Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 04/2009/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội bảo hiểm thất nghiệp

Số hiệu: 04/2009/TT-BLĐTBXH Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Người ký: Nguyễn Thanh Hoà
Ngày ban hành: 22/01/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/2009/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 127/2008/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Căn cứ Nghị định 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp,
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (sau đây được viết tắt là Nghị định số 127/2008/NĐ-CP) như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:

Đối tượng và phạm vi áp dụng của Thông tư này là những đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP .

II. CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

1. Trợ cấp thất nghiệp:

1.1. Mức trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp do không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định thì sáu tháng liền kề để tính mức trợ cấp thất nghiệp là bình quân của sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Ví dụ:

Ông Nguyễn Văn Khang đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01.01.2009 đến ngày 14.01.2012 và có 2 tháng (tháng 10 và tháng 11 năm 2011) không đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; tháng 1.2012 bị chấm dứt hợp đồng lao động, các tháng liền kề trước khi thất nghiệp có mức tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Tháng 05.2011: 2.450.000 đồng;

Tháng 06.2011: 2.750.000 đồng;

Tháng 07.2011: 2.750.000 đồng;

Tháng 08.2011: 2.950.000 đồng;

Tháng 09.2011: 2.800.000 đồng;

Tháng 12.2011: 2.650.000 đồng;

Như vậy, nếu ông Nguyễn Văn Khang đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính như sau:

- Mức tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề là:

(2.450.000 đồng/tháng + 2.750.000 đồng + 2.750.000 đồng + 2.950.000 đồng + 2.800.000 đồng + 2.650.000 đồng): 6 = 2.725.000 đồng/tháng.

- Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng ông Nguyễn Văn Khang được nhận là:

2.725.000 đồng/tháng x 60% = 1.635.000 đồng/tháng.

1.2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và tổng thời gian tối đa được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được thực hiện như sau:

a) Ba (03) tháng, nếu có từ đủ mười hai (12) tháng đến dưới ba mươi sáu (36) tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Ví dụ:

Bà Phạm Thị Bé đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 13 tháng trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm thì thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng.

b) Sáu (6) tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu (36) tháng đến dưới bảy mươi hai (72) tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Ví dụ:

Ông Phạm Thanh Bình đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 71 tháng và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp ít nhất đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm thì thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là 6 tháng.

c) Chín (09) tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai (72) tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn (144) tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Ví dụ:

Ông Nguyễn Văn Hưng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 80 tháng và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp ít nhất đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 9 tháng.

d) Mười hai (12) tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn (144) tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.

Ví dụ:

Ông Trần Thanh Tùng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 145 tháng và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp ít nhất đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm thì thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là 12 tháng.

1.3. Tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không thông báo hằng tháng theo đúng quy định với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện) về việc tìm kiếm việc làm.

b) Bị tạm giam.

1.4. Trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

a) Người lao động vẫn trong khoảng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại điểm 1.2 của khoản này và tiếp tục thực hiện thông báo hằng tháng theo đúng quy định với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện về việc tìm kiếm việc làm.

b) Người lao động vẫn trong khoảng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại điểm 1.2 của khoản này sau thời gian bị tạm giam.

Thời gian người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp không được truy lĩnh hưởng trợ cấp thất nghiệp.

1.5. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại điểm 1.2 của khoản này.

b) Có việc làm.

c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự.

d) Hưởng lương hưu.

đ) Sau hai lần từ chối nhận việc làm do trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu mà không có lý do chính đáng.

e) Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, ba tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện.

g) Ra nước ngoài để định cư.

h) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo.

i) Bị chết.

1.6. Trường hợp người thất nghiệp hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại tiết b, c điểm 1.5 nêu trên được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị của tổng trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại.

1.7. Trợ cấp thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả.

2. Hỗ trợ học nghề:

2.1. Người lao động được hỗ trợ học nghề quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề được hỗ trợ học một nghề thực hiện thông qua các cơ sở dạy nghề. Không hỗ trợ bằng tiền để người lao động tự học nghề.

2.2. Mức hỗ trợ học nghề quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật về dạy nghề.

Trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật thì phần vượt quá mức chi phí học nghề ngắn hạn do người lao động chi trả.

2.3. Thời gian được hỗ trợ học nghề quy định tại khoản 3 Điều 17 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Trường hợp, người lao động đã hưởng hết số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 mục này mà vẫn tiếp tục học nghề thì vẫn được hỗ trợ học nghề cho đến khi kết thúc khóa học nghề.

Ví dụ:

Ông Hoàng Văn Tuấn được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 06 tháng và đến tháng thứ 4 hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Tuấn được học nghề với thời gian là 05 tháng thì 02 tháng học nghề sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp ông Tuấn vẫn được hỗ trợ học nghề.

2.4. Chi phí hỗ trợ học nghề do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả.

3. Hỗ trợ tìm việc làm:

3.1. Hỗ trợ tìm việc làm quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Việc hỗ trợ tìm việc làm phải phù hợp với trình độ đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người lao động.

3.2. Thời gian người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Thời gian được trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng và không quá tổng thời gian mà người lao động đó được hưởng trợ cấp theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 mục này.

3.3. Chi phí cho tư vấn, giới thiệu việc làm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả.

4. Chế độ bảo hiểm y tế:

Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

4.1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người thất nghiệp không được hưởng bảo hiểm y tế và phải trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

4.2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP.

1. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

1.1. Người sử dụng lao động có sử dụng từ mười (10) người lao động trở lên quy định tại Điều 3 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Số lao động được người sử dụng lao động sử dụng từ mười (10) người lao động trở lên, bao gồm: số lao động Việt Nam đang thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì số lao động được người sử dụng lao động sử dụng từ mười (10) người lao động trở lên bao gồm cả số cán bộ, công chức đang làm việc tại cơ quan.

Thời điểm tính số lao động hằng năm của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là ngày 01 tháng 01 theo dương lịch.

Trường hợp, thời điểm khác trong năm người sử dụng lao động sử dụng đủ số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định thì thời điểm tính số lao động của năm đó để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được tính vào ngày 01 của tháng tiếp theo, tính theo dương lịch.

1.2. Thời hạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Trong thời hạn ba mươi (30) ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho tổ chức bảo hiểm xã hội.

Thủ tục nộp và nhận hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn.

1.3. Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP gồm:

a. Tờ khai cá nhân của người lao động, bao gồm các nội dung: họ và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; số chứng minh thư nhân dân, ngày và nơi cấp; số và ngày tháng năm giao kết hợp đồng lao động, loại hợp đồng lao động, tiền lương hoặc tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp và các khoản phụ cấp phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, ngày có hiệu lực của hợp đồng lao động; số sổ bảo hiểm xã hội; thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; cam kết của người lao động; xác nhận của người sử dụng lao động. Các nội dung của tờ khai cá nhân nêu trên được ban hành cùng với mẫu Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội và giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

b. Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp do người sử dụng lao động lập, bao gồm các nội dung: họ và tên; số chứng minh thư nhân dân; số sổ bảo hiểm xã hội; loại hợp đồng lao động; tiền lương hoặc tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp và các khoản phụ cấp phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Các nội dung của Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nêu trên được ban hành cùng với mẫu Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

2. Đóng bảo hiểm thất nghiệp:

2.1. Phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trích 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với người sử dụng lao động đã sử dụng từ 10 lao động trở lên thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nếu các tháng trong năm có sử dụng ít hơn 10 lao động thì vẫn thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp.

2.2. Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 3 Điều 27 Nghị định 127 được hướng dẫn thực hiện như sau:

Người lao động có mức tiền lương, tiền công tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hiện nay là 540.000 đồng/tháng; tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 10.800.000 đồng/tháng). Khi mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ thay đổi theo quy định trên.

Ví dụ 1:

Ông Hoàng Văn Huy làm việc tại Công ty sản xuất linh kiện máy tính, tại thời điểm tháng 2/2009 có mức lương là 13.600.000 đồng/tháng. Trường hợp này, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông Hoàng Văn Huy là 10.800.000 đồng/tháng.

Ví dụ 2:

Ông Hoàng Văn Hòa làm việc ở doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động là 800 USD/tháng, tháng 3/2009 tiền lương thực nhận của ông Hoàng Văn Hòa là 13.600.000 đồng/tháng (tính theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 01 tháng 03 năm 2009 là 17.000 đồng/1 USD). Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông Hoàng Văn Hòa là 10.800.000 đồng.

2.3. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định.

2.4. Trình tự, thủ tục đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

3. Hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

3.1. Đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Trong thời hạn 7 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải trực tiếp đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đang làm việc để đăng ký.

Người lao động đăng ký thất nghiệp theo mẫu số 1 ban hành kèm theo thông tư này.

3.2. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

a. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu số 2 ban hành kèm theo thông tư này.

b. Bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật và xuất trình Sổ Bảo hiểm xã hội.

Người lao động bị thất nghiệp phải nộp đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.

3.3. Giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

a. Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn hai mươi ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm 3.2 khoản 3 mục III Thông tư này.

b. Đối với những trường hợp được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp:

- Trợ cấp thất nghiệp:

+ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện xác định mức, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.

+ Phòng được phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định hồ sơ và trình Giám đốc Sở xem xét, quyết định.

+ Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là bảo hiểm xã hội tỉnh) để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp; 01 bản gửi trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh để thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm; 01 bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện để theo dõi việc tìm kiếm việc làm của người thất nghiệp, xác định người thất nghiệp trong trường hợp tạm dừng hoặc chấm dứt hay tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét quyết định; 01 bản gửi người lao động để thực hiện. Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với các trường hợp được hưởng khoản trợ cấp một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thì người lao động có đơn xin hưởng khoản trợ cấp một lần theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện xác định mức hưởng trợ cấp một lần và gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định hồ sơ và trình Giám đốc Sở xem xét, quyết định; Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp; 01 bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện. Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần thực hiện theo mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trình tự, thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Tư vấn, giới thiệu việc làm:

Sau khi nhận được Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người thất nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người thất nghiệp trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Kinh phí cho hoạt động đăng ký, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Hỗ trợ học nghề:

+ Sau khi được tư vấn, giới thiệu việc làm mà vẫn chưa có việc làm người thất nghiệp có nhu cầu học nghề thì phải làm đơn theo mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện.

+ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện xác định nghề, mức hỗ trợ học nghề và nơi học nghề gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét quyết định.

+ Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm phối hợp với Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề thẩm định hồ sơ và trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định.

+ Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện chi trả dạy nghề cho cơ sở dạy nghề (bao gồm cả trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện việc dạy nghề cho người thất nghiệp); 01 bản gửi trung tâm giới thiệu việc làm để tiếp tục thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề; 01 bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để theo dõi việc tìm kiếm việc làm của người thất nghiệp; 01 bản gửi người lao động để thực hiện.

Quyết định hưởng hỗ trợ học nghề thực hiện theo mẫu số 7 ban hành kèm theo thông tư này.

Trình tự, thủ tục chi trả hỗ trợ học nghề theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

c. Đối với những trường hợp không được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do theo mẫu số 8 ban hành kèm theo thông tư này.

3.4. Trường hợp người lao động khi thất nghiệp có nhu cầu chuyển đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp do về di chuyển nơi cư trú của gia đình hoặc về nơi ở của gia đình thì phải làm đơn đề nghị theo mẫu số 9 ban hành kèm theo thông tư này và gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đang đóng bảo hiểm thất nghiệp để Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện giới thiệu hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo đề nghị của người lao động thực hiện theo mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện tiếp nhận chuyển đến để hưởng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo nêu tại tiết 3.3 của điểm này.

3.5. Thông báo hằng tháng về việc làm về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

Trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, vào ngày 15 hằng tháng (nếu rơi vào ngày nghỉ thì thông báo vào ngày làm việc tiếp theo), người thất nghiệp phải trực tiếp đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Tạm dừng hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp:

4.1. Các trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 127/2008/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:

a. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không trực tiếp thông báo hằng tháng với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm. Việc thông báo được thực hiện tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện theo mẫu số 11 ban hành kèm theo thông tư này; ngày thông báo hằng tháng do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp quy định.

b. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm giam, khi có thông báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4.2. Trình tự, thủ tục tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp báo cáo bằng văn bản cụ thể các trường hợp tạm dùng hưởng trợ cấp thất nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định và trình Giám đốc Sở xem xét, quyết định.

Thông báo tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; 01 bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; 01 bản gửi trung tâm giới thiệu việc làm; 01 bản gửi người lao động để thực hiện. Thông báo tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu số 12 ban hành kèm theo thông tư này.

4.3. Việc tiếp tục hưởng tiếp trợ cấp thất nghiệp hằng tháng: Người lao động thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người lao động đang tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp báo cáo bằng văn bản cụ thể các trường hợp được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định và trình Giám đốc Sở xem xét, quyết định.

Thông báo được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp; 01 bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; 01 bản gửi trung tâm giới thiệu việc làm; 01 bản gửi người lao động để thực hiện. Thông báo tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu số 13 ban hành kèm theo thông tư này.

5. Chấm dứt hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với các trường hợp quy định tại tiết d, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm thất nghiệp: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp báo cáo bằng văn bản cụ thể các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định và trình Giám đốc Sở xem xét, quyết định.

Quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp; 01 bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; 01 bản gửi trung tâm giới thiệu việc làm; 01 bản gửi người lao động để thực hiện. Quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu số 14 ban hành kèm theo thông tư này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

1.1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn thủ tục thu, chi bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

1.2. Tổ chức thu bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

1.3. Tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp, kinh phí hỗ trợ học nghề, kinh phí tư vấn, giới thiệu việc làm theo Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh và theo quy định của pháp luật.

1.4. Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; thu hồi thẻ bảo hiểm y tế đối với những người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

1.5. Dừng chi trả trợ cấp thất nghiệp, chi phí hỗ trợ dạy nghề, chi phí hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có thông báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.6. Định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 01 báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong năm nước.

2. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

2.1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

2.2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.

2.3. Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

2.4. Theo dõi, thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

2.5. Định kỳ hằng tháng trước ngày 05, sáu tháng trước ngày 15 tháng 7 và một năm trước ngày 15 tháng 01 báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn theo mẫu số 15 kèm theo thông tư này.

3. Trách nhiệm của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện:

3.1. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại thông tư này.

3.2. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ:

- Trước ngày 02 hằng tháng, báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn;

- Định kỳ sáu tháng trước ngày 05 tháng 7, hằng năm trước ngày 10 tháng 01 báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.

3.3. Thực hiện các biện pháp để hỗ trợ việc làm, học nghề đối với người lao động bị thất nghiệp trên địa bàn.

4. Trách nhiệm của trung tâm giới thiệu việc làm:

4.1. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

4.2. Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức dạy nghề; tổ chức dạy nghề phù hợp cho người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp;

4.3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ:

- Trước ngày 02 hằng tháng, báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người thất nghiệp trên địa bàn;

- Định kỳ sáu tháng trước ngày 10 tháng 7, hằng năm trước ngày 10 tháng 01 báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người thất nghiệp trên địa bàn.

5. Trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề:

Tổ chức thực hiện dạy nghề cho người thất nghiệp theo yêu cầu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

6. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

6.1. Phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở để tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện đúng các quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ, đúng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

6.2. Xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp.

6.3. Cung cấp các văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP , sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động để hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

6.4. Báo cáo tình hình thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

7. Trách nhiệm của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

7.1. Giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

7.2. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.

7.3. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

7.4. Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

8. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ LĐTBXH;
- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ LĐTBXH;
- Lưu VP BLĐTBXH, các đơn vị thuộc Bộ, Cục VL (30 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Hòa

MẪU SỐ 1

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

ĐĂNG KÝ THẤT NGHIỆP

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………

Tên tôi là: ………………………… sinh ngày …….. tháng …….. năm …………

Số CMND …………………………….. do …………………. cấp ngày ….. tháng …. năm ………

Số điện thoại liên lạc, số tài khoản cá nhân, mã số thuế, địa chỉ Email … (nếu có): …………………………………………………………

Hiện cư trú tại: …………………………………..

Số sổ bảo hiểm xã hội: …………………………

Tên doanh nghiệp, tổ chức chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc:

Địa chỉ:

Hiện nay, tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với (DN,TC) nêu trên từ ngày … tháng … năm 200…

Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: ………………. tháng.

Tôi đăng ký thất nghiệp để được thực hiện các chế độ theo quy định.

…….., ngày … tháng … năm ………..
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên)

MẪU SỐ 2

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………
Tỉnh, thành phố ………………………..

Tên tôi là: …………………………

Sinh ngày …….. tháng …….. năm …………

Số CMND …………………………….. do …………………. cấp ngày ….. tháng …. năm ………

Số điện thoại liên lạc, số tài khoản cá nhân, mã số thuế, địa chỉ Email … (nếu có): …………………………………………………………………………………………………………….

Hiện cư trú tại: …………………………………..

Số sổ Bảo hiểm xã hội: …………………………

Hiện nay, tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với …………………………..

Địa chỉ cơ quan ……………………………

Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: ……………. tháng.

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, đến nay tôi đã đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Kèm theo đơn này là (*) ……………………… và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội của tôi. Đề nghị Quý cơ quan xem xét, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho tôi.

…….., ngày … tháng … năm ………..
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên)

(*) ghi trường hợp của bản thân phù hợp với nội dung: Bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật.

MẪU SỐ 3

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

UBND tỉnh, TP ……………………

SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Số: ………../QĐ-LĐTBXH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

………., ngày … tháng … năm ….

QUYẾT ĐỊNH

Về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỈNH, THÀNH PHỐ ……………….

- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11; Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ; Thông tư số   /2008/TT-BLĐTBXH ngày  / / của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ về bảo hiểm thất nghiệp;

- Căn cứ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với ông (bà) ………….., có số sổ bảo hiểm xã hội ……… cấp ngày  / / do ………….. cấp;

- Theo đề nghị của Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện/quận, thị xã …………………… và trưởng phòng (việc làm; lao động – việc làm);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ông, bà …………………………….. Số sổ BHXH …………………………

Sinh ngày …… tháng ……. năm ………………….

Tổng số thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp: ……….. năm ……… tháng.

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng theo quy định của Ông, bà là ……………… đồng

- Được hưởng trợ cấp thất nghiệp là:

……………………. x ………… tháng(1) = …………………. đồng

(Số tiền bằng chữ: …………………………………………………………………………. đồng)

Nơi nhận trợ cấp: …………………………………………………………………………………..

Thời gian: ………. tháng, tính từ ngày  / /200 …

Điều 2. Các ông, bà Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ……; Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm và bảo hiểm y tế theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các ông, bà Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ….; Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và ông, bà có tên trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Lưu VP.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu)

MẪU SỐ 4

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP MỘT LẦN

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………
Tỉnh, thành phố ………………………..

Tên tôi là: ………………………… sinh ngày …….. tháng …….. năm …………

Số CMND …………………………….. do …………………. cấp ngày ….. tháng …. năm ………

Số điện thoại liên lạc (nếu có): ………………………………………………………………..

Hiện cư trú tại: …………………………………..

Số sổ Bảo hiểm xã hội: …………………………

Theo quyết định số: …/QĐ-LĐTBXH ngày  / /200... của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố …………, tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày … tháng … năm …. đến ngày ... tháng ... năm ... Hiện nay, tôi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tháng … năm ….., nhưng, vì (lý do để được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần …………………..), tôi làm đơn này đề nghị quý Phòng tạo điều kiện cho tôi được hưởng một lần khoản trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

…….., ngày … tháng … năm ………..
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên)

MẪU SỐ 5

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

UBND tỉnh, TP ……………………
SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../QĐ-LĐTBXH
V/v …………………………..

………., ngày … tháng … năm ….

QUYẾT ĐỊNH

Về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỈNH, THÀNH PHỐ ……………….

- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11; Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ; Thông tư số   /2008/TT-BLĐTBXH ngày  / / của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ về bảo hiểm thất nghiệp;

- Căn cứ đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần của ông (bà) ………….., có số sổ bảo hiểm xã hội ……… cấp ngày  / /  do ………….. cấp;

- Theo đề nghị của Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………………… và trưởng phòng (việc làm; lao động – việc làm);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ông, bà …………………………….. Số sổ BHXH …………………………

Sinh ngày …… tháng ……. năm ………………….

Tổng số thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp: ……… tháng.

Thời gian đã hưởng trợ cấp thất nghiệp: ………. tháng

- Được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần là:

……………………. x ………… tháng(1) = …………………. đồng

(Số tiền bằng chữ: …………………………………………………………………………. đồng)

Nơi nhận trợ cấp: …………………………………………………………………………………..

Điều 2. Ông, bà Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm chi trả trợ cấp thất nghiệp một lần theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các ông, bà Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ………….; Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và ông, bà có tên trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Lưu VP.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu)

MẪU SỐ 6

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỌC NGHỀ

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………
Tỉnh, thành phố ………………………..

Tên tôi là: ………………………… sinh ngày …….. tháng …….. năm …………

Số CMND …………………………….. do …………………. cấp ngày ….. tháng …. năm ………

Số điện thoại liên lạc (nếu có): ………………………………………………………………..

Hiện cư trú tại: …………………………………..

Số sổ Bảo hiểm xã hội: …………………………

Theo quyết định số: …/QĐ-LĐTBXH ngày  / /200... của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố …………, tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày … tháng … năm …. đến ngày … tháng … năm …………; tôi làm đơn này đề nghị các Cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho tôi được tham gia khóa đào tạo nghề:

- Nghề: …………………………………..; thời gian học nghề: …………………… tháng;

- Nơi học nghề: …………………………………….

Tôi xin chân thành cám ơn.

…….., ngày … tháng … năm ………..
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên)

MẪU SỐ 7

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

UBND tỉnh, TP ...................
SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../QĐ-LĐTBXH
V/v …………………………..

………., ngày … tháng … năm ….

QUYẾT ĐỊNH

Về việc hỗ trợ học nghề đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỈNH, THÀNH PHỐ ……………….

- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11; Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ; Thông tư số   /2008/TT-BLĐTBXH ngày  / / của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ về bảo hiểm thất nghiệp;

- Căn cứ nhu cầu và đề nghị học nghề của ông (bà) …………………, có số sổ bảo hiểm xã hội ………. Cấp ngày  / /  do …………………. cấp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Theo đề nghị của Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………………… và trưởng phòng (việc làm; lao động – việc làm);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ông, bà …………………………….. Số sổ BHXH …………………………

Sinh ngày …… tháng ……. năm ………………….

Được hỗ trợ học nghề: …………. tháng, kể từ ngày   / / 20 …. đến ngày  / / 20…;

Với mức kinh phí                      đồng/tháng; nghề được học: ……………………………;

Tại Cơ sở đào tạo nghề: ………………………………………………………………………………

Điều 2. Các ông, bà Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………..; Giám đốc cơ sở dạy nghề có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức dạy nghề, chi trả kinh phí dạy nghề theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các ông, bà Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ………….; giám đốc cơ sở dạy nghề và ông, bà có tên trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Lưu VP.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu)

MẪU SỐ 8

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN ……………………
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../TB
V/v …………………………..

………., ngày … tháng … năm ….

THÔNG BÁO

Kính gửi: Ông/bà ………………………………………..

Ngày ……tháng …….. năm ……….., Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhận được hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp của Ông/bà.

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Đơn vị công tác: .........................................................................................................

Căn cứ quy định của pháp luật về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xin thông báo cho Ông/bà được biết, trường hợp của Ông/bà không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, lý do:

1. .............................................................................................................................. ;

2. .............................................................................................................................. ;

...................................................................................................................................

Nay, thông báo cho Ông/bà được biết.

Nơi nhận:

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu, họ tên)

MẪU SỐ 9

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

………., ngày … tháng … năm ......

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHUYỂN NƠI HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………
tỉnh, thành phố ………………………..

Tên tôi là: ………………………… sinh ngày …….. tháng …….. năm …………

Số CMND …………………………….. do …………………. cấp ngày ….. tháng …. năm ………

Số điện thoại liên lạc (nếu có): ………………………………………………………………..

Hiện cư trú tại: …………………………………..

Số sổ Bảo hiểm xã hội: …………………………

Hiện nay, Tôi thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, nhưng vì lý do …………………………………………………. tôi xin đề nghị quý Phòng chuyển để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho tôi về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện ……….. tỉnh, thành phố ………………….

Tôi xin chân thành cám ơn.

…….., ngày … tháng … năm ………..
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên)

MẪU SỐ 10

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN ……………………
PHÒNG LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../GT

………., ngày … tháng … năm ….

GIẤY GIỚI THIỆU

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ………..
tỉnh, thành phố ……………………..

Ông (bà): …………………………………..

số sổ BHXH:

Số chứng minh thư nhân dân:                   cấp ngày:  / / /

Nơi cấp:

Theo đề nghị của ông/bà nêu trên tại đơn đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đề ngày  / / 200 …

Nay đề nghị quý Phòng tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho ông, bà có tên nêu trên theo quy định hiện hành.

(kèm theo hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các giấy tờ có liên quan)

Xin trân trọng cám ơn.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VP.

TRƯỞNG PHÒNG
(Ký, đóng dấu, họ tên)

MẪU SỐ 11

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

THÔNG BÁO VỀ VIỆC TÌM VIỆC LÀM

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………

tỉnh, thành phố ………………………..

Tên tôi là: ………………………… sinh ngày …….. tháng …….. năm …………

Số CMND …………………………….. do …………………. cấp ngày ….. tháng …. năm ………

Số điện thoại liên lạc (nếu có): ………………………………………………………………..

Hiện cư trú tại: ………………………………………………………………………………….

Số sổ BHXH: ……………………………………………………………………………………

Theo quyết định số ………………………………………………………………. tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày … tháng … năm.... đến    ngày … tháng … năm.... tại    tỉnh, thành phố ……………….

Hôm nay, ngày … tháng … năm ………., tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………….. tôi xin thông báo thời gian qua tôi đã tích cực tìm việc làm (nêu cụ thể tìm việc gì, ở đâu, cơ quan nào giới thiệu, thời gian …) nhưng hiện nay tôi vẫn chưa có việc làm, đề nghị quý cơ quan xem xét, giải quyết cho tôi được tiếp tục hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Tôi xin trân trọng cám ơn.

…….., ngày … tháng … năm ………..
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên)

MẪU SỐ 12

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN ……………………
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../TB
V/v tạm dừng hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

………., ngày … tháng … năm ….

THÔNG BÁO

Kính gửi: Ông/bà ………………………………………..

Căn cứ quy định của pháp luật về điều kiện dừng hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xin thông báo cho Ông/bà được biết, trường hợp của Ông/bà bị tạm dừng hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ tháng … năm ……….., lý do:

1. .............................................................................................................................. ;

2. .............................................................................................................................. ;

...................................................................................................................................

Nay, thông báo cho Ông/bà được biết.

Nơi nhận:

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu, họ tên)

MẪU SỐ 13

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN ……………………
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../TB
V/v tiếp tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

………., ngày … tháng … năm ….

THÔNG BÁO

Kính gửi: Ông/bà ………………………………………..

Căn cứ quy định của pháp luật về điều kiện tiếp tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xin thông báo cho Ông/bà được biết, trường hợp của Ông/bà được tiếp tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp từ tháng … năm ……….., lý do:

1. .............................................................................................................................. ;

2. .............................................................................................................................. ;

...................................................................................................................................

Nay, thông báo cho Ông/bà được biết.

Nơi nhận:

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu, họ tên)

MẪU SỐ 14

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

UBND tỉnh, TP ……………………
SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../QĐ-LĐTBXH

………., ngày … tháng … năm ….

QUYẾT ĐỊNH

Về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỈNH, THÀNH PHỐ ……………….

- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11; Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ; Thông tư số   /2008/TT-BLĐTBXH ngày  / / của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ về bảo hiểm thất nghiệp;

- Theo đề nghị của Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …………………… và trưởng phòng (việc làm; lao động – việc làm);

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ông, bà …………………………….. Số sổ BHXH …………………………

Sinh ngày …… tháng ……. năm ………………….

Tổng số thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp: ………. tháng.

Thời gian đã hưởng trợ cấp thất nghiệp: ……. tháng, nay chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với Ông/bà ………., lý do:

1. .............................................................................................................................. ;

2. .............................................................................................................................. ;

...................................................................................................................................

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ………….; Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và ông, bà có tên trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Lưu VP.

GIÁM ĐỐC
(Ký, đóng dấu)


MẪU SỐ 15

Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

UBND tỉnh, TP ……………………
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố ………………………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ………../BC-SLĐTBXH

………., ngày … tháng … năm ….

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

(Sáu tháng hoặc một năm)

Số TT

Địa bàn (theo quận, huyện)

Số doanh nghiệp tham gia BHTN

Số người lao động tham gia BHTN

Số người thất nghiệp

Số người được hưởng trợ cấp

Mức hưởng trợ cấp

Tổng số tiền hưởng

Tư vấn giới thiệu việc làm

Kinh phí cho tư vấn

Số lượng người được đào tạo nghề

Kinh phí đào tạo nghề

3 tháng

6 tháng

9 tháng

12 tháng

Số lượng người được tư vấn

Số người được tư vấn

Tổng số

GIÁM ĐỐC
(ký tên, đóng dấu)

THE MINISTRY OF LABOR, WAR INVALIDS AND SOCIAL AFFAIRS
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

No. 04/2009/TT-BLDTBXH

Hanoi, January 22, 2009

 

CIRCULAR

GUIDING A NUMBER OF ARTICLES OF THE GOVERNMENT'S DECREE NO. 127/2008/ND-CP OF DECEMBER 12, 2008, DETAILING AND GUIDING A NUMBER OF ARTICLES OF THE SOCIAL INSURANCE LAW CONCERNING UNEMPLOYMENT INSURANCE

Pursuant to the Government's Decree No. 186/2007/ND-CP of December 25, 2007, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs;
Pursuant to the Government's Decree No. 127/2008/ND-CP of December 12, 2008, detailing and guiding a number of articles of the Social Insurance Law concerning unemployment insurance,
The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs guides a number of articles of the Government's Decree No. 127/2008/ND-CP of December 12, 2008, detailing and guiding a number of articles of the Social Insurance Law concerning unemployment insurance (below referred to as Decree No. 127/2008/ND-CP), as follows:

I. SUBJECTS AND SCOPE OF APPLICATION

The subjects and scope of application of this Circular are those defined in Articles 1,2 and 3 of Decree No. 127/2008/ND-CP.

II. UNEMPLOYMENT INSURANCE REGIMES

1. Unemployment allowance:

1.1. The unemployment allowance level under Clause 2, Article 16of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When a laborer did not pay unemployment insurance premiums for some time in the last months before he/she becomes unemployed because of his/her ineligibility for unemployment insurance premium payment according to regulations, the average monthly salary or remuneration of six consecutive months as a basis for calculating the unemployment allowance level is the average monthly salary or remuneration of six months during which the laborer has paid unemployment insurance premiums before he/she loses a job or terminates a labor contract under the labor law or a working contract under the law on cadres and public employees.

For example:

Nguyen Van Khang pays unemployment insurance premiums from January 1, 2009, to January 14, 2012, except October and November 2011 under regulations. He terminates his labor contract in January 2012; his salaries of the consecutive months before his unemployment, on which unemployment insurance premiums are based, are as follows:

 

May 2011:

VND 2.450, 000

June 2011:

VND 2,750,000

July 2011:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



August 2011:

VND 2,950, 000

September 2011:

VND 2.800,000

December 2011:

VND 2.650,000

If Khang is eligible for unemployment allowance, his monthly unemployment allowance is calculated as follows:

- The average salary of six consecutive months is:

(VND 2,450,000 + VND 2,750,000 + VND 2,750,000 + VND 2,950,000 + VND 2,800,000 + VND 2,650,000): 6 = VND 2,725,000/month.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



VND 2,725,000/month x 60% = VND 1,635,000/month.

1.2. The period of enjoying unemployment allowance under Clause 3, Article 16 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

The period of enjoying monthly unemployment allowance depends on a laborer's working time during which unemployment insurance premiums have been paid, and the maximum period is guided as follows:

a/ Three (03) months, if the laborer has paid unemployment insurance premiums for between full twelve (12) months and less than thirty-six (36) months.

For example: Pham Thi Be has paid unemployment insurance premiums for 13 months within 24 months before she loses her job, she may receive unemployment allowance for three months at most.

b/ Six (06) months, if the laborer has paid unemployment insurance premiums for between full thirty-six (36) months and less than seventy-two (72) months.

For example: Pham Thanh Binh has paid unemployment insurance premiums for a total 71 months, including at least full 12 months within 24 months before he loses his job, he may receive unemployment allowance for 6 months at most.

c/ Nine (09) months, if the laborer has paid unemployment insurance premiums for between full seventy-two (72) months and less than one hundred and forty-four (144) months.

For example: Nguyen Van Hung has paid unemployment insurance premiums for a total 80 months, including at least full 12 months within 24 months before he loses his job, he may receive unemployment allowance for 9 months at most.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For example: Tran Thanh Tung has paid unemployment insurance premiums for a total 145 months, including at least full 12 months within 24 months before he loses his job, he may receive unemployment allowance for 12 months at most.

1.3. Suspension from unemployment allowance under Clause 1, Article 22 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

A laborer on monthly unemployment allowance is suspended from receiving such allowance in one of the following cases:

a/ Failing to monthly report on his/her job seeking to the Labor, War Invalids and Social Affairs Section of a district, town or provincial city (below referred to as district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section) according to regulations.

b/ Being put in detention.

1.4. Resumption of suspended monthly unemployment allowance under Clause 2. Article 22 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

a/ The period of enjoying unemployment allowance under Point 1.2 of this Clause has not yet expired and the laborer resumes his/her monthly reporting on job seeking to a district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section according to regulations.

b/ The period of enjoying unemployment allowance under Point 1.2 of this Clause has not yet expired after the laborer is released from detention.

A laborer subject to employment allowance resumption will not be refunded employment allowance for the suspension period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A person on unemployment allowance is no longer entitled to such allowance in one of the following cases:

a/ The unemployment allowance enjoyment period under Point 1.2 of this Clause expires.

b/ He/she gets a job.

c/ He is on military service.

d/ He/she enjoys pension.

dd/ He/she refuses two jobs recommended by job centers without plausible reasons.

e/ He/she fails to monthly report on his/her job seeking to a district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section for three consecutive months.

g/ He/she settles overseas.

h/ He/she serves a decision on application of administrative sanctioning measure at a reformatory, educational institution or healthcare establishment or is imprisoned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.6. A person subject to unemployment allowance termination under Items b and c of Point 1.5 above may receive a lump-sum allowance equal to the value of the total unemployment allowance of the remaining period of unemployment allowance enjoyment.

1.7. Vietnam Social Insurance shall pay unemployment allowances.

2. Vocational training support:

2.1. Vocational training support for laborers under Clause 1, Article 17 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

A laborer on unemployment allowance may, at his/her wish, be supported to learn a trade at a vocational training institution, but may not receive money to learn the trade on his/her own.

2.2. The vocational training support level under Clause 2. Article 17of Decree No. 127/2008/ND-
CP is guided as follows:

The vocational training support level for a laborer on unemployment allowance is equal to the cost for short-term vocational training under the law on vocational training.

A laborer on unemployment allowance who wishes to learn a trade at a cost higher than the prescribed cost for short-term vocational training shall cover the amount exceeding the prescribed cost.

2.3. The vocational training support period under Clause 3, Article 17 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For example:

Hoang Van Tuan, who is entitled to unemployment allowance for 6 months and receives support in the 4th month of the unemployment allowance enjoyment period to attend a vocational training course for 5 months, may still be supported to complete this course in the two months after he ceases to receive unemployment allowance.

2.4. Vietnam Social Insurance shall cover vocational training support expenses.

3. Job seeking support:

3.1. Job seeking support under Clause I .Article 18 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

A laborer on unemployment allowance may receive free job counseling and recommendation from a job center under the Labor, War Invalids and Social Affairs Service of the province or city where he/she registers to enjoy unemployment insurance. A laborer must be supported to find a job suitable to his/her qualification and work experience.

3.2. The period for laborers to receive job counseling and recommendation under Clause 2, Article 18 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

The period for a laborer to receive job counseling and recommendation from a job center under a provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service is counted from the date the laborer starts to enjoy monthly unemployment allowance and must not exceed his/her unemployment allowance enjoyment period under Point 1.2, Clause 1 of this Section.

3.3. Vietnam Social Insurance shall cover job counseling and recommendation expenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Unemployed people's entitlement to health insurance under Clause 2, Article 19 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

4.1. A person on monthly unemployment allowance is entitled to the health insurance regime under the health insurance law. When his/her unemployment allowance enjoyment period expires, an unemployed person is no longer entitled to health insurance and shall return the health insurance card to a social insurance body under the guidance of Vietnam Social Insurance.

4.2. Vietnam Social Insurance shall pay health insurance premiums for people on unemployment allowance.

III. ORDER OF AND PROCEDURES FOR UNEMPLOYMENT INSURANCE

1. Participation in unemployment insurance:

1.1. Employers employing ten (10) or more laborers under Article 3 of Decree No. 127/2008/ND-CP are guided as follows:

Ten (10) or more laborers employed by an employer include Vietnamese laborers working under labor contracts or working contracts of an indefinite term; labor contracts or working contracts of a definite term of between full 12 months and 36 months; labor contracts or seasonal or job-based working contracts of a term of full 3 months or more. For a state management agency, ten (10) or more laborers employed by the employer include cadres and public employees currently working at the agency.

The time for counting the annual number of laborers of enterprises, agencies and organizations for participation in unemployment insurance is January 1 of a calendar year.

When at another point of time in a year an employer employs an adequate number of laborers eligible for unemployment insurance participation according to regulations, the time for counting laborers for unemployment insurance participation of such enterprise, agency or organization for that year is the 1st of the following month of a calendar year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within thirty (30) working days from the date of entering a labor or working contract, an employer shall submit unemployment insurance dossiers to a social insurance body.

Vietnam Social Insurance shall guide the procedures for submitting and receiving unemployment insurance dossiers.

1.3 The unemployment insurance dossier under Article 36 of Decree No. 127/2008/ND-CP comprises:

a/ Personal declarations by laborers, covering the following details: full name; sex; birth date; ethnic group; nationality, place of residence; identity card number and date and place of issue; number and date of labor contract, type of labor contract, wage or remuneration and allowances on which unemployment insurance premiums are based according to regulations, effective date of labor contract; social insurance book number; unemployment insurance participation period without enjoying unemployment insurance yet; laborer's commitment; and certification of employer. Vietnam Social Insurance shall issue the social insurance declaration form, which contains the above details.

b/ An unemployment insurance buyer list made by the employer, covering the following contents: full name; identity card number; social insurance book number; type of labor contract; and wage or remuneration and allowances on which unemployment insurance premiums are based according to regulations. Vietnam Social Insurance shall issue the form of unemployment insurance buyer list, which contains the above details.

2. Unemployment insurance premiums payment:

2.1. The mode of unemployment insurance premium payment under Clause 1, Article 26 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

Monthly, an employer shall pay unemployment insurance premiums at the level equal to 1% of the fund of unemployment insurance buyers' salaries and remunerations on which unemployment insurance premiums are based, and deduct 1% of every laborer's salary and remuneration for concurrent payment to the unemployment insurance fund.

An employer who has employed 10 or more laborers subject to unemployment insurance premium payment shall pay unemployment insurance premiums for laborers currently participating in unemployment insurance even when it employs less than 10 laborers during the year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The level of salary or remuneration on which unemployment insurance premiums are based for a laborer having a salary or remuneration higher than twenty months' common minimum salary is equal to twenty months' common minimum salary (which is currently VND 54().(K)()/month; the salary or remuneration on which unemployment insurance premiums are based will be maximum VND 10.800.000/month). When the common minimum salary is adjusted, the salary or remuneration on which unemployment insurance premiums are based shall be adjusted according to the above principle.

Example 1:

Hoang Van Huy works for a computer component company and in February 2009 earns a monthly salary of VND 13,600,000. His monthly salary on which unemployment insurance premiums are based is VND 10,800,000.

Example 2:

Hoang Van Hoa works for a wholly foreign-owned company and his salary under the labor contract is USD 800/month. In March 2009, the actual salary he receives is VND 13,600,000/month (calculated according to the average inter-bank foreign exchange rate of VND 17,000/USD 1 announced by the State Bank of Vietnam on March 1. 2009). Hoa's monthly salary on which unemployment insurance premiums are based is VND 10,800,000.

2.3. Vietnam Social Insurance shall prescribe the time for employers to pay unemployment insurance premiums under Clause 2, Article 26 of Decree No. 127/2008/ND-CP.

2.4. The order of and procedures for paying unemployment insurance premiums comply with Vietnam Social Insurance's guidance.

3. Enjoyment of unemployment insurance:

3.1. Registration under Clause 1. Article 34 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A laborer shall make unemployment registration according to Form No. 1 attached to this Circular (not printed herein).

3.2. Dossiers of request for unemployment insurance indemnities under Article 37 of Decree No. 127/2008/ND-CP are guided as follows:

a/ A written request for unemployment insurance indemnities, made according to Form No. 2 attached to this Circular {not printed herein)

b/ A copy of the expired labor or working contract or the agreement on termination of the labor or working contract or the last employer's certification of the lawful unilateral termination of the labor or working contract, and the social insurance book.

An unemployed person shall submit a full dossier of request for unemployment insurance indemnities within 15 days from the date of unemployment registration.

3.3. Settlement of unemployment insurance indemnification under Clause 2. Article 38 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

a/ Time limit for settlement: within 20 working days from the date of receiving a full dossier under Point 3.2, Clause 3. Section III of this Circular.

b/ For cases eligible for enjoying unemployment insurance regimes:

- Unemployment allowance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Employment state management sections under provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Services shall appraise dossiers and submit them to provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service directors for consideration and decision.

+ One copy of the decision of a Labor. War Invalids and Social Affairs Service director shall be sent to Social Insurance of a province or centrally run city (below referred to as provincial-level Social Insurance) for unemployment allowance payment; one copy, to the job center under the provincial-level Labor. War Invalids and Social Affairs Service for job counseling and recommendation; and one copy, to the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section for monitoring the laborer's job seeking and for determining cases of suspension from, or termination or resumption of, unemployment allowance enjoyment, and submitting them to the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service director for consideration and decision; and one copy, to the laborer for compliance. Decisions on enjoyment of unemployment allowance are made according to Form No. 3 attached to this Circular (not printed herein).

If eligible for lump-sum allowance under Clause 2, Article 23 of Decree No. 127/2008/ND-CP, a laborer shall make a request according to Form No. 4 attached to this Circular (not printed herein); the district-level Labor. War Invalids and Social Affairs Section shall determine the lump sum allowance level and submit it to the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service; the employment state management section under the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service shall appraise the dossier and submit it to the Labor. War Invalids and Social Affairs Service director for consideration and decision; one copy of the decision of the Labor, War Invalids and Social Affairs Service director shall be sent to provincial-level Social Insurance for unemployment allowance payment; and one copy, to the district-level Labor. War Invalids and Social Affairs Section. Decisions on enjoyment of lump sum unemployment allowance are made according to Form No. 5 attached to this Circular (not printed herein).

The order of and procedures for unemployment allowance payment comply with Vietnam Social Insurance's specific guidance.

- Job counseling and recommendation:

After receiving a Labor, War Invalids and Social Affairs Service director's decision on a laborer's unemployment allowance enjoyment, a job center shall provide free job counseling and recommendation for the laborer. Expenses for unemployment registration and job counseling and recommendation for laborers on unemployment allowance comply with the Ministry of Finance's guidance.

- Vocational training support:

+ When a laborer fails to find a job after receiving job counseling and recommendation and wishes to attend a vocational training course, he/ she shall make a request according to Form No. 6 attached to this Circular (not printed herein) and submit it to the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section.

+ The district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section shall identify the to-be-trained trade and determine the support level and training place and submit them to the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service for consideration and decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ One copy of the decision of the Labor, War Invalids and Social Affairs Service director shall be sent to provincial-level Social Insurance for payment of vocational training expenses to the vocational training institution (including job centers which provide vocational training for unemployed people); one copy, to the job center for post-training job counseling and recommendation; one copy, to the district-level Labor. War Invalids and Social Affairs Section for monitoring the laborer's job seeking; and one copy, to the laborer for compliance.

Decisions on enjoyment of vocational training support are made according to Form No. 7 attached to this Circular (not printed herein).

The order of and procedures for payment of vocational training support expenses comply with Vietnam Social Insurance's regulations.

c/ For cases ineligible for unemployment insurance regimes, district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Sections shall issue a reply, made according to Form No. 8 attached to this Circular (not printed herein), clearly stating the reason.

3.4. When an unemployed laborer changes his/ her place of residence to, or moves to his/her family's place of residence in, another province or centrally run city and wishes to receive unemployment insurance indemnities in this province or city, he/she shall make a request according to Form No. 9 attached to this Circular (not printed herein) and submit it to the district level Labor, War Invalids and Social Affairs Section of the place where he/she is paying unemployment insurance premiums. This Labor, War Invalids and Social Affairs Section shall, at the laborers request, make a recommendation on enjoyment of unemployment insurance regimes according to Form No. 10 attached to this Circular (not printed herein) to the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section of the place where the laborer moves to, which shall settle unemployment insurance indemnification according to Item 3.3 of this Point.

3.5. Monthly reporting on job seeking under Clause 2, Article 34 of Decree No. 127/2008/ND-CP is guided as follows:

While on unemployment allowance, on the 15lh every month (or the following working day if the 15th falls on a holiday), an unemployed laborer shall make a report on his/her job seeking according to Form No. 11 attached to this Circular (not printed herein) directly at the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section of the place where he/she is enjoying unemployment allowance.

4. Suspension from unemployment allowance

4.1. Cases of suspension from unemployment allowance under Clause 1, Article 22 of Decree No. 127/2008/ND-CP are guided as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Laborers on unemployment allowance are put in detention as notified by provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Services.

4.2. Order of and procedures for unemployment allowance suspension

When a laborer falls into the case of suspension from unemployment allowance, the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section of the place where such laborer is receiving unemployment allowance shall submit a report thereon to the provincial-level Labor. War Invalids and Social Affairs Service; the employment state management section under the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service shall appraise the case and submit it to die Labor. War Invalids and Social Affairs Service director for consideration and decision.

One copy of the decision on unemployment allowance suspension of the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service director shall be sent to provincial-level Social Insurance for compliance; one copy, to the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section; one copy, to the job center; and one copy, to the laborer for compliance. Decisions on unemployment allowance suspension are made according to Form No. 12 attached to this Circular (not printed herein).

4.3. Resumption of monthly unemployment allowance: The district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section of the place where a laborer is suspended from receiving unemployment allowance shall submit to the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service a report on resumption of unemployment allowance for the laborer when he/she falls into the cases specified in Clause 2. Article 22 of Decree No. 127/2008/ND-CP; the employment state management sections under the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service shall appraise the case and submit it to the Labor. War Invalids and Social Affairs Service director for consideration and decision.

One copy of the decision on unemployment allowance resumption of the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service director shall be sent to provincial-level Social Insurance for compliance; one copy, to the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section; one copy, to the job center; and one copy, to the laborer for compliance. Decisions on resumption of unemployment allowance are made according to Form No. 13 attached to this Circular (not printed herein).

5. Termination of unemployment allowance Cases specified in Items d, e, f, g, h and i, Clause 1, Article 87 of the Unemployment Insurance Law are subject to termination of unemployment allowance: A district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section of the place where laborers are enjoying unemployment allowance shall submit a report on cases subject to termination of unemployment allowance to a provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service; the employment state management section of the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service shall appraise the cases and submit them to the Service director for consideration and decision.

One copy of the decision on unemployment allowance termination of the provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service director shall be sent to provincial-level Social Insurance for compliance; one copy, to the district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Section; one copy, to the job center; and one copy, to the laborer for compliance. Decisions on unemployment allowance termination are made according to Form No. 14 attached to this Circular (not printed herein).

IV. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies in, disseminating and popularizing unemployment insurance regimes, policies and laws; to guide procedures for collecting unemployment insurance premiums from and paying unemployment insurance indemnities to laborers and employers being unemployment insurance buyers.

1.2. To collect unemployment insurance premiums under law.

1.3. To pay unemployment allowance, expenses for vocational training support and job counseling and recommendation under law and decisions of provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Service directors.

1.4. To pay health insurance premiums for people on unemployment allowance; to withdraw health insurance cards of those no longer on unemployment allowance.

1.5. To stop paying unemployment allowance, expenses for vocational training support and job counseling and recommendation and health insurance premiums to people on unemployment allowance according to notices of provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Services.

1.6. Prior to January 15 every year, to report to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs on the previous year's incomes, expenditures, management and use of the unemployment insurance fund.

2. Responsibilities of provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Services:

2.1. To assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies in, disseminating and popularizing unemployment insurance regimes, policies and laws.

2.2. To direct attached units, district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Sections, job centers and vocational training institutions in implementing unemployment insurance policies in their localities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.4. To monitor, inspect and examine the implementation of the unemployment insurance law.

2.5. Prior to the 5th every month, the 15th every July and the 15th every January, to report to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs on the monthly, biannual and annual implementation of unemployment insurance policies in their localities according to Form No. 15 attached to this Circular (not printed herein).

3. Responsibilities of district-level Labor, War Invalids and Social Affairs Sections:

3.1. To receive dossiers of request for unemployment insurance enjoyment, consider and settle unemployment insurance regimes in accordance with this Circular.

3.2. To report on the monthly, biannual and annual implementation of unemployment insurance policies in their localities to provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Services:

- Prior to the 2nd every month; and

- Prior to the 5th every July and the 10th every January.

3.3. To take measures to support local unemployed laborers in job seeking and vocational training.

4. Responsibilities of job centers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.2. To provide job counseling and recommendation for people on unemployment insurance; to provide vocational training suitable to people on unemployment insurance.

4.3. To report to provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Services on the monthly, biannual and annual situation of job counseling and recommendation and vocational training for local unemployed people:

- Prior to the 2nd every month; and

- Prior to the 10th every July and the 10th every January.

5. Responsibilities of vocational training institutions:

To organize vocational training for unemployed people at the request of provincial-level Labor, War Invalids and Social Affairs Services.

6. Responsibilities of employers:

6.1. To collaborate with grassroots trade unions in disseminating and popularizing unemployment insurance policies, and strictly observe unemployment insurance regulations; to pay unemployment insurance premiums fully and in accordance with the unemployment insurance law.

6.2. To present relevant documents and dossiers and supply relevant information at the request of competent state agencies upon unemployment insurance examination or inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6.4. To report on their payment of unemployment insurance premiums to Labor, War Invalids and Social Affairs Services of provinces or centrally run cities where they register for unemployment insurance participation according to regulations.

7. Responsibilities of the Employment Department under the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs:

7.1. To assist the Minister in performing the state management of unemployment insurance under law.

7.2. To direct, guide and examine the implementation of unemployment insurance regulations of the State and the Ministry of Labor. War Invalids and Social Affairs.

7.3. To disseminate, popularize and train in the unemployment insurance law.

7.4. To review and report according to regulations on the implementation of unemployment insurance policies and laws.

8. This Circular takes effect on January 1, 2009.

In the course of implementation, any arising problems should be reported to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs for study and settlement.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 hướng dẫn Nghị định 127/2008/NĐ-CP hướng dẫn một số điều Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


26.063

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.109.30
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!