BỘ GIÁO DỤC
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 31-TT
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 11 năm 1981
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 31-TT NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1981 HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP TRONG NHÀ
TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ HỌC SINH PHỔ THÔNG TỐT NGHIỆP
Thi hành Quyết định số 126-CP
ngày 19 tháng 3 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ về công tác hướng nghiệp trong
nhà trường phổ thông và việc sử dụng hợp lý học sinh các cấp phổ thông cơ sở và
phổ thông trung học tốt nghiệp ra trường. Bộ hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ
này trong nhà trường phổ thông như sau:
I. VỊ TRÍ VÀ
NHIỆM VỤ CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP
Trong nhà trường phổ thông, hướng
nghiệp là bộ phận quan trọng của nền giáo dục phổ thông. Thực hiện công tác hướng
nghiệp là một yêu cầu cần thiết của cải cách giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu
nguyên lý và nội dung giáo dục của Đảng; góp phần tích cực và có hiệu quả vào
việc phân công và sử dụng hợp lý học sinh sau khi tốt nghiệp.
Công tác hướng nghiệp trong nhà
trường phổ thông nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh chọn nghề phù hợp
với yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với thể lực và năng khiếu
của cá nhân.
Nhằm mục đích đó, công tác hướng
nghiệp trong nhà trường phổ thông có các nhiệm vụ sau:
- Giáo dục thái độ lao động và ý
thức đúng đắn về nghề nghiệp;
- Tổ chức cho học sinh thực tập,
làm quen với một số nghề chủ yếu trong xã hội và các nghề truyền thống của địa
phương;
- Tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng
nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn và bồi dưỡng khả năng
nghề nghiệp thích hợp nhất;
- Động viên hướng dẫn học sinh
đi vào những nghề, những nơi đang cần lao động trẻ tuổi có văn hoá.
Trong quá trình thực hiện các
nhiệm vụ trên, các trường cần quán triệt các vấn đề sau:
- Hướng nghiệp phải dựa trên cơ
sở giáo dục kỹ thuật tổng hợp và giáo dục toàn diện;
- Hướng nghiệp phải căn cứ vào
phương hướng phát triển kinh tế, văn hoá và nhu cầu sử dụng nguồn lao động dự
trữ của đất nước và địa phương;
- Mức độ nội dung, hình thức và
phương pháp hướng nghiệp phải phù hợp với đặc điểm của học sinh (sức khoẻ, lứa
tuổi, trình độ học tập, xu hướng v.v...)
II. VIỆC TIẾN
HÀNH CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Để thực hiện nội dung Quyết định
số 126-CP, công tác hướng nghiệp phải được tiến hành từ lớp đầu cấp của trường
phổ thông cơ sở tới lớp cuối cấp của trường phổ thông trung học; đồng thời hướng
nghiệp phải được tiến hành thông qua các nhiệm vụ giáo dục, qua các hoạt động
giáo dục và phải kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức trong nhà trường và ngoài
nhà trường.
1. Những hình
thức giáo dục hướng nghiệp:
a) Hướng nghiệp qua các môn học:
Dựa vào đặc trưng của bộ môn,
các môn học đều có thể và cần phải giáo dục hướng nghiệp một cách thích hợp để
qua các kiến thức khoa học mà cung cấp cho học sinh những tri thức về tiềm năng
đất nước, khả năng và thành tựu của nhân dân trong lao động, sự phát triển các
ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công, công nghiệp then chốt; giáo dục ý thức
chọn ngành, chọn nghề đúng đắn, tinh thần sẵn sàng đi vào các ngành nghề đang cần
phát triển để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương.
Đặc biệt qua các phân môn kỹ thuật
phổ thông (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, cơ khí, kỹ thuật điện,
vô tuyến điện, v.v...) cần giới thiệu cho học sinh các nghề cơ bản có liên quan
trực tiếp tới môn học và tổ chức cho học sinh thực hành kỹ thuật, sản xuất
trong những ngành nghề đó. Các phân môn kỹ thuật phục vụ giới thiệu cho học
sinh ngành dệt, nghề may, chế biến thực phẩm, các nghề thuộc lĩnh vực phục vụ
...
Để tiến hành hướng nghiệp qua
các môn học, các nhà trường phải cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường thực
hành môn học, kết hợp giảng dạy với lao động sản xuất, tổ chức tham quan, xây dựng
phòng bộ môn...
Phải chấn chỉnh tình hình giảng
dạy kỹ thuật hiện nay, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng của
giáo viên giảng dạy kỹ thuật; kết hợp với các cơ sở sản xuất tạo điều kiện cho nhà
trường có thể tổ chức thực hành kỹ thuật, có công nhân lành nghề và cán bộ kỹ
thuật giúp đỡ nhà trường trong giảng dạy kỹ thuật.
b) Hướng nghiệp qua hoạt động
lao động sản xuất:
Tổ chức lao động sản xuất trong
nhà trường là biện pháp rất quan trọng để thực hiện công tác hướng nghiệp. Qua
lao động sản xuất, giáo dục quan điểm, thái độ, ý thức lao động cho học sinh;
trên cơ sở đó giáo dục ý thức đúng đắn đối với nghề nghiệp, tạo điều kiện cho học
sinh tiếp xúc với nghề và lao động trong các dạng nghề nghiệp khác nhau, phát
triển hứng thú, năng lực của học sinh đối với một vài dạng lao động nhất định,
hướng dẫn học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế
và phù hợp với năng lực của bản thân.
Trong thời gian tới, các trường
cần tích cực tổ chức hướng dẫn học sinh lao động sản xuất, chấm dứt những hình
thức lao động tuỳ tiện, gắn nội dung lao động với phương hướng sản xuất và các
nghề đang cần phát triển. Các trường vừa học vừa làm càng phải cần nâng cao chất
lượng học lao động và có tác dụng thực sự hướng nghiệp.
Ở vùng nông thôn cần chú trọng
ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công như các nghề trồng trọt,
chăn nuôi (trồng cây lương thực, cây lấy gỗ, cây thuốc nam, xây dựng vườn cây
Bác Hồ, ao cá Bác Hồ, chăn nuôi gia cầm, gia súc ...); nghề phổ biến như mộc, nề,
rèn, cơ khí ...; nghề truyền thống, xuất khẩu (đan, thêu, v.v...) ở thành phố
và vùng công nghiệp là ngành công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch
vụ...
Muốn vậy, phải xây dựng đội ngũ
giáo viên chỉ đạo lao động và làm nòng cốt cho công tác hướng nghiệp của nhà
trường. Phải có kế hoạch kết hợp với các cơ sở sản xuất của địa phương như hợp
tác xã nông lâm trường, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, trại, trạm thí
nghiệm nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thể tham gia lao động sản xuất ngành
nghề gắn bó với địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần trang bị kỹ thuật tối
thiểu để cung cấp cho nhà trường.
c) Hướng nghiệp qua việc giới
thiệu các ngành nghề:
- Để giúp học sinh hiểu biết các
ngành nghề, các trường tạm thời sử dụng mỗi tháng 1 buổi lao động giới thiệu,
tuyên truyền, giải thích ngành nghề. Nội dung chủ yếu của những buổi này là giới
thiệu cho học sinh khái quát về sự phát triển kinh tế của đất nước và địa
phương, nhu cầu sử dụng nguồn lao động dự trữ xã hội, những hiểu biết về những
ngành nghề cơ bản, và nghề truyền thống của địa phương.
- Khi giới thiệu nghề nghiệp, cần
tập trung vào một số điểm cơ bản như vị trí, vai trò, triển vọng, những hoạt động
cơ bản của nghề; những phẩm chất năng lực lao động cần có, những môn học phổ
thông cần thiết đối với nghề ...
- Nhà trường tự sưu tầm, sử dụng
tài liệu, sách báo, tranh ảnh, phim, vô tuyến truyền hình, dựa vào các cơ sở sản
xuất, phụ huynh học sinh, cán bộ kỹ thuật của địa phương để giới thiệu nghề cho
học sinh. (Bộ sẽ từng bước biên soạn cung cấp tài liệu cho các trường).
d) Hướng nghiệp qua các hoạt động
ngoại khoá:
- Xây dựng các tổ ngoại khoá, đặc
biệt là các tổ ngoại khoá về kỹ thuật, nhằm phát triển hứng thú học tập và hứng
thú nghề nghiệp của học sinh. Đối với những học sinh có xu hướng và năng khiếu
về các ngành nghề thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, hoạt
động xã hội, cũng cần phát hiện và tổ chức các tổ ngoại khóa bộ môn để bồi dưỡng.
- Tổ chức xây dựng góc hoặc
phòng hướng nghiệp.
- Kết hợp với đoàn thanh niên và
đội thiếu niên tổ chức những buổi toạ đàm hướng dẫn học sinh lựa chọn nghề, vận
động nam nữ thanh niên đi vào những nghề Nhà nước, địa phương đang cần nhiều
nhân lực.
- Kết hợp với hội cha mẹ học
sinh giúp đỡ, chỉ dẫn sự chọn nghề cho học sinh.
- Phối hợp với các cơ sở sản xuất
ở địa phương tạo điều kiện cho học sinh tham quan cơ sở sản xuất, giới thiệu
các nghề và có thể tổ chức cho học sinh tham gia lao động nghề nghiệp.
2. Tổ chức thực
hiện trong phạm vi ngành giáo dục.
a) Bộ máy:
- Ở Bộ, các đơn vị tổ chức thuộc
Bộ theo chức năng của mình có trách nhiệm nghiên cứu, chỉ đạo thường xuyên công
tác hướng nghiệp. Ngoài ra, Bộ quyết định thành lập Ban công tác hướng nghiệp của
Bộ với chức năng tham mưu về nội dung hoạt động của công tác hướng nghiệp trong
nhà trường phổ thông, phối hợp với các cơ quan trực thuộc bộ và các ngành cùng
thực hiện công tác hướng nghiệp.
- Với tinh thần trên, các Ban
giáo dục huyện, quận, Sở, Ty Giáo dục thành lập Ban công tác hướng nghiệp có chức
năng tham mưu cho cấp lãnh đạo về nội dung kế hoạch hướng nghiệp, phối hợp với
địa phương trong việc phân công sử dụng hợp lý học sinh ra trường. Ban hướng
nghiệp gồm đại diện lãnh đạo Sở, Ty hoặc Ban giáo dục, đống chí phụ trách giáo
dục phổ thông, kế hoạch và công tác đoàn.
- Mỗi trường thành lập ban hướng
nghiệp gồm các tiểu ban hướng nghiệp, lao động sản xuất, và sử dụng học sinh ra
trường. Thành phần Ban hướng nghiệp gồm hiệu phó (là trưởng ban), giáo viên kỹ
thuật, đại diện giáo viên chủ nhiệm các tổ trưởng bộ môn, đại diện của Đoàn
thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện hội cha mẹ học sinh, đại diện các cơ sở
sản xuất ở địa phương (là uỷ viên). Chức năng của ban hướng nghiệp là tham mưu
cho hiệu trưởng về nội dung, kế hoạch hướng nghiệp và phối hợp với địa phương
trong việc sử dụng học sinh ra trường.
b) Phân công trách nhiệm:
Trong nhà trường:
Nhiệm vụ của Hiệu trưởng:
- Lập kế hoạch hướng nghiệp
trong cả năm, từng học kỳ, từng tháng;
- Chủ động phối hợp với chính
quyền các cơ sở sản xuất, các trường dạy nghề đóng tại địa phương trong việc
xây dựng kế hoạch giúp trường phổ thông cơ sở vật chất, cán bộ kỹ thuật nghiệp
vụ để dạy lao động kỹ thuật, hướng nghiệp và tổ chức lao động sản xuất cho học
sinh phổ thông;
- Tổ chức thông báo cho giáo
viên về tình hình phát triển kinh tế của địa phương và nhu cầu sử dụng nguồn
lao động dự trữ;
- Chỉ đạo và kiểm tra công tác
hướng nghiệp của các giáo viên, phối hợp các hình thức hướng nghiệp trong và
ngoài nhà trường;
- Kết hợp với địa phương trong
việc sử dụng hợp lý học sinh ra trường;
- Cuối mỗi năm học, tổ chức bàn
giao học sinh ra trường cho địa phương, báo cáo rõ phẩm chất, năng lực của từng
em để địa phương có hướng sử dụng và tiếp tục bồi dưỡng một cách hợp lý; đề nghị
với cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân địa phương mở các hướng đi đúng đắn, các lớp học
nghề thiết thực cho học sinh ở lại địa phương sản xuất và công tác; thường
xuyên theo dõi việc bồi dưỡng, sử dụng học sinh sau khi ra trường và kịp thời động
viên khuyến khích vấn đề này.
Nhiệm vụ của giáo viên bộ môn:
- Giới thiệu cho học sinh những
ngành nghề có liên hệ trực tiếp với môn học;
- Tìm hiểu hứng thú về nghề của
học sinh;
- Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm
dẫn học sinh lựa chọn nghề;
- Tổ chức nhóm ngoại khoá, xây dựng
phòng bộ môn, tổ chức thăm quan hướng nghiệp kết hợp với tham quan môn học.
Nhiệm vụ của giáo viên giảng dậy
kỹ thuật:
Có trách nhiệm giảng dậy nội
dung hướng nghiệp mỗi tháng một buổi (lấy trong thì giờ lao động quy định) và
tiến hành giáo dục hướng nghiệp qua việc giảng dạy các môn kỹ thuật phổ thông.
Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm:
Có trách nhiệm nắm tình hình, động
viên học sinh lớp mình phụ trách tiếp thu tốt nội dung giáo dục hướng nghiệp;
và đối với lớp cuối bậc học, cần giáo dục tốt ý thức phục vụ; nắm tình hình cụ
thể mỗi học sinh để chuẩn bị tư tưởng cho các em sau khi tốt nghiệp, ngoài việc
tiếp tục học,làm nghĩa vụ quân sự tham gia tích cực các lớp bồi dưỡng nghề nghiệp
và trực tiếp tham gia lao động sản xuất, công tác theo yêu cầu của địa phương.
Trách nhiệm của các cấp quản lý
giáo dục:
- Các Sở, Ty giáo dục, Ban giáo
dục Huyện cần quán triệt một cách sâu sắc quyết định của Hội đồng Chính phủ,
Thông tư hướng dẫn các ngành thực hiện Quyết định số 126 - CP cũng như Thông tư
của Bộ Giáo dục để có kế hoạch chỉ đạo kiểm tra các trường thực hiện, bàn bạc với
các ngành của địa phương giúp đỡ các nhà trường giảng dạy kỹ thuật, tổ chức lao
động sản xuất để hướng nghiệp cho học sinh và sử dụng hợp lý học sinh phổ thông
ra trường.
- Cần tham mưu cho Uỷ ban nhân
dân địa phương đặt rõ trách nhiệm và có kế hoạch cụ thể với ngành, các đoàn thể,
các cơ sở sản xuất phối hợp giáo dục hướng nghiệp và sử dụng học sinh phổ thông
ra trường.
- Hàng năm tổng kết rút kinh
nghiệm về việc thực hiện công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông.
- Các đơn vị tổ chức thuộc bộ cần
nghiên cứu hướng dẫn nội dung, phương pháp; xây dựng kế hoạch thực hiện nhất là
về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên; biên soạn và xuất bản tài liệu, đề xuất
ban hành một số chế độ chính sách cần thiết; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật
chất, thiết bị, đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và một số vấn đề
cần thiết khác để chỉ đạo công tác hướng nghiệp.
3. Bước đi
trong thời gian tới:
- Trong năm 1981 - 1982 tuyên
truyền rộng rãi ý nghĩa, mục đích của công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ
thông.
Bộ kết hợp với các ngành kinh tế
và văn hoá xã hội có kế hoạch thực hiện quyết định của Hội đồng Chính phủ và mở
hội nghị hướng dẫn.
Mỗi địa phương chọn một số trường
để làm thí điểm để thực hiện công tác hướng nghiệp và có kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên dạy môn kỹ thuật phổ thông, chuẩn bị cơ sở để học sinh tham gia
lao động sản xuất. Nhưng trước hết phải chỉ đạo tốt tất cả các trường tăng cường
giáo dục lao động và phối hợp chuẩn bị để bàn giao học sinh tốt nghiệp cho địa
phương sử dụng hợp lý sau khi các em tốt nghiệp.
Hè năm 1981 - 1982, Bộ sẽ bồi dưỡng
sâu hơn về lý luận và kinh nghiệm cụ thể cho cán bộ giáo viên trong toàn ngành.
- Trong kế hoạch 5 năm 1981 -
1985, Bộ tiếp tục nghiên cứu lý luận, nội dung phương hướng và biên soạn tài liệu
hướng dẫn công tác giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp trong nhà trường
phổ thông.
Công tác hướng nghiệp và sử dụng
hợp lý học sinh phổ thông tốt nghiệp ra trường là một vấn đề quan trong và mới
mẻ, có nhiều khó khăn nhưng lại là một trong những yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ
cải cách giáo dục hiện nay.
Trong khi tiến hành phải nắm vững
các quan điểm giáo dục của Đảng, tinh thần các quyết định của Hội đồng Bộ Trưởng,
các thông tư hướng dẫn và có kể hoạch tích cực, thiết thực, từng bước thực hiện
nhiệm vụ này một cách có sáng tạo và vững chắc.
Bộ yêu cầu Uỷ ban nhân dân và
các cấp quản lý giáo dục ở địa phương, các trường học nắm vững chủ trương và vận
dụng thực hiện tốt Thông tư này.