Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Bộ luật Lao động 1994 35-L/CTN

Số hiệu: 35-L/CTN Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nông Đức Mạnh
Ngày ban hành: 23/06/1994 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35-L/CTN

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 1994

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG

CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

LỜI NÓI ĐẦU

Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội. Lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước.

Pháp luật lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và của người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn lao động, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, vì vậy có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của quốc gia.

Kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Bộ Luật Lao động thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 về lao động, về sử dụng và quản lý lao động.

Bộ Luật Lao động bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tạo Điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà và ổn định, góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động trí óc và lao động chân tay, của người quản lý lao động, nhằm đạt năng suất, chất lượng và tiến bộ xã hội trong lao động, sản xuất, dịch vụ, hiệu quả trong sử dụng và quản lý lao động, góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bộ Luật Lao động Điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động.

Điều 2.

Bộ Luật Lao động được áp dụng đối với mọi người lao động, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu.

Bộ luật này cũng được áp dụng đối với người học nghề, người giúp việc gia đình và một số loại lao động khác được quy định tại Bộ luật này.

Điều 3. Công dân Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tại các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam và người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức và cho cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc phạm vi áp dụng của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 4. Chế độ lao động đối với công chức, viên chức Nhà nước, người giữ các chức vụ được bầu, cử hoặc bổ nhiệm, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, người thuộc các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội khác và xã viên hợp tác xã do các văn bản pháp luật khác quy định nhưng tuỳ từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này.

Điều 5.

1- Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.

2- Cấm ngược đãi người lao động; cấm cưỡng bức người lao động dưới bất kỳ hình thức nào.

3- Mọi hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động đều được Nhà nước khuyến khích, tạo Điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ.

Điều 6.

Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, nếu là cá nhân thì ít nhất phải đủ 18 tuổi, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động.

Điều 7.

1- Người lao động được trả lương trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định và theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; được bảo hộ lao động, làm việc trong những Điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hàng năm có lương và được bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Nhà nước quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ và các loại lao động có đặc Điểm riêng.

2- Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn theo Luật công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; được hưởng phúc lợi tập thể, tham gia quản lý doanh nghiệp theo nội quy của doanh nghiệp và quy định của pháp luật.

3- Người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động và tuân theo sự Điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động.

4- Người lao động có quyền đình công theo quy định của pháp luật.

Điều 8.

1- Người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, Điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; có quyền khen thưởng và xử lý các vi phạm kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật lao động.

2- Người sử dụng lao động có quyền cử đại diện để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp hoặc thoả ước lao động tập thể ngành; có trách nhiệm cộng tác với công đoàn bàn bạc các vấn đề về quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

3- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và những thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm và đối xử đúng đắn với người lao động.

Điều 9.

Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác lập và tiến hành qua thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, thực hiện đầy đủ những Điều đã cam kết.

Nhà nước khuyến khích những thoả thuận bảo đảm cho người lao động có những Điều kiện thuận lợi hơn so với những quy định của pháp luật lao động.

Người lao động và người sử dụng lao động có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Nhà nước khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp lao động bằng hoà giải và trọng tài.

Điều 10.

1- Nhà nước thống nhất quản lý nguồn nhân lực và quản lý lao động bằng pháp luật và có chính sách để phát triển, phân bố nguồn nhân lực, phát triển đa dạng các hình thức sử dụng lao động và dịch vụ việc làm.

2- Nhà nước hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà và ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Điều 11.

Nhà nước khuyến khích việc quản lý lao động dân chủ, công bằng, văn minh trong doanh nghiệp và mọi biện pháp, kể cả việc trích thưởng từ lợi nhuận của doanh nghiệp, làm cho người lao động quan tâm đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhằm đạt hiệu quả cao trong quản lý lao động, sản xuất của doanh nghiệp.

Nhà nước có chính sách để người lao động mua cổ phần, góp vốn phát triển doanh nghiệp.

Điều 12. Công đoàn tham gia cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động; tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của Pháp Luật Lao động.

Chương 2:

VIỆC LÀM

Điều 13.

Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm.

Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Điều 14.

1- Nhà nước định chỉ tiêu tạo việc làm mới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, tạo Điều kiện cần thiết, hỗ trợ tài chính, cho vay vốn hoặc giảm, miễn thuế và áp dụng các biện pháp khuyến khích khác để người có khả năng lao động tự giải quyết việc làm, để các tổ chức, đơn vị và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển nhiều nghề mới nhằm tạo việc làm cho nhiều người lao động.

2- Nhà nước có chính sách ưu đãi về giải quyết việc làm để thu hút và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số.

3- Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo Điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, để giải quyết việc làm cho người lao động.

Điều 15.

1- Chính phủ lập chương trình quốc gia về việc làm, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, di dân phát triển vùng kinh tế mới gắn với chương trình giải quyết việc làm; lập quỹ quốc gia về việc làm từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác, phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm. Hàng năm Chính phủ trình Quốc hội quyết định chương trình và quỹ quốc gia về việc làm.

2- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập chương trình và quỹ giải quyết việc làm của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

3- Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia thực hiện các chương trình và quỹ giải quyết việc làm.

Điều 16.

1- Người lao động có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Người cần tìm việc làm có quyền trực tiếp liên hệ để tìm việc hoặc đăng ký tại các tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc tuỳ theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình.

2- Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức dịch vụ việc làm để tuyển chọn lao động, có quyền tăng giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 17.

1- Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ một năm trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương.

2- Khi cần cho nhiều người thôi việc theo Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và thâm niên làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc, sau khi đã trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Bộ luật này. Việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cho cơ quan lao động địa phương biết.

3- Các doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm theo quy định của Chính phủ để kịp thời trợ cấp cho người lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm.

4- Chính phủ có chính sách và biện pháp tổ chức dạy nghề, đào tạo lại, hướng dẫn sản xuất kinh doanh, cho vay vốn với lãi suất thấp từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo Điều kiện để người lao động tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm; hỗ trợ về tài chính cho những địa phương và ngành có nhiều người thiếu việc làm hoặc mất việc làm do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ.

Điều 18.

1- Tổ chức dịch vụ việc làm được thành lập theo quy định của pháp luật có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu, cung ứng và giúp tuyển lao động, thu thập và cung ứng thông tin về thị trường lao động. Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ được tiến hành sau khi có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2- Tổ chức dịch vụ việc làm được thu lệ phí, được Nhà nước xét giảm, miễn thuế và được tổ chức dạy nghề theo các quy định tại Chương III của Bộ luật này.

3- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý Nhà nước đối với các tổ chức dịch vụ việc làm trong cả nước.

Điều 19.

Cấm mọi hành vi dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Chương 3:

HỌC NGHỀ

Điều 20.

1- Mọi người có quyền tự do lựa chọn nghề và nơi học nghề phù hợp với nhu cầu việc làm của mình.

2- Doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có đủ Điều kiện theo quy định của pháp luật được mở cơ sở dạy nghề.

Chính phủ ban hành quy định về việc mở các cơ sở dạy nghề.

Điều 21.

1- Cơ sở dạy nghề phải đăng ký, hoạt động theo quy định về dạy nghề, được thu học phí và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

2- Cơ sở dạy nghề cho thương binh, bệnh binh, người tàn tật, người dân tộc thiểu số hoặc ở những nơi có nhiều người thiếu việc làm, mất việc làm, các cơ sở dạy nghề truyền thống, kèm cặp tại xưởng, tại nhà được xét giảm, miễn thuế.

Điều 22. Người học nghề ở cơ sở dạy nghề ít nhất phải đủ 13 tuổi, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề theo học.

Điều 23.

1- Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động và đào tạo lại trước khi chuyển người lao động sang làm nghề khác trong doanh nghiệp.

2- Doanh nghiệp tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc tại doanh nghiệp theo thời hạn cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề thì không phải đăng ký và không được thu học phí. Thời gian học nghề, tập nghề được tính vào thâm niên làm việc tại doanh nghiệp. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp thì người học nghề, tập nghề được trả công theo mức do hai bên thoả thuận.

Điều 24.

1- Việc học nghề phải có hợp đồng học nghề bằng văn bản hoặc bằng miệng giữa người học nghề với người dạy nghề hoặc đại diện cơ sở dạy nghề. Nếu ký kết hợp đồng học nghề bằng văn bản, thì phải làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.

2- Nội dung chủ yếu của hợp đồng học nghề phải bao gồm Mục tiêu đào tạo, địa Điểm học, mức học phí, thời hạn học, mức bồi thường khi vi phạm hợp đồng.

3- Trong trường hợp doanh nghiệp nhận người vào học nghề để sử dụng thì hợp đồng học nghề phải có cam kết về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp và phải bảo đảm ký kết hợp đồng lao động sau khi học xong. Người học nghề sau khi học xong, nếu không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường phí dạy nghề.

4- Trong trường hợp hợp đồng học nghề chấm dứt trước thời hạn vì lý do bất khả kháng thì không phải bồi thường.

Điều 25. Nghiêm cấm mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, truyền nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, tập nghề vào những hoạt động trái pháp luật.

Chương 4:

HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Điều 26. Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, Điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Điều 27.

1- Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm.

2- Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ một năm trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Điều 28. Hợp đồng lao động được ký kết bằng văn bản và phải được làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Đối với một số công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới ba tháng hoặc đối với lao động giúp việc gia đình thì các bên có thể giao kết bằng miệng. Trong trường hợp giao kết bằng miệng, thì các bên đương nhiên phải tuân theo các quy định của pháp luật lao động.

Điều 29.

1- Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây: công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa Điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, Điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

2- Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung.

3- Trong trường hợp phát hiện hợp đồng lao động có nội dung nói tại Khoản 2 Điều này, thì Thanh tra lao động hướng dẫn cho các bên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu các bên không sửa đổi, bổ sung thì Thanh tra lao động có quyền buộc huỷ bỏ các nội dung đó.

Điều 30.

1- Hợp đồng lao động được giao kết trực tiếp giữa người lao động với người sử dụng lao động.

2- Hợp đồng lao động có thể được ký kết giữa người sử dụng lao động với người được uỷ quyền hợp pháp thay mặt cho nhóm người lao động; trong trường hợp này hợp đồng có hiệu lực như ký kết với từng người.

3- Người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động, với một hoặc nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết.

4- Công việc theo hợp đồng lao động phải do người giao kết thực hiện, không được giao cho người khác, nếu không có sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Điều 31. Trong trường hợp sáp nhập, phân chia doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động cho tới khi hai bên thoả thuận sửa đổi, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Điều 32.

Người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền, nghĩa vụ của hai bên. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không được quá 30 ngày đối với lao động khác.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động vào làm việc chính thức như đã thoả thuận.

Điều 33.

Hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thoả thuận.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động có thể được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Điều 34.

1- Khi gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày trong một năm.

2- Khi tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất ba ngày, phải báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ và giới tính của người lao động.

3- Người lao động tạm thời làm công việc khác theo quy định tại Khoản 1 Điều này, được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 70% mức tiền lương cũ nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 35.

1- Hợp đồng lao động được tạm hoãn thực hiện trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật quy định;

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam;

c) Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

2- Hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3- Việc nhận lại người lao động bị tạm giữ, tạm giam khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động do Chính phủ quy định.

Điều 36.

Hợp đồng lao động chấm dứt trong những trường hợp sau đây:

1- Hết hạn hợp đồng;

2- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;

3- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng;

4- Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của Toà án;

5- Người lao động chết; mất tích theo tuyên bố của Toà án.

Điều 37.

1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa Điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các Điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng;

b) Không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn theo hợp đồng;

c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy Nhà nước;

e) Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc.

2- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, b và c: ít nhất ba ngày;

b) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ: ít nhất ba mươi ngày nếu là hợp đồng xác định thời hạn từ một năm đến ba năm; ít nhất ba ngày nếu là hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm;

c) Đối với trường hợp quy định tại Điểm e: theo thời hạn quy định tại Điều 112 của Bộ luật này.

3- Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.

Điều 38.

1- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;

b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật này;

c) Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã Điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn ốm đau đã Điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động dưới một năm ốm đau đã Điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động;

d) Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.

2- Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan lao động biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

3- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm;

c) Ít nhất ba ngày đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm.

Điều 39.

Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

1- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang Điều trị, Điều dưỡng theo quyết định của thầy thuốc, trừ trường hợp quy định tại Điểm c và Điểm đ Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này;

2- Người lao động đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động cho phép;

3- Người lao động là nữ trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 111 của Bộ luật này.

Điều 40. Mỗi bên có thể từ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước. Khi hết thời hạn báo trước, mỗi bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều 41.

1- Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm việc và phải bồi thường một Khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày người lao động không được làm việc. Trong trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc, thì ngoài Khoản tiền được bồi thường tương ứng với tiền lương trong những ngày không được làm việc, người lao động còn được trợ cấp theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 của Bộ luật này.

2- Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc.

3- Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường phí đào tạo nếu có, theo quy định của Chính phủ.

4- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một Khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Điều 42.

1- Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có.

2- Khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 85 của Bộ luật này, người lao động không được trợ cấp thôi việc.

Điều 43.

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các Khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì các Khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động được thanh toán theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.

Người sử dụng lao động ghi lý do chấm dứt hợp đồng lao động vào sổ lao động và có trách nhiệm trả lại sổ cho người lao động. Ngoài các quy định trong sổ lao động, người sử dụng lao động không được nhận xét thêm Điều gì trở ngại cho người lao động tìm việc làm mới.

Chương 5:

THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Điều 44.

1- Thoả ước lao động tập thể (sau đây gọi tắt là thoả ước tập thể) là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các Điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động.

Thoả ước tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai.

2- Nội dung thoả ước tập thể không được trái với các quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác.

Nhà nước khuyến khích việc ký kết thoả ước tập thể với những quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động.

Điều 45.

1- Đại diện thương lượng thoả ước tập thể của hai bên gồm:

a) Bên tập thể lao động là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn lâm thời;

b) Bên người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền theo Điều lệ tổ chức doanh nghiệp hoặc có giấy uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp.

Số lượng đại diện thương lượng thoả ước tập thể của các bên do hai bên thoả thuận nhưng phải ngang nhau.

2- Đại diện ký kết của bên tập thể lao động là Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người có giấy uỷ quyền của Ban chấp hành công đoàn. Đại diện ký kết của bên người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người có giấy uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp.

3- Việc ký kết thoả ước tập thể chỉ được tiến hành khi có trên 50% số người của tập thể lao động trong doanh nghiệp tán thành nội dung thoả ước đã thương lượng.

Điều 46.

1- Mỗi bên đều có quyền đề xuất yêu cầu ký kết và nội dung thoả ước tập thể. Khi nhận được yêu cầu, bên nhận yêu cầu phải chấp nhận việc thương lượng và phải thoả thuận thời gian bắt đầu thương lượng chậm nhất 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

2- Nội dung chủ yếu của thoả ước tập thể gồm những cam kết về việc làm và bảo đảm việc làm; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương; định mức lao động; an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Điều 47.

1- Thoả ước tập thể đã ký kết phải làm thành 4 bản, trong đó:

a) Một bản do người sử dụng lao động giữ;

b) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở giữ;

c) Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở gửi công đoàn cấp trên;

d) Một bản do người sử dụng lao động gửi cơ quan lao động cấp tỉnh chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày ký kết để đăng ký.

Những doanh nghiệp có cơ sở ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc đăng ký thoả ước tập thể được tiến hành ở cơ quan lao động cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp.

2- Thoả ước tập thể có hiệu lực kể từ ngày được cơ quan lao động cấp tỉnh đăng ký. Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản thoả ước tập thể, cơ quan lao động cấp tỉnh phải thông báo việc đăng ký. Nếu hết thời hạn trên mà không có thông báo thì thoả ước tập thể đương nhiên có hiệu lực.

Điều 48.

1- Thoả ước tập thể bị coi là vô hiệu từng phần khi một hoặc một số Điều Khoản trong thoả ước chưa được cơ quan lao động cấp tỉnh chấp thuận, các Điều Khoản khác đã được đăng ký vẫn có hiệu lực thi hành.

2- Thoả ước tập thể thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là vô hiệu toàn bộ:

a) Toàn bộ nội dung thoả ước trái pháp luật;

b) Người ký kết thoả ước không đúng thẩm quyền;

c) Không tiến hành theo đúng trình tự ký kết;

d) Không đăng ký ở cơ quan lao động cấp tỉnh.

3- Việc tuyên bố huỷ bỏ các thoả ước tập thể bị coi là vô hiệu trong trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, thuộc thẩm quyền của cơ quan lao động cấp tỉnh. Đối với các thoả ước tập thể trong các trường hợp quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 2 Điều này, nếu nội dung đã ký kết có lợi cho người lao động thì cơ quan lao động cấp tỉnh hướng dẫn để các bên làm lại cho đúng quy định, nếu không làm lại thì bị cơ quan lao động cấp tỉnh tuyên bố huỷ bỏ.

Điều 49.

1- Khi thoả ước tập thể đã có hiệu lực, người sử dụng lao động phải thông báo cho mọi người lao động trong doanh nghiệp biết. Mọi người trong doanh nghiệp, kể cả người vào làm việc sau ngày ký kết đều có trách nhiệm thực hiện đầy đủ thoả ước tập thể.

2- Trong trường hợp quyền lợi của người lao động đã thoả thuận trong hợp đồng lao động thấp hơn so với thoả ước tập thể, thì phải thực hiện những Điều Khoản tương ứng của thoả ước tập thể. Mọi quy định về lao động trong doanh nghiệp phải được sửa đổi cho phù hợp với thoả ước tập thể.

3- Khi một bên cho rằng bên kia thi hành không đầy đủ hoặc vi phạm thoả ước tập thể, thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thoả ước và hai bên phải cùng nhau xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo trình tự do pháp luật quy định.

Điều 50.

Thoả ước tập thể được ký kết với thời hạn từ một năm đến ba năm. Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thoả ước tập thể, thì có thể ký kết với thời hạn dưới một năm.

Chỉ sau ba tháng thực hiện, kể từ ngày có hiệu lực đối với thoả ước tập thể thời hạn dưới một năm và sau sáu tháng đối với thoả ước tập thể thời hạn từ một năm đến ba năm, các bên mới có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước. Việc sửa đổi, bổ sung được tiến hành theo trình tự như ký kết thoả ước tập thể.

Điều 51. Trước khi thoả ước tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn thoả ước tập thể hoặc ký kết thoả ước tập thể mới. Khi thoả ước tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thoả ước tập thể vẫn có hiệu lực. Nếu quá ba tháng, kể từ ngày thoả ước tập thể hết hạn mà thương lượng không đi đến kết quả, thì thoả ước tập thể đương nhiên hết hiệu lực.

Điều 52.

1- Trong trường hợp phân chia doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện thoả ước tập thể cho tới khi hết hạn hoặc tới khi ký kết thoả ước tập thể mới.

Trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp, việc thực hiện thoả ước tập thể do Chính phủ quy định.

2- Trong trường hợp thoả ước tập thể hết hiệu lực do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, thì quyền lợi của người lao động được giải quyết theo Điều 66 của Bộ luật này.

Điều 53.

Người sử dụng lao động chịu mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, đăng ký, sửa đổi, bổ sung, công bố thoả ước tập thể.

Các đại diện tập thể lao động là người lao động do doanh nghiệp trả lương, thì vẫn được trả lương trong thời gian tham gia thương lượng, ký kết thoả ước tập thể.

Điều 54. Những quy định tại Chương này được áp dụng cho việc thương lượng và ký kết thoả ước tập thể ngành.

Chương 6:

TIỀN LƯƠNG

Điều 55. Tiền lương của người lao động do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 56.

Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong Điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác.

Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành cho từng thời kỳ sau khi lấy ý kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.

Khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Chính phủ Điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm tiền lương thực tế.

Điều 57. Chính phủ công bố thang lương, bảng lương để làm cơ sở tính các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương khi làm thêm giờ, làm đêm, ngừng việc, nghỉ hàng năm và các trường hợp nghỉ việc khác của người lao động sau khi lấy ý kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.

Điều 58.

1- Người sử dụng lao động có quyền chọn các hình thức trả lương theo thời gian (giờ, ngày, tuần, tháng), theo sản phẩm, theo khoán nhưng phải duy trì hình thức trả lương đã chọn trong một thời gian nhất định và phải thông báo cho người lao động biết.

2- Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc ấy hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

3- Người lao động hưởng lương tháng được trả lương cả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.

4- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán, được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Điều 59.

1- Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc.

Trong trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm, thì không được chậm quá một tháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một Khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời Điểm trả lương.

2- Lương được trả bằng tiền mặt. Việc trả lương một phần bằng séc hoặc ngân phiếu do Nhà nước phát hành, do hai bên thoả thuận với Điều kiện không gây thiệt hại, phiền hà cho người lao động.

Điều 60.

1- Người lao động có quyền được biết lý do mọi Khoản khấu trừ vào tiền lương của mình. Trước khi khấu trừ tiền lương của người lao động, người sử dụng lao động phải thảo luận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở; trường hợp khấu trừ thì cũng không được khấu trừ quá 30% tiền lương hàng tháng.

2- Người sử dụng lao động không được áp dụng việc xử phạt bằng hình thức cúp lương của người lao động.

Điều 61.

1- Người lao động làm thêm giờ được trả lương như sau:

a) Vào ngày thường, được trả lương ít nhất bằng 150% của tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường;

b) Vào ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày lễ, được trả lương ít nhất bằng 200% của tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường.

Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì còn được trả thêm theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Nếu người lao động được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì người sử dụng lao động chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương giờ của ngày làm việc bình thường.

2- Người lao động làm việc vào ban đêm quy định tại Điều 70 của Bộ luật này, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% của tiền lương làm việc vào ban ngày.

Điều 62.

Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;

2- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc vì những nguyên nhân bất khả kháng, thì tiền lương do hai bên thoả thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Điều 63. Các chế độ phụ cấp, tiền thưởng, nâng bậc lương, các chế độ khuyến khích khác có thể được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước tập thể hoặc quy định trong quy chế của doanh nghiệp.

Điều 64. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trích từ lợi nhuận hàng năm để thưởng cho người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp từ một năm trở lên, theo quy định của Chính phủ phù hợp với đặc Điểm của từng loại doanh nghiệp.

Điều 65.

1- Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người ấy kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân theo quy định của pháp luật về trả công lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động.

2- Nếu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự trả thiếu hoặc không trả lương và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động, thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho người lao động. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Điều 66. Trong trường hợp sáp nhập, phân chia doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm trả lương và các quyền lợi khác cho người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết là Khoản nợ trước hết trong thứ tự ưu tiên thanh toán.

Điều 67.

1- Khi bản thân hoặc gia đình gặp khó khăn, người lao động được tạm ứng tiền lương theo Điều kiện do hai bên thoả thuận.

2- Người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương cho người lao động phải tạm thời nghỉ việc để làm các nghĩa vụ công dân.

3- Việc tạm ứng tiền lương cho người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Chính phủ.

Chương 7:

THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

Mục I: THỜI GIỜ LÀM VIỆC

Điều 68

1- Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.

2- Thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn từ một đến hai giờ đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh Mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Điều 69. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận làm thêm giờ, nhưng không được quá bốn giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm.

Điều 70. Thời giờ làm việc ban đêm tính từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ, tuỳ theo vùng khí hậu do Chính phủ quy định.

Mục II: THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

Điều 71.

1- Người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc.

2- Người làm ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc.

3- Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

Điều 72.

1- Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục).

2- Người sử dụng lao động có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào chủ nhật hoặc vào một ngày cố định khác trong tuần.

3- Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần thì người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất là bốn ngày.

Điều 73.

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương những ngày lễ sau đây:

- Tết dương lịch: một ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch).

- Tết âm lịch: bốn ngày (một ngày cuối năm và ba ngày đầu năm âm lịch).

- Ngày Chiến thắng: một ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).

- Ngày Quốc tế lao động: một ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch).

- Ngày Quốc khánh: một ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch).

Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.

Điều 74.

1- Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau đây:

a) 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong Điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có Điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;

c) 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có Điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

2- Thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm do Chính phủ quy định.

Điều 75. Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động, cứ năm năm được nghỉ thêm một ngày.

Điều 76.

1- Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở và phải thông báo trước cho mọi người trong doanh nghiệp.

2- Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hàng năm thành nhiều lần. Người làm việc ở nơi xa xôi hẻo lánh, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ của hai năm để nghỉ một lần; nếu nghỉ gộp ba năm một lần thì phải được người sử dụng lao động đồng ý.

3- Người lao động do thôi việc hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm, thì được trả lương những ngày chưa nghỉ.

Điều 77.

1- Khi nghỉ hàng năm, người lao động được ứng trước một Khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ. Tiền tàu xe và tiền lương của người lao động trong những ngày đi đường do hai bên thoả thuận.

2- Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền.

Mục III: NGHỈ VỀ VIỆC RIÊNG, NGHỈ KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG

Điều 78. Người lao động được nghỉ về việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

1- Kết hôn, nghỉ ba ngày;

2- Con kết hôn, nghỉ một ngày;

3- Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, nghỉ ba ngày.

Điều 79. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Mục IV: THỜI GIỜ LÀM VIỆC VÀ THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÁC CÔNG VIỆC CÓ TÍNH CHẤT ĐẶC BIỆT

Điều 80. Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của những người làm việc trên biển, trong hầm mỏ và làm các công việc có tính chất đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Điều 81. Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của những người làm hợp đồng không trọn ngày, không trọn tuần, làm khoán do người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận.

Chương 8:

KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT

Điều 82.

1- Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và Điều hành sản xuất, kinh doanh thể hiện trong nội quy lao động.

Nội quy lao động không được trái với pháp luật lao động và pháp luật khác. Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản.

2- Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.

3- Người sử dụng lao động phải đăng ký bản nội quy lao động tại cơ quan lao động cấp tỉnh. Nội quy lao động có hiệu lực, kể từ ngày được đăng ký. Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản nội quy lao động, cơ quan lao động cấp tỉnh phải thông báo việc đăng ký. Nếu hết thời hạn trên mà không có thông báo, thì bản nội quy lao động đương nhiên có hiệu lực.

Điều 83.

1- Nội quy lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi;

b) Trật tự trong doanh nghiệp;

c) An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;

d) Việc bảo vệ tài sản và bí mật công nghệ, kinh doanh của doanh nghiệp;

đ) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, các hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

2- Nội quy lao động phải được thông báo đến từng người và những Điểm chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết trong doanh nghiệp.

Điều 84.

1- Người vi phạm kỷ luật lao động, tuỳ theo mức độ phạm lỗi, bị xử lý theo một trong những hình thức sau đây:

a) Khiển trách;

b) Chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là sáu tháng;

c) Sa thải.

2- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

Điều 85.

1- Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;

b) Người lao động bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật;

c) Người lao động tự ý bỏ việc bảy ngày trong một tháng hoặc 20 ngày trong một năm mà không có lý do chính đáng.

2- Sau khi sa thải người lao động, người sử dụng lao động phải báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh biết.

Điều 86. Thời hiệu để xử lý vi phạm kỷ luật lao động tối đa là ba tháng, kể từ ngày xảy ra vi phạm, trường hợp đặc biệt cũng không được quá sáu tháng.

Điều 87.

1- Khi tiến hành việc xử lý vi phạm kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động.

2- Người lao động có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bào chữa.

3- Khi xem xét xử lý kỷ luật lao động phải có mặt đương sự và phải có sự tham gia của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.

4- Việc xem xét xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

Điều 88.

1- Người bị khiển trách sau ba tháng và người bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác sau sáu tháng, kể từ ngày bị xử lý, nếu không tái phạm thì đương nhiên được xoá kỷ luật.

2- Người bị xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác, sau khi chấp hành được một nửa thời hạn, nếu sửa chữa tiến bộ, thì được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.

Điều 89. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về thiệt hại đã gây ra. Nếu gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất, thì phải bồi thường nhiều nhất ba tháng lương và bị khấu trừ dần vào lương theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.

Điều 90. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, làm mất các tài sản khác do doanh nghiệp giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì tuỳ trường hợp phải bồi thường thiệt hại một phần hay toàn bộ theo thời giá thị trường; trong trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trong trường hợp bất khả kháng thì không phải bồi thường.

Điều 91. Trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 89 và Điều 90 được áp dụng như quy định tại Điều 86 và Điều 87 của Bộ luật này.

Điều 92.

1- Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

2- Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá ba tháng. Trong thời gian đó, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người lao động phải được tiếp tục làm việc.

3- Nếu có lỗi mà bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền đã tạm ứng.

4- Nếu người lao động không có lỗi thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương và phụ cấp lương trong thời gian tạm đình chỉ công việc.

Điều 93. Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thoả đáng, có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

Điều 94. Khi cơ quan có thẩm quyền kết luận về quyết định xử lý của người sử dụng lao động là sai, thì người sử dụng lao động phải huỷ bỏ quyết định đó, xin lỗi công khai, khôi phục danh dự và mọi quyền lợi vật chất cho người lao động.

Chương 9:

AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 95.

1- Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện Điều kiện lao động cho người lao động. Người lao động phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp. Mọi tổ chức và cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và về bảo vệ môi trường.

2- Chính phủ lập chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của Nhà nước; đầu tư nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ, thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

3- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tham gia với Chính phủ trong việc xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Điều 96.

1- Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ và tàng trữ các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phải có luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường xung quanh theo quy định của pháp luật.

Danh Mục các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

2- Việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại máy, thiết bị, vật tư, năng lượng, điện, hoá chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, việc thay đổi công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động. Các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép với cơ quan thanh tra Nhà nước về an toàn lao động hoặc vệ sinh lao động.

Điều 97. Người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường.

Điều 98.

1- Người sử dụng lao động phải định kỳ kiểm tra, tu sửa máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động.

2- Người sử dụng lao động phải có đủ các phương tiện che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy, thiết bị trong doanh nghiệp; nơi làm việc, nơi đặt máy, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại trong doanh nghiệp, phải bố trí đề phòng sự cố, có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đặt ở vị trí mà mọi người dễ thấy, dễ đọc.

Điều 99.

1- Trong trường hợp nơi làm việc, máy, thiết bị có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc phải ra lệnh ngừng hoạt động tại nơi làm việc và đối với máy, thiết bị đó cho tới khi nguy cơ được khắc phục.

2- Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe doạ nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khoẻ của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục.

Điều 100. Nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, dễ gây tai nạn lao động phải được người sử dụng lao động trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế và trang bị bảo hộ lao động thích hợp để bảo đảm ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động.

Điều 101.

Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.

Người sử dụng lao động phải bảo đảm các phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn chất lượng và quy cách theo quy định của pháp luật.

Điều 102.

Khi tuyển dụng và sắp xếp lao động, người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khoẻ quy định cho từng loại việc, tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh và những khả năng tai nạn cần đề phòng trong công việc của từng người lao động.

Người lao động phải được khám sức khoẻ khi tuyển dụng và khám sức khoẻ định kỳ theo chế độ quy định. Chi phí khám sức khoẻ cho người lao động do người sử dụng lao động chịu.

Điều 103. Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức chăm lo sức khoẻ cho người lao động và phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động khi cần thiết.

Điều 104.

Người làm việc trong Điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được bồi dưỡng bằng hiện vật, hưởng chế độ ưu đãi về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.

Người làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng, khi hết giờ làm việc phải được người sử dụng lao động bảo đảm các biện pháp khử độc, khử trùng, vệ sinh cá nhân.

Điều 105.

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và Điều trị chu đáo. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 106.

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do Điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Danh Mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.

Người bị bệnh nghề nghiệp phải được Điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khoẻ riêng biệt.

Điều 107.

1- Người tàn tật do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được phục hồi chức năng lao động; nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.

2- Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi Điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một Khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội.

3- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trường hợp do lỗi của người lao động, thì cũng được trợ cấp một Khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng lương.

Điều 108.

Tất cả các vụ tai nạn lao động, các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp đều phải được khai báo, Điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chương 10:

NHỮNG QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ

Điều 109.

1- Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới, có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tạo Điều kiện để người lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn ngày, không trọn tuần, giao việc làm tại nhà.

2- Nhà nước có chính sách và biện pháp từng bước mở mang việc làm, cải thiện Điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

Điều 110.

1- Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ để ngoài nghề đang làm người lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để việc sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc Điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

2- Nhà nước có chính sách ưu đãi, xét giảm thuế đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

Điều 111.

1- Nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm phụ nữ.

Người sử dụng lao động phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động.

2- Người sử dụng lao động phải ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ tiêu chuẩn tuyển chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần.

3- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Điều 112. Người lao động nữ có thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải bồi thường theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này, nếu có giấy của thầy thuốc chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Trong trường hợp này, thời hạn mà người lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do thầy thuốc chỉ định.

Điều 113.

1- Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con, theo danh Mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Doanh nghiệp nào đang sử dụng lao động nữ làm các công việc nói trên phải có kế hoạch đào tạo nghề, chuyển dần người lao động nữ sang công việc khác phù hợp, tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khoẻ, cải thiện Điều kiện lao động hoặc giảm bớt thời giờ làm việc.

2- Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ bất kỳ độ tuổi nào làm việc thường xuyên dưới hầm mỏ hoặc ngâm mình dưới nước.

Điều 114.

1- Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ bốn đến sáu tháng do Chính phủ quy định, tuỳ theo Điều kiện lao động, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại và nơi xa xôi hẻo lánh. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Quyền lợi của người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản được quy định tại Điều 141 và Điều 144 của Bộ luật này.

2- Hết thời gian nghỉ thai sản quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, người lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động. Người lao động nữ có thể đi làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu đã nghỉ ít nhất được hai tháng sau khi sinh và có giấy của thầy thuốc chứng nhận việc trở lại làm việc sớm không có hại cho sức khoẻ và phải báo cho người sử dụng lao động biết trước. Trong trường hợp này, người lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản, ngoài tiền lương của những ngày làm việc.

Điều 115.

1- Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ có thai từ tháng thứ bảy hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa.

2- Người lao động nữ làm công việc nặng nhọc, khi có thai đến tháng thứ bảy, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3- Người lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc, mà vẫn hưởng đủ lương.

Điều 116.

1- Nơi có sử dụng lao động nữ, phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ.

2- Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo.

Điều 117.

1- Trong thời gian nghỉ việc để đi khám thai, để thực hiện biện pháp kế hoạch hoá gia đình hoặc do sảy thai; nghỉ để chăm sóc con dưới bảy tuổi ốm đau, nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi, người lao động nữ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc được người sử dụng lao động trả một Khoản tiền bằng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội. Thời gian nghỉ việc và chế độ trợ cấp nói tại Khoản này do Chính phủ quy định. Trường hợp người khác thay người mẹ chăm sóc con ốm đau, thì người mẹ vẫn được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

2- Hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và cả trong trường hợp được phép nghỉ thêm không hưởng lương, khi trở lại làm việc, người lao động nữ vẫn được bảo đảm chỗ làm việc.

Điều 118.

1- Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ phải phân công người trong bộ máy quản lý Điều hành doanh nghiệp làm nhiệm vụ theo dõi vấn đề lao động nữ; khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, phải tham khảo ý kiến của đại diện những người lao động nữ.

2- Trong số Thanh tra viên lao động phải có tỷ lệ thích đáng nữ Thanh tra viên.

Chương 11:

NHỮNG QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN VÀ MỘT SỐ LOẠI LAO ĐỘNG KHÁC

Mục I: LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN

Điều 119.

1- Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Nơi có sử dụng người lao động chưa thành niên phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi thanh tra viên lao động yêu cầu.

2- Nghiêm cấm lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên.

Điều 120.

Cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Đối với ngành nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng những trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

Điều 121.

Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động.

Cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh Mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Điều 122.

1- Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên không được quá bảy giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần.

2- Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc ban đêm trong một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Mục II: LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI CAO TUỔI

Điều 123.

Người lao động cao tuổi là người lao động nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi.

Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hàng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn ngày, không trọn tuần theo quy định của Chính phủ.

Điều 124.

1- Nếu có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi kéo dài thời hạn hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương IV của Bộ luật này.

2- Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

3- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ người lao động cao tuổi, không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người cao tuổi.

Mục III: LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI TÀN TẬT

Điều 125.

1- Nhà nước bảo hộ quyền làm việc của người tàn tật và khuyến khích việc thu nhận, tạo việc làm cho người tàn tật. Hàng năm, Nhà nước dành một Khoản ngân sách để giúp người tàn tật phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, học nghề và có chính sách cho vay với lãi suất thấp để người tàn tật tự tạo việc làm và tự ổn định đời sống.

2- Những nơi thu nhận người tàn tật vào học nghề được xét giảm thuế, được vay vốn với lãi suất thấp và được hưởng các ưu đãi khác để tạo Điều kiện cho người tàn tật học nghề.

3- Chính phủ quy định tỷ lệ lao động là người tàn tật đối với một số nghề và công việc mà doanh nghiệp phải nhận; nếu không nhận thì doanh nghiệp phải góp một Khoản tiền theo quy định của Chính phủ vào quỹ việc làm để góp phần giải quyết việc làm cho người tàn tật. Doanh nghiệp nào nhận người tàn tật vào làm việc vượt tỷ lệ quy định thì được Nhà nước hỗ trợ hoặc cho vay với lãi suất thấp để tạo Điều kiện làm việc thích hợp cho người lao động là người tàn tật.

4- Thời giờ làm việc của người tàn tật không được quá bảy giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần.

Điều 126.

Cơ sở dạy nghề và những cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được giúp đỡ cơ sở vật chất ban đầu về nhà xưởng, trường, lớp, trang bị, thiết bị và được miễn thuế, được vay vốn với lãi suất thấp.

Điều 127.

1- Những nơi dạy nghề cho người tàn tật hoặc sử dụng lao động là người tàn tật phải tuân theo những quy định về Điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp và thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của lao động là người tàn tật.

2- Cấm sử dụng người tàn tật đã bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc ban đêm.

3- Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động là người tàn tật làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh Mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Điều 128. Người lao động là thương binh, bệnh binh, ngoài các quyền lợi quy định tại các Điều trong Mục này, còn được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh.

Mục IV: LAO ĐỘNG CÓ TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN, KỸ THUẬT CAO

Điều 129.

1- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có quyền kiêm việc hoặc kiêm chức trên cơ sở giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, với Điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng lao động đã giao kết và phải báo cho người sử dụng lao động biết.

2- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao được bảo hộ về quyền tác giả theo quy định của pháp luật khi có giải pháp hữu ích và sáng chế, phát minh. Trường hợp công trình nghiên cứu do vốn đầu tư của doanh nghiệp tài trợ thì được chia hiệu quả kinh tế theo hợp đồng đã ký kết về đề tài nghiên cứu đó.

3- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có quyền nghỉ dài hạn không hưởng lương hoặc được hưởng một phần lương để nghiên cứu khoa học hoặc để học tập nâng cao trình độ mà vẫn được giữ chỗ làm việc, theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

4- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao được ưu tiên áp dụng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 124 của Bộ luật này.

5- Nếu tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh của nơi mình làm việc thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật này, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 89 và Điều 90 của Bộ luật này.

Điều 130.

1- Người sử dụng lao động có quyền giao kết hợp đồng lao động với bất kỳ người nào có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, kể cả công chức Nhà nước trong những công việc mà quy chế công chức không cấm.

2- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao được Nhà nước và người sử dụng lao động ưu đãi, tạo Điều kiện thuận lợi để không ngừng phát huy tài năng có lợi cho doanh nghiệp và có lợi cho đất nước. Những ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao không bị coi là phân biệt đối xử trong sử dụng lao động.

3- Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đến làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo và những vùng có nhiều khó khăn.

Mục V: LAO ĐỘNG CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM, NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM, LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 131. Công dân Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong khu chế xuất, trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam, hoặc làm việc cho cá nhân là người nước ngoài tại Việt Nam và người nước ngoài lao động tại Việt Nam đều phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật lao động Việt Nam bảo vệ.

Điều 132.

1- Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại Điều 131 của Bộ luật này muốn tuyển lao động là người Việt Nam phải thông qua tổ chức dịch vụ việc làm quy định tại Điều 18 của Bộ luật này. Nếu tổ chức dịch vụ việc làm giới thiệu hoặc tuyển lao động không đáp ứng yêu cầu, thì doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có quyền trực tiếp tuyển và phải báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

Đối với công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc công việc quản lý mà phía Việt Nam chưa đáp ứng được, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân được tuyển người nước ngoài cho một thời hạn nhất định nhưng phải có kế hoạch, chương trình đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó và thay thế họ.

2- Mức lương tối thiểu đối với người lao động là người Việt Nam làm việc trong các trường hợp quy định tại Điều 131 của Bộ luật này, do Chính phủ quyết định và công bố sau khi lấy ý kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.

3- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, việc giải quyết tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức và các trường hợp khác quy định tại Điều 131 của Bộ luật này, được thực hiện theo quy định của Chính phủ Việt Nam.

Điều 133.

1- Người nước ngoài làm việc thường xuyên cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cấp.

2- Người nước ngoài lao động tại Việt Nam được hưởng các quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 134.

1- Người lao động là công dân Việt Nam được phép đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động mà người đó chịu sự Điều hành của tổ chức, cá nhân nước ngoài, thì phải tuân theo các quy định của pháp luật lao động nước sở tại; nếu theo hiệp định về hợp tác lao động được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước sở tại thì phải tuân theo các quy định của pháp luật lao động nước sở tại và hiệp định đó.

2- Đối với người lao động là công dân Việt Nam được phép đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức nhận thầu, khoán công trình do doanh nghiệp Việt Nam Điều hành và trả lương, thì áp dụng các quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 135.

1- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có quyền được biết các quyền lợi và nghĩa vụ của mình, được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài bảo hộ về mặt lãnh sự và tư pháp, được quyền chuyển thu nhập bằng ngoại tệ và tài sản cá nhân về nước, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chính sách, chế độ khác theo quy định pháp luật của Việt Nam và của nước sở tại.

2- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nghĩa vụ đóng góp một phần tiền lương cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Mục VI: MỘT SỐ LOẠI LAO ĐỘNG KHÁC

Điều 136. Người làm nghề hoặc công việc đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật được áp dụng một số chế độ phù hợp về tuổi học nghề và tuổi nghỉ hưu; về ký kết hợp đồng lao động; về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; về tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng, an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của Chính phủ.

Điều 137.

1- Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm thường xuyên tại nhà mà vẫn được hưởng nguyên quyền lợi như người đang làm việc tại doanh nghiệp.

2- Người lao động làm việc tại nhà theo hình thức gia công không thuộc phạm vi áp dụng của Bộ luật này.

Điều 138. Ở những nơi sử dụng dưới 10 người lao động, thì người sử dụng lao động vẫn phải bảo đảm những quyền lợi cơ bản của người lao động theo quy định của Bộ luật này, nhưng được giảm, miễn áp dụng một số tiêu chuẩn và thủ tục do Chính phủ quy định.

Điều 139.

1- Người được thuê mướn để giúp việc trong gia đình có thể giao kết hợp đồng lao động bằng miệng hoặc bằng văn bản; nếu được thuê mướn để trông coi tài sản thì phải ký kết bằng văn bản.

2- Người sử dụng lao động phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình, có trách nhiệm chăm sóc khi người giúp việc bị ốm đau, tai nạn.

3- Tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các Khoản trợ cấp do hai bên thoả thuận khi giao kết hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động phải cấp tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc tự ý thôi việc khi chưa hết thời hạn hợp đồng lao động.

Chương 12:

BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 140.

1- Nhà nước quy định chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm từng bước mở rộng và nâng cao việc bảo đảm vật chất, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và gia đình trong các trường hợp người lao động ốm đau, thai sản, hết tuổi lao động, chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác.

2- Các loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện được áp dụng đối với từng loại đối tượng và từng loại doanh nghiệp để bảo đảm cho người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thích hợp.

Điều 141.

1- Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với những doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên. Ở những doanh nghiệp này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật này và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất.

2- Người lao động làm việc ở những nơi sử dụng dưới 10 người lao động, hoặc làm những công việc thời hạn dưới ba tháng, theo mùa vụ, hoặc làm các công việc có tính chất tạm thời khác, thì các Khoản bảo hiểm xã hội được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm.

Điều 142.

1- Khi ốm đau, người lao động được khám bệnh và Điều trị tại các cơ sở y tế theo chế độ bảo hiểm y tế.

2- Người lao động ốm đau có giấy chứng nhận của thầy thuốc cho nghỉ việc để chữa bệnh tại nhà hoặc Điều trị tại bệnh viện thì được trợ cấp ốm đau do quỹ bảo hiểm xã hội trả.

Mức trợ cấp ốm đau phụ thuộc Điều kiện làm việc, mức và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Điều 143.

1- Trong thời gian người lao động nghỉ việc để chữa trị vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải trả đủ lương và chi phí cho người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 107 của Bộ luật này.

Sau khi Điều trị, tuỳ theo mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động được giám định và xếp hạng thương tật để hưởng trợ cấp một lần hoặc hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội trả.

2- Trong thời gian làm việc, nếu người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì thân nhân được nhận chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật này và được quỹ bảo hiểm xã hội trợ cấp thêm một lần bằng 24 tháng tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

Điều 144.

1- Trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, người lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng 100% tiền lương và được trợ cấp thêm một tháng lương, đối với trường hợp sinh con lần thứ nhất, thứ hai.

2- Các chế độ khác của người lao động nữ được áp dụng theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật này.

Điều 145.

1- Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có đủ Điều kiện về tuổi đời và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Tuổi đời được hưởng chế độ hưu trí của những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại hoặc làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo và một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định;

b) Đã đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên.

2- Trường hợp người lao động không đủ Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này, nhưng nếu có một trong các Điều kiện sau đây thì cũng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức thấp hơn:

a) Người lao động đủ Điều kiện về tuổi đời quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng ít nhất đã có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên chưa đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng ít nhất đã đủ 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

c) Người lao động làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại theo quy định của Chính phủ, đã đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

3- Người lao động không đủ Điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì được hưởng trợ cấp một lần.

4- Mức hưởng chế độ hưu trí hàng tháng và trợ cấp một lần quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và 3 Điều này, phụ thuộc vào mức và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Điều 146.

1- Người lao động đang làm việc, người hưởng chế độ hưu trí, hưởng trợ cấp hàng tháng về mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi chết thì người lo việc mai táng được nhận tiền mai táng do Chính phủ quy định.

2- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người đã đóng bảo hiểm xã hội 15 năm trở lên, người hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp hàng tháng, khi chết nếu có con chưa đủ 15 tuổi, vợ (hoặc chồng), bố, mẹ đã hết tuổi lao động mà khi còn sống người đó đã trực tiếp nuôi dưỡng, thì những thân nhân này được hưởng chế độ tuất hàng tháng. Trường hợp người chết không có thân nhân đủ Điều kiện hưởng chế độ tuất hàng tháng hoặc chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, thì gia đình được hưởng chế độ tuất một lần nhưng không quá 12 tháng lương hoặc trợ cấp đang hưởng.

3- Người hưởng chế độ hưu trí, chế độ trợ cấp mất sức lao động, chế độ trợ cấp tai nạn lao động hạng 1, hạng 2 hoặc bệnh nghề nghiệp hạng 1, hạng 2 trước ngày ban hành Bộ luật này, thì thực hiện chế độ tử tuất theo quy định tại Điều này.

Điều 147.

1- Thời gian làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần do quỹ bảo hiểm xã hội trả, thì được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

2- Quyền lợi bảo hiểm của những người đang hưởng chế độ hưu trí, hưởng trợ cấp hàng tháng về mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tiền tuất trước ngày Bộ luật này có hiệu lực vẫn được ngân sách Nhà nước tiếp tục bảo đảm và được Điều chỉnh phù hợp với chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành.

Điều 148. Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có trách nhiệm tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, phù hợp với đặc Điểm sản xuất và sử dụng lao động trong từng ngành theo Điều lệ bảo hiểm xã hội.

Điều 149.

1- Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Người sử dụng lao động đóng bằng 15% so với tổng quỹ tiền lương;

b) Người lao động đóng bằng 5% tiền lương;

c) Nhà nước đóng và hỗ trợ thêm để bảo đảm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động;

d) Các nguồn khác.

2- Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất theo chế độ tài chính của Nhà nước, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ. Quỹ bảo hiểm xã hội được thực hiện các biện pháp để bảo tồn giá trị và tăng trưởng theo quy định của Chính phủ.

Điều 150. Chính phủ ban hành Điều lệ bảo hiểm xã hội, thành lập hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội, ban hành Quy chế về tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo hiểm xã hội với sự tham gia của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Điều 151.

1- Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được nhận các Khoản trợ cấp về bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn.

2- Khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội thì giải quyết theo các quy định tại Chương XIV của Bộ luật này. Nếu xảy ra tranh chấp với cơ quan bảo hiểm xã hội, thì tranh chấp được giải quyết theo quy chế về tổ chức, hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội.

Điều 152. Nhà nước khuyến khích người lao động, công đoàn, người sử dụng lao động và các tổ chức xã hội khác lập các quỹ tương trợ xã hội.

Chương 13:

CÔNG ĐOÀN

Điều 153.

1- Ở những doanh nghiệp đang hoạt động chưa có tổ chức công đoàn thì chậm nhất sau sáu tháng, kể từ ngày Bộ Luật Lao động có hiệu lực và ở những doanh nghiệp mới thành lập thì chậm nhất sau sáu tháng, kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, Liên đoàn lao động cấp tỉnh phải thành lập tổ chức công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và tập thể lao động.

2- Hoạt động của các tổ chức công đoàn lâm thời do Chính phủ phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định.

Điều 154.

1- Khi tổ chức công đoàn được thành lập theo đúng Luật công đoàn, Điều lệ công đoàn thì người sử dụng lao động phải thừa nhận tổ chức đó.

2- Người sử dụng lao động phải cộng tác chặt chẽ và tạo Điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động theo các quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn.

3- Người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử vì lý do người lao động thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn hoặc dùng các biện pháp kinh tế và các thủ đoạn khác để can thiệp vào tổ chức và hoạt động của công đoàn.

Điều 155.

1- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết để công đoàn hoạt động.

2- Người lao động làm công tác công đoàn không chuyên trách được sử dụng một số thời gian trong giờ làm việc để làm công tác công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương. Số thời gian này tuỳ theo quy mô của doanh nghiệp và theo sự thoả thuận của người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nhưng ít nhất không được dưới ba ngày làm việc trong một tháng.

3- Người làm công tác công đoàn chuyên trách do quỹ công đoàn trả lương, được hưởng các quyền lợi và phúc lợi tập thể như mọi người lao động trong doanh nghiệp, tuỳ theo quy chế doanh nghiệp hoặc thoả ước tập thể.

4- Khi người sử dụng lao động quyết định sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người là uỷ viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở, thì phải có sự thoả thuận của Ban chấp hành công đoàn cơ sở; nếu là Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có sự thoả thuận của tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp.

Điều 156. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, công đoàn các cấp tham gia với các cơ quan Nhà nước và đại diện của người sử dụng lao động bàn bạc, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động; có quyền lập các tổ chức dịch vụ việc làm, dạy nghề, tương tế, tư vấn pháp luật và các cơ sở phúc lợi chung cho người lao động và các quyền khác theo quy định của Luật công đoàn và của Bộ luật này.

Chương 14:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Điều 157.

1- Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các Điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước tập thể và trong quá trình học nghề.

2- Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Điều 158.

Tranh chấp lao động được giải quyết theo những nguyên tắc sau đây:

1- Thương lượng trực tiếp và tự dàn xếp giữa hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp;

2- Thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và tuân theo pháp luật;

3- Giải quyết công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật;

4- Có sự tham gia của đại diện công đoàn và của đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Điều 159. Việc giải quyết tranh chấp lao động tại các cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động được tiến hành khi một bên từ chối thương lượng hoặc hai bên đã thương lượng mà vẫn không giải quyết được và một hoặc hai bên có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động.

Điều 160.

1- Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động các bên tranh chấp có quyền:

a) Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện của mình để tham gia quá trình giải quyết tranh chấp;

b) Rút đơn hoặc thay đổi nội dung tranh chấp;

c) Yêu cầu thay người trực tiếp tiến hành giải quyết tranh chấp, nếu có lý do chính đáng cho rằng người đó không thể bảo đảm tính khách quan, công bằng trong việc giải quyết tranh chấp.

2- Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, các bên tranh chấp có nghĩa vụ:

a) Cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động;

b) Nghiêm chỉnh chấp hành các thoả thuận đã đạt được, biên bản hoà giải thành, quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động, bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân.

Điều 161. Cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu các bên tranh chấp lao động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu, chứng cứ; trưng cầu giám định, mời nhân chứng và người có liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Mục I: THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÁ NHÂN

Điều 162. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm:

1- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) đối với những nơi không có Hội đồng hoà giải lao động cơ sở;

2- Toà án nhân dân.

Điều 163.

1- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở được thành lập trong các doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên, gồm số đại diện ngang nhau của bên người lao động và bên người sử dụng lao động. Số lượng thành viên của Hội đồng do hai bên thoả thuận.

2- Nhiệm kỳ của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở là hai năm. Đại diện của mỗi bên luân phiên làm Chủ tịch và thư ký Hội đồng. Hội đồng hoà giải lao động cơ sở làm việc theo nguyên tắc thoả thuận và nhất trí.

3- Người sử dụng lao động bảo đảm Điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở.

Điều 164. Trình tự hoà giải tranh chấp lao động cá nhân được quy định như sau:

1- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở tiến hành hoà giải chậm nhất bảy ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải. Tại phiên họp hoà giải, phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện được uỷ quyền của họ.

2- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở đưa ra phương án hoà giải để các bên xem xét. Nếu hai bên chấp nhận phương án hoà giải thì lập biên bản hoà giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành.

3- Trong trường hợp hoà giải không thành, thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở lập biên bản hoà giải không thành, ghi ý kiến của hai bên tranh chấp và của Hội đồng, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và thư ký Hội đồng. Bản sao biên bản phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày hoà giải không thành. Mỗi bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu Toà án nhân dân cấp huyện xét xử tranh chấp. Hồ sơ gửi Toà án nhân dân phải kèm theo biên bản hoà giải không thành.

Điều 165.

1- Hoà giải viên lao động tiến hành việc hoà giải theo trình tự quy định tại Điều 164 của Bộ luật này đối với các tranh chấp lao động cá nhân tại các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động, tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động, tranh chấp về thực hiện hợp đồng học nghề và phí dạy nghề.

2- Hoà giải viên lao động phải tiến hành việc hoà giải chậm nhất bảy ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải.

Điều 166.

1- Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động hoà giải không thành, khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên tranh chấp.

2- Những tranh chấp lao động cá nhân sau đây có thể yêu cầu Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết, không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở:

a) Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.

3- Người lao động được miễn án phí trong các hoạt động tố tụng để đòi tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Điều 167. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm được quy định như sau:

1- Một năm đối với các tranh chấp lao động quy định tại Khoản 2 Điều 166 của Bộ luật này;

2- Sáu tháng đối với các loại tranh chấp lao động khác.

Mục II: THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Điều 168. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể gồm:

1- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện nơi không có Hội đồng hoà giải lao động cơ sở;

2- Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh;

3- Toà án nhân dân.

Điều 169.

1- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở quy định tại Điều 163 của Bộ luật này có thẩm quyền hoà giải cả những vụ tranh chấp lao động tập thể.

2- Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh gồm các thành viên chuyên trách và kiêm chức là đại diện của cơ quan lao động, đại diện của công đoàn, đại diện của những người sử dụng lao động và một số luật gia, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội có uy tín ở địa phương. Thành phần Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh được hình thành theo số lẻ, tối đa không được quá chín người, do đại diện cơ quan lao động cấp tỉnh làm Chủ tịch.

Nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động là ba năm.

Hội đồng trọng tài lao động quyết định theo nguyên tắc đa số, bằng cách bỏ phiếu kín.

Cơ quan lao động cấp tỉnh bảo đảm Điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.

Điều 170. Trình tự hoà giải tranh chấp lao động tập thể được quy định như sau:

1- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động tiến hành hoà giải chậm nhất bảy ngày, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu hoà giải. Tại phiên họp hoà giải, phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện được uỷ quyền của họ.

2- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để các bên xem xét. Nếu hai bên chấp nhận phương án hoà giải thì lập biên bản hoà giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc của hoà giải viên lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành.

3- Trong trường hợp hoà giải không thành, thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành, ghi ý kiến của hai bên tranh chấp và của Hội đồng hoặc của hoà giải viên lao động, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và thư ký Hội đồng hoặc của hoà giải viên lao động; mỗi bên hoặc cả hai bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết.

Điều 171.

1- Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hoà giải và giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động tập thể, phải có mặt các đại diện được uỷ quyền của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở và đại diện cơ quan Nhà nước hữu quan tham dự phiên họp.

2- Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trong trường hợp hai bên nhất trí thì lập biên bản hoà giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành.

3- Trong trường hợp hoà giải không thành, thì Hội đồng trọng tài lao động giải quyết vụ tranh chấp và thông báo ngay quyết định của mình cho hai bên tranh chấp; nếu hai bên không có ý kiến thì quyết định đó đương nhiên có hiệu lực thi hành.

Điều 172.

1- Trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết hoặc đình công.

2- Trong trường hợp người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Việc người sử dụng lao động yêu cầu Toà án nhân dân xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài không cản trở quyền đình công của tập thể lao động.

Điều 173.

1- Trong khi Hội đồng hoà giải lao động, Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành việc giải quyết tranh chấp lao động, thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia.

2- Việc đình công do Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở cử đại diện, nhiều nhất là ba người, để trao bản yêu cầu cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi một bản thông báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh, một bản thông báo cho Liên đoàn lao động cấp tỉnh. Trong bản yêu cầu và bản thông báo, phải nêu rõ các vấn đề bất đồng, nội dung yêu cầu giải quyết, kết quả bỏ phiếu hoặc lấy chữ ký tán thành đình công và thời Điểm bắt đầu đình công.

3- Nghiêm cấm các hành vi bạo lực, hành vi làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp, các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn công cộng trong khi đình công.

Điều 174.

Không được đình công ở một số doanh nghiệp phục vụ công cộng và doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh, quốc phòng theo danh Mục do Chính phủ quy định.

Các cơ quan quản lý Nhà nước phải định kỳ tổ chức nghe ý kiến của đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp này để kịp thời giúp đỡ và giải quyết những yêu cầu chính đáng của tập thể lao động. Trong trường hợp có tranh chấp lao động tập thể, thì do Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết. Nếu một trong hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết.

Điều 175. Trong trường hợp xét thấy đình công có nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân hoặc an toàn công cộng, Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định hoãn hoặc ngừng cuộc đình công.

Điều 176.

1- Những cuộc đình công sau đây là bất hợp pháp:

a) Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể; vượt ra ngoài phạm vi quan hệ lao động;

b) Vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp;

c) Vi phạm các quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này.

2- Việc kết luận cuộc đình công hợp pháp hay bất hợp pháp thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân.

Điều 177. Toà án nhân dân có quyền quyết định cuối cùng về những cuộc đình công và tranh chấp lao động tập thể.

Điều 178.

1- Nghiêm cấm mọi hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công hoặc lãnh đạo cuộc đình công.

2- Người cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc ép buộc người khác đình công, người có hành vi bất hợp pháp trong khi đình công, người không thi hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Toà án nhân dân, thì tuỳ theo mức độ vi phạm, phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 179. Việc giải quyết các cuộc đình công và các vụ án lao động do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

Chương 15:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG

Điều 180.

Quản lý Nhà nước về lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

1- Nắm cung cầu và sự biến động cung cầu lao động làm cơ sở để quyết định chính sách quốc gia, quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực, phân bố và sử dụng lao động toàn xã hội;

2- Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật lao động;

3- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình quốc gia về việc làm, di dân xây dựng các vùng kinh tế mới, đưa người đi làm việc ở nước ngoài;

4- Quyết định các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, vệ sinh lao động và các chính sách khác về lao động và xã hội; về xây dựng mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp;

5- Tổ chức và tiến hành nghiên cứu khoa học về lao động, thống kê, thông tin về lao động và thị trường lao động, về mức sống, thu nhập của người lao động;

6- Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động và xử lý các vi phạm pháp luật lao động, giải quyết các tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này;

7- Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực lao động.

Điều 181.

1- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý Nhà nước về lao động đối với các ngành và các địa phương trong cả nước.

2- Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình. Cơ quan lao động địa phương giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý Nhà nước về lao động theo sự phân cấp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và công đoàn các cấp tham gia giám sát việc quản lý Nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật.

4- Nhà nước tạo Điều kiện cho người sử dụng lao động được tham gia ý kiến với các cơ quan Nhà nước về các vấn đề quản lý và sử dụng lao động.

Điều 182.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động và trong quá trình hoạt động phải báo cáo tình hình thay đổi về nhân công với cơ quan lao động địa phương theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan lao động địa phương về việc chấm dứt sử dụng lao động.

Nơi sử dụng từ 10 người lao động trở lên, thì người sử dụng lao động phải lập sổ lao động, sổ lương, sổ bảo hiểm xã hội.

Điều 183. Người lao động được cấp sổ lao động, sổ lương và sổ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Điều 184.

1- Việc đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc phải có giấy phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

2- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào Việt Nam để làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Điều 133 của Bộ luật này theo đơn yêu cầu của đương sự và của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có yêu cầu sử dụng lao động.

Chương 16:

THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG, XỬ PHẠT VI PHẠM PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG

Mục I: THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG

Điều 185

Thanh tra Nhà nước về lao động bao gồm Thanh tra lao động, Thanh tra an toàn lao động và Thanh tra vệ sinh lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan lao động địa phương thực hiện thanh tra lao động và thanh tra an toàn lao động. Bộ Y tế và các cơ quan y tế địa phương thực hiện thanh tra vệ sinh lao động.

Điều 186

Thanh tra Nhà nước về lao động có các nhiệm vụ chính sau đây:

1- Thanh tra việc chấp hành các quy định về lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động;

2- Điều tra tai nạn lao động và những vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh lao động;

3- Xem xét, chấp thuận các tiêu chuẩn an toàn lao động, các giải pháp an toàn lao động trong các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, các đề án thiết kế; đăng ký và cho phép đưa vào sử dụng những máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc danh Mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;

4- Tham gia xem xét chấp thuận địa điểm, các giải pháp vệ sinh lao động khi xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ và tàng trữ các chất phóng xạ, chất độc thuộc danh Mục do Bộ Y tế quy định;

5- Giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người lao động về vi phạm pháp luật lao động;

6- Quyết định xử lý các vi phạm pháp luật lao động theo thẩm quyền của mình và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan đó.

Điều 187. Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên lao động có quyền:

1- Thanh tra, Điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước;

2- Yêu cầu người sử dụng lao động và những người có liên quan khác cung cấp tình hình và các tài liệu liên quan đến việc thanh tra, Điều tra;

3- Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật lao động theo quy định của pháp luật;

4- Quyết định tạm đình chỉ việc sử dụng máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó, đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 188. Thanh tra viên lao động phải là người không có lợi ích cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với đối tượng thuộc phạm vi thanh tra. Thanh tra viên lao động, kể cả khi đã thôi việc, không được tiết lộ những bí mật biết được trong khi thi hành công vụ và phải tuyệt đối giữ kín mọi nguồn tố cáo.

Điều 189. Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên lao động phải cộng tác chặt chẽ với Ban chấp hành công đoàn. Nếu vụ việc có liên quan đến các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, Thanh tra viên lao động có thể mời các chuyên gia, các kỹ thuật viên lành nghề về lĩnh vực hữu quan làm tư vấn; khi khám xét máy, thiết bị, kho tàng, phải có mặt người sử dụng lao động và người trực tiếp phụ trách máy, thiết bị, kho tàng.

Điều 190.

Thanh tra viên lao động trực tiếp giao quyết định cho đương sự, trong quyết định phải ghi rõ ngày quyết định bắt đầu có hiệu lực, ngày phải thi hành xong, nếu cần thiết ghi cả ngày phúc tra.

Quyết định của Thanh tra viên lao động có hiệu lực bắt buộc thi hành.

Người nhận quyết định có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của Thanh tra viên lao động.

Điều 191.

1- Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nhà nước về lao động.

2- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế có trách nhiệm lập hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước về lao động thuộc thẩm quyền và chức năng của mình; quy định tiêu chuẩn tuyển chọn, bổ nhiệm, thuyên chuyển, miễn nhiệm, cách chức thanh tra viên; cấp thẻ thanh tra viên; quy định chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và các chế độ, thủ tục cần thiết khác.

3- Việc thanh tra an toàn lao động, thanh tra vệ sinh lao động trong các lĩnh vực: phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang do các cơ quan quản lý ngành đó thực hiện với sự phối hợp của Thanh tra Nhà nước về lao động.

Mục II: XỬ PHẠT VI PHẠM PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG

Điều 192. Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Bộ luật này, thì tuỳ mức độ vi phạm mà bị xử phạt bằng các hình thức cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, buộc phải bồi thường, buộc đóng cửa doanh nghiệp hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 193. Người nào có hành vi cản trở, mua chuộc, trả thù những người có thẩm quyền theo Bộ luật này trong khi họ thi hành công vụ thì tuỳ mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 194. Các chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm dân sự đối với những quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt giám đốc, người quản lý hoặc người đại diện hợp pháp cho doanh nghiệp đối với những vi phạm pháp luật lao động trong quá trình Điều hành quản lý lao động theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm bồi hoàn của những người này đối với doanh nghiệp được xử lý theo quy chế, Điều lệ của doanh nghiệp, hợp đồng trách nhiệm giữa các bên đã ký kết hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 195. Chính phủ quy định việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Chương 17:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 196. Những quy định của Bộ luật này được áp dụng đối với các hợp đồng lao động, thoả ước tập thể và những thoả thuận hợp pháp khác đã giao kết trước ngày Bộ luật có hiệu lực. Những thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với những quy định của Bộ luật này vẫn được tiếp tục thi hành. Những thoả thuận không phù hợp với những quy định của Bộ luật phải sửa đổi, bổ sung.

Điều 197.

Bộ luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995.

Những quy định trước đây trái với Bộ luật này đều bãi bỏ.

Điều 198.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật này.

Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1994.

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

THE STANDING COMMITTEE OF NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 35-L/CTN

Hanoi, June 23, 1994

 

THE NATIONAL ASSEMBLY OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

IX LEGISLATURE, 5TH SESSION
(May 26 - June 23, 1994)

THE LABOR CODE OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

PREAMBLE

Labor is the most important activity of man. It creates the material wealth and spiritual values of society. High-productivity, high-quality and high-efficiency labor is the determinant factor of national development.

Labor legislation defines the rights and obligations of the employee and the employer, the labor standards and the principles for labor use and management, thus contributing to the promotion of production. Therefore, it plays an important role in social life and in the legal system of the country.

Inheriting and developing the labor legislation of our country since 1945, the Labor Code institutionalizes the renewal line of the Communist Party of Vietnam and concretizes the provisions of the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam on labor and on the use and management of labor.

The Labor Code protects the right to work, the interests and other rights of the employee. At the same time it protects the legitimate rights and interests of the employer, thus creating conditions for the establishment of harmonious and stable labor relations, helping to develop the creativeness and talent of the intellectual and manual workers as well as of the labor managers, in order to achieve high productivity, quality and social progress in labor, production and service, efficient use and management of labor, thus contributing to the industrialization and modernization of the country in the cause of bringing prosperity to the people and strength to the nation and building a just and civilized society.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1.- The Labor Code regulates labor relations between the salaried employee and the employer, and the other social relations directly related to labor relations.

Article 2.- The Labor applies to all employees as well as all organizations and individuals employing labor according to labor contracts in all economic sectors and of all forms of ownership.

This Labor Code also applies to the apprentices, house workers and a number of other jobs defined in this Code.

Article 3.- Vietnamese citizens working in enterprises with foreign invested capital in Vietnam, at foreign or international offices and organizations based on Vietnamese territory and foreigners working for Vietnamese businesses, organizations or individuals on Vietnamese territory come within the jurisdiction of this Code as well as other prescriptions of Vietnamese law, unless otherwise stipulated in the international conventions which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to.

Article 4.- The labor regime for State employees and public servants, holders of elected, assigned or appointed posts, persons in the People's Armed Forces, the People's Security Service, persons of mass organizations and other political and social organizations, as well as members of the cooperatives shall be stipulated by other legal documents. However, some of the provisions of this Code may be applied to a number of these persons, depending on concrete cases.

Article 5.-

1- Everyone has the right to work, to choose freely a job or profession, to learn a trade and to improve his/her professional standard without discrimination of sex, nationality, social background, belief or religion.

2- Maltreatment of an employee and forcible labor, in any form, are forbidden.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 6.- An employee must have attained at least 15 years of age, have the capability to work and must work according to a labor contract.

An employer may be a business, an office, an organization or an individual (in the latter case he/she must be at least 18 years old). The employer hires, utilizes labor and pays for that labor.

Article 7.-

1- The employee is paid a salary based on his/her agreement with the employer, but this salary shall not be lower than the minimum salary prescribed by the Sate, if he/she meets previously agreed-upon requirements for productivity, quality and efficiency. The employee is covered by the regulations on labor protection, and must be assured conditions consistent with labor safety and sanitation requirements. The employee is entitled to statutory paid leaves, including annual leave, and to social insurance as prescribed by law. The State shall enforce special labor regimes and social policies aimed at protecting women's labor and certain types of specific labor.

2- The employee has the right to found, join and work for a trade union according to the Trade Union Law, in order to protect his/her legitimate rights and interests. The employee is entitled to the community welfare benefits and take part in the management of the business according to the rules of the business and the prescriptions of law.

3- The employee has the obligation to fulfill the labor contract and the collective labor accord, to observe labor discipline and labor regulations and to obey the lawful direction of the employer.

4- The employee has the right to strike as prescribed by law.

Article 8.-

1- The employer has the right to select and recruit labor, assign labor and control its disposition as required by the need of production and business. He/she has the right to issue bonuses or commendations and handle the violations of the labor discipline as prescribed by labor legislation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3- The employer has the obligation to fulfill the labor contract, the collective labor accord and the other agreements with employees, to respect the honor and dignity of the employee, and to behave properly toward the employee.

Article 9.- The labor relations between the employee and the employer are established and effected through negotiations and agreement on the principles of voluntariness, equality, cooperation, mutual respect for each other's legitimate rights and interests and full implementation of the commitments.

The State encourages the agreements that assure employees more favorable conditions than prescribed in the labor legislation.

The employee and the employer have the right to ask the authorized office or organization to settle a labor dispute. The State encourages the settlement of labor disputes by reconciliation and arbitration.

Article 10.-

1- The State exercises unified management of the manpower resources, manages labor through legislation and adopts policies to develop and distribute man-power resources, diversify the forms of labor utilization and labor supply services.

2- The State guides the employee and the employer to build a harmonious and stable labor relationship so as to work in tandem for the development of the business.

Article 11.- The State encourages a democratic, just and civilized management of labor at the business. It encourages all measures, including deduction from the business's profits as bonuses, in order to make the employee pay greater attention to the operation of the business with a view to high efficiency in the management of labor and production of the business.

The State shall enact policies to help the employee buy shares to contribute capital to the development of the business.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter II

EMPLOYMENT

Article 13.- All income-generating laboring activities which are not banned by law are recognized as employment.

The State, businesses and the whole society are all responsible to provide jobs and ensure that every person with labor capabilities has the chance to be employed.

Article 14.-

1 - The State shall set out the targets for job generation in its five-year and annual plans for socio-economic development, create necessary conditions, provide financial support, grant loans, tax exemption or reduction, and apply other incentive measures to enable employable persons to create employment for themselves as well as to enable organizations, units and individuals in all economic sectors to develop new and diversified occupations aimed at providing employment for as many individual employees as possible.

2- The State shall enact preferential employment policies to attract and use the labor force among the people of ethnic minorities.

3- The State shall enact incentive policies to create favorable conditions for organizations and individuals inside and outside the country, including Vietnamese settled abroad, to invest in developing production and business in order to increase the availability of jobs.

Article 15.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- The Peoples Committee in provinces and cities directly under the Central Government shall set up their own employment programs and funds and submit them to the Peoples Council of the same level for approval.

3- The State agencies, economic organizations, peoples organizations and social organizations shall, within the scope of their responsibility and powers, have the task of joining in the implementation of the employment programs and funds.

Article 16.-

1- The employee has the right to work for any employer and at any place not forbidden by law. The job seeker has the right to contact directly a potential job procurer or register with a job-seeking service organization to find a job suited to his/her desire, capabilities, professional standard and health condition.

2- The employer is entitled to contact directly the job seeker or recruit labor through a job-seeking service organization. He/she has the right to increase or reduce the number of employees in conformity with the demand in production and business and within the prescriptions of law.

Article 17.-

1- In case the employee who has been working regularly in a business for one year or more loses his/her job due to the restructuring of the business or the change of technology, the employer has the responsibility to retrain him/her in order to employ him/her in a new job. If no new job can be created and the employee has to be laid off, his/her employer has to pay him/her a severance allowance at the rate of one month's salary for every year of service, but the amount shall not be less than the value of two months of his/her salary.

2- When the need arises for a massive lay-off by virtue of Item 1 of this Article, the employer must publicize the list of the would-be laid-off employees and then proceeding from the need of the business and the seniority of each employee at the business, his/her professional skill, family situation and other factors, shall lay them off one by one after discussing and agreeing with the Executive Committee of the local trade union in the business according to the procedure stipulated in Item 2 of Article 38 of this Code. The lay-off can become effective only after the local labor office has been notified about it.

3- The business must set up its reserve fund for severance allowances as prescribed by the Government in order to provide timely relief for the employees who lose their jobs at the business.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 18.-

1- The job seeking service organization, established by virtue of law, has the task of providing consultation, introducing or supplying jobs or helping in the recruitment of labor, along with collecting and supplying information about the labor market. The sending of Vietnamese laborers to work abroad can be effected only when a permit to this effect has been issued by the competent State authority.

2- The job-seeking service organization is allowed to collect fees, is eligible for tax exemption or reduction by the State and is entitled to organize job training as stipulated in Chapter III of this Code.

3- The Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare shall exercise unified State management over the job-seeking service organizations throughout the country.

Article 19.- All acts enticement, false promise and mendacious advertisement aimed at misleading the laboring people or misusing the job-seeking service to commit law-breaking acts are prohibited.

Chapter III

APPRENTICESHIP

Article 20.-

1- Everyone has the right to choose freely a profession and a place for apprenticeship suited to the need of his/her employment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Government shall issue regulations on the opening of job-training establishments.

Article 21.-

1- A job-training establishment must be registered and operate according to the regulations on job training. It is entitled to collect tuition and must pay these taxes as prescribed by law.

2- A job-training establishment shall be eligible for tax exemption or reduction if it addresses requirements of the war disabled and ailing military personnel, the handicapped, or members of ethnic minorities; if it is located in a place which has a high rate of underemployment or unemployment; or if its teaches traditional crafts or provides job tutoring at work places or at home.

Article 22.- An apprentice admitted to a job training establishment must be at least 13 years old, except for a number of jobs defined by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare. He/she must respond to the health norms required by the job to be taught.

Article 23.-

1- The business has the responsibility to upgrade the professional skills of the employees and to retrain them before transferring them to other jobs in the business.

2- A business which accepts a person to learn or practice a trade in order to work later for it under the terms stipulated in the job learning or apprenticeship contract, shall not have to register that person. But it must also not collect tuition from him/her. The time for learning or practicing a trade shall be included in the person's seniority at the business. During the period of job learning or apprenticeship, if the learner or apprentice takes direct part in manufacturing products for the business, he/she shall be paid a salary to be agreed upon mutually by the two parties.

Article 24.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- The job training contract must specify the goal of training, the place of training, the amount of tuition, the duration of training and the level of compensation where a violation of the contract occurs.

3- When a business accepts an apprentice with explicit intent to employ him/her later at the business, the job training contract must state the terms by which the apprentice shall work for the business and the mutual commitment to sign the labor contract after completion of his/her training. If after learning the trade, the apprentice does not accept to work for the business as committed, he/she must compensate the employer for the training expenditures.

4- No compensation shall be made if the job learning contract ends before term due to a force-majeure cause.

Article 25.- All businesses, organizations and individuals are strictly forbidden from abusing their job training licenses and from using job training to promote self interests, exploit the labor of the apprentice or induce and coerce him/her into unlawful activities.

Chapter IV

LABOR CONTRACT

Article 26.- The labor contract is the agreement between the employee and the employer which defines the payment, the working conditions and the rights and obligations of each party in their labor relations.

Article 27.-

1- The labor contract must be made in one of the following forms:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A contract valid from one to three years;

c/ A contract for a seasonal job or a specific job to be carried out in less than one year.

2- It is forbidden that a labor contract is signed for a seasonal job or a specific job with a duration of less than one year to perform tasks of a perpetual nature, i.e. jobs lasting more than one year, except when temporary replacement is necessary for a employee who is called for military duty or who takes maternity leave or who is temporarily absent for other reasons.

Article 28.- The labor contract must be made in writing in two copies, with each party keeping one copy. The commitment can be made orally if the job has a temporary character and its term does not exceed three months or it is the job of a housework.

When a verbal commitment is used, the two parties must automatically comply with the prescriptions of the labor legislation.

Article 29.-

1- The contents of the labor contract must include the following elements: a description of the duties to be performed the working time, the break time, the salary, the place of work, the duration of the contract, the conditions on labor safety and labor sanitation, along with the social insurance for the employee.

2- In the event that the labor contract or any part thereof provides for the rights and interests of the employee which are inconsistent with those prescribed in the labor legislation, in the collective labor accord or in the labor regulations in force at the business, or if the contract puts restrictions on other rights of the employee, those improper portions or the whole contract must be modified or revised.

3- When the contents, as described in Item 2 of this Article, are detected, the Labor Inspector shall guide the parties to make the necessary modifications or revisions. If either side refuses to make the recommended modifications or revisions, the Labor Inspector is authorized to force the revocation of the improper contents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- The labor contract is directly made between the employee and the employer.

2- The labor contract may be signed between the employer and the legally assigned representative of a group of employees. In this case the contract is as valid as if it were signed with each employee.

3- The employee may sign one or more labor contracts, with one or more employers, but he/she must assure full compliance with each of the signed contracts.

4- The duties to be performed under the labor contract must be carried out by the contractor and shall not be assigned to another person without the consent of the employer.

Article 31.- In case of a merger or a division of the business, or assignment of ownership, managerial power or the right to use the property of the business, the succeeding employer has the responsibility to honor the labor contract with the employee until the two parties agree to amend or terminate the labor contract or to sign a new contract.

Article 32.- The employer and the employee shall agree on the probation, the term of probation and the rights and obligations of the two parties. The salary of the employee during the period of probation must be equal at least to 70% of the statutory salary of his/her job. The term of a probation must not exceed 60 days for a job requiring high technical skill and 30 days for other jobs.

During the period of probation, each party is entitled to cancel its agreement on probation without advance notice and without having to make compensation if the probation does not meet the requirements already agreed upon by both parties. If the probation meets the requirements, the employer must sign on the employee as a full-time worker pursuant to their agreement.

Article 33.- The labor contract shall take effect on the day of the signing or on a mutually agreed date.

In the process of implementing the labor contract, if a party wishes to change the contents of the labor contract, it must notify the other party at least three days in advance. The change of the contents of the labor contract may be effected by either modifying or supplementing the existing labor contract or by signing a new contract

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- In the event of unexpected difficulty or due to the need in production and business, the employer is entitled to temporarily assign the employee to another job to which he/she is not accustomed but not for more than 60 days a year.

2- When the employer decides to assign the employee to another job to which he/she is not accustomed, the employer must notify him/her at least three days in advance. The employer must also specify the term of this temporary job which must suit the health and gender of the employee.

3- The employee assigned to another job as defined in Item 1 of this Article shall be paid the salary of the new job. If this salary is lower than that of his/her former job he/she is entitled to the former salary for the first 30 days on the new job. The salary of the new job must be equal to at least 70% of the old salary and not lower than the minimum salary prescribed by the State.

Article 35.-

1- The labor contract shall be temporarily suspended in the following circumstances:

a/ The employee is called for military duty or other citizen duties prescribed by law.

b/ The employee is taken into temporary custody or detention.

c/ Other circumstances as may be mutually agreed upon.

2- At the end of the temporary suspension of the labor contract under the circumstances defined in Points (a) and (c), Item 1, of this Article, the employer must reinstate the employee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 36.- The labor contract shall terminate upon the happening of the following events:

1- The term of the contract expires;

2- The job under contract has been finished;

3- The two parties agree to terminate the contract;

4- The employee is sentenced to imprisonment or is banned from doing the former job by ruling of the Court;

5- The employee dies or is declared missing by the Court.

Article 37.-

1- The employee working under a labor contract the terms of which range from one year to three years, or a labor contract to do a seasonal job or a specific job which lasts less than one year, is entitled to unilaterally terminate the contract before term in one of the following circumstances:

a/ The employee is not assigned the job or to the working place, or otherwise not assured the conditions of work already agreed in the contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The employee is maltreated or subjected to forced labor;

d/ The employee or his/her family encounters such difficult circumstances that he/she cannot continue executing the contract;

e/ The employee is elected to a permanent post in a people's elected body or is appointed to an official post in the State apparatus;

f/ The employee is pregnant and must stop working by prescription of the doctor.

2- When the employee decides to unilaterally terminate the labor contract as stipulated at Item 1 of this Article, he/she must notify the employer:

a/ At least three days in advance of the circumstances described at Point (a), (b) and (c);

b/ At least thirty days in advance of the circumstances described in Points (d) and (e) with regard to a contract with terms ranging from one year to three years; at least three days in advance if it is a contract for a seasonal job or a specific job which lasts less than one year;

c/ In the circumstances described in Point (f), the time for advance notification is defined in Article 112 of this Code.

3- The employee working under a labor contract without a definite term is entitled to unilaterally terminate the labor contract but must notify the employer at least 45 days in advance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The employer is entitled to unilaterally terminate the labor contract in the following circumstances:

a/ The employee constantly fails to perform the duties set forth in the contract;

b/ The employee is subject to dismissal as provided for in Article 85 of this Code;

c/ The employee, working under a labor contract without a definite term, falls sick and has gone through 12 months of medical treatment, or the employee working under a contract with a definite term, has taken six consecutive months of sick leave or the employee, working under a contract of less than one year, has taken sick leave longer than half the term of the labor contract without any prospect of recovery in the near future. However, after recovery, resumption of the employee's labor contract shall be considered;

d/ Natural disasters, fire or any force-majeure causes of which the employer has sought all means to overcome the consequences without success and is accordingly forced to scale down production and reduce the labor force;

e/ The business, office or organization terminates its operation.

2- Before unilaterally terminating the labor contract under Points (a), (b) and (c) of Item 1 of this Article, the employer must discuss and reach agreement with the Executive Committee of the local Trade Union. In case of disagreement, the two sides must report to the competent office or organization. Only 30 days after notification to the labor office is employer entitled to take decision for which he/she shall be responsible. In case they do not agree with the decision of the employer, the Executive Committee of the local Trade Union and the employee are entitled to request settlement of the labor dispute according to the procedure prescribed by law.

3 - When the employer decides to unilaterally terminate the labor contract, except for cases defined at Point (b), Item 1 of this Article, the employer must notify the employee:

a/ At least 45 days prior to the termination of the labor contract without a definite term;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ At least three days prior to the termination of labor contracts for seasonal jobs or specific jobs which last less than one year.

Article 39.- The employer is not allowed to terminate unilaterally the labor contract in the following circumstances:

1- The employee is under medical treatment by decision of the doctor as a result of sickness, a labor accident or an occupational disease, except for cases stipulated at Points (c) and (d) of Item 1, Article 38, of this Code;

2- The employee is on annual leave, or is taking a leave for personal affairs or any other leave with the consent of the employer;

3- The employee is a woman in circumstances defined in Item 3, Article 111, of this Code.

Article 40.- Each party may revoke its unilateral decision to terminate the labor contract before the advance notice expires. Upon the expiring of the advance notice, either party has the right to terminate the labor contract.

Article 41.-

1- In case the decision of the employer to terminate unilaterally the labor contract contravenes law, he/she must re-instate the employee and pay compensation commensurate with the salary of the employee during the days when he/she is denied the right to work. In case the employee does not want to return to work, he/she is entitled, besides the compensation commensurate with his/her salary during the days he/she is denied the right to work, to an allowance as stipulated at Item 1, Article 42, of this Code.

2- In case the employee terminates unilaterally the labor contract in contravention of law, he/she shall not receive any severance allowance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4- In case of a unilateral termination of the labor contract, the party which violates the regulations on advance notice shall compensate the other party an amount of money equivalent to the salary of the employee during the days when no advance notice of the termination is received.

Article 42.-

1- Upon the termination of a labor contract with an employee who has worked regularly at the business, office or organization for more than one year, the employer has the responsibility to pay the employee a severance allowance representing one half month's salary for every year of service, plus wage subsidies (if any).

2- Upon the termination of the labor contract as defined in Points (a) and (b), Item 1, Article 85, of this Code, the employee shall not receive the severance allowance.

Article 43.- Within seven days after termination of the labor contract, the two parties have the responsibility to settle the accounts relating to the interests of each party. In special cases, this time-limit may be extended but not for more than 30 days.

In the event of bankruptcy of the business, the accounts related to the interests of the employee shall be settled according to the provisions of the Law on Bankruptcy.

The employer shall record the reason for the termination of the labor contract in the Labor Register and has the responsibility to return the Register to the employee. Apart from the provisions in the Labor Register, the employer is not allowed to add any other comment that may be a hindrance to the employee in seeking a new job.

Chapter V

COLLECTIVE LABOR ACCORD

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- The collective labor accord (hereafter called collective accord) is a written agreement between the labor collective and the employer on the conditions for labor and use of labor; and the rights, interests and obligations of both parties in their employment relations.

The collective accord is negotiated and signed by the representative of the labor collective and the employer on the principles of voluntariness, equality and openness.

2- The contents of the collective accord must not contravene the provisions of labor legislation as well as other legislation.

The State encourages the signing of collective accords with terms more favorable to the employees than those prescribed by labor legislation.

Article 45.-

1- The representatives to the negotiations of a collective accord between the two parties shall be composed of the following:

a/ From the labor collective: the Executive Committee of the local Trade Union or the provisional trade union organization;

b/ From the employer: the Director of the business or his/her delegate duly empowered under the Statute on Organization of Businesses or a person mandated by the business Director.

The number of representatives to the negotiations, of a labor accord from each party shall be decided by mutual agreement, but the two sides must have equal numbers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3- The signing of the collective accord can be effected only when more than 50% of the members in the labor collective in the business agree to its negotiated contents.

Article 46.-

1- Each party is entitled to file its own request for the signing of the collective accord as well as to propose its contents. Upon reception of the request, the recipient must agree to negotiate and shall discuss the time for beginning the negotiations which shall be no later than 20 days from the reception of the request.

2- The main contents of the collective accord shall contain commitments on the work and the guarantee of work; the time for work and the time for rest; the salaries, bonuses and wage subsidies; the labor standards, labor safety, labor sanitation and social insurance for the employees.

Article 47.-

1- This signed collective accord shall be made into four copies, of which:

a/ One copy is to be kept by the employer;

b/ One copy is to be kept by the Executive Committee of the local trade union;

c/ One copy is to be sent by the local trade union Executive Committee to its next higher level;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The businesses which have their establishments in many provinces or cities directly under the Central Government shall have the collective accord signed at the labor office of the province where the business has its main office.

2- The collective accord shall take effect from the day of registration at the provincial labor office. Within fifteen days from the reception of the collective accord, the provincial labor office must announce the registration. If no announcement is made after the said time limit expires, the collective accord shall automatically take effect.

Article 48.-

1- The collective accord shall be considered partially invalid if one or more of the terms in the accord are not yet accepted by the provincial labor office; nevertheless, the other terms which have been registered are still valid for implementation.

2- The collective accord shall be considered completely invalid in one of the following circumstances:

a/ The entire content of the accord is contrary to law;

b/ The signatories do not have the proper competence;

c/ The negotiation and signing of the accord do not proceed according to the prescribed order; or

d/ The accord has not been registered at the provincial labor office.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 49.-

1- Once the collective accord has taken effect, the employer must notify accordingly all employees at the business. Everyone at the business, including those who are hired after the signing of the collective accord, has the responsibility to implement it.

2- When the rights and interests of the employees, upon which agreement has been reached in the labor contract, are lower than those stipulated in the collective accord, the corresponding terms in the collective accord shall apply. All regulations on labor in the business must be changed according to the stipulations in the collective accord.

3- When one party deems that other party either fails to fulfill or violates the collective accord, that party is entitled to demand that the other party conform to the accord. The two parties must discuss a solution. If they cannot agree, each party is entitled to demand resolution of the labor dispute concerning collective labor, according to proceedings prescribed by law.

Article 50.- The collective accord is signed for terms ranging from one year to three years. For a business which signs a collective accord for the first time, the term may be less than one year.

Only three months after the accord takes effect, for accords with terms shorter than one year, and six months, for accords with terms ranging from one year to three years, shall each of the parties be entitled to propose amendments or additions to the accord. These amendments and additions shall be made in the same procedure for the signing of a collective accord.

Article 51.- Prior to the expiring of the collective accord, the two parties may negotiate to extend its term or sign a new accord. If the negotiations are continuing at the time the previous accord expires, that collective accord shall continue to be effective. If the negotiations yield no new collective accord, within three months of the expiring of the previous accord, that accord shall automatically cease to be effective.

Article 52.-

1- When a division of a business occurs, or an assignment of ownership, management power or the right to property utilization by a business is made, the succeeding employer has the responsibility to continue to abide by the collective accord until it expires or until a new collective accord is signed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- When a collective accord ceases to be effective because the business terminates its operation, the rights and interests of the employees shall be settled according to Article 66 of this Code.

Article 53.- The employer shall bear all expenses which incurred in the negotiations, signing, registration, amendment, addition and publication of the collective accord.

The representatives of the labor collective who are employees on the payroll of the business shall continue to receive their salaries while taking part in the negotiations and signing of the collective accord.

Article 54.- The provisions in this Chapter shall apply to the negotiations and signing of collective accords within any industry.

Chapter VI

SALARY

Article 55.- The salary of the employee shall be agreed upon by the two parties to the labor contract and is paid according to the labor productivity as well as the quality and effectiveness of the work. The salary of the employee must not be less than the minimum wage prescribed by the State.

Article 56.- The minimum wage is based on the cost of living and must enable the employee who handles even the simplest work in normal working conditions to recuperate and also to accumulate for expanded reproduction. This minimum wage shall be used as the basis for the calculation of salaries for other types of labor.

The Government shall decide and make public the common minimum wage, the minimum wages to be applied in different areas, the minimum wages in different industries for each period after consulting the Vietnam General Confederation of Labor and the representatives of the employers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 57.- The Government shall make public the wage scales and wage groups as basis for determining social and health insurance and for calculating wages for overtime and night-shift duties, suspension of work, and annual and other leaves of the employees after consulting the Vietnam General Confederation of Labor and the representatives of the employers.

Article 58.-

1- The employer is entitled to choose one of the forms of salary payment which are time salary (hour, day, week, month), product salary or package salary. But he/she must maintain the chosen form over a given period of time and must notify the employee of this form of payment.

2- The employee shall receive his/her pay, whether by the hour, the day or the week, immediately after the hour, the day or the week of work, or shall receive a lump sum as agreed upon by the two parties but this lump sum must be paid to the employee at least once within every fifteen days of work.

3- The monthly salaried employee shall receive his/her salary once a month or once every half-month.

4- The employee who is paid by the product or by the package shall be paid as agreed upon by the two parties. If the work is spread over many months, he/she shall receive each months a provisional pay according to the volume of work he/she has done during each month.

Article 59.-

1- The employees shall receive his/her salary directly, fully, on time and at the place of his/her work.

In special cases when the pay is delayed for some reason, this delay must not exceed one month and the employer has to compensate the employee in an amount at least equal to the interest rate published by the State Bank at the time of the payment of the salary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 60.-

1- The employee is entitled to know the reason for all deductions from his/her salary. Before deducting from the employee's salary, the employer must discuss it with the Executive Committee of the local Trade Union. No deduction shall exceed 30% of the employee's monthly wage.

2- The employer is not allowed to suspend the employee's salary as a form of discipline.

Article 61.-

1- Compensation for overtime labor shall be paid as follows:

a/ On weekdays, it must be equal at least to 150% of the hourly pay for a regular work day.

b/ On weekends or holidays, it must be equal at least to 200% of the hourly pay for a regular work day.

If the overtime hours are worked at night, the employee shall receive additional pay stipulated at Item 2 of this Article.

If the employee later takes time off in an amount equal to the time of his/her overtime work, the employer shall pay him/her only the difference between the amount earned from overtime and that earned during the regular workday.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 62.- During the time of work interruption, the employee shall be paid as follows:

1- If the interruption is caused by the employer, the employee shall receive his/her full salary;

2- If the interruption is caused by the employee, he/she shall not receive his/her pay; the other employees in the same unit who must stop working shall receive a pay as may be agreed upon by the two parties, which in no case may be lower than the minimum wage;

3- If the interruption is caused by a disruption of power or water supply, beyond the control of the employer or by any other force-majeure causes, the compensation shall be agreed upon by the two parties, which in no case may be lower than the minimum wage.

Article 63.- Allowances, bonuses, pay raises and other incentives may be agreed upon in the labor contract, the collective accord or stipulated in the regulation of the business.

Article 64.- The employer is responsible for deducting, from the business's annual profits, an amount to reward the employees who have worked for more than one year at the business, according to Government regulations and in conformity with the characteristics of each kind of business.

Article 65.-

1- When the work involves the use of a contractor or an intermediary of a similar role, the employer who is the chief owner of the contract must maintain a complete list of the names and addresses of such persons together with a list of the employees working under them. He/she must ensure that the contractor or the equivalent abide by the prescription of law regarding labor compensation, labor safety and labor sanitation.

2- If the contractor or the intermediary with a similar role does not pay fully, does not pay the employee or does not ensure the other rights and interests of the employee, the employer who is the chief owner of the contract has the responsibility to pay the employee and ensure his/her other rights and interests. In this case, the employer who is the chief owner of the contract is entitled to request the contractor or the intermediary with a similar role to pay compensation to the employee or ask the competent State agency to settle the dispute as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 67.-

1- When he/she or his/her family meets with difficulty, the employee is entitled to an advance payment of his/her salary on terms agreed upon by the two parties.

2- The employer shall advance payment of salary to the employee who must temporarily suspend his/her work to perform his/her civil obligations.

3- The advance payment of salary to the employee who is under temporary custody or detention shall be defined by the Government.

Chapter VII

WORK AND BREAK TIME

SECTION I.- WORK TIME

Article 68.-

1- The work day shall not exceed 8 hours nor 48 hours per week. The employer is entitled to schedule the working hours daily or weekly but must notify the employees in advance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 69.- The employer and the employee may agree on overtime hours, but the length of such overtime shall not exceed four hours per day nor 200 hours per year.

Article 70.- Night working hours are considered to be from 22:00 hours to 6:00 hours the following day, or from 21:00 hours to 5:00 hours the following day, depending on the climatic zones set by the Government.

SECTION II.- BREAK TIME

Article 71.-

1- The employee is entitled to at least a half an hour of rest inclusive of the work time if he/she works continuously for eight hours.

2- The employee on a night shift is entitled to at least 45 minutes of rest inclusive of the work time.

3- The employee working on a night-shift is entitled to at least 12 hours of rest before beginning another shift.

Article 72.-

1- During each week, the employee is entitled to at least one day of rest (24 straight hours).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3- In special cases, where the rest day cannot be arranged weekly due to the work cycle, the employer must ensure that the employee can have an average of four days of rest at least in a month.

Article 73.- The employee is entitled to abstain from work and receive full pay on the following holidays:

- New Year's Day (solar calendar): one day;

- Lunar New Year Festival: four days (the last day of the lunar year and the first three days of the new lunar year);

- Victory Day: one day (April 30);

- International Labor Day: one day (May 1st);

- National Day: one day (September 2nd);

If one of the above-stated holidays coincides with a weekly non-working day, the employee is entitled to observe the holiday on the following day.

Article 74.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ 12 days for a person working in normal conditions;

b/ 14 days for a person working in heavy, noxious or dangerous jobs, in places with harsh living conditions, or for persons under 18 years of age;

c/ 16 days for persons working in especially heavy, noxious and dangerous jobs, and for persons working in heavy, noxious and dangerous jobs in places with harsh living conditions.

2- The time for travel, not inclusive of the annual leave, shall be defined by the Government.

Article 75.- The number of days in an annual leave shall increase proportionally with the seniority of the employee at a business or with an employer, at the rate of one day for every five years.

Article 76.-

1- The employer is entitled to set the calendar for annual leaves after consulting the Executive Committee of the local Trade Union and must notify it in advance everyone in the business.

2- The employee may agree with the employer to divide his/her annual leave into many shorter periods. Those working in remote areas may elect to combine leave of two years into a single leave. If the employee wants to combine leave of three years, he/she must obtain the consent of the employer.

3- The employee, who due to work severance or for other reasons, has not taken his/her annual leave or has not used all the days in that annual leave, shall paid for the pays for which he/she is entitled to take as part of his/her fully paid leaves.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- The employee on annual leave shall receive an advance payment equal to, at minimum, the pay for the days during leave. The travel expenditures and the salary of the employer during the days he/she spends on traveling shall be agreed upon by the two parties.

2- The employee with less than 12 months of work shall enjoy a number of days of leave corresponding with the length of his/her employment. This leave may be paid in cash.

SECTION III.- LEAVE FOR PERSONAL MATTERS, UNPAID LEAVE

Article 78.- The employee is entitled to fully paid leave for personal matters in the following situations:

1- Marriage: three days;

2- Marriage of his/her son or daughter: one day;

3- Death of a parent (including parents of the husband or the wife), death of spouse, death of a son or a daughter: 3 days.

Article 79.- The employee may agree with the employer to take unpaid leaves.

SECTION IV.- WORK TIME, BREAK TIME FOR PERSONS PERFORMING JOBS
OF A SPECIAL NATURE

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 81.- The work and rest periods of the employee employed under contracts of less than one day or less than one week or under package contracts, shall be agreed upon by the employee and the employer.

Chapter VIII

LABOR DISCIPLINE, MATERIAL LIABILITY

Article 82.-

1- Labor discipline is the set of norms regarding the time, technology and management of production and business. It is stipulated in the labor regulation.

The labor regulation must not contravene the labor legislation and other legislation. A business employing ten or more employees must have a written labor regulation.

2- Before publishing the labor regulation, the employer must consult the Executive Committee of the local Trade Union at the business.

3- The employer must register the labor regulation with the provincial labor office. The labor regulation shall take effect from the day of registration. Within ten days of receiving the labor regulation, the labor provincial labor office must issue a notice of registration. If no notification is received after this period, the labor regulation shall automatically take effect.

Article 83.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The work and break times;

b/ Discipline in the business;

c/ Labor safety and labor sanitation at the work place;

d/ Protection of property and technology and trade secrets of the business;

e/ Acts which violate labor discipline, disciplinary measures and material liability.

2- The labor regulation must be notified to each employee and its main points must be posted up at the necessary places in the business.

Article 84.-

1- An employee who violates the labor discipline shall, depending on the seriousness of his/her fault, be subjected to one of the following disciplinary measures:

a/ Reprimand;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Dismissal.

2- It is forbidden to apply many disciplinary measures at the same time against an act of violation of the labor discipline.

Article 85.-

1- Dismissal, as a disciplinary measure, can be applied only in the following circumstances:

a/ The employee has committed an act of theft, embezzlement or disclosure of trade and technological secrets or another act which causes serious damage to property and other interests of the business.

b/ The employee, who has been disciplined and transferred to another job, commits a new offense while the term of the earlier disciplinary measure is still in effect.

c/ The employee is absent without authorization and without a plausible reason from work for seven days in a month or 20 days in a year.

2- After dismissing an employee, the employer must report the dismissal to the provincial labor office.

Article 86.- The time limit for handling a violation of the labor discipline is three months from the date of the violation and must not exceed six months even in special cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- When selecting on the disciplinary measure against the violator of the labor discipline, the employer must prove the offense of the employee.

2- The employee has the right to defend him/herself or ask for a defense by a solicitor, a people's defender or any other person.

3- When examining an alleged labor discipline violation, three must be the presence of the concerned employee and the participation of the representative of the Executive Committee of the local Trade Union at the business.

4- The proceedings of a disciplinary case regarding a violation of the labor discipline must be preserved in writing.

Article 88.-

1- A violator of the labor discipline shall be automatically reinstated, if he/she does not commit another violation within three months from the date of the previous reprimand and within six months from the date of the previous transfer to another job.

2- An employee who is disciplined by transfer to another job shall be considered for reduced sanction after having served half the term of the sanction and showing progress in mending his/her ways.

Article 89.- The employee who damages instruments or equipment or who otherwise causes damage to property of the business, must pay compensation as prescribed by law for that. If the damage is not serious and is due to inadvertence, the maximum compensation shall not exceed three months of his/her salary and shall be gradually subtracted from his/her salary, as stipulated in Article 60 of this Code.

Article 90.- The employee who causes a loss of tools, equipment or other property assigned by the business, or who causes a material consumption in excess of the allowed level shall, depending on each case, pay partial or full compensation at the market price. The employee shall make compensation according to the responsibility contract, if such a contract has been signed. He/she shall not have to make any compensation in case of force majeure.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 92.-

1- The employer is entitled to suspend temporarily the work of the employee if the employer finds that the suspected violation involves complex matters and that the continued presence of the concerned employee at work might impede the inquiry. This suspension can be conducted only after consultation with the Executive Committee of the local Trade Union.

2- The temporary suspension of an employee's work shall not exceed 15 days, and even in special cases, it shall not exceed three months. The employee is entitled to an advance payment representing 50% of his/her salary for the whole duration of the suspension before the suspension takes effect.

After the period of temporary suspension the employee must be reinstated.

3- If the employee is found to have violated the labor discipline and is sanctioned, he/she shall not have to return the advance payment.

4- If the employee is found not in violation of the labor discipline, the employer must pay the employee his/her full wages and subsidies for the period of the temporary suspension.

Article 93.- If the employee finds that the penalty imposed on him/her is not justified, that employee, who is sanctioned for violation of labor discipline, who is subjected to temporary suspension from work or who is made to pay compensation according to his/her material liability, is entitled to protest to the employer or the competent authority or request the settlement of the labor dispute as prescribed by law.

Article 94.- If the competent authority concludes that the decision of the employer to discipline the employee is unjustified, the employer must annul that decision, publicly apologize to him/her, rehabilitate his/her honor and restore all his/her material benefits.

Chapter IX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 95.-

1- The employer has the responsibility to fully provide the employees with equipment for labor safety and labor sanitation and to improve their working conditions. The employee must observe the regulation on labor safety, labor sanitation and the labor rules of the business. All organizations and individuals related to labor and production must observe legislation on labor safety, labor sanitation and environmental protection.

2- The Government shall set up the national program for labor protection, labor safety, labor sanitation and integrate it in the social-economic development plan and budget of the State; invest in scientific research and support the development of enterprises engaged in producing instruments for labor safety, labor sanitation and equipment for personal safety; and publish the standards, rules and measures for labor safety and labor sanitation.

3- The Vietnam General Confederation of Labor shall join the Government to establish the national program for labor protection, labor safety, labor sanitation and to expand programs of scientific research and legislation on labor protection, labor safety and labor sanitation.

Article 96.-

1- In new construction, or in the expansion and transformation, of establishments for production, utilization, maintenance, storage and stockpiling of machines, equipment, materials and substances, which require strict labor safety and labor sanitation, measures must be provided to ensure labor safety and labor sanitation at the work places of the employees and the environment as prescribed by law.

The list of machines, equipment, materials and substances requiring strict labor safety and labor sanitation shall be published by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare and the Ministry of Public Health.

2- The production, utilization, maintenance and transportation of machines, equipment, materials, energy, electricity, chemicals, fertilizers, herbicides, rat poisons as well as the change of technology and importation of new technology shall be done in conformity with the standards of labor safety and labor sanitation. The machinery, equipment, material and substances which require strict labor safety and sanitation must be declared, registered and licensed by the State Inspection Office on labor safety or labor sanitation.

Article 97.- The employer must ensure that the place of employment meet the standards on space, ventilation, lighting and the prescribed maximum limits on dust, steam, noxious gases, radiation, magnetism, heat, noise, vibration and other harmful factors. These factors must be controlled and measured regularly.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- The employer must provide regular control and maintenance of the machines, equipment, building structures and storage according to the standards of labor safety and sanitation.

2- The employer must equip those parts of machines and equipment at the business which are likely to provoke accidents with requisite safety features and guards. At the work place of the business, in places where machines and equipment are installed, and in areas where noxious and dangerous elements are present, arrangements must be made to provide protection against accident, including the posting of prominent instructing signals on labor safety and labor sanitation at visible places.

Article 99.-

1- When at a place of work, machinery or equipment, there is a danger of labor accident or occupational disease, the employer must take remedial measures immediately or must order immediate cessation of operations at the said place until the danger has been removed.

2- The employee has the right to refuse to work or to leave the working place when he/she detects that an imminent labor accident is seriously threatening his/her life or health, but he/she must immediately warn the person directly responsible for the danger. The employer must not force the employee to continue his/her work or return to the working place so long as the danger has not been removed.

Article 100.- A working place where dangerous and noxious elements exist and are likely to provoke labor accidents, must be equipped by the employer with technical and medical devices as well as appropriate labor protection equipment, to ensure prompt first aid when an accident occurs.

Article 101.- The employee performing dangerous or noxious jobs must be equipped adequately with personal protection means.

The employer must ensure the provision of means for personal protection, consistent with the standards of quality and design prescribed by law.

Article 102.- In hiring and deploying labor, the employer shall base his/her decision on the health criteria for each type of work. The employer must organize training and guidance for the employee on the regulations and measures for safety and sanitation, as well as the dangers of accident which need to be aware of in the work of each employee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 103.- The business has the responsibility to organize health care for the employees and must give prompt first aid and emergency aid to the employees when necessary.

Article 104.- The employee working at places where dangerous or noxious elements exit shall receive compensation in kind, enjoys preferential treatment in the setting of work and break time, as prescribed by law.

The employee working in exposure to noxious elements or bacteria must be provided by the employer with measures for detoxification and disinfection and personal hygiene after work.

Article 105.- A labor accident is an accident that causes injuries to any party or function of the body of the employee or death to the employee during the course of work associated with the execution of a job or a task.

The victim of a labor accident must be given prompt first aid and thorough treatment. The employer must take responsibility, as prescribed by law, for the occurrence of the labor accident.

Article 106.- An occupational disease is a disease caused by the harmful effects of the labor conditions on the employee. A list of the occupation diseases shall be published by the Ministry of Public Health and the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare, after consultation with the Vietnam General Confederation of Labor and the representative of the employers.

The employee suffering from an occupational disease must be provided with thorough treatment and periodical medical checks and a specific medical record must be maintained for that employee.

Article 107.-

1- The employee incapacitated by either a labor accident or an occupational disease shall receive a general examination by the Labor Medical Examination Board to classify both his/her injury and the rate of his/her disability and shall undergo rehabilitation to restore his/her labor capabilities. If later the employee can continue to work, he/she shall be assigned a job suited to his/her health, according to the conclusion of the Labor Medical Examination Board.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3- The employer has the responsibility to pay compensation in a amount equal to, at minimum, 30 months of the salary of the employee who suffers a reduction by 81% and more of his/her labor capacity, or an equivalent amount to the close relatives of an employee who dies as a result of a labor accident or an occupational disease not of his/her own fault. When the injury or death of an employee is the result of his/her own fault, the employee is the result of his/her own fault, the employee still receive an allowance equal to, at minimum, 12 months of his/her salary.

Article 108.- All labor accidents and cases of occupational disease must be declared, investigated, recorded in writing, statisticized and periodically reported as prescribed by law.

It is strictly forbidden to conceal or falsely declare or report labor accidents and occupational diseases.

Chapter X

SPECIFIC PROVISIONS ON WOMEN'S LABOR

Article 109.-

1- The State ensures the right to equality of women to men in all domains of employment and shall adopt policies encouraging employers to create conditions for female employees to have regular jobs. It should also widely apply to female employees the system of flexible work schedule, non-full work day, non-full work week, and take-home work.

2- The State shall adopt for female employees policies and measures to expand their employment step by step, improve their working conditions, upgrade their professional standard, care for their health, and promote their material and spiritual welfare with a view to helping the female employees effectively promote their professional capabilities and harmoniously combine work with family life.

Article 110.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- The State shall adopt policies of preferential treatment and tax reduction to the businesses employing a predominantly female labor force.

Article 111.-

1- Gender discrimination against female employees and abuse of their honor and dignity by the employer are strictly forbidden.

The employer must observe the principle of gender equality in recruitment, utilization, pay raise and remuneration for work performed.

2- The employer must give priority to the woman who meets all the requirements for a job position that the business is seeking to fill and which can be filled by either a man or a woman.

3- The employer may not dismiss or unilaterally terminate a labor contract with a female employee for reasons of marriage, pregnancy, maternity leave or of caring for her child under 12 months of age, unless the business terminates its operation.

Article 112.- The pregnant female employee is entitled to unilaterally terminate her labor contract without having to pay compensation, stipulated in Article 41 of this Code, if she can produce a certification by a doctor that there will be harmful effects on the fetus if she continues working. In this case, the time limit during which the female employee has to notify her employer in advance about her job termination shall depend on the time prescribed as safe for her by the doctor.

Article 113.-

1- The employer is not allowed to use female labor for heavy or dangerous jobs or jobs which necessitate exposure to noxious substances of harmful effects on the reproductive and child-rearing function of women. The list of such substances is to be published by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare and the Ministry of Public Health.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- The employer may not use female employees of any age for permanent work in mines or jobs requiring constant immersion in water.

Article 114.-

1- The female employee is entitled to take leave before and after child birth, for four to six months, according to prescriptions by the Government and depending on the working conditions, the character of the job and whether it is a heavy or noxious job or a job in a remote region. If she gives birth to a twin or more children, the mother is entitled to another 30 days of leave for each additional child. The rights and interests of the female employees during maternity leave are defined in Article 141 and 144 of this Code.

2- Upon the end of the maternity leave, the female employee may take and additional unpaid leave, as may be agreed with the employer, if she so requests. The female employee may return to work before the end of her maternity leave, but no sooner than two months after the childbirth, if her doctor certifies in writing that her return to work will not harm her health. However, she must notify the employer in advance. In this case the female employee shall continue to receive the childbirth allowance besides the pay for her labor.

Article 115.-

1- The employer may not assign a female employee who is seven or more months pregnant or who is caring for her child of less than 12 months of age to overtime work, nighttime work or work involving significant travel.

2- From the seventh month of her pregnancy onward, the female employee performing heavy labor shall be assigned to a lighter job or shall have her work day reduced by one hour, while continuing to receive full pay.

3- The female employee is entitled to 30 minutes of rest per workday during her menstrual period. The female employee caring for her child of less than 12 months of age is entitled to 60 minutes off during work time while continuing to receive full pay.

Article 116.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- In places where a large female labor force is employed, the employer has the responsibility to help organize day-care centers for children, or cover part of the cost incurred to the female employees in sending their children to day-care centers.

Article 117.-

1- During her leave for pre-natal examination, for taking a family-planning measure, or on account of a miscarriage, tending a sick child under seven years of age or of adopting a new-born, the female employee shall still receive a social insurance allowance or shall be paid a sum equivalent to the social insurance allowance by the employer. The duration of the leave and the level of allowance stipulated in this item shall be defined by the Government. If the sick child is cared for by a person other than the mother, the mother shall still receive the social insurance allowance.

2- Upon completion of her statutory maternity leave and even the additional unpaid leave allowed to her, the female employee shall still be assured of her job when she returns to work.

Article 118.-

1- At businesses employing a large female labor force, the persons responsible at the managerial board must assign an individual to monitor female labor affairs. Before taking any decision related to the rights and interests of the female employees and their children, consultation must be made with the representative of the female employees.

2- Among the labor inspectors there must be an appropriate number of women inspectors.,

Chapter XI

SOME SPECIFIC REGULATIONS CONCERNING MINORS AND OTHER TYPES OF LABORERS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 119.-

1- A minor laborer is one under 18 years of age. Where the employment of minors occurs, there must be a separate record of each minor's full name, date of birth, current jobs, the result of each periodical health check, which must be produced to the labor inspector on request.

2- It is strictly forbidden to misuse the labor of minors.

Article 120.- It is forbidden to employ children below 15 years of age, except for those professions and jobs to be defined by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare.

With regard to the occupations and jobs which are allowed to employ children under 15 years of age for work, job learning or apprenticeship, their admission and the utilization of their labor must be consented and monitored by their parents or tutors.

Article 121.- An employer is allowed to employ minors only for jobs suited to a minor's health in order to protect the development of their physical and intellectual conditions as well as their personality. The employer has the responsibility to care for the minor employee in the domain of labor, wages, health and education during employment.

It is forbidden to employ minors in heavy and dangerous jobs or jobs necessitating exposure to noxious substances prescribed in the list published by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare and the Ministry of Public Health.

Article 122.-

1- The work hours of a minor employee may not exceed seven hours per day nor 42 hours per week.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SECTION II.- ELDERLY LABORERS

Article 123.- An elderly employee is one over 60 years of age for men and over 55 years of age for women.

In the last year before retirement, the elderly employee is entitled to a reduction of one hour from his/her daily work time or to the system of non-full work day or non-full work week, according to prescriptions by the Government.

Article 124.-

1- If the need arises, the employer may agree with the elderly employee to extend the labor contract or to sign a new labor contract, as provided for in Chapter IV of this Code.

2- If, after retirement, the elderly employee works under a new labor contract, apart from the benefits he/she enjoys from the pension system, the elderly employee shall enjoy the benefits stipulated in the labor contract.

3- The employer has the responsibility to care for the health of the elderly employee and may not employ the elderly employee in heavy or dangerous jobs or jobs necessitating regular exposure to noxious substances which negatively impart the health of the elderly employee.

SECTION III.- DISABLED LABORERS

Article 125.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- Institutions which admit the disabled for job training are entitled to a tax reduction, to low-interest loans and other preferential treatments in order t create conditions to enable the disabled to learn a trade.

3- The Government shall set a mandatory quota for disabled labor for a number of occupations and jobs. If a business with these occupations and jobs does not accept this quota, it shall pay a sum proscribed by the Government to the employment fund to help in the creation of employment for the disabled. Any business which employs a number of disabled than the assigned quota shall receive financial support or low-interest loans from the Government in order to create working conditions suitable for disabled employees.

4- The work hours for a disabled employee shall not exceed seven hours per day and 42 hours per week.

Article 26.- Vocational institutions as well as production and business establishments, which are specifically reserved for the disabled, shall receive financial assistance in their initial stage to install workshops, schools and classrooms and to purchase equipment and facilities and shall enjoy tax exemption and low-interest loans.

Article 127.-

1- Institutions which provide vocational training for the disabled or employ the disabled must observe regulations concerning appropriate working conditions, labor tools, labor safety, labor sanitation and must provide regular care for the health of the disabled.

2- It is forbidden to assign the disabled who have lost more than 51% of their ability to overtime or night work.

3- The employer may not employ the disabled for heavy or dangerous jobs or jobs which necessitate regular exposure to noxious substances, as defined in the list published by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare and the Ministry of Public Health.

Article 128.- The employee who is an injured or diseased military personnel shall, apart from the benefits defined in this Section, enjoy the State preferential treatments with regard to war invalids and diseased soldiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 129.-

1- The employee with a high professional and technical skill is entitled to hold multiple jobs and posts through integrating labor contracts with many employers on condition that the employee ensure a full implementation of the labor contracts he/she has already signed and notify all the employers.

2- The employee with a high professional and technical skill shall enjoy copyright or patent protection, as prescribed by law, when he/she devises a useful solution, an innovation or an invention. When his/her research project is funded by the business's capital, he/she shall receive his/her share of the economic results according to the contract already signed for that research project.

3- The employee with a high professional and technical skill is entitled to take long-term unpaid leave or to partial pay in order to conduct his/her research work or to improve his/her standard while continuing to hold his/her job at the office or business by mutual agreement with the employer.

4- The employee with a high professional and technical skill shall be prioritized for the application of the regulations stipulated in Items 1 and 2, Article 124, of this Code.

5- If the employee with a high professional and technical skill discloses a technological or business secret of the institution which employs him/her, he/she shall, beside being disciplined under the terms of Article 85 of this Code, pay compensations for damage, as provided for in Articles 89 and 90 of this Code.

Article 130.-

1- An employer is entitled to enter into a labor contract with any person with a high professional and technical skill, including State employees in jobs not prohibited by the Public Servants Statute.

2- The employee with a high professional and technical skill shall receive preferential treatment by the State and the employer, both of whom shall create favorable conditions for the development of such employee's capabilities and talents for the benefit of the business and the country. Such preferential treatment accorded to the employee with high professional and technical skill shall not be regarded as discrimination in the use of labor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SECTION V.- EMPLOYEES WORKING FOR FOREIGN ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS IN VIETNAM, FOREIGNERS WORKING IN VIETNAM, AND VIETNAMESE EMPLOYEES WORKING ABROAD

Article 131.- Vietnamese citizens working in businesses founded under the Law on Foreign Investment in Vietnam, in the export processing zones, in foreign or international agencies or organizations in Vietnam, or working for individuals who are foreign nationals in Vietnam or foreigners working in Vietnam must all abide by the Vietnamese labor legislation and are protected by the Vietnamese labor legislation.

Article 132.-

1- The businesses, agencies, organizations and individuals, described in Article 131 of this Code, that want to employ Vietnamese must go through the employment service, defined at Article 18 of this Code. If the employment service introduces or recruits laborers who do not meet their requirements, these businesses, organizations or individuals are entitled to make the recruitment directly but they must notify the labor office at the provincial level or another competent authority.

With regard to jobs requiring high technical or managerial skills which the Vietnamese side cannot yet fil, the business, organization or individual is authorized to employ a foreigner for a certain period of time but it must have a planned training program so that a Vietnamese may soon fulfill the job requirement and replace the foreigner.

2- The minimum wage of a Vietnamese employed as defined in Article 131 of this Code shall be set and published by the Government after consulting the Vietnam General Confederation of Labor and the representative of the employers.

3- Work time, break time, labor safety, labor sanitation, social insurance, settlement of labor disputes in the businesses, organizations and in other circumstances defined in Article 131 of this Code shall be determined as established by the Vietnamese Government.

Article 133.-

1- Foreigners working on a permanent basis for a Vietnamese business, organization or individual or for a business with foreign investment in Vietnam must have a Labor Permit issued by the Vietnamese Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 134.-

1- The employee, who is a Vietnamese citizen allowed to go to work in a foreign country under a labor contract and who comes under the management of a foreign organization or individual, shall have to obey the prescriptions of the labor legislation of that country. If he/she works under an agreement on labor cooperation, signed between the Vietnamese government and the government of that country, he/she must abide by the prescriptions of the labor legislation of that country and the said agreement.

2- With regard to the employee who is a Vietnamese citizen allowed to go to work in a foreign country, under a construction contract signed by a Vietnamese business, and who comes under the management of, and is paid, by this business, the provisions of this Code shall apply unless otherwise provided for in an international convention which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to.

Article 135.-

1- An employee who goes to work in a foreign country is entitled to be apprised of his/her rights, interests and obligations, to be guaranteed consular and juridical protection by a competent overseas Vietnamese office, to be able to repatriate his/her income in foreign currencies and his/her personal property to the country, to be entitled to the social insurance benefits and other policies and regimes according to the laws of Vietnam and that foreign country.

2- The employee who goes to work in a foreign country has the duty to contribute part of his/her salary to the social insurance fund.

SECTION VI.- SOME OTHER TYPES OF LABOR

Article 136.- The person who works in a special occupation or job in the domain of arts shall enjoy a number of regimes on apprenticeship and retirement ages; on labor contract commitments; on work and break time; and on salary and wage subsidies, bonuses, labor safety and labor sanitation, according to prescriptions by the Government.

Article 137.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- An individual receiving work to do at home by sub-contract does not come under the jurisdiction of this Code.

Article 138.- At businesses employing fewer than 10 employees, the employer must still assure the basic interests of the employee, as prescribed in this Code, but is entitled to a number of reductions or exemptions from certain requisite standards and procedures prescribed by the Government.

Article 139.-

1- A person who is hired to do housework can make either a verbal or written labor contract. But if he/she is hired to be a caretaker, the labor contract must be in writing.

2- The employer must respect the honor and dignity of the houseworker and has the responsibility to look after him/her if he/she falls sick or meets with accident.

3- The salary, work time, break time and the allowances of the houseworker are agreed upon by the two parties during the making of the labor contract. The employer shall bear the travel expenses of the houseworker on his/her return to his/her place of permanent residence upon the end of his/her employment. However, if the houseworker unilaterally decides to cancel his/her employment before the expiration of the labor contract.

Chapter XII

SOCIAL INSURANCE

Article 140.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- Various forms of obligatory or voluntary social insurance shall be provided to each type of employee and business, to assure that the employees have access to appropriate forms of social insurance.

Article 141.-

1- Obligatory forms of social insurance shall apply to businesses employing more than 10 employees. At these businesses, the employer as well as the employee must pay the social insurance premiums, as defined at Article 149 of this Code, and the employee is beneficiary of social insurance allowances in the event of sickness, labor accident, occupational disease, pregnancy, retirement or death.

2- With regard to the employee working in a business employing fewer than 10 employees, performing jobs lasting less than three months, or jobs of a seasonal or temporary character, the employee's social insurance allowances shall be included in his/her salary paid by the employer, so that he/she can join a social insurance scheme of his/her choice or look after his/her own insurance.

Article 142.-

1- In the event of sickness, the employee is entitled to medical examinations and treatment at medical facilities, according to the provisions of the medial insurance.

2- The employee who becomes sick, and is allowed by the doctor to be treated at home or at the hospital, shall receive a sickness allowance paid by the social insurance fund.

The level of this sickness allowance depends on the type and condition of work, the social insurance premiums the employee has paid and the time length of his/her buying them. This level is set by the Government.

Article 143.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



After the treatment, depending on the level of his/her disability as a result of the labor accident or occupational disease, the employee shall be examined by the Medical Examination Board, which will classify the degree of his/her disability for the allocation of his/her disability allowance to be paid either once for all or monthly by the social insurance fund.

2- If, during the course of the employment, the employee dies as a result of a labor accident or occupational disease, his/her closest relatives shall receive a death indemnity, as defined in Article 146 of this Code, plus an allowance from social insurance amounting to 24 months of the minimal salary set by the Government.

Article 144.-

1- If during her maternity leave, as defined at Article 114 of this Code, if the female employee has paid her social insurance premium, she shall receive a social insurance benefit equal to 100% of her salary, plus an allowance equal to one month salary if she gives birth to her first or second child.

2- The other regimes concerning female employees shall apply as defined at Article 117 of this Code.

Article 145.-

1- The employee shall benefit from a monthly pension if he/she meets the following conditions on age and social insurance premium:

a/ The employee is 60 years of age for men and 55 years of age for women. The personable age of the employees who work on heavy or noxious jobs or in highlands, border regions, off-shore islands and some special cases shall be defined by the Government.

b/ The employee has paid his/her social insurance premium for at least 20 years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ He/she has reached the age stipulated at Point (a), Item 1, of this Article and has paid his/her social insurance premiums for at least 15 years.

b/ The employee has paid his/her social insurance premiums for at least 20 years and is at least 50 years of age for men and 45 years of age for women and who has lost at least 61% of his/her working capacity;

c/ The employee performs especially heavy or noxious jobs as prescribed by the Government and has paid his/her social insurance premiums for at least 20 years and has lost at least 61% of his/her working capacity.

3- An employee who cannot meet the conditions for entitlement to the monthly pension as defined in Items 1 and 2 of this Article shall receive a package allowance.

4- The level of monthly pension and package allowance, defined in Item 1, 2 and 3 of this Article, depends on the levels of the premium and the number of years it has been paid, which are prescribed by the Government.

Article 146.-

1- When an employee, a pensioner or a beneficiary of monthly allowances for labor incapacitation, labor accident or occupational disease, dies, the person in charge of his/her funeral shall receive a funeral allowance, prescribed by the Government.

2- A monthly allowance shall be granted to the close relative of an employee who dies as a result of a labor accident, an occupational disease, who dies after having paid his/her social insurance premiums for more than 15 years, who dies while benefiting from a monthly pension or monthly allowance for labor accident or occupational disease, who has children under 15 years of age, or whose spouse or parents are past the working age whom he/she directly catered for while he/she was living. If the deceased employee has no relatives eligible for a monthly allowance or has not paid his/her social insurance premiums for 15 years, his/her family shall receive a package allowance, but this may not exceed an amount equal to 12 months of his/her salary or of the allowance he/she had been receiving.

3- The beneficiary of the pension system, of the allowance for labor incapacitation or the allowance for labor accidents, in degrees 1 and 2, or occupational diseases, in degrees 1 and 2, prior to the effective date of this Code, shall benefit from the death allowance provisions stipulated in this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- The time worked by an employee of a State owned business before this Code becomes effective shall be covered by the social insurance if the employee has not received the severance allowance or the package allowance paid by the social insurance fund.

2- Social insurance benefits of pensioners, beneficiaries of monthly allowances for labor incapacitation, labor accident, occupational disease and death, prior to the effective date of this Code, shall be assured by the State budget and shall be readjusted to fit in with the social insurance policy in force.

Article 148.- Businesses engaged in agriculture, forestry, fishery and salt production have the responsibility to take part in different forms of social insurance suitable to the characteristics of their production and use of labor in each branch, according to the Statute on Social Insurance.

Article 149.-

1- The social insurance fund is funded by the following sources:

a/ Contribution by the employer representing 15% of the total wage fund;

b/ Contribution by the employee representing 5% of his/her wage;

c/ Contributions and allowances by the State to ensure the implementation of the social insurance policy for the employee; and

d/ Other sources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 150.- The Government shall issue the Statute on Social Insurance, establish a system of social insurance and promulgate the Rules on Organization and Operation of the Social Insurance Fund with the participation of the Vietnam General Confederation of Labor.

Article 151.-

1- The employee taking part in the social insurance scheme shall receive full social insurance benefits in an expeditious and timely manner.

2- Any dispute arising between the employee and the employer concerning social insurance shall be settled according to the provisions of Chapter XIV of this Code. If a dispute involves the social insurance agency, it shall be settled according to the Rules on Organization and Operation of the Social Insurance Fund.

Article 152.- The State encourages employees, trade unions, employers and other social organizations to establish social mutual assistance funds.

Chapter XIII

TRADE UNION

Article 153.-

1- Within six months after this Labor Code becomes effective, at an operating business for which no trade union organization has been set up, and within six months after a newly formed business becomes operational, the provincial chapter of the Vietnam General Confederation of Labor shall set up a provisional trade union organization to represent and protect the rights and interests of the employees and the employee collective.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 154.-

1- Once a trade union is established, according to the Trade Union Law and the Trade Union Statute, the employer must recognize it.

2- The employer must closely cooperate with and create favorable conditions for the Trade Union to operate according to the regulations of the Labor Code and the Trade Union Law.

3- The employer is not allowed to discriminate against an employee who establishes or joins a trade union or joining a trade union or participate in trade union activities. The employer shall also not use economic measures and other measures to interfere in the organization of and activities by the trade union.

Article 155.-

1- The employer has the responsibility to ensure the necessary working means for the trade union to operate.

2- The employee, who works part time for the trade union, may use a portion of his/her working time to look after trade union matters and still receive full pay from the employer. This portion of work time that may by used to look after trade union matters shall be determined by the size of the business and on the agreement between the employer and the executive committee of the local trade union, but must not be fewer than three working days in a month.

3- The full time trade union worker is paid by the trade union fund but shall enjoy the same rights, interests and welfare benefits like any other employee in the business, depending on the statute of the business or the collective accord.

4- When the employer decides to dismiss or unilaterally terminate the labor contract with an employee who is a member of the Executive Committee of the local Trade Union, he/she must have the consent of this Committee. If the concerned employee is President of this Committee, the employer must obtain the consent from the trade union of a higher level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter XIV

SETTLEMENT OF LABOR DISPUTES

Article 157.-

1- A labor dispute is a dispute involving rights and interests related to employment, salaries, incomes and other labor conditions, the implementation of the labor contract, collective accord and questions arising during the process of apprenticeship.

2- Labor disputes include both individual disputes between the employee and the employer as well as collective disputes arising between the labor collective and the employer.

Article 158.- Labor disputes are settled on the following principles:

1- Direct negotiation and arrangement between the two parties to the dispute, at the place where the dispute arises;

2- Reconciliation and arbitration based on respect for the rights and interests of both parties, respect for the common interests of society and observance of law;

3- Openness, objectivity, timeliness, expeditiousness and in conformity with law; and

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 159.- A labor dispute may be brought to the agency or organization in charge of settling labor disputes when one party refuses to negotiate or the two parties have failed in their negotiations, or when one or both parties apply for a settlement of their dispute.

Article 160.-

1- In the process of settling a labor dispute, the parties to the dispute have the right to:

a/ Participate in the process directly or through their representatives;

b/ Withdraw their demands or change the contents of their dispute; or

c/ Request the replacement of the person directly in charge of the settlement if they can produce plausible reasons to prove that this person cannot ensure objectivity and equity in the settlement of the dispute.

2- In the process of settling the labor dispute, the parties to the dispute are obliged to:

a/ Supply all necessary documents and evidences as requested by the agency or organization in charge of settling the dispute; and

b/ Implement in good faith that upon which agreement has been reached, the reconciliation, the effective decision of the agency or organization in charge of settling the labor dispute, and the verdict or the effective decision of the People's Court.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



SECTION I.- COMPETENCE AND PROCEDURE FOR SETTLING INDIVIDUAL LABOR DISPUTES

Article 162.- The agencies and organizations having the competence to settle individual labor disputes are:

1- The local Labor Reconciliation Council or the Labor Reconciliator from the labor office in the district, town or city in a province (hereunder referred to as the district level) in the places where no local Labor Reconciliation Council exists; and

2- The People's Court.

Article 163.-

1- The local Labor Reconciliation Council, set up for a business with 10 or more employees, shall be composed of an equal number of representatives of the employees and of the employer. The number of members of the Council shall be decided by mutual agreement.

2- The term of the local Labor Reconciliation Council is two years. The positions of the Chairman and Secretary of the Council shall be rotated between the two sides. The Council operates according to the principle of agreement and consensus.

3- The employer must provide the necessary conditions for the local Labor Reconciliation Council to operate.

Article 164.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- The local Labor Reconciliation Council shall meet within seven days after receiving the request for reconciliation. This meeting must be attended by the two disputing parties or their mandated representatives.

2- The local Labor Reconciliation Council shall propose a reconciliation plan for the parties to consider. If the two parties accept this plan, an agreement on reconciliation shall be drafted and signed by the two disputing parties, along with the President and the Secretary of the local Labor Reconciliation Council. The two parties are obliged to fulfill the agreements written in the record of reconciliation; and

3- If reconciliation fails, the local Labor Reconciliation Council shall draft a report on the failure which describes the positions of the two disputing parties and the Council, and which shall bear the signatures of the two parties, the President and the Secretary of the Council. Copies of this report shall be sent to the two parties not later than three days after the failure of the reconciliation. Each party to the dispute has the right to ask the district People's Court to settle the dispute. The dossier for the reconciliation shall be sent to the People's Court along with the report on the unsuccessful reconciliation.

Article 165.-

1- The Labor Reconciliator shall proceed, in the order defined at Article 164 of this Code, in regard to the individual labor disputes at businesses employing fewer and employer, or disputes regarding the execution of an apprenticeship contract and a job training tuition.

2- The Labor Reconciliator must begin the reconciliation not later than seven days after receiving the request for reconciliation.

Article 166.-

1- The district People's Court shall settle individual labor disputes, upon request of at least one of the two disputing parties, after the local Labor Reconciliation Council or Labor Reconciliator has been unable to facilitate a reconciliation.

2- The following labor disputes can be settled by the district People's Court, without having to go through the local Labor Reconciliation Council or Labor Reconciliator:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Disputes concerning the compensation for damages to the employer.

3- The employee is exempt from court fees for litigation concerning the demand for salary, social insurance, compensation for consequences of a labor accident, occupational diseases, compensation for damage, or indemnities for dismissal and unlawful termination of the labor contract.

Article 167.- The time-limit for settling individual labor disputes, which shall be determined to arise on the date when each of the two disputing parties claims that its rights and interests have been violated, is defined as follows:

1- One year for the labor disputes described at Item 1, Article 166, of this Code; and

2- Six months for all other labor disputes.

SECTION II.- COMPETENCE AND PROCEDURE IN SETTLEMENT OF COLLECTIVE LABOR DISPUTES

Article 168.- The agencies and organizations having the competence to settle collective labor disputes comprise:

1- The local Labor Reconciliation Council or the Labor Reconciliator of the district-level labor office where no local Labor Reconciliation Council exists;

2- The provincial-level Labor Arbitration Council.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 169.-

1- The local Labor Reconciliation Council, as defined at Article 163 of this Code, has the jurisdiction to act as reconciliator also in the collective labor disputes.

2- The Labor Arbitration Council at the provincial level is composed of full-time or part-time members who are representatives of the labor office, trade union, employers, lawyers, managers and prestigious social workers in the locality. The Labor Arbitration Council at the provincial level comprises an uneven number of members, with a maximum of nine members, over which a representative of the provincial Labor Office presides.

The term of the Labor Arbitration Council shall be three years.

The Labor Arbitration Council shall act by majority vote and secret ballots.

The Labor Office at the provincial level shall provide the necessary conditions for the labor arbitration council to operate.

Article 170.- The procedure in the settlement of collective labor disputes is defined as follows:

1- The local Labor Reconciliation Council or the Labor Reconciliator shall commence the reconciliation within seven days after receiving a request for reconciliation. The two disputing parties or their mandated representatives must be present at the reconciliation meeting;

2- The local Labor Reconciliation Council or the Labor Reconciliator shall present a reconciliation plan for the two parties to consider. If the parties accept the plan, a report on the agreement shall be drafted and signed by the parties to the dispute, along with the President and the Secretary of the local Labor Reconciliation Council or the Labor Reconciliator. The two parties are obliged to implement the reconciliation agreement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 171.-

1- The Labor Arbitration Council shall commence the reconciliation and settle the collective labor dispute within 10 days after receiving the request.

The lawful representatives of the two parties to the dispute must be present at the meeting to settle the collective labor dispute. When necessary, the Labor Arbitration council may invite higher levels of the local Trade Union and the representative of the concerned State agency to attend the meeting.

2- The Labor Arbitration Council shall present a reconciliation plan for the two parties to consider. If the parties agree, a report on the agreement shall be drafted with the signatures of the disputing parties, along with that of the President of the Arbitration Council. The two parties are obliged to comply with the provisions of the reconciliation agreement.

3- If the reconciliation fails, the Labor Arbitration Council shall settle the dispute and immediately inform the two disputing parties of its decision. If neither party to the dispute objects, the decision shall automatically take effect.

Article 172.-

1- If the labor collective does not agree with the decision of the Labor Arbitration Council, it may request the People's Committee to settle the dispute or may stage a work strike.

2- If the employer does not agree with the decision of the Labor Arbitration Council, he/she may request the People's Court to reconsider the decision. The request of the employer for the reconsideration of the Labor Arbitration Council's decision shall not preempt the right to strike by the labor collective.

Article 173.-

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- The work strike shall be decided by the Executive Committee of the local Trade Union after the majority of the labor collective approve it by a secret ballot or by signatures.

The Executive Committee of the local Trade Union shall send a delegation, composed of no more than three persons to present a list of demands to the employer and, at the same time, send a notice to the labor office at the provincial level and notice of such demands to the provincial chapter of the Vietnam General Confederation of Labor. The list of demands and the notice must specify the questions in dispute, the contents of the demands, the result of the vote or the signing in favor of the work strike and the point of time when the strike shall begin.

3- It is strictly forbidden to engage in acts of violence or acts which damage the machinery, equipment and other property of the business or any violations of public order and safety during the strike.

Article 174.- Strikes are forbidden at businesses of public service or businesses essential to the national economy or national security and defense, as specified by the Government.

The State managerial agencies must periodically collect the opinions of the representatives of the labor collectives and the employers at these businesses in order to help settle in time the legitimate demands of the labor collectives. When a collective labor dispute occurs, it shall be settled by the provincial Labor Arbitration Council. If one of the two parties disagrees with the decision of the Labor Arbitration Council, it may ask the People's Court to settle the dispute.

Article 175.- If the strike is judged to constitute a serious danger to the national economy or to public safety, the Prime Minister is entitled to order the postponement or cessation of the strike.

Article 176.-

1- The following strikes are unlawful:

a/ The strike does not proceed from a collective labor dispute, or which exceeds the scope of labor relations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The strike violates the provisions of Items 1 and 2, Article 173, and Article 174, of this Code.

2- The determination of whether a strike is lawful or unlawful comes under the jurisdiction of the People's Court.

Article 177.- The decision of the People's Court on the strikes and collective labor disputes shall be final.

Article 178.-

1- If is strictly forbidden to engage in acts of harassment or retaliation against the participants or leaders of strikes.

2- Any person who prevents the exercise of the right to strike, who forces others to strike, who takes unlawful acts during the strike, who refuses to comply with the decision of the Prime Minister or of the People's Court, shall, depending on the extent of the offense, indemnify any damages, be subject to administrative sanctions or be investigated for penal liability.

Article 179.- The settlement of strikes and court rulings concerning labor shall be conducted by the Standing Committee of the National Assembly.

Chapter XV

STATE MANAGEMENT OF LABOR

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1- Monitoring labor demand and supply and their evolution as a basis for determining national policy, planning human resources, and distributing and employing labor resources of the whole society;

2- Promulgating and guiding the implementation of legal documents on labor;

3- Elaborating and organizing the implementation of national employment programs, moving population to create new economic zones and to send labor to work abroad;

4- Making policies on wages, social insurance, labor safety, labor sanitation and other policies on labor and social welfare, on the strengthening of labor relations at businesses;

5- Organizing and conducting scientific research on labor, and collecting statistics and information on labor, the labor market, the living standards and incomes of the laborers;

6- Inspecting and controlling the implementation of the labor legislation and handling the violations of the labor legislation, and settling labor disputes according to the provisions of this Code; and

7- Expanding cooperative relations with foreign countries and international organizations in labor matters.

Article 181.-

1- The Government shall exercise unified State management of labor on the national scale.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2- The People's Committee at all levels shall exert State management of labor within its locality. The local Labor Office shall assist the People's Committee of the same level in its exercise of State management of labor, according to the assignment of responsibilities by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare.

3- The Vietnam General Confederation of Labor and the trade unions at all levels shall exercise State management in labor, as prescribed by law.

4- The State shall create conditions for the employer to make recommendations to the State agencies regarding matters of labor management and employment.

Article 182.- Within 30 days after the business begins operation, the employer must declare the use of labor and, in the process of operation of a business, the employer must report changes in the labor force to the local Labor Office, as prescribed by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare. Also within 30 days after the business terminates its operation, the employer must report to the local Labor Office about the cessation of the employment of labor.

At businesses employing more than 10 employees, the employer must maintain records regarding employees, their salaries and social insurance.

Article 183.- The employee shall be provided with a labor-registration record and records on salary and social insurance, as prescribed by law.

Article 184.-

1- The sending of Vietnamese citizens to work in a foreign country must be done only with the requisite permit from the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare and other competent State authorities, as prescribed by law.

It is strictly forbidden to send people to work abroad in contravention of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter XVI

STATE INSPECTION ON LABOR, SANCTIONS AGAINST VIOLATIONS OF LABOR LEGISLATION

SECTION I.- STATE INSPECTION ON LABOR

Article 185.- The State inspection on labor includes inspections of labor, labor safety and labor sanitation.

The Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare shall inspect labor and labor safety. The Ministry of Public Health and local medical offices shall inspect labor sanitation;

Article 186.- The State inspection on labor is to fulfill the following main tasks:

1- Inspecting the observance of regulations on labor, labor safety and labor sanitation;

2- Investigating labor accidents and violations of the standards of labor sanitation;

3- Examining and agreeing upon standards for measures for labor safety in economic and technical feasibility and design plans, along with registering and authorizing the use of machinery, equipment and materials requiring high levels of labor safety, identified in a list drafted by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5- Settling complaints and denunciations of employees of violations of the labor legislation; and

6- Deciding on the sanctions against violations of the labor legislation within its jurisdiction and recommending the competent authorities to handle the violations under their jurisdiction.

Article 187.- When conducting the inspection, the labor inspector has the right to:

1- Inspect and investigate and places and objects under his/her inspection mandate at any time and without advance notice;

2- Request the employer and other related persons to supply documents relevant to the inspection and investigation;

3- Receive and settle complaints and denunciations about violations of the labor legislation, as prescribed by law;

4- Suspend temporarily the use of machines, equipment and work places which threaten to cause labor accidents or serious pollution of the work environment. He/she must take responsibility for this decision and immediately report it to the competent State authority.

Article 188.- The labor inspector must be a person which has no personal interest directly or indirectly related to the subject of the inspection. The labor inspector must not, even after having quit his/her job, disclose confidential information he/she had acquired during the discharge of the inspection services and must keep absolutely secret all sources of complaints.

Article 189.- During the inspection, the inspector must closely cooperate with the Executive Committee of the local Trade Union. If the inspection involves scientific, technical or professional matters, the labor inspector may utilize the appropriate experts or skilled technicians as consultants. During the inspection of machines, equipment or storage, the employer and the direct operator or custodian of the machines, equipment or storage must be present.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The decision of the labor inspector is binding.

The recipient of the decision is entitled to appeal to the competent State authority, while continuing to abide by in good faith the decision of the labor inspector.

Article 191.-

1- The Government shall define the organization and operation of the State Inspector on Labor.

2- The Ministry of Labor, War Invalids and Social Welfare and the Ministry of Public Health shall establish the organizations of State inspection on labor within their own jurisdiction and functions, set the standards for recruitment, appointment, transfer, removal or dismissal of inspectors, issue inspector cards and determine the procedures for periodical or unwarranted inspections and other necessary rules and procedures.

3- The inspection of labor safety and labor sanitation at establishments in radioactivity, oil and gas prospection and exploitation, in railway, water, land and air transport, and at units of the armed forces, shall be done by the management offices of these services in collaboration with the State Inspection on Labor.

SECTION II.- HANDLING VIOLATIONS OF LABOR LEGISLATION

Article 192.- Any person who violates the provisions of this Code shall, depending on the extent of his/her violation, be subjected to one of these sanctions; reprimand, fine, suspension, withdrawal of license, forcible compensation, closing of business or investigation for penal liability, as stipulated by law.

Article 193.- Any person who engages in an act of obstruction, bribery or retaliation to ward a person authorized under this Code during the execution of public service shall, depending on the extent of his/her offense, be subjected to discipline, administrative sanction or to be investigated for penal liability, as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 195.- The Government shall establish administrative sanctions against violations of the labor legislation.

Chapter XVII

IMPLEMENTATION PROVISION

Article 196.- The provisions of this Code shall govern labor contracts, collective labor accords and all other lawful agreements entered before the effective date of this Labor Code. Agreements which are more beneficial to employees than are set forth in this Code shall continue to be implemented. The agreements which do not conform to the provisions of this Code shall be amended or supplemented.

Article 197.- This Code takes effect on the 1st of January, 1995.

All previous provisions which are contrary to this Code shall be annulled.

Article 198.- The Standing Committee of the National Assembly and the Government shall make detailed provisions and provide guidance for the implementation of this Code.

This Code was passed by the Ninth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its Fifth Session on the 23rd of June, 1994.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nong Duc Manh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bộ luật Lao động 1994

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


216.163

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.116.61
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!