UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 15/2011/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 21 tháng 6 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KON TUM
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật
Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Pháp
lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011
Qui định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam
kết bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị
của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 156/TTr-STNMT ngày 08/6/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
Điều
2. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế;
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp)
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như Điều 2;
- Cổng thông tin điện tử ;
- Lưu: VT- KTN4.
|
TM.ỦY
BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Hải
|
QUY ĐỊNH
VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN
NUÔI, GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(kèm theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 21/6/2011 của UBND tỉnh)
I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy
định này được ban hành để quản lý môi trường trong các hoạt động chăn nuôi, giết
mổ gia súc, gia cầm nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi
trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Quy
định này áp dụng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến
chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 3. Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau.
1.
Gia súc là các động vật nuôi phổ biến như heo (lợn), dê, cừu, trâu, bò...
2.
Gia cầm là các động vật nuôi phổ biến như gà, vịt, ngỗng, cút, bồ câu,
đà điểu...
3. Đánh giá tác động môi trường
là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ
thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
4. Chất thải ở thể lỏng (gọi tắt là chất thải lỏng)
là nước phân, nước tiểu, máu của gia súc, gia cầm; nước vệ sinh từ chuồng trại,
lò giết mổ; từ các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; thuốc thú y dạng lỏng;
dung dịch xử lý chuồng trại.
5. Chất thải ở thể rắn (gọi tắt là chất thải rắn) là
phân, lông, các phế phẩm khác từ động vật; bã thức ăn chăn nuôi, xác động vật,
bao bì thuốc thú y và các chất thải rắn khác thải ra trong quá trình chăn nuôi,
giết mổ.
6. Chất thải ở thể khí (gọi tắt là chất thải khí) là
các loại khí thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi, giết mổ như NH3,
H2S và các khí có mùi khác.
7. Quản lý chất thải là hoạt động
phân loại, thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy,
thải loại chất thải.
Điều 4. Những hành vi bị nghiêm cấm.
1. Thải chất thải chưa được xử lý
đạt tiêu chuẩn môi trường vào đất, nguồn nước gây ô
nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường đất, nước mặt, nước ngầm đất.
2. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc
mùi độc hại vào không khí vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép.
3. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá
tiêu chuẩn cho phép.
4. Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của
pháp luật.
II.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM
Điều 5. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức,
cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
1.
Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2.
Chưa được triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh khi chưa được cấp có thẩm
quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đăng ký cam
kết bảo vệ môi trường.
3.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động
môi trường đã được phê duyệt, bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường đã được xác
nhận.
4.
Phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động của
mình.
5.
Khắc phục ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại môi trường (nếu có)
do hoạt động của mình gây ra.
6.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động
trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.
7.
Xây dựng kế hoạch quan trắc và giám sát môi trường định kỳ theo cam kết và báo
cáo kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở định kỳ hàng năm đến cơ quan
quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo phân cấp.
8.
Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường.
9.
Nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường.
10. Trong trường
hợp gia súc, gia cầm bị dịch, yêu cầu áp dụng phương pháp tiêu huỷ gia súc, gia cầm
bị dịch theo phụ lục I, II của Quy định này.
Điều 6. Đánh giá tác động môi trường.
1. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
có quy mô từ 500 đầu gia súc trở lên đối với trâu, bò; từ 1.000 đầu gia súc trở
lên đối với gia súc khác hoặc từ 20.000 đầu gia cầm trở lên; đối với đà điểu từ
200 con trở lên; đối với chim cút 100.000 con trở lên và Dự án đầu tư xây dựng
cơ sở giết mổ gia súc có công suất từ 500 gia súc/ngày trở lên hoặc giết mổ gia
cầm có công suất 5.000 gia cầm/ngày trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động
môi trường.
2. Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ đề
nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được
qui định tại Điều 17 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ Qui
định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường,
cam kết bảo vệ môi trường. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá
tác động môi trường nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, tổ chức
thẩm định.
3. Chủ dự án
phải trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi
đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng và trước khi
quyết định đầu tư dự án.
4. Đối với chủ
cơ sở chăn nuôi, giết mổ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi
trường đã đi vào hoạt động (còn được gọi là cơ sở đang hoạt động) nhưng
chưa thực hiện quy định về lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động
môi trường; ngoài việc xử lý vi phạm theo qui định của pháp luật, trong thời hạn
không quá (02) năm kể từ ngày 05 tháng 6 năm 2011 phải lập Đề án bảo vệ
môi trường nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, tổ chức thẩm định.
Điều 7. Cam kết bảo vệ môi trường.
1. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
có quy mô dưới 500 đầu gia súc đối với trâu, bò; dưới 1.000 đầu gia súc đối với
gia súc khác hoặc dưới 20.000 đầu gia cầm; đối với đà điểu dưới 200 con; đối với
chim cút dưới 100.000 con và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc công
suất dưới 500 gia súc/ngày hoặc giết mổ gia cầm có công suất dưới 5.000 gia cầm/ngày,
phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong trường hợp không thuộc đối tượng
phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất tương đương với qui
mô nói trên, phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường.
2. Nội dung bản
cam kết bảo vệ môi trường, hồ sơ đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được qui định
tại Điều 30 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011của Chính phủ Qui
định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường,
cam kết bảo vệ môi trường. Hồ sơ đăng ký cam kết bảo vệ môi trường nộp tại Uỷ
ban nhân dân huyện, thành phố (qua Phòng tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố) để đăng ký và cấp giấy xác nhận hoặc nộp tại Uỷ ban nhân dân xã theo uỷ
quyền của Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố để đăng ký và cấp giấy xác nhận.
3. Chủ dự án
hoặc chủ cơ sở phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường tước khi triển khai
hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
4. Đối với chủ
cơ sở chăn nuôi, giết mổ thuộc đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường
đã đi vào hoạt động (còn được gọi là cơ sở đang hoạt động) nhưng không
có cam kết bảo vệ môi trường, ngoài việc xử lý vi phạm theo qui định của pháp
luật, trong thời hạn không quá (02) năm kể từ ngày 05 tháng 6 năm 2011 phải lập
Đề án bảo vệ môi trường nộp tại Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố (qua Phòng tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố) để đăng ký và xác nhận hoặc nộp tại Uỷ ban nhân dân xã theo uỷ quyền của
Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố để đăng ký và xác nhận.
Điều 8.
1. Địa điểm xây dựng cơ sở chăn nuôi,
giết mổ gia súc, gia cầm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa
phương, hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2.
Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi giết mổ gia súc,
gia cầm (qui mô đánh giá tác động môi trường) đến trường học, bệnh
viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông
chính, nguồn nước mặt...tối thiểu 200m. Khoảng cách từ
cơ sở chăn nuôi giết mổ gia súc,
gia cầm (qui mô cam kết bảo vệ môi trường) đến trường học, bệnh
viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông
chính, nguồn nước mặt... tối thiểu 100m
3. Cơ sở chăn nuôi giết
mổ gia súc, gia cầm phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào cơ sở.
4. Nơi xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia
súc, gia cầm phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho hoạt động chăn
nuôi, giết mổ; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.
Điều 9.
1. Cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm phải có hệ thống
xử lý nước thải phù hợp với quy mô công suất chăn
nuôi, giết mổ. Nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ phải được thu gom và xử
lý nước thải đạt QCVN 24:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải
công nghiệp trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
2. Chủ
cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm phải thu gom, phân loại và lưu giữ chất
thải rắn để xử lý theo quy định.
3. Khi vận
chuyển gia súc, gia cầm; sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hoặc chất thải rắn ra
khỏi cơ sở chăn nuôi, giết mổ phải sử dụng phương tiện vận chuyển chuyên dùng,
không để rò rỉ, rơi vãi chất thải ra môi trường.
Điều
10.
1. Các cơ sở chăn
nuôi, giết mổ phải đảm bảo chất lượng không khí xung
quanh theo QCVN 05:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng
không khí xung quanh; tiếng ồn theo QCVN 26:2010/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về tiếng ồn.
2. Chuồng trại, cơ sở giết mổ phải
được khử trùng, vệ sinh định kỳ để hạn chế mùi hôi. Khuyến khích sử dụng sử dụng hầm ủ, túi ủ khí (biogaz) để xử lý chất thải kết
hợp lấy khí đốt làm năng lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt hoặc sử dụng hoá chất, chế phẩm sinh học (được phép lưu
hành, sử dụng) tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm để xử lý chất
thải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí xung quanh.
III.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM
Điều
11. UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước
về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
Điều
12. Trách nhiệm của các Sở, ngành có
liên quan và UBND các huyện, thành phố:
1.
Sở Tài nguyên và Môi trường:
a. Tham mưu, đề xuất với
UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết
mổ gia súc, gia cầm.
b. Tổ chức thẩm định,
phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành các công
trình xử lý môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết
mổ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
c. Tổ chức thanh tra,
kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia
súc, gia cầm theo qui định của pháp luật.
d. Chủ trì, phối hợp với
các Sở, ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo
vệ môi trường, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải cho các cơ sở chăn
nuôi, giết mổ gia súc gia cầm.
đ. Chủ trì, phối hợp với
các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố kiểm soát ô nhiễm môi trường
tại các điểm tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch.
e. Tham mưu giải quyết
khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ
gia súc, gia cầm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
2.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố:
a. Quản lý các hoạt động
giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật nhằm đảm bảo
các điều kiện về vệ sinh thú y; phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
b. Quy hoạch phát triển
ngành chăn nuôi, điểm giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường và an
toàn dịch bệnh. Kiểm soát, hạn chế phát sinh mới cơ sở chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ
trong các hộ gia đình. Khuyến khích phát triển phương thức chăn nuôi, giết mổ tập
trung theo hướng bán công nghiệp hoặc công nghiệp.
c. Tổ chức nghiên cứu,
triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm bền vững trong
điều kiện cụ thể của địa phương.
3.
Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tuyên tuyền truyền
phổ biến các văn pháp luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, tập huấn hướng dẫn kiến thức
về vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng
chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và lây nhiễm qua người cho các cơ sở chăn
nuôi, giết mổ gia súc gia cầm và cộng đồng dân cư xung quanh.
4.
Công an tỉnh:
a. Chủ trì, phối hợp với
các Sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống
tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trong
hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
b. Phối hợp với các Sở,
ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ
môi trường trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
5.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum:
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan làm tốt
công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; xây dựng các chuyên mục bảo vệ môi
trường để nâng cao nhận thức trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh,
phát hiện và nêu gương các cá nhân điển hình tích cực, các mô hình tốt trong
công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
Đồng thời phê phán các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật
về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
6. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể:
Trong
phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành
viên của tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện
Qui định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
7.
Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố:
a. Tổ chức thực hiện
các văn bản, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ
gia súc, gia cầm trong phạm vi địa phương.
b. Cấp giấy xác nhận
đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ theo
thẩm quyền.
c. Phối hợp với các Sở,
ngành liên quan chỉ đạo các phòng, ban chức năng chuyên môn tổ chức quy hoạch,
công bố qui hoạch vùng chăn nuôi, địa điểm giết mổ tại địa phương; ứng dụng các
tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi,
giết mổ gia súc, gia cầm.
d. Tổ chức công tác
phòng, chống dịch bệnh đúng theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ
môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm gia súc, gia cầm tại địa phương.
đ. Chỉ đạo các đơn vị
trực thuộc; UBND cấp xã, phường, thị trấn tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ
và đột xuất các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành Quy định về bảo vệ môi
trường trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; xử phạt vi phạm hành chính về
bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên
quan đến bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm ở địa
phương.
Điều
13. Nguồn tài chính bảo vệ môi trường
trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
a. Ngân sách chi sự
nghiệp môi trường hàng năm;
b. Vốn của tổ chức, cá
nhân để phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường từ hoạt động sản xuất,
kinh doanh của mình;
c. Tiền bồi thường thiệt
hại môi trường, phí bảo vệ môi trường, tiền phạt về môi trường và các nguồn thu
khác theo qui định của pháp luật;
d. Vốn vay ưu đãi và
tài trợ từ quỹ bảo vệ môi trường; vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng và các
tổ chức tài chính khác theo qui định của pháp luật.
IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định này. Các Sở, ban, ngành
và Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao
tiến hành kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm Quy định này.
2.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung;
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên
quan tổng hợp tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC I
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG CƠ SỞ CHĂN NUÔI, GIẾT MỔ GIA SÚC,
GIA CẦM BỊ DỊCH
(kèm theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày
21/6/2011 của UBND tỉnh)
Trường hợp phát hiện
có dấu hiệu dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; cần nhanh
chóng thực hiện các biện pháp sau đây:
1.
Tiêu huỷ:
Thu gom toàn bộ gia
súc, gia cầm và sản phẩm, chất thải gia súc, gia cầm đem đi tiêu huỷ. Phương
pháp tiêu huỷ được quy định tại phụ lục II của Quy định này và các văn bản khác
theo quy định hiện hành.
2.
Xử lý khu vực chuồng trại chăn nuôi, lưu giữ động vật giết mổ và môi trường
xung quanh:
a. Thu gom và xử lý
toàn bộ các loại chất thải rắn trong khu vực chuồng trại chăn nuôi, lưu giữ động
vật giết mổ:
- Phun thuốc khử trùng
hoặc rắc vôi bột lên toàn bộ khu vực có chất thải rắn cần thu gom.
- Chất thải rắn trong
khu vực chuồng trại cần được thu gom và xử lý an toàn bằng phương pháp đốt để
diệt khuẩn trước khi chôn lấp.
- Vị trí và quy trình
đốt hoặc chôn lấp chất thải áp dụng như đối với gia súc, gia cầm bị bệnh.
b. Tiêu độc khử trùng
chuồng trại:
- Dùng thuốc sát trùng
mạnh (như chlorine 5 - 6%, phenol, glutaraldehyde 2 - 4%, ophenylphenol 3-5%)
phun lên toàn bộ bề mặt nền, tường, máng ăn, máng uống, trần, mái chuồng trại,
các thiết bị, dụng cụ sử dụng trong chuồng trại, phương tiện vận chuyển gia
súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm.
- Thuốc sát trùng cần
được phun bảo đảm làm ướt toàn bộ bề mặt vật được sát trùng (80 - 120 ml/m2
diện tích) và phun thuốc theo chiều từ cao xuống thấp, thời gian để tiếp xúc ít
nhất là 24 giờ. Sau 24 giờ, dùng nước rửa sạch nền, để khô và sát trùng lại lần
2. Người phun thuốc phải được trang bị bảo hộ lao động và lựa chọn hướng gió để
không gây độc cho người.
c. Xử lý môi trường
khu vực xung quanh chuồng trại bị dịch:
Môi trường khu vực
xung quanh chuồng trại (trong vòng 100m từ hàng rào khu chăn nuôi, giết mổ) phải
được phát quang, thu gom phân, rác và dụng cụ phế thải để tiêu huỷ, sau đó phun
thuốc sát trùng như trên.
d. Xử lý nước thải:
- Nước thải, nước rửa
của các khu chuồng trại phải được thu gom, cô lập và xử lý qua hệ thống xử lý
nước thải hoặc bằng thuốc sát trùng trước khi chảy vào hệ thống thoát nước
chung.
- Nếu phát hiện ô nhiễm
nguồn nước, cần báo cáo ngay với chính quyền địa phương và cảnh báo cho người
dân để có biện pháp xử lý kịp thời.
PHỤ LỤC II
HƯỚNG DẪN QUI TRÌNH TIÊU HUỶ GIA
SÚC, GIA CẦM BỊ DỊCH
(kèm theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND
ngày 21/6/2011 của UBND tỉnh)
Toàn bộ số gia súc,
gia cầm bị bệnh, chết và gia súc, gia cầm thuộc đối tượng, phạm vi mà theo quy định phải tiêu huỷ, được tiến hành tiêu huỷ bằng một trong hai cách:
1.
Chôn lấp:
Dùng bao nylon lớn hoặc
bao tải dứa cho gia súc, gia cầm vào, cột chặt miệng bao, phun thuốc sát trùng
chở đến nơi tiêu huỷ.
Đào hố chôn sâu 2,5 -
3m, chiều dài và chiều rộng tuỳ theo số lượng gia súc, gia cầm cần tiêu huỷ;
lót vật liệu chống thấm đáy (nylon dày, vải địa kỷ thuật) và xung quanh
thành hố, đổ xác gia súc, gia cầm xuống. Trước khi đổ, dùng dao rạch cho rách
bao chứa gia súc, gia cầm để dễ phân huỷ. Phun thuốc sát trùng hoặc đổ vôi bột
lên bề mặt lớp súc, gia cầm và lên đất; khoảng cách từ mặt trên lớp gia súc,
gia cầm đến mặt đất tối thiểu 1 - 1,5m, nện đất trên bề mặt thật chặt.
Địa điểm chôn gia súc,
gia cầm phải được chọn ở nơi xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, đường
giao thông và nguồn nước sinh hoạt (cách xa tối thiểu 500m).
Tổ chức kiểm tra 1 tuần/1
lần trong vòng 1 tháng sau khi chôn lấp gia súc, gia cầm bị dịch để phát hiện
và có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng như: lún sụt, bốc mùi hôi...
2.
Đốt (chỉ áp dụng cho gia cầm):
Đốt xác gia cầm dưới hố
bằng củi, than, xăng, dầu, sau đó lấp đất lại nện chặt như cách chôn lấp. Có thể
đốt gia cầm bằng các lò đốt chuyên dụng.
- Đốt, chôn chất thải
(phân, rác...):
+ Đốt: Nếu số lượng ít,
thu gom toàn bộ phân rác, chất thải rắn, thức ăn thừa và vật dụng rẻ tiền để đốt
ngay trên nền chuồng nuôi.
+ Chôn lấp: Chất thải
được rắc vôi bột hoặc phun dung dịch sát trùng như formol 3%, cresyl 5%, xút
2%... sau đó chôn sâu cách mặt đất từ 0,5 - 1m, dùng đất phủ kín bề mặt hố chôn
và nén chặt.
- Đối với dụng cụ chăn
nuôi, giết mổ, chuồng trống và đất xung quanh chuồng nuôi:
+ Đối với vật liệu rẻ
tiền bị ô nhiễm thì nên đốt.
+ Đối với các dụng cụ
chăn nuôi, giết mổ khác nếu không thể đốt thì phun thuốc sát trùng như cresyl
5%, xút 2 - 3%, formol 3%, lên toàn bộ bề mặt nền chuồng, sàn, bãi, tường, máng
ăn, máng uống, trần, mái chuồng nuôi. Thuốc sát trùng phải được phun ướt toàn bộ
bề mặt vật được sát trùng, khoảng 80 - 120ml/m2 diện tích và phun
theo chiều từ cao xuống thấp. Có thể dùng các thuốc sát trùng khác có bán trên
thị trường theo hướng dẫn của cán bộ thú y và liều lượng theo hướng dẫn của nhà
sản xuất.
+ Sau 24 giờ, dùng nước
rửa sạch nền và vật dụng, để khô và sát trùng lại lần thứ hai. Trước khi có
công bố hết dịch, toàn bộ khu vực chăn nuôi, giết mổ phải được tiêu độc khử
trùng lần cuối. Nước rửa chuồng tập trung lại một chỗ, khử trùng trước khi thải
ra ngoài bằng cách cho vôi vào để đạt nồng độ 10%.
+ Khu vực xung quanh
chuồng nuôi phải được phát quang, thu gom dụng cụ, vật liệu phế thải để tiêu huỷ,
sau đó phun thuốc sát trùng như trên.
*Lưu ý:
- Địa điểm đốt gia cầm
phải được chọn ở nơi xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, đường giao
thông và nguồn nước sinh hoạt (cách xa tối thiểu 500m).
- Khi đốt phải đốt triệt
để (thành than hoàn toàn) để tránh gây ô nhiễm môi trường sau này và lây lan dịch
bệnh.
- Trang bị đầy đủ bảo
hộ lao động cho những người tham gia xử lý. Đặc biệt khi phun hoá chất phải chú
ý hướng gió để không gây độc cho người.
- Những người không có
nhiệm vụ không nên đến gần nơi xử lý.
- Ngoài phương pháp
tiêu huỷ trên, cơ sở chăn nuôi, giết mổ có thể áp dụng phương pháp tiêu huỷ
khác theo quy định hiện hành và không gây ô nhiễm môi trường./.