THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 90-TTg
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 3 năm 1994
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC TIẾP TỤC SẮP XẾP DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC.
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ.
Trên cơ sở việc sắp xếp và
làm thủ tục thành lập và đăng ký lại doanh nghiệp Nhà nước theo qui chế về
thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số
388-HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã
được các Bộ, địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước triển khai thực hiện, đến
nay đã hoàn thành một bước quan trọng;
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường
quản lý Nhà nước;
Căn cứ kết luận của Chính phủ tại phiên họp ngày 6 tháng 1 năm 1994,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1.
Tiếp tục làm thủ tục thành lập và đăng ký lại những doanh nghiệp Nhà nước
chưa làm trong đợt I. Tiến hành kiểm tra, rà soát, phân tích, đánh giá thực trạng
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước chưa thành lập và đăng ký lại
trong đợt I, áp dụng các biện pháp chấn chỉnh, củng cố để doanh nghiệp Nhà nước
có đủ điều kiện thành lập lại. Các thủ tục thành lập lại phải xem xét chặt chẽ
tuân thủ Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20-11-1991.
a) Đối với các doanh nghiệp Nhà
nước đang hoạt động có lãi thì lập hồ sơ và tiến hành các thủ tục thành lập và
đăng ký lại theo qui định hiện hành.
b) Đối với các doanh nghiệp Nhà
nước đang kinh doanh chưa có lãi hoặc còn bị lỗ, nhưng có vị trí quan trọng
trong nền kinh tế Quốc dân, trước mắt cũng như lâu dài cần phải duy trì hình thức
doanh nghiệp Nhà nước, thì phải có đề án sắp xếp lại kèm theo bản thuyết trình
các giải pháp cụ thể về vốn, công nghệ và tổ chức quản lý để nâng dần hiệu quả
kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó xem xét và cho thành lập lại những
doanh nghiệp thực sự cần thiết.
c) Đối với các doanh nghiệp Nhà
nước không đủ điều kiện tồn tại và phát triển thì Bộ trưởng (Đối với doanh nghiệp
Nhà nước trực thuộc Bộ quản lý) hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
(Đối với doanh nghiệp Nhà nước địa phương quản lý) tổ chức xem xét và có quyết
định thích hợp như qui định trong Quyết định số 315/HĐBT ngày 1-9-1990 và số
330/HĐBT ngày 23-10-1991.
d) Đến ngày 30 tháng 9 năm 1994
phải kết thúc việc nhận hồ sơ ở các cơ quan có trách nhiệm thẩm định và đến
ngày 31 tháng 12 năm 1994 phải hoàn thành các thủ tục quyết định thành lập và
đăng ký lại.
Điều 2.
Đánh giá kết quả hoạt động, chấn chỉnh tổ chức quản lý, tiếp tục sắp xếp
các doanh nghiệp Nhà nước đã được thành lập lại trong đợt I để nâng cao hiệu quả
kinh doanh và từng bước tổ chức lại một cách hợp lý các doanh nghiệp Nhà nước
đang hoạt động cùng ngành nghề trên cùng một địa bàn theo hướng không phân biệt
doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương hay địa phương quản lý.
Điều 3.
Những đơn vị có tính chất sự nghiệp kinh tế, văn hoá xã hội, khoa học kỹ
thuật, dịch vụ công cộng, thuần tuý phục vụ Quốc phòng và an ninh hoạt động
không vì mục đích lợi nhuận thì vẫn cần xem xét, sắp xếp về tổ chức quản lý
nhưng không cần làm lại thủ tục thành lập, đăng ký như các doanh nghiệp. Bộ Tài
chính hướng dẫn về chế độ hoạch toán kế toán, tài chính riêng cho các đơn vị sự
nghiệp, không lẫn lộn các tổ chức này với doanh nghiệp Nhà nước.
Điều 4.
Chấn chỉnh việc thành lập mới doanh nghiệp Nhà nước:
4.1. Thành lập mới.
a) Chỉ thành lập mới những doanh
nghiệp Nhà nước trong những ngành then chốt, những lĩnh vực mang lại nguồn thu
lớn cho ngân sách Nhà nước, những lĩnh vực có nhu cầu của thị trường nhưng các
thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa có điều kiện đầu tư phát triển. Dành
ưu tiên các nguồn vốn cho yêu cầu đổi mới công nghệ và mở rộng năng lực của những
doanh nghiệp hiện đang hoạt động, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước có yêu cầu
phát triển.
b) Không thành lập thêm những
doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều năng lực kinh doanh cùng ngành đang hoạt động
cùng một địa bàn (kể cả năng lực ngoài quốc doanh).
4.2. Kể từ tháng 3 năm 1994 tất
cả các doanh nghiệp Nhà nước thành lập mới phải có mức vốn pháp định ít nhất bằng
5 lần mức vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn cùng ngành nghề theo Nghị định số
222/HĐBT ngày 23-7-1991 cụ thể hoá một số Điều qui định trong Luật Công ty.
Điều 5.
Sắp xếp, thành lập và đăng ký lại các Liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty (dưới
đây gọi chung là Tổng công ty).
5.1 Những Tổng công ty được xem
xét thành lập và đăng lý lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tổng công ty là doanh nghiệp
Nhà nước có ít nhất 5 đơn vị thành viên quan hệ với nhau về công nghệ, tài
chính, chương trình đầu tư phát triển, dịch vụ về cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ,
thông tin, đào tạo.
b) Toàn Tổng công ty có vốn pháp
định trên 500 tỷ đồng, đối với một số Tổng công ty trong những ngành đặc thù
thì vốn pháp định có thể thấp hơn nhưng không được ít hơn 100 tỷ đồng.
c) Tổng công ty thực hiện hạch
toán kinh tế theo một trong hai hình thức sau:
- Hạch toán toàn Tổng công ty,
các đơn vị thành viên hạch toán báo sổ.
- Hạch toán tổng hợp có phân cấp
cho các đơn vị thành viên.
d) Có luận chứng kinh tế - kỹ thuật
về việc thành lập Tổng công ty và đề án kinh doanh của Tổng công ty và văn bản
giám định các luận chứng đó.
e) Có phương án bố trí cán bộ
lãnh đạo và quản lý đúng tiêu chuẩn, đủ năng lực điều hành toàn bộ hoạt động của
Tổng công ty.
g) Có điều lệ tổ chức và hoạt động
đã được cơ quan chủ quản phê duyệt và được tuân thủ trong thực tế.
5.2 Phân loại để sắp xếp lại các
Tổng công ty hiện có.
Loại A: Những Tổng công ty đang
thực sự hoạt động có hiệu quả, đáp ứng các điều kiện đã qui định trong điểm 5.1
trên đây thì làm thủ tục thành lập và đăng ký lại.
Loại B: Những Tổng công ty hoạt
động chưa có hiệu quả, nhưng có nhu cầu duy trì hình thức Tổng công ty thì cần
chấn chỉnh, củng cố đáp ứng các điều kiện qui định trong điểm 5.1 để tiến hành
như loại A.
Loại C: Những Tổng công ty ngoài
hai loại trên, hoạt động mang tính hành chính trung gian cần phải xử lý theo
các hình thức thích hợp, như :
- Chuyển thành doanh nghiệp cơ sở.
- Sáp nhập vào Tổng công ty hoặc
doanh nghiệp khác.
- Giải thể theo các Quyết định số
315/HĐBT ngày 1-9-1990 và số 330/HĐBT ngày 23-10-1991.
5.3 Phân công thực hiện:
a) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước:
- Dự thảo Nghị định của Chính phủ
ban hành điều lệ mẫu của Tổng công ty thay cho Nghị định số 27/HĐBT ngày
22-3-1989.
- Làm đầu mối hướng dẫn các thủ tục
sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định này.
- Chủ trì thẩm định các hồ sơ
đăng ký thành lập doanh nghiệp Nhà nước và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định
theo qui định hiện hành.
b) Bộ Tài chính:
- Hướng dẫn cụ thể chế độ hạch
toán của Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên và chế độ hạch toán trong
các đơn vị sự nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
- Hướng dẫn việc kiểm kê và thủ
tục giao nhận vốn phù hợp với qui định hiện hành.
c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương:
Tiến hành phân loại, sắp xếp và
làm thủ tục thành lập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước (Trong đó có Tổng công
ty) theo đúng qui định hiện hành.
5.4 Tiến độ thực hiện:
- Các văn bản hướng dẫn phải ban
hành trước ngày 31 tháng 3 năm 1994.
- Danh mục phân loại Tổng công
ty phải hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 4 năm
1994.
- Những Tổng công ty thuộc loại
A: Hoàn thành việc thành lập lại trước ngày 30 tháng 9 năm 1994.
- Những Tổng công ty thuộc loại
B: Hoàn thành việc thành lập lại trước ngày 31 tháng 12 năm 1994.
- Những Tổng công ty thuộc loại
C: Phải xử lý xong trước ngày 30 tháng 9 năm 1995.
- Trong khi chưa làm xong thủ tục
thành lập lại hoặc giải thể, các Tổng công ty vẫn hoạt động cho đến lúc kết
thúc tiến độ qui định trên đây.
Điều 6.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch
Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
Điều 7.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.