Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 29/2008/NĐ-CP khu công nghiệp, khu chế xuất khu kinh tế

Số hiệu: 29/2008/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 14/03/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 29/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU KINH TẾ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.

2. Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định này.

Khu công nghiệp, khu chế xuất được gọi chung là khu công nghiệp, trừ trường hợp quy định cụ thể.

3. Khu kinh tế là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.

Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng khu kinh tế.

4. Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế hình thành ở khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính và được thành lập theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.

Khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được gọi chung là khu kinh tế, trừ trường hợp quy định cụ thể.

5. Diện tích đất công nghiệp là diện tích đất của khu công nghiệp đã xây dựng kết cấu hạ tầng để cho nhà đầu tư thuê, thuê lại thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp.

6. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp xuất khẩu toàn bộ sản phẩm hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

7. Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trên phạm vi cả nước là quy hoạch được lập và phê duyệt theo quy định của pháp luật về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Áp dụng pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế

1. Hoạt động đầu tư đặc thù trong khu công nghiệp, khu kinh tế được quy định trong pháp luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

2. Trường hợp các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Chương 2:

TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP KHU CÔNG NGHIỆP VÀ KHU KINH TẾ

Điều 4. Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế

1. Căn cứ chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất của cả nước và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đã được phê duyệt là căn cứ để xem xét việc thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ sự phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế.

Điều 5. Điều kiện thành lập, mở rộng khu công nghiệp

1. Điều kiện thành lập khu công nghiệp:

a) Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đã được phê duyệt;

b) Tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%.

2. Điều kiện mở rộng khu công nghiệp:

a) Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đã được phê duyệt;

b) Tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp này đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%;

c) Khu công nghiệp đã xây dựng và đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải tập trung.

3. Đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên và có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng - kinh doanh kết cấu hạ tầng theo từng khu riêng biệt hoặc khu công nghiệp gắn liền với khu đô thị, khu kinh doanh tập trung khác trong một đề án tổng thể phải lập quy hoạch chung xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng trước khi lập quy hoạch chi tiết.

4. Đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên hoặc có vị trí cạnh các tuyến quốc lộ, gần các khu vực quốc phòng, khu bảo tồn di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn sinh thái của vùng và quốc gia, nằm trong các đô thị loại II, loại I và loại đặc biệt phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan về quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Điều 6. Điều kiện bổ sung khu công nghiệp vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp

1. Tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%.

2. Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương, quy hoạch xây dựng vùng và đô thị; quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác.

3. Có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp.

4. Có đủ điều kiện để phát triển khu công nghiệp gồm:

a) Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp;

b) Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài;

c) Có khả năng cung cấp và đáp ứng nhu cầu về lao động.

5. Đảm bảo phù hợp với bố trí quốc phòng và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

Điều 7. Điều kiện thành lập, mở rộng khu kinh tế

1. Điều kiện thành lập khu kinh tế:

a) Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt;

b) Có vị trí địa lý thuận lại cho phát triển kinh tế khu vực (có cảng biển nước sâu hoặc gần sân bay), kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và quốc tế; dễ kiểm soát và giao lưu thuận tiện với trong nước và nước ngoài; có điều kiện thuận lợi và nguồn lực để đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

c) Có quy mô diện tích từ 10.000 ha trở lên và đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của khu kinh tế;

d) Có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, quan trọng và có tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực;

đ) Có khả năng phát huy tiềm năng tại chỗ và tạo ảnh hưởng phát triển lan tỏa đến các khu vực xung quanh;

e) Không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên; không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại đến các di sản văn hóa vật thể, danh lam thắng cảnh, các quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học; phù hợp với bố trí quốc phòng và đảm bảo quốc phòng, an ninh; có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững.

2. Điều kiện thành lập khu kinh tế cửa khẩu:

a) Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt;

b) Có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính quy định tại Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền; bao gồm các đơn vị hành chính liền kề, không tách biệt về không gian;

c) Kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia; giao lưu thuận tiện với các nước láng giềng qua cửa khẩu biên giới đất liền của nước bạn; có điều kiện thuận lợi và nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

d) Đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của khu kinh tế cửa khẩu bao gồm các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có điều kiện phát huy tiềm năng tại chỗ và các vùng xung quanh; có khả năng phát triển thương mại và thu hút đầu tư;

đ) Gắn kết giữa phát triển kinh tế với việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia tại khu vực biên giới;

e) Không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên; không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại đến các di sản văn hóa vật thể, danh lam thắng cảnh, các quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học; có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững.

3. Điều kiện mở rộng khu kinh tế:

a) Toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế đã được đầu tư hoàn chỉnh theo Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế;

b) Có ít nhất 70% diện tính đất của các khu chức năng trong khu kinh tế đã được giao hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê để thực hiện dự án.

4. Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này. Quy mô diện tích, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 8. Trình tự thành lập, mở rộng khu công nghiệp

1. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư:

Trường hợp khu công nghiệp hoặc mở rộng khu công nghiệp có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc có trong Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt thì Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép thành lập khu công nghiệp;

Trường hợp khu công nghiệp hoặc mở rộng khu công nghiệp chưa có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đã được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thủ tục bổ sung hoặc mở rộng khu công nghiệp vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp theo quy định tại Điều 6 và Điều 12 Nghị định này.

2. Quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp:

a) Hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghiệp được lập theo quy định tại Điều 10 Nghị định này,

b) Quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

Điều 9. Trình tự thành lập, mở rộng khu kinh tế

1. Trường hợp thành lập, mở rộng khu kinh tế có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục thẩm định việc thành lập, mở rộng khu kinh tế theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Trường hợp thành lập, mở rộng khu kinh tế chưa có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt phải thực hiện thủ tục bổ sung hoặc mở rộng khu kinh tế vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế theo quy định của pháp luật về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

2. Quyết định thành lập, mở rộng khu kinh tế

a) Hồ sơ thành lập, mở rộng khu kinh tế được lập theo quy định tại Điều 11 Nghị định này;

b) Quyết định thành lập, mở rộng khu kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.

Điều 10. Hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghiệp

1. Văn bản đề nghị của nhà đầu tư về việc thành lập, mở rộng khu công nghiệp.

2. Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

4. Hồ sơ được lập thành 04 bộ, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc, nộp cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (sau đây được gọi chung là Ban Quản lý, trừ trường hợp quy định cụ thể) hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý).

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc thành lập, mở rộng khu công nghiệp. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

Điều 11. Hồ sơ thành lập, mở rộng khu kinh tế

1. Đề án thành lập, mở rộng khu kinh tế bao gồm các nội dung chủ yếu:

a) Sự cần thiết và căn cứ pháp lý của việc xây dựng khu kinh tế;

b) Đánh giá các yếu tố và điều kiện về vị trí địa lý, tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội, những lợi thế và hạn chế của khu vực dự kiến xây dựng khu kinh tế;

c) Đánh giá và giải trình về khả năng đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 7 Nghị định này;

d) Dự kiến phương hướng phát triển gồm: mục tiêu phát triển, tính chất, chức năng của khu kinh tế; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng phát triển các khu chức năng; định hướng quy hoạch sử dụng đất trong khu kinh tế;

đ) Dự kiến tổng mức đầu tư, các phương thức huy động vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế; thời điểm thành lập khu kinh tế; kế hoạch và lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;

e) Đánh giá tác động môi trường;

g) Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện;

h) Thể hiện phương án quy hoạch khu kinh tế trên bản đồ quy hoạch.

2. Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị thành lập, mở rộng khu kinh tế.

3. Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại Điều 13 Nghị định này).

Điều 12. Hồ sơ bổ sung khu công nghiệp vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp

1. Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với một số nội dung chính như sau:

a) Sự cần thiết và căn cứ pháp lý của việc bổ sung quy hoạch;

b) Đánh giá tình hình thực hiện và dự kiến phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Đánh giá hiện trạng xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đã thành lập và quy hoạch trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Tên, vị trí, quy mô diện tích, hiện trạng và điều kiện phát triển cụ thể của từng khu công nghiệp dự kiến quy hoạch;

đ) Đánh giá và giải trình về khả năng đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 6 của Nghị định này;

e) Khả năng huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghiệp;

g) Thể hiện phương án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên bản đồ quy hoạch.

2. Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung khu công nghiệp vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp.

3. Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại Điều 13 Nghị định này).

Điều 13. Thẩm định bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp và thành lập khu kinh tế

1. Nội dung thẩm định:

a) Cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc thành lập khu kinh tế;

b) Sự phù hợp của việc bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc thành lập khu kinh tế với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương; quy hoạch xây dựng vùng và đô thị; quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác;

c) Các mục tiêu, chỉ tiêu của việc bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc thành lập khu kinh tế và bố trí các nguồn lực;

d) Mức độ đáp ứng các điều kiện tương ứng của việc bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc thành lập khu kinh tế;

đ) Các giải pháp thực hiện và tính khả thi của việc bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc thành lập khu kinh tế.

2. Trình tự, thủ tục thẩm định:

a) Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc thành lập khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.

Trường hợp hồ sơ không đáp ứng được quy định nêu tại Điều 10 hoặc Điều 11 Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc đối với khu công nghiệp và 20 ngày làm việc đối với khu kinh tế kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các Bộ, ngành có ý kiến gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm rõ những vấn đề liên quan.

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc đối với khu công nghiệp và 45 ngày làm việc đối với khu kinh tế kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 14. Mở rộng lần đầu và điều chỉnh diện tích khu công nghiệp

1. Trường hợp mở rộng lần đầu khu công nghiệp có quy mô diện tích mở rộng dưới 10% so với diện tích quy hoạch đã được phê duyệt nhưng không quá 30 ha và không ảnh hưởng tới các quy hoạch khác, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về việc mở rộng khu công nghiệp này mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp.

2. Trường hợp diện tích thực tế của khu công nghiệp sau khi đo đạc chênh lệch dưới 10% so với diện tích quy hoạch đã được phê duyệt nhưng không quá 20 ha, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh diện tích quy hoạch phù hợp với diện tích thực tế mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Các trường hợp mở rộng và điều chỉnh quy mô diện tích khu công nghiệp còn lại phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 15. Thẩm quyền thành lập, mở rộng khu công nghiệp, khu kinh tế

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mở rộng khu kinh tế phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp đã có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc có trong Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt.

Chương 3:

CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU KINH TẾ

Điều 16. Ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế

1. Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, kể cả dự án đầu tư mở rộng, được hưởng ưu đãi như sau:

a) Dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và dự án đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp được áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

c) Dự án đầu tư không thuộc quy định tại mục a và mục b khoản 2 Điều này được áp dụng ưu đãi theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào khu kinh tế, kể cả dự án đầu tư mở rộng, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của Nghị định này.

4. Các dự án đầu tư sau đây được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp:

a) Dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và thực hiện tại khu kinh tế hoặc tại khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu phi thuế quan trong khu kinh tế;

c) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu kinh tế;

d) Dự án đầu tư có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực tại khu công nghiệp, khu kinh tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

5. Giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế.

6. Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Điều 17. Phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu kinh tế

1. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng của khu kinh tế được bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương. Điều kiện, nguyên tắc và loại công trình được hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng quy mô lớn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển khu kinh tế được phát hành trái phiếu công trình.

3. Công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cần thiết của khu kinh tế được sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi và các trợ giúp kỹ thuật khác.

4. Thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

5. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong khu kinh tế được huy động vốn thông qua việc cho nhà đầu tư (trừ đối tượng được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư) có khả năng về tài chính và kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích đất chưa cho thuê để đầu tư và cho thuê lại đất.

6. Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ chung trong khu kinh tế được huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 18. Xuất cảnh, nhập cảnh, đi lại và cư trú, tạm trú ở khu kinh tế

1. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được cấp thị thực xuất, nhập cảnh có giá trị nhiều lần và có thời hạn phù hợp với thời hạn làm việc tại khu kinh tế; được cư trú, tạm trú có thời hạn trong khu kinh tế và ở Việt Nam.

2. Đối với khu kinh tế cửa khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú được thực hiện theo quy định sau:

a) Công dân của huyện nước láng giềng có biên giới đối diện với khu kinh tế cửa khẩu được qua lại khu kinh tế cửa khẩu bằng chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp; trường hợp muốn vào các địa điểm khác của tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu thì cơ quan công an tại tỉnh cấp giấy phép một lần, có giá trị trong một thời gian nhất định;

b) Người mang hộ chiếu không thuộc diện miễn thị thực (là công dân của nước láng giềng hay nước thứ ba), được miễn thị thực nhập cảnh và được lưu trú tại khu kinh tế cửa khẩu, thời gian lưu trú không quá 15 ngày; nếu đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xét cấp thị thực nhập cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu;

c) Phương tiện vận tải hàng hoá của nước láng giềng và nước thứ ba được vào khu kinh tế cửa khẩu theo các hợp đồng kinh doanh của đối tác nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp phương tiện vận tải này có nhu cầu giao nhận hàng hoá tại các địa điểm khác ngoài địa phận khu kinh tế cửa khẩu thì phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Người điều hành phương tiện (thuyền viên trên các tàu, lái xe, phụ xe) được ra vào khu kinh tế cửa khẩu bằng hộ chiếu, sổ thuyền viên, chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

d) Cho phép mở rộng việc đón khách du lịch của nước láng giềng đi du lịch bằng hộ chiếu, thẻ hoặc các giấy tờ tương đương khác tại khu kinh tế cửa khẩu để đi đến các tỉnh, thành phố trong cả nước theo quy định tại mục b khoản 2 Điều này;

đ) Chủ hàng, chủ phương tiện của Việt Nam, có quan hệ kinh doanh với đối tác nước láng giềng được phép theo hàng hóa và phương tiện sang nước láng giềng để giao nhận hàng hoá bằng chứng minh thư hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

e) Công dân Việt Nam làm ăn, sinh sống trên địa bàn huyện, thị xã có khu kinh tế cửa khẩu được sang nước láng giềng bằng chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng hữu quan hoặc nếu được nước này đồng ý.

Điều 19. Quy định về tài chính và tín dụng đối với khu kinh tế

1. Việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và các quan hệ giao dịch khác giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu có thể thực hiện bằng Đồng Việt Nam, Đồng Nhân dân Tệ Trung Quốc, Kíp Lào, Riên Campuchia và các ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Các tổ chức tín dụng được phép thành lập và hoạt động tại khu kinh tế theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng.

3. Khách tham quan du lịch trong nước và ngoài nước vào khu phi thuế quan trong khu kinh tế cửa khẩu được phép mua các loại hàng hóa nhập khẩu và mang về nội địa, được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Tổ chức, cá nhân có thành tích vận động vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vận động dự án đầu tư vào khu kinh tế được khen, thưởng theo Quy chế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.

Điều 20. Lưu trú, tạm trú trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

1. Trong khu công nghiệp, khu chế xuất không có dân cư sinh sống.

2. Chỉ những nhà đầu tư, người làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và những người có quan hệ công tác với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được ra vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất. Các đối tượng nêu trên không được lưu trú trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất trừ trường hợp được phép của Ban Quản lý.

3. Trường hợp cần thiết, chuyên gia nước ngoài được phép tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc tạm trú của chuyên gia nước ngoài phải đáp ứng điều kiện sau:

a) Để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Không kèm theo gia đình và người thân;

c) Phải tuân thủ thủ tục đăng ký và khai báo tạm trú theo quy định hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

d) Doanh nghiệp phải tổ chức nơi ở riêng biệt và phải cam kết việc tạm trú của chuyên gia nước ngoài đảm bảo an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất.

Điều 21. Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

1. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật. Quy định là doanh nghiệp chế xuất được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.

3. Doanh nghiệp chế xuất được mua văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với những loại hàng hóa này.

4. Thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo pháp luật về hải quan.

5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khu phi thuế quan, là quan hệ xuất, nhập khẩu.

6. Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và ngược lại không phải khai báo hải quan.

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NUỚC ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU KINH TẾ

Điều 22. Nội dung quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch và chính sách về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Ban hành, hướng dẫn, phổ biến và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật có liên quan đến việc thành lập, đầu tư, xây dựng, phát triển và quản lý hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về khu công nghiệp, khu kinh tế; tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế.

3. Cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận, tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước và dịch và hỗ trợ có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

4. Tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế.

5. Hướng dẫn, hỗ trợ, đánh giá hiệu quả đầu tư, kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Điều 23. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế trong phạm vi cả nước trên cơ sở phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban Quản lý theo quy định tại Nghị định này; chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển và ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Thủ tướng Chính phủ có quyền hạn và trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban Quản lý thực hiện luật pháp, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế;

b) Phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế;

c) Quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;

d) Quyết định thành lập khu kinh tế, phê duyệt Quy hạch chung xây dưng khu kinh tế; cho phép mở rộng và điều chỉnh giảm quy mô diện tích, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt trong khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế;

đ) Chỉ đạo xử lý và giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thành lập, điều hành, quản lý hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế vượt thẩm quyền của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý.

3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và hành chính lãnh thổ đối với khu công nghiệp, khu kinh tế; hướng dẫn hoặc ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền theo quy định của Nghị định này và của pháp luật liên quan.

Điều 24. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định tại Quy chế hoạt động của các khu kinh tế đã được phê duyệt cho phù hợp với quy định của Nghị định này.

3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan cho Ban Quản lý.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan dự kiến phương án hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phương án hỗ trợ từ ngân sách trung ương đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế theo quy định của Nghị định này.

5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban Quản lý có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch quốc gia về xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế.

6. Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin toàn quốc về khu công nghiệp, khu kinh tế; ban hành mẫu biểu báo cáo định kỳ và cung cấp thông tin về khu công nghiệp, khu kinh tế cho các cơ quan có liên quan của Chính phủ.

7. Tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả kinh tế - xã hội của khu công nghiệp, khu kinh tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 25. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ

1. Ban hành quy định về xây dựng đề án thành lập, phân loại, xếp hạng và tổ chức lại Ban Quản lý.

2. Quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế và tiền lương đối với công chức, viên chức của Ban Quản lý.

3. Thẩm định Đề án thành lập, tổ chức lại Ban Quản lý và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 26. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính

1. Hướng dẫn chế độ tài chính và thủ tục hải quan áp dụng tại khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp chế xuất.

2. Quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Ban Quản lý, đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu làm chủ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và tổ chức kinh tế đặc thù có liên quan đến khu công nghiệp, khu kinh tế phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định này.

Điều 27. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng

1. Ban hành quy định hướng dẫn về việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế.

2. Ban hành quy định hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trong khu công nghiệp, khu kinh tế và công tác quản lý và phát triển đô thị trong khu kinh tế.

Điều 28. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương

1. Thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại trong khu công nghiệp, khu kinh tế; chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp vùng và lãnh thổ đã được phê duyệt.

2. Ủy quyền cho Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại khu công nghiệp, khu kinh tế.

3. Hướng dẫn Ban Quản lý cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế.

4. Xây dựng Quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong khu kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành

Điều 29. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Ban hành Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Hướng dẫn việc thu phí bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

3. Hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 30. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ

1. Ban hành quy định về tiêu chuẩn xác định dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đối với tổ chức hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Điều 31. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 32. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Ban hành quy định hướng dẫn về xuất, nhập cảnh, cư trú, tạm trú đối với khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

Điều 33. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch trong khu kinh tế.

2. Ủy quyền cho Ban Quản lý cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trong khu kinh tế đối với doanh nghiệp du lịch nước ngoài.

Điều 34. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ ngoài phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn nêu tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32 và 33 Nghị định này còn có quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, cụ thể như sau:

1. Thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư.    

2. Ban hành điều kiện, trình tự, thủ tục quản lý và tổ chức thực hiện việc cung ứng dịch vụ hành chính công của Ban Quản lý.

3. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Điều 35. Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chủ trì xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn lãnh thổ; quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp.

2. Tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng đối với khu công nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này và đối với khu kinh tế.

3. Chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế; chỉ đạo thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế; quyết định sử dụng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ nhà đầu tư đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào khu công nghiệp.

4. Thực hiện thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế trong thời gian chưa thành lập Ban Quản lý.

5. Thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trong khu kinh tế theo quy hoạch được duyệt; trình phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền danh mục dự án đầu tư phát triển và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm tại khu kinh tế.

6. Ban hành các chính sách ưu đãi và khuyến khích cụ thể phù hợp với các quy định của pháp luật đối với việc ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ, lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi; hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

7. Quy hoạch đất xây dựng khu tái định cư, khu nhà ở cho công nhân và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng; hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, khu tái định cư, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh quá trình đầu tư và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

8. Chỉ đạo thực hiện việc thu hồi diện tích đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định canh, tái định cư và thực hiện các thủ tục cho thuê hoặc giao đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

9. Chỉ đạo các tổ chức có liên quan lập kế hoạch đầu tư và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu kinh tế như: đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, các điểm đấu nối kỹ thuật với các công trình kết cấu hạ tầng trong hàng rào khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ sở đào tạo nghề, nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh, trường học và các công trình công cộng khác đáp ứng nhu cầu phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

10. Chủ trì xây dựng kế hoạch và cân đối vốn hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào khu công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội của khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước và quy định tại Nghị định này.

11. Ban hành và giám sát thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý với các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hướng dẫn, giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền cho Ban Quản lý thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường theo quy định tại mục d và mục h khoản 2 Điều 37 Nghị định này.

12. Chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, quy định về xây dựng, lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự trong khu công nghiệp, khu kinh tế

13. Tổ chức và phối hợp tổ chức các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương để đáp ứng nhu cầu lao động cho khu công nghiệp, khu kinh tế.

14. Tổ chức, kiểm tra, thanh tra và giám sát việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ giải quyết hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

15. Xây dựng Đề án thành lập, tổ chức lại các Ban Quản lý để đảm bảo nguyên tắc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một Ban Quản lý; quyết định việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Trưởng ban và Phó trưởng ban Ban Quản lý.

16. Cấp kinh phí hoạt động hành chính, sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển cho Ban Quản lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; phê duyệt kế hoạch, cấp kinh phí và tổ chức vận động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch để phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

17. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành ở địa phương về thương mại, tài chính, hải quan, ngân hàng, công an và các cơ quan liên quan khác bố trí đại diện đủ thẩm quyền để giải quyết công việc liên quan tại từng khu khi cần thiết.

18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước khác về khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUAN LÝ KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU KINH TẾ

Điều 36. Chức năng của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

1. Ban Quản lý là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và địch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

2. Ban Quản lý do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác); chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các Bộ, ngành quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

3. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân; tài khoản và con dấu mang hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm.

Điều 37. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

1. Tham gia ý kiến, xây dựng và trình các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện các công việc sau đây:

a) Tham gia ý kiến với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các cơ quan có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;

c) Xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;

d) Xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu khu công nghiệp, khu kinh tế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện,

đ) Dự toán ngân sách, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển hàng năm của Ban Quản lý trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

2. Ban Quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn hoặc ủy quyền của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các nhiệm vụ:

a) Quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới khu công nghiệp, khu kinh tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Đăng ký đầu tư; thẩm tra và cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;

c) Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của tổ chức và thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Công thương;

d) Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt của khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế nhưng không làm thay đổi chức năng sử dụng khu đất và cơ cấu quy hoạch; thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án nhóm B, C hoặc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng công trình đối với công trình xây dựng phải có Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đối với công trình xây dựng trong khu công nghiệp, khu kinh tế cho tổ chức có liên quan;

đ) Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp sổ lao động cho người lao động Việt Nam làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế; tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy an toàn vệ sinh, nội quy an toàn lao động, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, kế hoạch đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp; nhận báo cáo về tình hình ký kết, sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp;

e) Cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế và các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận khác có liên quan trong khu công nghiệp, khu kinh tế;

g) Xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong khu công nghiệp, khu kinh tế cho tổ chức có liên quan;

h) Tổ chức thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong khu công nghiệp, khu kinh tế;

i) Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, phòng chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế; quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các trường hợp vi phạm về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm về các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền;

k) Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tại khu công nghiệp, khu kinh tế và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền;

l) Nhận báo cáo thống kê, báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế; đánh giá hiệu quả đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế;

m) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc thẩm quyền quản lý;

n) Báo cáo định kỳ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình: xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư; triển khai và hoạt động của dự án đầu tư; thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước; thu hút và sử dụng lao động; thực hiện các quy định của pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái trong khu công nghiệp, khu kinh tế;

o) Tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;

p) Tổ chức và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong khu;

q) Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý tài chính, tài sản, ngân sách được giao; thu và quản lý sử dụng các loại phí, lệ phí; nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý; giới thiệu việc làm cho công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế;

r) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý khu kinh tế

Ngoài nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế quy định tại Điều 37 Nghị định này, Ban Quản lý khu kinh tế còn có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền:

a) Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế;

b) Phương án phát hành trái phiếu công trình; phương án huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng trong khu kinh tế.

2. Xây dựng và trình các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện:

a) Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong khu kinh tế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

b) Kế hoạch hàng năm và 5 năm về phát triển khu kinh tế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Danh mục các dự án đầu tư và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc tự phê duyệt theo thẩm quyền;

d) Xây dựng các khung giá và mức phí, lệ phí áp dụng tại khu kinh tế trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.

3. Ban Quản lý khu kinh tế chỉ đạo hoặc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:

a) Thực hiện theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn hoặc ủy quyền của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm: cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp đối với trường hợp thành lập tổ chức kinh tế trong khu kinh tế; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trong khu kinh tế đối với doanh nghiệp du lịch nước ngoài;

b) Thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;

c) Quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại khu kinh tế theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Ký hợp đồng BOT, BTO, BT các dự án nhóm B, C theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trực tiếp tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ODA;

đ) Quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển khu kinh tế thuộc thẩm quyền; quản lý đầu tư, xây dựng, đấu thầu đối với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại khu kinh tế thuộc thẩm quyền; quản lý và thực hiện việc thu, chi hành chính, sự nghiệp, các chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật;

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng được đầu tư từ ngân sách nhà nước trong khu kinh tế;

g) Quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ đất, mặt nước chuyên dùng đã được giao theo đúng mục đích sử dụng và phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

h) Giao lại đất có thu tiền sử dụng đất, giao lại đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước và thực hiện việc quản lý đất đai trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai;

i) Trên cơ sở quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của pháp luật về đầu tư và đất đai, quyết định mức thu tiền sử dụng, tiền thuê và mức miễn, giảm đối với đất, mặt nước chuyên dùng cho từng dự án đầu tư áp dụng đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất không qua đấu giá hoặc đấu thầu quyền sử dụng đất;

k) Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan bảo đảm mọi hoạt động trong khu kinh tế phù hợp quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển khu kinh tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định có liên quan.

Điều 39. Cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của Ban quản lý

1. Ban Quản lý gồm Trưởng ban, một số Phó Trưởng ban; có bộ máy giúp việc.

Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm. Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban.

2. Trưởng ban có trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của Ban quản lý, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và pháp luật về hoạt động và hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế.

3. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý bao gồm: bộ máy giúp việc (Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đại diện Ban Quản lý tại khu công nghiệp, khu kinh tế); các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện nhiệm vụ công ích, công cộng, dịch vụ hỗ trợ đầu tư, kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu và các tổ chức khác phù hợp với tình hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại Ban Quản lý theo quy định hướng dẫn của Bộ Nội vụ và quy định của pháp luật.

Ban Quản lý khu kinh tế và Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất xếp hạng I theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ được phép thành lập Thanh tra.

4. Biên chế của Ban Quản lý bao gồm biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp và cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Hiệu lực của Nghị định

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Nghị định này bãi bỏ:

a) Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001 về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới và Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg.

b) Các quy định khác về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trái với quy định của Nghị định này.

Điều 41. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 29/2008/ND-CP

Hanoi, March 14, 2008

 

DECREE

PROVIDING FOR INDUSTRIAL PARKS, EXPORT PROCESSING ZONES AND ECONOMIC ZONES

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2005 Law on Investment;
Pursuant to the November 29, 2005 Law on Enterprises;
Pursuant to the June 14, 2005 Commercial Law;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation and subjects of application

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. This Decree applies to state management agencies, organizations and individuals related to activities of investment, production and business in industrial parks, export processing zones, economic zones and border-gate economic zones.

Article 2. Interpretation of terms

In this Decree, the terms below are construed as follows:

1. Industrial park means a zone that specializes in the production of industrial goods or provision of services for industrial production, has specified geographical boundaries, and is established under the conditions and according to the order and procedures specified in this Decree.

2. Export processing zone means an industrial zone that specializes in the production of export goods, provision of services for export goods production and export activities, has specified geographical boundaries, and is established under the conditions and according to the order and procedures applicable to industrial parks specified in this Decree.

Industrial parks and export processing zones are collectively referred to as industrial zones, unless they are specifically referred to.

3. Economic zone means a zone that has a separate economic space with a particularly favorable investment and business environment for investors, has specified geographical boundaries, and is established under the conditions and according to the order and procedures specified in this Decree.

An economic zone is organized into functional areas, including non-tariff area, bonded area, export processing area, industrial area, entertainment area, tourism area, urban area, residential area, administrative area and other functional areas suitable to characteristics of each economic zone.

4. Border-gate economic zone means an economic zone that is located in a land border area where exists an international border gate or a major border gate and established under the conditions and according to the order and procedures specified in this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Industrial land area means a land area of an industrial zone on which infrastructure has been constructed for lease or sublease to investors for the implementation of investment projects on production or business in this industrial zone.

6. Export processing enterprise means an enterprise that is established and operates in an export processing zone or exports all its products and operates in an industrial zone or economic zone.

7. Master plan on development of industrial zones and economic zones throughout the country means a plan that is elaborated and approved under legal provisions on the elaboration, approval and management of master plans on socio-economic development and the provisions of this Decree.

Article 3. Application of specialized laws and treaties

1. Special investment activities in industrial zones and economic zones specified in specialized laws comply with the provisions of these specialized laws.

2. If a treaty concerning investment to which Vietnam is a contracting party contains provisions different from those of this Decree, this treaty prevails.

Chapter II

ORDER AND PROCEDURES FOR ESTABLISHING INDUSTRIAL ZONES AND ECONOMIC ZONES

Article 4. Master plan on development of industrial zones and economic zones

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The approved master plan on development of industrial zones and economic zones serves as a basis for consideration of the establishment of industrial zones and economic zones; elaboration of plannings and plans on investment in the development of technical and social infrastructure works in service of the development of industrial zones and economic zones.

Article 5. Conditions on the establishment and expansion of industrial zones

1. Conditions on the establishment of an industrial zone:

a/ This industrial zone is in line with the approved master plan on development of industrial zones;

b/ At least 60% of the total industrial land area of industrial zones already established in the territory of the province or centrally run city where this industrial zone is to be located has been leased or sub-leased to investment projects which have been registered or granted investment certificates.

2. Conditions on the expansion of an industrial zone:

a/ This industrial zone is in line with the approved master plan on development of industrial zones;

b/ At least 60% of the total industrial land area of this industrial zone has been leased or sub-leased to investment projects which have been registered or granted investment certificates;

c/ This industrial park has already built and put into use a consolidated wastewater treatment work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. For industrial zones occupying 500 hectares or more each, or located near national highways, regional or national defense zones, historical sites, beauty spots and ecological conservation zones or in grade-II, grade-I or special-grade urban centers, written consents of the Construction Ministry and concerned ministries and branches to detailed plans on construction of these industrial zones are required before these plans are approved by provincial-level Peoples Committees.

Article 6. Conditions on the addition of an industrial zone to the master plan on development of industrial zones

1. At least 60% of the total industrial land area of industrial zones already established in the territory of the province or centrally run city where this industrial zone is to be located has been leased or sub-leased to investment projects which have been registered or granted investment certificates.

2. This industrial zone is in line with the local socio-economic development planning; the land use planning; the regional and urban construction planning; the planning on technical infrastructure; the planning on use of minerals and other natural resources.

3. This industrial zone has favorable conditions for or is capable of constructing a system of technical and social infrastructure works, synchronously elaborating and closely combining the planning on development of industrial zones with the urban development planning, the distribution of population, residential houses and social works in service of its workers.

4. There are enough conditions for the development of this industrial zone, including:

a/ There is a sufficient land area reserved for its development and there exist conditions for it to be linked with adjacent industrial zones to form a cluster of industrial zones;

b/ It is attractive to both domestic and foreign investors to invest their capital;

c/ Local workforce is sufficient to meet its labor needs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 7. Conditions on the establishment and expansion of economic zones

1. Conditions on the establishment of an economic zone:

a/ It is in line with the approved master plan on development of economic zones;

b/ It has a geographical position favorable for the regional economic development (having a deepwater seaport or being near an airport), is linkable with major national and international roads; can be easily controlled and serve as a hub for convenient exchange with other domestic and foreign regions; and has favorable condition and resources for technical infrastructure investment and development;

c/ It occupies a land area of 10,000 hectares or more to satisfy its general development requirements;

d/ It is able to attract large-sized and important investment projects and works with significant impacts on the regional socio-economic development;

e/ It is able to bring into play local potential and exert pervasive development impacts on surrounding areas;

f/ It has no negative impacts on nature reserves; causes no harmful effects or damage to tangible cultural heritages, scenic places and beauty spots, groups of architectures of historical, aesthetic or scientific value; is in line with the defense disposition and ensures the defense and security maintenance; and is able to satisfy requirements on environmental protection and sustainable development.

2. Conditions on the establishment of a border-gate economic zone:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ It has an international or a major border gate specified in the Governments Decree No. 32/2005/ND-CP of March 14, 2005, promulgating the Regulation on land border gates; and consists of adjoining administrative units which are not spatially separated from each other;

c/ It is linkable with major national roads; can serve as a hub for convenient exchange with neighboring countries through their land border gates; and has favorable conditions and resources for technical infrastructure investment;

d/ Its general development requirements, covering commercial activities, import, export, temporary import for re-export, transportation of goods in transit, industrial production, tourism and services, can be satisfied; it has conditions for bringing into play local potential; it is able to develop commerce and attract investment;

e/ It combines economic development with firm maintenance of security, political stability and social order and safety, and helps protect national sovereignty in border areas;

f/ It has no negative impact on nature reserves; causes no harmful effect on or damage to tangible cultural heritages, scenic places and beauty spots, groups of architectures of historical, aesthetic or scientific value; and is able to satisfy requirements on environmental protection and sustainable development.

3. Conditions on the expansion of an economic zone:

a/ The whole system of its infrastructure has been completed under its general construction planning;

b/ At least 70% of the total land area of its functional areas has been allocated or leased to organizations and individuals for the implementation of projects.

4. An economic zone is organized into functional areas under Clause 3, Article 2 of this Decree. The area and location of each functional area are identified in the general construction planning of the economic zone approved by the Prime Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Procedures for the grant of investment certificates for investment projects on construction and commercial operation of infrastructure works of industrial zones comply with the investment law.

If an industrial zone or the expansion of an industrial zone has been included in the approved master plan on development of industrial zones or general planning on construction of an economic zone, the investment certificate-granting agency shall carry out procedures for investment projects on construction and commercial operation of infrastructure works without having to propose the Prime Minister to approve the investment policy and permit the establishment of this industrial zone;

If an industrial zone or the expansion of an industrial zone has not yet been included in the approved master plan on development of industrial zones, the provincial-level Peoples Committee shall carry out procedures for incorporating the addition or expansion of this industrial zone into the master plan on development of industrial zones under Articles 6 and 12 of this Decree.

2. Decision on the establishment or expansion of an industrial zone:

a/ A dossier for the establishment or expansion of an industrial zone shall be made under Article 10 of this Decree;

b/ A decision on the establishment or expansion of an industrial zone complies with Clause 2, Article 15 of this Decree.

Article 9. Process of establishment or expansion of an economic zone

1. If the establishment or expansion of an economic zone has been included in the approved master plan on development of economic zones, the Ministry of Planning and Investment shall carry out procedures for evaluating the establishment or expansion of this economic zone under Article 13 of this Decree.

If the establishment or expansion of an economic zone has not yet been included in the approved master plan on development of economic zones, procedures for incorporating the establishment or expansion of this economic zone into the master plan on development of economic zones must be carried out under legal provisions on the elaboration, approval and management of master plans on socio-economic development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ A dossier for the establishment or expansion of an economic zone shall be made under Article 11 of this Decree;

b/ A decision on the establishment or expansion of an economic zone complies with Clause 1, Article 15 of this Decree.

Article 10. A dossier for the establishment or expansion of an industrial zone

1. A written request of the investor for the establishment or expansion of an industrial zone.

2. The provincial-level Peoples Committees decision approving the detailed planning on construction of the industrial zone.

3. The investment certificate granted to the investor implementing the investment project on development of infrastructure works of the-industrial zone.

4. A dossier shall be made in four sets, including an original dossier set, and submitted to the Management Board of the industrial zone, export processing zone or economic zone (below collectively referred to as the Management Board, unless it is specifically referred to) or the provincial-level Planning and Investment Service (for localities where no Management Board is available).

5. Within five working days after receiving a valid dossier, the Management Board or the provincial-level Planning and Investment Service (for localities where no Management Board is available) shall propose to the provincial-level Peoples Committee the establishment or expansion of the industrial zone. Within ten working days after receiving a valid dossier, the provincial-level Peoples Committee shall decide on the establishment or expansion of the industrial zone under Clause 2, Article 15 of this Decree.

Article 11. A dossier for the establishment or expansion of an economic zone

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The necessity and legal grounds of the establishment of an economic zone;

b/ An evaluation of elements and conditions of geographical position, natural conditions and resources, socio-economic situation, advantages and limitations of the area where the economic zone is expected to be located;

c/ An assessment and explanation of the possibility to satisfy the conditions specified in Article 7 of this Decree;

d/ The set forth development orientations, including development objectives, characteristics and functions of the economic zone; orientations for development of branches, sectors and functional areas; orientations of the planning on the use of land in the economic zone;

e/ Projected total investment capital, modes of raising capital for investment in the infrastructure system of the economic zone; time of establishment of the economic zone; plan and roadmap on investment in the construction and development of the economic zone;

f/ An environmental impact assessment;

g/ Proposed solutions and their application;

h/ Display of the economic zone planning on the planning map.

2. A report of the provincial-level Peoples Committee to the Prime Minister, proposing the establishment or expansion of the economic zone.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 12. A dossier for addition of industrial zones to the master plan on development of industrial zones

1. A planning scheme on development on industrial zones in the territory of the province or centrally run city, with the following principal contents:

a/ The necessity and legal grounds of the addition of industrial zones to the master plan;

b/ An assessment of the practical socio-economic situation and the set forth orientations for socio-economic development and industrial development in the territory of the province or centrally run city;

c/ An assessment of the practical construction and development of industrial zones which have been established and planned in the territory of the province or centrally run city;

d/ Name, location, land area, practical state and specific conditions for development of each industrial zone expected to be planned;

e/ An evaluation and explanation of the possibility to satisfy the conditions in Article 6 of this Decree;

f/ The possibility to raise capital for investment in the construction and development of industrial zones;

g/ Display of the industrial zone development planning on the planning map.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. A dossier must be made in ten dossier sets, of which at least two sets are original (one to be submitted to the Prime Minister and nine others, to the Ministry of Planning and Investment for appraisal under Article 13 of this Decree).

Article 13. Evaluation of the addition to the master plan on development of industrial zones or the establishment of an economic zone

1. Evaluation contents:

a/ The legal grounds and necessity of the addition to the master plan on development of industrial zones or the establishment of an economic zone;

b/ The conformity of the addition to the master plan on development of industrial zones or the establishment of an economic zone with the local socio-economic development planning and land use planning; the regional and urban construction planning; the technical infrastructure planning; and the planning on the use of minerals and other natural resources;

c/ The objectives and targets of the addition to the master plan on development of industrial zones or the establishment of an economic zone and the distribution of resources;

d/ The degree of satisfaction of the conditions respectively set on the addition to the master plan on development of industrial zones or the establishment of an economic zone;

e/ Solutions to and feasibility of the addition to the master plan on development of industrial zones or the establishment of an economic zone.

2. Order of and procedures for evaluation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the dossier fails to satisfy the requirements specified in Article 10 or 11 of this Decree, the Ministry of Planning and Investment shall request in writing the provincial-level Peoples Committee to supplement or modify the dossier. The duration for dossier supplementation or modification is not counted into the evaluation duration.

b/ Within ten working days, for industrial zones, or twenty working days, for economic zones, after receiving a valid dossier, concerned ministries and branches shall send their opinions to the Ministry of Planning and Investment.

When necessary, the Ministry of Planning and Investment shall organize a meeting with concerned ministries and branches and the provincial-level Peoples Committee to clarify matters which remain unclear.

c/ Within thirty working days, for industrial zones, or forty five working days, for economic zones, after receiving a valid dossier, the Ministry of Planning and Investment shall propose it to the Prime Minister for consideration and decision.

Article 14. First-time expansion and adjustment of the area of an industrial zone

1. If the first-time expansion of an industrial zone does not exceed 10% of its approved planned area or 30 hectares and has no impact on other local plannings, the provincial-level Peoples Committee may, based on opinions of concerned ministries and branches, decide on the expansion of this industrial zone without having to propose to the Prime Minister for approval the addition to the master plan on development of industrial zones.

2. If the actually measured area of an industrial zone is larger or smaller by under 10% than the approved planned area and the difference does not exceed 20 hectares, the provincial-level Peoples Committee may decide on the adjustment of the planned area to match the actual area without having to propose it to the Prime Minister for approval.

3. Other cases of expansion and adjustment of the area of an industrial zone must be proposed to the Prime Minister for consideration and decision.

Article 15. Competence to establish and expand industrial zones and economic zones

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Presidents of provincial-level Peoples Committees shall decide on the establishment or expansion of industrial zones already incorporated into the approved master plan on development of industrial zones or the approved general planning on construction of economic zones.

Chapter III

MECHANISMS AND POLICIES TOWARD INDUSTRIAL ZONES, EXPORT PROCESSING ZONES AND ECONOMIC ZONES

Article 16. Investment incentives for industrial zones and economic zones

1. Industrial zones are geographical areas eligible for investment incentives or enjoying preferential policies applicable to localities on the list of those with difficult socio-economic conditions. Industrial zones located in localities on the list of those with particularly difficult socio-economic conditions may enjoy preferential policies applicable to localities on this list.

2. Investors having investment projects in industrial zones, including expanded investment projects, may enjoy the following incentives:

a/ Investment projects in branches or sectors on the list of those eligible for special investment incentives are eligible for incentives applicable to investment projects in branches or sectors on this list and implemented in localities on the list of localities with difficult socio-economic conditions or the list of localities with particularly difficult socio-economic conditions;

b/ Investment projects in branches or sectors on the list of those eligible for investment incentives and production projects in industrial zones are eligible for investment incentives applicable to investment projects in branches or sectors on this list and implemented in localities on the list of localities with difficult socio-economic conditions or the list of localities with particularly difficult socio-economic conditions;

c/ Investment projects not specified in Items a and b, Clause 2 of this Article are eligible for the incentives provided for in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The following investment projects are eligible for the highest incentives under the law on enterprise income tax:

a/ Investment projects in branches or sectors on the list of those eligible for special investment incentives and implemented in economic zones or industrial zones located in localities on the list of those with particularly difficult socio-economic conditions;

b/ Investment projects on construction and commercial operation of infrastructure works of non-tariff areas in economic zones;

c/ Investment projects on hi-tech domains in industrial zones or economic zones;

d/ Investment projects which are large and significant to the development of branches or sectors or the regional socio-economic development and located in industrial zones or economic zones after being approved by the Prime Minister.

5. Earners of taxable incomes, including Vietnamese and foreigners working in economic zones, are entitled to a 50% reduction of payable income tax.

6. Investment expenses for construction, operation or lease of apartment buildings and social infrastructure works in service of workers working in industrial zones or economic zones are reasonable expenses deductible from taxable incomes of enterprises having investment projects in these zones.

Article 17. Modes of mobilizing capital for investment in the development of technical and social infrastructure systems of economic zones

1. Investment projects on important technical and social infrastructure works of economic zones have access to development investment capital of local budgets and targeted capital supports of the central budget. Conditions and principles for and types of works eligible for central budget supports comply with the Prime Ministers regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Technical and social infrastructure works, service and public-utility works necessary for economic zones may have access to official development assistance (ODA) capital, concessional credit and other technical assistance.

4. Raising investment capital in BOT, BT, BTO and other forms under law.

5. Investment projects on construction and commercial operation of infrastructure works of functional areas in economic zones may raise capital through leasing part or the whole of unleased land areas to investors (except for the entities specified at Point d, Clause 4, Article 3 of the Investment Law) that are financially capable and experienced in mobilizing investment capital for investment and sub-lease.

6. Investment projects on development of technical and social infrastructure works for common use in economic zones may raise capital from the land fund under the land law.

Article 18. Entry, exit, travel, residence and sojourn in economic zones

1. Foreigners and overseas Vietnamese who work, invest or conduct business activities in economic zones and their family members may be granted visas for multiple entry and exit and with validity durations suitable to their durations of working in economic zones; and may reside or make sojourns for a definite time in economic zones and Vietnam.

2. For a border-gate economic zone, the following provisions on entry, exit and travel are applied:

a/ Citizens residing in a bordering countrys district opposite to Vietnams border-gate economic zone may travel across the border into this zone with their border identity cards or laissez-passers granted by this countrys competent authority. If these persons wish to enter other places of the province having the border-gate economic zone, the provincial police office shall grant them single travel permits with a specified validity duration;

b/ Holders of passports ineligible for visa exemption (citizens of a bordering country or a third country) are exempt from entry visas or may stay in the border-gate economic zone for no more than 15 days. If these persons wish to travel as tourists to other areas of Vietnam under programs organized by Vietnamese international travel companies, the competent immigration management agency shall consider and grant them entry visas at the border-gate economic zone;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Operators of means of transport (crewmembers on board ships, vehicle drivers and their assistants) may enter and leave the border-gate economic zone with their passports, crewmember books, border identity cards or laissez passers granted by foreign authorities;

d/ It is allowed to expand the reception in the border-gate economic zone of tourists from neighboring countries traveling with passports, identity cards or other equivalent papers to other provinces and cities throughout the country according to Item b, Clause 2 of this Article;

e/ Vietnamese cargo or vehicle owners who have business ties with neighboring countries partners may escort their cargoes or vehicles into these countries to deliver or receive cargoes with identity cards or border laissez-passers granted by Vietnamese competent authorities;

f/ Vietnamese citizens who conduct business or reside in the district or provincial town having a border-gate economic zone may travel into the bordering country with their border identity cards or laissez-passers in accordance with a treaty between Vietnam and this bordering country or when obtaining this countrys consent.

Article 19. Provisions on finance and credit applicable to economic zones

1. Purchase, sale, payment, transfer and other transactions between organizations and individuals conducting business activities in a border-gate economic zone may be conducted in Vietnam dong, Chinese yuan, Lao kip, Cambodian riel and other freely convertible foreign currencies under the State Bank of Vietnams regulations.

2. Credit institutions may be established and operate in economic zones under the law on credit institutions.

3. Domestic and foreign travelers and tourists entering non-tariff areas in border-gate economic zones may purchase imported goods there and bring them into inland Vietnam and are entitled to exemption from import duty, value-added tax and special consumption tax (if any) under the Prime Ministers regulations.

4. Organizations and individuals that record merits in raising ODA capital and calling for investment projects in economic zones will be commended or rewarded under regulations promulgated by provincial-level Peoples Committees after obtaining the Ministry of Finances consent.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. There is no inhabitant living in industrial zones and export processing zones.

2. Only investors and persons working in export processing zones or enterprises and persons having working relationships with agencies, organizations and enterprises in export processing zones or export processing enterprises may enter and leave these zones or enterprises. These entities may not stay in export processing zones and enterprises, unless they are permitted by the Management Board.

3. In case of necessity, foreign experts may temporarily reside at enterprises in industrial zones or export processing zones under regulations of provincial-level Peoples Committees. The temporary residence of foreign experts must meet the following conditions:

a/ This temporary residence serves production or business activities of enterprises;

b/ These experts are not accompanied by their families and relatives;

c/ The procedures for registration and declaration of temporary residence under current regulations on entry, exit and residence of foreigners in Vietnam are completed;

d/ Enterprises shall arrange separate accommodation for these experts and commit that the temporary residence of foreign experts ensures social security and order and do not affect the operation of industrial zones or export processing zones.

Article 21. Provisions exclusively applicable to export processing zones and enterprises

1. Export processing zones and enterprises may apply legal provisions applicable to non-tariff areas. The law-specified status of export processing enterprises is stated in their investment certificates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Export processing enterprises may purchase office equipment and stationery, food, foodstuffs and consumer goods from inland Vietnam to serve the administration of their office apparatus and daily-life activities of their staff members and workers. Export processing enterprises may choose to or not to carry out import, export and customs procedures for these goods.

4. Customs procedures for inspection and supervision of exported and imported goods of export processing zones and enterprises comply with the customs law.

5. Relations of goods exchange between export processing zones and enterprises and other areas in the Vietnamese territory, except for non-tariff areas, are regarded as import and export relations.

6. When carrying foreign currencies from inland Vietnam into export processing zones and enterprises and vice versa, staffs and workers working in these export processing zones and enterprises are exempt from customs declaration.

Chapter IV

STATE MANAGEMENT OF INDUSTRIAL ZONES, EXPORT PROCESSING ZONES AND ECONOMIC ZONES

Article 22. Contents of the state management of industrial zones, export processing zones and economic zones

1. Elaborating and directing the implementation of plannings, plans and policies on development of industrial zones and economic zones.

2. Promulgating, guiding, disseminating and organizing the implementation of policies, laws, standards and technical regulations on the establishment, investment, construction, development and management of operation of industrial zones and economic zones; building and managing the system of information on industrial zones and economic zones; organizing the promotion of investment in industrial zones and economic zones.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Organizing the apparatus of and providing professional training and retraining for state management agencies in charge of industrial zones and economic zones.

5. Guiding, assisting, evaluating investment efficiency, examining, supervising, inspecting, settling complaints and denunciations, effecting commendation and reward, handling violations and solving problems arising in the course of formation and development of industrial zones and economic zones.

Article 23. Powers and responsibilities for state management of industrial zones, export processing zones and economic zones

1. The Government shall perform the unified state management of industrial zones and economic zones nationwide by assigning specific tasks and powers to each ministry, branch, provincial-level Peoples Committee or Management Board under this Decree; direct the elaboration and implementation of plannings and plans on development of, and the promulgation of policies and legal documents on, industrial zones and economic zones.

2. The Prime Minister has the following powers and responsibilities:

a/ To direct ministries, branches, provincial-level Peoples Committees and management boards in implementing law and policies on industrial zones and economic zones;

b/ To approve and adjust the master plans on development of industrial zones and economic zones;

c/ To decide on investment in projects falling under his competence;

d/ To decide on the establishment of economic zones; to approve general plannings on construction of economic zones; to permit the expansion or narrowing of land areas or change of approved land use purposes of industrial zones or functional areas in economic zones;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Ministries, branches and provincial-level Peoples Committees shall, within the ambit of their respective functions, tasks and powers, perform the state management of industrial zones and economic zones in terms of branches, domains and administrative territories; guide or authorize management boards to perform a number of state management tasks falling under their competence under this Decree and relevant laws.

Article 24. State management powers and responsibilities of the Ministry of Planning and Investment

1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Construction, the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Defense, the Ministry of Industry and Trade, and concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in, elaborating master plans on development of industrial zones and economic zones, and submitting them to the Prime Minister for approval.

2. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and branches in, elaborating legal documents and policies on development of industrial zones and economic zones, and submitting them to competent state agencies for promulgation; to review and propose the Prime Minister to annul provisions of the approved operation regulations of economic zones which are inconsistent with the provisions of this Decree.

3. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and branches in, providing professional guidance, training and retraining for management boards.

4. To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and concerned ministries and branches in, working out tentative plans on the provision of the central budgets supports for investment projects on construction and commercial operation of infrastructure of industrial zones in localities with difficult and particularly difficult socio-economic conditions under the Prime Ministers decisions; and tentative plans on the central budgets supports for investment in the development of technical infrastructure systems of economic zones under this Decree.

5. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, branches, provincial-level Peoples Committees and management boards in, elaborating and implementing national programs and plans on promotion of investment in industrial zones and economic zones.

6. To build and manage the national system of information on industrial zones and economic zones; to set forms of periodical reports and supply information on industrial zones and economic zones to concerned governmental agencies.

7. To review and evaluate socio-economic results and benefits of industrial zones and economic zones and report them to the Prime Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To promulgate regulations on the elaboration of schemes on setting up, classification, grading and reorganization of management boards.

2. To specify the organizational structure, payrolls and salaries of civil servants and public employees of management boards.

3. To evaluate schemes on setting up and reorganization of management boards and submit them to the Prime Minister for consideration and decision.

Article 26. State management powers and responsibilities of the Ministry of Finance

1. To guide financial regulations and customs procedures applicable to industrial zones, economic zones and export processing enterprises.

2. To formulate financial mechanisms and policies applicable to management boards and non-business economic units with revenues that act as investors of investment projects on construction and commercial operation of infrastructure of industrial zones, and special economic organizations related to industrial zones and economic zones in accordance with law.

3. To guide the implementation of the provisions of Clause 6, Article 16 of this Decree.

Article 27. State management powers and responsibilities of the Ministry of Construction

1. To promulgate regulations guiding the elaboration, evaluation, approval and adjustment of general plannings on construction of economic zones or industrial zones specified in Clause 3, Article 5 of this Decree, and detailed plannings on construction industrial zones and functional areas in economic zones.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 28. State management powers and responsibilities of the Ministry of Industry and Trade

1. To perform the state management of industrial, import, export and commercial activities in industrial zones and economic zones; to direct the development of industries in industrial zones and economic zones in line with approved industrial development strategies, plannings and plans of regions and territories.

2. To authorize management boards to grant certificates of origin for goods manufactured in industrial zones and economic zones; to grant, renew, amend, supplement and extend permits for setting up trade representative offices of foreign organizations and traders in industrial zones and economic zones.

3. To guide management boards in granting business licenses for goods purchase and sale and activities directly related to goods purchase and sale to foreign-invested enterprises and foreign investors that invest for the first time in industrial zones and economic zones.

4. To elaborate a Regulation on operation of non-tariff areas in economic zones, and submit it to the Prime Minister for promulgation.

Article 29. State management powers and responsibilities of the Ministry of Natural Resources and Environment

1. To promulgate a Regulation on management and protection of the environment in industrial zones and economic zones.

2. To guide the collection of environmental protection charges in industrial zones and economic zones.

3. To guide management boards in performing a number of tasks of state management of natural resources and environment in industrial zones and economic zones under the law on environmental protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To promulgate regulations on criteria for determination of hi-tech investment projects in industrial zones and economic zones.

2. To guide management boards in performing the state management of organizations operating industrial zones and economic zones in scientific and technological aspects.

Article 31. State management powers and responsibilities of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs

To guide management boards in performing a number of tasks of state management of labor in industrial zones and economic zones under the labor law.

Article 32. State management powers and responsibilities of the Ministry of Public Security

1. To perform the function of state management of security, order and fire prevention and fight in industrial zones and economic zones.

2. To promulgate guiding regulations on entry, exit, residence and temporary residence applicable to economic zones and border-gate economic zones.

Article 33. State management powers and responsibilities of the Ministry of Culture, Sports and Tourism

1. To guide management boards in performing the state management of tourist activities in economic zones.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 34. State management powers and responsibilities of line ministries

Apart from the tasks and powers specified in Articles 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32 and 33 of this Decree, ministries and ministerial-level agencies also have powers and responsibilities for state line management of industrial zones and economic zones, specifically:

1. To inspect and affirm in writing the capability of investment projects to satisfy the necessary conditions, for those falling under the Prime Ministers approving competence and those in domains eligible for conditional investment and implemented in industrial zones and economic zones under the investment law.

2. To promulgate conditions, order and procedures for management and organization of the provision of public administrative services of management boards.

3. To guide, examine, supervise, inspect and handle administrative violations according to their competence.

Article 35. State management powers and responsibilities of provincial-level Peoples Committees

1. To assume the prime responsibility for elaborating plannings on development of industrial zones and economic zones in their localities; to decide on the establishment or expansion of industrial zones.

2. To organize the elaboration of general plannings on construction of industrial zones specified in Clause 3, Article 5 of this Decree and economic zones.

3. To direct the elaboration and approval of detailed plannings on construction of industrial zones and functional areas in economic zones; to direct the evaluation and approval of basic designs of investment projects on development of infrastructure of industrial zones and functional areas in economic zones; to decide on the use of state budget capital in support of investors that invest in technical infrastructure systems inside industrial zones fences.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To perform the state management of investment projects in economic zones under approved plannings; to submit for approval or approve according to their competence lists of development investment projects and annual and five-year plans on development investment capital in economic zones.

6. To promulgate specific preferential and incentive policies consistent with legal provisions on prioritized recruitment and employment of local laborers and highly qualified and skilled laborers; to support the job training of laborers working in industrial zones and economic zones.

7. To plan land areas for the construction of resettlement areas and residential houses for workers as well as service and public-utility works; to support investment in the construction of residential houses for workers, resettlement areas, socio-technical infrastructure works under the Law on State Budget; to support the promotion of investment, commerce and tourism; to support the payment of compensations for ground clearance in order to accelerate the investment in and development of industrial zones and economic zones.

8. To direct the recovery of land and water surface areas, payment of compensations for ground clearance, farming sedentarization and resettlement, and carry out procedures for lease or allocation of land in industrial zones and economic zones under the land law and relevant laws.

9. To direct concerned organizations in working out investment plans and organize the construction of technical and social infrastructure systems outside the fences of industrial zones and economic zones, such as: roads, power supply systems, water supply and drainage systems, information and communications systems, points of technical connection with infrastructure works inside the fences of industrial zones and economic zones, job-training establishments, residential houses, medical examination and treatment establishments, schools and other public works to meet the needs for development of industrial zones and economic zones.

10. To assume the prime responsibility for working out plans on and allocate support funds for investment in technical infrastructure systems inside the fences of industrial zones or socio-technical infrastructure systems of economic zones under the laws on investment and state budget and this Decree.

11. To promulgate and supervise the implementation of regulations on coordination between management boards and bodies under provincial-level Peoples Committees; to guide and assign tasks or authorize management boards to perform a number of tasks of state management of construction and environmental protection under Items d and h, Clause 2, Article 37 of this Decree.

12. To direct the implementation of plannings and regulations on construction, labor and environmental protection, fire and explosion prevention and fight, security and order in industrial zones and economic zones.

13. To organize and coordinate with other agencies in organizing job-training establishments in their localities in order to meet needs for labor for industrial zones and economic zones.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



15. To elaborate schemes on establishment or reorganization of management boards to ensure the principle that each province or centrally run city has one management board; to decide on the appointment of heads and deputy heads of management boards.

16. To allocate funds for administrative and non-business activities and development investment capital for management boards under the law on the state budget; to approve plans, allocate funds and organize the investment, trade and tourism promotion for the development of industrial zones and economic zones.

17. To direct local specialized and professional agencies in charge of commerce, finance, customs, banking, public security and other relevant agencies to nominate their competent representatives to handle relevant affairs in each zone when necessary.

18. To perform other tasks and power of state management of industrial zones and economic zones in accordance with law.

Chapter V

FUNCTIONS, TASKS, POWERS AND ORGANIZATIONAL STRUCTURES OF MANAGEMENT BOARDS OF INDUSTRIAL ZONES AND ECONOMIC ZONES

Article 36. Functions of management boards of industrial zones, export processing zones and economic zones

1. Management boards are attached to provincial-level Peoples Committees and perform the function of direct state management of industrial zones and economic zones in provinces or centrally run cities under this Decree and relevant laws; manage and organize the provision of public administrative services and other support services related to investment, production and business activities of investors in industrial zones and economic zones.

2. Management boards are set up under the Prime Ministers decisions and subject to the provincial-level Peoples Committees direction and management of organization, state payrolls, working programs and plans and operating funds (unless otherwise prescribed by the Prime Minister); submit to the professional direction, guidance and inspection by concerned line ministries and branches; shall closely coordinate with professional agencies of provincial-level Peoples Committees in managing industrial zones and economic zones.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 37. Tasks and powers of management boards of industrial zones, export processing zones and economic zones

1. To contribute opinions on, plan and propose to ministries, branches and provincial-level Peoples Committees for approval and organization of the performance the following tasks:

a/ Giving opinions to ministries, branches and provincial-level Peoples Committees on the elaboration of legal documents, policies and plannings on investment in and development of industrial zones and economic zones;

b/ Assuming the prime responsibility for, and coordinating with concerned agencies in, elaborating regulations on working coordination with specialized agencies of provincial-level Peoples Committees and relevant agencies in performing assigned tasks and vested powers under the one-stop shop and inter-branch one-stop shop mechanism, then submitting these regulations to provincial-level Peoples Committees for approval, and organizing their implementation;

c/ Formulating programs and plans on promotion of investment in the development of industrial zones and economic zones, and submitting them to provincial-level Peoples Committees for approval, and organizing their implementation;

d/ Elaborating annual and five-year plans on development of human resources to meet demands of industrial zones and economic zones, and submitting them to provincial-level Peoples Committees for approval, and organizing their implementation;

e/ Making estimates of their budget allocations and funds for non-business activities and annual development investment capital amounts, and submitting them to competent agencies for approval under the Law on State Budget and relevant laws.

2. Management boards shall perform the following tasks as specified by law or guided or authorized by ministries, branches and provincial-level Peoples Committees:

a/ Managing, disseminating, guiding, examining, supervising and inspecting the implementation of regulations, plannings and plans on industrial zones and economic zones already approved by competent state agencies, and sanctioning administrative violations of these regulations, plannings and plans;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Granting, renewing, amending, supplementing and extending permits for setting up trade representative offices of foreign organizations and traders in industrial zones and economic zones; granting business licenses for goods purchase and sale and activities directly related to goods purchase and sale to foreign-invested enterprises and foreign investors that invest for the first time in industrial zones and economic zones after obtaining written approval of the Ministry of Industry and Trade;

d/ Adjusting approved detailed plannings on construction of industrial zones and functional areas in economic zones without changing use purposes of land plots and planning structure; evaluating basic designs of group-B or group-C projects or grant and extend construction permits for construction works for which these permits are required under the law on management of investment projects on construction of works; granting certificates of ownership of construction works for those in industrial zones and economic zones to concerned organizations;

e/ Granting, renewing, extending or revoking working permits for foreigners and overseas Vietnamese working in industrial zones and economic zones; issuing labor books to Vietnamese laborers working in industrial zones and economic zones; organizing the registration of labor rules, collective labor agreements, rules on labor sanitation and safety, systems of wage ranks and tables, labor norms and plans on sending laborers on under-90 day overseas skill practice tours for enterprises; receiving enterprises reports on the signing, application and termination of labor contracts;

f/ Granting certificates of origin for goods manufactured in industrial zones and economic zones and other relevant permits, licenses and certificates in industrial zones and economic zones;

g/ Certifying contracts and title deeds of real estate in industrial zones and economic zones for concerned organizations;

h/ Organizing the evaluation and approval of environmental impact assessment reports for investment projects falling under the deciding competence of provincial-level Peoples Committees in industrial zones and economic zones;

i/ Examining, inspecting and supervising the achievement of investment objectives specified in investment certificates, schedules of capital contribution and implementation of investment projects; assuming the prime responsibility for, and coordinating with other agencies in, examining and inspecting the observance of committed clauses by projects enjoying investment incentives and the observance of laws on construction, labor, wage and social insurance for laborers, protection of lawful interests of laborers and labor users, operation of socio-political organizations, fire and explosion prevention and fight, security and order and protection of the ecological environment by projects in industrial zones and economic zones; deciding on the sanctioning of administrative violations in domains under their competence according to regulations and requesting competent state management agencies to handle violations in domains falling beyond their competence;

j/ Solving problems and difficulties facing investors in industrial zones and economic zones, and proposing the Prime Minister, concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees in solving problems falling beyond their competence;

k/ Receiving statistical reports and financial statements of enterprises operating in industrial zones and economic zones; appraising the efficiency of investment in industrial zones and economic zones;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



m/ Sending periodical reports to the Ministry of-PIanning and Investment, concerned ministries, branches and provincial-level Peoples Committees on the construction and development of industrial zones and economic zones; granting, modifying and revoking investment certificates; organizing the implementation of investment projects; fulfilling obligations toward the State; attracting and employing laborers; complying with the labor law and settling labor disputes and applying measures to protect the ecological environment in industrial zones and economic zones;

n/ Organizing emulation movements for and commending and rewarding enterprises with emulation achievements in industrial zones and economic zones;

o/ Organizing and coordinating with state management agencies in conducting inspection, examination and settlement of complaints and denunciations, prevention and combat of corruption, waste, negative acts, and handling of administrative violations in their zones;

p/ Performing tasks in accordance with law and provincial-level Peoples Committees regulations on management of finance, assets and budget funds allocated to them; collecting and managing the use of various charges and fees; conducting scientific researches and applying scientific and technological advances; cooperating with domestic and foreign organizations and individuals in domains related to investment in the construction and development of industrial zones and economic zones; managing the organizational structure, state payroll, cadres, civil servants and public employees, and providing professional training and retraining for their cadres, civil servants and public employees; recommending jobs for laborers working in industrial zones and economic zones;

q/ Performing other tasks assigned by provincial-level Peoples Committees.

Article 38. Tasks and powers of management boards of economic zones

Apart from the tasks and powers of management boards of industrial parks, export processing zones and economic zones specified in Article 37 of this Decree, the management board of an economic zone also has the following tasks and powers:

1. To elaborate and submit to the provincial-level Peoples Committee for submission to the Prime Minister for decision according to its competence:

a/ A general planning on construction of the economic zone;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To elaborate and submit to ministries, branches and the provincial-level Peoples Committee for approval, and organize the implementation of:

a/ Detailed planning on construction of functional areas in line with the approved general planning on construction of the economic zone, detailed planning and plans on the use of land in the economic zone, which are approved by the provincial-level Peoples Committee;

b/ Annual and five-year plans on development of the economic zone, which are submitted and approved by the provincial-level Peoples Committee and competent state agencies;

c/ A list of investment projects and annual and five-year development investment capital plans, which are submitted to competent agencies for approval or approved by themselves according to their competence;

d/ Price brackets and charge and fee rates to be applied in the economic zone, which are submitted to competent agencies for promulgation in accordance with law.

3. The management board of an economic zone shall direct or organize the performance of the following tasks:

a/ Conducting the following activities in accordance with legal provisions and under the guidance or authorization by ministries, branches and the provincial-level Peoples Committee: granting, modifying and revoking business registration certificates under the Law on Enterprises for the establishment of economic organizations in the economic zone; granting, renewing, amending, supplementing and extending permits for setting up representative offices and branches in the economic zone for foreign tourist companies;

b/ Hiring foreign consultants to provide the service of advising on investment promotion or the strategy on investment in the construction and development of the economic zone;

c/ Deciding on investment in group-B or group-C projects which use state budget capital invested in the economic zone under the authorization of the provincial-level Peoples Committee;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Managing and using capital sources for investment in the development of the economic zone falling under its competence; managing investment in the construction of and bidding for investment projects in the economic zone funded with development investment capital from the state budget and falling under its competence; managing administrative and non-business revenues and expenditures, funds for target programs and other capital sources assigned to it in accordance with law;

f/ Assuming the prime responsibility for, and coordinating with concerned agencies in, conducting regular repair and maintenance of the system of technical and social infrastructure works, service and public-utility works invested with the state budget in the economic zone;

g/ Managing and effectively using the special-use land and water surface fund already assigned to it for proper use purposes and in conformity with the general planning on construction of the economic zone, detailed planning on construction of functional areas, land use planning and plans approved by competent authorities;

h/ Reallocating land with or without collection of land use levy, leasing land and water surface, and performing the management of land in the economic zone under the land law;

i/ Based on regulations of the provincial-level Peoples Committee and the investment and land laws, deciding on use levy and rent rates as well as exemption or reduction levels for special-use land and water surface areas of investment projects, which are applicable to cases of land reallocation or lease not through a land use rights auction or bidding;

j/ Coordinating with the local administration and concerned agencies in ensuring that all activities in the economic zone are conducted in compliance with the planning and plan on construction and development of the economic zone already approved by the competent state agency and relevant regulations.

Article 39. Organizational structure and state payroll of a management board

1. A management board is composed of a head, several deputy heads and an assisting apparatus.

The head of the management board is appointed or dismissed by the president of the provincial-level Peoples Committee. Deputy heads are appointed or dismissed by the president of the provincial-level Peoples Committee at the request of the head.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The organizational structure of the management board consists of an assisting apparatus (the office, professional and specialized sections and a representative of the management board in the industrial or economic zone); attached non-business units performing public and public-utility tasks, providing investment or business support services for investors in the zone and other organizations suitable to the development of the industrial or economic zone as well as tasks and powers of each type of management board as guided by the Ministry of Home Affairs and specified by law.

Management boards of economic zones and management boards of grade-I industrial zones or export processing zones as guided by the Ministry of Home Affairs may set up their own inspectorates.

4. The state payroll of a management board includes an administrative payroll and a non-business payroll and is decided by the president of the provincial-level Peoples Committee in accordance with legal provisions on decentralized management of administrative and non-business payrolls and the mechanism for state payroll management applicable to state non-business units.

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 40. Effect of the Decree

1. This Decree takes effect 15 days after its publication in CONG BAO.

2. This Decree replaces:

a/ The Prime Ministers Decision No.53/2001/QD-TTg of April 19, 2001, on policies toward border-gate economic zones, and Decision No. 273/2005/QD-TTg of October 31, 2005, amending and supplementing a number of articles of Decision No. 53/2001/QD-TTg;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 41. Implementation responsibility

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, presidents of provincial/municipal Peoples Committees, heads of management boards of industrial parks, export processing zones and economic zones, and concerned organizations and individuals shall implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


128.015

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.147.87
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!