ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
15/2008/QĐ-UBND
|
Trà
Vinh, ngày 20 tháng 08 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH SỐ NHÀ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TRÀ VINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ
Xây dựng về việc ban hành Quy chế đánh số nhà và gắn biển số nhà;
Theo Tờ trình số 427/TTr-SXD ngày 23/6/2008 của Giám đốc Sở Xây dựng về việc
ban hành Quy định đánh số nhà và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Trà Vinh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đánh số nhà và
gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2.
Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra
thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tư
pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông
tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (thay b/c);
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
- Vụ pháp chế BXD;
- Website chính phủ;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Như điều 4;
- Đài phát thanh - truyền hình;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các Đoàn thể tỉnh;
- LĐVP.UBND tỉnh;
- Lưu VT, các khối NC, TTCB.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phong
|
QUY ĐỊNH
ĐÁNH SỐ NHÀ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 15/2008/QĐ-UBND ngày 20/8/2008 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích của Quy định.
1. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông
tin, thư tín, liên lạc giao dịch thương mại, giao dịch dân sự và các giao dịch
khác.
2. Góp phần chỉnh trang diện mạo
đô thị và điểm dân cư nông thôn, quản lý nhà đất, thông tin liên lạc, hành
chính, an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy và quản lý dân cư theo quy định của
pháp luật.
Điều 2. Phạm
vi và đối tượng áp dụng.
1. Quy định này được áp dụng tại
khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn trong phạm vi toàn tỉnh Trà Vinh.
2. Nhóm nhà, ngôi nhà và tầng
nhà, căn hộ, số cầu thang của nhà chung cư.
3. Tất cả nhà ở, công trình xây
dựng (gọi tắt là nhà) đều được cấp số nhà, trừ các lọai nhà xây dựng không phép
hoặc trái phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Giấy chứng nhận cấp số nhà không thay thế cho việc công nhận về quyền sở hữu
nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ
dưới đây được giải thích như sau:
Đánh số nhà” là việc xác định
các nguyên tắc quy ước thống nhất;
2. “Gắn biển số nhà“ là
việc xác định để gắn biển vào vị trí lắp đăt biển số theo nguyên tắc thống nhất;
3. “Ngôi nhà” là công
trình xây dựng có mái và kết cấu bao che, dùng để ở hoặc dùng vào mục đích
khác;
4. “Nhóm nhà” là tập hợp
nhiều ngôi nhà có vị trí gần nhau, được sắp xếp theo nguyên tắc nhất định và
cách biệt với những ngôi nhà khác bởi hàng rào, đường giao thông;
5. “ Hẻm chính” là nhánh
của đường phố và là lối đi trong cụm dân cư trực tiếp thông ra đường;
6. “Hẻm phụ” là nhánh của
hẻm chính và là lối đi trong cụm dân cư, thông ra hẻm chính, không trực tiếp
thông ra đường;
7. “Nhà mặt đường” là nhà
có cửa chính thông ra đường;
8. “Nhà trong hẻm chính”
hoặc “Nhà trong hẻm phụ” là nhà có cửa ra vào chính được mở ra hẻm chính
hoặc hẻm phụ;
9. “Trục chuẩn“ là đường giới
hạn được hình thành giữa các khu vực dân cư, hay khu vực đô thị theo quy ước thống
nhất, làm cơ sở để đánh số nhà theo hướng tăng dần. Tùy theo tính chất của khu
vực mà có thể hình thành trục chuẩn hay không có trục chuẩn;
10. “Đơn nguyên” là bộ phận
của nhà hoặc công trình được giới hạn quy ước trên mặt bằng và là một đơn vị thống
nhất toàn vẹn về tổ chức không gian, kỹ thuật và cấu tạo.Trong nhà ở nhiều tầng,
đơn nguyên là tập hợp các căn hộ cùng sử dụng một tổ chức giao thông thẳng đứng
(cầu thang bộ, cầu thang máy,…). Một ngôi nhà có thể bao gồm một hoặc nhiều đơn
nguyên.
Chương II
NGUYÊN TẮC ĐÁNH SỐ NHÀ
Điều 4.
Nguyên tắc chung
1. Chiều đánh số nhà, theo hướng
từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang
Tây Bắc.
2. Nguyên tắc đánh số nhà tại
khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn được quy định theo khoản 1 điều này.
Căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương, UBND huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường,
thị trấn căn cứ vào đặc điểm, tình hình của từng khu vực mà quy định các địa điểm
cần lập sơ đồ cấp số nhà, đánh số cụ thể từng căn nhà trên sơ đồ để quản lý và
cấp số nhà.
3. Các số nhà phải đánh số liên
tục cho khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn theo ranh giới hành chính trong
phạm vi huyện, thị xã.
4. Số nhà mặt tiền đường được
đánh số từ nhỏ đến lớn, tính từ trục chuẩn và theo hướng tăng. Dãy nhà bên phải
là số chẵn, bên trái là số lẻ.
5. Nhà xây chen vào giữa hai nhà
đã có số liên tiếp hoặc tách một nhà thành nhiều nhà thì dùng số nhà liền kề
trước đó ghép với mẫu tự A, B, C,…. (chữ cái in hoa tiếng Việt) để đánh số cho
những căn nhà mới.
6. Cấp số và điều chỉnh số nhà dựa
trên cơ sở quy hoạch chi tiết chia lô ở từng địa phương (ở những nơi có quy họach
chi tiết), đồng thời kết hợp với việc đặt tên, đổi tên đường phố, nhằm tránh
xáo trộn các thủ tục hành chính có liên quan.
Điều 5. Đánh
số nhà mặt tiền đường (gọi tắt là nhà mặt tiền).
1. Nguyên tắc đánh số nhà được sử
dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3,…., n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn. Nhà bên
trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7,.. n) nhà bên phải lấy số chẵn ( 2, 4, 6, 8… n ). Mỗi
nhà mặt tiền được gắn 01 biển số nhà.
2. Đánh số nhà mặt tiền đường
cho trường hợp nhà có hai, hoặc nhiều mặt tiền tiếp giáp với hai đường phố trở
lên (mở cửa trên nhiều đường phố khác nhau) thì cửa chính ra đường phố nào thì
đánh số nhà của đường phố đó, nếu cửa chính mở tại gốc đường phố, số nhà theo số
nhà mặt tiền của đường phố có lộ giới lớn hơn.
Ví dụ: Nhà nằm tại gốc của hai
đường phố; một đường phố có lộ giới 16m và một đường phố có lộ giới 20m, số nhà
sẽ lấy theo đường phố có lộ giới là 20m.
Điều 6. Đánh
số hẻm và nhà trong hẻm.
1. Đường hẻm là nhánh của đường
phố. Số hẻm được lấy theo số nhà mặt đường nằm kề ngay trước đầu hẻm. Đường hẻm
chính có thể có một hoặc nhiều nhánh rẽ bên phải hoặc bên trái gọi là hẻm phụ.
Đánh số nhà trong hẻm cũng được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 3, 5,… , n) cho bên
trái và (2, 4, 6,… , n) cho bên phải. Hướng đánh số như nhà mặt tiền đường phố.
Nhà trong hẻm chính được cho số
là số hẻm và số nhà, giữa số hẻm và số nhà có một gạch chéo (/).
Ví dụ: Nhà số 36/1 (Hẻm số 36,
nhà số 1).
Bên phải hẻm cho số chẵn liên tục
36/2, 36/4, bên trái hẻm cho số lẻ liên tục 36/1, 36/3.
- Nhà trong hẻm phụ lấy số hẻm
là số nhà nằm kề ngay trước hẻm phụ, vẫn áp dụng số chẵn bên phải, số lẻ bên
trái.
Ví dụ: Nhà số 36/9/4 (Hẻm chính
số 36, hẻm phụ số 9, nhà số 4).
- Nguyên tắc chèn số nhà đối với
việc tách số nhà hoặc xây chen cũng dùng mẫu tự A, B, C (chữ cái in hoa tiếng
Việt), … cho căn nhà mới như với nhà mặt tiền đường.
Ví dụ: Nhà liền kề trước đó là số
2 thì các nhà xây chen hoặc tách số là 2A, 2B, 2C, …
2. Đánh số nhà trong hẻm có tên,
được cho thêm số; số là số của hẻm lấy theo số nhà mặt đường nằm kề ngay trước
đầu hẻm, có thêm tên viết tắt bằng chữ cái in hoa phía trên đầu số nhà, giữa số
nhà và số hẻm có một gạch chéo (/).Vẫn áp dụng theo nguyên tắc số chẵn bên phải,
số lẻ bên trái.
Ví dụ: Nhà số 36LTK/1 (Hẻm số 36
Lý Thường Kiệt, nhà số 1).
Điều 7. Đánh
số nhà tại các khu nhà tập trung.
1. Tên khu nhà:
Khu nhà xây dựng tập trung gồm
nhiều khối nhà xây dựng trên một khu đất. Các khối nhà có thể độc lập hoặc hợp
thành nhóm với nhiều công năng khác nhau. Cả khu nhà mang chung một tên bằng chữ
hoặc số tuỳ theo vị trí khu nhà so với đường phố và giải pháp bố trí mặt bằng.
- Nếu khu nhà chỉ có một cổng
chính mang một số nhà như các nhà phố khác thì dùng địa chỉ của cổng chính đặt
tên cho khu nhà.
- Nếu khu nhà tiếp giáp với nhiều
đường phố, thì lấy đường phố chính tiếp giáp để đặt tên cho khu nhà đó.
- Nếu khu nhà tiếp giáp với mặt
đường phố trải dài thì lấy đường phố trải dài để đặt tên cho khu nhà đó.
2. Tên lô nhà:
Mỗi lô nhà trong khu nhà tập
trung được mang một tên bằng chữ cái in hoa tiếng Việt theo mẫu tự A, B, C,… để
phân biệt.
Nếu số lượng của lô nhà trong
khu tập trung lớn hơn số mẫu tự (24) thì dùng thêm số đếm để biểu thị. Việc
phân bổ giữa chữ và số cần được sắp xếp cho đều. Ví dụ: A1, A2, A3; B1, B2, B3;
C1, C2, C3; … Việc đặt tên lô nhà theo nguyên tắc từ cổng chính khu nhà đi vào,
các tên lô xuất hiện thứ tự trước sau theo thứ tự của mẫu tự đặt tên lô.
3. Tên căn hộ và số tầng của nhà
chung cư:
a) Đánh số tầng nhà theo nguyên
tắc chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng 1 của ngôi nhà (không
tính tầng hầm). Dùng các số tự nhiên (1, 2, 3, …, n) để đánh số tầng và được lấy
từ số nhỏ đến số lớn. Số các tầng được cho như sau: số 1: tầng 1 (tầng trệt); số
2: tầng 2; số 3: tầng 3;…
b) Số căn hộ gồm số tầng và số
nhà. Phân cách giữa số tầng nhà và số căn hộ là một dấu chấm ( . ).
Ví dụ: 2.10, lô B, chung cư K,
phường E, thị xã Trà Vinh (căn hộ số 10, tầng 2, lô B, chung cư K, phường E, thị
xã Trà Vinh).
Cách đánh số của căn hộ được xác
định căn cứ vị trí cầu thang chính và hành lang chung. Cầu thang chính được xác
định là cầu thang gần lối vào chính. Số nhà được cho liên tục theo chiều kim đồng
hồ (từ trái qua phải) bắt đầu từ căn hộ đầu tiên phía bên trái của khu cầu
thang tại tầng đó.
Điều 8. Đánh
số nhà trong khu chung cư.
1. Chung cư có đường nội bộ có
tên, cách đánh số như đối với nhà mặt tiền đường phố.
2. Chung cư có đường nội bộ
không tên.
- Đường nội bộ được mang số,
cách đánh số nhà như chung cư có đường nội bộ có tên (đường song song trục dọc
của chung cư mang số lẻ: 1, 3, 5, …, đường song song trục ngang của chung cư
mang số chẵn: 2, 4, 6,…).
- Trục dọc là trục song song với
lối vào cổng chính, trục ngang là trục thẳng góc với trục dọc.
3. Đối với chung cư không có đường
nội bộ thì dùng chữ cái in hoa tiếng Việt theo mẫu tự A,B,C,… để đặt tên cho
các dãy nhà. Từ cổng chính đi vào, tên dãy nhà xuất hiện thứ tự trước sau theo
thứ tự của mẫu tự đặt tên dãy nhà, số căn hộ trong mỗi dãy nhà được đánh liên tục
từ trái sang phải.
Ví dụ: Nhà A6, chung cư K, phường
E, thị xã T.
(Căn nhà số 6, dãy nhà A của
chung cư K, phường E, thị xã T).
- Biển báo khu chung cư được đặt
ở các điểm tiếp giáp giữa ranh giới chung cư với đường phố.
Điều 9. Đánh
số nhà khi nhập nhiều căn nhà thành một nhà.
1. Đối với các căn nhà có số nhà
riêng biệt:
Lấy số nhà mới là số ghép giữa số
của căn nhà đầu với số của căn nhà cuối, ở giữa là một gạch ngang ngắn (-).
Ví dụ: Ghép nhà 2,4,6,8 đường N
thành số 2 - 8, đường N.
2. Đối với các căn nhà có số nhà
do tách ra hoặc xây chen nay nhập lại:
Lấy số nhà là số nhà chính trước
đây.
Ví dụ: ghép số nhà 2, 2A, 2B, …
đường N; thành số nhà 2 Đường N.
Điều 10.
Đánh số nhà xây dựng gián đoạn thuộc đường mới còn đất trống.
Căn cứ quy hoạch chi tiết, dọc
đường phố là nhà vườn, biệt thự, hay nhà phố, UBND huyện, thị xã sẽ quy hoạch số
nhà trên toàn tuyến đường với chiều ngang nhà thích hợp. Từ quy hoạch này các
nhà xây đúng vị trí thì mang số đó. Những trường hợp nhà chưa xây dựng theo quy
hoạch, sau này sẽ dùng mẫu tự chữ cái in hoa để chèn gắn với số nhà trước đó đã
cho theo hướng tăng dần.
Điều 11.
1. Khi mở đường nối dài phía đầu
đường và vẫn giữ tên đường phố thì đánh số nhà thực hiện như Điều 4 của Quy định
này và tên đường thêm 2 chữ nối dài trong ngoặc đơn.
Ví dụ: Số nhà 2,4,6 của phía đầu
đường Điện Biên Phủ nối dài thì ghi số 2,4,6 đường Điện Biên Phủ (nối dài).
2. Khi mở đường nối dài phía cuối
đường (đoạn bắt đầu của đường nối dài là đầu đường nối dài) thì số nhà được
đánh số tiếp tục từ nhỏ đến lớn và bên phải số chẵn, bên trái số lẻ.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ GẮN BIỂN SỐ
NHÀ
Điều 12. Gắn
biển số nhà tại mặt tiền đường, biển số hẻm, nhà trong hẻm.
1. Mỗi nhà mặt đường, nhà trong
hẻm, được gắn một biển số nhà. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều
đường phố, hẻm khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa
chính ở tại góc hai đường, phố, hẻm thì nhà đó được gắn biển số nhà theo đường,
phố, hẻm có lộ giới lớn hơn.
2. Biển số nhà được gắn tại cửa
đi sát hè hoặc lòng đường, phía trên giữa cửa đi chính. Trường hợp nhà có hàng
rào sát hè hoặc lòng đường thì biển số nhà được gắn tại cột trụ cổng chính,
phía bên trái (theo chiều từ phía ngoài vào nhà) ở độ cao là hai mét (2m).
3. Gắn biển số hẻm được gắn trên
cọc (sắt tròn đường kính 90mm).Vị trí ở đầu hẻm vào, đặt phía bên trái theo hướng
ngoài nhìn vào, cách mép lề hẻm 650mm, điểm dưới cùng của biển số hẻm đặt cách
mặt vĩa hè ở độ cao 2.5m; biển số đặt hướng vào lòng hẻm. Đối với trường hợp biển
số có kích thước lớn hơn quy định, thì biển số đặt hướng vào hẻm không được lớn
hơn 1/4 (một phần tư) không gian lòng hẻm.
- Biển số hẻm và tên hẻm có kích
thước (chiều rộng x chiều cao) 650x400mm.Vật liệu bằng tôn tráng kẽm, dày 1mm,
màu sắc được quy định như biển số nhà, nền màu xanh sẫm, chữ và số màu trắng,
đường chỉ viền màu trắng.
Điều 13. Gắn
biển số của căn hộ nhà chung cư.
Mỗi căn hộ được gắn một biển số.
Biển số căn hộ được viết bằng tên ghép của số tầng với số căn hộ được xác định
theo nguyên tắc quy định tại khoản 3, Điều 7 Quy định này. Biển số căn hộ được
gắn tại vị trí sát phía trên chính giữa cửa đi chính của căn hộ.
Điều 14. Gắn
biển tên nhóm nhà, ngôi nhà; số tầng nhà, cầu thang.
1. Biển tên nhóm nhà được đặt tại
một góc của nhóm nhà đó, trên vĩa hè gần với đường phố lớn nhất.
2. Biển tên ngôi nhà được đặt tại
mặt đứng và hai bức tường đầu hồi của ngôi nhà. Tại mặt đứng, biển được đặt tại
vị trí tầng 1 trong trường hợp nhà một tầng, tại tầng 02 trong trường hợp nhà
nhiều tầng. Tại bức tường đầu hồi, biển tên ngôi nhà được đặt tại vị trí có độ
cao bằng hai phần ba chiều cao nhà, trong trường hợp nhà cao từ mười bảy mét
(17 m) trở xuống; được đặt tại vị trí có độ cao chín mét (9 m) trong trường hợp
nhà cao trên mười bảy mét.
3. Biển số tầng nhà được đặt tại
giữa mảng tường chân cầu thang hoặc giữa mảng tường của lòng cầu thang của mỗi
tầng.Vị trí đặt biển có độ cao là hai mét (2 m) tính từ sàn của tầng nhà tương ứng.
4. Gắn biển số cầu thang được đặt
tại vị trí sát phía trên chính giữa cổng đơn nguyên có cầu thang đó.
Chương IV
CHỈNH SỬA SỐ NHÀ
Điều 15.
Nguyên tắc chung của việc chỉnh sửa số nhà cho khu dân
cư tập trung là giữ lại tối đa các số nhà cũ, nhất là số đầu hẻm; chỉ tiến hành
chỉnh sửa những số nhà trùng lắp và trường hợp số nhà hiện có không được sắp xếp
theo một thứ tự nhất định.
Trong các văn bản đổi số nhà phải
nêu lại số nhà cũ để đối chiếu với các chứng từ cũ của căn nhà.
Số nhà cũ được giữ lại (gắn bên
dưới số nhà mới) trong thời hạn hai năm (02 năm) để đảm bảo ổn định các quan hệ
tài chính, giao dịch dân sự có liên quan đến căn nhà.
Điều 16.
Cách chỉnh sửa cụ thể số nhà mặt tiền đường:
1. Số nhà được đánh liên tục từ
đầu đường đến cuối đường, không phân biệt địa giới hành chính (phường, xã, thị
trấn).
2. Cần giữ lại số nhà tại điểm
giáp ranh giữa huyện, thị xã; tại địa giới hành chính xã, phường, thị trấn; tại
các góc khu phố và số đầu hẻm để làm chuẩn trước khi tiến hành chỉnh sửa.
Các dạng số nhà trùng lắp, mất
trật tự trên một dãy nhà đã được giữ lại số ở hai đầu thì đổi số trong đoạn đó
để đảm bảo trật tự và liên tục. Nếu thiếu số thì chèn chữ cái in hoa tiếng Việt
theo mẫu tự A, B, C,….. nếu quá 24 chữ cái thì chèn số ở phía sau chữ.
Chọn cách chia sao cho số lượng
chữ cái mang số là đều nhau.
Ví dụ: A1, A2, A3; B1, B2, B3;
C1, C2, C3; ….
Điều 17.
Cách chỉnh sửa cụ thể số nhà trong hẻm.
1. Đối với những hẻm có số nhà mất
trật tự và trùng lắp, thì chỉnh sửa số nhà trùng lắp và mất trật tự.
2. Các hẻm ăn thông với nhau và
nối ra hai đường khác nhau thì không nhất thiết chia chiều dài của hai đoạn hẻm
là bằng nhau mà nên giữ nguyên hiện trạng chiều dài đoạn hẻm đã có sẵn và được
chỉnh sửa theo khoản 1 điều này.
Điều 18.
Nhà nằm trong khu quy hoạch giải toả (đã có quy hoạch chi tiết).
Khi thực hiện đánh số nhà hoặc
chỉnh sửa số nhà, sẽ thêm mẫu tự (A, B, C, ….) để chèn vào và lấy số nhà trước
đó không bị giải tỏa cho đoạn đường này, để khi giải tỏa xong thì vẫn giữ được
trật tự số nhà (không bị nhảy số).
Điều 19. Xử
lý số nhà cũ trên đường phố có thay đổi tên.
Trường hợp đường phố cũ chia
thành nhiều đường phố mới thì vẫn giữ nguyên trật tự số nhà như sẵn có.
Trường hợp nhiều đường phố cũ nhập
lại thành đường phố mới thì số nhà phải được đánh lại theo đường phố mới.
Điều 20.
Nhà có cửa hai đầu thông ra hai hẻm.
- Sẽ chọn số nhà ở hẻm chính có
lộ giới lớn hơn, phần nhà tiếp giáp với hẽm còn lại không chọn số nhà nữa để tiện
việc quản lý.
- Khi hẻm được mở rộng, mất đi một
số căn nhà. Các căn nhà mới có cửa thông ra hẻm mở rộng sẽ được cho số lại theo
thứ tự của số nhà trong hẻm mới.
Điều 21.
Hẻm được mở rộng thành đường có tên: Đánh số nhà mặt
tiền đường theo quy định tại Điều 5 của Quy định này.
Các hẻm phụ của đường khác có lối
ra đường mới mở thì được đánh số lại theo quy tắc số nhà trong hẻm mới, đường mới.
Chương V
THỦ TỤC CẤP SỐ NHÀ, ĐỔI
SỐ NHÀ
Điều 22.
- Trường hợp người dân có nhu cầu
xin cấp số nhà thì sẽ làm đơn (theo mẫu phụ lục 1) gởi UBND xã, phường, thị trấn.
Phòng Quản lý Đô thị thị xã (Phòng Công thương huyện) sẽ hướng dẫn lập hồ sơ và
khảo sát vị trí căn nhà so với các nhà có số chung quanh để trình UBND huyện,
thị xã cấp giấy chứng nhận số nhà (Phụ lục 2).
- Đối với các khu dân cư xây dựng
tập trung theo thiết kế được duyệt thì UBND huyện, thị xã chứng nhận số nhà cho
cả khu.
- Thời gian giải
quyết: 10 ngày.
- Lệ phí cấp số nhà: Thực hiện
theo quy định của UBND tỉnh.
Điều 23.
Việc đổi số nhà sẽ do UBND huyện, thị xã thực hiện tại từng
xã, phường, thị trấn theo kế hoạch. Cá nhân xin đổi số nhà, UBND huyện, thị xã
chỉ giải quyết những trường hợp trùng số, tách nhập nhà ở hoặc các trường hợp số
nhà hiện có không theo một thứ tự nhất định.
- Trong trường hợp thực hiện đề
án đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (gọi
chung là cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở ) theo Nghị định số
90/2006/NĐ–CP ngày 06 /9/ 2006 của Chính phủ thì UBND xã, phường, thị trấn lập
sơ đồ chỉnh sửa số nhà và giấy chứng nhận cấp số nhà cho từng căn nhà, thông
qua Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Công thương trình UBND huyện, thị xã để chứng
nhận số nhà hoặc đổi số nhà, đồng thời kèm theo hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận
quyền sở hữu nhà ở hoặc hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây
dựng.
- Sở Xây dựng có trách nhiệm giữ
mốc số nhà trên các con đường tại địa giới hành chính, huyện, thị xã. UBND huyện,
thị xã có trách nhiệm giữ mốc số nhà tại địa giới hành chính các xã, thị trấn
và các góc khu phố để làm cơ sở cho việc chỉnh sửa số nhà trong khu vực.
Chương VI
ĐÁNH SỐ NHÀ Ở ĐIỂM DÂN
CƯ NÔNG THÔN
Điều 24.
Nguyên tắc đánh số nhà thực hiện tương tự như nguyên tắc
đánh số nhà đối với khu vực nội thị và khu vực đô thị hóa.
Điều 25.
Nơi đã có số nhà hiện hữu thì giữ nguyên như từ trước
đến nay. (Trừ trường hợp khu vực có số nhà không phù hợp).
- Nơi chưa có số nhà thì cấp số
nhà mới để phục vụ cho yêu cầu quản lý hành chính Nhà nước và đáp ứng nhu cầu
giao dịch của nhân dân.
- Số nhà ở điểm dân cư nông thôn
mang tính chất tạm thời, khi tiến hành đô thị hóa sẽ đánh lại số nhà mới.
Điều 26.
Căn cứ đặc điểm của từng điểm dân cư nông thôn, UBND các
huyện, thị xã lập sơ đồ và đánh số từng căn nhà trên sơ đồ của từng điểm dân cư
để quản lý và thông báo cho từng hộ gia đình biết số nhà của họ để thuận tiện
trong các quan hệ giao dịch.
Điều 27.
Đối với các trường hợp xin cấp số nhà mới hoặc đề nghị
điều chỉnh ở các khu vực đã được cấp số nhà, Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Công
thương trình UBND huyện, thị xã để được cấp giấy chứng nhận số nhà mới( phụ lục
2).
Chương VII
CẤU TẠO CÁC LOẠI BIỂN SỐ
NHÀ
Điều 28. Cấu
tạo các loại biển số.
1. Màu sắc và chất liệu của biển
số
Các loại biển số của Quy định
này có nền màu xanh sẫm, chữ và số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng; được
làm vật liệu Mica dày 2mm;
2. Kích thước của từng loại biển:
a) Biển số nhà mặt đường:
- Biển có 1 hoặc 2 chữ số (chiều
rộng x chiều cao): 200mm x 150mm;
- Biển có 3 chữ số: 230mm x
150mm;
- Biển có 4 chữ số: 260mm x
150mm;
b) Biển số nhà trong ngõ hẻm
- Biển có 3 chữ số: (chiều rộng
x chiều cao) 230mm x 150mm;
- Biển có 4 chữ số: 260mm x
150mm;
c) Biển số căn hộ (hoặc phòng):
- Biển có 3 chữ số (chiều rộng
x chiều cao): 170mm x 100mm;
- Biển có 4 chữ số 190mm x
100mm;
d) Biển tên nhóm nhà (chiều rộng
x chiều cao)
- Biển có một mẫu tự in hoa tiếng
Việt (A,B,C…) và có một chữ số thứ tự của nhóm nhà đó: 350 x 250 mm:
- Biển có một mẫu tự in hoa tiếng
Việt (A,B,C…) và có hai chữ số thứ tự của nhóm nhà đó: 450 x 250 mm:
- Biển số tên nhóm nhà nếu tăng
mỗi chữ số thứ tự của nhóm nhà đó thì cộng thêm vào chiều rộng của biển số là
50mm.
đ) Biển tên ngôi nhà (chiều rộng
x chiều cao): 850mm x 650mm;
e) Biển số tầng (chiều rộng x
chiều cao): 300mm x 300mm;
f) Biển số cầu thang (chiều rộng
x chiều cao): 300mm x 300mm.
3. Cách ghi trên biển số:
a) Đối với các loại biển số quy
định tại điểm a, c, đ, e, f khoản 2 điều này thì ghi theo quy định tại phụ lục
số 2 của Quy chế đánh số và gắn biển số nhà ban hành kèm theo Quyết định số
05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ Xây dựng;
b) Đối với các loại biển số nhà
được quy định tại điểm b,d khoản 2 điều này phải bảo đảm theo nguyên tắc đơn giản,
dễ tìm.
Chương
VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29.
Ban Chỉ đạo đánh số nhà và gắn biển số nhà của tỉnh có
trách nhiệm đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các cơ quan liên quan
thực hiện tốt Quy định này trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều 30. Sở
Xây dựng có trách nhiệm:
- Lập kế hoạch đánh số và gắn biển
số nhà trên địa bàn toàn tỉnh
- Hướng dẫn nghiệp vụ về cấp số
nhà và chỉnh sửa số nhà cho UBND huyện, thị xã.
- Phối hợp cùng UBND huyện, thị
xã tổ chức thực hiện chỉnh sửa số nhà thí điểm ở một số khu vực và áp dụng đại
trà trên toàn tỉnh.
- Hướng dẫn mẫu đơn và thủ tục
thống nhất trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ 06 tháng một lần báo
cáo UBND tỉnh, về tình hình thực hiện đánh số nhà và gắn biển số nhà trên phạm
vi toàn tỉnh.
Điều 31. Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm :
1. Cấp giấy chứng nhận số nhà hoặc
đổi số nhà (phụ lục 2) trên địa bàn, địa phương quản lý;
2. Tổ chức thực hiện và quản lý
việc đánh số và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn huyện, thị xã;
3. Hướng dẫn các cơ quan đơn vị
và các chủ sử dụng nhà trên địa bàn thực hiện Quy định này của UBND tỉnh;
4. Lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch
đánh số và chỉnh sửa số nhà trên địa bàn, báo cáo Sở Xây dựng, UBND tỉnh 06
tháng một lần về kết quả tình hình thực hiện đánh số, chỉnh sửa và gắn biển số
nhà;
5. Tuyên truyền, phổ biến hộ gia
đình, cá nhân trên địa bàn chấp hành Quy định đánh số và gắn biển số nhà của
UBND tỉnh;
6. Kiểm tra, xử lý các vi phạm về
quản lý đánh số và gắn biển số nhà theo thẩm quyền.
Điều 32.
Các cơ quan có liên quan đến việc sử dụng số nhà của chủ
sở hữu, căn cứ giấy chứng nhận số nhà của chủ sở hữu (hoặc người sử dụng nhà),
căn cứ giấy chứng nhận số nhà có trách nhiệm ghi nhận và thay đổi số nhà trong
các hồ sơ có liên để quản lý phù hợp với số nhà mới.
Chương IX
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 33.
Người sử dụng nhà có trách nhiệm giữ gìn bảo quản biển số
nhà đã được gắn. Khi biển số nhà bị hư hỏng, bị mất, chủ sở hữu nhà (hoặc người
sử dụng) phải làm lại biển số nhà theo đúng quy định. Không được dùng biển số
nhà sai quy định, không được để nhà thiếu biển số.Trong trường hợp nhà có treo
biển hiệu mà ghi địa chỉ khác với biển số nhà được gắn theo quy định của Quy định
này thì phải sửa đổi biển hiệu cho phù hợp.
Kể từ ngày ban hành Quy định
này, các cá nhân, cơ quan, đơn vị không được tự ý đặt số nhà hoặc thay đổi số
nhà không theo đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền cấp số nhà, điều chỉnh số
nhà đã nêu trong Quy định.
Điều 34.
Người có hành vi vi phạm quy định của Quy định này thì
tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu gây thiệt hại cho người
khác thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về
dân sự.