Có bao nhiêu loại xã, đô thị, vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất? Việc xác định vị trí đất được thực hiện như thế nào?
- Có những loại xã nào trong xây dựng bảng giá đất? Việc xác định loại xã trong xây dựng bảng giá đất được thực hiện như thế nào?
- Đô thị trong xây dựng bảng giá đất được phân thành mấy loại? Xác định loại đô thị trong xây dựng bảng giá đất ra sao?
- Thực hiện xác định vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất như thế nào?
Có những loại xã nào trong xây dựng bảng giá đất? Việc xác định loại xã trong xây dựng bảng giá đất được thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT có quy định về việc xác định loại xã trong xây dựng bảng giá đất như sau:
Xác định loại xã trong xây dựng bảng giá đất
1. Việc xác định loại xã trong xây dựng bảng giá đất đối với đất nông nghiệp; đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn được thực hiện theo 3 loại xã: đồng bằng, trung du, miền núi; mỗi loại xã có các đặc điểm cơ bản sau đây:
a) Xã đồng bằng là xã có địa hình thấp, tương đối bằng phẳng và có độ cao ngang với mặt nước biển; mật độ dân số đông, kết cấu hạ tầng và điều kiện sản xuất lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn trung du, miền núi;
b) Xã trung du là xã có địa hình cao vừa phải (thấp hơn miền núi, cao hơn đồng bằng), bao gồm đại bộ phận diện tích là đồi; mật độ dân số thấp hơn đồng bằng, cao hơn miền núi, kết cấu hạ tầng và điều kiện sản xuất lưu thông hàng hóa kém thuận lợi hơn so với đồng bằng nhưng thuận lợi hơn miền núi;
c) Xã miền núi là xã có địa hình cao hơn xã trung du, bao gồm đại bộ phận diện tích là núi cao, địa hình phức tạp; mật độ dân số thấp, kết cấu hạ tầng và điều kiện sản xuất lưu thông hàng hóa kém thuận lợi hơn trung du.
Xã miền núi được xác định theo các đặc điểm quy định tại Điểm này và hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
Như vậy, đối với đất nông nghiệp; đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn việc xác định loại xã trong xây dựng bảng giá đất được thực hiện như sau:
- Xã đồng bằng;
- Xã trung du;
- Xã miền núi.
Có bao nhiêu loại xã, đô thị, vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất? Việc xác định vị trí đất được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Đô thị trong xây dựng bảng giá đất được phân thành mấy loại? Xác định loại đô thị trong xây dựng bảng giá đất ra sao?
Căn cứ quy định về việc xác định loại đô thị trong xây dựng bảng giá đất tại Điều 13 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT như sau:
Xác định loại đô thị trong xây dựng bảng giá đất
Việc xác định loại đô thị trong xây dựng bảng giá đất đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng và đất phi nông nghiệp khác tại đô thị được thực hiện theo quy định sau:
1. Đô thị bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và xếp loại đô thị;
2. Đô thị được phân thành 6 loại bao gồm: đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV, đô thị loại V theo quy định của pháp luật. Đối với thị trấn chưa được xếp loại đô thị thì xếp vào đô thị loại V;
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quyết định thành lập và xếp loại đô thị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với các đô thị thuộc địa bàn tỉnh để áp dụng khung giá đất cho phù hợp.
Như vậy, theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT nêu trên thì đô thị trong xây dựng bảng giá đất được phân thành 6 loại bao gồm:
- Đô thị loại đặc biệt
- Đô thị loại 1
- Đô thị loại 2
- Đô thị loại 3
- Đô thị loại 4
- Đô thị loại 5
(Đối với thị trấn chưa được xếp loại đô thị thì xếp vào đô thị loại 5).
Thực hiện xác định vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất như thế nào?
Căn cứ Điều 15 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT có quy định như sau;
Xác định vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất
1. Đối với đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa nước và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối thì việc xác định vị trí đất theo từng đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện căn cứ vào năng suất cây trồng, điều kiện kết cấu hạ tầng, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác (đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm); căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác, khoảng cách từ nơi cư trú của cộng đồng người sử dụng đất đến nơi sản xuất, khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm (đối với đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối) và thực hiện theo quy định sau:
a) Vị trí 1: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện thuận lợi nhất;
b) Các vị trí tiếp theo: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.
2. Đối với đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn thì việc xác định vị trí đất theo từng đường, đoạn đường hoặc khu vực căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực và thực hiện theo quy định sau:
- Vị trí 1: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện thuận lợi nhất;
- Các vị trí tiếp theo: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.
3. Đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị thì việc xác định vị trí đất theo từng đường, phố; đoạn đường, đoạn phố căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực và thực hiện theo quy định sau:
a) Vị trí 1: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện thuận lợi nhất;
b) Các vị trí tiếp theo: là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, giá đất thị trường và tình hình thực tế tại địa phương quy định tiêu chí cụ thể để xác định vị trí đối với từng loại đất; số lượng vị trí đất và mức giá của từng vị trí đất phù hợp với khung giá đất.
Như vậy, theo quy định trên thì việc xác định vị trí đất được thực hiện theo từng loại đất khác nhau như:
- Đất trồng cây hàng năm;
- Đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
- Đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ căn cứ tùy từng trường hợp và vị trí thực tế để xác định vị trí đất trong xây dựng bảng giá đất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hóa đơn điện tử được lập mà số hóa đơn có sai sót thì người bán có được hủy hoặc thay thế không?
- Hiến tạng có yêu cầu đủ bao nhiêu tuổi không? Hiến tạng có cần sự đồng ý của gia đình hay không?
- Ai có thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi ngành và lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý?
- Thời gian tham gia công tác để xét khen thưởng quá trình cống hiến của cán bộ tiền khởi nghĩa được xác định như thế nào?
- Vụ án dân sự là gì? Thẩm phán có quyền quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử và tham gia xét xử vụ án dân sự không?