CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 60-CP
|
Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 1994
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 60-CP NGÀY 5-7-1994 VỀ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở TẠI ĐÔ THỊ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính Phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993;
Căn cứ Pháp lệnh nhà ở ngày 26 tháng 3 năm 1991;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ xây dựng, Bộ trưởng Bộ tài chính, Tổng cục trưởng
Tổng cục Địa chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng
đất hợp pháp.
Nhà ở, đất ở
thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này bao gồm:
1. Nhà ở của
một hộ gia đình hoặc của nhiều hộ gia đình trong cùng một ngôi nhà;
2. Đất ở tại nội thành, nội thị xã, thị trấn là đất dùng để xây dựng
nhà ở, các công trình phục vụ nhu cầu ở và khuôn viên nếu có, phù hợp với quy
hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2.- Nhà
ở được phân chia theo ba hình thức sở hữu:
1. Nhà ở thuộc
sở hữu Nhà nước;
2. Nhà ở thuộc
sở hữu của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế;
3. Nhà ở thuộc
sở hữu tư nhân.
Điều 3.- Tất cả nhà ở và đất ở đều phải được đăng ký. Chủ sở hữu hợp pháp
được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Giấy chứng nhận
quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo Nghị định này thay thế
các loại giấy tờ pháp lý về sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở được cấp từ trước
ngày ban hành Nghị định này.
Điều 4.- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà ở mà Nhà nước đang quản
lý do trước đây thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất.
Nhà nước không
thừa nhân việc đòi lại đất ở mà trước đây Nhà nước đã giao cho người khác sử
dụng do việc thực hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính
phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chương 2:
CÁC HÌNH THỨC
SỞ HỮU NHÀ Ở
Điều 5.- Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm:
1. Nhà ở tạo
lập bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa
phương) hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách Nhà nước;
2. Nhà ở có
nguồn gốc sở hữu khác được chuyển thành sở hữu nhà nước theo quy định của pháp
luật;
3. Nhà ở nêu
tại Khoản 1 điều này có một phần tiền góp của cá nhân, của tập thể theo thoả
thuận hoặc theo hợp đồng mua nhà trả góp nhưng chưa trả hết tiền.
Điều 6.- Nhà ở thuộc sở hữu của các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức kinh
kế bao gồm:
1. Nhà ở được
tạo lập bằng nguồn vốn do các tổ chức này tự huy động;
2. Nhà ở được
các tổ chức, cá nhân biếu tặng hợp pháp.
Điều 7.- Nhà ở thuộc sở hữu tư nhân là nhà ở do tư nhân tạo lập hợp pháp
thông qua xây dựng, mua, hoặc do nhận thừa kế, hoặc được sở hữu bởi các hình
thức hợp pháp khác.
Chương 3:
ĐĂNG KÝ, CẤP
GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ
DỤNG ĐẤT Ở
Điều 8.- Nhà ở, đất ở phải được đăng ký tại Uỷ ban
Nhân dân phường, thị trấn.
Điều 9.- Người có nghĩa vụ đăng ký nhà ở, đất ở là chủ
sở hữu nhà. Trong các trường hợp khác người đang sử dụng nhà ở có nghĩa vụ đăng
ký.
Điều 10.- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại nội
thành, nội thị xã, thị trấn được xét cấp như sau:
1. Trong trường hợp chủ nhà có các giấy tờ hợp lệ do cơ quan có thẩm
quyền của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng
hoà miền Nam Việt Nam, hoặc Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp,
thì chủ nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
2. Trong trường hợp chủ nhà có các giấy tờ hợp lệ do cơ quan có thẩm
quyền thuộc chế độ cũ cấp, nếu nhà, đất này không có tranh chấp, không thuộc
diện đã giao cho người khác sử dụng do thực hiện các chính sách của nhà nước
Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt
Nam, hoặc Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì chủ nhà được xét cấp
giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
3. Trong trường hợp chủ nhà không có hoặc có đủ giấy tờ hợp lệ trước
ngày ban hành Nghị định này:
a) Chủ nhà hoàn
toàn không có giấy tờ hợp lệ:
a1. Nếu nhà ở
và đất ở phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, thì chủ nhà được xét cấp
giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Chủ nhà được cấp
giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất ở.
a2. Nếu nhà ở
xây dựng trên đất không được quy hoạch là đất ở thì chủ nhà không được cấp giấy
chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Chủ nhà phải thực hiện
lệnh giải toả nhà và lệnh thu hồi đất của nhà nước.
b) Nếu chủ nhà
có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, xây nhà không có giấy tờ hợp lệ nhưng
nhà ở, đất ở hiện phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, thì được xét cấp
giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
c) Nếu chủ nhà
xây dựng nhà có giấy phép trên đất phù hợp với quy hoạch đất ở nhưng chưa có
giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, thì được xét cấp giấy
chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của phần nhà đó. Chủ nhà
phải nộp tiền sử dụng đất ở.
d) Mọi trường
hợp có tranh chấp thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử
dụng đất ở chỉ được xem xét khi đã giải quyết xong tranh chấp theo luật pháp.
Điều 11.- Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng
đất ở quy định như sau:
1. Đơn xin cấp
giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
2. Các giấy tờ
hợp lệ về nhà ở, đất ở bao gồm:
a) Quyết định
giao đất và giấy phép xây dựng nhà hoặc giấy xác nhận sở hữu nhà và quyền sử
dụng đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đối với trường hợp nói tại khoản
1, Điều 10 của Nghị định này.
b) Giấy sở hữu
nhà, đất hoặc giấy tờ hợp lệ khác đối với trường hợp nói tại khoản 2, Điều 10
của Nghị định này.
c) Đối với
trường hợp nói tại điểm a1, khoản 3, Điều 10 của Nghị định này thì phải có ý
kiến của Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn sở tại xác nhận người làm đơn là
người tạo lập nhà và giấy xác nhận của cơ quan quản lý quy hoạch có thẩm quyền.
d) Đối với
trường hợp nói tại điểm b, khoản 3, Điều 10 của Nghị định này thì phải có quyết
định giao đất và giấy xác nhận của cơ quan quản lý quy hoạch có thẩm quyền.
đ) Đối với
trường hợp nói tại điểm c, khoản 3, Điều 10 của Nghị định này thì phải có giấy
phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường
hợp người làm đơn không phải là chủ của các giấy tờ nói tại khoản này, thì phải
kèm theo giấy tờ hợp lệ khác, như: giấy tờ mua bán nhà, các giấy tờ có liên
quan đến việc thừa kế, chia, nhận quà tặng. Người làm đơn được cấp giấy chứng
nhận sau khi thực hiện các nghĩa vụ của chủ nhà và nộp lệ phí trước bạ theo quy
định của pháp luật.
Điều 12.- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại nội
thành, nội thị xã, thị trấn do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) cấp.
Điều 13.- Cơ quan quản lý nhà đất và địa chính giúp Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh
tổ chức thực hiện việc đăng ký, xét cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ gốc và quản
lý về sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở.
Điều 14.- Chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho
đương sự. Trong trường hợp không cấp giấy chứng nhận thì phải báo cho đương sự
biết rõ lý do.
Điều 15.- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở lập thành
2 bản. Một bản cấp cho chủ sở hữu và một bản lưu tại cơ quan cấp giấy.
Điều 16.- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
quy định như sau:
1. Đối với nhà
ở tư nhân, cấp cho chủ sở hữu nhà;
2. Đối với nhà
ở thuộc sở hữu của tổ chức chính trị, xã hội, của tổ chức kinh kế, cấp cho tổ
chức đó;
3. Đối với nhà
ở thuộc sở hữu của Nhà nước, cấp cho cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ quản
lý nhà đó;
4. Đối với nhà
ở chung của nhiều chủ, cấp cho từng chủ sở hữu phần diện tích nhà ở riêng.
Việc đăng ký,
sử dụng phần nhà, công trình kỹ thuật và đất ở dùng chung cho các hộ phải tuân
theo các quy định về quản lý nhà ở chung do Bộ Xây dựng và Tổng cục Địa chính
ban hành.
5. Trong trường
hợp nhà ở thuộc sở hữu nhiều người, nếu không có văn bản phân chia nhà được các
đồng sở hữu cùng ký thì giấy chứng nhận ghi tên tất cả các chủ sở hữu và cấp
cho từng chủ sở hữu.
Điều 17.- Chủ nhà được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử
dụng đất ở sau khi nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài
chính, Xây dựng, Tổng cục Địa chính. Đối với các trường hợp nói tại điểm a1,
điểm c, khoản 3, Điều 10 của Nghị định này thì chỉ được cấp giấy chứng nhận sau
khi nộp tiền sử dụng đất theo mức do Bộ Tài chính quy định.
Trong trường
hợp nhà ở được phép thay đổi về quy mô, cấu trúc thì khi hoàn thành việc thay
đổi, chủ nhà phải đăng ký bổ sung tại cơ quan cấp giấy chứng nhận.
Trong trường
hợp tách, nhập thửa đất ở thì phải xin phép và được cơ quan có thẩm quyền cấp
giấy chứng nhận cho chủ mới nếu là tách thửa, hoặc xoá giấy chứng nhận của chủ
cũ nếu là nhập thửa.
Chương 4:
SỞ HỮU NHÀ Ở
VÀ THUÊ ĐẤT Ở CỦA CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI ĐỊNH CƯ Ở VIỆT NAM
Điều 18.- Cá nhân nước ngoài định cư ở Việt Nam được sở hữu một nhà ở cho bản
thân và các thành viên gia đình họ trên đất ở thuê của Nhà nước Việt Nam trong
thời gian định cư tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký
kết, tham gia hoặc thoả thuận với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế có
quy định khác.
Điều 19.- Cá nhân nước ngoài định cư ở Việt Nam được
cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nếu:
- Mua nhà ở của
các doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam chuyên kinh doanh nhà ở;
- Tự tạo lập
nhà ở theo giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Thừa kế nhà ở
theo pháp luật Việt Nam.
Việc mua nhà ở,
thuê đất ở, xây nhà ở, nhận thừa kế nhà ở phải tuân theo quy định của pháp luật
Việt Nam.
Điều 20.- Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng
đất ở thuê bao gồm:
1. Đơn xin cấp
giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuê;
2. Giấy tờ của
Nhà nước Việt Nam cho phép định cư ở Việt Nam;
3. Giấy phép
xây dựng, hoặc hợp đồng mua bán nhà ở đã được Công chứng Nhà nước chứng thực
hoặc giấy thừa kế hợp pháp;
4. Hợp đồng
thuê đất;
5. Trích lục
bản đồ thửa đất khuôn viên có nhà ở, tỷ lệ 1/200.
Hồ sơ được lập
bằng tiếng Việt và nộp tại Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh.
Giấy chứng nhận
quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuê do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh cấp.
Điều 21.- Chủ sở hữu nhà ở là cá nhân nước ngoài định cư ở Việt Nam có quyền
sử dụng, bán, tặng cho, để thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam
và có nghĩa vụ đăng ký sở hữu nhà ở tại Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh; nộp các khoản
thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật.
Điều 22.- Trong trường hợp người nước ngoài chấm dứt việc định cư ở Việt Nam
mà không thực hiện các quyền nói tại Điều 21 của Nghị định này thì sau 90 ngày,
kể từ ngày rời khỏi Việt Nam, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đương nhiên mất
giá trị và Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền quản lý và sử dụng theo quy định
của pháp luật Việt Nam.
Chương 5:
GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 23.- Các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do Toà
án nhân dân giải quyết.
Điều 24.- Người sử dụng nhà ở không phợp pháp, có hành vi vi phạm quyền của
người khác về sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc có hành vi khác vi phạm
pháp luật về nhà ở, đất ở, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người lợi dụng
chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác mà làm sai lệch các
số liệu đăng ký nhà đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử
dụng đất ở trái với pháp luật thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật
hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp gây
ra thiệt hại vật chất thì phải bồi thường.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 25.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 26.- Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng
cục Địa chính trong phạm vi chức năng quản lý ngành có trách nhiệm hướng dẫn,
kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
Chủ tịch Uỷ ban
Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân các
quận, huyện, thị xã và cơ quan quản lý nhà đất tổ chức thực hiện nghị định này.
Điều 27.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
và các chủ sở hữu nhà ở chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.