BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
183/2015/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 11 năm 2015
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN THANH TOÁN BẰNG QUỸ ĐẤT CHO NHÀ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY
DỰNG - CHUYỂN GIAO QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2015/QĐ-TTG NGÀY 26 THÁNG 6
NĂM 2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12
năm 2002;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng
12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng
02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
Căn cứ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26
tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng
quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng
- Chuyển giao;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn
thực hiện thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư Xây dựng
- Chuyển giao quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm
2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện thanh toán bằng quỹ
đất cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư Xây dựng - Chuyển giao (sau đây gọi
là Dự án BT) quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2015
của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng
Xây dựng - Chuyển giao (sau đây gọi là Hợp đồng BT).
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BT ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư,
đàm phán, ký kết Hợp đồng BT và thực hiện Hợp đồng BT (sau đây gọi là cơ quan
được ủy quyền) theo quy định tại Điều 8 Nghị định số
15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình
thức đối tác công tư (sau đây gọi là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP).
3. Nhà đầu tư thực hiện Hợp đồng BT (sau đây gọi là
Nhà đầu tư).
4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan
đến việc thực hiện Dự án BT.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DỰ ÁN BT
VÀ GIÁ TRỊ QUỸ ĐẤT THANH TOÁN
Điều 3. Quỹ đất thanh toán cho
Nhà đầu tư
Quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg gồm:
1. Đất chưa giải phóng mặt bằng thuộc quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt sử dụng vào mục đích phát
triển kinh tế, Nhà nước thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật về đất
đai.
2. Đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sử dụng vào mục
đích phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Đất của cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại
vị trí cũ sử dụng để thanh toán Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí
mới.
Điều 4. Xác định giá trị Dự án
BT
1. Giá trị Dự án BT ghi tại Hợp đồng BT là toàn bộ
chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí
thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; lãi vay huy động
vốn đầu tư; chi phí khác (không bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng phát
sinh và trượt giá). Việc xác định các loại chi phí trên thực hiện theo quy định
của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.
2. Giá trị Dự án BT không thay đổi kể từ ngày cơ
quan nhà nước có thẩm quyền xác định. Trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền phê duyệt cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật của
Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT dẫn đến thay
đổi giá trị Dự án BT.
a) Giá trị điều chỉnh Dự án BT được xác định theo
quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan tại thời điểm
cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật
của Dự án BT. Giá trị điều chỉnh được ghi nhận bằng Phụ lục Hợp đồng BT ký kết
giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc cơ quan được ủy quyền) và Nhà đầu tư
(sau đây gọi là các Bên ký kết Hợp đồng BT);
b) Giá trị điều chỉnh Dự án BT ghi tại Phụ lục Hợp
đồng BT được tổng hợp vào giá trị Dự án BT để thanh toán, quyết toán Hợp đồng
BT quy định tại Điều 53 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
3. Giá trị Dự án BT để thanh toán là giá trị Dự án
BT được quyết toán theo quy định về quyết toán vốn đầu tư các công trình xây dựng
sử dụng vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi là giá trị quyết toán Hợp đồng BT).
Điều 5. Xác định giá trị quỹ đất
thanh toán
1. Đối với quỹ đất quy định tại khoản
1, khoản 2 Điều 3 Thông tư này, giá trị quỹ đất thanh toán là tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê. Việc xác định giá trị quỹ
đất thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất,
thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
2. Đối với quỹ đất quy định tại khoản
3 Điều 3 Thông tư này, giá trị quỹ đất thanh toán là giá trị quyền sử dụng
đất và giá trị theo đánh giá lại của tài sản trên đất (sau khi trừ chi phí liên
quan đến việc xác định giá trị quỹ đất thanh toán theo quy định). Việc xác định
giá trị quỹ đất thanh toán do Sở Tài chính chủ trì thực hiện, trình Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản
nhà nước.
3. Giá trị quỹ đất thanh toán không thay đổi kể từ
ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định. Trừ trường hợp có văn bản của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất,
quy hoạch xây dựng dẫn đến thay đổi giá trị quỹ đất thanh toán.
a) Giá trị điều chỉnh quỹ đất thanh toán xác định
theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt
nước hoặc pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại thời điểm cơ quan
nhà nước có thẩm quyền có văn bản điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch
xây dựng. Giá trị điều chỉnh được ghi nhận bằng Phụ lục Hợp đồng BT ký kết giữa
các Bên ký kết Hợp đồng BT;
b) Giá trị điều chỉnh quỹ đất thanh toán ghi tại Phụ
lục Hợp đồng BT được tổng hợp vào giá trị quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư.
4. Giá trị quỹ đất thanh toán thực tế là giá trị quỹ
đất thanh toán sau khi đã được điều chỉnh theo các Phụ lục Hợp đồng BT quy định
tại khoản 3 Điều này (nếu có).
Mục 2. QUY TRÌNH, THỦ TỤC THANH
TOÁN
Điều 6. Quy trình thanh toán đối
với quỹ đất đã giải phóng mặt bằng
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, các Bên ký kết
Hợp đồng BT có trách nhiệm xác định lãi vay huy động vốn đầu tư trong phương án
tài chính của Hợp đồng BT tính đến ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết
định giao đất, cho thuê đất; ký kết Phụ lục Hợp đồng BT ghi nhận giá trị Dự án
BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động vốn đầu tư.
2. Quy trình thanh toán chênh lệch giữa giá trị quỹ
đất thanh toán với giá trị Dự án BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động
vốn đầu tư xác định tại khoản 1 Điều này như sau:
a) Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn
giá trị Dự án BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động vốn đầu tư thì Nhà
đầu tư phải nộp số chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Việc thu, nộp số
chênh lệch căn cứ vào Thông báo nộp tiền của cơ quan Thuế và thực hiện theo quy
định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Khi Dự án BT hoàn thành và được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, căn cứ các Phụ
lục Hợp đồng BT, các Bên ký kết Hợp đồng BT thực hiện xác định số chênh lệch giữa
tổng giá trị điều chỉnh quỹ đất thanh toán ghi tại các Phụ lục Hợp đồng BT theo
quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này và tổng giá trị điều
chỉnh Dự án BT ghi tại các Phụ lục Hợp đồng BT theo quy định tại khoản
2 Điều 4 Thông tư này để thực hiện quyết toán việc thanh toán như sau:
- Trường hợp tổng giá trị điều chỉnh quỹ đất thanh
toán lớn hơn tổng giá trị điều chỉnh Dự án BT thì Nhà đầu tư phải nộp số chênh
lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước;
- Trường hợp tổng giá trị điều chỉnh quỹ đất thanh
toán nhỏ hơn tổng giá trị điều chỉnh Dự án BT thì Nhà nước thanh toán số chênh
lệch bằng tiền cho Nhà đầu tư.
Sau khi hoàn thành việc thanh toán quy định tại điểm
này, các Bên ký kết Hợp đồng BT ký biên bản xác nhận hoàn thành việc thanh
toán, làm cơ sở để thanh lý Hợp đồng BT theo quy định của pháp luật.
b) Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn
giá trị Dự án BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động vốn đầu tư thì số
chênh lệch được thanh toán bù trừ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình Dự án BT. Cụ thể như sau:
Căn cứ giá trị quyết toán Hợp đồng BT và giá trị quỹ
đất thanh toán thực tế, các Bên ký kết Hợp đồng BT thực hiện xác định số chênh
lệch giữa giá trị quyết toán Hợp đồng BT với giá trị quỹ đất thanh toán thực tế;
ký kết Phụ lục Hợp đồng BT ghi số chênh lệch để thực hiện thanh toán bù trừ:
- Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thực tế lớn
hơn giá trị quyết toán Hợp đồng BT thì Nhà đầu tư phải nộp số chênh lệch bằng
tiền vào ngân sách nhà nước;
- Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thực tế nhỏ
hơn giá trị quyết toán Hợp đồng BT thì Nhà nước thanh toán số chênh lệch bằng
tiền cho Nhà đầu tư.
Trường hợp Nhà nước chưa bố trí được ngân sách để
thanh toán thì có thể thỏa thuận với Nhà đầu tư để thanh toán số chênh lệch bằng
quỹ đất khác theo quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 4
Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg.
Điều 7. Quy trình thanh toán đối
với quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng
1. Trường hợp thời điểm giao đất, cho thuê đất để
thanh toán cho Nhà đầu tư trước khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng
công trình Dự án BT, quy trình thanh toán thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Trường hợp thời điểm giao đất, cho thuê đất để
thanh toán cho Nhà đầu tư đồng thời hoặc sau khi phê duyệt quyết toán vốn đầu
tư xây dựng công trình Dự án BT
Căn cứ giá trị quyết toán Hợp đồng BT và giá trị quỹ
đất thanh toán thực tế, các Bên ký kết Hợp đồng BT thực hiện xác định số chênh
lệch giữa giá trị quyết toán Hợp đồng BT với giá trị quỹ đất thanh toán thực tế;
ký kết Phụ lục Hợp đồng BT ghi số chênh lệch để thực hiện thanh toán bù trừ:
a) Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thực tế lớn
hơn giá trị quyết toán Hợp đồng BT thì Nhà đầu tư phải nộp số chênh lệch bằng
tiền vào ngân sách nhà nước. Việc thu, nộp số chênh lệch căn cứ vào Thông báo nộp
tiền của cơ quan Thuế và thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng
đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
b) Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thực tế nhỏ
hơn giá trị quyết toán Hợp đồng BT thì Nhà nước thanh toán số chênh lệch bằng
tiền cho Nhà đầu tư.
Trường hợp Nhà nước chưa bố trí được ngân sách để
thanh toán thì có thể thỏa thuận với Nhà đầu tư để thanh toán số chênh lệch bằng
quỹ đất khác theo quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 4
Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg.
Điều 8. Sử dụng quỹ đất của cơ
sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ để thanh toán Dự án BT đầu tư
xây dựng công trình tại vị trí mới quy định tại Điều 6 Quyết định số
23/2015/QĐ-TTg
1. Việc sử dụng quỹ đất của cơ sở nhà, đất thuộc sở
hữu nhà nước tại vị trí cũ để thanh toán Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại
vị trí mới được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định tại khoản 3 Điều 6 Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg;
cụ thể:
a) Bộ Tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị
sự nghiệp, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là
doanh nghiệp nhà nước) thuộc Trung ương quản lý;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý.
2. Quy trình xem xét việc sử dụng quỹ đất của cơ sở
nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ do cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương quản lý, để thanh toán Dự án BT
đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới như sau:
a) Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ có văn bản báo
cáo về nhu cầu, sự cần thiết thực hiện Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại
vị trí mới và sử dụng quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ để thanh toán; gửi:
- Cơ quan chủ quản thuộc Trung ương (Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương) đối với cơ quan
hành chính, đơn vị sự nghiệp;
- Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh
nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là người đại diện chủ
sở hữu trực tiếp) đối với doanh nghiệp nhà nước.
b) Cơ quan chủ quản, người đại diện chủ sở hữu trực
tiếp quy định tại điểm a khoản này xem xét, có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Tài
chính đề nghị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới bằng Hợp
đồng BT và thanh toán Hợp đồng BT bằng quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí
cũ.
Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến
của cơ quan chủ quản, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp; căn cứ quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Bộ Tài chính xem xét gửi lấy ý
kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ) về quy hoạch
sử dụng đất, quy hoạch xây dựng;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến về quy hoạch
sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được
văn bản gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính để Bộ Tài chính xem xét và có ý kiến bằng
văn bản gửi cơ quan chủ quản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp) hoặc
người đại diện chủ sở hữu trực tiếp (đối với doanh nghiệp nhà nước).
3. Quy trình xem xét việc sử dụng quỹ đất của cơ sở
nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ do cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý, để thanh toán Dự án BT
đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới như sau:
a) Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ có văn bản báo
cáo về nhu cầu, sự cần thiết thực hiện Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại
vị trí mới và sử dụng quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ để thanh toán; gửi:
- Cơ quan chủ quản thuộc địa phương (Sở, ngành chủ
quản, cơ quan cấp trên thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp;
- Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp đối với doanh
nghiệp nhà nước.
b) Cơ quan chủ quản, người đại diện chủ sở hữu trực
tiếp quy định tại điểm a khoản này xem xét, có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Tài
chính đề nghị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới bằng Hợp
đồng BT và thanh toán Hợp đồng BT bằng quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí
cũ.
Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến
của cơ quan chủ quản, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp; căn cứ quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với
các cơ quan có liên quan xem xét, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và
có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan chủ quản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị
sự nghiệp) hoặc người đại diện chủ sở hữu trực tiếp (đối với doanh nghiệp nhà
nước).
4. Hồ sơ đề nghị sử dụng quỹ đất của cơ sở nhà, đất
thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ để thanh toán Hợp đồng BT gồm:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất tại vị
trí cũ đề nghị được sử dụng quỹ đất tại cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ để thanh
toán Hợp đồng BT (bản chính);
b) Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản, người đại
diện chủ sở hữu trực tiếp (bản chính);
c) Hồ sơ pháp lý về nhà, đất của cơ sở nhà, đất tại
vị trí cũ (bản sao);
d) Các hồ sơ liên quan khác (bản sao).
5. Quy trình thanh toán đối với trường hợp sử dụng
quỹ đất của cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ để thanh toán Dự
án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
6. Việc thanh toán chênh lệch giữa giá trị quỹ đất
thanh toán với giá trị Dự án BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động vốn
đầu tư (đối với trường hợp chưa phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công
trình Dự án BT) hoặc giá trị quyết toán Hợp đồng BT chỉ được thực hiện bằng tiền.
Điều 9. Hồ sơ, thủ tục thanh
toán
1. Hồ sơ thanh toán Hợp đồng BT bằng quỹ đất do các
Bên ký kết hợp đồng BT lập, quản lý, lưu trữ theo quy định của pháp luật về đầu
tư xây dựng.
2. Thủ tục thanh toán
a) Căn cứ tiến độ thực tế thực hiện Dự án BT và thời
điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất để
thanh toán cho Nhà đầu tư, các Bên ký kết Hợp đồng BT có trách nhiệm thực hiện
thanh toán theo quy định tại Thông tư này, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận
thanh toán như sau:
- Cơ quan chủ quản thuộc Trung ương, người đại diện
chủ sở hữu trực tiếp đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất của cơ sở nhà,
đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp,
doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương quản lý;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp thanh
toán bằng quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ thuộc sở hữu nhà nước do cơ
quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản
lý và các trường hợp thanh toán bằng quỹ đất quy định tại khoản
1, khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
b) Cấp có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này
gửi đề nghị thanh toán đến cơ quan tài chính (Bộ Tài chính đối với trường hợp
thanh toán bằng quỹ đất của cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ
do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương
quản lý; Sở Tài chính đối với các trường hợp còn lại).
Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được
đề nghị thanh toán của cấp có thẩm quyền, cơ quan tài chính thông báo cho cơ
quan Kho bạc nhà nước để thực hiện thanh toán bằng tiền cho Nhà đầu tư hoặc thu
nộp ngân sách nhà nước từ Nhà đầu tư.
Riêng trường hợp Nhà đầu tư thực hiện nộp tiền vào
ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền
thuê đất, thuê mặt nước, cơ quan tài chính thông báo số chênh lệch cho cơ quan
Thuế để cơ quan Thuế ban hành Thông báo nộp tiền cho Nhà đầu tư theo quy định của
pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và cơ quan
Kho bạc nhà nước để thực hiện thu ngân sách nhà nước.
Điều 10. Hạch toán thu, chi
ngân sách nhà nước đối với giá trị quỹ đất thanh toán Hợp đồng BT
1. Việc hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước đối với
giá trị quỹ đất thanh toán Hợp đồng BT do cơ quan tài chính thực hiện theo quy
định của pháp luật về kế toán và pháp luật về ngân sách nhà nước. Cụ thể như
sau:
a) Bộ Tài chính thực hiện hạch toán ngân sách Trung
ương số tiền tương ứng thanh toán Hợp đồng BT đối với trường hợp thanh toán bằng
quỹ đất của cơ sở nhà, đất tại vị trí cũ thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan hành chính,
đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương quản lý.
Riêng trường hợp quỹ đất thanh toán là cơ sở nhà, đất
thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, việc hạch toán ngân sách nhà nước thực hiện theo
quy định tại Thông tư liên tịch số 138/2015/TTLT-BTC-BQP ngày 01 tháng 9 năm
2015 của liên Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng.
b) Sở Tài chính thực hiện hạch toán ngân sách địa
phương đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất của cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu
nhà nước tại vị trí cũ do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
nhà nước thuộc địa phương quản lý và các trường hợp thanh toán bằng quỹ đất quy
định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
2. Căn cứ thời điểm ban hành Quyết định giao đất,
cho thuê đất để thanh toán cho Nhà đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thời
điểm phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình Dự án BT của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tài chính thực hiện hạch toán thu, chi ngân
sách nhà nước như sau:
a) Trường hợp tại thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất chưa phê duyệt quyết toán vốn đầu tư
xây dựng công trình Dự án BT
- Căn cứ giá trị quỹ đất thanh toán (chưa bao gồm
các giá trị điều chỉnh quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này)
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện ghi thu ngân sách nhà
nước về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với giá trị quỹ đất thanh toán; đồng
thời ghi chi tạm ứng ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án BT đối với giá trị Dự
án BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động vốn đầu tư.
Việc thu hồi tạm ứng và thanh toán vốn tạm ứng thực
hiện khi cơ quan chủ quản, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp có văn bản đề
nghị thanh toán giá trị khối lượng các hạng mục của Dự án BT đã hoàn thành, được
nghiệm thu theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Định kỳ hàng năm khi kết thúc năm tài chính ngân
sách, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BT (hoặc cơ quan được ủy
quyền) báo cáo cơ quan chủ quản, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tổng hợp số
tiền đã chi ngân sách nhà nước thanh toán vốn đầu tư Dự án BT trong năm, gửi cơ
quan tài chính.
Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết
toán vốn đầu tư xây dựng công trình Dự án BT, căn cứ báo cáo của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BT (hoặc cơ quan được ủy quyền) về giá trị quyết
toán Hợp đồng BT, cơ quan tài chính thực hiện hạch toán ghi chi ngân sách nhà
nước thanh toán vốn đầu tư Dự án BT phần giá trị còn lại đã được quyết toán.
- Thực hiện ghi thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất đối với giá trị điều chỉnh tăng của quỹ đất thanh toán (nếu
có) khi Nhà đầu tư nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
b) Trường hợp tại thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất đã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư
xây dựng công trình Dự án BT; căn cứ giá trị quỹ đất thanh toán thực tế sau khi
tổng hợp các giá trị điều chỉnh quy định tại khoản 3 Điều 5
Thông tư này, thực hiện ghi thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất, tiền
thuê đất và ghi chi ngân sách nhà nước thanh toán vốn đầu tư Dự án BT; cụ thể
như sau:
- Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thực tế lớn
hơn giá trị quyết toán Hợp đồng BT thì ghi thu, ghi chi theo giá trị quyết toán
Hợp đồng BT. Khi Nhà đầu tư nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì thực hiện ghi
thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với số chênh lệch
giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị quyết toán Hợp đồng BT;
- Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thực tế nhỏ
hơn giá trị quyết toán Hợp đồng BT thì ghi thu ngân sách nhà nước về tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất đối với giá trị quỹ đất thanh toán, ghi chi ngân sách nhà nước
thanh toán vốn đầu tư Dự án BT đối với giá trị quyết toán Hợp đồng BT.
Mục 3. XÁC ĐỊNH DIỆN TÍCH ĐẤT CỦA
QUỸ ĐẤT THANH TOÁN TƯƠNG ỨNG VỚI PHẦN NGHĨA VỤ TÀI CHÍNH ĐÃ HOÀN THÀNH
Điều 11. Xác định diện tích đất
của quỹ đất thanh toán tương ứng với phần nghĩa vụ tài chính đã hoàn thành
1. Diện tích đất của quỹ đất thanh toán tương ứng với
phần nghĩa vụ tài chính đã hoàn thành làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Nhà đầu tư theo
quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5, khoản 10 Điều 6 Quyết định
số 23/2015/QĐ-TTg bao gồm:
a) Phần diện tích đất của quỹ đất thanh toán tương ứng
với phần giá trị Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Định kỳ các Bên ký kết Hợp đồng BT tiến hành xác nhận
khối lượng và giá trị Dự án BT hoàn thành theo quy định của pháp luật về đầu tư
xây dựng. Thời gian định kỳ xác nhận khối lượng và giá trị Dự án BT hoàn thành
do các Bên ký kết Hợp đồng BT quy định tại hợp đồng BT.
b) Phần diện tích đất của quỹ đất thanh toán tương ứng
với phần nghĩa vụ tài chính đã hoàn thành của phần giá trị chênh lệch mà Nhà đầu
tư đã nộp vào ngân sách nhà nước quy định tại điểm a khoản 2 Điều
6, khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
2. Trên cơ sở giá trị các hạng mục công trình của Dự
án BT đã hoàn thành theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng quy định tại
điểm a khoản 1 Điều này, số tiền Nhà đầu tư đã nộp vào ngân sách nhà nước quy định
tại điểm b khoản 1 Điều này và thực tế của quỹ đất thanh toán, Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương xác định vị trí, diện
tích của quỹ đất thanh toán để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở
hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Nhà đầu tư theo quy định của
pháp luật về đất đai.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Xử lý chuyển tiếp
1. Các Hợp đồng BT thanh toán bằng giao quỹ đất cho
Nhà đầu tư để thực hiện Dự án khác ký kết theo quy định của pháp luật trước thời
điểm Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành thực hiện theo quy định
tại Hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật có liên quan; không áp dụng
hoặc điều chỉnh theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Các Hợp đồng BT thanh toán bằng giao quỹ đất cho
Nhà đầu tư để thực hiện Dự án khác ký kết kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2015 thực
hiện theo quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư
này.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 01 năm 2016.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề
nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP Tổng bí thư; VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước; VP Chính phủ;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ Tài chính, Cục QLCS;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, QLCS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Chí
|