ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
616/2012/QĐ-UBND
|
Quảng
Ninh, ngày 19 tháng 03 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÁI XUẤT HÀNG HÓA
THUỘC DANH MỤC HÀNG CẤM XUẤT KHẨU, TẠM NGỪNG XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU, TẠM
NGỪNG NHẬP KHẨU QUA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định 12/2006/NĐ-CP
ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về
hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công
và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định 107/2002/NĐ-CP
ngày 23/12/2002 quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp
trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các
hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan;
Căn cứ Thông tư số 04/2006/TT-BTM
ngày 06/4/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn một số nội
dung quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công
Thương tại Tờ trình số 594/TTr-SCT ngày 19 tháng 03 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt
động tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu,
cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu qua Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 02/01/2007
của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Điều 3.
Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc Sở Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân: thành phố Móng Cái, các
huyện: Bình Liêu, Hải Hà; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và các
thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất các mặt hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng
xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ Công thương; (báo cáo)
- Bộ Tài chính (TCHQ); (báo cáo)
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL; (Bộ Tư pháp); (báo cáo)
- TTUT, TTHĐND tỉnh (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh; (báo cáo)
- Các sở, ban, ngành: Công thương, Hải quan, Biên phòng, Công an, Tài chính,
TN & MT, Cục Thuế, Chi cục QLTT (thực hiện);
- UBND TP Móng Cái, Huyện Hải Hà, Bình Liêu (thực hiện)
- Như Điều 3 (thực hiện);
- Trung tâm thông tin (đưa tin);
- Đài PTTH tỉnh; Báo Quảng Ninh (đưa tin);
- V0, V1-2-3, NC, TM1-2-3, TH1;
- Lưu: VT, TM1. 100b.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thành
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÁI XUẤT HÀNG HÓA THUỘC DANH MỤC HÀNG CẤM
XUẤT KHẨU, TẠM NGỪNG XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU, TẠM NGỪNG NHẬP KHẨU QUA KHU KINH
TẾ CỬA KHẨU TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số 616/2012/QĐ-UBND ngày 19/03/2012 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Quảng Ninh)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này điều chỉnh việc quản lý
hoạt động tái xuất hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất hàng
hóa thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm
ngừng nhập khẩu qua các cửa khẩu (trừ cửa khẩu quốc tế), điểm kiểm tra hàng
xuất khẩu thuộc các Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh.
2. Đối tượng áp dụng
Thương nhân đã được Bộ Công Thương
cấp phép tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm
ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cảng
biển quốc tế; sau đó có nhu cầu tái xuất qua các cửa khẩu (trừ cửa khẩu quốc
tế), điểm kiểm tra hàng xuất khẩu thuộc các Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng
Ninh.
Điều 2. Danh
mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
1. Hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất
khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của
Chính phủ.
2. Hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu,
tạm ngừng nhập khẩu theo thông báo của Bộ Công Thương trong từng thời kỳ.
Điều 3.
Nguyên tắc quản lý
1. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở
Công Thương xác nhận hồ sơ đăng ký tái xuất hàng hóa của thương nhân bằng văn
bản.
2. Thương nhân chỉ được làm thủ tục
hải quan tại các cửa khẩu và tái xuất hàng qua các địa điểm thông quan hàng hóa
trong Khu kinh tế cửa khẩu theo quy định tại Điều 5 Quy chế này sau khi được Sở
Công Thương xác nhận.
Chương 2.
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Điều
kiện để được xác nhận hồ sơ tái xuất hàng hóa qua Khu kinh tế cửa khẩu
1. Thương nhân chấp hành đầy đủ các
điều kiện theo quy định của Nhà nước về kinh doanh tạm nhập tái xuất. Thực hiện
đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí của hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu,
kho ngoại quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
2. Tính đến ngày nộp hồ sơ tại Sở
Công Thương, trong thời gian 01 (một) năm thương nhân không bị cơ quan có thẩm
quyền xử lý vi phạm hành chính từ mức phạt tiền, hoặc thời hạn 02 (hai) năm
không bị xử lý hình sự với một trong các hành vi sau:
a) Buôn lậu, vận chuyển trái phép
hàng hóa qua biên giới;
b) Tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc
diện phải có giấy phép mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;
c) Kinh doanh tạm nhập tái xuất
loại hàng hóa thuộc diện tạm ngừng kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái
xuất;
d) Tạm nhập - tái xuất hàng hóa
không đúng cửa khẩu theo quy định;
đ) Vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ
môi trường đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất.
Điều 5. Cửa
khẩu làm thủ tục hải quan và địa điểm thông quan tái xuất hàng hóa trong Khu
kinh tế cửa khẩu
1. Ngoài các cửa khẩu quốc tế đã
được Bộ Công Thương cấp phép, Thương nhân được làm thủ tục hải quan tại cửa
khẩu và tái xuất hàng qua các cửa khẩu, điểm kiểm tra hàng xuất khẩu thuộc các
Khu kinh tế cửa khẩu như sau:
a) Các cửa khẩu làm thủ tục hải
quan:
- Cửa khẩu Ka Long thuộc Khu kinh
tế cửa khẩu Móng Cái;
- Cửa khẩu Hoành Mô thuộc Khu kinh
tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn;
- Cửa khẩu Bắc Phong Sinh thuộc Khu
kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
b) Địa điểm thông quan hàng hóa:
- Cửa khẩu Ka Long, điểm kiểm tra
hàng hóa xuất khẩu Lục Lầm thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái;
- Cửa khẩu Hoành Mô, điểm kiểm tra
hàng hóa xuất khẩu Đồng Văn thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn;
- Cửa khẩu Bắc Phong Sinh thuộc Khu
kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
2. Trong trường hợp cần thiết, Sở
Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ra văn bản chỉ đạo tạm dừng hoạt động
tái xuất với một số mặt hàng tại một số cửa khẩu/địa điểm kiểm tra hàng xuất
khẩu trong Khu kinh tế cửa khẩu để đảm bảo an ninh, môi trường, chống thẩm lậu,
điều tiết chống ách tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu. Văn bản chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân tỉnh được công bố công khai để các ngành chức năng, thương nhân
kinh doanh tạm nhập tái xuất biết, thực hiện.
Điều 6. Hồ sơ,
quy trình đăng ký và xác nhận để tái xuất hàng hóa
1. Hồ sơ đăng ký (01 bộ) gồm:
- Văn bản cấp phép tạm nhập tái
xuất hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế của Bộ Công Thương cấp cho thương nhân (bản
sao y có xác nhận của thương nhân).
- Hợp đồng mua, bán hàng hóa (bản
sao y có xác nhận của thương nhân).
- Đối với trường hợp gia hạn:
Thương nhân đã thực hiện tạm nhập tái xuất theo văn bản cấp phép của Bộ Công
Thương và văn bản xác nhận của Sở Công Thương. Khi văn bản cấp phép của Bộ Công
Thương hết hạn mà được Bộ Công Thương gia hạn, thương nhân được tiếp tục thực
hiện tái xuất hàng hóa qua Khu kinh tế cửa khẩu mà không cần phải xin xác nhận
lại của Sở Công thương (chỉ cần gửi bản sao Văn bản gia hạn của Bộ Công thương
về Sở Công thương để theo dõi, quản lý).
2. Quy trình đăng ký, xác nhận
a) Thương nhân gửi hồ sơ về Sở Công
Thương (địa chỉ: tầng 10, trụ sở liên cơ quan số 2, phường Hồng Hà, thành phố
Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) theo một trong các phương thức sau:
- Gửi qua đường bưu điện.
- Gửi trực tiếp tại bộ phận tiếp
nhận hồ sơ (tầng 10, trụ sở liên cơ quan số 2, phường Hồng Hà, thành phố Hạ
Long, tỉnh Quảng Ninh).
- Kê khai qua mạng Internet (gửi về
hòm thư công vụ của Sở Công Thương: [email protected] bản Scan hồ
sơ), đồng thời gửi hồ sơ gốc về Sở Công Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực
tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.
b) Thời hạn giải quyết của Sở Công
Thương là 02 ngày làm việc. Riêng đối với trường hợp kê khai qua mạng Internet
là 01 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương nhận được hồ sơ gốc đầy đủ, hợp
lệ của thương nhân. Trường hợp không xác nhận, Sở Công Thương trả lời bằng văn
bản và nêu rõ lý do.
c) Văn bản xác nhận/trả lời của Sở
Công Thương được gửi cho thương nhân qua đường bưu điện/bộ phận tiếp nhận hồ
sơ/qua mạng Internet, tùy theo phương thức thực hiện của thương nhân tại điểm
a, khoản 2 Điều này. Riêng đối với trường hợp đăng ký qua mạng Internet, Sở
Công Thương sẽ gửi kết quả (bản Scan) cho thương nhân qua địa chỉ Email mà
thương nhân đã đăng ký qua mạng tới Sở Công Thương (và gửi văn bản gốc cho
thương nhân qua đường bưu điện); Các văn bản trên đồng thời được gửi về hòm thư
công vụ của Chi cục Hải quan liên quan tại các cửa khẩu biên giới để phối hợp
quản lý.
Điều 7. Tạm
dừng tái xuất hàng đối với thương nhân vi phạm
1. Tạm dừng trong thời gian 06
tháng kể từ ngày bị tạm dừng nếu có một trong các trường hợp sau:
a. Không chấp hành nghĩa vụ thuế,
phí, lệ phí của hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan trên địa
bàn tỉnh Quảng Ninh với ngân sách nhà nước theo quy định.
b. Gian lận trong việc kê khai hồ
sơ; số liệu báo cáo.
c. Trong thời gian 01 (một) năm kể
từ ngày đầu tiên trong năm dương lịch (ngày 01 tháng 01 của năm) đến ngày cuối
cùng trong năm (ngày 31 tháng 12 của năm) thương nhân thực hiện tái xuất hàng
hóa qua Khu kinh tế cửa khẩu không gửi 02 kỳ báo cáo định kỳ hàng tháng về Sở
Công thương theo quy định tại khoản 2, Điều 9 của Quy chế này.
2. Tạm dừng trong thời gian 01 năm
kể từ ngày bị tạm dừng nếu có một trong các trường hợp sau:
a. Bị xử phạt hành chính bằng hình
thức phạt tiền đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy
chế này.
b. Đã từng bị tạm dừng theo khoản 1
Điều này nhưng tái phạm.
3. Tạm dừng trong thời gian 02 năm
kể từ ngày bị tạm dừng nếu có một trong các trường hợp sau:
a. Bị xử lý hình sự về hành vi vi
phạm một trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này.
b. Đã từng bị tạm dừng theo khoản 2
Điều này nhưng tái phạm.
4. Trong thời gian bị tạm dừng,
thương nhân sẽ không được Sở Công Thương xác nhận cho tái xuất đối với những lô
hàng khác tiếp theo.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách
nhiệm của các ngành, địa phương liên quan
1. Sở Công Thương
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban
nhân dân tỉnh về công tác quản lý hoạt động tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục
hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu qua
Khu kinh tế cửa khẩu của Quảng Ninh.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành,
địa phương liên quan theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất
hàng hóa; Tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung những
quy định không hợp lý; Xử lý các trường hợp vi phạm của thương nhân theo quy
định tại Quy chế này; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với những
trường hợp vượt quá thẩm quyền.
- Chủ trì, phối hợp cùng các ngành,
địa phương kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật của thương nhân trong
hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất.
- Định kỳ hàng tháng tổng hợp tình
hình, kết quả tạm nhập tái xuất hàng hóa của thương nhân, tình hình chống buôn
lậu và gian lận thương mại có liên quan đến việc tạm nhập tái xuất hàng hóa;
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương bằng văn bản.
2. Cục Hải quan tỉnh
- Tổ chức giám sát, kiểm soát chặt
chẽ hàng hóa từ khi vào địa bàn hoạt động hải quan đến khi hoàn thiện thủ tục,
thực xuất hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy trình nghiệp vụ của hải quan
đảm bảo nhanh gọn, kịp thời chính xác theo quy định của pháp luật.
- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp
thời các hành vi gian lận trong lĩnh vực hải quan như: không khai hoặc khai sai
so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng; không đúng nội
dung giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc thuộc diện phải có giấy phép mà
không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, phối
hợp với Sở Công Thương, các ngành chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh,
cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý theo quy định.
- Tổ chức công tác phối hợp trong
phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành
vi khác vi phạm pháp luật hải quan; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của
pháp luật.
- Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo
Ủy ban nhân dân tỉnh (gửi qua Sở Công Thương tổng hợp) về tình hình, kết quả
tái xuất hàng hóa qua Khu kinh tế cửa khẩu.
3. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng
tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng biên phòng tại
khu vực cửa khẩu phối hợp với lực lượng hải quan cửa khẩu quản lý, giám sát
chặt chẽ hàng hóa tái xuất đúng địa điểm được quy định tại Điều 5 Quy chế này.
- Tổ chức quản lý, điều hành các
phương tiện đò, thuyền vận tải hàng hóa trong phạm vi địa bàn quản lý của Biên
phòng đảm bảo thông suốt, không gây ùn tắc tại khu vực dọc sông biên giới.
- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các
hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới trong phạm vi địa
bàn quản lý của Biên phòng; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời
phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái
phép qua biên giới, thẩm lậu hàng hóa vào thị trường nội địa; báo cáo kịp thời
cho Ủy ban nhân dân tỉnh (gửi qua Sở Công Thương) các tụ điểm buôn bán, vận
chuyển hàng nhập lậu có tổ chức, quy mô lớn, xuyên quốc gia.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân ở
khu vực biên giới tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương
mại, không tiếp tay vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
4. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, Công
an địa phương thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với hoạt động buôn
lậu, gian lận thương mại, hàng cấm; đặc biệt là công tác chống thẩm lậu hàng
vào thị trường nội địa. Đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan chức năng
trong việc kiểm tra, xử lý những vụ việc chống người thi hành công vụ và buôn
lậu, gian lận thương mại, hàng cấm theo quy định.
- Tổ chức các biện pháp nghiệp vụ
để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; điều tra tội phạm về buôn lậu, vận
chuyển hàng trái phép qua biên giới.
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao
thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ các đối tượng, phương
tiện tham gia giao thông vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên các tuyến
đường bộ và đường thủy.
- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng
chống tội phạm về môi trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để chủ động
phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa tạm nhập
tái xuất vi phạm về môi trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc
bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm về môi trường.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với các ngành chức năng
tăng cường công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ
môi trường đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa trên địa
bàn.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân: thành
phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu
- Chỉ đạo Ban Quản lý cửa khẩu/Chi
cục thuế tại địa phương tổ chức thực hiện thu phí hàng hóa tạm nhập tái xuất
theo đúng mức thu quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, đảm bảo thu đúng, thu đủ;
có biện pháp kiên quyết, kịp thời, hiệu quả trong việc chống thất thu ngân sách
nhà nước. Đồng thời tổ chức thu phí phải đảm bảo nhanh gọn, kịp thời, tạo điều
kiện thuận lợi cho thương nhân trong việc tái xuất hàng, không để xảy ra tình
trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân: thành
phố Móng Cái, huyện Hải Hà và huyện Bình Liêu chịu trách nhiệm trước Ủy ban
nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện công tác này.
- Báo cáo, thông tin kịp thời qua
mạng Internet về Sở Công Thương (gửi về hòm thư công vụ của Sở Công thương: [email protected])
những thương nhân chấp hành và không chấp hành nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí của
lô hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan.
- Phối hợp với các ngành chức năng
Hải quan, Công an, Biên phòng tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động
kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa trên địa bàn; tăng cường phối hợp với các
ngành chức năng trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi
phạm; quản lý chặt chẽ không để hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa và gây
ô nhiễm môi trường.
- Chủ động nắm bắt thông tin, diễn
biến tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Khi xảy ra hiện tượng ách tắc
hàng hóa, kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương yêu cầu
thương nhân đưa hàng về các kho, bãi bảo quản hàng hóa trên địa bàn; không để
các phương tiện vận tải hàng hóa lưu đỗ dọc các tuyến đường gây cản trở giao
thông. Đồng thời, thông tin kịp thời cho Sở Công Thương diễn biến tình hình,
nguyên nhân và số lượng hàng hóa ách tắc để Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành tránh những thiệt hại cho thương nhân và
đảm bảo công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
7. Cục Thuế tỉnh
- Chỉ đạo Chi cục thuế tại các địa
phương biên giới Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý
cửa khẩu và các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương hướng dẫn về công tác
nghiệp vụ thu phí hàng hóa tạm nhập tái xuất đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy
định của Ủy ban nhân dân tỉnh; có biện pháp quản lý hiệu quả chống thất thu cho
ngân sách nhà nước.
- Giám sát việc chấp hành chính
sách, pháp luật về thuế, phí của các thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh
tạm nhập tái xuất hàng hóa. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng ở các
ngành, các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra các thương nhân có dấu hiệu vi
phạm pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí; xử lý nghiêm những trường hợp
vi phạm theo quy định của pháp luật.
8. Chi cục Quản lý thị trường
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị
trường, đặc biệt là các lực lượng tại các địa phương biên giới kiểm soát chặt
chẽ hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường, tăng cường công tác chống
buôn lậu; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại, lưu thông
hàng hóa trái phép; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp
luật.
9. Cơ chế phối hợp cung cấp
thông tin xử lý thương nhân vi phạm
Các ngành chức năng và Ủy ban nhân
dân các địa phương biên giới trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành, địa
phương mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, thông tin, báo cáo ngay cho Ủy
ban nhân dân tỉnh (gửi qua Sở Công Thương để tổng hợp) về các thương nhân vi
phạm trong việc chấp hành chính sách pháp luật quy định tại Điều 4 Quy chế này
để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Điều 9. Trách
nhiệm của thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất
1. Thương nhân phải nghiêm túc thực
hiện các quy định trong Quy chế này và các quy định pháp luật của nhà nước về
kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.
2. Báo cáo trước ngày 10 của tháng
báo cáo về kết quả, tình hình hoạt động tạm nhập tái xuất của tháng trước và
báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu) gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương (theo Mẫu báo cáo đính kèm Quy chế này).
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Điều
khoản thi hành
Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái
xuất, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có liên quan phải chấp
hành thực hiện nghiêm các quy định tại Quy chế này. Sở Công Thương chủ trì cùng
Cục Hải quan tỉnh và các ngành chức năng liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tổ chức thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc phát sinh hoặc có vấn đề không phù hợp, các ngành chức năng, địa
phương và đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (gửi qua Sở Công Thương) để tổng
hợp, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.