Bản án 01/2017/DS-ST ngày 26/04/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN T, TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 01/2017/DS-ST NGÀY 26/04/2017 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong ngày 26 tháng 4 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 13/2016/TLST-DS ngày 30 tháng 12 năm 2016 về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Quyết định  đưa vụ án ra xét xử số: 34/2017/QĐXX-ST ngày 11 tháng 4 năm 2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh A - Sinh năm 1983 (Có mặt); Địa chỉ: Khu 1, xã X, huyện T, tỉnh Phú Thọ;

Bị đơn: Ông B - Sinh năm 1949 và bà C – Sinh năm 1950; Đều có địa chỉ tại: Khu 1, xã X, huyện T, tỉnh Phú Thọ;

Người đại diện theo ủy quyền của ông B và bà C là: Anh D – Sinh năm 1987; Địa chỉ: Khu 1, xã X, huyện T, tỉnh Phú Thọ.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:1, Cháu E (tên gọi khác: V) - Sinh năm 2008; Người giám hộ cho cháu E là anh F, sinh năm 1977 và chị G, sinh năm 1983;Người đại diện theo ủy quyền cho chị G là:  Anh F, sinh năm 1977 (Có mặt)Các  đương sự đều có địa chỉ tại: Khu 1, xã X, huyện T, tỉnh Phú Thọ.

2, Cháu H - Sinh năm 2010; Người giám hộ cho cháu H là anh D, sinh năm 1987 và chị I, sinh năm 1988;

Người đại diện theo ủy quyền cho chị I là: Anh D, sinh năm 1987 (Có mặt);

Các đương sự đều có địa chỉ tại: Khu 1, xã X, huyện T, tỉnh Phú Thọ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo nguyên đơn anh A trình bày:

Chiều ngày 10/9/2016 cháu K là con trai anh có chơi ở cổng nhà ông B, Khi đó có cháu H con của anh D (cháu của ông B) và cháu E con của anh F. Các cháu đu cổng đã làm đổ cổng đè vào cháu K dẫn đến cái chết của cháu K. Sau khi sự việc xảy ra gia đình ông B đã bồi thường cho gia đình anh số tiền 10.000.000đ. Anh cho rằng số tiền đó quá thấp. Nay anh yêu cầu ông B, anh F và anh D bồi thường cho gia đình anh số tiền 70.000.000đ (Trong đó có tiền lo mai táng cho cháu K hết 25.000.000đ, tiền lo sang cát sau này và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình).

Bị đơn là ông B trình bày:

Chiều ngày 10/9/2016 cháu H (là cháu nội của ông) cùng chơi với cháu K và cháu E ở ngoài cổng nhà ông, các cháu cùng du đẩy cổng nên đã đổ cổng vào cháu K dẫn đến cháu K chết tại chỗ. Sau khi sự việc xảy ra ông đã đến gia đình anh A và đưa cho gia đình anh A 10.000.000đ. Sau đó gia đình ông đã đến đưa tiếp 15.000.000đ nữa nhưng anh A không đồng ý. Nay anh A yêu cầu ông và gia đình anh F phải liên đới bồi thường 70.000.000đ là quá cao, ông không đồng ý.

Những người có quyền lợi liên quan trình bày:

1/ Anh F (là bố của cháu E) trình bày:

Chiều ngày 10/9/2016 con trai anh là cháu E có chơi cùng cháu H và cháu K ở cổng nhà ông B bị đổ cổng (việc cháu E có đu cổng hay không anh không nắm rõ vì khi đó anh không có mặt ở hiện trường) dẫn đến cái chết của cháu K (con trai anh A). Nay anh A yêu cầu anh cùng gia đình ông B bồi thường số tiền 70.000.000đ anh không đồng ý. Sau khi cháu K chết anh chưa bồi thường cho gia đình anh A đồng nào.

2/ Anh D (là bố của cháu H) trình bày:

Chiều ngày 10/9/2016 anh đi làm công ty may không có mặt ở nhà lúc xảy ra sự việc, khi về anh được nghe mọi người kể lại: Cháu H con trai anh có chơi cùng cháu E và cháu K, trong khi chơi đùa đã làm đổ cổng nhà anh dẫn đến cháu K bị tử vong. Sau khi sự việc xảy ra anh đã đưa cho bố anh là ông B 10.000.000đ bồi thường cho gia đình anh A. Nay anh A yêu cầu anh, bố anh và anh F phải liên đới bồi thường 70.000.000đ là quá cao, anh không đồng ý. Anh đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.Cổng nhà anh xây khoảng tháng 02/2016, anh đã bảo bố anh là ông B gọi thợ cơ khí là anh L  đến làm cổng, gia đình anh chỉ yêu cầu làm cổng cẩn thận, thiết kế mẫu là do anh L. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh còn hộ khẩu gia đình đứng tên bố anh là B.

* Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Phạm vi bồi thường:

Căn cứ vào biên bản sự việc của Công an xã X ngày 10/9/2016 (bút lục số 04), biên bản ghi lời khai của cháu E (từ bút lục số 23 đến 28), biên bản ghi lời khai của cháu H (từ bút lục số 32 đến 35) và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án. Từ đó có cơ sở để khẳng định: Ngày 10/9/2016 cháu H (con của anh D, cháu của ông B) và cháu E (con của anh F) có trèo lên cổng và du đẩy cổng nhà anh D làm đổ cổng vào người cháu K dẫn đến cái chết của cháu K. Tại bản Kết luận giám định pháp y về tử thi số: 247/2016/TV, ngày 28/10/2016 của Trung tâm pháp y kết luận: “Nguyên nhân tử vong của tử thi K do chấn thương sọ não kín, nứt vỡ xương đỉnh phải, xương thái dương phải, tụ máu nội soi, ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn cấp không hồi phục”.

Mặc dù lỗi do cháu H và cháu E gây ra nhưng các cháu chưa đến tuổi thành niên để chịu trách nhiệm, do đó anh D, chị I là bố mẹ đẻ của cháu H và anh F, chị G là bố mẹ đẻ của cháu E phải có trách nhiệm giám hộ và đứng ra bồi thường cho gia đình cháu K.

Sau khi cháu K chết, gia đình ông B đã đưa cho gia đình anh A (là bố đẻ cháu K) 10.000.000đ (Mười triệu đồng), số tiền này là tiền của anh D đưa cho ông B để đưa cho gia đình anh A. Nay anh A yêu cầu gia đình ông B, anh D (giám hộ cho cháu H) và anh F (giám hộ cho cháu E) liên đới bồi thường khoản tiền 70.000.000đ (Bảy mươi triệu đồng); Trong đó là tiền mai táng phí 25.000.000đ và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần.

Anh A có khai lo mai táng phí cho cháu K hết 25.000.000đ, nhưng anh A chỉ xuất trình được 02 hóa đơn và 01 bảng kê các khoản chi phí tang lễ. Căn cứ vào mục 2.2 của Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chỉ có cơ sở chấp nhận khoản chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng để khâm niệm, tiền thuê ô tô, tiền chi phí cho việc chôn cất cháu K là 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng). Không chấp nhận các khoản tiền chi cho ăn uống, lễ bái, xây mộ...

Ngoài ra cần xem xét thêm khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình cháu K bằng 28 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định được tính như sau: 28x1.210.000đ = 33.880.000đ (Ba mươi ba triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng).

Như vậy tổng cộng số tiền phải bồi thường cho gia đình anh A là 45.880.000đ (Bốn mươi lăm triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng).

2. Trách nhiệm bồi thường:

- Đối với ông B và bà C: Anh A yêu cầu ông B và bà C phải liên đới bồi thường là không có cơ sở, bởi lẽ: Mặc dù ông B có đứng ra hợp đồng làm cổng nhưng làm cổng cho anh D, nhà, đất đứng tên anh D là con trai của ông B và bà C. Vì vậy trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường không thuộc về ông B và bà C, do đó ông B và bà C không phải bồi thường cho gia đình anh A.

- Đối với anh D và chị F: Sự việc diễn ra tại nhà anh D, trong đó có cháu H chưa thành niên là con trai anh D và chị I tham gia du đẩy cổng nên dẫn đến cái chết của cháu K. Do đó anh D và chị I là người chịu trách nhiệm chính. Anh D vừa là người chủ nhà, vừa là người giám hộ cho cháu H nên anh D và chị I phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình anh A với mức 4/5 của số tiền 45.880.000đ, tương ứng số tiền 36.880.000đ. Anh D đã đưa ông B 10.000.000đ để bồi thường cho gia đình anh A, anh D còn phải bồi thường tiếp 26.880.000đ cho gia đình anh A là phù hợp.

- Đối với anh F và chị G là người giám hộ cho cháu E chưa thành niên: Tại Tòa án anh F khai khi xảy ra sự việc anh không có mặt ở đó, con trai anh không tham gia du đẩy cổng, nhưng tại các biên bản ghi lời khai của cháu H, cháu E (từ bút lục 23 đến 28) và các biên bản lấy lời khai của những người làm chứng thì có đủ cơ sở để kết luận cháu E có tham gia kéo, đẩy cánh cổng dẫn đến cổng đổ và đè chết cháu K. Do đó anh F và chị G phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho gia đình anh A thay cho cháu E.Tuy nhiên trách nhiệm bồi thường của anh F và chị G với mức 1/5của số  tiền 45.880.000đ tương ứng số tiền là 9.000.000đ là phù hợp.

3. Về án phí: Anh D và chị I, anh F và chị G phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 604, khoản 1 Điều 605, khoản 2, 3 Điều 606, Điều 610 và Điều 627 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

- Căn cứ Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ vào Khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 147, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009;

Xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của anh A.

Buộc anh D và chị I (là người giám hộ cho cháu H), anh F và chị G (là người giám hộ cho cháu E) phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho gia đình anh A (anh A là người đại diện) số tiền 45.880.000đ (Bốn mươi lăm triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng).

Kỷ phần cụ thể như sau:

+Anh D và chị F (là người giám hộ cho cháu H) phải bồi thường số tiền 36.880.000đ (Ba mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng). Xác nhận anh D và chị I đã bồi thường số tiền 10.000.000đ (Mười triệu đồng), còn phải bồi thường tiếp số tiền 26.880.000đ (Hai mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng).

+ Anh F và chị G là người giám hộ cho cháu E) phải bồi thường số tiền 9.000.000đ (Chín triệu đồng).

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

* Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Buộc anh D và chị I phải chịu 1.344.000đ (Một triệu ba trăm bốn mươi bốn nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Buộc anh F và chị G phải chịu 450.000đ (Bốn trăm năm mươi nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6.7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Báo cho đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án được giao hoặc niêm yết hợp lệ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1093
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2017/DS-ST ngày 26/04/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:01/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thanh Ba - Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/04/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về