Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 09/2006/NĐ-CP phòng chữa cháy rừng

Số hiệu: 09/2006/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 16/01/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 09/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2006 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 06 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện, đầu tư kinh phí, chế độ, chính sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Nghị định này; trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Đối với nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, nhà ở và các cơ sở khác đóng ở trong rừng, ven rừng, ngoài việc phải thực hiện theo Nghị định này còn phải thực hiện các quy định tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 35/2003/NĐ-CP) và các quy định khác của Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, cho thuê đất để trồng rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.

2. Lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng gồm các tổ chức do lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng lập ra để chuyên làm công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Công trình phòng cháy và chữa cháy rừng gồm đường băng cản lửa, kênh, mương ngăn lửa, suối, hồ, đập, kênh, mương, bể chứa nước được xây dựng hoặc cải tạo để phục vụ phòng cháy và chữa cháy rừng; chòi quan sát phát hiện cháy rừng; hệ thống biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng; hệ thống thông tin liên lạc; trạm bơm, hệ thống cấp nước chữa cháy và các công trình khác phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 4. Quyền và trách nhiệm của chủ rừng

1. Chủ rừng có các quyền sau:

a) Ngăn chặn các hành vi vi phạm về phòng cháy và chữa cháy rừng;

b) Huy động lực lượng và phương tiện trong phạm vi quản lý của mình để tham gia chữa cháy rừng;

c) Được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ, ưu tiên vay vốn để đầu tư cho công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Chủ rừng có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi rừng mình quản lý;

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, dự án, kế hoạch phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực rừng mình quản lý;

d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng;

đ) Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền;

e) Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định;

g) Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;

h) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình phòng cháy và chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý;

i) Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

k) Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

l) Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

Điều 5. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đóng, hoạt động ở trong rừng, ven rừng

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đóng, hoạt động ở trong rừng, ven rừng ngoài việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 3 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP còn có trách nhiệm thường xuyên giáo dục, đôn đốc các thành viên trong phạm vi quản lý của mình thực hiện những quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; tích cực tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ hộ gia đình sinh sống ở trong rừng, ven rừng

1. Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

2. Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Phát hiện cháy, báo cháy và tham gia chữa cháy rừng.

4. Phối hợp với các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.

5. Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm của cá nhân hoạt động trong rừng, ven rừng

1. Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.

3. Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.

Điều 8. Chính sách đối với người tham gia chữa cháy rừng

1. Người tham gia chữa cháy rừng mà không phải là lực lượng của chủ rừng được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng tiền tương ứng với ngày công lao động nghề rừng phổ biến ở địa phương mình.

2. Người trực tiếp chữa cháy, người tham gia chữa cháy rừng mà hy sinh, bị thương, bị tổn hại sức khỏe thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể chế độ bồi dưỡng cho người tham gia chữa cháy rừng.

Điều 9. Các hành vi bị cấm trong rừng, ven rừng

1. Đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu.

2. Đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô.

3. Đốt lửa, sử dụng lửa gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V.

4. Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng và đốt để lấy than ở trong rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh.

5. Đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng.

6. Các hành vi khác trực tiếp gây ra nguy cơ cháy rừng. 

Chương 2:

PHÒNG CHÁY RỪNG  

Điều 10. Các biện pháp phòng cháy rừng

1. Tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng trong toàn xã hội.

2. Xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng.

3. Quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng.

4. Áp dụng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy hoặc làm giảm độ khô nỏ của vật liệu cháy trong rừng.

5. Áp dụng các biện pháp phòng chống cháy lan.

6. Tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

7. Xây dựng các công trình và trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng.

8. Các biện pháp phòng cháy khác theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng

1. Điều kiện chung:

a) Có quy định, nội quy, biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng;

b) Có các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng;

c) Có các quy trình, giải pháp phòng chống cháy lan phù hợp với điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy của từng loại rừng;

d) Có trang bị các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo quy định;

đ) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ;

e) Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định.

2. Đối với các khu rừng dễ cháy, ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này còn phải áp dụng biện pháp tu bổ công trình phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng xong trước mùa khô hàng năm, có tổ chức tuần tra canh gác vào thời gian cao điểm có nguy cơ cháy cao.

Đối với các khu rừng tràm, ở những nơi có điều kiện, thì cần duy trì nguồn nước để đảm bảo độ ẩm cho nguồn vật liệu cháy và tầng than bùn.

3. Đối với các khu rừng có đường sắt, đường dây điện cao thế, đường ống dẫn khí đốt, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đi qua phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp với từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.

Điều 12. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy khi được phép sử dụng lửa trong rừng, ven rừng

1. Trước khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, người sử dụng lửa phải làm đường ranh cản lửa bao quanh; trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

2. Đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện những biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng phải đảm bảo không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn lửa.

Điều 13. Yêu cầu về phòng cháy đối với dự án trồng rừng, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Khi lập dự án trồng rừng phải có giải pháp thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm các nội dung sau:

a) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan giữa các lô, khoảnh và tiểu khu rừng phù hợp với đặc điểm cháy của từng loại rừng;

b) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan đến đường sắt, hệ thống đường dây điện cao thế, đường ống dẫn khí đốt, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, nhà và công trình hiện có;

c) Hệ thống quan sát, thông tin phát hiện và báo cháy rừng;

d) Hệ thống đường giao thông, bãi đỗ cho các phương tiện chữa cháy cơ giới phù hợp với đặc điểm của từng loại rừng, đảm bảo đủ kích thước, tải trọng để vừa kết hợp sử dụng đường vận chuyển sản xuất và cho các phương tiện chữa cháy cơ giới;

đ) Nguồn nước, hệ thống cấp nước chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác đảm bảo yêu cầu phục vụ chữa cháy, phù hợp với đặc điểm của từng loại rừng;

e) Dự toán thiết kế phải bảo đảm đủ kinh phí cho việc thực hiện các hạng mục công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Đối với dự án trồng rừng tập trung, rừng quy mô lớn và thuộc loại rừng dễ cháy, trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải có ý kiến chấp thuận về các giải pháp phòng cháy và chữa cháy rừng của cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền.

3. Đối với dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình phòng cháy và chữa cháy rừng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về dự án đầu tư xây dựng công trình.

Điều 14. Kinh phí đầu tư cho phòng cháy và chữa cháy trong dự án trồng rừng

1. Kinh phí đầu tư cho phòng cháy và chữa cháy trong dự án trồng rừng gồm:

a) Kinh phí cho xây dựng các hạng mục, công trình phòng cháy và chữa cháy rừng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định này;

b) Kinh phí cho việc lập dự án, thiết kế, thẩm duyệt, thi công, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;

c) Kinh phí cho công tác thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy rừng cho đến khi kết thúc dự án.

2. Kinh phí đầu tư cho phòng cháy và chữa cháy trong dự án trồng rừng phải đảm bảo đủ yêu cầu theo dự toán thiết kế phòng cháy, chữa cháy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải được bố trí cùng với kế hoạch kinh phí đầu tư hàng năm cho dự án trồng rừng, phù hợp với yêu cầu phòng cháy, chữa cháy của dự án

Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với dự án trồng rừng và xây dựng công trình phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Cơ quan lập dự án trồng rừng, dự án xây dựng công trình phòng cháy và chữa cháy rừng có trách nhiệm:

a) Đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy rừng và chịu trách nhiệm chất lượng của dự án và thiết kế đó;

b) Giám sát quá trình trồng rừng và thi công xây dựng các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Tham gia nghiệm thu dự án trồng rừng và các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Tổ chức trồng rừng, thi công xây dựng các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng theo đúng dự án, thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu dự án trồng rừng và công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Đơn vị trồng rừng, thi công xây dựng các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng có trách nhiệm:

a) Trồng rừng, thi công công trình phòng cháy và chữa cháy rừng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt;

b) Bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình trồng rừng và thi công công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm:

a) Xem xét và có ý kiến về các giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với dự án trồng rừng, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình phòng cháy và chữa cháy rừng và kinh phí đầu tư cho phòng cháy, chữa cháy trong dự án trồng rừng theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định này;

b) Kiểm tra việc thực hiện những yêu cầu, quy định về phòng cháy và chữa cháy, xử lý các vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Tham gia nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án trồng rừng và công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 16. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng được tiến hành theo các nội dung sau đây:

a) Việc thực hiện các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp với từng đối tượng quy định tại Điều 11 của Nghị định này và các điều có liên quan của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật;

b) Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp với từng đối tượng quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7 và các điều có liên quan của Nghị định này và các quy định hiện hành khác về phòng cháy và chữa cháy;

c) Việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng và các yêu cầu phòng cháy và chữa cháy rừng của người hoặc cơ quan có thẩm quyền.

2. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng được tiến hành theo chế độ kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất.

3. Trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng trước và trong mùa khô được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ rừng trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo chế độ kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng theo chế độ định kỳ và đột xuất;

c) Lực lượng Kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng thường xuyên, định kỳ đối với các khu rừng dễ cháy và các khu rừng có khả năng cháy; kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy rừng hoặc vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt;

d) Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng định kỳ đối với rừng dễ cháy và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy hoặc vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.

Điều 17. Tạm đình chỉ các hoạt động khi vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân ở trong rừng, ven rừng bị tạm đình chỉ trong các trường hợp sau đây:

a) Các hoạt động không được phép sử dụng hoặc gây ra nguồn lửa, nguồn nhiệt mà có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng;

b) Các hoạt động tạo ra môi trường nguy hiểm cháy, nổ ở trong rừng, ven rừng như gây rò rỉ xăng dầu, khí đốt hoặc các chất có nguy hiểm về cháy, nổ khác và các hoạt động có sử dụng lửa, nguồn nhiệt, sử dụng các dụng cụ, phương tiện phát sinh tia lửa trong trường hợp xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy nổ;

c) Các hoạt động được phép sử dụng lửa trong rừng, ven rừng nhưng xuất hiện các yếu tố và điều kiện không kiểm soát được có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng;

d) Đã bị xử lý hành chính về phòng cháy và chữa cháy rừng nhưng vẫn không khắc phục, sửa chữa.

2. Khi các nguy cơ cháy rừng được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 được loại trừ hoặc vi phạm về phòng cháy và chữa cháy rừng được quy định tại điểm d khoản 1 được khắc phục, sửa chữa thì được phục hồi hoạt động trở lại.

Trường hợp hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động đã hết mà nguy cơ phát sinh cháy rừng chưa được loại trừ hoặc vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy rừng chưa được khắc phục, sửa chữa thì bị gia hạn tạm đình chỉ hoạt động.

3. Việc tạm đình chỉ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.

4. Thời hạn tạm đình chỉ hoạt động, gia hạn tạm đình chỉ hoạt động và việc phục hồi hoạt động đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 20 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.

5. Thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động, gia hạn tạm đình chỉ hoạt động và phục hồi hoạt động đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này là những người đã được quy định tại khoản 6 Điều 20 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.

Ngoài những người có thẩm quyền nêu trên, những người sau đây thuộc cơ quan quản lý nhà nước về Lâm nghiệp có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động, gia hạn tạm đình chỉ hoạt động và phục hồi hoạt động đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và trong các phạm vi sau:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc người được ủy quyền được quyền quyết định tạm đình chỉ hoạt động trên phạm vi cả nước;

b) Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, Trưởng Kiểm lâm cấp huyện, Hạt trưởng Hạt phúc kiểm lâm sản, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm được quyền quyết định tạm đình chỉ hoạt động trong phạm vi quản lý của mình;

c) Kiểm lâm viên khi phát hiện trường hợp đang có nguy cơ trực tiếp gây cháy rừng được quyền tạm đình chỉ hoạt động, đồng thời phải kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp có thẩm quyền.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn thủ tục tạm đình chỉ hoạt động, gia hạn tạm đình chỉ hoạt động và phục hồi hoạt động trở lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và ban hành các biểu mẫu "Quyết định tạm đình chỉ hoạt động", "Quyết định gia hạn tạm đình chỉ hoạt động", "Quyết định phục hồi hoạt động trở lại".

7. Những người được quy định tại khoản 5 Điều này khi ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động, quyết định gia hạn tạm đình chỉ hoạt động, quyết định phục hồi hoạt động trở lại, đồng thời gửi tới Ủy ban nhân dân và cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Điều 18. Đình chỉ các hoạt động khi không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Các hoạt động, hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này đã hết thời hạn tạm đình chỉ mà không khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có nguy cơ cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng thì bị đình chỉ hoạt động.

2. Thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.  

Chương 3:

CHỮA CHÁY RỪNG 

Điều 19. Các biện pháp chữa cháy rừng

Trong công tác chữa cháy rừng trước hết phải được thực hiện và giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Các biện pháp chữa cháy rừng gồm có:

1. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện và thiết bị, dụng cụ để chữa cháy.

a) Đối với rừng có thể đưa phương tiện cơ giới vào chữa cháy thì phải huy động tối đa phương tiện cơ giới để chữa cháy;

b) Đối với rừng mà phương tiện cơ giới chữa cháy không thể tiếp cận được thì phải huy động tối đa lực lượng và các phương tiện khác để chữa cháy.

2. Tạo đường băng cản lửa, khoanh vùng cô lập đám cháy.

3. Áp dụng "biện pháp đốt trước có kiểm soát" để chữa cháy khi có đủ điều kiện cho phép.

4. Đào kênh, mương, rãnh để chống cháy ngầm và chữa cháy.

5. Các biện pháp chữa cháy khác.

Điều 20. Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng phải đảm bảo các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:

a) Đề ra chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp, điều kiện phòng cháy và chữa cháy rừng quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Nghị định này;

b) Đề ra các tình huống cháy cụ thể có thể xảy ra, khả năng cháy lan, phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau và tình huống cháy lớn phức tạp nhất;

c) Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy.

2. Chủ rừng chịu trách nhiệm xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

Trường hợp phương án phòng cháy và chữa cháy cần huy động lực lượng phương tiện chữa cháy của lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng, của các chủ rừng và lực lượng, phương tiện khác do cơ quan Kiểm lâm quản lý thì chủ rừng đề nghị cơ quan Kiểm lâm hướng dẫn xây dựng phương án.

Trường hợp phương án phòng cháy và chữa cháy cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức hoặc địa phương tham gia thì chủ rừng đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hướng dẫn xây dựng phương án.

Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng phải được bổ sung chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

3. Thẩm quyền phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình;

b) Thủ trưởng Kiểm lâm cấp tỉnh và thủ trưởng Kiểm lâm cấp huyện, phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng có sử dụng lực lượng, phương tiện của lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý của mình;

c) Cục trưởng Cục Kiểm lâm phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy đối với các loại rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; trường hợp cần thiết thì trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt;

d) Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức ở địa phương; trường hợp cần thiết thì do Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của Quân đội đóng ở địa phương;

e) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức, của nhiều địa phương, bộ, ngành; trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Công an hoặc người được ủy quyền phê duyệt; trường hợp đặc biệt thì Bộ trưởng Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Trách nhiệm thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

a) Chủ rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng. Phương án phòng cháy và chữa cháy phải được thực tập định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần vào trước mùa hanh khô và thực tập đột xuất khi có yêu cầu;

b) Lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ;

c) Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hướng dẫn, kiểm tra việc thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định mẫu "Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng" và thời hạn phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 21. Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy rừng

1. Người phát hiện thấy cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị sau đây biết:

a) Chủ rừng;

b) Đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi gần nhất;

c) Chính quyền địa phương sở tại;

d) Cơ quan Kiểm lâm sở tại hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất;

đ) Đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy nơi gần nhất.

2. Cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này khi nhận được tin báo về vụ cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý thì phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết để chi viện chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của mình.

3. Người có mặt tại nơi xảy ra cháy phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy phải tuân theo lệnh của người chỉ huy chữa cháy.

4. Chủ rừng và các lực lượng công an, kiểm lâm, quân đội, dân quân tự vệ, cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 33 Luật Phòng cháy và chữa cháy và quy định tại Nghị định này.

Điều 22. Huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy rừng

1. Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy rừng được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.

2. Việc huy động xe ưu tiên, người và phương tiện của quân đội, của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam để tham gia chữa cháy rừng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.

Điều 23. Người chỉ huy chữa cháy rừng

Người chỉ huy chữa cháy rừng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và điểm d, đ khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Điều 24. Hoàn trả và bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy rừng

1. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để phục vụ chữa cháy rừng được hoàn trả sau khi chữa cháy; trường hợp phương tiện, tài sản bị mất mát, hư hỏng, nhà, công trình bị phá dỡ, diện tích rừng bị chặt hạ thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí bồi thường thiệt hại được cấp từ ngân sách nhà nước.

Tài sản huy động chữa cháy rừng của chủ rừng nào thì chủ rừng đó có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết việc bồi thường thiệt hại do chữa cháy rừng gây ra.

Chương 4:

TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG VÀ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG 

Điều 25. Tổ chức, quản lý lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Những chủ rừng là cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý, duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy rừng và ban hành Quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và bảo đảm các điều kiện để duy trì hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý, duy trì hoạt động của các đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý của mình; chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng đối với lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo và phối hợp với cơ quan Kiểm lâm thực hiện những quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định cụ thể về tổ chức tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng; chế độ quản lý, duy trì hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 26. Huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng

Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.

Điều 27. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng gồm có phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng như quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 39 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và các phương tiện chuyên dùng để phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công an quy định định mức, tiêu chuẩn trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng và các loại rừng.

Chương 5:

ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG 

Điều 28. Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng

Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng gồm:

1. Ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí đầu tư của chủ rừng.

3. Thu từ nguồn bảo hiểm cháy, nổ.

4. Tài trợ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật

Điều 29. Sử dụng nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng được sử dụng cho các nội dung sau đây:

a) Đầu tư cho hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, lực lượng Kiểm lâm và lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng;

b) Tuyên truyền và xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Khen thưởng trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng;

d) Hỗ trợ bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Nghị định này;

đ) Hỗ trợ tổ chức diễn tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng;

e) Bồi dưỡng cho người tham gia chữa cháy rừng;

g) Hỗ trợ các hoạt động khác về phòng cháy và chữa cháy rừng;

h) Đầu tư cho Quân đội để mua sắm phương tiện chuyên dùng phòng cháy và chữa cháy rừng, hỗ trợ tổ chức diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, chi trả để bù vào dự trữ khi sử dụng các phương tiện của Quân đội tham gia chữa cháy rừng, khen thưởng trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Ngân sách đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Kinh phí bảo đảm các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị kiêm nhiệm của Quân đội, các chủ rừng là cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước và các địa phương được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Các chủ rừng không thụ hưởng ngân sách nhà nước tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định.

Điều 31. Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ trong các lĩnh vực sau đây:

a) Hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng;

b) Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng;

d) Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Nhà nước khuyến khích nghiên cứu sản xuất, lắp ráp trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Nhà nước. 

Chương 6:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

 

Điều 32. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đề xuất và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc.

2. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động các cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực tham gia phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Chỉ đạo việc tổ chức, xây dựng lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng trong phạm vi cả nước.

5. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị có liên quan của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác về phòng cháy và chữa cháy rừng.

6. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình phòng cháy và chữa cháy rừng; tiến hành sơ kết, tổng kết về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng; lập kế hoạch, biện pháp, giải pháp phòng cháy và chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp cho từng thời gian.

7. Lập kế hoạch, dự trù kinh phí hàng năm cho công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 33. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi cả nước và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy rừng quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Ban hành các chỉ thị, quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng có liên quan cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh và các đơn vị Quân đội phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Công an ở địa phương tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, tham gia phương án phòng cháy và chữa cháy rừng tại nơi đơn vị đóng quân, địa bàn hoạt động của đơn vị mình; tổ chức thực hiện những quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng đối với những diện tích rừng được khoán bảo vệ hoặc trồng rừng.

2. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng tham gia tuần tra và sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng theo lệnh huy động của người có thẩm quyền.

4. Huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị quân đội tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Điều 35. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng và có trách nhiệm cụ thể sau:

1. Ban hành các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng tại địa phương.

2. Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng; xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền.

4. Hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy rừng cho nhân dân, xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

5. Đầu tư ngân sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng.

6. Chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

7. Chỉ đạo tổ chức chữa cháy rừng, điều tra nguyên nhân gây cháy rừng và khắc phục hậu quả vụ cháy rừng.

8. Quy hoạch địa điểm, đề xuất cấp đất và xây dựng doanh trại cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy rừng.

9. Thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 36. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về phòng cháy và chữa cháy liên quan đến rừng trong phạm vi và thẩm quyền của mình.

2. Phối hợp với Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Huy động lực lượng, phương tiện trong phạm vi quản lý của mình để tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

4. Thống kê báo cáo Chính phủ, Bộ Công an về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 37. Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương

1. Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ Công an và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tổ chức tuyên truyền về phòng cháy và chữa cháy rừng; thông báo các bản tin dự báo cháy rừng trong các thời điểm cần thiết. 

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM 

Điều 38. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng hoặc có công phát hiện, ngăn chặn những hành vi phá hoại, khắc phục và hạn chế những thiệt hại do cháy rừng gây ra sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước về thi đua khen thưởng.

Điều 39. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân nếu vi phạm quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

Điều 40. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 22/CP ngày 09 tháng 3 năm 1995 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. Những nội dung khác về phòng cháy và chữa cháy rừng không quy định tại Nghị định này được thực hiện theo Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Điều 41. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

Các Bộ trưởng: Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./

 

.

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
 



Phan Văn Khải

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 về phòng cháy và chữa cháy rừng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


39.027

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.197.237
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!