BỘ
NGOẠI GIAO
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
53/2011/TB-LPQT
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2011
|
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định
tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều
ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo;
Tuyên bố chung Hà
Nội Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai, ký tại Hà Nội ngày 11
tháng 10 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 10 năm 2011.
Bộ Ngoại giao trân
trọng gửi Bản sao lục Tuyên bố chung theo quy định tại Điều 68
của Luật nêu trên./.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Lê Thị Tuyết Mai
|
TUYÊN BỐ CHUNG HÀ NỘI
VIỆT NAM VÀ ĐỨC - ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VÌ TƯƠNG
LAI
Tuyên bố Hà Nội
Trên cơ sở quan hệ
hữu nghị giữa hai nước đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cũng như đánh giá cao
chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 3.2008, nhân dịp chuyến
thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10.2011, nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã nhất trí thiết lập quan
hệ Đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới,
đặc biệt trong những lĩnh vực then chốt nêu trong Tuyên bố Hà Nội sau đây:
I. Hợp tác chính trị chiến lược
1. Việt Nam và Đức
tiếp tục tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao. Hai bên hoan nghênh gặp gỡ, tiếp
xúc ở tất cả các cấp, bao gồm giữa các đảng chính trị, các cơ quan Chính phủ và
Quốc hội, cũng như giữa các viện khoa học và nghiên cứu chiến lược của Việt Nam
và Đức.
2. Việt Nam và Đức
sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng thực hiện các dự án đã được thỏa thuận, đồng
thời xác định những dự án tiếp theo hướng tới tương lai, đặc biệt trong các
lĩnh vực: (I) Đối thoại chính trị chiến lược, (II) kinh tế, thương mại và đầu
tư, (III) tư pháp và pháp luật, (IV) hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường,
(V) giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
3. Để triển khai
Tuyên bố Hà Nội, hai bên thành lập Nhóm điều hành chiến lược do Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao Việt Nam và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức đồng chủ trì. Nhóm điều
hành chiến lược dự kiến họp định kỳ trong khuôn khổ các cuộc tham vấn chính trị
giữa hai Bộ Ngoại giao. Khi cần, đại diện và chuyên gia các bộ, ngành có liên
quan có thể được mời tham dự.
Các dự án hợp tác
được nêu trong Kế hoạch Hành động chiến lược kèm theo.
4. Hai bên tăng cường
hợp tác trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, trong đó có Liên Hợp quốc, đặc
biệt về những vấn đề toàn cầu, khu vực và chính sách an ninh, và việc ủng hộ lẫn
nhau khi ứng cử vào các vị trí tại các diễn đàn này. Hai bên ủng hộ một cuộc cải
tổ toàn diện, hướng tới tương lai của Liên Hợp quốc và các cơ quan của Liên Hợp
quốc, kể cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
5. Hai bên tuyên bố
sẵn sàng xem xét việc khởi động cơ chế trao đổi mang tính chiến lược về kinh
nghiệm liên quan đến những vấn đề chính sách quốc phòng và an ninh hai bên cùng
quan tâm, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, bao gồm việc phòng
chống tội phạm quốc tế, khủng bố, cướp biển, di cư bất hợp pháp và tội phạm
internet.
6. Đức ủng hộ lộ
trình của ASEAN về việc thành lập Cộng đồng ASEAN, qua đó tăng cường vai trò
tích cực của ASEAN trong việc duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực Châu Á
- Thái Bình Dương.
7. Hai bên cho rằng
dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh là một phần quan trọng của quan hệ
Đối tác chiến lược. Ngôi nhà Đức sẽ cải thiện điều kiện hoạt động cho Tổng Lãnh
sự quán Đức, các hiệp hội kinh tế Đức, các cơ quan giao lưu văn hóa Đức và các
doanh nghiệp Đức tại thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam và Đức hoan nghênh việc
xây dựng Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh và việc ký kết thỏa thuận có
liên quan để thực hiện mục tiêu này.
8. Hai bên sẽ tiếp
tục đối thoại và trao đổi quan điểm mang tính xây dựng về quyền con người trong
các khuôn khổ song phương và đa phương, bao gồm cả đối thoại thường niên về quyền
con người giữa Việt Nam và EU.
9. Các bên đánh
giá cao ý nghĩa của việc đối thoại về các nguyên tắc nhà nước pháp quyền, cũng
như phương thức thực hiện nguyên tắc này, trong đó đề cao việc thực hiện các
quyền con người trong nhà nước pháp quyền.
II. Thương mại và Đầu tư
10. Việt Nam và Đức
nhận thấy tiềm năng to lớn để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, bao gồm cả
thương mại và đầu tư. Hai bên khẳng định mong muốn duy trì đà phát triển trong
những năm qua và tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà
đầu tư của hai nước.
11. Hai nước mong
muốn cùng nhau xác định những dự án hợp tác mang tính hải đăng và thúc đẩy thực
hiện nhanh những dự án này, trong đó có việc xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2
tại thành phố Hồ Chí Minh, một dự án sẽ thu hút thêm đầu tư vào Việt nam.
12. Việt Nam và Đức
tuyên bố quyền tâm tăng cường hợp tác trong việc EU công nhận nền kinh tế Việt
Nam là nền kinh tế thị trường.
13. Trong khuôn khổ
đối thoại chiến lược về kinh tế, hai bên dự định trao đổi quan điểm về các vấn
đề trọng tâm trong chính sách kinh tế và thương mại, bao gồm phát triển thương
mại, thị trường mở và cạnh tranh bình đẳng, tuân thủ những tiêu chuẩn lao động
quốc tế và củng cố Tổ chức Thương mại thế giới. Ngoài ra, hai bên mong muốn
tăng cường quan hệ hợp tác đối tác nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế tại
Việt Nam, với mục tiêu tăng cường giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam, tạo
điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa,
cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam và góp phần vào tăng trưởng mang lại lợi
ích xã hội, bền vững môi trường và thân thiện với khí hậu.
14. Trong khuôn khổ
quan hệ rất tốt đẹp trong lĩnh vực hàng không giữa Việt Nam và Đức, hai bên bảo
đảm sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác hàng không song phương phát triển phù hợp với
nhu cầu.
III. Hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật
15. Việt Nam và Đức
đánh giá cao những kết quả đạt được trong đối thoại song phương về nhà nước
pháp quyền và nhất trí tiếp tục mối quan hệ hợp tác thành công và mang tính xây
dựng này trong thời gian tới.
16. Trên cơ sở sự
phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp hai nước và sau khi đánh giá kết quả thực hiện
Chương trình hợp tác giai đoạn 2009 - 2011, hai bên sẽ xác định những lĩnh vực
pháp luật phù hợp để tiếp tục hợp tác và cùng nhau ấn định một Chương trình hợp
tác cụ thể cho giai đoạn 2012 - 2014.
17. Nhằm mục đích
trên, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đào tạo cũng như trao đổi luật gia.
IV. Hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường
18. Để hỗ trợ Việt
Nam trong những cải cách tiếp theo và trong quá trình phát triển bền vững hướng
tới trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, Việt Nam và Đức sẽ tiếp
tục và mở rộng hợp tác rất tốt đẹp trong lĩnh vực hợp tác phát triển, thông qua
các cơ chế đã được thiết lập trong ba lĩnh vực hợp tác hiện nay:
1. Chính sách môi
trường, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên,
2. Phát triển kinh
tế bền vững và đào tạo nghề,
3. Y tế
19. Hai bên ngày
càng coi trọng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, bảo vệ khí hậu và ứng phó với
biến đổi khí hậu. Đối với các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng
năng lượng hiệu quả, trước hết có thể sử dụng hình thức cấp tín dụng với những
điều kiện sát với điều kiện thị trường. Chương trình sáng kiến bảo vệ khí hậu
quốc tế của Bộ Môi trường Cộng hòa Liên bang Đức, một cơ chế huy động vốn thành
công cho các dự án bảo vệ khí hậu, có thể giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực
này.
20. Hai bên nỗ lực
hỗ trợ và tạo tiền đề để khu vực kinh tế tư nhân tham gia các chương trình phát
triển.
21. Đức dự định tăng
cường hợp tác với Việt Nam và các nước khác trong lĩnh vực chính sách phát triển
và cùng với Việt Nam thực hiện thí điểm các “dự án ba bên” với các nước ASEAN.
V. Hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội
22. Việt Nam và Đức
đánh giá cao hợp tác sâu rộng và thành công trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học,
công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội, và mong muốn tiếp tục quan hệ hợp
tác này vào thời gian tới trong khuôn khổ Tuyên bố chung Hà Nội.
23. Hai bên đánh
giá cao và tiếp tục hỗ trợ mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo
và nghiên cứu của Việt Nam và Đức. Ngoài ra, hai bên mong muốn tăng cường hợp
tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đại học, kể cả thông qua
trường Đại học Việt - Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng để trở thành
một cơ sở đào tạo hàng đầu tại Việt Nam.
24. Hai bên sẽ tiếp
tục tạo điều kiện đưa các sinh viên Việt Nam sang học tập tại Đức, đặc biệt là
các sinh viên trẻ tài năng theo học thạc sĩ hoặc tiến sĩ, với sự tài trợ của Cơ
quan trao đổi hàn lâm Đức và Chính phủ Việt Nam.
25. Trên cơ sở Thỏa
thuận khung ký năm 2007 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức, Việt Nam tiếp tục khuyến
khích dạy tiếng Đức như là một ngoại ngữ trong hệ thống trường học Việt Nam.
Hai bên mong muốn ký một thỏa thuận tiếp theo để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện
dự án hiện nay.
26. Trong khuôn khổ
sáng kiến “Trường học - đối tác vì tương lai” được triển khai trên toàn cầu của
mình, Đức tiếp tục hỗ trợ các trường học Việt Nam xây dựng và mở rộng việc giảng
dạy tiếng Đức và đào tạo giáo viên dạy tiếng Đức.
27. Hai bên mong
muốn ủng hộ việc xây dựng một trường phổ thông giao lưu Việt - Đức tại thành phố
Hồ Chí Minh.
28. Việt Nam và Đức
tuyên bố ý định thúc đẩy tiếp xúc và đối thoại giữa đại diện giới truyền thông
hai nước trong khuôn khổ hợp tác truyền thông song phương. Đức tuyên bố sẵn
sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhà báo trong các lĩnh vực nghiên cứu, quản lý,
truyền thông và bản quyền.
29. Việt Nam và Đức
hoan nghênh vai trò cầu nối quý báu đối với quan hệ Việt - Đức của những người
Việt Nam đang sinh sống ở Đức hoặc đã từng học tập, làm việc ở Đức trước đây.
30. Việt Nam đánh
giá cao những dự án bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam được phía Đức tài trợ
trong khuôn khổ Chương trình bảo tồn di sản văn hóa.
Ký tại Hà Nội ngày
11 tháng 10 năm 2011 thành hai bản tiếng Việt và tiếng Đức, có giá trị như
nhau./.
Nguyễn
Tấn Dũng
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
TS.
Angela Merkel
THỦ
TƯỚNG LIÊN BANG NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
|
Phụ lục đính kèm Tuyên bố Hà Nội ngày 11
tháng 10 năm 2011
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHIẾN LƯỢC
I. Hợp tác chính trị chiến lược:
- Dự án Ngôi nhà Đức
tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Việc mở Văn
phòng Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam, trên cơ sở pháp luật và quy định của
Việt Nam.
- Tham vấn chính
trị thường niên cấp Thứ trưởng/Quốc Vụ Khanh hai Bộ Ngoại giao.
- Nhóm công tác
chiến lược do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao
Đức đồng chủ trì.
- Khóa đào tạo kiến
thức ngoại giao cho cán bộ trẻ của Việt Nam do Bộ Ngoại giao Đức tổ chức.
- Hợp tác trên các
diễn đàn khu vực: EU - ASEAN và Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEEM).
- Hợp tác tại Liên
Hợp Quốc.
- Các chuyến thăm
cụ thể của Chính phủ Đức và Việt Nam.
- Hai Bên xem xét
khả năng ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao.
II. Thương mại và đầu tư:
- Đầu tư: Hỗ trợ
và tư vấn các công ty tư nhân và nhà đầu tư với sự phối hợp chặt chẽ của các hiệp
hội doanh nghiệp và tổ chức liên quan của hai nước, bao gồm Tổ chức Thương mại
và Đầu tư Đức, các Phòng Thương mại Đức ở nước ngoài, Hiệp hội Á Đông của Đức, Ủy
ban Châu Á - Thái Bình Dương của doanh nghiệp Đức và các tổ chức đối tác liên
quan tại Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đối
tác liên quan tại Đức.
- Xây tuyến tầu điện
ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Đối thoại chiến
lược về kinh tế vĩ mô, tập trung vào cải cách kinh tế.
- Chương trình đào
tạo các nhà quản lý của Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức.
- Đánh giá khả
năng thực hiện một dự án hạ tầng cơ sở thí điểm theo mô hình hợp tác công - tư
(PPP) và các kinh nghiệm, kiến thức liên quan.
- Tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tham gia các hội chợ.
- Hỗ trợ dự án
Ngôi nhà Việt tại Berlin cơ sở pháp luật và quy định của Đức.
III. Hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật:
- Tiếp tục đối thoại
Việt - Đức về nhà nước pháp quyền: chương trình hợp tác giai đoạn 2012 - 2014 sẽ
được xây dựng trên cơ sở kết quả đánh giá Chương trình hợp tác hiện tại của
giai đoạn 2009 - 2011 (gồm trên 150 hoạt động).
- Tăng cường trao
đổi kinh nghiệm và kiến thức trong khuôn khổ các dự án kinh nghiệm tốt (best
practice).
- Đào tạo các luật
sư, luật gia trẻ của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án và Đoàn luật sư.
IV. Hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường:
- Tăng cường hợp
tác và đối thoại nhằm hỗ trợ cải cách trong ba lĩnh vực ưu tiên: chính sách môi
trường/vấn đề khí hậu, phát triển kinh tế bền vững/đào tạo nghề và y tế.
Các chương trình
(trong số đó) gồm:
+ Đào tạo nghề: đồng
tổ chức một Hội nghị khu vực về đào tạo nghề vào năm
2012; thành lập một
Trung tâm đào tạo nghề có khả năng cạnh tranh quốc tế (Trung tâm đào tạo nghề
Xuất sắc); dự án thí điểm tổ chức khóa đào tạo nghề về quản lý nước thải.
+ Môi trường: các
chương trình xử lý nước thải và kinh tế chất thải tại các tỉnh lỵ Việt Nam.
+ Môi trường/Biến
đổi khí hậu: chương trình bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển
khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cùng với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển quốc
tế Úc (AusAID).
+ Môi trường:
chương trình bảo vệ và bảo tồn các Khu dự trữ thiên nhiên có giá trị nhằm gìn
giữ đa dạng sinh học.
+ Biến đối khí hậu:
nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại khu vực nông thôn, khai thác năng lượng
tái tạo từ các nhà máy thủy điện nhỏ hoặc khu phong điện, giảm phát thải CO2
thông qua các nhà máy điện khí đốt chu trình hỗn hợp, cùng với sự hợp tác của
Ngân hàng phát triển Châu Á.
+ Y tế: hỗ trợ các
dịch vụ y tế tuyến tỉnh tại các những tỉnh đã được lựa chọn.
- Mở rộng mô hình
hợp tác phát triển ba bên với các nước ASEAN khác về trung hạn.
- Các dự án thí điểm
theo mô hình hợp tác mới với sự tham gia của khu vực tư nhân.
V. Hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội:
- Ký kết một thỏa
thuận song phương mới về hợp tác khoa học và công nghệ.
- Phát triển Đại học
Việt - Đức thành một cơ sở nghiên cứu hàng đầu.
- Củng cố các
chương trình liên kết đào tạo theo định hướng thực tiễn giữa Việt Nam và Đức.
- Khuyến khích việc
dạy tiếng Đức như một ngoại ngữ trong hệ thống trường học của Việt Nam.
- Tăng cường việc
giảng dạy tiếng Đức tại 12 trường phổ thông của Việt Nam trong khuôn khổ mạng
lưới “Các trường đối tác tương lai” của Bộ Ngoại giao Liên Bang Đức.
- Thành lập một
trường phổ thông quốc tế Việt - Đức tại thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở pháp
luật và quy định của Việt Nam.
- Cấp học bổng
(thông qua nhiều chương trình) cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
- Hỗ trợ cho hơn
50 quan hệ đối tác đã được thiết lập giữa các trường đại học hai nước.
- Tư vấn/hướng dẫn
4000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Đức mỗi năm.
- Các dự án hợp
tác trong lĩnh vực bảo tồn và bảo tàng di sản văn hóa, du lịch, thể thao, nghệ
thuật điện ảnh.