Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 11/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 13/02/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 11/2007/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 13 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý VLNCN;
Căn cứ Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp về hướng dẫn quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và Thông tư số 04/2006/TT-BCN ngày 27/4/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2005/TT-BCN;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 150/TTr-SCN ngày 19/9/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2.

1. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế này trên địa bàn tỉnh.

2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp và thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 13/02/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc quản lý kinh doanh, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (sau đây gọi tắt là VLNCN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Quy chế này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN hoặc liên quan đến VLNCN hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Chương II

BẢO QUẢN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 2. Kho vật liệu nổ công nghiệp

Các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh phải có kho bảo quản VLNCN theo đúng quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam 4586-1997. Kho chứa VLNCN phải được Sở Công nghiệp, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, nghiệm thu cho phép đưa vào sử dụng. Nếu không có kho bảo quản, đơn vị sử dụng VLNCN được hợp đồng thuê kho với đơn vị có kho hợp pháp. Kho này phải có lý lịch rõ ràng, được các cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở và tổ chức nghiệm thu theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Quy chế này.

Điều 3. Thủ kho và bảo vệ kho vật liệu nổ công nghiệp

Kho VLNCN phải có thủ kho và bảo vệ kho theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam 4586-1997:

1. Người làm công tác thủ kho phải được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và được Sở Công nghiệp cấp giấy chứng nhận được làm công tác có liên quan đến VLNCN. Có nhiệm vụ mở sổ thống kê xuất, nhập, trả lại VLNCN sau mỗi đợt nổ. Bảo quản, sắp xếp VLNCN trong kho đảm bảo chống mất cắp, giữ được chất lượng, chống mối mọt và bảo đảm an toàn về cháy nổ.

2. Người làm công tác bảo vệ kho có trách nhiệm canh gác kho cả ngày, đêm. Phải có thể lực tốt, được huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ, sử dụng thành thạo vũ khí, được huấn luyện cơ bản về VLNCN theo chương trình quy định. Biên chế đội bảo vệ kho VLNCN do thủ trưởng đơn vị quyết định sau khi đã thỏa thuận với Công an tỉnh.

Điều 4. Chuyển giao vật liệu nổ công nghiệp

Khi đơn vị không còn nhu cầu sử dụng VLNCN nữa thì số VLNCN còn lại ở kho phải chuyển giao cho đơn vị được quyền sử dụng VLNCN hợp pháp khác quản lý, sử dụng. Việc chuyển giao này phải làm đúng thủ tục hiện hành và được phép của Công an tỉnh.

Điều 5. Xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp

Kho VLNCN trước khi xây dựng phải được các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, thống nhất địa điểm xây dựng và có hồ sơ thiết kế kho VLNCN đã được Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - PC 23), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra An toàn lao động tỉnh, Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở.

1. Hồ sơ đề nghị kiểm tra, thỏa thuận địa điểm xây dựng kho VLNCN và vị trí sử dụng VLNCN được gửi đến Sở Công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh (Phòng PC 13), gồm:

a) Văn bản của chủ đầu tư đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng; trong đó, nêu rõ đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình dự kiến xây dựng;

b) Tài liệu hoặc bản vẽ thể hiện rõ địa điểm, hướng gió chủ đạo, các thông tin về địa hình của khu đất, về khí hậu, thủy văn, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các cơ sở, công trình xung quanh;

Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ nói trên, Sở Công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức kiểm tra thực tế, trả lời cho đơn vị bằng văn bản.

2. Xây dựng kho chứa VLNCN tuân thủ theo quy định về đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng. Sở Công nghiệp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở kho VLNCN (thuộc công trình nhóm B, C) trên địa bàn tỉnh, sau khi lấy ý kiến của các sở, ban, ngành có liên quan: Phòng PC 23 về an toàn cháy nổ, Sở Xây dựng về kỹ thuật xây dựng và kết cấu chịu lực hệ thống chống sét kho VLNCN. Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế; tổ chức thi công và nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng.

3. Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại phụ lục H, phụ lục I của Tiêu chuẩn Việt Nam 4586-1997. Chủ doanh nghiệp nộp 04 bộ tại Sở Công nghiệp.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công nghiệp chuyển đến các ban, ngành có liên quan. Trong thời hạn 09 ngày làm việc các sở, ban, ngành có liên quan có ý kiến thỏa thuận thiết kế kho VLNCN, 06 ngày làm việc tiếp theo Sở Công nghiệp có văn bản thẩm định thiết kế cơ sở về kho VLNCN gửi doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để theo dõi.

Trường hợp không đủ điều kiện để thẩm định, các cơ quan chức năng có liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do để đơn vị bổ sung hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ.

Căn cứ vào biên bản nghiệm thu, đơn vị sử dụng kho phải lập lý lịch kho và gửi cho các cơ quan chức năng liên quan để theo dõi, quản lý.

Chương III

SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 6. Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế muốn sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải làm thủ tục cấp giấy phép sử dụng VLNCN tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đăng ký đầy đủ thủ tục với các cơ quan chức năng của tỉnh theo quy định của pháp luật và Quy chế này. Trong đó:

1. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở địa phương, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nộp hồ sơ tại Sở Công nghiệp.

2. DNNN Trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị làm dịch vụ nổ mìn lưu động: nộp hồ sơ tại Bộ Công nghiệp (Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp).

3. Doanh nghiệp thuộc cơ quan quân sự nộp hồ sơ tại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Điều kiện để được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Các điều kiện về: chủ thể; cơ sở vật chất, kỹ thuật; về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; sức khỏe; bảo vệ môi trường; phòng, chống cháy nổ đúng theo yêu cầu tại mục I phần E Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2005/TT-BCN).

Điều 8. Điều kiện để được tiến hành dịch vụ nổ mìn

Dịch vụ nổ mìn chỉ do những đơn vị có chức năng làm dịch vụ nổ mìn tiến hành, với các điều kiện sau:

- Đơn vị làm dịch vụ nổ mìn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy chế này;

- Trường hợp đơn vị có nhu cầu nổ mìn nhưng không tự thực hiện được, nếu không thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 9 của Quy chế này thì đơn vị được quyền ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với đơn vị có chức năng làm dịch vụ nổ mìn thực hiện. Hợp đồng thuê nổ mìn phải ghi rõ trách nhiệm của đơn vị nổ mìn về đảm bảo các điều kiện an toàn, thực hiện việc đăng ký sử dụng VLNCN theo quy định tại Điều 11 hoặc lập hồ sơ theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này;

- Đơn vị sau khi đã thuê dịch vụ nổ mìn không phải xin giấy phép sử dụng VLNCN nhưng không được phép trực tiếp thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan đến VLNCN.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Doanh nghiệp nộp 02 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền (quy định tại Điều 6). Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng VLNCN theo quy định tại điểm 1, mục III, phần E Thông tư số 02/2005/TT-BCN.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Ba mươi ngày trước khi giấy phép sử dụng VLNCN hết hạn, đơn vị có nhu cầu cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN phải lập hồ sơ theo nguyên tắc cơ quan nào cấp giấy phép lần đầu thì gia hạn cấp lại. Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước Trung ương chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì trước khi giấy phép sử dụng VLNCN đã cấp còn hiệu lực ít nhất 30 ngày; đơn vị nộp hồ sơ tại Sở Công nghiệp để kiểm tra và đề nghị cấp giấy phép mới. Hồ sơ nộp, gồm 02 bộ, như sau:

- Đơn đề nghị gia hạn hoặc cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN;

- Hồ sơ quy định tại Điều 9 của Quy chế này;

- Giấy phép sử dụng VLNCN còn hiệu lực ít nhất 30 ngày và những bổ sung, thay đổi (nếu có).

Điều 11. Đăng ký sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Đơn vị được Bộ Công nghiệp (Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp) hoặc Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) cấp giấy phép sử dụng VLNCN (kể cả đơn vị làm dịch vụ nổ mìn) đến hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải đăng ký giấy phép sử dụng VLNCN tại Sở Công nghiệp để quản lý, theo dõi. Hồ sơ đăng ký gồm một bộ, như sau:

1. Đơn đăng ký sử dụng VLNCN do thủ trưởng đơn vị ký kèm theo giấy phép sử dụng VLNCN do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong đơn phải nêu rõ số lượng, địa điểm và thời gian sử dụng.

2. Giấy phép cấp mỏ đối với khai thác khoáng sản; văn bản xét duyệt thiết kế thi công, quyết định trúng thầu xây lắp hoặc hợp đồng xây lắp, giấy ủy quyền thi công đối với đơn vị thi công công trình, thiết kế thi công phải ghi rõ nhu cầu sử dụng VLNCN; hợp đồng khoan nổ mìn (đối với đơn vị làm dịch vụ nổ mìn).

3. Hồ sơ kho bảo quản VLNCN kèm theo biên bản nghiệm thu kho của các cơ quan chức năng của tỉnh cho phép đưa kho vào sử dụng.

4. Quyết định người chỉ huy nổ mìn, danh sách thủ kho, bảo vệ kho VLNCN do thủ trưởng đơn vị ký kèm theo văn bằng, chứng chỉ.

5. Giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự để làm nghề kinh doanh có điều kiện do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh hoặc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục Cảnh sát cấp.

Điều 12. Thời hạn cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Thời hạn một giấy phép sử dụng VLNCN thực hiện theo quy định tại điểm 3, mục III Thông tư số 02/2005/TT-BCN.

Đơn vị xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN phải nộp một khoản lệ phí do Sở Tài chính quy định sau khi có ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 13. Thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Hồ sơ đăng ký làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (sau đây gọi tắt là ANTT) gửi đến cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (sau đây gọi tắt là TTXH) (Phòng PC 13) thuộc Công an tỉnh Bình Thuận quy định tại điểm 1, phần III Thông tư số 02/2001/TT-BCA ngày 04/5/2001 của Bộ Công an về hướng dẫn thi hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH của Công an tỉnh phải giải quyết việc cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về ANTT” cho cơ sở đề nghị. Trường hợp không đủ điều kiện về ANTT, cơ quan Công an phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho cơ sở xin đăng ký.

Điều 14. Thủ tục đăng ký về an toàn lao động, vệ sinh lao động

Hồ sơ đăng ký về an toàn lao động, vệ sinh lao động được gửi đến cơ quan Thanh tra Nhà nước về lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm:

1. Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định (phụ lục III).

2. Bảng tóm tắt lý lịch vật liệu nổ công nghiệp (phụ lục IV).

3. Bản sao hợp lệ giấy phép sử dụng VLNCN của cơ quan có thẩm quyền cấp có hiệu lực.

4. Bản sao hợp lệ báo cáo khả thi về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động (Điều 2, Nghị định số 06/CP sửa đổi, bổ sung).

5. Danh sách những người lao động trực tiếp làm việc có liên quan đến việc sử dụng VLNCN, kèm theo bản sao thẻ an toàn lao động do người sử dụng lao động cấp theo quy định tại Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký cho cơ sở. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thì phải nêu rõ lý do và thông báo bằng văn bản cho cơ sở đăng ký.

Điều 15. Trình tự, thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Sở Công nghiệp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp (hoặc gia hạn) giấy phép sử dụng VLNCN đối với các doanh nghiệp thuộc khoản 1, Điều 6, Chương III Quy chế này. Thực hiện đăng ký sử dụng VLNCN đối với các doanh nghiệp do Bộ Công nghiệp (Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp) hoặc Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) cấp giấy phép theo khoản 2, khoản 3, Điều 6 Quy chế này.

2. Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công nghiệp phải tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp (hoặc gia hạn) giấy phép sử dụng VLNCN theo thẩm quyền. Trong thời gian 05 ngày làm việc tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp giấy phép (hoặc gia hạn) giấy phép sử dụng VLNCN do Sở Công nghiệp trình, hoặc trả lời cho đơn vị về việc giấp phép không được cấp và nêu rõ lý do.

3. Đối với các doanh nghiệp được Bộ Công nghiệp (Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp) hoặc Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) cấp giấy phép sử dụng VLNCN hoạt động nổ mìn trên địa bàn tỉnh 05 ngày trước khi thực hiện đợt nổ mìn đầu tiên phải đến Sở Công nghiệp đăng ký giấy phép sử dụng VLNCN, kho tàng, thiết kế hoặc phương án nổ mìn với Sở Công nghiệp và Công an tỉnh Bình Thuận. Việc đăng ký giấy phép sử dụng VLNCN thực hiện theo Điều 11 Quy chế này. Trong vòng 05 ngày làm việc, Sở Công nghiệp kiểm tra hồ sơ ghi vào sổ đăng ký sử dụng VLNCN và cấp giấy xác nhận đã đăng ký cho doanh nghiệp.

Thỏa thuận các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, trật tự an toàn với Công an tỉnh Bình Thuận. Thông báo với Thanh tra lao động tỉnh về thời gian, địa điểm, quy mô nổ mìn, khoảng cách an toàn và các điều kiện an toàn khác trước khi nổ mìn.

Các doanh nghiệp bảo đảm kho chứa VLNCN theo quy định tại Điều 3, bảo đảm điều kiện kỹ thuật, an toàn trong công tác khoan nổ mìn, bảo đảm các đối tượng có liên quan đến VLNCN phải được huấn luyện về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự theo các quy định của Nhà nước.

Chương IV

VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 16. Phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp

Phương tiện vận chuyển VLNCN phải đúng quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam 4586-1997. Các phương tiện vận tải phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành và được cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thuộc Công an cấp tỉnh trở lên cấp giấy phép vận chuyển VLNCN.

Điều 17. Cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp

1. Người áp tải và người điều khiển phương tiện vận chuyển phải đăng ký lý lịch ở cơ quan công an nơi đến lấy giấy phép vận chuyển VLNCN.

2. Trường hợp người áp tải và người điều khiển phương tiện chưa có điều kiện đăng ký lý lịch theo khoản 1 Điều này thì những người này phải được người bảo vệ chuyên trách của đơn vị mình công tác hoặc công an xã giới thiệu với cơ quan công an nơi cấp giấy phép vận chuyển VLNCN về lý lịch, tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Việc giới thiệu này chỉ làm một lần nếu muốn hoạt động tiếp tục, phải làm theo đúng quy định như khoản 1 Điều này.

3. Người đến lấy giấy phép vận chuyển ở cơ quan công an phải có đầy đủ các giấy tờ sau:

- Giấy giới thiệu của cơ quan do thủ trưởng đơn vị ký;

- Giấy chứng minh nhân dân;

- Lệnh xuất kho hoặc giấy báo hàng;

- Bằng điều kiện phương tiện và giấy phép bảo hành phương tiện còn trong thời hạn giá trị;

- Giấy đủ điều kiện hành nghề đặc biệt;

- Giấy đăng ký vận chuyển VLNCN. Nội dung giấy đăng ký phải ghi rõ họ tên người áp tải, người điều khiển phương tiện, số hiệu phương tiện, tuyến đường đi, thời gian, số lượng VLNCN.

4. Trường hợp VLNCN được vận chuyển trên tuyến đường phải qua nhiều phương tiện xà lan, xe lửa, tàu thủy, sau đó dùng ôtô chuyển tiếp thì việc cấp giấy phép phải làm lần lượt cho từng loại phương tiện.

Việc xét duyệt người áp tải, người điều khiển phương tiện sẽ tiến hành theo kế hoạch của đơn vị quản lý vận tải VLNCN. Còn giấy phép vận chuyển do cơ quan quy định cụ thể sẽ cấp từng chuyến, cả năm, cấp chung, cấp riêng cho từng loại, tùy theo hoàn cảnh cụ thể.

5. Trên đường vận chuyển nếu công an thi hành công vụ cần kiểm tra phương tiện vận chuyển VLNCN thì người áp tải và điều khiển phương tiện có nhiệm vụ dừng phương tiện (nếu phải tuân theo những quy định an toàn về vận chuyển VLNCN) và xuất trình giấy tờ và cung cấp những thông tin cần thiết cho công vụ đó.

6. Khi hoàn thành việc vận chuyển, thủ trưởng đơn vị cần chứng nhận ngày hoàn thành nhiệm vụ vào giấy phép vận chuyển và nộp lại cho cơ quan công an nơi cấp giấy phép.

7. Trong quá trình vận chuyển phương tiện gặp trở ngại mà cần thay đổi những điều ghi trong giấy phép (cầu đường tắt phải thay đổi tuyến đường, phương tiện hỏng phải đổi, người điều khiển, áp tải ốm phải đổi,...) phải có sự chứng nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an nơi xảy ra sự kiện. Người và phương tiện thay thế phải đạt yêu cầu theo các quy định đã nêu ở trên.

8. Khi cần thiết, chỉ có cơ quan cấp phép vận chuyển mới được gia hạn thời gian và thay đổi tuyến đường đã ghi trong giấy vận chuyển.

Chương V

HUẤN LUYỆN, KIỂM TRA, BÁO CÁO VIỆC SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 18. Huấn luyện, kiểm tra và sát hạch

Sở Công nghiệp phối hợp với các đơn vị có chức năng đào tạo về lĩnh vực VLNCN chủ trì tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng sau đây:

- Thợ mìn hoặc người lao động làm công việc có liên quan đến VLNCN như: vận chuyển, bốc xếp, điều khiển, áp tải, bảo vệ, thủ kho, phục vụ thi công bãi mìn;

- Chỉ huy nổ mìn tốt nghiệp trung cấp trở lên các ngành kỹ thuật không liên quan đến VLNCN có thâm niên công tác trong lĩnh vực VLNCN ít nhất 03 năm đối với trình độ đại học, cao đẳng; 04 năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật.

Nội dung huấn luyện tại phụ lục C của TCVN 4586-1997;

- Công an tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận về ANTT và PCCC theo quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2001/TT-BCA của Bộ Công an.

Điều 19. Thanh tra, kiểm tra, báo cáo tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh (Phòng PC 13, PC 23), Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ 01 lần/năm, chấn chỉnh và xử lý vi phạm việc sử dụng VLNCN theo quy định tại Nghị định số 64/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ.

Các doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải thực hiện báo cáo định kỳ với Sở Công nghiệp như sau:

- Báo cáo tình hình sử dụng VLNCN 06 tháng và nơi tiến hành nổ mìn (đối với các doanh nghiệp do Bộ Công nghiệp cấp giấy phép) trước ngày 25 tháng 6;

- Báo cáo trước ngày 25 tháng 12 đối với báo cáo năm về số lượng, chủng loại vật tư, chất lượng VLNCN đã sử dụng trên địa bàn và báo cáo vấn đề có liên quan theo phụ lục III Thông tư số 02/2005/TT-BCN;

- Sở Công nghiệp chịu trách nhiệm báo cáo Bộ Công nghiệp về tình hình cấp giấy phép và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 02/2005/TT-BCN và Thông tư số 04/2006/TT-BCN ngày 27/4/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC DOANH NGHIỆP TRONG SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 20.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh. Sở Công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các địa phương theo chức năng quản lý ngành và địa phương được phân công có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn.

2. Sở Công nghiệp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về VLNCN, có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

b) Tiếp nhận hồ sơ, chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng VLNCN của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh; trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp mới, cấp lại hoặc thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN theo thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng VLNCN của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Thực hiện việc đăng ký sử dụng VLNCN đối với các đơn vị có giấy phép sử dụng VLNCN do Bộ Công nghiệp hoặc Bộ Quốc phòng cấp đến hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn sử dụng, bảo quản VLNCN cho thợ mìn và những người lao động làm công việc có liên quan tới VLNCN và cấp giấy chứng nhận cho những người đạt yêu cầu;

đ) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan ở tỉnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý hoặc đề nghị xử lý vi phạm hành chính về quản lý, cung ứng, bảo quản, sử dụng VLNCN trên địa bàn theo quy định của pháp luật và Quy chế này;

e) Lập báo cáo định kỳ 06 tháng, hàng năm gửi Bộ Công nghiệp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý, cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Công an tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định về an ninh trật tự đối với nghề sản xuất, kinh doanh có sử dụng VLNCN, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) để làm nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001 của Chính phủ; tổ chức thực hiện các quy định về phòng chống cháy nổ đối với các kho bảo quản VLNCN; cấp giấy phép vận chuyển VLNCN cho các đơn vị có nhu cầu cung ứng, sử dụng VLNCN theo quy định của pháp luật; tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn lao động trong lĩnh vực cung ứng, sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các biện pháp đảm bảo ATLĐ, vệ sinh lao động trong hoạt động cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng liên quan ở địa phương và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo dõi, giám sát quá trình lưu thông, cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền được phân cấp hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Điều 21. Tất cả các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ được hoạt động sử dụng khi các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và đăng ký với Sở Công nghiệp, Công an tỉnh (Phòng PC13, PC23), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thủ trưởng các đơn vị sử dụng VLNCN, dịch vụ nổ mìn có trách nhiệm trực tiếp quản lý, kiểm tra việc bảo quản, cấp phát, quy trình kỹ thuật khoan nổ, an toàn lao động trong sử dụng VLNCN tại khai trường (nơi có hoạt động khai thác nổ mìn), công trường theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam 4586-1997 và các quy định khác có liên quan đến VLNCN. Trước khi tiến hành nổ mìn phải thông báo cho chính quyền và nhân dân địa phương biết về địa điểm, thời gian nổ mìn để phòng tránh tai nạn.

Định kỳ 06 tháng, hàng năm phải lập báo cáo về tình hình, sử dụng VLNCN của đơn vị mình gửi Sở Công nghiệp và các ngành chức năng liên quan để theo dõi quản lý.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Sở Công nghiệp phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh. Đối với kho VLNCN đã được xây dựng trước tháng 5/2006, chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế cho VLNCN trước tháng 3/2007 để Sở Công nghiệp theo dõi.

Sở Tài chính phối hợp Sở Công nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành lệ phí cấp giấy phép sử dụng VLNCN.

Sở Công nghiệp phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Công nghiệp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 11/2007/QĐ-UBND ngày 13/02/2007 ban hành Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.659

DMCA.com Protection Status
IP: 3.139.234.68
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!