Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời chất vấn.
Chiều 24/11, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ sẽ tập trung trả lời chất vấn của ĐBQH về hai nhóm vấn đề: Công tác điều hành, quản lý giá theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (giá xăng, dầu, giá điện, than và dịch vụ công) và những ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân, lỗ lãi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này; Biện pháp tăng thu, chống thất thu và giảm bội chi ngân sách, nợ công, bảo đảm an ninh tài chính.
Trong thời gian trả lời chất vấn trực tiếp trên hội trường, Bộ trưởng Vương Đình Huệ sẽ tập trung trả lời các vấn đề liên quan đến quản lý giá. Các nội dung khác, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản đến đại biểu.
Cùng với Bộ trưởng Vương Đình Huệ, các Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Y tế… sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Cuối buổi chất vấn buổi sáng, 13 đại biểu đã nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tài chính. Trước khi trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định nguyên tắc quản lý giá của Bộ Tài chính: Kiên trì nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nguyên tắc thị trường là tôn trọng sự định giá của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp có mức lãi hợp lý và không cho phép bao cấp tràn lan, bù chéo cho nhau.
Trả lời đại biểu về tình hình kinh doanh điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vương Đình Huệ giải trình: Năm 2010, EVN lỗ gần 24.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ lỗ do kinh doanh điện, hơn 15.000 tỷ lỗ do chênh lệch tỷ giá. Năm 2011, theo kế hoạch, EVN lỗ hơn 11.000 tỷ đồng nhưng tính đến tháng 9/2011, EVN mới lỗ hơn 3.300 tỷ đồng.
Về cách tính giá điện năm 2012, Bộ trưởng cho biết: Dựa vào giá sản xuất điện năm 2011 (tính đến 15/9), không tính phần lãi của EVN, giữ giá than bán cho EVN khoảng 56% giá thị trường… Theo cách tính giá này, giá điện năm 2012 có thể tăng lên 1.242 đồng/kWh.
Về nghi ngờ của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) về việc có hay không việc duy trì lợi ích nhóm trong việc EVN mua điện giá rẻ của một số nhà máy điện độc lập, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định đây là hiện tượng có thật.
Giải trình về tình hình kinh doanh xăng, dầu và quản lý giá xăng, dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Trong ba năm, từ 2008 – 2010, tình hình kinh doanh của Petrolimex luôn có lãi. Năm 2011, chưa có báo cáo chính thức nhưng Bộ trưởng cho rằng Petrolimex sẽ tiếp tục có lãi.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Giá xăng dầu là giá thành phẩm chứ không phải giá dầu thô. Vì vậy, khi thông tin cần chính xác để tránh gây hiểu nhầm.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Tài chính khẳng định đây là vấn đề hết sức hệ trọng, nhưng nợ công của nước ta vẫn ở ngưỡng an toàn.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Bộ trưởng nhất trí với Bộ trưởng Vương Đình Huệ và đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về việc có lợi ích nhóm trong việc EVN mua điện của một số nhà máy độc lập. Theo đó, giá mua điện ở mức rất thấp và có những hợp đồng quy định không thay đổi mức giá này trong vòng 40 năm. Tiếp tục chất vấn, một số đại biểu cho rằng, chính việc EVN độc quyền trong cả đầu vào và đầu ra đã dẫn tới tình trạng trên.
Về tình hình kinh doanh lỗ - lãi của ngành xăng dầu, giữa Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương vẫn chưa có sự thống nhất. Theo Bộ trưởng Công thương, tình hình kinh doanh xăng, dầu của Petrolimex luôn lỗ, riêng trong năm 2011, tính đến tháng 6 đã lỗ 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ tiếp tục khẳng định: Nếu tính riêng việc kinh doanh xăng dầu, chỉ có năm 2010, Petrolimex lỗ gần 200 tỷ đồng (nhưng tính tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác thì Petrolimex vẫn lãi). Bộ trưởng Tài chính cho rằng, nếu thực hiện đúng theo những quy định của Nhà nước, việc kinh doanh xăng dầu sẽ không lỗ. Nếu có lỗ là do ngành này tự ý chi những khoản vượt quy định. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Chính phủ siết chặt quy định về chiết khấu cho các đại lý xăng dầu.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp đột phá trong điều hành giá, Bộ trưởng Vương Đình Huệ thẳng thắn thừa nhận đây là vấn đề rất khó. Bộ trưởng cho biết, theo ông, giải pháp căn cơ và đột phá chính là phải minh bạch và công khai, đây là giải pháp của mọi giải pháp. Phải minh bạch trong chính sách, minh bạch trong trách nhiệm cũng như công khai các số liệu thì mới có thể điều hành giá hiệu quả.
Tham gia giải trình thêm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết lộ trình giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vấn đề chỉ còn là thực hiện trong bao lâu.
Sau phần chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Quốc hội tiếp tục chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.
Bá Mạnh