BỘ Y TẾ -BỘ QUỐC PHÒNG
******
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******
|
Số: 14/2006/TTLT-BYT-BQP
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2006
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN VIỆC KHÁM SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Thi
hành Luật Nghĩa vụ Quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; đã được sửa đổi, bổ sung
ngày 21 tháng 12 năm 1990; sửa đổi, bổ sung ngày 22 tháng 6 năm 1994; sửa đổi,
bổ sung ngày 14 tháng 6 năm 2005, liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng hướng dẫn khám
sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
Chương
1:
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh:
Thông
tư này hướng dẫn việc khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe,
giám định sức khỏe và quản lý sức khỏe (sau đây gọi chung là khám sức khỏe thực
hiện nghĩa vụ quân sự) cho công dân Việt Nam trong độ tuổi được gọi làm nghĩa
vụ quân sự (NVQS) tại ngũ; quân nhân dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho
lực lượng thường trực của Quân đội (sau đây gọi là quân nhân dự bị) và công dân
dự thi tuyển sinh quân sự.
2. Khám sức khỏe: Thực hiện với các đối tượng là công dân được gọi
làm NVQS và công dân dự thi tuyển sinh quân sự, tiến hành tại y tế quận, huyện,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện).
3. Kiểm tra sức khỏe: Thực hiện với các đối tượng là công dân đủ
17 tuổi thuộc diện đăng ký NVQS; quân nhân dự bị, tiến hành tại trạm y tế xã,
phường, thị trấn thuộc huyện (gọi chung là xã).
4. Khám phúc tra sức khỏe: Thực hiện với các đối tượng là chiến sĩ
mới nhập ngũ trong tháng đầu tiên, tiến hành tại quân y trung đoàn và tương
đương.
5. Giám định sức khỏe: Thực hiện với các trường hợp có khiếu nại,
tố cáo liên quan đến sức khỏe công dân làm NVQS, tiến hành tại Hội đồng giám
định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Sơ tuyển sức khỏe
Sơ
tuyển sức khỏe là sơ bộ đánh giá, phân loại sức khỏe với các công dân được gọi
làm NVQS qua việc theo dõi, quản lý sức khỏe của cơ quan y tế.
7. Hồ sơ sức khoẻ
Là
những tài liệu về tình hình sức khỏe (phiếu sức khỏe NVQS và các tài liệu liên
quan đến sức khỏe) của công dân được gọi làm NVQS tại ngũ, công dân dự thi
tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị.
8.
Khen thưởng và xử lý vi phạm
a)
Khen thưởng: Mọi tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong khám sức khỏe
thực hiện NVQS đều được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng
và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
b)
Xử lý vi phạm: Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này, tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương
2:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤCỦA CƠ QUAN Y TẾ CÁC CẤP TRONG KHÁM SỨC KHỎE
THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Mục
1: TRẠM Y TẾ XÃ
1. Lập hồ sơ sức khỏe cho công dân đủ 17 tuổi thuộc diện đăng ký
NVQS; quân nhân dự bị sau khi đã được kiểm tra sức khỏe. Quản lý, theo dõi tình
hình sức khỏe công dân (thuộc diện quản lý) trong độ tuổi làm NVQS, phát hiện
kịp thời những trường hợp mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh thuộc danh mục
được tạm miễn làm NVQS.
2. Phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã tổ chức sơ tuyển sức
khỏe cho công dân được gọi làm NVQS, lập danh sách công dân đủ tiêu chuẩn sức
khỏe làm NVQS sau khi sơ tuyển.
3. Xác nhận và chịu trách nhiệm về tiền sử bệnh tật của công dân
được gọi làm NVQS. Khi đưa công dân đi khám sức khỏe, mang theo hồ sơ sức khỏe
và phiếu sức khỏe NVQS bàn giao cho Hội đồng khám sức khỏe NVQS.
4. Phối hợp với Ban CHQS xã lập danh sách những công dân mắc các
bệnh trong danh mục tạm miễn làm NVQS, thông qua Hội đồng NVQS xã và báo cáo y
tế huyện.
5. Xác nhận vào hồ sơ sức khỏe về tiền sử bệnh tật bản thân và gia
đình của các công dân dự thi tuyển sinh quân sự.
6. Thực hiện sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác quản lý
sức khỏe cho công dân được gọi làm NVQS và quân nhân dự bị sau mỗi đợt tuyển
chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Mục
2: PHÒNG Y TẾ HUYỆN
1. Ra quyết định (hoặc uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân xã) thành lập
tổ kiểm tra sức khỏe NVQS.
2. Tiếp nhận, hoàn chỉnh phiếu sức khỏe NVQS của các công dân được
gọi làm NVQS do Hội đồng NVQS xã chuyển lên.
3. Chủ trì, phối hợp với Ban CHQS huyện lập kế hoạch liên ngành
khám sức khỏe NVQS và chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền tham gia công tác khám
sức khỏe cho công dân được gọi làm NVQS.
4. Tổ chức Hội đồng khám sức khỏe NVQS, triển khai các tổ kiểm tra
sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng NVQS huyện; đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện
xét duyệt và ra quyết định thành lập Hội đồng khám sức khỏe NVQS, báo cáo Sở Y
tế tỉnh.
5. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán
bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám sức khỏe và kiểm tra sức khỏe NVQS.
6. Tổ chức và chỉ đạo công tác kiểm tra sức khỏe cho quân nhân dự
bị theo quy định 2 năm/một lần.
7. Kiến nghị với Sở Y tế tỉnh tăng cường các bác sĩ chuyên khoa
cho Hội đồng khám sức khỏe NVQS của huyện khi có nhu cầu.
8. Hiệp đồng với các cơ quan liên quan của huyện (quân sự, công
an, văn xã, thông tin) để bảo đảm tốt cho việc khám sức khỏe NVQS.
9. Tham gia họp Hội đồng NVQS huyện xét duyệt danh sách công dân
không đủ sức khỏe thuộc diện tạm miễn làm NVQS.
10. Phối hợp với Ban CHQS huyện bàn giao hồ sơ sức khỏe của công
dân được gọi nhập ngũ cho các đơn vị nhận quân bảo đảm chu đáo, kịp thời.
11. Lập dự trù và tổng hợp thanh toán kinh phí phục vụ cho công
tác khám sức khỏe thực hiện NVQS.
12. Phối hợp với Ban CHQS huyện tổ chức, triển khai công tác khám
sức khỏe cho công dân dự thi tuyển sinh quân sự.
13. Chủ trì và phối hợp với Ban CHQS huyện tổ chức giải quyết các
khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến việc khám sức khỏe NVQS và tuyển
sinh quân sự.
14. Báo cáo Sở Y tế tỉnh về kết quả công tác khám sức khỏe NVQS
theo quy định (mẫu số 2a; mẫu số 4; mẫu số 5 phụ lục 4 Thông tư này).
15. Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác khám sức
khỏe cho công dân làm NVQS sau mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Mục 3: SỞ Y TẾ TỈNH
1.
Nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền thực hiện nghiêm
các văn bản pháp quy của Nhà nước,Chính phủ và các quy định hiện hành của Uỷ
ban nhân dân tỉnh, hướng dẫn của Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng về công tác y tế trong
thực hiện Luật NVQS.
2. Cùng với Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Hội đồng NVQS tỉnh lập kế
hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn và giúp đỡ y tế huyện tổ chức, triển khai công tác
khám sức khỏe thực hiện NVQS và tuyển sinh quân sự.
3. Cử các bác sĩ chuyên khoa tăng cường cho Hội đồng khám sức khỏe
NVQS của các huyện theo yêu cầu.
4. Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng hoặc Trung tâm phòng chống
HIV/AIDS cấp tỉnh triển khai việc xét nghiệm sàng lọc HIV, ma tuý và các xét
nghiệm cần thiết khác cho công dân thuộc diện được gọi làm NVQS theo đúng quy
định của pháp luật.
5. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc khám sức khỏe NVQS tại các địa
phương trong tỉnh.
6. Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức, hiệp đồng về y tế với các
đơn vị nhận quân về việc giao, nhận quân.
7. Xem xét và giải quyết những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo về
công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS và tuyển sinh quân sự.
8. Báo cáo Bộ Y tế về kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện
NVQS theo quy định (mẫu số 2b, phụ lục 4 Thông tư này).
9. Thực hiện sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác khám
sức khỏe thực hiện NVQS sau mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Chương
3:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN QUÂN SỰ CÁC CẤP TRONG KHÁM SỨC
KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Mục
1: BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ XÃ
1. Chủ trì, phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức sơ tuyển, phân loại
sơ bộ sức khỏe; lập danh sách những công dân thuộc diện được gọi làm NVQS, công
dân thuộc diện tạm miễn làm NVQS để thông qua Hội đồng NVQS xã và báo cáo lên
trên theo quy định. Hoàn chỉnh phần thủ tục hành chính phiếu sức khoẻ NVQS.
2. Kiểm tra, đôn đốc công dân thuộc diện được gọi làm NVQS đi khám
sức khỏe, kiểm tra sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng NVQS huyện.
3. Thông báo kết quả khám sức khỏe theo kết luận của Hội đồng khám
sức khỏe NVQS huyện. Thu thập những ý kiến thắc mắc về khám sức khỏe và kết
luận sức khỏe để báo cáo lên Ban CHQS huyện và Hội đồng NVQS huyện.
Mục
2: BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ HUYỆN
1. Phối hợp với Phòng Y tế huyện lập kế hoạch khám sức khỏe cho
công dân thuộc diện được gọi làm NVQS, công dân dự thi tuyển sinh quân sự; kế
hoạch kiểm tra sức khỏe đối với công dân đủ 17 tuổi đăng ký NVQS lần đầu và
quân nhân dự bị theo kế hoạch của Hội đồng NVQS huyện.
2. Triệu tập các công dân thuộc diện được gọi làm NVQS và dự thi
tuyển sinh quân sự đi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe theo kế hoạch của
huyện.
3. Cử cán bộ tham gia Hội đồng khám sức khỏe NVQS huyện hoặc tổ
kiểm tra sức khỏe để theo dõi số lượng, chất lượng sức khỏe của công dân các
địa phương đến khám. Phối hợp với công an huyện bảo đảm an toàn khu vực khám
sức khỏe.
4. Quản lý phiếu sức khỏe NVQS do Hội đồng khám sức khỏe NVQS
huyện bàn giao. Thời hạn lưu trữ cho đến khi công dân hết tuổi dự bị 2 hoặc
theo thời hiệu Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành.
5. Chủ trì, phối hợp với Phòng Y tế huyện và các cơ quan chức năng
khác tổ chức bàn giao công dân được gọi nhập ngũ cho các đơn vị nhận quân; tiếp
nhận những trường hợp trả về địa phương do không đủ sức khỏe làm NVQS theo
thông báo và hiệp đồng của đơn vị nhận quân.
6. Phối hợp với Phòng Y tế huyện và các đơn vị, cơ quan chức năng
của huyện giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc khám sức khỏe
thực hiện NVQS và tuyển sinh quân sự.
7. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác tuyển quân về Bộ CHQS tỉnh
sau mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (mẫu số 6, phụ lục 4 Thông tư
này).
Mục
3: BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH
1. Chỉ đạo việc triển khai công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS
theo kế hoạch của Hội đồng NVQS tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Y tế tỉnh tổ chức, triển khai đôn đốc cơ quan
quân sự và Phòng Y tế huyện thực hiện việc kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe và
các nội dung khác của việc khám sức khỏe thực hiện NVQS.
3. Tổ chức hiệp đồng với từng đơn vị nhận quân về tiêu chuẩn sức
khỏe, số lượng, thời gian, địa điểm và phương thức giao nhận quân.
4. Chỉ đạo việc khám sức khỏe cho công dân dự thi tuyển sinh.
5. Phối hợp với Sở Y tế tỉnh xem xét giải quyết những vướng mắc,
khiếu nại, tố cáo về công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS và tuyển sinh quân
sự.
6. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác tuyển chọn và gọi công dân
nhập ngũ, tuyển sinh quân sựlên quân khu theo quy định.
Chương
4:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA QUÂN Y CÁC CẤP TRONG KHÁM SỨC KHỎE THỰC
HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Mục
1: QUÂN Y BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ HUYỆN
1. Chủ động nắm kế hoạch khám sức khỏe thực hiện NVQS, tuyển sinh
quân sự hàng năm của địa phương mình, phối hợp với cơ quan y tế huyện theo dõi
công tác khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe công dân làm NVQS và tham gia Hội
đồng khám sức khỏe NVQS huyện.
2. Phối hợp với quân lực Ban CHQS huyện nắm vững hồ sơ sức khỏe
các công dân làm NVQS của từng địa phương đã được Hội đồng khám sức khỏe NVQS
kết luận để cung cấp cho Hội đồng NVQS huyện phát lệnh gọi nhập ngũ.
3. Giúp và phối hợp với quân y các đơn vị đến nhận quân thâm nhập
phát hiện những trường hợp có nghi vấn về sức khỏe, cần kiểm tra để xác minh
trước khi bàn giao cho các đơn vị.
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng nắm tình hình khám sức khỏe
tuyển sinh quân sự.
5. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS
về Ban Quân y tỉnh sau mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Mục
2: QUÂN Y BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH
1. Chủ nhiệm quân y Bộ CHQS tỉnh có trách nhiệm làm tham mưu cho
Bộ CHQS tỉnh về các nội dung công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS.
2. Với chức năng là Phó trưởng ban quân - dân y tỉnh, Chủ nhiệm
quân y Bộ CHQS tỉnh làm tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế tỉnh trong công tác chỉ
đạo, tổ chức phối hợp giữa các cơ quan y tế, quân sự và quân y đơn vị đến nhận
quân thực hiện công tác quản lý sức khỏe, khám sức khỏe công dân làm NVQS và
công tác giao, nhận quân.
3. Phối hợp với Sở Y tế tỉnh xem xét và giải quyết những vướng
mắc, khiếu nại, tố cáo về công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS và tuyển sinh
quân sự.
4. Báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS về Phòng
Quân y quân khu theo quy định.
Mục
3: QUÂN Y QUÂN KHU
1. Chủ nhiệm quân y Quân khu có trách nhiệm làm tham mưu cho Đảng
uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu trong công tác chỉ đạo khám sức khỏe thực hiện NVQS
theo kế hoạch hàng năm của Bộ Quốc phòng và chỉ đạo công tác quản lý sức khỏe
quân nhân dự bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu động viên khi có lệnh.
2. Chỉ đạo Ban quân y các tỉnh trong công tác khám sức khỏe, kiểm
tra sức khỏe và giám định sức khỏe thực hiện NVQS.
3. Với chức năng là Phó trưởng ban quân - dân y quân khu phối hợp
với các Sở Y tế chỉ đạo công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS.
4. Đối với các khu vực khó khăn về lực lượng y tế, Chủ nhiệm quân
y Quân khu có thể điều động cán bộ nhân viên quân y của Quân khu tham gia Hội
đồng khám sức khoẻ NVQS theo đề nghị của Sở Y tế, Ban quân - dân y các tỉnh.
5. Báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS về Cục
Quân y sau mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Mục
4: CỤC QUÂN Y
1. Căn cứ vào số lượng công dân gọi nhập ngũ trong
năm do Chính phủ quyết định, Cục Quân y phối hợp với các cơ quan chức năng
thuộc Bộ Quốc phòng tham mưu cho Bộ Quốc phòng về việc quy định tiêu chuẩn sức
khỏe công dân nhập ngũ cho từng khu vực, các quân chủng, binh chủng và hướng
dẫn, chỉ đạo quân y các đơn vị triển khai thực hiện.
2. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu xây dựng quân đội, Cục Quân y phối
hợp với các cơ quan chức năng làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng ban hành tiêu
chuẩn sức khỏe trong tuyển sinh quân sự và hướng dẫn, chỉ đạo quân y các đơn vị
thực hiện.
3. Chỉ đạo quân y các đơn vị nhận quân triển khai kế hoạch thâm
nhập nắm tình hình sức khỏe của công dân được gọi nhập ngũ nơi nhận quân, tổ
chức khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới theo kế hoạch đã được phê duyệt.
4. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS
và giao, nhận quân ở các địa bàn trọng điểm.
5. Báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện NVQS, tuyển
sinh quân sựlên trên theo quy định.
Chương
5:
TỔ CHỨC KIỂM TRA SỨC KHỎE, KHÁM SỨC KHỎE, KHÁM PHÚC TRA SỨC KHỎE,
GIÁM ĐỊNH SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Mục
1: TỔ CHỨC KIỂM TRA SỨC KHỎE
1. Tổ kiểm tra sức khỏe NVQS
a)
Tổ kiểm tra sức khỏe NVQS do Phòng Y tế huyện (hoặc uỷ quyền cho Uỷ ban nhân
dân xã) thành lập trên cơ sở lực lượng y tế xã, khi cần thiết có thể được tăng
cường thêm lực lượng của y tế huyện. Tổ kiểm tra sức khỏe gồm ít nhất 3 người:
01 bác sĩ (hoặc y sĩ) làm tổ trưởng và 02 nhân viên y tế khác.
b)
Chức năng, nhiệm vụ: Kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ sức khỏe cho các công dân
đăng ký làm NVQS lần đầu; kiểm tra sức khỏe cho quân nhân dự bị 2 năm/một lần.
2. Nội dung kiểm tra sức khỏe (mẫu số 2 phụ lục 2 Thông tư này)
a)
Kiểm tra về thể lực.
b)
Phát hiện những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tiền sử bệnh tật bản thân và gia
đình.
c)
Phân loại sơ bộ tình hình sức khỏe.
Mục
2: TỔ CHỨC KHÁM SỨC KHỎE
1. Hội đồng khám sức khỏe NVQS
a)
Hội đồng khám sức khỏe NVQS do Phòng Y tế huyện đề nghị, Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân huyện ra quyết định thành lập. Hội đồng là tổ chức hoạt động kiêm nhiệm.
Tùy theo địa bàn, số lượng cán bộ y tế được biên chế, số công dân cần khám mà
mỗi huyện tổ chức một hoặc hai Hội đồng khám sức khỏe NVQS.
b)
Thành phần Hội đồng khám sức khỏe NVQS
-
Hội đồng khám sức khoẻ NVQS có từ 3-5 bác sĩ; trong đó có 1 chủ tịch, 1 phó chủ
tịch và 1 uỷ viên thường trực kiêm thư ký hội đồng. Hội đồng phải có tối thiểu
01 bác sĩ nội khoa và 01 bác sĩ ngoại khoa.
-
Hội đồng khám sức khỏe được trưng dụng một số cán bộ, nhân viên y tế khác để
triển khai việc khám sức khỏe NVQS. Số lượng cán bộ, nhân viên y tế tham gia
khám sức khỏe căn cứ vào nhu cầu thực tế để quyết định, nhưng phải triển khai
được đủ và chất lượng các phòng khám theo các nội dung quy định tại khoản 3, khoản
4 Mục 2 Chương V Thông tư này.
c)
Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng khám sức khỏe NVQS
Hội
đồng khám sức khỏe NVQS chịu trách nhiệm trước Hội đồng NVQS huyện về việc
triển khai khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, phân loại và kết luận sức khỏe cho
từng công dân được gọi làm NVQS.
d)
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng khám sức khỏe NVQS
-
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số nhằm bảo đảm
khách quan trong đánh giá chất lượng khám, phân loại sức khỏe và kết luận sức
khỏe cho các công dân được gọi làm NVQS.
-
Trường hợp trong Hội đồng không thống nhất về phân loại và kết luận sức khỏe
thì Chủ tịch Hội đồng ghi vào phiếu sức khỏe kết luận của đa số. Những ý kiến
không thống nhất phải được ghi đầy đủ vào biên bản, gửi lên Hội đồng NVQS
huyện. Biên bản phải có chữ ký của từng uỷ viên trong Hội đồng khám sức khỏe.
2. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên
trong Hội đồng khám sức khỏe NVQS
a)
Chủ tịch Hội đồng:
-
Điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Hội đồng;
-
Lập kế hoạch, tổ chức triển khai công tác khám sức khỏe NVQS, chịu trách nhiệm
về chất lượng khám sức khỏe trước Hội đồng NVQS huyện;
-
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong đoàn khám
sức khỏe về tiêu chuẩn sức khỏe, chức trách, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc
trước mỗi đợt khám sức khỏe NVQS;
-
Triệu tập và chủ trì họp Hội đồng để kết luận trong những trường hợp có ý kiến
không thống nhất về kết luận sức khỏe của công dân được gọi làm NVQS;
-
Tổ chức hội chẩn và ký giấy giới thiệu cho công dân khám sức khỏe NVQS đi kiểm
tra ở các cơ sở y tế khi cần thiết;
-
Tổ chức rút kinh nghiệm công tác khám sức khỏe NVQS và làm báo cáo với Phòng Y
tế huyện sau mỗi đợt khám.
b)
Phó chủ tịch Hội đồng:
Là
người thay thế Chủ tịch khi vắng mặt và giúp Chủ tịch làm một số việc như sau:
-
Lập dự trù, tổng hợp và quyết toán kinh phí, thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ cho
công tác khám sức khỏe NVQS với Phòng Y tế huyện;
-
Trực tiếp khám sức khỏe, tham gia hội chẩn khi cần thiết;
-
Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe NVQS theo quy định.
c)
Uỷ viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng:
-
Chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất, hồ sơ sức khỏe và các tài liệu cần thiết
khác để Hội đồng khám sức khỏe NVQS làm việc;
-
Tổ chức đăng ký, thống kê và làm báo cáo lên Phòng Y tế và Hội đồng NVQS huyện
theo quy định (mẫu số 1; mẫu số 7 phụ lục 4 Thông tư này).
d)
Các uỷ viên Hội đồng:
-
Trực tiếp khám sức khỏe và tham gia hội chẩn khi cần thiết;
-
Chịu trách nhiệm về chất lượng khám và kết luận sức khỏe trong phạm vi được phân
công;
-
Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe NVQS theo quy định.
3. Nội dung khám sức khoẻ
a)
Khám về thể lực.
b)
Khám toàn diện các chuyên khoa, lâm sàng và cận lâm sàng theo các chỉ tiêu quy
định tại Phần II, mẫu số 1 phụ lục 2 (Phiếu sức khoẻ NVQS) Thông tư này.
c)
Phân loại sức khoẻ theo quy định tại Mục 2, Chương VI Thông tư này.
d) Xét nghiệm sàng lọc HIV, ma tuý và các xét nghiệm khác
theo quy định của Pháp luật.
4. Tổ chức các phòng khám sức khỏe
a)
Bố trí các phòng khám phải theo nguyên tắc một chiều, khép kín, thuận lợi cho
người khám và đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để khám đối với từng chuyên khoa.
b)
Số lượng các phòng khám căn cứ vào số lượng nhân viên y tế của Hội đồng khám
sức khỏe và tình hình thực tế để bố trí, cần có:
-
Phòng khám thể lực;
-
Phòng khám thị lực, thính lực;
-
Phòng khám chuyên khoa (Tai - mũi - họng; Mắt; Răng - hàm - mặt);
-
Phòng khám nội và tâm thần kinh;
-
Phòng khám ngoại khoa, da liễu;
-
Phòng xét nghiệm (Đủ điều kiện để xét nghiệm theo các nội dung khám sức khoẻ
quy định tại Điểm d, Khoản 3, Mục 2, Chương V của Thông tư này);
-
Phòng kết luận.
Mục 3: TỔ CHỨC KHÁM PHÚC TRA SỨC KHỎE
1. Hội đồng khám phúc tra sức khỏe
a)
Hội đồng khám phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới được tổ chức từ cấp trung đoàn và
tương đương trở lên do Chủ nhiệm quân y trung đoàn đề nghị, Thủ trưởng đơn vị
ra quyết định thành lập. Hội đồng là tổ chức hoạt động kiêm nhiệm.
b)
Thành phần Hội đồng khám phúc tra sức khỏe gồm các cán bộ, nhân viên quân y của
trung đoàn và tương đương trở lên. Khi cần thiết, Hội đồng được tăng cường thêm
lực lượng chuyên môn của quân y tuyến trên.
c)
Chức năng, nhiệm vụ: Hội đồng khám phúc tra sức khỏe chịu trách nhiệm trước Thủ
trưởng đơn vị về việc triển khai khám, phân loại và kết luận lại sức khỏe cho
toàn bộ chiến sĩ mới theo kế hoạch đã được phê duyệt.
2. Nội dung khám phúc tra sức khỏe, tổ chức
khám phúc tra sức khỏe
Thực hiện như khám sức khỏe NVQS quy định tại khoản 3, khoản
4 Mục 2 Chương V Thông tư này.
Mục 4: TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH SỨC KHỎE NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
1. Giám định sức khỏe NVQS do Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh
thực hiện khi có các khiếu nại, tố cáo đến sức khỏe của công dân trong diện
được gọi làm NVQS do Hội đồng NVQS huyện yêu cầu.
2. Việc giám định sức khỏe căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định
tại Bảng số 1, Bảng số 2, Bảng số 3 phụ lục 1 Thông tư này.
3. Thời gian trả lời yêu cầu của Hội đồng NVQS huyện trong vòng
7-10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định sức khỏe.
4. Quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối
cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân làm NVQS.
Mục 5: TRÁCH NHIỆM CỦA
CÔNG DÂN TRONG VIỆC KIỂM TRA SỨC KHỎE, KHÁM SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Những
công dân đến khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe phải tuân thủ đầy đủ các nguyên
tắc, thủ tục sau:
1.
Phải xuất trình:
a)
Giấy triệu tập đi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe của Ban CHQS huyện;
b)
Giấy chứng minh nhân dân.
2.
Mang theo các giấy tờ liên quan đến sức khỏe cá nhân (nếu có) để giao cho Hội
đồng khám sức khỏe hoặc tổ kiểm tra sức khỏe.
3.
Không được uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích trước khi khám sức khỏe
hoặc kiểm tra sức khỏe.
4. Chấp hành nghiêm túc nội quy khu vực khám sức khỏe,
kiểm tra sức khỏe.
Chương 6:
PHIẾU SỨC KHỎE
NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, PHÂN LOẠI SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Mục
1: PHIẾU SỨC KHỎE NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
1. Phiếu sức khỏe NVQS là tài liệu y khoa tổng hợp
những thông tin cơ bản về sức khỏe của công dân, là cơ sở để tuyển chọn công
dân có đủ sức khỏe thực hiện NVQS và dự thi tuyển sinh quân sự. Phiếu sức khỏe
NVQS được sử dụngthống nhất trên toàn quốc, theo mẫu in trên giấy trắng khổ 19
x 24cm (mẫu số 1phụ lục 2 Thông tư này), phiếu gồm 2 phần:
a)
Phần I- Sơ yếu lý lịch: Do cơ quan quân sự xã ghi.
b)
Phần II- Khám sức khoẻ: Do Hội đồng khám sức khỏe NVQS huyện ghi.
2. Phiếu sức khỏe NVQS do Hội đồng NVQS xã lập và phải hoàn thành
xong phần sơ yếu lý lịch (phần I), sau đó bàn giao cho Hội đồng NVQS huyện.
3. Quản lý phiếu sức khỏe NVQS
a)
Khi chưa nhập ngũ, phiếu sức khỏe NVQS do Ban CHQS huyện quản lý.
b)
Khi công dân nhập ngũ, phiếu sức khỏe NVQS được giao cho đơn vị nhận quân.
c)
Trong quá trình tại ngũ, phiếu sức khỏe NVQS do quân y tiểu đoàn và tương đương
quản lý.
d)
Ra quân, nộp lại Ban CHQS huyện quản lý.
4. Phiếu sức khỏe NVQS chỉ có giá trị khi:
a)
Theo đúng mẫu qui định;
b)
Viết bằng bút mực hoặc bút bi, không được viết bằng bút chì;
c)
Chữ viết rõ ràng, không tẩy xoá, không viết tắt, không viết ngoáy;
d)
Ghi đầy đủ các nội dung trong phiếu sức khỏe NVQS;
đ)
Kết luận của Hội đồng khám sức khỏe NVQS có giá trị trong 06 (sáu) tháng kể từ
ngày khám, nếu không có những diễn biến đặc biệt về sức khỏe.
Mục
2: PHÂN LOẠI SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
1. Căn cứ để phân loại sức khỏe
Phân
loại sức khỏe thực hiện NVQS căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Bảng số
1, Bảng số 2, Bảng số 3 phụ lục 1 Thông tư này.
2. Cách cho điểm
Mỗi
chỉ tiêu, sau khi khám bác sĩ cho điểm chẵn từ 1 - 6 vào cột “điểm”
a)
Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt.
b)
Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt.
c)
Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá.
d)
Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình.
đ)
Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém.
e)
Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.
3. Cách ghi phiếu sức khỏe NVQS
a)
Mỗi chuyên khoa, sau khi khám xét, bác sĩ sẽ cho điểm vào cột "điểm";
ở cột "lý do" phải ghi tóm tắt vì lý do gì mà cho số điểm đó; ở cột
"ký" bác sĩ nào khám thì phải ký và ghi rõ họ tên.
b)
Phần kết luận, Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe và các uỷ viên của Hội đồng căn
cứ vào điểm đã cho ở từng chỉ tiêu để kết luận, phân loại sức khỏe theo đúng
quy định (đã hướng dẫn ở trên) ghi bằng số và chữ ở trong ngoặc đơn.
c)
Chủ tịch, Phó chủ tịch và Uỷ viên thường trực Hội đồng có trách nhiệm ký vào
phiếu sức khỏe NVQS sau khi đã được Hội đồng khám sức khỏe kết luận.
d)
Chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe phải được đóng dấu của cơ quan y tế
huyện.
4. Cách phân loại sức khỏe
Cách
phân loại sức khỏe được dựa vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức
khỏe NVQS
a)
Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1, có thể phục vụ ở hầu hết các quân, binh
chủng.
b)
Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2, có thể phục vụ trong trong phần lớn
các quân, binh chủng.
c)
Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3, có thể phục vụ ở một số quân, binh
chủng.
d)
Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4, có thể phục vụ hạn chế ở một số quân,
binh chủng.
đ)
Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5, có thể làm một số công việc hành chính
sự vụ khi có lệnh tổng động viên.
e)
Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6, là loại sức khỏe tạm miễn làm NVQS.
5. Một số điểm cần chú ý
a)
Khi đang mắc bệnh cấp tính, bệnh có thể thuyên giảm hay tăng lên sau một thời
gian hoặc sau điều trị, thì điểm đó phải kèm theo chữ “T” bên cạnh (nghĩa là
“tạm thời”). Người khám phải ghi tóm tắt bằng tiếng Việt tên bệnh bên cạnh (có
thể ghi bằng danh từ quốc tế giữa hai ngoặc đơn). Khi kết luận, nếu chữ “T” ở điểm
lớn nhất thì cũng phải viết chữ “T” vào phân loại sức khỏe.
b)
Trường hợp nghi ngờ chưa thể cho điểm ngay được, Hội đồng khám sức khỏe
có thể gửi công dân tới khám tại một bệnh viện để xác định.
c)
Nếu vẫn chưa kết luận được thì gửi công dân đó đến bệnh viện có chuyên khoa
sâu gần nhất để khám với tính chất là ngoại chẩn và giám định sức khỏe.Thời
gian tối đa từ 7-10 ngày phải có kết luận và chỉ thực hiện trong trường hợp
thật cần thiết.
6. Xét lại những trường hợp phiếu sức khỏe có ghi chữ "T”
a)
Các phiếu sức khỏe NVQS có ghi chữ "T" thì ngay sau khi khám sức
khỏe, Trạm y tế xã cần phải tiến hành một đợt điều trị hoặc gửi công dân đó tới
bệnh viện điều trị (nếu cần thiết).
b)
Sau một tháng, Hội đồng khám sức khỏe NVQS phải tiến hành kiểm tra và kết luận
lại:
-
Nếu bệnh khỏi thì bỏ chữ "T" và chuyển loại sức khỏe;
-
Nếu không khỏi hoặc có chiều hướng tiến triển xấu, cần phải xét lại và có kết
luận đủ hoặc không đủ sức khỏe gọi nhập ngũ.
c)
Không để công dân có tình trạng sức khỏe mà trong phiếu sức khỏe NVQS có ghi
chữ "T" bàn giao cho Quân đội.
Chương
7:
GIAO, NHẬN PHIẾU SỨC KHỎE NGHĨA VỤ QUÂN SỰ CỦA CÔNG DÂN NHẬP NGŨ,
QUẢN LÝ SỨC KHỎE QUÂN NHÂN DỰ BỊ
Mục
1: GIAO, NHẬN PHIẾU SỨC KHỎE NGHĨA VỤ QUÂN SỰ CỦA CÔNG DÂN NHẬP NGŨ
1. Trước khi Hội đồng NVQS huyện phát lệnh gọi công dân nhập ngũ,
cơ quan y tế huyện phải hoàn thành việc lập danh sách những công dân đủ sức
khỏe theo quy định, hoàn chỉnh phiếu sức khỏe NVQS và bàn giao cho Ban CHQS
huyện. Cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm về kết luận sức khỏe của công
dân khi giao cho các đơn vị quân đội.
2. Ban CHQS huyện bàn giao phiếu sức khỏe NVQS của các công dân
được gọi nhập ngũ cho quân y đơn vị nhận quân từ cấp trung đoàn và tương đương
trở lên. Công tác này phải tiến hành nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn sức khỏe đã
quy định.
3. Quân y đơn vị nhận quân phải có mặt tại địa phương nhận quân
trước ngày giao quân ít nhất là 20 ngày để nhận và xem xét các phiếu sức khỏe
NVQS (số lượng hồ sơ sức khỏe của công dân đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhận của y tế
địa phương để xem xét nghiên cứu trước không quá 120% chỉ tiêu sẽ nhận). Phối
hợp cùng Ban CHQS huyện thâm nhập, phát hiện các trường hợp có nghi vấn về sức
khỏe, chú ý khai thác tiền sử các bệnh lý mạn tính. Nếu phát hiện có nghi vấn
về sức khỏe, phải thông báo ngay cho Hội đồng NVQS huyện để kiểm tra và kết
luận lại. Khi không thống nhất được về kết luận phân loại sức khỏe của côngdân
làm NVQS giữa đơn vị nhận quân và Hội đồng NVQS huyện, phải báo cáo lên Hội
đồng NVQS tỉnh để tổ chức giám định sức khỏe. Trong thời điểm giao, nhận quân,
quân y đơn vị nhận quân có thể tổ chức kiểm tra lại một số trường hợp nghi ngờ,
nếu thấy cần thiết, không khám tràn lan.
4. Trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quân, đơn vị nhận quân
phải tổ chức khám phúc tra sức khỏe cho chiến sĩ mới để phân loại, kết luận lại
sức khỏe, phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe trả về địa phương và có
trách nhiệm thông báo cho Ban CHQS huyện biết:
a)
Số công dân đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định;
b)
Số công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định cần trả về địa phương
(do sai sót trong quá trình khám chưa tìm ra bệnh hoặc bệnh mới phát sinh trong
quá trình huấn luyện chiến sĩ mới).
5. Quy định về việc trả lại những công dân không đủ tiêu chuẩn sức
khỏe về địa phương
a)
Những công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe trả về địa phương khi kết quả khám
phúc tra sức khỏe được Chủ nhiệm quân y cấp trung đoàn và tương đương trở lên
xác định và cấp trên trực tiếp phê duyệt.
b)
Bàn giao công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe trả về địa phương
-
Phải có đủ hồ sơ về sức khỏe gồm: Phiếu sức khoẻ NVQS của Hội đồng khám sức
khỏe NVQS địa phương; kết quả khám phúc tra sức khỏe của Hội đồng khám phúc tra
sức khỏe đơn vị.
-
Đơn vị nhận quân phải đưa công dân không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ về bàn
giao tại cơ quan quân sự huyện, nơi đơn vị nhận quân.
c)
Thời hạn trả về địa phương trong vòng 01 (một) tháng kể từ ngày giao nhận quân.
d)
Y tế địa phương có thể tổ chức kiểm tra lại nếu thấy cần thiết (thời hạn từ
7-10 ngày, kể từ khi công dân được bàn giao trả lại địa phương). Khi không
thống nhất với kết luận của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe của đơn vị, Hội
đồng NVQS huyện có thể chuyển hồ sơ của công dân đó lên Hội đồng NVQS tỉnh để
tổ chức giám định sức khỏe.
Mục
2: QUẢN LÝ SỨC KHỎE QUÂN NHÂN DỰ BỊ
1. Mọi quân nhân trước khi trở về địa phương (xuất ngũ, phục viên,
chuyển ngành), quân y đơn vị có trách nhiệm tổ chức khám, phân loại sức khỏe,
ghi vào phiếu sức khỏe quân nhân. Khi về địa phương, quân nhân còn trong độ
tuổi dự bị phải nộp hồ sơ sức khỏe của mình cho cơ quan quân sự huyện để quản
lý.
2. Quân nhân dự bị hai năm được kiểm tra sức khỏe một lần. Những
quân nhân dự bị còn đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn thì vẫn bố trí ở các đơn vị đã
biên chế. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khỏe thì Phòng Y tế huyện thông
báo với đơn vị quản lý để đưa ra khỏi danh sách biên chế.
3. Trong các đợt huấn luyện và tập trung kiểm tra sẵn sàng chiến
đấu quân dự bị, quân y đơn vị động viên có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ về mặt
sức khỏe của quân nhân dự bị.
4. Khi có lệnh động viên, cơ quan quân sự huyện có trách nhiệm
giao toàn bộ hồ sơ sức khỏe của quân nhân dự bị cho đơn vị tiếp nhận quân nhân
dự bị quản lý.
Chương
8:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Quốc phòng
a)
Căn cứ vào số lượng công dân nhập ngũ trong năm của Chính phủ và yêu cầu xây
dựng Quân đội ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe công dân gọi nhập
ngũ thực hiện cho từng khu vực, từng quân chủng, binh chủng.
b)
Cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan y tế địa phương
trong việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện khám sức khỏe, kiểm tra sức
khỏe công dân được gọi làm NVQS, công dân dự thi tuyển sinh quân sự theo đúng
quy định.
c)
Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các
đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện kế hoạch khám sức khỏe, kiểm tra
sức khỏe thực hiện NVQS và tuyển sinh quân sự hàng năm.
d)
Các đơn vị nhận quân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quân sự các cấp và cơ
quan y tế địa phương thực hiện việc giao, nhận phiếu sức khỏe NVQS đối với công
dân được gọi nhập ngũ theo đúng quy định.
2. Bộ Y tế
a)
Chỉ đạo cơ quan y tế các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định,
hướng dẫn hàng năm của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về công tác khám sức
khỏe thực hiện NVQS.
b)Cơ
quan y tế các cấp có trách nhiệm:
-
Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương trong việc lập kế hoạch khám sức khỏe
thực hiện NVQS và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định;
-
Phối hợp với quân y đơn vị nhận quân trong việc giao, nhận hồ sơ sức khỏe đối
với công dân được gọi nhập ngũ theo đúng quy định.
3. Chế độ báo cáo, thống kê
Sau
mỗi đợt khám sức khỏe thực hiện NVQS, cơ quan y tế tổng hợp kết quả báo cáo lên
cấp trên cho đến Bộ Y tế; cơ quan quân y các cấp báo cáo theo ngành dọc về Cục
Quân y; các đơn vị quân đội báo cáo theo quy định của Bộ Quốc phòng.
4. Kinh phí
Kinh
phí bảo đảm cho việc khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, giám định sức khỏe, xét
nghiệm sàng lọc HIV, ma tuý và các xét nghiệm khác theo quy định của pháp luật
để thực hiện NVQS và tuyển sinh quân sự sử dụng từ ngân sách địa phương theo
quy định hiện hành.
Chương
9:
HIỆU LỰC THI HÀNH
Thông
tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế
các Thông tưliên Bộ Y tế - Quốc phòng số 13/TTLB ngày 13 tháng 10 năm 1992 quy
định việc khám sức khoẻ, kiểm tra sức khoẻ, tiêu chuẩn sức khoẻ và giám định
sức khoẻ để thực hiện Luật NVQS; Thông tư liên Bộ Y tế - Quốc phòng số 14/TTLB
ngày 04 tháng 12 năm 1993; Thông tư liên Bộ Y tế - Quốc phòng số 12/TTLB ngày
20 tháng 10 năm 1997 sửa đổi bổ sung Thông tư liên Bộ số 13.
Trong
quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về liên Bộ để
xem xét giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG
Nguyễn Văn Rinh
|
KT. BỘ TRƯỞNGBỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
Trần Chí Liêm
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|