Hàng hóa nào phải được thực hiện kiểm tra khi xuất nhập khẩu?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
28/03/2024 11:00 AM

Xin cho tôi hỏi những loại hàng hóa nào phải được thực hiện kiểm tra khi xuất nhập khẩu? - Ngọc Linh (Bình Định)

Hàng hóa nào phải được thực hiện kiểm tra khi xuất nhập khẩu? (HÌnh từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hàng hóa nào phải được thực hiện kiểm tra khi xuất nhập khẩu?

Căn cứ theo Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương 2017, quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra như sau:

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng phải kiểm tra bao gồm:

+ Hàng hóa phải áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch quy định tại các Điều 61, 62, 63 và 64 Luật Quản lý ngoại thương 2017;

+ Hàng hóa có tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn hoặc hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo thông tin cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài;

+ Hàng hóa mà cơ quan có thẩm quyền phát hiện không phù hợp và phải tăng cường kiểm tra theo quy định của pháp luật.

- Hàng hóa quy định nêu trên do cơ quan, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định thực hiện và được kiểm tra theo nguyên tắc sau:

+ Công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và tránh tạo ra rào cản không cần thiết đối với hoạt động ngoại thương, nhất là đối với hàng hóa xuất khẩu;

+ Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong điều kiện cho phép, bảo đảm yêu cầu quản lý và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Bảo đảm các nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành Danh mục hàng hóa là đối tượng phải kiểm tra theo quy định nêu trên.

2. Cơ quan, tổ chức nào phải thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu?

Cụ thể, tại Điều 66 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định cơ quan, tổ chức kiểm tra như sau:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, phân cấp theo quy định của pháp luật.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố công khai tên và địa chỉ cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.

- Trình tự, thủ tục kiểm tra phải được cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra công bố công khai, minh bạch.

3. Những loại hàng hóa nào bị cấm xuất nhập khẩu?

Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu được quy định tại Điều 5 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:

- Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

- Căn cứ Phụ lục I Nghị định 69/2018/NĐ-CP, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.

- Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép xuất khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu; cho phép nhập khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

4. Thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa được quy định thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện như sau:

- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.

- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.

- Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định tại mục 1, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

- Đối với hàng hóa không thuộc 02 trường hợp đầu tiên nêu trên, thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 343

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn