HỘI ĐỒNG THẨM
PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
02/2004/NQ-HĐTP
|
Hà Nội, ngày
10 tháng 8 năm 2004
|
NGHỊ QUYẾT
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN
DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ vào Luật Tổ chức Toà án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của
pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ
Tư pháp và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
QUYẾT NGHỊ:
I. VIỆC ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH
CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỜI HIỆU
1. Việc áp dụng các quy định
của pháp luật về thời hiệu đối với các giao dịch dân sự
1.1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước
ngày 1/7/1996 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực) mà các văn bản pháp luật trước
đây có quy định về thời hiệu (thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ
nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện) thì phải áp dụng các quy định về thời
hiệu của các văn bản pháp luật đó để xác định thời hiệu còn hay hết, không phân
biệt giao dịch dân sự đó được thực hiện xong trước ngày 1/7/1996 hay từ ngày
1/7/1996. Trong trường hợp từ ngày 1/7/1996 các bên tham gia giao dịch dân sự
có thoả thuận bổ sung thì cần phân biệt như sau:
a) Trường hợp các bên đang tiếp tục thực hiện hợp
đồng dân sự hoặc khi hết hạn thực hiện hợp đồng, có thoả thuận kéo dài thời hạn
thực hiện hợp đồng đó thì việc xác định thời hiệu căn cứ vào thoả thuận của các
bên và được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại
thời điểm giao kết hợp đồng.
b) Trường hợp các bên đang tiếp tục thực hiện hợp
đồng dân sự, có thoả thuận bổ sung mà thoả thuận đó là một phần không tách rời
của hợp đồng dân sự đó thì việc xác định thời hiệu đối với hợp đồng nói chung
(bao gồm cả thoả thuận mới) được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp
luật có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng.
c) Trường hợp các bên đang tiếp tục thực hiện hợp
đồng dân sự, có thoả thuận bổ sung mà thoả thuận đó như một hợp đồng mới thay
thế hợp đồng cũ hoặc hoàn toàn độc lập với hợp đồng cũ, thì việc xác định thời
hiệu đối với thoả thuận mới được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
1.2. Đối với giao dịch dân sự được xác lập từ
ngày 1/7/1996 đến trước ngày 1/1/2005 mà Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật
khác không có quy định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu, thì kể từ ngày
1/1/2005 (ngày Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004 có
hiệu lực) việc xác định thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được thực hiện
theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự; cụ thể
như sau:
a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải
quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày 01/01/2005, nếu tranh chấp phát sinh
trước ngày 01/01/2005 hoặc kể từ ngày phát sinh tranh chấp, nếu tranh chấp phát
sinh từ ngày 01/01/2005.
b) Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc
dân sự là một năm, kể từ ngày 01/01/2005, nếu quyền yêu cầu phát sinh trước
ngày 01/01/2005 hoặc kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, nếu yêu cầu phát sinh
từ ngày 01/01/2005.
1.3. Đối với giao dịch dân sự được xác lập từ
ngày 01/01/2005 mà Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác không có quy định
thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu, thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu
cầu được thực hiện theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật Tố tụng
dân sự.
1.4. Về thời hạn yêu cầu Toà tuyên bố giao dịch
dân sự vô hiệu
a) Đối với giao dịch dân sự được giao kết trước
ngày 01/7/1996 thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 của
Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 bao gồm: nội dung hợp đồng vi phạm điều
cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội; một hoặc các bên không có quyền
giao kết hợp đồng (chủ thể giao kết hợp đồng không thuộc một trong các trường hợp
quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991), thì
thời gian yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
Trong mọi thời điểm một bên hoặc các bên đều có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố
giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Trong trường hợp các bên vẫn thực hiện hợp đồng
và phát sinh tranh chấp, cho nên một bên hoặc các bên khởi kiện yêu cầu Toà án
giải quyết, nếu trong quá trình giải quyết Toà án xác định giao dịch dân sự đó
là vô hiệu thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 15 của
Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, thì Toà án có quyền tuyên bố giao dịch dân sự đó
vô hiệu và xử lý hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của văn bản
pháp luật có hiệu lực tại thời điểm giao dịch được xác lập.
b) Đối với giao dịch dân sự được giao kết trước
ngày 01/7/1996 thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3
Điều 15 của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 bao gồm: hợp đồng dân sự vô
hiệu do người chưa thành niên xác lập, thực hiện (do có vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991);
do một bên bị nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng; bị đe doạ hoặc bị lừa
dối), thì thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định
tại Điều 56 của Pháp lệnh Hợp đồng dân sự là ba năm, kể từ
ngày giao dịch dân sự được xác lập. Hết thời hạn ba năm mà không có yêu cầu Toà
án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, thì giao dịch dân sự đó được coi là có hiệu
lực.
Trong trường hợp các bên vẫn thực hiện hợp đồng
và phát sinh tranh chấp, cho nên một bên hoặc các bên khởi kiện yêu cầu Toà án
giải quyết, nếu đã hết thời hạn ba năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập,
thì họ không có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu vì lý
do vi phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 15 của Pháp lệnh
Hợp đồng dân sự. Trong trường hợp này Toà án tiến hành giải quyết tranh chấp
giao dịch dân sự theo thủ tục chung.
c) Đối với giao dịch dân sự được giao kết từ
ngày 01/7/1996 mà có yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, thì áp dụng
các quy định tại Điều 145 của Bộ luật Dân sự về thời hạn
yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
1.5. Đối với giao dịch dân sự về nhà ở thuộc đối
tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày
01/7/1991 và theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 01/1999/TTLT ngày
25/01/1999 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao "hướng
dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được
xác lập trước ngày 01/7/1991 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" thì thời gian
từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.
2. Việc áp dụng các quy định
của pháp luật về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế
2.1. Quyền thừa kế
"Quyền thừa kế" quy định tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Điều
648 của Bộ luật Dân sự bao gồm quyền yêu cầu chia di sản thừa kế, quyền yêu
cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc quyền yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của
người khác.
2.2. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày
01/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định
tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại
Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối
cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".
Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ
ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.
b) Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày
01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định
tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự.
2.3. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế
thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ
di sản.
a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày
01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về
tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản được thực hiện
theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế và hướng dẫn
tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân
dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".
Nếu nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản
được phát sinh trước ngày 01/7/1991 có liên quan đến nhà ở thì thời gian từ
ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.
b) Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày
01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế
thực hiện nghĩa vụ về tải sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ
di sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Việc xác định thời hiệu
khởi kiện phải căn cứ vào quy định tại các Điều 639, 640 và 418
của Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại các tiểu mục 1.2, 1.3, 1.4 mục 1 Phần I
của Nghị quyết này.
2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền
thừa kế
a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời
điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có
văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm
mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản
do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các
thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời
hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia
tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế
không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di
chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện
theo di chúc.
a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa
kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc
chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa
kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản,
thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về
chia tài sản chung.
b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các
thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do
người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo Ủy quyền... thì
các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.
II. VỀ THỪA KẾ, TRANH CHẤP
LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
1. Xác định quyền sử dụng
đất là di sản
1.1. Đối với đất do người chết để lại (không
phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà
người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật
Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
1.2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại
mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản
1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền
sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
1.3. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng
đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục
1.1 và tiểu mục 1.2 mục 1 này nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác
(như: nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường
xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử
dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới,
tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các
tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các
cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản
thừa kế, thì cần phân biệt các trường hợp sau:
a) Trong trường hợp đương sự có văn bản của Ủy
ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng
chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu
chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
b) Trong trường hợp đương sự không có văn bản của
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp,
nhưng có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng
đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất,
thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng
đất. Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương
sự để Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng
đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo quy định của
pháp luật về đất đai.
c) Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp có thẩm
quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là
tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất đó, thì
Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
1.4. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng
đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ quy định tại tiểu mục 1.1, tiểu
mục 1.2 mục 1 này và cũng không có di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng
đất được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 này, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm
quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Việc giải quyết tranh
chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
2.1. Đối với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng
quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/7/1980 (ngày Hội đồng Chính phủ
nay là Chính phủ ban hành Quyết định số 201/CP về việc thống nhất quản lý ruộng
đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước) mà sau ngày
15/10/1993 mới phát sinh tranh chấp, thì việc giải quyết tranh chấp này như
sau:
a) Trường hợp nội dung và hình thức của hợp đồng
phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng.
a.1) Nếu bên nhận chuyển nhượng đã nhận đất thì
Toà án công nhận hợp đồng, buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng
và phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Nếu bên nhận đất chưa trả đủ tiền
cho bên có đất thì buộc họ phải trả cho bên chuyển nhượng số tiền còn thiếu
theo giá đất thực tế trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm.
a.2) Nếu bên nhận chuyển nhượng đã trả đủ tiền
nhưng chưa nhận đất và bên chuyển nhượng vẫn quản lý, sử dụng, chưa xây dựng
công trình kiến trúc trên đất đó, thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp
đồng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trong trường hợp bên chuyển nhượng đã làm nhà ở
hoặc không có điều kiện để giao đất cho bên nhận chuyển nhượng, thì tuỳ trường
hợp cụ thể Toà án có thể hủy hợp đồng, buộc bên chuyển nhượng phải thanh toán
cho bên nhận chuyển nhượng khoản tiền đã nhận theo giá đất thực tế trên thị trường
tại thời điểm xét xử sơ thẩm.
b) Trường hợp nội dung của hợp đồng phù hợp với
quy định của pháp luật nhưng hình thức của hợp đồng không phù hợp với quy định
của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng.
b.1) Nếu các bên chưa thực hiện nghĩa vụ theo hợp
đồng thì Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và hủy hợp đồng.
b.2) Nếu bên nhận chuyển nhượng đã trả đủ tiền
chuyển nhượng đất; bên chuyển nhượng đã giao toàn bộ diện tích đất, thì Toà án
công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất đó. Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng
mới trả một phần tiền chuyển nhượng đất, bên chuyển nhượng mới giao một phần diện
tích đất, thì có thể công nhận phần hợp đồng đó căn cứ vào diện tích đất đã nhận.
Nếu công nhận phần hợp đồng trong trường hợp bên chuyển nhượng giao diện tích đất
có giá trị lớn hơn số tiền mà họ đã nhận, thì Toà án buộc bên nhận chuyển nhượng
thanh toán cho bên chuyển nhượng phần chênh lệch giữa số tiền mà bên nhận chuyển
nhượng đã trả so với diện tích đất thực tế mà họ đã nhận tại thời điểm giao kết
hợp đồng theo giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá thị trường tại thời điểm
xét xử sơ thẩm. Đồng thời buộc các bên phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất
đối với diện tích đất mà bên nhận chuyển nhượng đã nhận. Trong trường hợp bên nhận
chuyển nhượng đã giao số tiền lớn hơn giá trị diện tích đất đã nhận mà Toà án
chỉ công nhận phần hợp đồng tương ứng với diện tích đất mà họ đã nhận thì bên
chuyển nhượng phải thanh toán khoản tiền đã nhận vượt quá giá trị diện tích đất
đã giao tính theo giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại thời điểm
xét xử sơ thẩm.
c) Đối với trường hợp được hướng dẫn tại điểm a
và điểm b tiểu mục 2.1 mục 2 này mà bên chuyển nhượng đã nhận tiền của bên nhận
chuyển nhượng nhưng chưa giao đất cho họ mà đất đó đã bị Nhà nước thu hồi để sử
dụng vào mục đích công cộng và có đền bù cho bên chuyển nhượng đất thì Toà án
tuyên bố hợp đồng vô hiệu và hủy hợp đồng. Việc giải quyết hậu quả của hợp đồng
vô hiệu được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 2.3 mục 2 này.
d) Nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
có điều kiện mà điều kiện đó đã xảy ra hoặc đã được thực hiện, thì hợp đồng đó
được giải quyết theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b tiểu mục 2.1 mục 2 này.
đ) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà
toàn bộ hoặc một phần nội dung của hợp đồng vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức
xã hội thì bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần và việc giải quyết hậu quả pháp lý
của hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 137,
Điều 146 của Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 2.3 mục 2 này.
2.2. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển
nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ ngày 01/7/1980 (ngày Chính phủ ban
hành Quyết định số 201/CP) đến trước ngày 15/10/1993 (ngày Luật Đất đai năm
1993 có hiệu lực)
Pháp luật thời kỳ này nghiêm cấm việc mua, bán
phát canh thu tô chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức; do đó, khi có tranh
chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Toà án giải quyết như sau:
a) Về nguyên tắc chung hợp đồng chuyển nhượng
quyền sử dụng đất đai được xác lập trong thời điểm từ ngày 01/7/1980 đến trước
ngày 15/10/1993 là hợp đồng trái pháp luật; do đó, nếu có tranh chấp mà hợp đồng
chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa được thực hiện thì Toà án hủy hợp đồng vì
hợp đồng bị vô hiệu. Việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu được thực hiện
theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 này.
b) Nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
đã được thực hiện thì Toà án công nhận hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
b.1) Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã
được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
theo quy định của pháp luật về đất đai;
b.2) Trường hợp đất chưa được cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, nhưng bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn tất
thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân có thẩm
quyền, Ủy ban nhân dân đã cho phép việc chuyển nhượng;
b.3) Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã
xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh
không vi phạm quy định về quy hoạch và bên chuyển nhượng cũng không phản đối
khi bên nhận chuyển quyền sử dụng đất xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng
cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên đất đó.
2.3. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển
nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ sau ngày 15/10/1993
a) Điều kiện để công nhận hợp đồng chuyển nhượng
quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 131, các
điều từ Điều 705 đến Điều 707 và Điều 711 của Bộ luật dân sự, khoản 2 Điều 3, Điều 30, Điều 31 của Luật Đất đai năm 1993 và khoản 1 Điều 106, điểm b khoản 1 Điều 127, khoản 1 Điều 146 của Luật
Đất đai năm 2003, thì Toà án chỉ công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử
dụng đất khi hợp đồng đó có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a.1) Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng
quyền sử dụng đất có năng lực hành vi dân sự;
a.2) Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng
quyền sử dụng đất hoàn toàn tự nguyện;
a.3) Mục đích và nội dung của hợp đồng chuyển
nhượng quyền sử dụng đất không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
a.4) Đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm
quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất
đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003;
a.5) Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có
đủ điều kiện chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có
đủ điều kiện về nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật;
a.6) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được
lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy
ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
b) Xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng
đất không có đầy đủ các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.3 mục 2
này.
b.1) Đối với hợp đồng được giao kết trước ngày
01/7/2004 vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 tiểu mục 2.3 mục 2 này,
nhưng đã có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại
các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, mà
có phát sinh tranh chấp, nếu từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết,
thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
b.2) Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng
đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4
và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nhưng sau đó đã được Ủy ban nhân dân cấp có
thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ
quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm
2003 mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án
giải quyết, thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
b.3) Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng
đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục
2 này, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã
trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và
cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các
quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì
Toà án công nhận hợp đồng. Nếu bên nhận chuyển nhượng chỉ làm nhà trên một phần
đất, thì Toà án công nhận phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất có
nhà ở và hủy phần hợp đồng đối với diện tích đất còn lại, buộc bên nhận chuyển
nhượng giao trả phần đất đó cho bên chuyển nhượng, trừ trường hợp việc giao trả
không bảo đảm mục đích sử dụng cho cả hai bên giao kết hợp đồng, đồng thời buộc
các bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch.
c) Việc giải quyết hậu quả của hợp đồng chuyển
nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.
c.1) Khi xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử
dụng đất vô hiệu, thì tuỳ từng trường hợp Toà án áp dụng quy định của điều luật
tương ứng từ Điều 136 đến Điều 138, từ Điều 140 đến Điều 145 và
Điều 146 của Bộ luật Dân sự để xác định thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố hợp
đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng chuyển
nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.
c.2) Xác định lỗi, xác định trách nhiệm bồi thường
thiệt hại.
Việc xác định lỗi, xác định trách nhiệm bồi thường
thiệt hại được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b tiểu
mục 2.4 mục 2 Phần I của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội
đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong
việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình"
c.3) Xác định thiệt hại.
- Khi tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng
đất vô hiệu thì Toà án cần xác định thiệt hại gồm:
Khoản tiền mà bên chuyển nhượng phải bỏ ra để
khôi phục lại tình trạng ban đầu của diện tích đất do bên nhận chuyển nhượng đã
làm hủy hoại đất; khoản tiền mà bên nhận chuyển nhượng đã đầu tư để cải tạo làm
tăng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình, tài sản, cây lâu năm...
trên đất. Trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có
thoả thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường
thiệt hại quy định tại Điều 379 Bộ luật dân sự để bảo đảm
thực hiện hợp đồng thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giá trị quyền
sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm
xét xử sơ thẩm hoặc các thiệt hại khác, nếu có.
- Để xác định đúng các thiệt hại nói trên, Toà
án phải tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất và xác định thiệt hại về đất
như sau:
Nếu các đương sự không thoả thuận được về giá trị
quyền sử dụng đất và giá trị thiệt hại, thì Toà án yêu cầu cơ quan chuyên môn định
giá hoặc ra quyết định thành lập hội đồng định giá. Giá trị quyền sử dụng đất
được xác định theo giá thị trường chuyển nhượng tại địa phương nơi đất đang
tranh chấp đối với từng loại đất vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy
định giá trị quyền sử dụng đất cụ thể phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng
đất theo giá thị trường tại địa phương hoặc các trung tâm giao dịch bất động sản
hoạt động hợp pháp có niêm yết giá giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại
địa phương vào thời điểm xét xử sơ thẩm, thì Toà án có thể căn cứ vào giá do Ủy
ban nhân dân quy định hoặc giá niêm yết của các trung tâm giao dịch để xác định
giá trị quyền sử dụng đất, mà không nhất thiết phải thành lập hội đồng định
giá. Trong trường hợp này cần phải có căn cứ xác định giá quyền sử dụng đất do Ủy
ban nhân dân quy định hoặc giá quyền sử dụng đất do trung tâm giao dịch bất động
sản niêm yết là hoàn toàn phù hợp với giá thị trường vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
- Trách nhiệm chịu chi phí cho việc định giá do
các đương sự phải chịu chi phí tương ứng với phần nghĩa vụ của họ. Trường hợp
đương sự có yêu cầu định giá lại, thì người có yêu cầu phải tạm ứng trước chi
phí cho việc định giá lại và Toà án sẽ quyết định ai phải chịu chi phí định giá
tuỳ thuộc vào kết quả xét xử.
2.4. Giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất
trong trường hợp đất đã được đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã mà sau đó tập
đoàn sản xuất, hợp tác xã đã bị giải thể.
Đối với đất đã được cá nhân, tổ chức đưa vào tập
đoàn sản xuất, hợp tác xã để sử dụng chung trong quá trình thực hiện chính sách
hợp tác hoá nông nghiệp mà sau khi tập đoàn sản xuất, hợp tác xã bị giải thể
thì căn cứ vào quy định tại Điều 1 của Luật Đất đai năm 1987,
khoản 2 Điều 2 của Luật Đất đai năm 1993 và khoản
2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 cần phân biệt như sau:
a) Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó không
có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng
và họ đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 hoặc
có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5
Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người
đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo... để được giao quyền sử dụng
đất.
b) Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó có quyền
đòi lại quyền sử dụng đất hoặc giá trị quyền sử dụng đất khi có đầy đủ các điều
kiện sau đây:
- Đất không bị Nhà nước quản lý trong quá trình
thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ
cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam;
- Chủ cũ có một trong các loại giấy tờ quy định
tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003;
- Người đang sử dụng đất không có giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất
đai năm 2003 và cũng không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 vì lý do người
đó sử dụng đất là ở nhờ, mượn, thuê, lấn, chiếm đất hoặc bằng các giao dịch dân
sự khác trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
III. VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
VỀ TÀI SẢN DO NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
1. Tài sản được nhà nước cấp
cho người có công với cách mạng
1.1. Trường hợp người có công với cách mạng được
nhận tài sản trong thời kỳ hôn nhân khi họ còn sống thì tài sản được coi là tài
sản riêng của người đó, trừ trường hợp họ đã nhập vào khối tài sản chung của vợ
chồng. Khi họ chết thì tài sản đó để lại cho các thừa kế của họ.
1.2. Trường hợp sau khi người có công với cách mạng
đã chết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có quyết định cho họ được hưởng tài
sản theo quy định của pháp luật thì tài sản đó là di sản để lại cho các thừa kế
của họ.
2. Tài sản được Nhà nước cấp
cho thân nhân của người có công với cách mạng
Nếu sau khi người có công với cách mạng đã chết,
cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới quyết định cho thân nhân của họ hưởng tài sản
theo quy định của pháp luật và giữa các thân nhân của người đó có tranh chấp về
tài sản và yêu cầu Toà án giải quyết, thì đây là vụ án dân sự yêu cầu chia tài
sản chung. Khi giải quyết cần phân biệt như sau:
a) Nếu trong quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền có ghi cụ thể tên người được hưởng tài sản, thì chỉ người có tên mới
được hưởng tài sản đó.
b) Nếu trong quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền không ghi rõ người được hưởng tài sản gồm những người cụ thể nào mà
chỉ ghi cấp chung cho thân nhân của người có công với cách mạng, thì thân nhân
của người đó được hưởng chung. Việc xác định ai là thân nhân của người có công
với cách mạng trong trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ví dụ: Theo quy định tại Điều
5 của Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ
về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945
cải thiện nhà ở thì thân nhân của người có công với cách mạng là vợ, chồng, các
con của người đó.
Nếu trong văn bản pháp luật Chính phủ không quy
định cụ thể ai là thân nhân của người có công với cách mạng mà chỉ quy định
chung là thân nhân thì thân nhân của người có công với cách mạng gồm có vợ, chồng,
cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng
người có công với cách mạng.
IV. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA NGHỊ
QUYẾT
1. Nghị quyết này được Hội đồng thẩm phán
Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 10 tháng 8 năm 2004 và có hiệu lực thi
hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Những hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao được
ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực về các vấn đề được hướng dẫn
trong Nghị quyết này đều bãi bỏ.
2. Đối với những vụ án dân sự, hôn nhân
và gia đình mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc
xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết.
3. Đối với các bản án, quyết định dân sự,
hôn nhân và gia đình của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết
này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ
tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp việc kháng nghị bản án, quyết định
có những căn cứ khác.
|
TM. HỘI ĐỒNG
THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
CHÁNH ÁN
Nguyễn Văn Hiện
|