CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 53/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014
|
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 7 NĂM 2014
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, tổ chức vào các ngày 16 và 17 tháng 7 năm 2014,
QUYẾT NGHỊ:
1. Về mục tiêu, quan điểm và nội dung cơ bản của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương:
Chính phủ đã thảo luận và thống nhất về cơ bản với đề xuất của Bộ Nội vụ về các vấn đề mang tính định hướng cho việc xây dựng 2 dự án: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đây là 2 dự án Luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Việc nghiên cứu, soạn thảo 2 dự án Luật này phải trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước; bám sát và cụ thể hóa tinh thần và nội dung các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013; tổng kết thực tiễn thi hành, kế thừa các quy định của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành đã được kiểm nghiệm.
Hai dự án Luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với nhau và với các dự án: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các dự án luật khác.
Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo cần xây dựng thành các phương án khác nhau để tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tham gia; đồng thời, phải thể hiện chính kiến của Ban soạn thảo trong việc lựa chọn phương án phù hợp.
a) Về một số vấn đề cụ thể Bộ Nội vụ xin ý kiến về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chính phủ thống nhất định hướng quy định như sau:
- Về vị trí, chức năng của Chính phủ, có thể nhắc lại quy định của Hiến pháp, nhưng cần quy định cụ thể trên cơ sở kế thừa những thành tựu của Luật hiện hành;
- Nghiên cứu, làm rõ nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ kiểm soát quyền lực đối với Quốc hội và Tòa án nhân dân để thể hiện đúng vị trí, chức năng cơ quan thực hiện quyền hành pháp;
- Cụ thể hóa 3 chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Hiến pháp quy định thành các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ theo hướng nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định khái quát, bao quát các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trong các mối quan hệ với các thiết chế nhà nước khác, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quản lý đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân;
- Quán triệt quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền trung ương - địa phương trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Những quy định này chỉ mang tính nguyên tắc;
- Về đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, cần quy định về nguyên tắc theo hướng Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, trong đó có tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; những nội dung giao cho Bộ ngành thực hiện vai trò chủ sở hữu sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt. Có thể xây dựng thành 2 phương án về chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;
- Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và kế thừa Luật hiện hành, cần quy định cụ thể hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời, cụ thể hóa nhiệm vụ của Thủ tướng đã được Hiến pháp quy định là lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia;
- Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và đề cao trách nhiệm của Bộ trường, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động của Tập thể Chính phủ; đồng thời, kế thừa và sửa đổi, bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm Bộ trưởng là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Làm rõ tính chất, nội dung và quy định đầy đủ mối quan hệ giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong quản lý nhà nước. Phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý những công việc thuộc ngành, lĩnh vực đã được phân cấp, phân định thẩm quyền cho địa phương;
- Cần cân nhắc kỹ hơn về tính cần thiết, cơ sở hiến định và ý nghĩa của việc xác lập chế định Bộ trưởng phụ trách một số công tác của Chính phủ;
- Về xác định lại tên gọi một số chức danh thành viên Chính phủ, có thể đưa ra các phương án để nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn điều hành hiện nay.
b) Đối với một số vấn đề cụ thể Bộ Nội vụ xin ý kiến về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ thống nhất định hướng quy định như sau:
- Về tên gọi của dự án Luật, bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 để xác định cho phù hợp. Có thể đưa ra các phương án khác nhau về tên gọi để thảo luận, lấy ý kiến tham gia, trước khi quyết định;
- Việc xây dựng dự án Luật phải quán triệt và thể hiện được tinh thần quy định của Hiến pháp là, đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt;
- Bảo đảm sự gắn kết thống nhất chặt chẽ giữa HĐND và UBND trong một thực thể chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương và của từng cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương, tính thông suốt của nền hành chính quốc gia;
- Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đô thị, cần xây dựng 2 phương án để tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến: một phương án theo hướng quận, phường không tổ chức HĐND, chỉ có UBND là cơ quan đại diện của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; phương án khác giữ nguyên như hiện nay;
- Nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và việc hình thành các đặc khu kinh tế. Dự án Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, các luật khác sẽ quy định cụ thể về các mô hình này;
- Về phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm các chức danh của UBND cấp tỉnh, giữ nguyên như quy định của Hiến pháp, không mở rộng thêm các chức danh khác.
Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp thu các vấn đề theo định hướng trên đây, các ý kiến của các thành viên Chính phủ tại Phiên họp, ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng 2 dự án Luật, trình Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội tại Phiên họp Chính phủ tháng 8 năm 2014.
2. Về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
Chính phủ thống nhất nhận định, việc xây dựng, ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý để khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, sau khi thảo luận, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới, Chính phủ thống nhất yêu cầu chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật theo hướng sau đây:
- Cần thiết phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bao gồm cả vấn đề tổ chức thi hành pháp luật. Theo đó, có một chương riêng về tổ chức thi hành pháp luật trong dự thảo Luật;
- Đổi mới căn bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để vừa bảo đảm chất lượng, khắc phục những bất cập, yếu kém của hệ thống pháp luật, nhất là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, rườm rà, cồng kềnh, phức tạp, khó tiếp cận, vừa phù hợp với thực tiễn năng động của cơ chế thị trường ở nước ta, bảo đảm tính khả thi và tính kịp thời trong ban hành văn bản;
- Cụ thể hóa các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật. Dự án Luật phải thể được tính độc lập, chủ động, chịu trách nhiệm đến cùng của Chính phủ trong xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh; đồng thời có sự kiểm soát đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp;
- Phân định thẩm quyền trung ương - địa phương cần quy định rõ hơn trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, cần phân biệt và thể hiện rõ vai trò của Chính phủ và của Thủ tướng trong đề xuất, phê duyệt chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị định.
- Chính phủ cần phải chủ động, thực hiện đầy đủ thẩm quyền trong việc đưa ra chính sách và thể chế hóa chính sách đó thành pháp luật. Việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá và phê duyệt chính sách trong xây dựng luật, pháp lệnh nên dừng lại ở phạm vi thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm tính độc lập, chủ động của Chính phủ, cũng như bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong xây dựng, ban hành văn bản;
- Chính phủ đưa ra chính sách của dự án luật, pháp lệnh để trên cơ sở đó hình thành đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chỉ mang tính chất định hướng, không mang tính pháp lệnh;
- Để góp phần đơn giản hóa hệ thống pháp luật, nhất trí đề nghị giảm thiểu hình thức văn bản, đồng thời cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện, nhất là chính quyền cấp xã; về ban hành thông tư liên tịch của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;
- Trong điều kiện cụ thể của nước ta, chưa quy định về bồi thường thiệt hại do ban hành văn bản quy định chi tiết chậm hoặc sai trái;
- Về vai trò, trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nên tiếp tục kế thừa quy định của Luật ban hành quy phạm pháp luật hiện hành;
- Về thủ tục, Ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cần trao đổi ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước về các hình thức văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan này.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp thu các nội dung trên đây, một số vấn đề khác mà ý kiến của các thành viên Chính phủ đã nêu, ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Hội đồng thẩm định; chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc:
Chính phủ thảo luận và thống nhất cơ bản về dự thảo Nghị quyết do Bộ Ngoại giao trình. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ tại Phiên họp này, Bộ Ngoại giao tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký thay Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.
4. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán:
Chính phủ thảo luận và thống nhất cơ bản với nội dung của dự án Luật do Bộ Tài chính trình.
Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật dân số:
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo một số vướng mắc và đề xuất các phương án xác định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật dân số, Chính phủ thảo luận và thống nhất cho ý kiến theo hướng, thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Theo đó, dự án Luật chi điều chỉnh quá trình sinh sản; đồng thời, có thể cân nhắc đổi tên dự án Luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh.
6. Về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức:
Chính phủ thảo luận và thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP chưa bảo đảm tính khả thi, chưa tạo đồng thuận trong xã hội và một số vấn đề bất cập khác của Nghị định này cần được sửa đổi, bổ sung. Để bảo đảm tính bao quát, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, cần xây dựng, ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 105/2012/NĐ-CP .
Giao Bộ Văn hóa chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về những nội dung liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao và cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 105/2012/NĐ-CP , trình Chính phủ xem xét, ban hành./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, PL(3b)
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|