Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3134/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Đặng Viết Thuần
Ngày ban hành: 13/12/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3134/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 13 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CẤP NƯỚC SINH HOẠT VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số: 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và VSMTNT đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số: 81/2006/NĐ-CP ngày 14/4/2006 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số: 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và số: 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số: 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư V/v hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số: 58/2007/QĐ-TTg ngày 04/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số: 1143/UBND-NLN ngày 22/7/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên V/v lập Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và VSMTNT tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số: 2026/QĐ-UBND ngày 01/9/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên V/v Phê duyệt đề cương Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Căn cứ Biên bản họp ngày 19/8/2011 của Hội đồng thẩm định nghiệm thu Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

Xét đề nghị của Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tại Tờ trình số 1939/TTN ngày 17/11/2011 và của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1939/SKHĐT-KT, ngày 7/12/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.

2. Chủ đầu tư: Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái nguyên.

3. Địa điểm: Dự án được thực hiện trên địa bàn các vùng nông thôn thuộc tỉnh Thái Nguyên.

4. Mục tiêu quy hoạch:

4.1. Về cấp nước sinh hoạt nông thôn:

- Đến năm 2015:

Đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 95 % dân số nông thôn (trong đó 60% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày); tất cả các nhà trẻ, trường học, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã ở nông thôn có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt.

- Đến năm 2020:

Tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia với mức tối thiểu 60 lít/người/ngày. Trong đó tập trung phát triển loại hình cấp nước tập trung cấp cho 85% dân số nông thôn.

4.2. Về vệ sinh môi trường nông thôn:

- Đến năm 2015:

+ 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.

+ 65% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm Biogas.

+ Tất cả các trường mầm non, trường học, trạm y tế xã, chợ, trụ sở UBND xã ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt.

+ 60% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt.

+ Tiếp tục giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải sinh hoạt và các làng nghề.

- Đến năm 2020:

+ Đảm bảo 100% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ sạch vệ sinh môi trường.

+ 90% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 50% chuồng trại được xử lý bằng hầm Biogas.

+ 90% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt.

+ Giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải các làng nghề.

5. Nội dung chủ yếu của Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020:

5.1. Quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn:

5.1.1. Nhu cầu nước sinh hoạt:

Mục tiêu cấp nước sinh hoạt nông thôn đến năm 2020 của tỉnh là tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia với mức tối thiểu 60 lít/người/ngày, thì nhu cầu cấp nước sinh hoạt nông thôn đến năm 2020 cho 30% dân số còn lại (tương đương với 293.548 người) đang sống và lao động sản xuất ở vùng nông thôn của tỉnh là 23.484 m3/ngày.

5.1.2. Phương án cấp nước sinh hoạt:

a. Phân vùng cấp nước: Cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được thành 4 vùng như sau:

* Vùng thuận lợi: Vùng này có nguồn nước ngầm phong phú, nước mặt dồi dào. Bao gồm 46 xã sau: Thị xã Sông Công (Vinh Sơn); Huyện Định Hóa (8 xã và TT. Chợ Chu); Huyện Phú Lương (TT. Giang Tiên, TT. Đu, Cổ Lũng và Phấn Mễ); Huyện Đồng Hỷ (9 xã, TT. Chùa Hang, TT. Trại Cau, TT. Sông Cầu). Huyện Đại Từ (5 xã, TT. Quân Chu); Huyện Phú Bình (3 xã và TT. Hương Sơn); Huyện Phổ Yên (7 xã, TT. Ba Hàng); Huyện Võ Nhai (Liên Minh và TT. Đình Cả).

* Vùng tương đối thuận lợi: Tài nguyên nước mặt và nước ngầm tuy không phong phú bằng vùng trên nhưng cũng khá thuận lợi cho cấp nước sinh hoạt, bao gồm 75 xã sau: Thị xã Sông Công (Bình Sơn, Tân Quang và Bá Xuyên); Huyện Định Hóa (13 xã); Huyện Võ Nhai (9 xã); Huyện Phú Lương (6 xã); Huyện Đồng Hỷ (14 xã, TT. Đại Từ); Huyện Phú Bình (15 xã); Huyện Phổ Yên (10 xã).

* Vùng khó khăn: Vùng này có nước ngầm trung bình, nước mặt hạn chế, gồm 23 xã sau: Huyện Định Hóa (Bình Thành và Sơn Phú); Huyện Võ Nhai (Vũ Chấn và Nghinh Tường); Huyện Phú Lương (6 xã); Huyện Đồng Hỷ (Tân Long và Văn Lăng). Huyện Đại Từ (9 xã); Huyện Phú Bình (Điềm Thụy, Đồng Liên).

* Vùng rất khó khăn:Bao gồm 2 xã vùng cao thuộc huyện Võ Nhai (Thượng Nung, Sảng Mộc) và xã Na Mao (Đại Từ), vùng này cả nguồn nước mặt và nước ngầm đều hạn chế.

b. Phương án cấp nước sinh hoạt:

- Giữ nguyên các công trình cấp nước loại hình nhỏ lẻ đã có, đồng thời tiến hành công tác bảo dưỡng, sửa chữa để các công trình này cung cấp đạt chất lượng tốt hơn. Tiến hành cải tạo các giếng đào với công trình không đảm bảo, còn các giếng đào khác tiến hành công tác làm vệ sinh, sửa chữa các dụng cụ lấy nước và bảo vệ khu vực xung quanh.

- Chỉ phát triển các công trình cấp nước dạng “Phân tán” tại các khu vực có mật độ dân cư thấp, số hộ trong cụm dân cư nhỏ hơn 30 hộ.

- Phát triển loại hình công trình cấp nước kiểu “Nối mạng” phục vụ cho những khu dân cư có từ 30 ÷ 100 hộ. Nguồn nước khai thác là nước ngầm có chất lượng khá tốt hoặc chỉ phải xử lý đơn giản.

- Ưu tiên phát triển loại hình công trình cấp nước kiểu “Tập trung quy mô nhỏ” phục vụ cho khu dân cư có từ (100÷200) hộ. Nguồn nước khai thác là nước ngầm có chất lượng khá tốt hoặc chỉ phải xử lý đơn giản; Nước mặt tại những nơi không có nước ngầm.

- Phát triển loại hình công trình cấp nước kiểu “Tập trung quy mô lớn” phục vụ cho khu dân cư có từ (200÷1.000) hộ. Nguồn nước khai thác chủ yếu là từ nguồn nước mặt. Nước được xử lý triệt để bởi hệ thống các công trình lọc, khử trùng để đạt tiêu chuẩn sau đó được phân phối bằng bơm áp lực và hệ thống mạng lưới đường ống, có sự quản lý chặt chẽ, thường xuyên.

c. Số lượng các công trình đầu tư:

- Đối với công trình cấp nước tập trung: Với mục tiêu đến năm 2020 tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia với mức tối thiểu 60 lít/người/ngày tương ứng với 293.548 người. Trong đó tập trung phát triển loại hình cấp nước tập trung cấp cho 249.510 người (tương ứng 85%). Như vậy giai đoạn 2011-2020 cần xây dựng thêm 66 công trình cấp nước tập trung cấp cho 132.975 người và nâng cấp, mở rộng 58 công trình cấp nước tập trung cấp cho 116.535 người. Nâng số người được sử dụng công trình cấp nước tập trung đến năm 2020 là 352.159 người, tương ứng 40,88%.

- Đối với công trình cấp nước hộ gia đình: Giai đoạn 2011-2020 chỉ đầu tư phát triển công trình cấp nước nhỏ lẻ ở những nơi không có điều kiện cấp nước tập trung. Tổng số công trình cấp nước hộ gia đình cần đầu tư xây dựng là 11.009 công trình cấp cho 44.038 người.

5.2. Quy hoạch vệ sinh môi trường nông thôn:

5.2.1. Phân vùng quy hoạch VSMT nông thôn:

Việc phân vùng quy hoạch VSMT nông thôn tỉnh Thái Nguyên được chia thành 3 vùng quy hoạch như sau:

* Vùng 1: Bao gồm thị xã Sông Công và 2 huyện đồng bằng là Phú Bình và Phổ Yên. Đây là khu vực có nền kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí cao, mật độ dân cư sống tập trung cao hơn so với các vùng khác trong tỉnh. Kết hợp với hiện trạng các loại hình VSMT nông thôn tại thời điểm hiện tại thì tại vùng này quy hoạch xây dựng nhà tiêu tự hoại và nhà tiêu 2 ngăn là chủ yếu.

* Vùng 2: Bao gồm 2 huyện Đồng Hỷ và Phú Lương, là 2 huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội, dân trí, thu nhập kém hơn so với vùng một. Mật độ dân số tương đối tập trung, phong tục tập quán của người dân phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, tại vùng này ngoài nhà tiêu tự hoại, nhà tiêu 2 ngăn sẽ bố trí thêm nhà tiêu thấm dội nước cho bà con ở vùng sâu, vùng xa và có điều kiện kinh tế hạn chế.

* Vùng 3: Bao gồm 2 huyện miền núi là Đại Từ, Định Hóa và huyện vùng cao Võ Nhai. Ngoài vùng trung tâm huyện có nền kinh tế phát triển thì còn lại hầu hết các xã kinh tế - xã hội kém phát triển do chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Dân cư chủ yếu là người dân tộc, sống phân tán, phong tục tập quán và trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế. Do đó, tại vùng này sẽ quy hoạch chủ yếu là nhà tiêu 2 ngăn, nhà tiêu thấm dội nước và nhà tiêu chìm có ống thông hơi.

5.2.2. Số lượng các công trình cần đầu tư

- Nhu cầu đầu tư nhà tiêu hợp vệ sinh đến năm 2020 là 136.108 nhà tiêu.

- Nhu cầu cần xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh giai đoạn 2011-2020 là 78.360 chuồng.

- Nhu cầu cần xây dựng công trình vệ sinh trường học và các cơ sở công cộng đến năm 2020 là: 55 công trình vệ sinh trường học, 7 công trình vệ sinh trạm y tế, 113 công trình vệ sinh chợ, 11 công trình vệ sinh UBND xã và 19 công trình xử lý chất thải làng nghề.

5.2.3. Thu gom, xử lý rác thải nông thôn:

Quy trình công nghệ là: Thu gom - Phân loại - Vận chuyển - Xử lý hoặc Thu gom - Vận chuyển - Phân loại - Xử lý. Hiện có 2 hình thức công nghệ thu gom - xử lý rác thải sinh hoạt được đề suất theo công nghệ nhỏ lẻ và tập trung, được áp dụng theo đặc điểm từng vùng, từng địa phương và cần được thực hiên theo phương hướng:

+ Ưu tiên công nghệ truyền thống nhỏ lẻ hộ gia đình tự thu gom, phân loại, xử lý tại chỗ; chất thải hữu cơ ủ làm phân bón; chất thải rắn khác tự chôn lấp, hoặc vận chuyển đổ ra bãi chôn lấp tập trung của xã (Áp dụng ở các vùng dân cư sống phân tán, đất ở rộng).

+ Từng bước áp dụng công nghệ thu gom, xử lý chất thải rắn tập trung với quy mô phù hợp (Thôn, liên Thôn, Xã, liên Xã, Huyện...), áp dụng ở các vùng dân cư sống tập trung, quỹ đất ở hạn hẹp.

Với mục tiêu 90% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt vào năm 2020, thì cần đầu tư xây dựng tại 132 xã. Rác được phân loại và xử lý tại chỗ, hoặc vận chuyển đến nhà máy xử lý chung của tỉnh.

5. 3. Tập huấn truyền thông vận động xã hội:

Để thực hiện tốt công tác quy hoạch thì việc thực hiện công tác truyền thông vận động xã hội cần được tiến hành một cách đồng bộ và phối hợp chặt chẽ với công tác quy hoạch. Dự kiến kinh phí dành cho tập huấn truyền thông vận động xã hội giai đoạn 2011-2020 là 20 tỷ, bao gồm các nội dung chính sau:

- Tập huấn kỹ thuật và kỹ năng truyền thông 200 lớp cho tuyên truyền viên các xã.

- Hướng dẫn chỉ đạo xây dựng công trình xử lý rác thải cấp xã theo kế hoạch hàng năm.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng theo kế hoạch hàng năm.

- Quản lý mạng và cập nhật thông tin dịch vụ nước sạch & VSMT NT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Duy trì thực hiện Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch & VSMT NT.

6. Tổng hợp kinh phí đầu tư trong quy hoạch cấp nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020:

* Tổng nhu cầu kinh phí để đầu tư các công trình trong cả giai đoạn 2011-2020 là 1.499.723 triệu đồng. Trong đó:

- Xây mới công trình cấp nước tập trung:  332.455 triệu đồng

- Nâng cấp, mở rộng CT cấp nước tập trung:  93.441 triệu đồng

- Xây dựng công trình cấp nước nhỏ lẻ:  33.035 triệu đồng

- Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh: 544.432 triệu đồng

- Xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh: 391.800 triệu đồng

- Xây dựng CT VS trường học, cơ sở công cộng: 41.000 triệu đồng

- Xây dựng khu xử lý rác thải:  43.560 triệu đồng

- Truyền thông vận động xã hội:  20.000 triệu đồng

* Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách Trung ương và tài trợ: 446.295 triệu đồng

- Ngân sách địa phương: 49.588 triệu đồng

- Tín dụng ưu đãi:  195.137 triệu đồng

- Dân đóng góp XDCT cấp nước TT: 42.590 triệu đồng

- Dân tự đầu tư: 766.113 triệu đồng

7. Những giải pháp thực hiện quy hoạch:

7.1. Về quan điểm cơ bản về cấp nước sạch và VSMTNT.

Việc phát triển cấp nước sạch và VSMT NT cần dựa trên những quan điểm chủ yếu sau:

- Cấp nước sạch và VSMT nông thôn là một là một phần quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn.

- Người dân nông thôn có quyền được hưởng nguồn nước sạch và một môi trường sống trong lành nhưng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống của mình.

- Nước sạch là một loại hàng hóa đặc biệt mang tính chất xã hội. Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư các công trình cho những vùng sâu vùng xa. Có những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm ngày càng xã hội hóa được các công trình cấp nước.

- Ưu tiên đầu tư phát triển cấp nước và cải thiện VSMT cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới và các xã vùng núi. Huy động sức lao động và tinh thần hưởng ứng tích cực của người dân. Tiến hành tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi, nếp sống của người dân từ đó cải thiện từng bước môi trường sống của người dân.

7.2. Giải pháp về tổ chức quản lý các hệ thống cấp nước.

Trong thời gian tới cần thực hiện, phân giao nhiệm vụ quản lý các hệ thống cấp nước cho các đơn vị, tổ chức có khả năng chuyên nghiệp, những công trình trước đây đã giao cho cộng đồng quản lý cần sớm mở rộng nâng cấp và chuyển giao cho đơn vị, tổ chức cụ thể quản lý, vận hành, khai thác.

7.3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.

Nhà nước cần quan tâm thỏa đáng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho cấp huyện, xã, thôn. Đội ngũ cán bộ này phải có trình độ chuyên môn tốt và phải đầy đủ về số lượng (cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý). Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các cán bộ để họ thực sự yên tâm phục vụ nhân dân. Cần phải tiến hành công tác phát triển nguồn nhân lực với các nội dung chủ yếu sau:

- Năng lực lập kế hoạch và quản lý.

- Kỹ năng tư vấn và truyền thông.

- Đánh giá toàn diện các dự án kể cả nghiên cứu khả thi.

- Lập kế hoạch về tài chính.

- Theo dõi và đánh giá.

- Các kỹ năng về kỹ thuật như đánh giá nguồn nước, chuyển giao công nghệ, vận hành và bảo dưỡng.

7.4. Giải pháp về thông tin - Giáo dục - Truyền thông

Các hoạt động TT-GD-TT chú trọng vào truyền thông thay đổi hành vi có tầm quan trọng lớn đồi với thành công về quy hoạch cấp nước sạch và VSMT nông thôn, bằng các hình thức sau:

- Truyền thông trực tiếp, bao gồm các cuộc họp thôn, sử dụng các công cụ tham gia khác nhau, trực tiếp đến thăm các hộ gia đình, tiếp thị xã hội, ví dụ như những công nhân xây nhà tiêu, truyền thông ngang hàng như truyền thông người lớn với người lớn, trẻ em với trẻ em.

- Các công cụ/ tư liệu thông tin được in ấn, ví dụ, trang minh họa, bảng kẹp giấy, tờ rơi và poster; các mô hình nhỏ cho từng loại nhà tiêu hợp vệ sinh cũng có thể được sử dụng.

- Truyền thông đại chúng bao gồm ti vi, đài, loa truyền thanh, báo và tạp chí.

- Kịch, các trương trình biểu diễn ca nhạc, các cuộc thi, v.v…

- Các ví dụ tốt bởi các tổ chức công cộng, truyên truyền viên ở thôn xóm và những người khác.

7.5. Giải pháp về chính sách trong thực hiện quy hoạch

- Chính sách xã hội.

- Chính sách phát triển nông thôn.

- Chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

- Chính sách bảo vệ nguồn nước và tài nguyên môi trường rừng.

- Chính sách tín dụng nông thôn.

- Chính sách kết hợp công tác thủy lợi với việc cấp nước sạch.

8. Đề xuất một số dự án cụ thể:

- Xây mới công trình cấp nước tập trung: 66 công trình

- Nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước tập trung: 58 công trình

- Xây dựng công trình cấp nước nhỏ lẻ: 11.009 công trình

- Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh: 136.108 nhà tiêu

- Xây dựng công trình VS trường học, cơ sở công cộng: 205 cơ sở

9. Thời gian thực hiện quy hoạch: từ năm 2011 đến năm 2020.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: là cơ quan đầu mối (Trực tiếp là Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn) là cơ quan thường trực phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành, thị giúp UBND tỉnh triển khai và điều hành thực hiện quy hoạch cấp nước sạch và VSMT nông thôn đến năm 2020 theo kế hoạch hàng năm, 5 năm bằng các dự án đầu tư cụ thể. Hàng năm, 5 năm sơ kết, tổng kết báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh bổ xung Quy hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, vùng và cả nước.

+ Công bố rộng rãi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch nước sinh hoạt và VSMT nông thôn đến năm 2020 với các Sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị trong tỉnh.

- UBND các huyện, thành, thị phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT (TT. Nước SH&VSMTNT) tiến hành lập các dự án đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên các dự án và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, triển khai huy động vốn để thực hiện đầu tư XDCB các công trình và quản lý sử dụng, phát huy hiệu quả các công trình được tốt. Cần có tổ chức theo dõi, thống kê về công tác nước sạch và VSMT nông thôn hàng năm.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Trung tâm nước sinh hoạt và VSMTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Viết Thuần

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3134/QĐ-UBND ngày 13/12/2011 phê duyệt Quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.898

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.249.104
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!