Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 37-NL/LN lập quy hoạch vùng kinh tế lâm nghiệp

Số hiệu: 37-NL/LN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông lâm Người ký: Nguyễn Tạo
Ngày ban hành: 13/10/1959 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37-NL/LN

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC LẬP QUY HOẠCH CÁC VÙNG KINH TẾ LÂM NGHIỆP

Trong công tác lâm nghiệp từ ngày hòa bình lập lại đến nay chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng chưa kịp với yêu cầu chung của công cuộc phát triển kinh tế, đưa miền Bắc tiến lên Xã hội chủ nghĩa. Nhiều hiện tượng bất hợp lý còn xẩy ra.

Với khai thác rừng còn thiếu tổ chức, tập trung vào nơi gần nơi dễ, bỏ nơi xa, nơi khô, chặt cây tốt, bỏ cây xấu, chặt cây non, bỏ cây già, lãng phí cành ngọn. Kế hoạch khai thác không cơ sở trên khả năng, vốn rừng bị hao hụt, trạng thái rừng ngày càng suy kiệt, thoái hóa.

Việc đốt nương và lửa rừng hàng năm thiêu hủy hàng vạn công mẫu rừng, cản trở việc phục hồi rừng, ảnh hưởng đến việc phòng chống lũ, lụt, hạn hán.

Công tác cải tạo, trồng cây gây rừng, chưa đẩy kịp với tốc độ khai thác, chưa nói đến bảo đảm cung cấp nhu cầu to lớn sau này.

Nguyên nhân có tình trạng trên là vì:

1. Việc kinh doanh rừng thiếu toàn diện, nặng về khai thác, nhẹ về bảo vệ, gây trồng và bồi dưỡng rừng, lợi trước mắt nhưng không bảo đảm tương lai.

2. Rừng núi chưa được quy hoạch hợp lý, do đó hoạt động lâm nghiệp chưa đi vào nề nếp, trật tự, đặc biệt là việc khai thác còn rất bừa bãi.

3. Nhiều khu rừng thực tế chưa có tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, coi như tài sản thiên nhiên, mọi người tự do sử dụng.

Tóm lại công tác lâm nghiệp chưa thật sự đi vào nề nếp xã hội chủ nghĩa mà còn chịu ảnh hưởng nhiều của lề lối làm ăn cũ.

Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 ghi: “Phải có những quy định toàn diện về bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, khai thác rừng v.v… Ngành Lâm nghiệp cần kết hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như Quốc phòng, Thủy lợi,Giao thông, Bưu điện v.v… để tiến hành điều tra rừng, xây dựng quy hoạch toàn diện về kinh doanh quản lý rừng”.

Gần đây căn cứ vào nghị quyết của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lại ra thông tư số 335-TTg ngày 08-09-1959, ghi nhiều vấn đề căn bản đối với lâm nghiệp, trong đó có vấn đề quy hoạch kinh doanh rừng.

Căn cứ vào các nghị quyết và chỉ thị trên,Bộ quy định dưới đây một số vấn đề căn bản của việc quy hoạch từng bước, để địa phương căn cứ thực hiện.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, VỊ TRÍ CỦA CÔNG TÁC QUY HOẠCH KINH DOANH RỪNG

Diện tích rừng của ta rất rộng, điều kiện tự nhiên và kinh tế mỗi nơi mỗi khác; việc định phương châm và biện pháp kinh doanh phải thích hợp với đặc điểm tự nhiên và kinh tế mỗi địa phương. Đó là nhiệm vụ của quy hoạch kinh doanh rừng.

Quy hoạch kinh doanh rừng sẽ giúp khắc phục tình trạng quản lý chắp vá, vạch phương hướng phát triển cho nền kinh tế lâm nghiệp từng vùng, làm cơ sở cho việc đặt các kế hoạch lâm nghiệp ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo lâm nghiệp phát triển cân đối với các ngành khác và phát triển cân đối với việc gây trồng, khai thác, tu bổ, cải tạo và bảo vệ rừng trong nội vụ kinh doanh rừng toàn diện và thống nhất. Việc quy hoạch kinh doanh rừng là một công tác cơ bản, không thể thiếu được trong việc quản lý lâm nghiệp. Nhờ có quy hoạch ta mới có thể khắc phục được tình trạng kinh doanh mù quáng, sử dụng hợp lý đất đai, làm cho sản xuất miền núi phát triển toàn diện, ta sẽ có phương hướng cụ thể, hướng hoạt động lâm nghiệp tiến lên từng bước chắc chắn, có trọng tâm trọng điểm, phát huy được triệt để tác dụng của rừng núi, đưa nền kinh tế lâm nghiệp tiến lên xã hội chủ nghĩa.

II. CÁC KHÓ KHĂN THUẬN LỢI

Tiến hành quy hoạch kinh doanh rừng có nhiều khó khăn vì ta còn thiếu kinh nghiệm trong lúc đầu, nhưng có nhiều thuận lợi:

- Việc phát triển kinh tế chung của Nhà nước và của nhân dân đòi hỏi đi vào tổ chức và kế hoạch.

- Sự lãnh đạo các cấp các ngành ngày càng toàn diện tạo điều kiện cho việc quy hoạch.

- Kinh nghiệm của cán bộ và nhân dân trong công tác quản lý lâm nghiệp.

III. NỘI DUNG VÀ CÁC BƯỚC XÂY DỰNG QUY HOẠCH

Bước 1: Quy hoạch sơ bộ các vùng kinh tế lâm nghiệp lớn, có trình độ phát triển khác nhau trong một tỉnh; bước này chỉ làm ở cấp tỉnh (nội dung cụ thể xem phần dưới).

Bước 2: Xây dựng quy hoạch tại các đơn vị cơ sở hoặc trực tiếp kinh doanh: xã, nông trường, xí nghiệp, Hợp tác xã v.v… nhằm xác định mục đích và biện pháp kinh doanh thích hợp nhất với điều kiện tự nhiên và kinh tế mỗi nơi.

Bước 3: Sau khi xây dựng xong quy hoạch các đơn vị cơ sở, chủ yếu là quy hoạch xã, từng huyện sẽ tập hợp chung thành quy hoạch của huyện, và tỉnh sẽ dựa vào quy hoạch của huyện để điều chỉnh lại quy hoạch tỉnh.

Tóm lại việc lập quy hoạch có 3 bước, mỗi bước có yêu cầu nhất định, nhưng cuối cùng vẫn là thống nhất, việc lập quy hoạch lần đầu tất nhiên chưa thể chính xác, còn phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung trong quá trình quản lý lâm nghiệp sau này.

Việc lập quy hoạch các vùng kinh tế của tỉnh trong bước 1 là cơ sở mấu chốt, làm được tốt, xác định được phương hướng rõ ràng thì mới có thể thực hiện quy hoạch ở các đơn vị cơ sở trong các bước sau.

IV. NHỮNG ĐIỂM QUY ĐỊNH CƠ BẢN CỦA VIỆC LẬP QUY HOẠCH SƠ BỘ CÁC VÙNG KINH TẾ LÂM NGHIỆP TRONG BƯỚC 1

A. Mục đích yêu cầu:

- Sơ bộ tập hợp tình hình rừng và đất rừng cùng mọi hoạt động và nhân tố liên quan đến kinh tế lâm nghiệp trong toàn tỉnh.

- Sơ bộ phận vùng theo tình hình phát triển kinh tế lâm nghiệp để xác định phương châm kinh doanh lâm nghiệp thích hợp mỗi vùng, đáp ứng yêu cầu cung cấp và phòng hộ hiện nay và tương lai; làm cơ sở cho việc lãnh đạo lâm nghiệp trong tỉnh bước đầu đi vào trọng điểm; chuẩn bị nghiên cứu kế hoạch dài hạn; vạch phương hướng cho việc xây dựng quy hoạch kinh doanh quản lý rừng ở các đơn vị (xã, hợp tác xã, nông trường, xí nghiệp).

B. Nội dung công tác:

1. Nắm vững tình hình các điều kiện tự nhiên và kinh tế của hoạt động lâm nghiệp (diện tích rừng và đất rừng, khả năng thiết bị, khả năng lao động v.v…) tình hình kinh tế lâm nghiệp và yêu cầu của các ngành có liên quan đến rừng núi (khai khẩn, chăn nuôi, cây công nghiệp, hầm mỏ, xí nghiệp…).

2. Quy hoạch các vùng kinh tế lâm nghiệp có trình độ và khả năng phát triển khác nhau.

3. Xây dựng phương châm kinh doanh rừng cho từng loại vùng.

C. Các nguyên tắc lớn:

1. Quy định các vùng kinh tế lâm nghiệp làm 3 vùng như sau:

Vùng A: Vùng cường độ kinh doanh cao trong hiện tại hay một tương lai gần, cụ thể những vùng có triển vọng trở thành những rừng cung cấp gỗ lâu dài:

- Sẵn có điều kiện giao thông thuận lợi, đảm bảo vận xuất được hết số gỗ sản xuất hoặc những vùng dự trữ gỗ quan trọng tuy hiện nay chưa có đường giao thông nhưng không đòi hỏi phải làm đường xa quá.

- Tương tối gần các trung tâm tiêu thụ.

- Tương đối đông dân cư đảm bảo nhân lực kinh doanh lâm nghiệp ở cường độ cao.

- Các khu đất rừng cần trồng rừng nhanh chóng vì lý do phòng hộ cấp bách.

Đi vào cụ thể có thể xếp những vùng đã, đang khai thác hoặc sẽ khai thác trong thời gian kế hoạch 5 năm sắp tới.

Vùng B: Vùng cường độ kinh doanh thấp trong hiện tại nhưng trong tương lai có thể cao:

- Các khu rừng hiện có, hiện tại giao thông chưa thuận tiện, xa dân cư, chỉ mới sản xuất được một ít gỗ củi nhưng tương lai có thể mở mang giao thông và cường độ kinh doanh có thể tăng thêm.

- Các đồi trọc ở gần dân cư.

Nói chung, vùng B có tính chất dự trữ.

Vùng C: Vùng cường độ kinh doanh thấp trong một thời gian lâu dài:

- Các khu rừng hay đất rừng có địa hình khó khăn, xa nơi tiêu thụ, xa nơi dân cư, gỗ chưa có giá trị kinh tế trong một thời gian dài.

Trong từng vùng nói trên cần xác định những khu vực phòng hộ quan trọng ảnh hưởng đến diện tích lớn.

2. Hướng kinh doanh đối với mỗi vùng: (đây là gợi ý, mỗi địa phương sẽ cụ thể hóa cho sát với địa phương).

Vùng A: Áp dụng triệt để toàn bộ phương châm công tác lâm nghiệp đề ra:

- Tích cực thanh toán nạn cháy rừng.

- Tích cực giải quyết vấn đề đốt rẫy.

- Thực hiện khai thác toàn diện đi đôi với cải tạo rừng, ít nhất cũng phải đảm bảo tái sinh rừng.

- Đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, tiến lên vượt tốc độ khai thác; loại cây trồng có thể là gỗ tạo tác, trụ mỏ, gỗ dán, gỗ cho nhu cầu công nghiệp; phục vụ kế hoạch chung kết hợp nhu cầu địa phương.

- Điều tra , điều chế nhanh các khu  rừng định mở xí nghiệp lâm nghiệp.

- Đối với những nơi chưa chủ trương lập xí nghiệp sẽ xúc tiến hoàn thành việc lập quy hoạch kinh doanh quản lý rừng tận các cơ sở, chủ yếu là quy hoạch xã.

- Về kiến thiết cơ bản chủ yếu là mở mang và tu bổ đường sá, giúp cho việc chuyển vận lâm sản được thuận tiện và tạo điều kiện tăng cường công tác lâm nghiệp.

- Tổ chức quản lý rừng phải đảm bảo có đủ cán bộ quản lý sát tận cơ sở từng khu rừng.

Vùng B: Tranh thủ áp dụng toàn bộ phương châm công tác lâm nghiệp để thực sự là một vùng dự trữ cho tương lai;

- Triệt để bảo vệ rừng hiện có, phòng chống cháy rừng.

- Hạn chế và hướng dẫn làm nương rẫy hợp lý vào những nơi đất bằng, tạo điều kiện định canh, định cư, tránh làm rẫy vào những vùng phòng hộ và rừng có lâm sản quý.

- Có thể khai thác chọn đi đôi với đảm bảo tái sinh gỗ có giá trị.

- Trên những vùng đất trống, vận động trồng cây công nghiệp, trồng lâm sản phụ, cây lấy nhựa, vỏ, hạt, trồng những loại cây trong nhân dân đã có tập quán.

- Tiến tới lập quy hoạch xã kết hợp điều tra tài nguyên rừng.

- Hết sức coi trọng việc mở mang đường sá để chuẩn bị cho kế hoạch thời gian sắp đến.

- Về tổ chức quản lý, chủ yếu trước mắt là dựa vào xã, lâm nghiệp sẽ lập các trạm kỹ thuật, hướng dẫn về kỹ thuật cho cấp xã và các đơn vị kinh doanh như hợp tác xã, nông trường.

Vùng C: Chủ yếu là vận động phòng chống nạn cháy rừng vào bảo vệ rừng:

- Hướng dẫn làm rẫy hợp lý như vùng B.

- Đẩy mạnh trồng cây cung cấp lâm sản phụ nhẹ, dễ vận chuyển, có giá trị kinh tế cao (quế, sa nhân …).

- Các mặt khác tùy tình hình cụ thể để đặt vấn đề sát đúng.

Trong những khu vực có tác dụng phòng hộ, trong mỗi loại vùng A, B, C nói trên, mọi chủ trương kinh doanh phải đảm bảo phát huy tác dụng phòng hộ (như cấm chặt trắng, tích cực hạn chế rẫy chuyển sang định canh, định cư, đẩy mạnh trồng cây gây rừng).

D. Phương chậm của việc lập quy hoạch của tỉnh:

- Kết hợp lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

- Kết hợp lợi ích bộ phận với lợi ích toàn thể.

- Không cầu toàn, nắm tình hình đến đâu, lập quy hoạch đến đó, quy hoạch sơ bộ sau sẽ bổ sung dần.

Ngành Lâm nghiệp chủ động, đồng thời tranh thủ sự phối hợp với các ngành khác dưới sự lãnh đạo của Ủy ban.

E. Phương pháp tiến hành:

Theo sự hướng dẫn tỷ mỉ của Cục Lâm nghiệp, đại cương có thể như sau:

Đợt 1 - Nắm tình hình:

Sưu tầm tình hình (rừng, khí hậu, địa hình, giao thông, phân bố nhân khẩu và sức lao động, phân bố các loại kiến thiết kinh tế, tập quán sản xuất sẵn có …). Sắp xếp số liệu, lên bản đồ, theo yêu cầu đề ra trong phần nội dung. Dựa vào các ngành liên quan để sưu tầm.

Ty Lâm nghiệp hoặc Ty Nông lâm tập hợp tình hình theo dõi trong thời gian qua, họp những người am hiểu tình hình rừng và cán bộ Ty để phát hiện và liên lạc với các ngành liên quan như: Ban Công tác nông thôn, thống kê, kế hoạch, giao thông thủy lợi, khí tượng thủy văn, thương nghiệp, tài chính…

Những tình hình chưa nắm được hoặc nắm được nhưng còn hồ nghi thì sẽ bổ sung trong đợt quy hoạch xã.

Đợt 2 – Dự kiến quy hoạch sơ bộ các vùng kinh tế lâm nghiệp và phương châm kinh doanh:

Ty dự kiến và đề nghị Ủy ban Hành chính tỉnh tổ chức cuộc họp giữa các ngành liên quan để thống nhất nhận định tình hình, phân định vùng và đề ra phương châm kinh doanh.

Đợt 3 - Tỉnh sơ bộ duyệt quy hoạch và dự kiến kế hoạch hướng dẫn lập quy hoạch xã:

Sau đợt 2, Ty Lâm nghiệp tập hợp ý kiến dự thảo lại quy hoạch sơ bộ, trình Ủy ban Hành chính tỉnh duyệt sơ bộ, cần dự kiến kế hoạch lập quy hoạch xuống xã (định nơi thí điểm, thời gian tiến hành, phân công đào tạo cán bộ).

Tiến hành thí điểm quy hoạch xã, đào tạo cán bộ hướng dẫn của Ty Lâm nghiệp đủ cho mỗi huyện một người.

Đợt 4 - Gửi quy hoạch về Bộ duyệt sơ bộ lần đầu, điều chỉnh chỗ bất hợp lý (trong tháng 12-59). Bộ sơ kết kinh nghiệm lập quy hoạch xã; xong 4 đợt trên có thể coi như xong quy hoạch tỉnh sẽ tiếp tục như sau:

Đợt 5 - Tiến hành thí điểm đào tạo cán bộ xã trong từng huyện.

Đợt 6 - Mở rộng diện lập quy hoạch xã,

Đợt 7 – Ty tổng kết việc lập quy hoạch xã, trình lấy ý kiến Ủy ban Hành chính tỉnh.

Đợt 8 - Bộ duyệt chính thức quy hoạch các tỉnh.

Kế hoạch thời gian cụ thể tiến hành các đợt 5, 6, 7, 8 sẽ định sau.

G. Vấn đề lập quy hoạch ở vùng đồng bằng:

Ở vùng đồng bằng, trừ những khu vực dành cho sản xuất nông nghiệp,chăn nuôi hoặc dùng vào mục đích khác, những nơi còn lại như bãi biển, cồn hoang, bãi lầy, đồi núi trọc… quy hoạch kinh doanh rừng nhằm phát hiện những diện tích có khả năm tiềm tàng dùng vào việc trồng cây gây rừng và đề xuất ý kiến về vấn đề phân công và tổ chức thực hiện việc gây trồng.

Các tỉnh trung du kết hợp làm luôn khi nhận được chỉ thị này; đối với các Ty Nông lâm đồng bằng sẽ có chỉ thị riêng.

V. LÃNH ĐẠO TỐT VIỆC QUY HOẠCH

1. Về tư tưởng: Cần quan niệm thông suốt việc lập quy hoạch các vùng kinh tế lâm nghiệp là cơ sở bước đầu đưa việc kinh doanh lâm nghiệp vào nề nếp.

Trong khi xây dựng quy hoạch,cần tránh hai khuynh hướng; cầu toàn, đòi hỏi tỷ mỷ, đi đến chỗ thấy nhiều khó khăn không tin tưởng làm được; hay ngược lại qua loa đại khái, không kiên trì tập hợp nghiên cứu phân tích để sử dụng những tình hình có thể nắm được.

2. Về tổ chức: Việc lập quy hoạch lâm nghiệp liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, Ủy ban Hành chính tỉnh cần vận dụng các ngành các cấp thiết thực phối hợp với cơ quan nông lâm, Lâm nghiệp cung cấp mọi tình hình và tích cực tham gia xây dựng các chủ trương công tác lâm nghiệp.

Tuy nhiên ngành Lâm nghiệp không vì thế mà đòi hỏi cầu toàn, hoặc ỷ lại chờ đợi. Hiện nay có thể có những tình hình chưa thể cung cấp được hoặc cung cấp chưa đầy đủ; trong trường hợp này bản thân ngành Lâm nghiệp phải chủ động tìm mọi cách khắc phục, phải nghiên cứu đề xuất vấn đề.

3. Thời gian: Từ nay đến 15-12-1959 cần làm xong các việc ghi trong đợt 1, 2, 3.

Việc lập quy hoạch lâm nghiệp rất cần thiết và quan trọng, mong Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh và khu, ty Nông lâm, ty Lâm nghiệp thi hành được kịp thời và kết quả; có khó khăn đề nghị báo cáo kịp thời giải quyết.

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Tạo

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 37-NL/LN ngày 13/10/1959 về việc lập quy hoạch các vùng kinh tế lâm nghiệp do Bộ Nông Lâm ban hành.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.425

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.244.201
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!