cáo biết rõ anh K là Công an xã đến để giải quyết vụ việc nhưng không chấp hành yêu cầu của anh K. Bị cáo cầm đoạn tre trên tay phải, đánh một cái theo hướng từ phải qua trái trúng vào vị trí hông trái của anh K, anh K tiến đến giật lấy đoạn tre trên tay bị cáo, bị cáo không dừng lại mà tiếp tục chạy đến dùng tay đập vào cửa sổ nhà ông Hồng S1 và nói “Đánh tao rồi trốn hả”. Sau đó Công an xã yêu cầu gia đình đưa bị cáo đến Trạm y tế xã ĐC điều trị vết thương và báo cáo vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Duyên Hải, qua xác minh làm rõ đã tạm giữ vật chứng là 01 đoạn tre rắn chắc dài 82cm, hai đầu bị bể nham nhở, đường kính đầu lớn 4,5cm, đường kính đầu nhỏ 3,5cm. Đối với vật chứng còn lại đã thu giữ và giải quyết trong vụ cố ý gây thương tích.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 143/TgT ngày 14/12/2017 của Trung tâm pháp y - Sở y tế Trà Vinh kết luận thương tích của anh Phạm Duy K như sau: Vết bầm da vùng hông trái kích thước 12cm x 02cm, có tỷ lệ thương tật là 0%; cơ chế hình thành dấu vết thương tích: Do ngoại lực tác động trực tiếp, vật gây ra thương tích trên là vật tày cứng.

Đối với việc bị cáo dùng tay đánh vào mặt chị Thạch Thị Hồng L nhưng không gây thương tích, chị L không có yêu cầu nên không xem xét giải quyết. Riêng hành vi cố ý gây thương tích của Thạch Hồng S đã bị khởi tố, xử lý ở một vụ án khác, hành vi của ông Thạch Sâm B đang bị cơ quan chức năng xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại bản cáo trạng số 01/QĐ-KSĐT ngày 15-01-2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã truy tố bị cáo Thạch Hoàng S về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 257 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Thạch Hoàng S trình bày ngày 30-11-2017 có dùng cây đánh anh Phạm Duy K 01 cây vào vùng hông bên trái, nhưng cho rằng do đánh nhằm trúng anh K, không cố ý và không có mục đích chống người thi hành công vụ.

Anh Phạm Duy K và anh Cao Minh V trình bày, khi đến hiện nhìn thấy bị cáo Thạch Hoàng S cầm trên tay 1 đoạn cây, các anh đã yêu cầu bị cáo bỏ cây xuống để Công an giải quyết, nhưng bị cáo không chấp hành mà dùng cây đánh anh K 1 cái, lúc này bị báo đứng cách ông Hồng S1 khoảng 4m nên không thể cho rằng bị cáo đánh ông Hồng S1 trúng nhằm vào anh K, mà mục đích của bị cáo đánh để anh K không thể ngăn cản bị cáo tiến đến đánh ông Hồng S1. Sau khi sự việc xảy ra đã thỏa thuận bồi thường toàn bộ thiệt hại cho anh K là 1.000.000 đồng, nên anh không yêu cầu bồi thường gì thêm.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa giữ nguyên quyết định truy tố, phân tích đánh giá tính chất vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 257, điểm b, h khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, xử phạt bị cáo Thạch Hoàng S từ 09 (Chín) tháng đến 01 (Một) năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”; về trách nhiệm dân sự bị cáo và anh K đã thỏa thuận bồi thường xong và không yêu cầu gì khác nên không xem xét; về vật chứng đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 đoạn tre rắn chắc dài 82cm, hai đầu bị bể nham nhở đ ường kính đầu lớn 4,5cm, đường kính đầu nhỏ 3,5cm mà bị cáo dùng làm công cụ phạm tội, ngoài ra còn đề nghị miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo do thuộc trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bị cáo Thạch Hoàng S nói lời sau cùng: Bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

 [1]. Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Duyên Hải, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Duyên Hải, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2]. Kết quả thẩm vấn, tranh luận công khai tại phiên tòa phù hợp biên bản khám nghiệm, sơ đồ hiện trường, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ kết luận: Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 30-11-2017 nhận được tin báo có mâu thuẫn xảy ra tại ấp L, xã ĐC, huyện D giữa bị cáo và ông Thạch Hồng S1. Anh Phạm Duy K là Phó Trưởng Công an xã ĐC và anh Cao Minh V là Công an viên ấp L đến hiện trường để giải quyết mâu thuẫn, lúc này anh K và anh V đến can ngăn, anh K mặc trang phục Công an xã, đứng đối diện với bị c áo, dùng tay chỉ vào bị cáo và yêu cầu bỏ đoạn tre xuống để Công an xã giải quyết đồng thời kêu ông Hồng S1 và bà Q chạy vào nhà đóng cửa lại để không cho bị cáo đánh. Lúc này bị cáo biết rõ anh K là Công an xã đến để giải quyết vụ việc nhưng không chấp hành yêu cầu của anh K, mà cầm đoạn tre trên tay phải, đánh một cái theo hướng từ phải qua trái trúng vào vị trí hông trái của anh K với vết bầm da vùng hông trái kích thước 12cm x 02cm, có tỷ lệ thương tật là 0%, hành vi của bị cáo là dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ. Như vậy đã có đầy đủ cơ sở quy kết bị cáo Thạch Hoàng S phạm tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại khoản 1 Điều 257 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Bị cáo cho rằng không cố ý đánh anh K mà mục đích đánh ông Hồng S1 nhưng trúng nhằm anh Khánh là không có cơ sở, bởi vì tại thời điểm anh K yêu cầu bị cáo bỏ đoạn cây xuống để Công an giải quyết thì anh K và anh V đứng giữa bị cáo và ông Hồng S1 khoảng cách giữa bị cáo và ông S1 khoảng 4m, lúc đó bị cáo cầm đoạn cây dài 82cm thì nhận biết được không thể đánh trúng ông Hồng S1, như vậy mục đích bị cáo đánh anh K để không thể ngăn cản bị cáo tiến đến đánh ông Hồng S1, vì sao khi đánh anh K và bị giật lấy đoạn cây, bị cáo không dừng lại mà chạy đến dùng tay đập vào cửa sổ nhà ông Hồng S1 và nói “Đánh tao rồi trốn hả”, tỏ thái độ rất nóng giận.

 [3]. Xét tính chất vụ án là ít nghiêm trọng, hành vi của bị cáo Thạch Hoàng S1 là nguy hiểm cho xã hội, lẽ ra khi có mâu thuẫn xảy ra giữa gia đình bị cáo và gia đình ông Thạch Hồng S1, được lực lượng Công an đến giải quyết bị cáo phải dừng lại hoặc lựa chọn cách xử sự khác cho phụ hợp, ngược lại khi thấy anh K mặc trang phục Công an dùng tay chỉ vào bị cáo yêu cầu bỏ đoạn cây xuống để Công an giải quyết, bị cáo lại dùng cây đánh vào vùng hông của anh K thể hiện ý thức xem thường pháp luật, hành vi của bị cáo không chỉ xâm phạm trật tự quản lý hành chính, mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe của người thực thi công vụ, hơn nữa tại phiên tòa hôm nay bị cáo chưa thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình mà cho rằng đánh nhằm. Trong tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm thời kì mới, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm khắc đối với tội phạm về chống người thi hành công vụ, nguyên nhân là do ý thức xem thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ của người dân đ ối với người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, nên cần phải xử lý nghiêm và cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định mới đủ để giáo dục riêng cho bị cáo và nhằm răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.

 [4] Khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cũng xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tự nguyện bồi thường thiệt hại, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có người thân có công với Nhà nước, bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế, Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, h, khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật.

 [5]. Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã thỏa thuận bồi thường cho anh K tổng cộng là 1.000.000 đồng, anh K không yêu cầu bồi thường gì thêm nên không xem xét.

 [6]. Về vật chứng: Xét thấy 01 (Một) đoạn tre rắn chắc dài 82cm, hai đầu bị bể nham nhở, đường kính đầu lớn 4,5cm, đường kính đầu nhỏ 3,5cm bị cáo sử dụng làm công cụ phạm tội không còn giá trị sử dụng nên áp dụng Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu tiêu hủy.

 [7]. Xét bản cáo trạng của Viện kiểm sát, quan điểm luận tội của Kiểm sát viên đề nghị đối với vụ án là có căn cứ, phù hợp pháp luật nên được chấp nhận.

 [8]. Về án phí: Bị cáo Thạch Hoàng S có đơn xin miễn nộp án phí lý do thuộc diện là người dân tộc thiểu số sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Hội đồng xét xử xét thấy theo quy định tại các Điều 12, 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, thì bị cáo thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Thạch Hoàng S phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 257, điểm b, h khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt bị cáo Thạch Hoàng S 09 (Chín) tháng tù, thời hạn phạt tù được tính từ ngày chấp hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án anh Phạm Duy K đã được bồi thường thiệt hại xong, không yêu cầu bồi thường gì khác nên không xem xét.

Về vật chứng: Áp dụng Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tuyên tịch thu tiêu hủy 01 (Một) đoạn tre rắn chắc dài 82cm, hai đầu bị bể nham nhở, đường kính đầu lớn 4,5cm, đường kính đầu nhỏ 3,5cm.

Về án phí: Áp dụng các Điều 12, 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Thạch Hoàng S.

Về quyền kháng cáo: Án xử sơ thẩm bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

 “Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

322
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/HS-ST ngày 05/02/2018 về tội chống người thi hành công vụ

Số hiệu:01/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Duyên Hải - Trà Vinh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về