Bản án 01/2018/DS-ST ngày 23/01/2018 về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản và tranh chấp đòi quyền sử dụng đất để quản lý di sản dùng vào thờ cúng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH THUẬN, TỈNH KIÊN GIANG 

BẢN ÁN 01/2018/DS-ST NGÀY 23/1/2018 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VỀ TÀI SẢN VÀ ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐỂ QUẢN LÝ DI SẢN DÙNG VÀO THỜ CÚNG

Ngày 23 tháng 01 năm 2018, tại Phòng xử án của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang tiến hành mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 24/2017/TLST-DS ngày 17 tháng 4 năm 2017 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản và đòi QSD đất để quản lý di sản thờ cúng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 115/2017/QĐXXST-DS ngày 11/9/2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đặng Hồng R, sinh năm 1954 (có mặt)

- Bị đơn: Ông Đặng Oanh T, sinh năm 1938 (có mặt) Cùng địa chỉ: ấp K3, xã T, huyện V, tỉnh K.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1923; địa chỉ: ấp K2, xã T, huyện V, tỉnh K (Có đơn xin vắng mặt).

Bà Đặng Thị C, sinh năm 1960; địa chỉ: K1, thị trấn V, huyện V, tỉnh K (Có mặt).

Bà Đặng Thị M, sinh năm 1961; địa chỉ: ấp K3, xã T, huyện V, tỉnh K (Có đơn xin vắng mặt).

Ông Đặng Văn L, sinh năm 1956; địa chỉ: đường K, phường A, thành phố R tỉnh K (Có đơn xin vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 11/4/2017, đơn khởi kiện bổ sung ngày 27/4/2017, lời khai tại Tòa án và trong quá trình xét xử nguyên đơn ông Đặng Hồng R trình bày: Ông Đặng Văn Q (Hai S) có diện tích đất khoảng 40 công và 01 căn nhà đều tọa lạc tại ấp K 3, xã T. Khi ông Q còn sống ông đã phân chia đất cho các con và các con ông Q đã nhận đất xong. Sau khi cho đất xong thì ông Q còn lại 3.5 công đất vườn, 3.5 công đất ruộng và 01 căn nhà. Năm 2003 ông Q chết có lập di chúc ngày 10/6/2001 nội dung phân chia đất cho các con như trước đây ông đã phân chia và các con đã nhận đất xong. Ngày 08/5/2004 các anh em trong gia đình ông R có họp lại thống nhất phân chia đất cho bà Nguyễn Thị B 02 công đất ruộng đúng như di chúc của ông Q. Bà Nguyễn Thị B đã nhận xong 02 công đất ruộng. Như vậy, di sản của ông Q hiện còn lại 1.5 công đất ruộng và 3.5 công đất vườn và 01 căn nhà, diện tích đất và nhà nêu trên các con ông Q và bà B cùng thống nhất dùng vào việc thờ cúng. Trong di chúc của ông Q đề cập giao phần đất và nhà cho bà B quản lý dùng vào việc hương hỏa và bà B được hưởng huê lợi trên phần đất này, khi nào bà B không quản lý nữa thì bà B thỏa thuận với các con ông Q sẽ giao lại cho con ông L quản lý, sử dụng thờ cúng ông bà. Trong biên bản họp gia đình ngày 08/5/2004 thỏa thuận sau khi bà B chết thì giao cho ông L sắp xếp việc thờ cúng. Nay ông L và bà B không thể thực hiện việc thờ cúng được, lý do bà B hiện đã lớn tuổi và đồng thời chuyển về ấp Kinh 2, xã Tân Thuận sinh sống, còn ông L thì chuyển về thành phố Rạch Giá nên ngày 09/07/2006 ông L ủy quyền cho ông R tiếp tục quản lý di sản thờ cúng là đất và nhà.

Vào năm 2009 ông R thuê 02 công đất ruộng của bà B, không làm hợp đồng, giá thuê là 30 giạ lúa/02 công/ năm. Ông R canh tác đất đến năm 2015 thì ông T đào đường mương thoát nước ngang 1m, dài 52m từ phần đất thổ vườn hương hỏa (nay đã ban ra thành đất ruộng) ông T đào ngang qua phần đất ruộng 02 công do ông R thuê của bà B và làm làm ảnh hưởng thiệt hại lúa của ông R vào các năm 2015 và 2016, đồng thời ông T bao chiếm phần diện tích đất trong phần đất thổ vườn hương hỏa.

Tại phiên tòa ông R xác định vụ lúa đầu vào tháng 03 năm 2015 vẫn thu hoạch bình thường 30 giạ/công, còn vụ lúa sau xạ giống được khoản hơn 01 tháng thì lúa chết không thu hoạch được. Năm 2016 có xạ vụ đầu, lúa lên được khoản 02 tháng thì chết, không thu hoạch được, còn vụ lúa sau không xạ lúa nên bỏ ruộng trống. Ông R thừa nhận ông có nhận tiền hỗ trợ thiên tai do hạn mặn, cụ thể năm 2015  được  nhận  số  tiền  hỗ  trợ  là  1.400.000đ/3.5  công  đất  (bình  quân  là 400.000đ/công) và năm 2016 được nhận số tiền hỗ trợ là 3.500.000đ/3.5 công (bình quân là 1.000.000đ/công).

Nay nguyên đơn ông R yêu cầu bị đơn ông T bồi thường thiệt hại là 60 giạ lúa. Nguyên đơn ông R căn cứ vào “Tờ trích đo vẽ địa chính ngày 03/8/2017 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Vĩnh Thuận” yêu cầu ông T buộc tháo dở ống bọng có đường kính khoản 0.1m, dài 3.5m và buộc ông T trả phần đất bao chiếm tổng diện tích là 271.1m2 (đất có tứ cạnh: đất có 03 cạnh giáp đất hương hỏa và 01 cạnh giáp đường kênh thoát nước chung công cộng)

Tại biên bản lấy lời khai ngày 04/5/2017; 19/10/2017 và trong quá trình xét xử bị đơn ông Đặng Oanh T trình bày: Ông thống nhất lời trình bày của nguyên đơn ông R về việc ông Q đã phân chia đất ruộng, đất vườn xong cho các anh em của ông và thống nhất việc phân chia đất cho bà B 02 công đất ruộng. Ông thừa nhận di sản của ông Q còn lại 1.5 công đất ruộng và 3.5 công đất vườn và 01 căn nhà. Ông T thống nhất giao cho ông R quản lý toàn bộ tất cả các di sản trên dùng vào việc thờ cúng, ông không có yêu cầu chia đối với di sản của ông Q.

Tuy nhiên, ông T không đồng ý bồi thường thiệt hại 60 giạ lúa theo yêu cầu của nguyên đơn, lý do ông không làm nhiễm mặn đất của ông R thuê của bà B. Ông T không đồng ý tháo dở ống bọng, lý do ông đặt ống bọng nhằm để thoát nước không cho ngập mồ mã ông, bà, cha, mẹ ông. Bị đơn ông T xác định phần đất có diện tích là 271.1m2  ông R yêu cầu đòi lại là do ông R đang trực tiếp quản lý, ông T không quản lý nhưng ông không đồng ý giao trả đất.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Tòa án có vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử là đưa vụ án ra xét xử quá hạn luật định theo quy định tại Điều 203 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Chấp nhận yêu cầu ông R buộc ông T tháo dở ống bọng đường kính 0.1m, dài 3.5m. Chấp nhận yêu cầu của ông R buộc ông T trả lại phần đất có diện tích 271.1m2 (trong đó bao gồm đường mương thoát nước chiều ngang

1m, chiều dài 23m. Đất tọa lạc tại ấp K3, xã T, huyện V, tỉnh K. Bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại 60 giạ lúa của ông R đối với ông T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà B, bà M, ông L đều có đơn xin xét xử vắng mặt. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Tranh châp giưa nguyên đơn va bi đơn là tranh châp “yêu cầu bồi thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản và yêu cầu đòi QSD

đất để quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng”. Cụ thể nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại là 60 giạ lúa, yêu cầu tháo dở ống bọng, yêu cầu bị đơn phải trả diện tích đất là 271.1m2 để nguyên đơn quản lý di sản.

[3] Về nội dung tranh chấp: Năm 2009 ông R thuê 02 công đất ruộng của bà Nguyễn Thị B, ông R canh tác đến năm 2015 thì ông T đào đường mương thoát nước trong phần đất hương hỏa (do ông R trực tiếp quản lý) đào ngang qua phần đất ruộng 02 công (do ông R thuê của bà B), ông T đặt 01 ống bọng đường kính 0.1m, dài 3.5m và bao chiếm phần diện tích đất 171.1m2  trong phần đất hương hỏa. Từ việc ông T đào đường mương, đặt ống bọng và bao chiếm đất nêu trên mà không được sự đồng ý của ông R dẫn đến việc phát sinh tranh chấp giữa các bên.

[4] Xét yêu cầu của nguyên đơn:

Xét thấy bị đơn ông T mặc dù có đào đường mương thoát nước với mục đích nhằm để tránh ngập nước mồ mã ông, bà, cha, mẹ ông T trong phần đất hương hỏa do nguyên đơn ông R đang trực tiếp quản lý, bị đơn ông T cho rằng việc ông đào đường thoát nước nêu trên không làm ảnh hưởng nhiễm mặn sang đất ruộng của nguyên đơn thuê của bà B. Việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại và nguyên nhân bị thiệt hại; mặc khác về thực tế các vụ lúa của năm 2015 và 2016 nguyên đơn ông R có nhận số tiền hỗ trợ hạn mặn do nhà nước hỗ trợ theo quy định. Mặc dù, bị đơn ông T có hành vi đào đường mương thoát nước ngang 1m, chiều dài 52m (trong đó phần đường mương các bên tranh chấp với nhau có chiều ngang 1m, dài 23m). Nguyên đơn ông R cho rằng việc bị đơn ông T đào đường mương thoát nước nêu trên có làm thiệt hại đến đất lúa của ông thuê của bà B nhưng không chứng minh được theo quy định tại Điều 91 (nghĩa vụ chứng minh) của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 584 (căn căn phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) của Bộ luật dân sự 2015. Từ những căn cứ nêu trên Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận đối với yêu cầu này của nguyên đơn.

Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn ông Đặng Oanh T phải tháo dở ống bọng có đường kính 0.1m, dài 3.5m và yêu cầu ông T trả diện tích đất 271.1m2 để cho nguyên đơn quản lý, sử dụng vào việc thờ cúng. Xét thấy, diện tích đất mà nguyên đơn ông R yêu cầu đòi lại nêu trên thực tế ông T không quản lý mà do phía nguyên đơn ông R đang trực tiếp quản lý. Phía bị đơn ông T chỉ có đào đường mương thoát nước theo đo đạc thực tế có chiều ngang 1 mét, dài 23m và đặt ống bọng thoát nước có đường kính 0.1m, dài 3.5m trong phần diện tích đất nêu trên. Phía bị đơn ông T không đồng ý giao trả toàn bộ phần đất tranh chấp nêu trên cho ông R là người trực tiếp quản lý di sản thờ cúng.

Qua xác minh lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị B, Đặng Thị L, Đặng Thị C, ông Đặng Văn L là các anh em ruột và mẹ kế của ông R và ông T (tức là những người thừa kế của ông Q) họ đều thống nhất thỏa thuận giao cho ông R là người quản lý di sản và đồng thời yêu cầu ông T phải tháo dở ống bọng thoát nước nêu trên và tại phiên tòa bà Đặng Thị C (là em của ông R và ông T) thừa nhận phần đất tranh chấp trên bà thống nhất giao cho ông R trực tiếp quản lý và yêu cầu ông T phải tháo dở ống bọng thoát nước, bà C không đồng ý giao cho ông T quản lý. Như vậy, xét theo ý chí và nguyện vọng của những đồng thừa kế của ông Q, họ đều thống nhất giao cho ông R là người trực tiếp quản lý di sản của ông Q và căn cứ vào tình hình thực tế hiện ông R cũng là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản. Căn cứ vào Điều 616 (người quản lý di sản) của Bộ luật dân sự 2015. Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn, buộc bị đơn ông T phải tháo dở ống bọng có đướng kính 0.1m; dài 3.5m và giao cho ông R là người quản lý di sản đối với diện tích đất đo đạc thực tế là 271.1m2, thuộc thửa 275, tờ bản đồ 13, giấy chứng nhận do ông Đặng Văn S đứng tên; khu đất tọa lạc tại ấp K3, xã T, huyện V, tỉnh K. Vị trí khu đất, độ dài các cạnh tại các vị trí giáp ranh, các hướng giáp ranh được mô tả chi tiết theo bản vẽ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vĩnh Thuận lập ngày 03/8/2017.

Mặc khác, theo quy định tại Điều 617 (nghĩa vụ của người quản lý di sản) của Bộ luật dân sự 2015 thấy rằng nguyên đơn ông R được các đồng thừa kế thống nhất giao là người quản lý di sản thì ông R phải có trách nhiệm bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản. Bên cạnh đó nguyên đơn có quyền tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế theo quy định tại Điều 618 (quyền của người quản lý di sản) của Bộ luật dân sự 2015. Nguyên đơn ông R ngoài việc quản lý đối với diện tích đất đang tranh chấp nêu trên thì ông R còn đang trực tiếp quản lý phần diện tích đất ruộng hương quả 1.5 công; đất thổ vườn và một căn nhà của ông Đặng Văn Q (Hai S). Đối với các phần đất và căn nhà nêu trên các bên không ai tranh chấp nên Tòa án không xem xét đối với các phần này.

[6 ] Án phí sơ thẩm: Căn cứ Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 6, Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị đơn ông Đặng Oanh T chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận là đòi QSD đất là 300.000đ.

Nguyên đơn ông Đặng Hồng R phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận là 60 giạ lúa. Tiền án phí là: 60 giạ lúa x 100.000đ/giạ x 5% = 300.000đ.

Tuy nhiên, nguyên đơn ông Đặng Hồng R và bị đơn ông Đặng Oanh T là người cao tuổi nên được miễn toàn bộ án phí theo quy định pháp luật.

[7] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Ông Đặng Hồng R phải chịu là 746.000đ, đã nộp xong.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 91, Điều 147, Điều 228, Điều 266, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; áp dụng Điều 616, Điều 617, Điều 618 của Bộ luật dân sự 2015; áp  dụng  Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14  ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Đặng Hồng R về việc yêu cầu bị đơn ông Đặng Oanh T phải tháo dở ống bọng và chấp nhận yêu cầu đòi bị đơn ông T trả lại diện tích đất để ông quản lý di sản thờ cúng.

Buộc bị đơn ông T phải tháo dở ống bọng có đướng kính 0.1m; dài 3.5m. Buộc ông Tạo giao trả cho ông R diện tích đất đo đạc thực tế là 271.1m2 để ông R là người trực tiếp quản lý di sản, khu đất tọa lạc tại ấp K3, xã T, huyện V, tỉnh K, thửa 275, tờ bản đồ 13, giấy chứng nhận QSD đất do ông Đặng Văn S đứng tên. (Vị trí khu đất, độ dài các cạnh tại các vị trí giáp ranh, các hướng giáp ranh được mô tả chi tiết theo bản vẽ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vĩnh Thuận lập ngày 03/8/2017).

2. Bác yêu cầu của nguyên đơn ông Đặng Hồng R về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là 60 giạ lúa đối với bị đơn ông Đặng Oanh T.

3. Án phí sơ thẩm:

Nguyên đơn ông Đặng Hồng R phải chịu án phí là 300.000đ và bị đơn ông Đặng Oanh T phải chịu án phí là 300.000đ. Nhưng do ông R, ông T là người cao tuổi nên được miễn toàn bộ án phí.

4. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Ông Đặng Hồng R phải chịu là 746.000đ, đã nộp xong.

5. Các đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hánh án dân sự”./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1453
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/DS-ST ngày 23/01/2018 về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản và tranh chấp đòi quyền sử dụng đất để quản lý di sản dùng vào thờ cúng

Số hiệu:01/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vĩnh Thuận - Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về