UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/2008/QĐ-UBND
|
Hải
Dương, ngày 19 tháng 11 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN CHẤT THẢI NGUY HẠI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ Về việc
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường Về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại và Thông tư số
12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Về
việc hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành
nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số
461/STNMT-QLMT ngày 12 tháng 11 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý an
toàn chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký.
Điều 3.
Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở:
Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban quản lý các
Khu công nghiệp tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết
định thi hành./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phan Nhật Bình
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN CHẤT THẢI NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI
DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-UB ngày 19/11/2008 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định việc
quản lý, thu gom, vận chuyển, tiêu hủy và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn
tỉnh Hải Dương.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân, hộ
gia đình trong nước và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
gây phát sinh chất thải nguy hại hoặc tham gia vào quá trình quản lý, thu gom,
vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Điều 2. Giải thích
các từ ngữ
- Chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là
CTNH) là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ
lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác.
- Quản lý CTNH (sau đây
viết tắt là QLCTNH) gồm các hoạt động liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu,
phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý (kể cả tái chế, thu hồi), tiêu
huỷ CTNH.
- Chủ nguồn thải CTNH hay
chủ nguồn thải là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ
sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh CTNH.
- Chủ vận chuyển CTNH hay
chủ vận chuyển là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở được cấp phép
hành nghề, mã số QLCTNH để thực hiện việc thu gom, vận chuyển và lưu giữ tạm thời
CTNH.
- Chủ xử lý, tiêu huỷ CTNH
hay chủ xử lý, tiêu huỷ là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở được cấp
phép hành nghề, mã số QLCTNH để thực hiện việc lưu giữ tạm thời, xử lý (kể cả
tái chế, thu hồi), tiêu huỷ CTNH.
- Cơ quan cấp phép QLCTNH
(sau đây viết tắt là CQCP) là tên gọi chung cho các cơ quan có thẩm quyền cấp,
gia hạn, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép hành nghề vận chuyển, Giấy phép hành
nghề xử lý, tiêu huỷ CTNH quy định tại Điều 5 của Quy định này.
- Sổ đăng ký chủ nguồn thải
CTNH hay Sổ đăng ký chủ nguồn thải là hồ sơ cấp cho chủ nguồn thải CTNH,
trong đó liệt kê thông tin về chủng loại, số lượng CTNH đăng ký phát sinh và
quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ nguồn thải đối với CTNH được
đăng ký.
- Giấy phép QLCTNH là tên gọi chung cho Giấy phép hành nghề
QLCTNH do CQCP cấp cho chủ vận chuyển (gọi là Giấy phép hành nghề vận chuyển
CTNH) hoặc cho chủ xử lý, tiêu huỷ (gọi là Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ
CTNH), trong đó quy định cụ thể về địa bàn hoạt động, các phương tiện, thiết bị
chuyên dụng được phép vận hành, các loại CTNH được phép quản lý cũng như trách
nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ vận chuyển hoặc chủ xử lý, tiêu huỷ CTNH.
- Danh mục CTNH là danh mục
chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Mã CTNH là
mã số của từng loại CTNH trong Danh mục CTNH.
- Mã số QLCTNH là mã số
được cấp kèm theo Sổ đăng ký chủ nguồn thải hoặc Giấy phép QLCTNH để phục vụ việc
quản lý hồ sơ, cơ sở dữ liệu về các chủ nguồn thải, chủ vận chuyển, chủ xử lý,
tiêu huỷ CTNH.
- Chứng từ CTNH là bảng
kê được phát hành theo biểu mẫu thống nhất trên toàn quốc để cung cấp cho các
chủ nguồn thải CTNH. Chứng từ CTNH là tài liệu xác nhận việc chuyển giao trách
nhiệm đối với CTNH giữa chủ nguồn thải và các chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu
huỷ CTNH.
Điều 3. Áp dụng pháp luật
có liên quan
1. Việc quản lý CTNH phát sinh từ
các hoạt động có liên quan tới lĩnh vực dầu khí, sử dụng nguồn bức xạ, chất
cháy-nổ… ngoài việc tuân thủ Quy định này, còn phải tuân thủ các quy định riêng
về hoạt động thuộc các lĩnh vực đó.
2. Trong trường hợp thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy CTNH
có liên quan tới các tỉnh, thành phố khác; vận chuyển CTNH đến hoặc từ tỉnh Hải
Dương qua địa phận các tỉnh, thành phố trong nước, qua biên giới Việt Nam và
các nước khác, ngoài việc tuân thủ Quy định này, còn phải tuân thủ các quy định
tương ứng trong Thông tư số
12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định trong các Công ước Quốc tế mà Việt
Nam đã tham gia.
Điều 4. Chế độ báo cáo, lưu
giữ hồ sơ
Các chủ nguồn thải, chủ vận chuyển và các chủ xử lý, tiêu hủy CTNH phải
thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 02 lần/năm công tác thực hiện thuộc trách nhiệm
của mình (theo phụ lục 4 A, B, C ban hành kèm theo Thông tư số
12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) về Chi cục
Bảo vệ môi trường-Sở Tài nguyên và Môi trường; lưu giữ và quản lý hồ sơ CTNH tại
cơ sở.
Điều 5. Thẩm quyền cấp, điều
chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, cấp, gia hạn, điều chỉnh và thu hồi giấy
phép quản lý CTNH
1. Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp, điều
chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho các
chủ nguồn thải trong tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh uỷ nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp,
gia hạn, điều chỉnh và thu hồi
giấy phép quản lý CTNH đối với chủ vận chuyển và chủ xử lý, tiêu huỷ chất thải
nguy hại có địa bàn hoạt động trong phạm vị tỉnh Hải Dương.
Chương II.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1. TRÁCH
NHIỆM CỦA CHỦ NGUỒN THẢI CHẤT THẢI NGUY HẠI
Điều 6. Yêu cầu đối với chủ
nguồn thải
1. Có sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH do Chi cục Bảo vệ môi trường
cấp (Phục lục 1 Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT).
2. Thực hiện đúng các nội dung
trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc Bản cam kết bảo
vệ môi trường hay Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được xác nhận.
3. Lập kế hoạch để thu gom, lưu
giữ và xử lý CTNH phát sinh từ các hoạt động của đơn vị mình.
4. Giảm thiểu và phân loại CTNH
ngay tại nguồn thải.
5. Không được thu gom chung CTNH
với chất thải không nguy hại, không được trộn lẫn các loại CTNH với nhau. Nếu để
lẫn CTNH với chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý
như chất thải nguy hại.
6. CTNH phải
được đóng gói theo chủng loại trong bao bì thích hợp, đáp ứng các yêu cầu về an
toàn kỹ thuật như sau:
a. Bao bì phải đảm bảo nguyên vẹn không có biểu hiện rạn nứt;
b. Không phản ứng hoặc bị làm hư hại do chất chứa bên trong;
c. Đủ cứng và dày để chịu được va đập và chấn động trong khi vận
chuyển;
d. Phải được kiểm tra thường xuyên để có biện pháp bảo dưỡng hoặc
thay thế kịp thời.
7. CTNH sau khi đóng gói phải được
dán nhãn và dấu hiệu cảnh báo theo các quy định sau:
a.
Nhãn được ghi bao gồm các thông tin:
- Tên và địa
chỉ của chủ nguồn thải;
- Tên chất
thải, mã chất thải theo danh mục chất thải nguy hại (ban hành kèm theo Quyết định
số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);
- Đặc tính
nguy hại và nguy cơ do chất thải có thể gây ra;
- Ngày bắt đầu được đóng gói bảo quản.
b. Dấu hiệu cảnh báo nguy hại, phòng ngừa theo đúng tiêu chuẩn Việt
Nam (TCVN) TCVN 6707:2000 (Chất thải nguy hại-dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa),
dán bên ngoài bao bì tất cả các loại CTNH. Nếu một loại chất thải có nhiều đặc
tính nguy hại đồng thời thì phải dán đầy đủ các dấu hiệu cảnh báo nguy hại
tương ứng;
c. Nhãn hướng dẫn bảo quản theo biểu mẫu E.1 của TCVN 5507 : 2002
(Hóa chất nguy hiểm-quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo
quản và vận chuyển), được dán trên bao bì đựng CTNH theo từng loại. Riêng nhãn
định hướng phải được dán ở hai mặt đối diện với nhau của bao bì và hướng mũi
tên phải chỉ đúng;
d. Khi dán nhãn hoặc dấu hiệu cảnh báo nguy hại không được để gấp nếp
hoặc bị che phủ bởi nhãn khác. Nếu bề mặt bao bì không đủ chỗ, có thể dùng móc
sắt để treo nhãn lên kiện hàng, không được để nhãn rách hay rơi mất;
đ. CTNH phải được nhanh chóng đưa đi xử lý, tiêu hủy. Trong trường hợp
cần phải lưu giữ tạm thời CTNH quá thời hạn 06 tháng do chưa có công nghệ xử
lý, tiêu hủy an toàn hoặc chưa tìm được chủ xử lý, tiêu hủy phù hợp thì phải
đăng ký với Chi cục bảo vệ Môi trường.
8. Kho
lưu giữ CTNH phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau:
a. Được bố
trí, xây dựng phù hợp với loại hình sản xuất và loại CTNH phát sinh của cơ sở
(có mái che, tường bao, nền chống thấm), đảm bảo quản lý CTNH không phát tán ra
môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân và môi trường xung quanh;
b. Phải có đầy
đủ các tín hiệu, biển báo, rào cản cần thiết để mọi người có thể nhận thấy rõ
ràng từ xa, các hướng dẫn hành động bị nghiêm cấm và hướng dẫn xử lý sự cố phải
được dán hoặc treo ở những vị trí phù hợp để cho mọi người dễ dàng nhìn thấy và
đọc được.
9. Bố trí
CTNH trong kho lưu giữ phải tuân theo các yêu cầu sau:
a.
Chiều cao các khối CTNH không được vượt quá 03m trừ khi sử dụng hệ thống giá đỡ,
không được xếp sát trần kho, cách tường ít nhất là 0,5m và cách mặt đất là 0,3m;
b. Các lối đi trong kho phải rộng tối thiểu là
1,5m, đảm bảo thuận tiện trong quá trình vận hành kho, không cản trở xe nâng và
các thiết bị lưu giữ hay thiết bị ứng cứu khác;
c. Tải trọng
hàng hóa xếp trong kho không được vượt quá tải trọng thiết kế của nền kho để
tránh sụt lún;
d. CTNH khác
nhau phải được bố trí cách xa nhau một khoảng cách an toàn tùy theo tính chất
nguy hại;
đ. CTNH dạng rắn được chứa trong bao bì kín thì có thể để ngoài trời
nhưng phải được đậy kín, có chế độ kiểm tra thường xuyên, không được để xảy ra
tình trạng đổ vỡ, rơi vãi.
10. Chủ nguồn thải phải
tự tổ chức lưu giữ an toàn các CTNH trong khu vực sản xuất, kinh doanh của mình
trước khi chuyển giao CTNH cho các chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu hủy.
11. Khi chấm dứt hoạt động phải thông báo bằng văn bản và nộp lại
sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho Chi cục Bảo vệ Môi trường-Sở
Tài nguyên và Môi trường.
Điều 7. Yêu cầu trong khâu vận
chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH
1. Phải ký hợp đồng
với chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu hủy CTNH đã được cấp phép quản lý
CTNH khi không có đủ năng lực tự vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH
phát sinh tại cơ sở của mình.
2. Hợp đồng chuyển giao trách
nhiệm xử lý CTNH phải ghi rõ xuất xứ, thành phần, chủng loại, công nghệ xử lý
và có xác nhận của Chi cục Bảo vệ Môi trường-Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. Kiểm tra, xác
nhận CTNH trong quá trình vận chuyển, xử lý, tiêu hủy đến đúng địa điểm, cơ sở
theo quy định của hợp đồng và phải chịu trách nhiệm đối với CTNH cho đến
khi chúng được xử lý, tiêu hủy an toàn.
4. Thực hiện đúng quy trình kê
khai và sử dụng Chứng từ CTNH theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.
5. Giải trình và
cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền
khi được kiểm tra.
6. Trong trường hợp chủ nguồn thải CTNH tự vận chuyển, xử lý, tiêu hủy
CTNH thì phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương
II của Quy định này.
MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ VẬN
CHUYỂN CHẤT THẢI NGUY HẠI
Điều 8. Yêu cầu đối với chủ
vận chuyển
1. Có giấy
phép hành nghề vận chuyển CTNH (Phụ lục 2.A Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT).
2. Các phương tiện
thiết bị chuyên dùng cho việc
thu gom, vận chuyển phải bảo đảm các yêu cầu an toàn kỹ thuật sau
đây:
a. Thùng chứa CTNH phải kín, bền vững cơ học và hóa học
khi vận hành để không gây rò rỉ, phát tán, thất thoát CTNH ra môi trường;
b. Có thiết bị báo động và các phương tiện xử lý sự cố khi vận chuyển
CTNH, có bộ phận thường trực theo dõi, duy trì thông tin liên lạc
với phương tiện vận chuyển CTNH trong suốt quá trình vận chuyển;
c. Xe chở CTNH phải có biển báo với các ký hiệu cảnh báo được quy định theo TCVN 6707 : 2000 ở hai bên thùng xe. Nếu
CTNH được vận chuyển bao gồm nhiều loại khác nhau thì ký hiệu cảnh báo phải
có đủ cho những loại CTNH đó.
3. Có cán bộ, nhân
viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật
đảm bảo vận chuyển an toàn CTNH đến địa
điểm xử lý, tiêu huỷ.
4. Thực hiện các nội dung của Bản
cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận hoặc các hồ sơ, giấy tờ tương đương
theo quy định tại điểm 1.2 Mục 1 Phần II của Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày
26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Vận chuyển đúng
số lượng và chủng loại CTNH trong danh mục cấp phép và được
khai báo trong chứng từ CTNH.
6. Thực hiện đúng quy trình kê
khai và sử dụng Chứng từ CTNH theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.
7. Chỉ ký hợp đồng và
chuyển giao CTNH cho chủ xử lý và tiêu hủy đã có đăng ký kinh doanh, giấy phép
hành nghề xử lý CTNH.
8. Thông báo bằng văn bản cho cơ
quan quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) các
thông tin về địa điểm, phương tiện, lộ trình, tần suất, chủng loại, khối lượng
CTNH vận chuyển.
9.
Khi vận chuyển CTNH phải tuân thủ các quy định sau:
a.
Cấm vận chuyển các loại CTNH chung với người, gia súc và các loại hàng hoá
khác, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, kể cả các loại thức ăn gia súc;
b.
Cấm tuyệt đối vận chuyển chung những loại CTNH không tương thích hoặc biện pháp
xử lý có sự đối kháng nhau.
10.
Khi bốc dỡ CTNH phải tuân thủ các quy định sau:
a.
Nếu lô CTNH cần bốc dỡ trên đường đi thì phần còn lại phải được chèn buộc cẩn
thận trước khi xe lăn bánh để đảm bảo không lăn đổ, xê dịch;
b.
Trước khi bốc dỡ người có trách nhiệm đi cùng phải kiểm tra bao bì, nhãn hiệu
chất thải nguy hại và trực tiếp điều khiển hướng dẫn thao tác xếp dỡ cho an
toàn;
c.
Trong quá trình bốc dỡ, không được kéo lê, không được quăng vứt bừa bãi các
thùng đựng CTNH, không được đặt các kiện hàng không đúng hướng quy định, không
được gây va chạm, làm đổ vỡ CTNH ra bên ngoài.
11.
Vệ sinh phương tiện vận chuyển CTNH phải tuân thủ các quy định sau:
a.
Sau khi bốc dỡ CTNH, phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh trong thời hạn
không quá 06 giờ kể cả trường hợp xe tiếp tục vận chuyển cùng loại CTNH;
b.
Nếu CTNH dạng rắn bị rơi vãi ra phương tiện, phải được thu gom hoàn toàn trước
khi rửa bằng nước chỗ bị rơi vãi, CTNH thu gom được phải xử lý theo đúng quy định
về xử lý CTNH;
c.
Nếu CTNH dạng lỏng bị vương vãi ra phương tiện, phải dùng vải khô lau thật sạch
trước khi rửa bằng nước chỗ bị rơi vãi. Các mảnh vải này phải được thu gom và xử
lý như CTNH. Khi dội rửa, cần phải mang xe đến đúng nơi quy định, có hệ thống
thu gom và xử lý nước thải, hạn chế tối đa khả năng phát tán CTNH ra môi trường.
12.
Trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến chất thải nguy hại, chủ vận chuyển
có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định tại Mục 5 của Quy định
này.
13.
Khi chấm dứt hoạt động phải thông báo bằng văn bản và nộp lại giấy phép hành
nghề vận chuyển CTNH cho cơ quan cấp phép.
MỤC 3. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ XỬ
LÝ,TIÊU HỦY CHẤT THẢI NGUY HẠI
Điều 9. Quy
định chung về xử lý, tiêu huỷ CTNH
1. Chủ xử lý, tiêu
hủy CTNH chỉ được phép hành nghề khi đã có đủ năng lực và được cơ quan
có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động (Phụ lục 2.B Thông
tư số 12/2006/TT-BTNMT).
2. Cơ sở xử lý CTNH phải đảm bảo
các yêu cầu sau:
a. Phải thoả mãn được những yêu
cầu về vị trí, diện tích mặt bằng, không gian thông thoáng và các điều kiện cơ
sở vật chất khác đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành. Vị trí đặt nhà máy xử
lý phải cách xa khu dân cư trên 500 m, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của
khu vực;
b. Phải trang bị đầy đủ các loại
thiết bị, máy móc phù hợp với lĩnh vực xử lý các CTNH đã đăng ký, đảm bảo hoạt
động an toàn, giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra sự cố;
c. Khi chuẩn bị thực hiện hợp đồng
xử lý, đơn vị xử lý phải xem xét các loại CTNH nằm trong danh mục được phép xử
lý và phù hợp với công nghệ xử lý CTNH của đơn vị;
d. Khi thực hiện việc giao nhận
CTNH với đơn vị vận chuyển, đơn vị xử lý phải kiểm tra cẩn thận số lượng và
thành phần, bao bì và các yếu tố an toàn khác. Trong trường hợp phát hiện không
đảm bảo kỹ thuật an toàn, đơn vị xử lý không nhận lô CTNH đó và có văn bản từ
chối gửi cho phía đối tác. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị xử lý có thể yêu
cầu kiểm tra hoặc phân tích để xác định lại chính xác tính chất, hàm lượng của
lô CTNH được giao;
đ. Quy trình xử lý các loại CTNH
phải đảm bảo từ đầu đến cuối không được phát sinh các chất thải thứ cấp độc hại
cho con người và môi trường;
e. Các thiết bị máy móc hoạt động
trong nhà máy xử lý phải được kiểm tra bảo trì thường xuyên để tránh hỏng hóc,
ăn mòn… bảo đảm không rò rỉ CTNH hoặc gây ra sự cố môi trường.
3. Phương pháp xử lý CTNH
Các biện pháp xử lý và tiêu huỷ
CTNH phải được lựa chọn tuỳ theo tính chất của từng loại chất thải được liệt kê
trong danh mục chất thải ban hành kèm theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày
26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3.1. Phương pháp đốt CTNH
Nếu xử lý bằng phương pháp đốt
thì lò đốt trong quá trình hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a. Phải phá huỷ hoàn toàn hoặc
loại bỏ trên 99,99 % khối lượng chất thải nguy hại chính và không phát sinh
CTNH thứ cấp. Để đảm bảo yêu cầu này, phải sử dụng loại lò đốt hai buồng (sơ cấp
và thứ cấp) có nhiệt độ đốt tối thiểu của buồng thứ cấp là 1.2000C.
Thời gian lưu khí trong buồng thứ cấp tối thiểu là 02 giây;
b. Nồng độ các chất ô nhiễm
trong khí thải sau khi đốt và phát tán vào môi trường phải đạt tiêu chuẩn Việt
Nam: TCVN 5939: 2005 mức B (tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các
chất vô cơ), TCVN 5940: 2005 (tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với một số chất
hữu cơ);
c. Các loại tro thải sau khi đốt
phải được thu gom và tiếp tục xử lý như đối với CTNH (bằng phương pháp ổn định,
đóng rắn và chôn lấp).
3.2. Tái sinh CTNH
Sản phẩm tái sinh từ CTNH phải
được ghi rõ bên ngoài bao bì là “SẢN PHẨM TÁI SINH” trước khi xuất xưởng.
3.3. Chôn lấp CTNH
a. Không được trộn lẫn hoặc chôn
lấp lẫn lộn CTNH với các chất thải không nguy hại, hoặc giữa các loại CTNH khác
nhau trong cùng ô chôn lấp;
b. CTNH cần phải được xử lý bằng
các phương pháp hoá học, hoá lý để giảm bớt tính nguy hại và các thành phần
nguy hại có trong chất thải. Trước khi chôn lấp, CTNH phải được cố định, hoá rắn
hoặc đóng gói theo đúng quy định về an toàn;
c. Địa điểm, thiết kế, xây dựng, phương thức vận hành bãi chôn lấp CTNH
phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ các quy định tại
Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Vị trí: Phải cách xa nguồn cấp
nước, cách xa khu dân cư tối thiểu là 01 km, đảm bảo trong quá trình xây dựng
và vận hành bãi chôn lấp không ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, đến mỹ quan của
khu vực xung quanh…
Không được xây dựng bãi chôn lấp
CTNH tại những khu vực có mục đích sử dụng đất đặc biệt như công viên, khu du lịch,
các vị trí cắm trại, thể thao, các khu cảnh quan, khu có di tích khảo cổ và lịch
sử, khu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, vùng cư trú của các loài sinh vật quý
hiếm, khu thâm canh nông nghiệp, khu quy hoạch phát triển đô thị;
- Địa hình: Hạn chế tối đa những
khu vực có địa hình không bằng phẳng, tận dụng những lợi thế tự nhiên, tránh những
chỗ đất trũng vì dễ gây ô nhiễm nước. Độ dốc địa hình tối đa cho phép là 5%, có
khả năng thoát nước bề mặt tốt và dễ dàng kiểm soát lượng nước chảy tràn;
- Địa chất: Không được xây dựng
bãi chôn lấp CTNH tại những khu vực có thể xảy ra động đất, đất trượt, đất nứt,
bên dưới có quặng mỏ, khu trũng có chứa nước, … Tránh những vị trí mạch nước ngầm,
đất có tính thấm cao, đất ẩm hoặc đất có khả năng xói mòn cao;
- Hướng gió: Ở cuối hướng gió chủ
đạo, tránh những khu vực thường có lốc xoáy hoặc các cơn giông lớn;
- Giao thông: Đảm bảo giao thông
thuận lợi, tránh sự ách tắc trên đường vận chuyển CTNH, không được xây dựng bãi
chôn lấp CTNH mà đường vận chuyển chất thải phải đi qua khu dân cư;
- Điện, cấp thoát nước: Khu vực
bãi chôn lấp thuận lợi về cấp điện và cấp thoát nước để không gây ngập ún.
d. Trong từng ô chôn lấp CTNH phải
có lớp lót đáy và lớp che phủ bề mặt an toàn, đảm bảo không phát tán chất ô nhiễm
vào trong môi trường, không bị thấm do nước chảy tràn trên bề mặt hố chôn lấp;
đ. Trong khi bãi chôn lấp đang
hoạt động, phải có biện pháp kiểm soát sự phát tán các tác nhân ô nhiễm, giám
sát chất lượng môi trường xung quanh, có kế hoạch ứng cứu kịp thời các sự cố.
Điều 10. Trách nhiệm của chủ xử lý, tiêu hủy CTNH
1. Thực hiện đúng các nội dung
trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc các hồ sơ, giấy
tờ tương đương theo quy định tại điểm 2.1 Mục 2 Phần II của Thông tư số
12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Thực hiện đúng quy trình kê
khai và sử dụng Chứng từ CTNH theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.
3. Tiếp nhận CTNH
từ các chủ nguồn thải, thu gom, vận chuyển trên cơ sở hợp đồng ký giữa hai bên,
kèm theo đầy đủ chứng từ CTNH.
4. Có phương án và
thiết bị đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, ứng cứu sự cố và được cơ quan
quản lý Nhà nước về môi trường phê duyệt.
5. Có đội ngũ cán
bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn về lưu giữ, xử lý,
tiêu hủy CTNH.
6. Trong quá trình
xử lý, tiêu hủy CTNH, chủ xử lý, tiêu hủy phải tuân thủ đầy đủ các cam kết
nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt. Các loại khí thải, nước thải, bùn tro, xỉ phải được quan
trắc, phân tích thành phần, khối lượng và có sổ nhật ký ghi chép, theo dõi và xử
lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Trường hợp không đạt TCVN chủ xử lý phải:
a. Có biện pháp nâng cấp hệ thống xử lý khí, nước thải, bùn, tro thải
trong thời hạn do Sở Tài nguyên và Môi trường quy định;
b. Chôn lấp các CTNH không xử lý đạt TCVN theo đúng quy trình chôn lấp
CTNH tại bãi chôn lấp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
7. Trong trường hợp
xảy ra sự cố liên quan đến CTNH chủ xử lý, tiêu huỷ có trách nhiệm thực hiện đầy
đủ các nghĩa vụ được quy định tại Mục 5 của quy đinh này.
Điều 11. Ngừng hoạt động
Trong trường hợp ngừng hoạt động, chủ xử lý, tiêu hủy CTNH có nghĩa vụ:
1. Thông báo ngay
cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường, các chủ nguồn thải
và chủ vận chuyển CTNH có liên quan về lý do và thời gian ngừng hoạt động; báo cáo
bằng văn bản và nộp lại giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ CTNH cho cơ quan cấp
phép.
2. Nộp đề án bảo vệ môi trường sau khi cơ sở ngừng hoạt động cho Sở Tài
nguyên và Môi trường xem xét phê duyệt. Đề án bảo vệ môi trường gồm các nội
dung sau:
a. Các giải pháp công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường;
b. Các giải pháp cải tạo và sử dụng đất sau khi ngừng hoạt động;
c. Các yêu cầu và phương pháp quan trắc môi trường tiếp theo;
d. Các giải pháp giải quyết hậu quả phát sinh khác.
MỤC 4. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT
THẢI NGUY HẠI CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Điều 12. Sở Tài nguyên và
Môi trường
1. Tham mưu và
trình Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản, quy định, kế hoạch
quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh.
2. Hướng dẫn thủ tục
và cấp, điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH; cấp, gia hạn, điều chỉnh và thu hồi giấy phép quản lý CTNH
đối với chủ vận chuyển, xử lý, tiêu hủy CTNH.
3. Hướng dẫn lập báo
cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tổ chức thẩm định trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt cho các chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu hủy CTNH có địa bàn hoạt động
trong tỉnh.
4. Tổ chức điều
tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu lưu giữ, các cơ sở xử lý,
tiêu hủy, các bãi chôn lấp CTNH trên địa bàn tỉnh;
5. Tuyên truyền,
giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý CTNH cho cộng đồng.
6. In ấn, phát
hành và cung cấp mẫu nhãn CTNH cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
7. Tổ chức thanh
tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý CTNH của các chủ
nguồn thải, chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu huỷ CTNH và xử lý vi
phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
8. Tiếp nhận, giải quyết các tranh
chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu, kiến nghị về quản lý CTNH trong phạm vi
quyền hạn của mình hoặc chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
9. Hướng dẫn, đào tạo nâng cao
năng lực cho các cơ quan, đơn vị của tỉnh có liên quan đến hoạt động quản lý
CTNH.
Điều 13. Các Sở, ngành liên
quan
1. Sở Xây dựng:
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu những vấn đề về quy hoạch đất đai cho các
khu xử lý và bãi chôn lấp chất thải CTNH của tỉnh để trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
2. Ban quản lý các
khu công nghiệp tỉnh:
a. Quản lý chặt chẽ tình hình phát sinh CTNH của các cơ sở công nghiệp
trong các khu công nghiệp.
b. Phối kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong
công tác điều tra, kiểm soát tình hình quản lý CTNH của các cơ sở trên;
c. Báo cáo hàng năm tình hình quản lý CTNH cho Ủy ban nhân dân tỉnh
tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).
3. Sở Công thương:
a. Khuyến khích các cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất sạch và ngăn chặn những
hành vi gây ô nhiễm môi trường;
b. Phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình
quản lý Chất thải công nghiệp và CTNH tại các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Y tế:
a. Giám sát,
chỉ đạo, kiểm tra và có các biện pháp hữu hiệu để các cơ sở y tế công cộng, tư
nhân trên địa bàn tỉnh có chất thải nguy hại (chất thải y
tế) tuân thủ các nội dung của Quy định này và các quy định của ngành có
liên quan;
b. Chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành có liên quan lựa chọn công nghệ,
thiết bị, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế trên địa
bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Tài chính có
trách nhiệm căn cứ vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn của các Sở, ban,
ngành và các huyện, thành phố về quản lý CTNH để cân đối các nguồn vốn (kể cả
các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài) bảo đảm cho các Sở, ban, ngành và các huyện,
thành phố thực hiện kế hoạch quản lý CTNH.
6. Sở Nông nghiệp
và Phát triên nông thôn:
Hướng dẫn cho nông
dân sử dụng các loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng
cho sản xuất nông nghiệp đúng mục đích, đúng kỹ thuật và tổ chức thu gom triệt
để các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc quá hạn sử dụng... đưa đi xử lý
đúng kỹ thuật để không gây ô nhiễm môi trường.
7. Sở Khoa học và
Công nghệ:
Chủ trì phối hợp với
các ngành, các chuyên gia để thẩm định công nghệ, kiên quyết loại bỏ những công
nghệ lạc hậu, không phù hợp thải nhiều chất thải, nhất là chất thải nguy hại
vào địa bàn tỉnh. Áp dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến để xử lý tiêu huỷ, tái chế chất thải nói chung và CTNH nói riêng đảm bảo
tiêu chuẩn môi trường cho phép và phù hợp với điều kiện của tỉnh.
8. Công an tỉnh:
a. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân
tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với tội
phạm, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại;
b. Tổ chức điều tra phát hiện tội
phạm và các vi phạm về môi trường để xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định
của pháp luật.
9. Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu quản lý
Nhà nước về môi trường trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường và các ngành chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra phát hiện
vi phạm về thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu huỷ CTNH để kịp thời ngăn chặn và xử
lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo với cấp có thẩm quyền để xử lý.
Điều 14.
Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia vào việc quản
lý CTNH
1. Được phép tổ chức thực hiện
hoạt động quản lý CTNH khi có đủ điều kiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
quy định.
2. Phải tuân thủ pháp luật và
các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh.
3. Những thay đổi trong hoạt động
sản xuất kinh doanh có liên quan đến CTNH đều phải báo cáo cho Sở Tài nguyên và
Môi trường và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Tạo điều kiện cho các đoàn
thanh tra về bảo vệ môi trường thi hành nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc các yêu
cầu và kết luận của các cơ quan này để bảo vệ môi trường.
5. Bồi thường thiệt hại do sự cố môi
trường gây ra theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Có quyền khiếu nại, tố cáo đến các
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo Luật Khiếu nại tố cáo.
7. Các đơn vị hoạt động có liên quan đến quản lý CTNH phải thường
xuyên tự kiểm tra, theo dõi nghiêm ngặt việc giao nhận, xuất nhập, giám sát việc
biến động giữa số lượng chất thải thực tế và sổ sách để có biện pháp giải quyết
kịp thời. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kiểm kê định kỳ. Tất cả dữ liệu kiểm
tra, đo đạc về môi trường phải được lưu giữ, ghi chép lại để có cơ sở giải quyết
khi có sự cố.
MỤC 5. QUY ĐỊNH AN TOÀN TRONG XỬ LÝ SỰ CỐ
Điều 15. Công tác xử lý sự cố phải tuân theo các quy định sau
1. Khi sự cố
(cháy nổ, đổ vỡ, rò rỉ, chảy tràn…) xảy ra, các hành động xử lý sự cố môi trường
phải tuân theo nguyên tắc sau:
a. Ưu tiên
là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng con người và cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường;
b. Nhanh
chóng đưa các nạn nhân ra khỏi vùng sự cố, chẩn đoán sơ bộ, cấp cứu, loại bỏ sự
tiếp xúc với CTNH và đưa nạn nhân đến bệnh viện;
c. Những người
có trách nhiệm tại nơi xảy ra sự cố phải thông báo ngay với cơ quan quản lý nhà
nước về môi trường, Ủy ban nhân dân địa phương nơi xảy ra sự cố, cơ quan y tế
và công an về:
- Trường hợp
xảy ra sự cố;
- Tên, thành
phần và khối lượng CTNH gây ra sự cố;
- Tác động của
CTNH đến môi trường và con người;
- Yêu cầu cụ
thể trong việc xử lý sự cố.
2. Sự cố xảy
ra ở công đoạn nào thì đơn vị hoặc cá nhân chịu trách nhiệm ở công đoạn đó phải
có trách nhiệm xử lý sự cố. Nhân viên xử lý phải hiểu rõ tính nguy hại của loại
chất thải này, biết phương pháp xử lý, có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cũng như
trang bị bảo hộ cá nhân.
3. Kiểm tra
sơ bộ công tác xử lý sự cố trước khi rời khỏi hiện trường.
4. Tiến hành
xử lý sự cố phải được đặt dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi
trường.
Điều 16. Sau sự cố, các biện pháp an toàn phải được thực hiện
như sau:
1. Tất cả
các loại phế thải bao gồm cả bao bì, vật dụng bị hư có dính CTNH phải được thu
gom và đưa đi xử lý như đối với CTNH.
2. Sau khi xử
lý khẩn cấp xong, tổ chức, cá nhân gây ra sự cố phải kết hợp với các cơ quan chức
năng trở lại nơi xảy ra sự cố để đặt biển báo khoanh vùng vị trí đó, vùng có khả
năng bị ảnh hưởng và tiếp tục sắp xếp, thu dọn hiện trường, làm sạch chất thải,
xử lý môi trường bị ô nhiễm, phân tích đánh giá hiện trạng, làm sạch khu vực sự
cố. Đồng thời theo dõi diễn biến tác động và ảnh hưởng của sự cố lên môi trường
nơi xảy ra sự cố và các vùng lân cận trong thời gian từ 03 tháng đến 01 năm để
có biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt là quan trắc chất lượng nước và không
khí. Nếu không có ảnh hưởng nghiêm trọng và sự cố đã được khắc phục xong, phải
đặt biển báo về tình trạng môi trường hiện hữu.
MỤC 6. THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 17. Thanh tra, kiểm tra
1. Cơ quan quản
lý Nhà nước về môi trường và các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra
theo dõi các đơn vị quản lý CTNH về việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường,
đề xuất các biện pháp xử lý, biện pháp dự phòng cần thiết để đảm bảo an toàn
trong thực hiện quản lý CTNH.
2. Trong khi
làm việc các đoàn thanh tra, kiểm tra có quyền:
a. Yêu cầu các
tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến việc quản lý CTNH cung cấp tài
liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra, kiểm tra;
b. Quyết định
buộc chủ cơ sở có hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường, quy định về quản lý
CTNH thực hiện ngay các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường;
c. Xử phạt vi
phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;
d. Được phép thực
hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật về Thanh tra và Bảo vệ môi trường.
Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thành tích
trong công tác quản lý CTNH và bảo vệ môi trường thì được biểu dương, khen thưởng
theo quy định hiện hành.
2. Tổ chức, cá
nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm
hành chính theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ hoặc
bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
có hành vi cố ý vi phạm và gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường có thể bị
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương III.
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 19. Tổ chức thực hiện
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp
với các cấp, các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố tổ
chức hướng dẫn, phổ biến quy đinh này và các văn bản pháp luật về bảo vệ môi
trường của Nhà nước đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có tham gia quản lý
chất thải nguy hại; theo dõi và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả về quản lý
CTNH trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong quá trình
thực hiện nếu có điều khoản nào của Quy định không phù hợp, các Sở, ngành có
liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân, hộ gia
đình kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung cho phù hợp./.