Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 10/2016/TT-BTC thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh

Số hiệu: 10/2016/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trương Chí Trung
Ngày ban hành: 19/01/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Thông tư 10/2016/TT-BTC hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hướng dẫn việc đăng ký giao dịch bảo đảm; chế độ báo cáo và trách nhiệm của các bên đối với việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

 

1. Ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh

- Thông tư 10 quy định việc thế chấp tài sản cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được thực hiện đối với toàn bộ tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, thông qua việc ký kết một hoặc nhiều Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng theo tính chất của từng loại tài sản thế chấp để đảm bảo việc đăng ký giao dịch bảo đảm và trước khi Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh.

- Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết căn cứ vào xác nhận của công ty kiểm toán độc lập nếu có tài sản phát sinh mới hoặc thay thế trong năm, được hoàn thành trước ngày 30/6 của năm liền kề năm phát sinh.

2. Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay Chính phủ bảo lãnh

- Đối với việc thế chấp tài sản đã hình thành: Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư số 10/2016 của Bộ Tài chính.

- Đối với việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai:

+ Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 10/2016/BTC.

+ Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư số 10/2016/TT-BTC.

+ Trong trường hợp Bên thế chấp được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thay thế tài sản thế chấp, Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư 10 năm 2016 của Bộ Tài chính.

3. Đăng ký giao dịch bảo đảm

- Hợp đồng thế chấp tài sản phải được Bên thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm hoặc tại cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật về giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

- Theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTC, đối với tài sản chưa có quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, Bên thế chấp báo cáo Bộ Tài chính ngay trong hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh để trình Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Bên thế chấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và đầy đủ của hồ sơ có liên quan đến việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

- Bên thế chấp chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm.

 

Thông tư 10 có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2016

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THẾ CHẤP TÀI SẢN ĐỂ BẢO ĐẢM CHO KHOẢN VAY ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc đăng ký giao dịch bảo đảm; chế độ báo cáo và trách nhiệm của các bên đối với việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

2. Thông tư này áp dụng đối với bên nhận thế chấp, bên thế chấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên nhận thế chấp: là Bộ Tài chính.

2. Bên thế chấp: là chủ đầu tư dự án, người được bảo lãnh hoặc tổ chức, cá nhân khác dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh theo quy định của pháp luật và hợp đồng có liên quan.

3. Dự án: là dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh.

4. Hợp đồng thế chấp tài sản hoặc Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (sau đây gọi tắt là Hợp đồng thế chấp tài sản) là Hợp đồng được ký kết giữa Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của người được bảo lãnh đối với Bộ Tài chính theo phê duyệt cấp bảo lãnh Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ.

5. Tài sản thế chấp cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh: là tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và tài sản khác thuộc sở hữu của Bên thế chấp, quyền sử dụng đất của Bên thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của Bên thế chấp theo quy định của pháp luật.

6. Công ty kiểm toán độc lập: là công ty kiểm toán thuộc danh sách Công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng do Bộ Tài chính công bố hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành.

7. Các từ ngữ khác đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được sử dụng theo định nghĩa đó.

Điều 3. Nguyên tắc chung về tài sản thế chấp

1. Không được dùng tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác.

2. Danh mục và giá trị tài sản thế chấp được Công ty kiểm toán độc lập xác nhận hàng năm.

3. Đối với các tài sản hình thành từ nguồn vốn được Chính phủ bảo lãnh và các nguồn vốn khác, trường hợp Bên thế chấp có nhu cầu thế chấp một phần tài sản theo tỷ trọng vốn hình thành nên tài sản đó cho bên thứ ba:

a) Chỉ được thế chấp phần giá trị vượt quá dư nợ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ và phải có ý kiến của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

b) Các bên thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật.

4. Bên thế chấp chỉ được thay thế tài sản đang thế chấp bằng tài sản khác có giá trị tương đương nếu được Bên nhận thế chấp cho phép bằng văn bản.

5. Việc chuyển nhượng, chuyển giao tài sản thế chấp gắn liền với việc chuyển nhượng, chuyển giao Dự án hoặc bán, trao đổi tài sản thế chấp của Bên thế chấp phải có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bộ Tài chính. Người nhận chuyển nhượng, người nhận chuyển giao kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, trách nhiệm của Bên thế chấp về tài sản thế chấp tương ứng với phạm vi chuyển nhượng và có trách nhiệm thực hiện các thủ tục có liên quan tới điều chỉnh Hợp đồng thế chấp tài sản, đăng ký bổ sung giao dịch bảo đảm cùng thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc chuyển giao.

Điều 4. Giá trị tài sản thế chấp

1. Đối với quyền sử dụng đất: được xác định theo quy định tại bảng khung giá đất do UBND tỉnh, thành phố nơi có tài sản, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Đối với các tài sản khác từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và tài sản khác thuộc sở hữu của Bên thế chấp:

3. Đối với tài sản đã hình thành: được xác định theo giá trị sổ sách phù hợp với quy định của pháp luật, do một công ty kiểm toán độc lập xác nhận.

4. Đối với tài sản hình thành trong tương lai: bằng giá thỏa thuận trong các hợp đồng thương mại đã ký được tài trợ từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; khi quyết toán Dự án bằng chi phí thực tế phải trả để hình thành tài sản theo hóa đơn chứng từ liên quan được phê duyệt.

Điều 5. Hủy bỏ và chấm dứt thế chấp tài sản

Việc hủy bỏ và chấm dứt Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của Bên thế chấp thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng

1. Việc thế chấp tài sản cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được thực hiện đối với toàn bộ tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, thông qua việc ký kết một hoặc nhiều Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng giữa Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp theo tính chất của từng loại tài sản thế chấp để đảm bảo việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật và trước khi Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh.

2. Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp căn cứ vào xác nhận của công ty kiểm toán độc lập nếu có tài sản phát sinh mới hoặc thay thế trong năm, được hoàn thành trước ngày 30/6 của năm liền kề năm phát sinh.

Điều 7. Hợp đồng thế chấp tài sản và Phụ lục Hợp đồng

1. Đối với việc thế chấp tài sản đã hình thành: Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư này.

2. Đối với việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai:

a) Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư này.

b) Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này.

c) Trong trường hợp Bên thế chấp được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thay thế tài sản thế chấp, Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này.

Điều 8. Đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Hợp đồng thế chấp tài sản phải được Bên thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) hoặc tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Đối với tài sản chưa có quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, Bên thế chấp báo cáo Bộ Tài chính ngay trong hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh để trình Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.

3. Bên thế chấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và đầy đủ của hồ sơ có liên quan đến việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

4. Bên thế chấp chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 9. Thời hạn đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Đối với việc thế chấp tài sản đã hình thành:

a) Trong vòng 30 ngày sau khi Hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết và công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, Bên thế chấp thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

b) Trong vòng 10 ngày sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký, Bên thế chấp nộp lại cho Bên nhận thế chấp.

2. Đối với việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai:

a) Trong vòng 30 ngày sau khi Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai được ký kết và công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, Bên thế chấp thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.

b) Trong vòng 10 ngày sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký, Bên thế chấp nộp lại cho Bên nhận thế chấp.

c) Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản trong năm có phát sinh mới được ký kết và công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, căn cứ vào xác nhận của công ty kiểm toán độc lập và hoàn thành trước ngày 30/6 của năm liền kề năm phát sinh.

d) Bên thế chấp thực hiện việc ký kết Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản và đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm nếu có sai khác so với thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản hình thành trong tương lai trong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành quyết toán Dự án.

đ) Trong vòng 10 ngày sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm sửa đổi do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký, Bên thế chấp nộp lại cho Bên nhận thế chấp.

3. Bên thế chấp nộp cho Bên nhận thế chấp các hồ sơ gốc khác có liên quan đến tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm cùng với Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký.

Điều 10. Quản lý hồ sơ tài sản thế chấp

1. Bên nhận thế chấp lưu giữ các hồ sơ gốc liên quan tới tài sản thế chấp và đăng ký tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản được sử dụng để thế chấp cho nhiều bên, các bên nhận thế chấp sẽ thỏa thuận bên lưu giữ hồ sơ gốc hoặc giao cho một tổ chức độc lập lưu giữ.

2. Tài sản thế chấp được Bên nhận thế chấp theo dõi trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, bảng kê mô tả tài sản đăng ký giao dịch bảo đảm.

3. Sau khi quyết toán Dự án và nhận được Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm sửa đổi do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư này, trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận, Bên thế chấp gửi danh sách toàn bộ tài sản thế chấp kèm theo mô tả cho Bên nhận thế chấp cùng với Giấy chứng nhận.

Điều 11. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo định kỳ

Trước ngày 30/6 hàng năm, Bên thế chấp có trách nhiệm gửi báo cáo cho Bên nhận thế chấp về tình hình tài sản thế chấp của khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đến ngày 31/12 của năm liền kề trước đó kèm theo xác nhận của Công ty kiểm toán độc lập theo mẫu tại Phụ lục 5 hoặc Phụ lục 6 của Thông tư này.

2. Báo cáo đột xuất và báo cáo theo yêu cầu

Khi có yêu cầu hoặc khi giá trị tài sản thế chấp biến động bất thường trên 10% tổng giá trị tài sản thế chấp so với lần báo cáo gần nhất, Bên thế chấp có trách nhiệm báo cáo ngay cho Bên nhận thế chấp về những thay đổi liên quan đến tài sản thế chấp theo mẫu tại Phụ lục 5 hoặc Phụ lục 6 của Thông tư này.

Điều 12. Xử lý vi phạm đối với Bên thế chấp

Trường hợp Bên thế chấp không thực hiện các quy định về thế chấp tài sản theo quy định tại Thông tư này cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo một hoặc nhiều biện pháp như sau:

1. Yêu cầu Bên cho vay tạm ngừng việc giải ngân đối với khoản vay đang rút vốn.

2. Không xem xét cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay mới hoặc không phê duyệt dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ của Bên thế chấp (nếu có).

3. Yêu cầu Bên thế chấp trả nợ trước hạn toàn bộ dư nợ cho Bên cho vay để thu hồi bảo lãnh đối với khoản vay đang rút vốn hoặc đã hoàn thành việc giải ngân tính đến thời điểm vi phạm.

4. Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của Bên thế chấp

1. Phối hợp với Bộ Tài chính để ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh trước khi Bộ Tài chính phát hành Thư bảo lãnh.

2. Thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện đánh giá hoặc kiểm kê định kỳ, đột xuất tài sản thế chấp theo quy định và báo cáo Bên nhận thế chấp về kết quả đánh giá, kiểm kê.

4. Thanh toán mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc đăng ký tài sản thế chấp.

5. Mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp thông tin chính xác, trung thực, kịp thời về tình hình tài sản thế chấp cho Bên nhận thế chấp và tuân thủ chế độ báo cáo đầy đủ, đúng hạn theo quy định tại Thông tư này.

7. Quản lý, sử dụng tài sản thế chấp cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đúng mục đích và theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Điều 14. Trách nhiệm của Bên nhận thế chấp

1. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tài sản chưa có quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

2. Lưu trữ các hồ sơ gốc về hợp đồng thế chấp tài sản, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm.

3. Theo dõi biến động danh mục đăng ký tài sản thế chấp trên cơ sở báo cáo của Bên thế chấp.

4. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp vi phạm việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp của Bên thế chấp theo quy định về thế chấp tài sản tại Thông tư này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2016.

2. Trường hợp các văn bản trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trường hợp khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã cấp Thư bảo lãnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và theo quy định pháp luật về bảo lãnh Chính phủ tại thời điểm cấp Thư bảo lãnh không phải thế chấp tài sản thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật tại thời điểm cấp Thư bảo lãnh.

2. Trường hợp khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã cấp Thư bảo lãnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, theo quy định pháp luật phải thế chấp tài sản và vẫn còn dư nợ vay, thực hiện như sau:

a) Nếu Bên thế chấp đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản và đã đăng ký giao dịch bảo đảm, Bên thế chấp thực hiện các quy định về chế độ báo cáo, hủy bỏ hoặc chấm dứt thế chấp tài sản theo hướng dẫn của Thông tư này và các quy định có liên quan của Hợp đồng thế chấp tài sản đã ký.

b) Nếu Bên thế chấp đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản và chưa đăng ký giao dịch bảo đảm, Bên thế chấp thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Bộ Tài chính; thực hiện các quy định về chế độ báo cáo, hủy bỏ hoặc chấm dứt thế chấp tài sản theo hướng dẫn của Thông tư này và các quy định có liên quan của Hợp đồng thế chấp tài sản đã ký.

c) Nếu Bên thế chấp chưa ký Hợp đồng thế chấp tài sản, Bên thế chấp thực hiện việc thế chấp tài sản theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính, Bên thế chấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng,
chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website B
ộ Tài chính;
- Lưu VT, QLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

PHỤ LỤC 1

MẪU HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN CHO KHOẢN VAY ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH
(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN

Số:……………….

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của nước CHXHCN Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương (đối với trường hợp bảo lãnh phát hành trái phiếu);

Căn cứ Thông tư số /2016/TT-BTC ngày / /2016 hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

Căn cứ văn bản số... ngày... của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay Ngân hàng …cho Dự án…

Theo thỏa thuận của các bên,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN NHẬN THẾ CHẤP (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại:……………………………………………………………

Điện thoại:…………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:…………...... ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN THẾ CHẤP (Bên B)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ………………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ………………. số fax: ……………… Email:...

- Họ và tên người đại diện: ……… Chức vụ: …… Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……. ngày …./…../….. do ………………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …………. cấp ngày …./…./…… tại: ………

- Địa chỉ liên hệ: …………………………….......

Để đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ theo dư nợ đã có hoặc sẽ phát sinh trong tương lai của Bên B với Bên A theo Hợp đồng vay ký giữa Bên B và … ngày … được Chính phủ bảo lãnh trị giá …, các bên cùng nhau thỏa thuận ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay … của Bên B để đầu tư Dự án … với các nội dung sau:

Điều 1. Tài sản thế chấp:

Bên B thế chấp cho Bên A tất cả các tài sản, quyền, lợi ích của Bên B gắn liền với khoản vay và Dự án như sau:

1.1. Bên B là chủ sở hữu hợp pháp các tài sản và các quyền, lợi ích liên quan đến tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo Hợp đồng vay ký ngày … giữa… và các tài sản khác (nếu có) sau đây:

a) Các hạng mục kiến trúc công trình, máy móc thiết bị, tư vấn, giải phóng mặt bằng… cấu thành nên Dự án ….

b) Quyền nhận tiền bồi hoàn và/hoặc thanh toán liên quan đến thụ hưởng các bảo lãnh hợp đồng; bảo hiểm xây dựng hoặc bảo hiểm tài sản (trong thời gian xây dựng và vận hành) được nêu tại Điều 3.4.8 của Hợp đồng này.

c) Quyền khai thác, sử dụng Dự án (sử dụng đất, tài nguyên, kinh doanh…)

1.2. Các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu tài sản của Bên B bao gồm :(ghi rõ loại tài sản, số lượng chất lượng, các thông tin chi tiết về tài sản như nhãn hiệu, số seri, diện tích…)

……………………………………………………………………

…………………………………………………………………

1.3. Tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ Dự án .., trên thửa đất được cơ quan có thẩm quyền giao cho Bên B sử dụng (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: …):

a) Tài sản gắn với thửa đất:

b) Thửa đất:

- Thửa đất số: ; - Tờ bản đồ số:

- Địa chỉ thửa đất:

- Diện tích: (Bằng chữ: …)

- Thời hạn sử dụng:

- Nguồn gốc sử dụng:

1.4. Giá trị tài sản:

Tài sản từ nguồn vốn vay được xác định giá trị trên cơ sở Hợp đồng … (có giá trị chưa bao gồm thuế là …) đã ký giữa Bên B và … ngày … được thanh toán từ Hợp đồng vay đã ký giữa Bên B và … ngày … và các tài sản khác được thanh toán từ Hợp đồng vay (nếu có); Quyết định phê duyệt Dự án số … ngày … (với tổng mức đầu tư được duyệt là …) của … và các văn bản khác có liên quan tới Hợp đồng thương mại.

Bên B có trách nhiệm phối hợp với Bên A định giá lại tài sản theo quy định của pháp luật, được lập thành biên bản định giá, được coi là bộ phận không tách rời và có giá trị pháp lý theo Hợp đồng này.

Giá trị tài sản thế chấp tại Điều này không được áp dụng khi xử lý tài sản thế chấp. Các bên sẽ thống nhất phương thức định giá tài sản thế chấp tại thời điểm xử lý. Trường hợp không thỏa thuận được, Bên A có quyền quyết định việc định giá, Bên B bằng Hợp đồng này cam kết chấp thuận kết quả định giá của Bên A mà không khiếu nại, khiếu kiện.

1.4. Các trường hợp thuộc tài sản thế chấp:

- Phần giá trị tăng lên do sửa chữa, thay thế bộ phận, nâng cấp tài sản cũng thuộc tài sản thế chấp.

- Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm, khi phát sinh sự kiện bảo hiểm thì toàn bộ số tiền bồi thường bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp.

1.5. Định giá lại tài sản thế chấp trong các trường hợp sau :

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp : cổ phần hóa, bán hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo các hình thức khác.

- Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nghĩa vụ được bảo đảm:

Bên B tự nguyện đem Tài sản được nêu tại khoản 1.1 Điều 1 thế chấp cho Bên A để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Bên B theo Tổng trị giá bảo lãnh bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả (nếu có), chi phí huỷ khoản vay và lệ phí, chi phí như được đề cập tại Thư bảo lãnh cho Hợp đồng vay đã ký giữa Bên B và … ngày … trong đó số tiền gốc là … (Bằng chữ: …), phí bảo lãnh và cho nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi, lãi chậm trả) của Bên B đối với Quỹ Tích lũy trả nợ phát sinh (nếu có) theo khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của các bên:

3.1 Quyền của Bên A:

3.1.1) Yêu cầu Bên B giao bản chính các giấy tờ về tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Bên A (nếu có);

3.1.2) Yêu cầu Bên B thông báo kịp thời tiến độ hình thành tài sản; sự thay đổi tài sản thế chấp; cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp. Được xem xét, kiểm tra trực tiếp theo định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tài sản thế chấp khi đã hình thành; yêu cầu Bên B thay thế, bổ sung bằng tài sản khác khi giá trị tài sản thế chấp suy giảm hoặc mất giá trị do khấu hao hoặc hao mòn tự nhiên (nếu có) hoặc vì bất kỳ lý do nào khác.

3.1.3) Yêu cầu Bên B phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản hoặc thế chấp bằng tài sản khác nếu tài sản thế chấp bị mất, hư hỏng, có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. Nếu Bên B không thực hiện thì Bên A được áp dụng các biện pháp để Bên B phải thực thiện nghĩa vụ này.

3.1.4) Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Bên B hoặc bên thứ ba giữ tài sản thế chấp bàn giao tài sản đó cho Bên A để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

3.1.5) Xử lý tài sản để Bên B thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 4 Hợp đồng này;

3.1.6) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Nghĩa vụ của Bên A:

3.2.1) Giữ và bảo quản giấy tờ về tài sản thế chấp; bồi thường thiệt hại cho Bên B nếu làm mất, hỏng giấy tờ về tài sản thế chấp;

3.2.2) Trả lại giấy tờ về tài sản (nếu có) tương ứng với số nợ Bên B đã trả, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của tài sản thế chấp còn lại.

3.2.3) Trả lại giấy tờ về tài sản khi Bên B hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm tiền vay khác.

3.2.4) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3.3. Quyền của Bên B:

3.3.1) Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp;

3.3.2) Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp; giá trị tăng thêm cũng thuộc tài sản thế chấp nêu tại khoản 1.4, Điều 1 Hợp đồng này.

3.3.3) Yêu cầu Bên A bồi thường thiệt hại nếu giấy tờ về tài sản thế chấp bị mất, hư hỏng;

3.3.4) Trong trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bên A, được bán, chuyển nhượng một phần tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh với giá trị tương ứng (theo tỷ lệ so với giá trị TSBĐ) với số tiền đã thực hiện nghĩa vụ, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của phần tài sản còn lại;

3.3.5) Nhận lại giấy tờ về tài sản thế chấp (nếu có) khi hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm nêu tại Điều 2 của Hợp đồng này hoặc thay thế bằng tài sản khác trên cơ sở chấp thuận bằng văn bản của Bên A.

3.3.6). Được bổ sung, thay thế tài sản bằng tài sản thế chấp khác có giá trị tương đương nếu được Bên A cho phép bằng văn bản.

3.4. Nghĩa vụ của Bên B:

3.4.1) Báo cáo kịp thời cho Bên A tiến độ hình thành tài sản và sự thay đổi tài sản thế chấp; gửi đồng thời cho Bên A báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản cuối kỳ kế toán năm, trước khi lập báo cáo tài chính;

3.4.2) Giao bản chính các giấy tờ về tài sản thế chấp hình thành trong tương lai cho Bên A khi ký Hợp đồng thế chấp (nếu có);

3.4.3) Thông báo cho Bên A và trên cơ sở ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bên A về quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp (nếu có). Trong trường hợp không thông báo thì Bên A có quyền yêu cầu Bên B bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp nếu (các) bên thứ ba ký xác nhận đồng ý về việc thế chấp tài sản theo hợp đồng này;

3.4.4) Thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp, đăng ký/xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Bên A; chịu trách nhiệm thanh toán chi phí công chứng, chứng thực, đăng ký, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;

3.4.5) Thanh toán mọi chi phí phát sinh liên quan đến các nghiệp vụ về tài sản thế chấp trong suốt quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp tài sản và xử lý tài sản thế chấp;

3.4.6) Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn, góp vốn liên doanh tài sản đang thế chấp, không được thay đổi mục đích sử dụng tài sản trừ trường hợp được Bên A chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp bán tài sản thế chấp thì số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho tài sản đã bán;

3.4.7) Chấp nhận sự kiểm tra theo định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất của Bên A trong quá trình bảo quản, sử dụng tài sản;

3.4.8) Mua bảo hiểm vật chất đối với tài sản thế chấp trong thời gian đảm bảo nghĩa vụ (theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Bên A) và hợp đồng bảo hiểm nêu rõ người thụ hưởng là Bên A; Trường hợp Bên B đã mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp. Quyền thụ hưởng tiền bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm thuộc về Bên A. Bên B đảm bảo rằng Bên A được ghi tên trong các hợp đồng bảo hiểm sau thời điểm ký kết Hợp đồng này với tư cách là bên thụ hưởng bảo hiểm đầu tiên. Thời hạn bảo hiểm không được ít hơn thời hạn thế chấp. Mức bảo hiểm không thấp hơn giá thị trường của tài sản cùng loại tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm. Tiền bảo hiểm được thụ hưởng được sử dụng để thu nợ (kể cả trước hạn) của Bên B trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bên A xem xét chuyển tiền bảo hiểm cho Bên B hưởng và sử dụng khi Bên B đảm bảo thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ phát sinh theo Hợp đồng vay được Chính phủ bảo lãnh và các Hợp đồng khác có liên quan tới khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã ký với Bên B tại thời điểm nhận tiền bảo hiểm:

a) Trong giai đoạn xây dựng và giá trị tiền bảo hiểm được nhận dưới 5% giá trị công trình, Bên A chuyển trả tiền bảo hiểm cho Bên B để khắc phục hậu quả;

b) Khi đã hoàn thành giai đoạn xây dựng, Bên A chuyển một phần tiền bảo hiểm nhận được từ cơ quan bảo hiểm cho Bên B để khắc phục sự cố tùy theo từng trường hợp cụ thể nhưng tối thiểu phải giữ lại số tiền bảo hiểm bằng nghĩa vụ của một kỳ trả nợ kế tiếp.

3.4.9) Phải bảo quản an toàn, áp dụng các biện pháp cần thiết kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng của tài sản, nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản thế chấp; nếu làm mất, hư hỏng thì phải sửa chữa khôi phục giá trị, bổ sung tài sản thế chấp, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận hoặc thực hiện nghĩa vụ trước hạn cho Bên A;

3.4.10) Phối hợp với Bên A tiến hành các thủ tục nhận tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm để thực hiện nghĩa vụ đối với Bên A trong trường hợp tài sản thế chấp mất, hư hỏng mà tài sản đó đã được bảo hiểm; việc sử dụng tiền bảo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc nêu tại khoản 3.4.8 Điều này.

3.4.11) Phối hợp với Bên A xử lý tài sản thế chấp và thanh toán các chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản (nếu có phát sinh).

3.4.12) Trường hợp có thỏa thuận Bên B được tạm giữ giấy tờ tài sản theo quy định của pháp luật:

- Phải bảo quản an toàn giấy tờ tài sản; nếu làm mất, hư hỏng, thì phải bổ sung tài sản, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận;

- Giao lại giấy tờ tài sản thế chấp khi Bên A có yêu cầu.

3.4.13) Trả phí thi hành án, tất cả các chi phí phát sinh khác, bao gồm cả phí luật sư trong trường hợp Bên A khởi kiện Bên B để thu hồi nợ.

3.4.14) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Xử lý tài sản

4.1. Bên A được quyền xử lý tài sản trong các trường hợp sau:

4.1.1) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

4.1.2) Xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp Bên B bị phá sản theo quy định tại Điều 57 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

4.1.3) Bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào trưng thu, quốc hữu hóa, tịch biên hoặc trưng dụng dưới hình thức khác toàn bộ hoặc một phần đáng kể tài sản của Bên B; tiến hành cầm giữ hoặc kiểm soát tài sản, hoạt động kinh doanh của Bên B; thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm giải thể hay phá sản Bên B phù hợp với quy định của pháp luật về giải thể, phá sản doanh nghiệp.

4.1.4) Bất kỳ quy định nào của tài liệu giao dịch hoặc hồ sơ pháp lý của Bên B là vô hiệu hoặc bất hợp pháp hoặc bị bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào, hoặc tòa án bất kỳ tuyên bố là vô giá trị; vô hiệu hoặc bất hợp pháp toàn bộ hay một phần.

4.1.5) Tòa án, trọng tài trong hoặc ngoài nước tuyên một bản án, đưa ra phán quyết chống lại Bên B mà bản án hoặc quyết định đó theo ý kiến của Bên A sẽ có thể dẫn đến thay đổi bất lợi đáng kể, có ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Bên B đối với Bên A hoặc có ảnh hưởng tới các tài sản mà Bên B đã thế chấp cho Bên A.

4.1.6) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Phương thức xử lý tài sản

4.2.1) Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bên A, Bên B phải chủ động phối hợp với Bên A xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ; Quá thời hạn trên, Bên A có quyền xử lý tài sản thế chấp mà không cần ý kiến của Bên B.

4.2.2) Bên B phải bàn giao tài sản cho Bên A theo thông báo của Bên A; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà Bên B không giao tài sản thì Bên A có quyền thu giữ tài sản để xử lý; Bên B phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản thế chấp; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản thế chấp mà gây thiệt hại cho Bên A thì phải bồi thường.

4.2.3) Bên A có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để xử lý tài sản thế chấp:

- Bán tài sản thế chấp;

- Bên A nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của Bên B;

- Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

4.3. Bán tài sản thế chấp

4.3.1) Bên A chủ động quyết định phương thức bán tài sản thế chấp, Bên A phối hợp với Bên B bán tài sản trực tiếp cho người mua hoặc ủy quyền cho bên thứ ba bán tài sản cho người mua. Bên thứ ba được ủy quyền bán tài sản có thể là Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng được mua tài sản để bán. Nếu Bên A trực tiếp bán tài sản thì phải báo trước cho Bên B về địa điểm, thời gian ít nhất 7 ngày để Bên B tham gia (trừ trường hợp đối với những tài sản mà pháp luật quy định người xử lý tài sản có quyền xử lý ngay). Sự vắng mặt của Bên B không ảnh hưởng đến việc bán tài sản thế chấp.

4.3.2) Bên B cam đoan tạo mọi điều kiện thuận lợi, không làm bất cứ điều gì gây khó khăn trở ngại đến việc bán tài sản thế chấp; phối hợp với Bên A để xử lý tài sản. Bên B ủy quyền cho Bên A lập, ký tên trên các giấy tờ liên quan; thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan tới tài sản thế chấp và việc bán tài sản thế chấp.

4.3.3) Bên A có quyền bán tài sản với giá khởi điểm do Bên A tự xác định hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xác định.

4.3.4) Bên A có quyền quyết định giảm từ 5% giá bán tài sản so với giá bán lần trước liền kề, sau mỗi lần thực hiện bán tài sản thế chấp không thành công.

4.3.5) Trường hợp tài sản thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ bao gồm nhiều tài sản, Bên B đồng ý để Bên A được lựa chọn tài sản cụ thể để xử lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, phù hợp với quy định của pháp luật.

4.3.6) Số tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi các chi phí cho việc bán tài sản, sẽ dùng để thanh toán các nghĩa vụ của Bên B cho Bên A theo các thứ tự sau:

(i) toàn bộ dư nợ còn lại của khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

(ii) các khoản nợ mà Bên B vay của Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

(iii) nợ ngân sách nhà nước hoặc các quỹ do Bộ Tài chính quản lý liên quan đến việc ứng vốn trả nợ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

(iv) phí bảo lãnh có liên quan tới khoản vay;

(v) phí dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về giao dịch bảo đảm cho Tổ chức dịch vụ (nếu có).

Phần còn dư sẽ trả lại cho Bên B hoặc Bên nhận chuyển nhượng, Bên nhận chuyển giao tài sản thế chấp; nếu còn thiếu thì Bên B hoặc Bên nhận chuyển nhượng, Bên nhận chuyển giao tài sản thế chấp, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ còn lại đối với Bên A.

4.3.7) Bên B bằng Hợp đồng này ủy quyền và chỉ định không hủy ngang cho Bên A làm người đại diện theo ủy quyền của Bên B thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Bên B và ký kết bất kỳ văn kiện nào cần thiết trong trường hợp bán tài sản phải qua đấu giá tại Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng mua tài sản để bán.

4.4. Mọi vấn đề khác có liên quan đến xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo qui định của pháp luật.

Điều 5. Giải quyết tranh chấp:

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng này nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa án nơi Bên A đóng trụ sở hoặc trọng tài để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Quyết định của tòa án, trọng tài có hiệu lực bắt buộc đối với các bên theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các thỏa thuận khác:

6.1. Chuyển nhượng

Hợp đồng này có hiệu lực bắt buộc đối với các bên kế nhiệm và bên nhận chuyển nhượng và bên nhận chuyển giao được phép tương ứng của các Bên trong Hợp đồng này và các bên kế nhiệm, nhận chuyển nhượng, chuyển giao được phép đó được hưởng các lợi ích theo Hợp đồng này. Bên B không được chuyển nhượng hoặc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ nào theo Hợp đồng này hoặc tài liệu giao dịch khác trừ khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên A.

6.2. Không từ bỏ quyền

Việc Bên A không thực hiện hoặc chậm thực hiện bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không được xem là sự từ bỏ các quyền đó. Việc thực hiện riêng rẽ hoặc một phần bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không cản trở việc thực hiện các quyền khác theo Hợp đồng này.

6.3. Hiệu lực từng phần

Tất cả điều khoản và từng phần của các điều khoản của Hợp đồng này sẽ có hiệu lực riêng rẽ và độc lập với các điều khoản khác. Nếu có bất kỳ điều khoản vô hiệu, bất hợp pháp hoặc không thể thi hành theo pháp luật Việt Nam, thì hiệu lực, tính hợp pháp và khả năng thi hành các điều khoản còn lại của Hợp đồng này sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào. (Những thỏa thuận khác ngoài thỏa thuận đã nêu tại Hợp đồng này nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của Bên A và tùy thỏa thuận của hai Bên…).

Điều 7. Cam đoan của các bên

Bên A và Bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam đoan sau đây:

7.1. Bên A cam đoan:

7.1.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân của Bên A đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền và đúng sự thật.

7.1.2) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.

7.1.3) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

7.2. Bên B cam đoan:

7.2.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân, về tài sản và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của Bên B đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền, hợp pháp, hợp lệ và đúng sự thật.

7.2.2) Tài sản thuộc trường hợp được thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật.

7.2.3) Tại thời điểm giao kết Hợp đồng này:

+ Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp, được phép giao dịch và không có tranh chấp.

+ Tài sản không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

7.2.4) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc.

7.2.5) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

7.2.6) Cam kết sửa đổi Hợp đồng này theo yêu cầu của Bên A phù hợp theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hiệu lực của Hợp đồng:

8.1. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký. Mọi sửa đổi, bổ sung phải được sự đồng ý của các bên trong hợp đồng và được lập thành văn bản.

8.2. Hợp đồng này hết hiệu lực trong các trường hợp sau:

8.2.1) Bên B đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm của Hợp đồng thế chấp này, được Bên A chấp nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định;

8.2.2) Các bên thỏa thuận đảm bảo nghĩa vụ bằng biện pháp khác;

8.2.3) Tài sản thế chấp đó được xử lý để thực hiện nghĩa vụ.

8.3. Hợp đồng gồm có ….. trang, được lập thành 02 (hai) bản gốc có giá trị pháp lý như nhau, Bên A giữ 01 (một) bản gốc, Bên B giữa 01 (một) bản gốc.

8.4. Hợp đồng này có thể được sửa đổi theo yêu cầu của hai Bên Bằng văn bản, phù hợp với quy định của pháp luật.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN BÊN B

CÁC ĐỒNG SỞ HỮU

(nếu có)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên, tên đệm và đóng dấu)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên, tên đệm và đóng dấu)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên, tên đệm và đóng dấu)

PHỤ LỤC 2

MẪU HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI CHO KHOẢN VAY ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH

(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP
TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

Số:……………….

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương (đối với trường hợp bảo lãnh phát hành trái phiếu);

Căn cứ Thông tư số /2016/TT-BTC ngày / /2016 hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

Căn cứ văn bản số ... ngày của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản vay Ngân hàng… cho Dự án… Theo thỏa thuận của các bên,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN NHẬN THẾ CHẤP (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại:……………………………………………………………

Điện thoại:…………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:…… ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN THẾ CHẤP (Bên B)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ……………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ……… số fax: ……………… Email: .........................

- Họ và tên người đại diện: ……. Chức vụ: …………… Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……. ngày …./…../….. do ………………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …… cấp ngày …./…./…… tại: ……………

- Địa chỉ liên hệ: …………………………………………………….......

Để đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ theo dư nợ đã có hoặc sẽ phát sinh trong tương lai của Bên B với Bên A theo Hợp đồng vay ký giữa Bên B và Ngân hàng … ngày … được Chính phủ bảo lãnh trị giá …, các bên cùng nhau thỏa thuận ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai cho khoản vay … của Bên B để đầu tư Dự án … với các nội dung sau:

Điều 1. Tài sản thế chấp:

Bên B thế chấp cho Bên A tất cả các tài sản, quyền, lợi ích của Bên B gắn liền với khoản vay và Dự án như sau:

1.1. Bên B là chủ sở hữu hợp pháp các tài sản và các quyền, lợi ích liên quan đến tài sản hình thành từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo Hợp đồng vay ký ngày … giữa… và các tài sản khác (nếu có) sau đây:

a) Các hạng mục kiến trúc công trình, máy móc thiết bị, tư vấn, giải phóng mặt bằng… cấu thành nên Dự án ….

b) Quyền nhận tiền bồi hoàn và/hoặc thanh toán liên quan đến thụ hưởng các bảo lãnh hợp đồng; bảo hiểm xây dựng hoặc bảo hiểm tài sản (trong thời gian xây dựng và vận hành) được nêu tại Điều 3.4.8 của Hợp đồng này.

c) Quyền khai thác, sử dụng Dự án (sử dụng đất, tài nguyên, kinh doanh…)

1.2. Các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu tài sản hình thành trong tương lai từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và các tài sản khác (nếu có):

……………………………………………………………………………

1.3. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản hình thành từ Dự án …, trên thửa đất được cơ quan có thẩm quyền giao cho Bên B sử dụng (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số:…):

a) Tài sản gắn với thửa đất:

b) Thửa đất:

- Thửa đất số: ; - Tờ bản đồ số:

- Địa chỉ thửa đất:

- Diện tích: (Bằng chữ: …)

- Thời hạn sử dụng: …

- Nguồn gốc sử dụng: …

1.4. Giá trị tài sản hình thành từ vốn vay trong tương lai:

Tài sản hình thành trong tương lai từ nguồn vốn vay được xác định giá trị trên cơ sở Hợp đồng thương mại ... (có giá trị chưa bao gồm thuế là …) đã ký giữa Bên B và … ngày … được thanh toán từ Hợp đồng vay đã ký giữa Bên B và … ngày … và các tài sản khác được thanh toán từ Hợp đồng vay (nếu có); Quyết định phê duyệt Dự án số … ngày … (với tổng mức đầu tư được duyệt là …) của … và các văn bản khác có liên quan tới Hợp đồng thương mại.

Bên B có trách nhiệm phối hợp với Bên A định giá lại tài sản theo quy định của pháp luật, được lập thanh biên bản định giá, được coi là bộ phận không tách rời và có giá trị pháp lý theo Hợp đồng này.

Giá trị tài sản thế chấp tại Điều này không được áp dụng khi xử lý tài sản thế chấp. Các bên sẽ thống nhất phương thức định giá tài sản thế chấp tại thời điểm xử lý. Trường hợp không thỏa thuận được, Bên A có quyền quyết định việc định giá, Bên B bằng Hợp đồng này cam kết chấp thuận kết quả định giá của Bên A mà không khiếu nại, khiếu kiện.

1.5. Định giá lại tài sản thế chấp trong các trường hợp sau:

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp : cổ phần hóa, bán hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo các hình thức khác.

- Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nghĩa vụ được bảo đảm:

Bên B tự nguyện đem Tài sản nói trên (kể cả khoản tiền hoặc hợp đồng bảo hiểm cho tài sản đó - nếu có) thế chấp cho Bên A để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của bên B theo Tổng trị giá bảo lãnh bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả (nếu có), chi phí huỷ khoản vay và lệ phí, chi phí như được đề cập tại Thư bảo lãnh ký ngày…cho Hợp đồng vay số …ngày…giữa Bên B và…. trong đó số tiền gốc là (Bằng chữ: …), phí bảo lãnh và cho nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi, lãi chậm trả) của Bên B đối với Quỹ Tích lũy trả nợ phát sinh theo khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của các bên:

3.1 Quyền của Bên A:

3.1.1) Yêu cầu Bên B giao bản chính các giấy tờ về tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Bên A (nếu có);

3.1.2) Yêu cầu Bên B thông báo kịp thời tiến độ hình thành tài sản; sự thay đổi tài sản thế chấp; cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp. Được xem xét, kiểm tra trực tiếp theo định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tài sản thế chấp khi đã hình thành; yêu cầu Bên B thay thế bằng tài sản khác khi tài sản thế chấp không còn giá trị do khấu hao hoặc hao mòn tự nhiên (nếu có) hoặc vì bất kỳ lý do nào khác.

3.1.3) Yêu cầu Bên B phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản hoặc thế chấp bằng tài sản khác nếu tài sản thế chấp bị mất, hư hỏng, có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. Nếu Bên B không thực hiện thì Bên A được áp dụng các biện pháp để Bên B phải thực thiện nghĩa vụ này.

3.1.4) Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Bên B hoặc bên thứ ba giữ tài sản thế chấp bàn giao tài sản đó cho Bên A để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

3.1.5) Xử lý tài sản để Bên B thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 4 Hợp đồng này;

3.1.6) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Nghĩa vụ của Bên A:

3.2.1) Giữ và bảo quản giấy tờ về tài sản thế chấp; bồi thường thiệt hại cho Bên B nếu làm mất, hỏng giấy tờ về tài sản thế chấp;

3.2.2) Trả lại giấy tờ về tài sản (nếu có) tương ứng với số nợ Bên B đã trả, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của tài sản thế chấp còn lại.

3.2.3) Trả lại giấy tờ về tài sản khi Bên B hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm tiền vay khác.

3.2.4) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3.3. Quyền của Bên B:

3.3.1) Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp;

3.3.2) Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp; giá trị tăng thêm cũng thuộc tài sản thế chấp nêu tại khoản 1.4, Điều 1 Hợp đồng này.

3.3.3) Yêu cầu Bên A bồi thường thiệt hại nếu giấy tờ về tài sản thế chấp bị mất, hư hỏng;

3.3.4) Trong trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bên A, được bán, chuyển nhượng một phần tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh với giá trị tương ứng (theo tỷ lệ so với giá trị TSBĐ) với số tiền đã thực hiện nghĩa vụ, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của phần tài sản còn lại;

3.3.5) Nhận lại giấy tờ về tài sản thế chấp (nếu có) khi hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm nêu tại Điều 2 của Hợp đồng này hoặc thay thế bằng tài sản khác trên cơ sở chấp thuận bằng văn bản của Bên A.

3.3.6). Được bổ sung, thay thế tài sản bằng tài sản thế chấp khác có giá trị tương đương nếu được Bên A cho phép bằng văn bản.

3.4. Nghĩa vụ của Bên B:

3.4.1) Báo cáo kịp thời cho Bên A tiến độ hình thành tài sản và sự thay đổi tài sản thế chấp; gửi đồng thời cho Bên A báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản cuối kỳ kế toán năm, trước khi lập báo cáo tài chính;

3.4.2) Giao bản chính các giấy tờ về tài sản thế chấp hình thành trong tương lai cho Bên A khi ký Hợp đồng thế chấp (nếu có);

3.4.3) Thông báo cho Bên A và trên cơ sở ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bên A về quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp (nếu có). Trong trường hợp không thông báo thì Bên A có quyền yêu cầu Bên B bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp nếu (các) bên thứ ba ký xác nhận đồng ý về việc thế chấp tài sản theo hợp đồng này;

3.4.4) Thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp, đăng ký/xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Bên A; chịu trách nhiệm thanh toán chi phí công chứng, chứng thực, đăng ký, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;

3.4.5) Thanh toán mọi chi phí phát sinh liên quan đến các nghiệp vụ về tài sản thế chấp trong suốt quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp tài sản và xử lý tài sản thế chấp;

3.4.6) Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn, góp vốn liên doanh tài sản đang thế chấp, không được thay đổi mục đích sử dụng tài sản trừ trường hợp được Bên A chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp bán tài sản thế chấp thì số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho tài sản đã bán;

3.4.7) Chấp nhận sự kiểm tra theo định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất của Bên A trong quá trình bảo quản, sử dụng tài sản;

3.4.8) Mua bảo hiểm vật chất đối với tài sản thế chấp trong thời gian đảm bảo nghĩa vụ (theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Bên A) và hợp đồng bảo hiểm nêu rõ người thụ hưởng là Bên A; Trường hợp Bên B đã mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp. Quyền thụ hưởng tiền bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm thuộc về Bên A. Bên B đảm bảo rằng Bên A được ghi tên trong các hợp đồng bảo hiểm sau thời điểm ký kết Hợp đồng này với tư cách là bên thụ hưởng bảo hiểm đầu tiên. Thời hạn bảo hiểm không được ít hơn thời hạn thế chấp. Mức bảo hiểm không thấp hơn giá thị trường của tài sản cùng loại tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm. Tiền bảo hiểm được thụ hưởng được sử dụng để thu nợ (kể cả trước hạn) của Bên B trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bên A xem xét chuyển tiền bảo hiểm cho Bên B hưởng và sử dụng khi Bên B đảm bảo thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ phát sinh theo Hợp đồng vay được Chính phủ bảo lãnh và các Hợp đồng khác có liên quan tới khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã ký với Bên B tại thời điểm nhận tiền bảo hiểm:

a) Trong giai đoạn xây dựng và giá trị tiền bảo hiểm được nhận dưới 5% giá trị công trình, Bên A chuyển trả tiền bảo hiểm cho Bên B để khắc phục hậu quả;

b) Khi đã hoàn thành giai đoạn xây dựng, Bên A chuyển một phần tiền bảo hiểm nhận được từ cơ quan bảo hiểm cho Bên B để khắc phục sự cố tùy theo từng trường hợp cụ thể nhưng tối thiểu phải giữ lại số tiền bảo hiểm bằng nghĩa vụ của một kỳ trả nợ kế tiếp.

3.4.9) Phải bảo quản an toàn, áp dụng các biện pháp cần thiết kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng của tài sản, nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản thế chấp; nếu làm mất, hư hỏng thì phải sửa chữa khôi phục giá trị, bổ sung tài sản thế chấp, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận hoặc thực hiện nghĩa vụ trước hạn cho Bên A;

3.4.10) Phối hợp với Bên A tiến hành các thủ tục nhận tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm để thực hiện nghĩa vụ đối với Bên A trong trường hợp tài sản thế chấp mất, hư hỏng mà tài sản đó đã được bảo hiểm; việc sử dụng tiền bảo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc nêu tại khoản 3.4.8 Điều này.

3.4.11) Phối hợp với Bên A xử lý tài sản thế chấp và thanh toán các chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản (nếu có phát sinh).

3.4.12) Trường hợp có thỏa thuận Bên B được tạm giữ giấy tờ tài sản theo quy định của pháp luật:

- Phải bảo quản an toàn giấy tờ tài sản; nếu làm mất, hư hỏng, thì phải bổ sung tài sản, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận;

- Giao lại giấy tờ tài sản thế chấp khi Bên A có yêu cầu.

3.4.13) Trả phí thi hành án, tất cả các chi phí phát sinh khác, bao gồm cả phí luật sư trong trường hợp Bên A khởi kiện Bên B để thu hồi nợ.

3.4.14) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Xử lý tài sản

4.1. Bên A được quyền xử lý tài sản trong các trường hợp sau:

4.1.1) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

4.1.2) Xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp Bên B bị phá sản theo quy định tại Điều 57 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

4.1.3) Bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào trưng thu, quốc hữu hóa, tịch biên hoặc trưng dụng dưới hình thức khác toàn bộ hoặc một phần đáng kể tài sản của Bên B; tiến hành cầm giữ hoặc kiểm soát tài sản, hoạt động kinh doanh của Bên B; thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm giải thể hay phá sản Bên B phù hợp với quy định của pháp luật về giải thể, phá sản doanh nghiệp.

4.1.4) Bất kỳ quy định nào của tài liệu giao dịch hoặc hồ sơ pháp lý của Bên B là vô hiệu hoặc bất hợp pháp hoặc bị bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào, hoặc tòa án bất kỳ tuyên bố là vô giá trị; vô hiệu hoặc bất hợp pháp toàn bộ hay một phần.

4.1.5) Tòa án, trọng tài trong hoặc ngoài nước tuyên một bản án, đưa ra phán quyết chống lại Bên B mà bản án hoặc quyết định đó theo ý kiến của Bên A sẽ có thể dẫn đến thay đổi bất lợi đáng kể, có ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Bên B đối với Bên A hoặc có ảnh hưởng tới các tài sản mà Bên B đã thế chấp cho Bên A.

4.1.6) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Phương thức xử lý tài sản

4.2.1) Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bên A, Bên B phải chủ động phối hợp với Bên A xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ; Quá thời hạn trên, Bên A có quyền xử lý tài sản thế chấp mà không cần ý kiến của Bên B.

4.2.2) Bên B phải bàn giao tài sản cho Bên A theo thông báo của Bên A; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà Bên B không giao tài sản thì Bên A có quyền thu giữ tài sản để xử lý; Bên B phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản thế chấp; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản thế chấp mà gây thiệt hại cho Bên A thì phải bồi thường.

4.2.3) Bên A có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để xử lý tài sản thế chấp:

- Bán tài sản thế chấp;

- Bên A nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của Bên B;

- Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

4.3. Bán tài sản thế chấp

4.3.1) Bên A chủ động quyết định phương thức bán tài sản thế chấp, Bên A phối hợp với Bên B bán tài sản trực tiếp cho người mua hoặc ủy quyền cho bên thứ ba bán tài sản cho người mua. Bên thứ ba được ủy quyền bán tài sản có thể là Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng được mua tài sản để bán. Nếu Bên A trực tiếp bán tài sản thì phải báo trước cho Bên B về địa điểm, thời gian ít nhất 7 ngày để Bên B tham gia (trừ trường hợp đối với những tài sản mà pháp luật quy định người xử lý tài sản có quyền xử lý ngay). Sự vắng mặt của Bên B không ảnh hưởng đến việc bán tài sản thế chấp.

4.3.2) Bên B cam đoan tạo mọi điều kiện thuận lợi, không làm bất cứ điều gì gây khó khăn trở ngại đến việc bán tài sản thế chấp; phối hợp với Bên A để xử lý tài sản. Bên B ủy quyền cho Bên A lập, ký tên trên các giấy tờ liên quan; thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan tới tài sản thế chấp và việc bán tài sản thế chấp.

4.3.3) Bên A có quyền bán tài sản với giá khởi điểm do Bên A tự xác định hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xác định.

4.3.4) Bên A có quyền quyết định giảm từ 5% giá bán tài sản so với giá bán lần trước liền kề, sau mỗi lần thực hiện bán tài sản thế chấp không thành công.

4.3.5) Trường hợp tài sản thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ bao gồm nhiều tài sản, Bên B đồng ý để Bên A được lựa chọn tài sản cụ thể để xử lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, phù hợp với quy định của pháp luật.

4.3.6) Số tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi các chi phí cho việc bán tài sản, sẽ dùng để thanh toán các nghĩa vụ của Bên B cho Bên A theo các thứ tự sau:

(i) toàn bộ dư nợ còn lại của khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

(ii) các khoản nợ mà Bên B vay của Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ đối với khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

(iii) nợ ngân sách nhà nước hoặc các quỹ do Bộ Tài chính quản lý liên quan đến việc ứng vốn trả nợ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh;

(iv) phí bảo lãnh có liên quan tới khoản vay;

(v) phí dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về giao dịch bảo đảm cho Tổ chức dịch vụ (nếu có).

Phần còn dư sẽ trả lại cho Bên B hoặc Bên nhận chuyển nhượng, Bên nhận chuyển giao tài sản thế chấp; nếu còn thiếu thì Bên B hoặc Bên nhận chuyển nhượng, Bên nhận chuyển giao tài sản thế chấp, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ còn lại đối với Bên A.

4.3.7) Bên B bằng Hợp đồng này ủy quyền và chỉ định không hủy ngang cho Bên A làm người đại diện theo ủy quyền của Bên B thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Bên B và ký kết bất kỳ văn kiện nào cần thiết trong trường hợp bán tài sản phải qua đấu giá tại Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng mua tài sản để bán.

4.4. Mọi vấn đề khác có liên quan đến xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo qui định của pháp luật.

Điều 5. Giải quyết tranh chấp:

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng này nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa án nơi Bên A đóng trụ sở hoặc trọng tài để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Quyết định của tòa án, trọng tài có hiệu lực bắt buộc đối với các bên theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các thỏa thuận khác:

6.1. Chuyển nhượng

Hợp đồng này có hiệu lực bắt buộc đối với các bên kế nhiệm và bên nhận chuyển nhượng và bên nhận chuyển giao được phép tương ứng của các Bên trong Hợp đồng này và các bên kế nhiệm, nhận chuyển nhượng, chuyển giao được phép đó được hưởng các lợi ích theo Hợp đồng này. Bên B không được chuyển nhượng hoặc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ nào theo Hợp đồng này hoặc tài liệu giao dịch khác trừ khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên A.

6.2. Không từ bỏ quyền

Việc Bên A không thực hiện hoặc chậm thực hiện bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không được xem là sự từ bỏ các quyền đó. Việc thực hiện riêng rẽ hoặc một phần bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không cản trở việc thực hiện các quyền khác theo Hợp đồng này.

6.3. Hiệu lực từng phần

Tất cả điều khoản và từng phần của các điều khoản của Hợp đồng này sẽ có hiệu lực riêng rẽ và độc lập với các điều khoản khác. Nếu có bất kỳ điều khoản vô hiệu, bất hợp pháp hoặc không thể thi hành theo pháp luật Việt Nam, thì hiệu lực, tính hợp pháp và khả năng thi hành các điều khoản còn lại của Hợp đồng này sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào. (Những thỏa thuận khác ngoài thỏa thuận đã nêu tại Hợp đồng này nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của Bên A và tùy thỏa thuận của hai Bên…).

Điều 7. Cam đoan của các bên

Bên A và Bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam đoan sau đây:

7.1. Bên A cam đoan:

7.1.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân của Bên A đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền và đúng sự thật.

7.1.2) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.

7.1.3) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

7.2. Bên B cam đoan:

7.2.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân, về tài sản và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của Bên B đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền, hợp pháp, hợp lệ và đúng sự thật.

7.2.2) Tài sản thuộc trường hợp được thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật.

7.2.3) Tại thời điểm giao kết Hợp đồng này:

+ Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp, được phép giao dịch và không có tranh chấp.

+ Tài sản không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

7.2.4) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc.

7.2.5) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

7.2.6) Cam kết sửa đổi Hợp đồng này theo yêu cầu của Bên A phù hợp theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hiệu lực của Hợp đồng:

8.1. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký. Mọi sửa đổi, bổ sung phải được sự đồng ý của các bên trong hợp đồng và được lập thành văn bản.

8.2. Hợp đồng này hết hiệu lực trong các trường hợp sau:

8.2.1) Bên B đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm của Hợp đồng thế chấp này, được Bên A chấp nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định;

8.2.2) Các bên thỏa thuận đảm bảo nghĩa vụ bằng biện pháp khác;

8.2.3) Tài sản thế chấp đó được xử lý để thực hiện nghĩa vụ.

8.3. Hợp đồng gồm có ….. trang, được lập thành 02 (hai) bản gốc có giá trị pháp lý như nhau, Bên A giữ 01 (một) bản gốc, Bên B giữa 01 (một) bản gốc.

8.4. Hợp đồng này có thể được sửa đổi theo yêu cầu của hai Bên Bằng văn bản, phù hợp với quy định của pháp luật.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN BÊN B

CÁC ĐỒNG SỞ HỮU

(nếu có)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 3

MẪU PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI CHO KHOẢN VAY ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH

(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN
HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

(Kèm theo Hợp đồng ………. Ngày …………..tháng…………năm……..)

Số:……………….

(Do Bộ Tài chính và Bên thế chấp cùng lập)

Căn cứ Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số ……….. ngày ……..tháng……………..năm………..,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN NHẬN THẾ CHẤP (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại: ……………………………………………………………

Điện thoại: …………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:……… ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN THẾ CHẤP (Bên B)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ……………số fax: ……………… Email: .........................

- Họ và tên người đại diện: …………Chức vụ: …………Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……….. ngày …./…../….. do …………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …………. cấp ngày …./…./…… tại: ……………

- Địa chỉ liên hệ:

Hai bên thống nhất lập phụ lục hợp đồng với các nội dung sau:

Điều 1. Bên B cam kết các tài sản thuộc danh mục đính kèm sau đây đã được hình thành từ khoản vay … được Chính phủ bảo lãnh và các tài sản khác để đầu tư Dự án …………..và làm bảo đảm cho nghĩa vụ được Chính phủ bảo lãnh được hai bên thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số………..ngày…………tháng……….năm.

Các tài sản trên thuộc quyền sở hữu, đồng sở hữu, quyền quản lý, sử dụng của Bên B. Các giấy tờ có liên quan đến tài sản được giao cho Bên A giữ theo thỏa thuận, gồm:

-

-

Điều 2. Hai bên cam kết thực hiện đầy đủ và đúng các điều khoản đã thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số…. ngày……tháng……..năm…..

BÊN THẾ CHẤP

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu, các trường hợp bên thế chấp có người đồng sở hữu thì phải có chữ ký của người đại diện và người đồng sở hữu)

BÊN NHẬN THẾ CHẤP

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

CÁC ĐỐNG SỞ HỮU (nếu có)

(Từng bên ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 4

MẪU PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN VỀ THAY THẾ TÀI SẢN THẾ CHẤP

(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN VỀ THAY THẾ TÀI SẢN THẾ CHẤP

(Kèm theo Hợp đồng ………. Ngày …………..tháng…………năm……..)

Số:……………….

(Do Bộ Tài chính và Bên thế chấp cùng lập)

Căn cứ Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số ……….. ngày ……..tháng……………..năm………..,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN NHẬN THẾ CHẤP (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại: ……………………………………………………………

Điện thoại: …………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:……… ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN THẾ CHẤP (Bên B)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: …………… số fax: ……………… Email: .........................

- Họ và tên người đại diện: …………Chức vụ: …………Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……….. ngày …./…../….. do …………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …………. cấp ngày …./…./…… tại: ……………

- Địa chỉ liên hệ:

Hai bên thống nhất lập phụ lục hợp đồng với các nội dung sau:

Điều 1. Bên B cam kết thay thế các tài sản thuộc danh mục đính kèm sau đây để đảm bảo nghĩa vụ cho khoản vay … được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư Dự án ………….. được hai bên thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp tài sản số………..ngày…………tháng……….năm.

Các tài sản trên thuộc quyền sở hữu, đồng sở hữu, quyền quản lý, sử dụng của Bên B. Các giấy tờ có liên quan đến tài sản được giao cho Bên A giữ theo thỏa thuận, gồm:

-

-

Điều 2. Hai bên cam kết thực hiện đầy đủ và đúng các điều khoản đã thỏa thuận tại hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số…. ngày……tháng……..năm…..

BÊN THẾ CHẤP

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu, các trường hợp bên thế chấp có người đồng sở hữu thì phải có chữ ký của người đại diện và người đồng sở hữu)

BÊN NHẬN THẾ CHẤP

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

CÁC ĐỐNG SỞ HỮU (nếu có)

(Từng bên ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 5

Cơ quan báo cáo

BÁO CÁO RÀ SOÁT TÀI SẢN THẾ CHẤP

Đối với các dự án/khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã hoàn thành rút vốn và đang trả nợ gốc

(Kèm theo công văn số ….ngày…của Cơ quan báo cáo)

STT

Dự án

Hợp đồng thế chấp (số, ngày)

Nguyên giá tương ứng với phần thế chấp cho vốn vay được CP bảo lãnh

Trị giá tài sản tại thời điểm thế chấp

Tình trạng TSBĐ (cầm cố, thế chấp… cho nghĩa vụ dân sự khác)

Thay đổi tài sản (thay đổi sở hữu, thanh lý, khác…) (tăng, giảm)

Giá trị còn lại của tài sản đến thời điểm báo cáo

Nguyên nhân tăng, giảm

1

2

3

4

5

6

7

8

9

I

Dự án A

1

Tài sản a

2

Tài sản b

II

Dự án B

1

Tài sản a

2

Tài sản b

Ghi chú:

Chỉ liệt kê giá trị tài sản tương ứng với phần thế chấp cho vốn vay được bảo lãnh

Hà Nội, ngày ….tháng…..năm

Người lập biểu

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

Thủ trưởng

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

PHỤ LỤC 6

Cơ quan báo cáo

BÁO CÁO RÀ SOÁT TÀI SẢN THẾ CHẤP

Đối với các dự án/khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đang rút vốn

(Kèm theo công văn số ….ngày…của Cơ quan báo cáo)

STT

Dự án

Hợp đồng thế chấp

(số, ngày)

Thời điểm hình thành tài sản

Trị giá tài sản hình thành

Thay đổi tài sản (thay đổi sở hữu, thanh lý, khác…) (tăng, giảm)

Nguyên nhân tăng, giảm

1

2

3

4

5

6

7

I

Dự án/Khoản vay A

1

Tài sản a

2

Tài sản b

II

Dự án/Khoản vay B

1

Tài sản a

2

Tài sản b

Ghi chú:

Chỉ liệt kê giá trị tài sản tương ứng với phần thế chấp cho vốn vay được bảo lãnh

Người lập biểu

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

Thủ trưởng

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

MINISTRY OF FINANCE
--------

 SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
------------------

No.10/2016/TT-BTC

Hanoi, January 19, 2016

 

CIRCULAR

GUIDANCE ON MORTGAGE OF PROPERTY AS COLLATERAL FOR GOVERNMENT-BACKED LOANS

Pursuant to the Civil Code No. 33/2005/QH11 dated June 14, 2005;

Pursuant to the Law No.29/2009/QH12 on Management of Public Debt dated June 17, 2009;

Pursuant to the Decree No. 163/2006/ND-CP on secured transactions dated December 29, 2006 of the Government and the Decree No. 11/2012/ND-CP dated February 22, 2012 on amending Decree supplementing a number of articles of the Decree No. 163/2006/ND-CP;

Pursuant to the Decree No. 83/2010/ND-CP on registration for secured transactions dated July 23, 2010 of the Government;

Pursuant to the Decree No. 15/2011/ND-CP on grant and management of government guarantees dated February 16, 2011of the Government;

Pursuant to the Decree No. 01/2011/ND-CP on issuance of Government bonds, government-backed bonds and municipal bonds dated January 05, 2011 of the Government;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

At the requests of the Director of Department of Debt Management and External Finance, the Minister of Finance issues this Circular providing guidance on mortgage of property as collateral for government-backed loans.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. This Circular provides guidance on registration of secured transactions; reporting regimes and responsibilities of parties for registration of transactions of collateral for government-backed loans.

2. This Circular applies to mortgagees, mortgagors and entities related to transaction of collateral for government-backed loans.

Article 2. Interpretation of terms

For the purpose of this Circular, terms below shall be construed as follows:

1. Mortgagee: the Ministry of Finance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Project: the project funded with government-backed loans.

4. Mortgage agreement or contract for mortgage of off-the-plan property (hereinafter referred to as the mortgage agreement): the agreement signed between the mortgagee and mortgagor as a basis for guarantee of payment of the debtor to the Ministry of Finance according to the approval for grant of government guarantees of the Prime Minister.

5. Collateral for government-backed loans: the property derived from the government-backed loans and other property possessed by the mortgagor, or the land use right of the mortgagor that is registered for secured transactions to secure the payment to his/her government-backed loans under applicable laws.

6. External auditing firm: the auditing firm specified on the list of auditing firms eligible for public interest units annually announced by the Ministry of Finance under the current provisions of laws.

7. Other terminologies shall follow the interpretation defined in the Law on Public Debt Management and relevant legislative documents.

Article 3. General rules for collateral

1. Property derived from government-backed loans shall not be used as collateral for other civil obligations.

2. The List of collateral and their value shall be annually audited by the external auditing firms.

3. In case the mortgagor wishes to mortgage part of his/her property derived from the government-backed loans and other sources of capital in proportion to the capital creating such property to the third party:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Parties shall fulfill their financial obligations regarding to their collateral in accordance with provisions of laws.

4. After obtaining the written consent from the mortgagee, the mortgagor can replace current collateral with other property whose value is equal to that of the current collateral.

5. The transfer of collateral together with the project or trade in collateral by the mortgagor shall be made only if the mortgagor obtains a prior consent of the Ministry of Finance. The transferee shall undertake all obligations and responsibilities of the mortgagor for the collateral corresponding to the scope of transfer, comply with procedures regarding to adjustment to the mortgage agreement and apply for supplements to secured transactions at the time of conclusion of the transfer agreement.

Article 4. Collateral value

1. For land use rights: the value of the land use right shall be calculated according to the schedule of price decided by the People’s Committee of the province where the collateral exists and in accordance with applicable laws

2. For other property derived from government-backed loans and other property possessed by the mortgagor:

3. For existing property: the value of such property shall be determined according to their book value in accordance with applicable laws and shall be audited by an external auditing firm.

4. For off-the-plan property: the value of the off-the-plan property shall be the negotiable value concluded in the commercial contracts eligible for government-backed loans; or the actual price of such property specified in the approved invoices or relevant documents at the time of finalizing the project.

Article 5. Cancellation and termination of mortgage of property

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter II

SPECIFIC PROVISIONS

Article 6. Conclusion of mortgage agreements and Annexes to mortgage agreements

1. All off-the-plan property derived from the Government-back loans shall be mortgaged as the collateral and shall be concluded in at least one mortgage agreement and Annex signed between the mortgagee and mortgagor based on the nature of each type of property to ensure that the registration of the secured transaction complies with applicable laws. Off-the-plan property shall be mortgaged prior to the issuance of letter of guarantee by the Ministry of Finance.

2. Where any property is newly created or replaced during the year, the adjusted Annex to mortgage agreements signed between the mortgagee and mortgagor shall be made based on the certification of the external auditing firm by June 30th of the following year.

Article 7. Mortgage agreements and Annexes to mortgage agreements

1. For the mortgage of existing property: the mortgagee and mortgagor shall conclude a mortgage agreements using the form in Annex 1 hereof.

2. For the mortgage of off-the-plan property:

a) For the mortgage of existing property: the mortgagee and mortgagor shall conclude a mortgage agreement using the form in Annex 2 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Where mortgagor is requested to replace their current collateral by the competent authority, the mortgagee and mortgagor shall conclude a mortgage agreement using the form in Annex 4 hereof.

Article 8. Registration for secured transactions

1. Mortgage agreement must be registered as secured transactions at the Center for Registration of Property and Transactions – National Registry of Secured Transactions (Ministry of Justice) or at competent authorities in accordance with provisions of laws on secured transactions, unless otherwise prescribed by laws.

2. With regard to property which has not been prescribed by laws on registration of secured transactions, the mortgagor shall present such issue in the application for guarantees submitted to the Ministry of Finance.

3. The mortgagor shall be legally responsible for the adequacy and accuracy of applications regarding to the registration for secured transactions.

4. The mortgagor shall pay for all costs incurring during the registration of secured transactions.

Article 9. Time limit for registration for secured transactions

1. For the mortgage of existing property:

a) The mortgagor shall register for secured transactions within 30 days after the date on which the mortgage agreement is signed, certified and notarized in accordance with provisions of laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For the mortgage of off-the-plan property:

a) The mortgagor shall register for secured transactions within 30 days after the date on which the contract for mortgage of off-the-plan property is signed and certified or notarized under provisions of laws.

b) Within 10 days from the date of receipt of the certificate of registration for the secured transaction granted by the secured transaction registry or the application for the secured transaction certified by the secured transaction registry, the mortgagor shall submit such certificate or application to the mortgagee.

c) Annexes to the agreement for mortgage of off-the-plan property created during the year shall be signed, certified or notarized based on the certification of the external auditing firm in accordance with provisions of laws by June 30th of the following year.

d) The mortgagor shall signed the Annex to the mortgage agreement and shall register for adjustments to the secured transaction in case of discrepancies in the scope of the secured transaction in comparison with that at the time of registration of the secured transaction for off-the-plan property within 30 days after the date of the project finalization.

dd) Within 10 days from the date of receipt of the adjusted certificate of registration for the secured transaction granted by the secured transaction registry or the application for the secured transaction certified by the secured transaction registry, the mortgagor shall submit such certificate or application to the mortgagee.

3. The mortgagor shall submit original documents regarding to the mortgage of property and the application for the secured transaction certified by the secured transaction registry to the mortgagee.

Article 10. Retention of collateral documents

1. The mortgagee shall retain all original documents related to the mortgage of property and registration of collateral. In case the property is mortgaged to multiple parties, mortgagees shall appoint a record keeper or have an independent unit keep.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. After the finalization of the project and receipt of the adjusted certificate of registration for secured transactions granted by the secured transaction registry as stipulated in point Article, clause 2, Article 9 hereof, the mortgagor shall submit such certificate, the list of collateral and its description to the mortgagee within 10 days from the date of receipt of the certificate.

Article 11. Reporting

1. Periodic reporting:

By June 30th of every year, the mortgagor shall submit a status report on the collateral for the government-backed loan up to December 31th of the previous year enclosed with the certificate of the external auditing firm using the form in Annex 05 or 6 hereof.

2. Surprise or on-demand reporting:

As requests for reporting are made or the sudden fluctuations in value of collateral of above 10% of the total value in comparison with that in the last report occur, the mortgagor shall promptly submit the mortgagee a report on changes in the collateral using the form stipulated in Annex 05 or 06 hereof

Article 12. Handling of violations committed by mortgagors

If the mortgagor disobeys provisions of mortgage of property as collateral for government-backed loans stipulated hereof, the Ministry of Finance shall request the Prime Minister to dealt with violations by applying the following measure(s):

1. Have loan disbursement suspended.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Request the mortgagor to prematurely pay for their loans

4. Apply other measures in accordance with applicable laws.

Article 13. Responsibilities of mortgagors

1. Cooperate with the Ministry of Finance to conclude contracts for mortgage of property as collateral for government-backed loans prior to the issuance of guarantees of the Ministry of Finance.

2. Register for secured transactions for collateral for government-backed loans under provisions of laws.

3. Periodically or irregularly assess or inventory collateral and submit reports on inventory results to the mortgagee.

4. Pay for all costs incurring during the registration for pledge property.

5. Take out insurance on collateral under provisions of laws.

6. Promptly provide the mortgagee with reliable and accurate information of collateral and comply with reporting regime under provisions hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Responsibilities of mortgagees

1. Summit reports on property that has not been prescribed by laws on registration for secured transactions to the Prime Minister.

2. Store original mortgage agreements and applications for secured transactions

3. Follow changes in lists of collateral of mortgagors

4. Submit reports on mortgagor’s violations against procedures for registration for secured transactions in accordance with provisions of mortgage of property hereof.

Chapter III

IMPLEMENTATION

Article 15. Entry into force

1. This Circular comes into effect from March 01, 2016.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 16. Transitional provisions

1. In the event that the letter of guarantee of the government-backed loan is granted before the effective date of this Circular, and the current applicable laws at the time of grant of the guarantee letter stated that the mortgagor shall be free from mortgage of property, such current applicable laws shall be prevail.

2. In the event that the letter of guarantee of government-backed loans is granted before the effective date of this Circular, and the mortgagor must mortgage his/her property under the current applicable laws but the outstanding debt still exists, the mortgagor shall follow the following guidelines:

a) If the mortgagor enters into a mortgage agreement and registers for the secured transaction, such mortgagor shall comply with regulations on reporting regime, cancellation or termination of mortgage of property in accordance with guidance of this Circular and relevant provisions of the mortgage agreement.

b) If the mortgagor enters into a mortgage agreement but has yet to register for the secured transaction, such mortgagor shall register for secured transactions under guidance of this Circular and the Ministry of Finance; and shall follow regulations of reporting regime, cancellation or termination of mortgage of property in accordance with guidance of this Circular and relevant provisions of the mortgage contract.

c) If the mortgagor has not signed the mortgage agreement yet, the mortgagor shall mortgage his/her property in accordance with guidance of this Circular and the Ministry of Finance.

Article 17. Implementation organizations

1. The Ministry of Finance, mortgagors and relevant entities shall comply with provisions of this Circular.

2. Relevant entities shall promptly report issues or concerns arising during the implementation of this Circular the Ministry of Finance ./.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Truong Chi Trung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 10/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


17.226

DMCA.com Protection Status
IP: 3.131.13.196
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!