BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2013/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 08 năm 2013
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG QUY TẮC QUỐC TẾ VỀ PHÒNG NGỪA ĐÂM VA TÀU THUYỀN TRÊN BIỂN
Căn cứ Bộ luật
Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu
thuyền trên biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 1972 được sửa đổi, bổ sung
vào các năm 1981, 1987, 1989, 1993, 2001 và 2007;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam
và Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông
tư quy định việc áp dụng Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên
biển,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định việc áp dụng Quy tắc quốc
tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972 và các sửa đổi, bổ sung.
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương
tiện thủy nội địa và thủy phi cơ Việt Nam hoạt động trong vùng nước cảng biển,
luồng hàng hải, trên các vùng biển Việt Nam và biển cả.
b) Tàu biển nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng
biển, luồng hàng hải, trên các vùng biển Việt Nam.
3. Trong trường hợp Tổ chức Hàng hải quốc tế có quy
định sửa đổi, bổ sung Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển thì áp dụng
các quy định sửa đổi, bổ sung của Tổ chức Hàng hải quốc tế.
Điều 2. Trách nhiệm
1. Không một quy định nào trong Thông tư này miễn
trừ trách nhiệm của tàu hay chủ tàu, thuyền trưởng hay thuyền bộ đối với các hậu
quả do không nghiêm chỉnh thực hiện các quy định trong Thông tư này hoặc do việc
xem nhẹ sự phòng ngừa nào đó mà thực tế thông thường của người đi biển hoặc
hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi.
2. Khi phân tích và vận dụng các quy định trong
Thông tư này, cần phải hết sức lưu ý đến mọi nguy hiểm đối với hành hải, đâm
va, đồng thời phải lưu ý tới mọi hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm cả những hạn chế của
tàu thuyền có liên quan bắt buộc phải làm trái với những quy định trong Thông
tư này để tránh một nguy cơ trước mắt.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. "Tàu thuyền" bao gồm các loại phương
tiện dùng hoặc có thể dùng làm phương tiện giao thông, vận tải trên mặt nước, kể
cả các loại tàu thuyền không có lượng chiếm nước, tàu đệm khí có cánh và thuỷ
phi cơ.
2. "Tàu thuyền máy" là tàu thuyền chạy bằng
động cơ.
3. "Tàu thuyền buồm" là tàu thuyền chạy bằng
buồm, kể cả tàu thuyền máy nhưng không dùng động cơ để chạy.
4. "Tàu thuyền đang đánh cá" là tàu thuyền
đang đánh cá bằng lưới, dây câu, lưới vét hay các dụng cụ đánh cá khác làm hạn
chế khả năng điều động của tàu thuyền đó, nhưng không bao gồm tàu thuyền đang
đánh cá bằng dây câu thả dòng hoặc bằng các loại dụng cụ đánh bắt cá khác mà
không làm hạn chế khả năng điều động của tàu thuyền đó.
5. "Thuỷ phi cơ" là tàu bay có thể điều động
trên mặt nước.
6. "Tàu thuyền mất khả năng điều động" là
tàu thuyền vì hoàn cảnh đặc biệt nào đó không có khả năng điều động theo yêu cầu
của Thông tư này và vì thế không thể tránh đường cho tàu thuyền khác.
7. "Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động"
là tàu thuyền do tính chất công việc bị hạn chế khả năng điều động của mình
theo yêu cầu của Thông tư này và vì thế không thể tránh đường cho tàu thuyền
khác. "Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động" bao gồm một số trường
hợp cụ thể như sau:
a) Tàu thuyền đang đặt, trục vớt hoặc tiến hành bảo
quản phao tiêu, cáp hay ống ngầm dưới nước;
b) Tàu thuyền đang làm công tác nạo vét luồng lạch,
khảo sát hải dương, thuỷ văn hoặc các công việc ngầm dưới nước;
c) Tàu thuyền vừa hành trình vừa tiến hành nhiệm vụ
tiếp tế, chuyển tải người, lương thực, thực phẩm hoặc hàng hoá;
d) Tàu thuyền đang làm nhiệm vụ phục vụ cho tàu bay
cất cánh hoặc hạ cánh;
đ) Tàu thuyền đang làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn;
e) Tàu thuyền đang tiến hành công việc lai dắt
không thể điều chỉnh hướng đi của mình.
8. "Tàu thuyền bị hạn chế mớn nước" là
tàu thuyền máy do sự tương quan giữa mớn nước của tàu với độ sâu và bề rộng có
thể có được của vùng nước nên bị hạn chế một cách nghiêm ngặt khả năng đi chệch
khỏi hướng đang đi của nó.
9. "Tàu thuyền đang hành trình" là tàu
thuyền không thả neo hoặc không buộc vào bờ, hoặc không bị mắc cạn.
10. "Chiều dài" và "chiều rộng"
của tàu thuyền là chiều dài, chiều rộng lớn nhất của tàu thuyền đó.
11. Tàu thuyền chỉ được coi là trông thấy nhau khi
tàu này quan sát được tàu kia bằng mắt thường.
12. "Tầm nhìn xa bị hạn chế" là trạng
thái tầm nhìn xa bị giảm sút do sương mù, mưa phùn, mưa tuyết, mưa rào hay bão
cát hoặc tất cả các nguyên nhân khác tương tự.
13. "Tàu đệm khí có cánh” là tàu di chuyển bằng
nhiều phương thức mà khi ở phương thức vận hành chính, tàu bay sát mặt nước nhờ
tác động hiệu ứng bề mặt.
Chương 2.
QUY TẮC HÀNH TRÌNH VÀ ĐIỀU
ĐỘNG
MỤC I. HÀNH TRÌNH TRONG MỌI ĐIỀU
KIỆN TẦM NHÌN XA
Điều 4. Phạm vi điều chỉnh của
Mục I Chương II của Thông tư
Những quy định của Mục này áp dụng trong mọi điều
kiện tầm nhìn xa.
Điều 5. Cảnh giới
Tất cả tàu thuyền phải thường xuyên duy trì công
tác cảnh giới bằng mắt nhìn và tai nghe một cách thích đáng, đồng thời phải sử
dụng tất cả các thiết bị sẵn có phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện tại để
đánh giá đầy đủ tình huống và nguy cơ đâm va.
Điều 6. Tốc độ an toàn
Tất cả tàu thuyền phải luôn luôn giữ tốc độ an toàn
để có thể chủ động xử lý có hiệu quả khi tránh va và có thể dừng hẳn lại ở khoảng
cách giới hạn cần thiết trong những hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Để xác định
được tốc độ an toàn, cần phải tính đến các yếu tố dưới đây:
1. Đối với mọi tàu thuyền:
a) Trạng thái tầm nhìn xa;
b) Mật độ giao thông, kể cả mức độ tập trung của
các tàu thuyền đánh cá hay bất kỳ các loại tàu thuyền nào khác;
c) Khả năng điều động và đặc biệt là khoảng cách cần
thiết để tàu thuyền dừng hẳn lại và khả năng quay trở trong những điều kiện hiện
có;
d) Ban đêm có vầng ánh sáng của các đèn trên bờ hoặc
sự khuếch tán ánh sáng của các đèn trên tàu thuyền;
đ) Trạng thái gió, sóng biển, hải lưu và trạng thái
gần các chướng ngại hàng hải;
e) Sự tương quan giữa mớn nước và độ sâu sẵn có.
2. Đối với các tàu thuyền có sử dụng radar:
a) Các đặc tính, hiệu quả và những mặt hạn chế của
thiết bị radar;
b) Những mặt hạn chế trong việc sử dụng các thang
khoảng cách của radar;
c) Trạng thái của biển, các yếu tố khí tượng và các
nguồn nhiễu xạ khác có ảnh hưởng đến sự phát hiện mục tiêu của radar;
d) Khả năng radar không phát hiện được những tàu
thuyền nhỏ, các tảng băng và các vật nổi khác ở khoảng cách thích hợp;
đ) Khả năng phát hiện của radar về số lượng, vị trí
và sự di chuyển của các tàu thuyền;
e) Khả năng đánh giá chính xác tầm nhìn xa khi sử dụng
radar để đo khoảng cách đến các tàu thuyền hoặc đến các mục tiêu lân cận.
Điều 7. Nguy cơ đâm va
1. Tàu thuyền phải sử dụng tất cả các thiết bị sẵn
có thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện tại để xác định có nguy cơ đâm va
hay không. Nếu chưa khẳng định được điều đó thì phải coi như đang tồn tại nguy
cơ đâm va.
2. Sử dụng triệt để thiết bị radar của tàu, quan
sát ở thang tầm xa lớn, thích hợp sớm phát hiện nguy cơ đâm va và tiến hành đồ
giải tránh va radar hoặc theo dõi một cách có hệ thống các mục tiêu đã được
phát hiện.
3. Không đưa ra những kết luận dựa trên cơ sở các
thông tin chưa đầy đủ, đặc biệt đối với những thông tin do radar cung cấp.
4. Trong việc xác định có nguy cơ đâm va hay không
phải tính đến các yếu tố sau:
a) Có nguy cơ đâm va khi phương vị la bàn của tàu
thuyền đang đến gần không thay đổi rõ rệt;
b) Nguy cơ đâm va vẫn có thể xảy ra ngay cả khi quan
sát thấy phương vị thay đổi rõ rệt, đặc biệt là khi đến gần một tàu rất lớn hoặc
một đoàn tàu lai hay một tàu thuyền khác ở khoảng cách ngắn.
Điều 8. Điều động tránh va
1. Khi điều động tránh va theo quy định tại Chương
này, khi hoàn cảnh cho phép phải được tiến hành một cách dứt khoát, kịp thời và
phù hợp với kinh nghiệm của người đi biển lành nghề.
2. Khi thay đổi hướng đi hay tốc độ hoặc cả hai
cùng một lúc để tránh va, nếu hoàn cảnh cho phép, phải thay đổi đủ lớn để tàu
thuyền khác có thể nhận biết dễ dàng bằng mắt thường hay bằng radar; tránh thay
đổi hướng đi hay tốc độ hoặc cả hai cùng một lúc một cách từng ít một.
3. Nếu có vùng nước đủ rộng, thì chỉ cần thay đổi
hướng đi đơn thuần đã có thể coi là hành động có hiệu quả nhất để tránh rơi vào
tình trạng quá gần tàu thuyền khác, với điều kiện là việc điều động đó phải tiến
hành kịp thời, có hiệu quả và không dẫn tới một tình huống quá gần khác.
4. Hành động tránh va với tàu thuyền khác là hành động
dẫn đến việc tàu thuyền đi qua nhau ở khoảng cách an toàn. Hiệu quả của hành động
tránh va phải được kiểm tra thận trọng cho đến khi tàu thuyền kia đã hoàn toàn
đi qua và ở xa tàu thuyền mình.
5. Nếu cần thiết để tránh va hay để có thêm thời
gian nhận định hết các tình huống, tàu thuyền phải giảm bớt tốc độ hay phải phá
trớn tới bằng cách ngừng máy hoặc cho máy chạy lùi.
6. Tàu thuyền mà theo các quy định tại Thông tư này
không được cản trở việc đi qua hoặc đi qua an toàn của tàu thuyền khác, khi
hoàn cảnh bắt buộc thì phải điều động sớm để có đủ khoảng cách cho việc đi qua
an toàn của tàu thuyền kia.
7. Tàu thuyền không được cản trở việc đi qua hoặc
đi qua an toàn của tàu thuyền khác, không được miễn giảm trách nhiệm nếu tiếp cận
một tàu thuyền khác đến mức dẫn đến nguy cơ đâm va và khi điều động phải có sự
quan tâm đầy đủ đến các qui định tại Chương này.
8. Tàu thuyền được ưu tiên, không bị các tàu khác cản
trở việc đi qua, vẫn phải có nghĩa vụ chấp hành đầy đủ các qui định tại Chương
này, khi hai tàu tiến đến gần nhau mà có nguy cơ đâm va.
Điều 9. Hành trình trong luồng
hẹp
1. Tàu thuyền đi trong luồng hẹp hay kênh đào, nếu
điều kiện thực tế cho phép và đảm bảo an toàn, phải bám sát mép bên phải của luồng
hay kênh.
2. Tàu thuyền có chiều dài nhỏ hơn 20 mét hoặc tàu
thuyền buồm không được gây trở ngại cho tàu thuyền chỉ có thể hành trình an
toàn trong phạm vi giới hạn của luồng hẹp.
3. Tàu thuyền đang đánh cá không được gây trở ngại
cho những tàu thuyền khác đang hành trình trong phạm vi giới hạn của luồng hẹp.
4. Tàu thuyền không được cắt ngang qua luồng hẹp, nếu
việc đó gây trở ngại cho tàu thuyền chỉ có thể hành trình an toàn trong phạm vi
giới hạn của luồng hẹp đó. Tàu thuyền bị cắt hướng có thể sử dụng âm hiệu quy định
tại khoản 4 Điều 34 của Thông tư này nếu nghi ngờ tàu thuyền
kia có ý định chạy cắt ngang qua hướng tàu mình.
5. Tàu thuyền vượt trong luồng hay luồng hẹp:
a) Trong luồng hay luồng hẹp chỉ được phép vượt khi
tàu thuyền bị vượt đã điều động để cho phép vượt an toàn, tàu thuyền có ý định
vượt phải báo bằng âm hiệu thích hợp với ý định của mình theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Thông tư này. Tàu thuyền bị vượt nếu
đồng ý phải phát âm hiệu thích hợp theo quy định tại điểm b khoản
3 Điều 34 của Thông tư này và phải điều động để cho tàu thuyền kia vượt qua
an toàn. Nếu còn thấy nghi ngờ có thể phát âm hiệu quy định tại khoản
4 Điều 34 của Thông tư này;
b) Điều này không miễn trừ cho tàu thuyền vượt phải
tuân theo các yêu cầu Điều 13 của Thông tư này.
6. Tàu thuyền đi đến gần khúc ngoặt hoặc đi đến gần
đoạn luồng hẹp tương tự mà tàu thuyền khác có thể không nhìn thấy do chướng ngại
vật che khuất, thì phải hành trình đặc biệt thận trọng và tăng cường cảnh giới,
đồng thời phải phát âm hiệu thích hợp quy định tại khoản 5 Điều
34 của Thông tư này.
7. Nếu hoàn cảnh cho phép, mọi tàu thuyền phải
tránh thả neo trong luồng hẹp.
Điều 10. Hành trình trên các hệ
thống phân luồng
1. Điều này áp dụng đối với hệ thống phân luồng đã
được Tổ chức Hàng hải quốc tế chấp nhận và nó không giảm nhẹ nghĩa vụ cho bất kỳ
tàu thuyền nào đối với quy định tại bất kỳ điều nào khác.
2. Tàu thuyền hành trình trong hệ thống phân luồng
phải:
a) Đi theo đúng tuyến đường giao thông đã quy định
và theo đúng hướng đi chung quy định ở tuyến đường đó;
b) Trong chừng mực có thể được, giữ hướng đi cách
xa đường phân cách hoặc dải phân cách của hệ thống phân luồng;
c) Theo quy định chung, phải đi vào hoặc rời hệ thống
phân luồng ở hai đầu hệ thống phân luồng, nhưng khi tàu thuyền phải đi vào hoặc
rời từ mỗi phía trong giới hạn của hệ thống phân luồng, thì phải đi theo hướng
tạo với hướng đi chung một góc càng bé càng tốt.
3. Nếu thực tế cho phép, tàu thuyền phải hết sức
tránh đi cắt ngang hệ thống phân luồng, nhưng nếu bắt buộc phải cắt ngang hệ thống
phân luồng thì phải đi theo hướng mũi tàu tạo với hướng chính của luồng một góc
càng gần 9° càng tốt.
4. Sử dụng vùng nước phía bờ:
a) Tàu thuyền không được sử dụng vùng nước phía bờ
để qua lại khi tàu thuyền đó có thể đi lại an toàn trong tuyến giao thông thích
hợp liền kề hệ thống phân luồng. Tuy nhiên, tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét,
tàu thuyền buồm và tàu thuyền đang đánh cá có thể sử dụng vùng nước phía bờ.
b) Bất kể quy định tại điểm a khoản này, tàu thuyền
có thể sử dụng vùng nước phía bờ khi tàu thuyền đó đang trên đường vào hoặc rời
cảng, cấu trúc hoặc thiết bị xa bờ, trạm hoa tiêu hoặc bất kỳ địa điểm khác
trong vùng nước phía bờ hoặc để tránh một nguy cơ trước mắt.
5. Thông thường, tàu thuyền không phải là tàu thuyền
vào, rời hoặc cắt ngang hệ thống phân luồng thì không được đi vào hoặc cắt
ngang đường phân cách hoặc dải phân cách của hệ thống phân luồng, trừ:
a) Trường hợp khẩn nguy để tránh một nguy cơ trước
mắt;
b) Trường hợp đánh cá ở trong vùng phân chia luồng.
6. Tàu thuyền hành trình trong những khu vực gần đoạn
cuối của hệ thống phân luồng phải hết sức thận trọng.
7. Trong chừng mực có thể được, tàu thuyền tránh thả
neo trong phạm vi hệ thống phân luồng hoặc trong các vùng gần hai đầu hệ thống
phân luồng.
8. Tàu thuyền không sử dụng hệ thống phân luồng phải
hành trình cách xa hệ thống đó một khoảng cách đủ lớn mà thực tế cho phép.
9. Tàu thuyền đang đánh cá không được cản trở đường
đi của bất kỳ tàu thuyền nào đang hành trình trong hệ thống luồng.
10. Tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét hoặc tàu
thuyền buồm không được cản trở đường đi của các tàu thuyền máy đang hành trình
trong hệ thống luồng.
11. Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động khi
làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải trong hệ thống phân luồng được miễn trừ
việc thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều này đến chừng mực cần thiết để thực
hiện công việc đó.
12. Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động khi tiến
hành công việc đặt, bảo dưỡng hoặc thu hồi cáp ngầm trong phạm vi hệ thống phân
luồng được miễn trừ việc thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều này đến chừng
mực cần thiết để thực hiện những công việc đó.
MỤC II. ĐIỀU ĐỘNG TÀU THUYỀN KHI
NHÌN THẤY NHAU BẰNG MẮT THƯỜNG
Điều 11. Phạm vi điều chỉnh của
Mục II Chương II của Thông tư
Các quy định tại Mục này áp dụng cho tàu thuyền khi
nhìn thấy nhau bằng mắt thường.
Điều 12. Tàu thuyền buồm
1. Khi hai tàu thuyền buồm đi đến gần nhau có nguy
cơ đâm va xảy ra thì một trong hai tàu thuyền này phải nhường đường tàu thuyền
kia theo những quy định sau đây:
a) Khi hai tàu thuyền ăn gió ở hai mạn khác nhau
thì tàu thuyền ăn gió ở mạn trái phải tránh đường cho tàu thuyền ăn gió ở mạn
phải;
b) Khi cả hai tàu thuyền ăn gió cùng một mạn thì
tàu thuyền đi trên gió phải tránh đường cho tàu thuyền đi dưới gió;
c) Nếu tàu thuyền ăn gió mạn trái nhìn thấy một tàu
thuyền khác ở phía trên gió nhưng không thể xác định được chính xác tàu thuyền ấy
ăn gió mạn trái hay mạn phải thì phải nhường đường cho tàu thuyền đó.
2. Để áp dụng các quy định tại điều này, mạn ăn gió
của tàu thuyền là mạn đối hướng với mạn có cánh buồm chính bị thổi sang hoặc
trong trường hợp tàu có buồm ngang thì là mạn đối hướng với mạn có cánh buồm dọc
lớn bị thổi sang.
Điều 13. Tàu thuyền vượt
1. Không phụ thuộc bất kỳ những quy định tại Mục I
và Mục II Chương II, tất cả tàu thuyền vượt tàu thuyền khác phải có trách nhiệm
nhường đường cho tàu thuyền bị vượt.
2. Tàu thuyền được coi là tàu thuyền vượt khi tàu
thuyền đó đến gần tàu thuyền khác từ một hướng lớn hơn 22,5° sau trục ngang của
tàu thuyền đó, nghĩa là ban đêm tàu thuyền vượt ở vị trí vượt chỉ có thể nhìn
thấy đèn lái mà không thể nhìn thấy đèn mạn của tàu thuyền bị vượt.
3. Trong trường hợp nghi ngờ tàu thuyền mình có phải
là tàu thuyền vượt hay không thì phải coi như mình là tàu thuyền vượt và phải
điều động thích hợp.
4. Bất kỳ sự thay đổi tiếp theo về vị trí tương
quan của hai tàu thuyền như thế nào thì cũng không thể coi tàu thuyền vượt là
tàu thuyền đi cắt hướng theo nghĩa của Thông tư này hoặc miễn trừ trách nhiệm của
tàu thuyền vượt phải nhường đường cho tàu thuyền bị vượt cho đến khi nào tàu
thuyền vượt đi xa và để tàu thuyền bị vượt ở phía sau lái.
Điều 14. Tàu thuyền đi đối hướng
nhau
1. Khi hai tàu thuyền máy đi đối hướng hoặc gần như
đối hướng nhau dẫn đến nguy cơ đâm va thì mỗi tàu thuyền phải chuyển hướng đi về
phía bên phải của mình để cả hai tàu thuyền đi qua nhau về phía bên trái.
2. Tàu thuyền được coi là đối hướng nhau khi một
tàu thuyền nhìn thấy một tàu thuyền khác thẳng ngay hướng trước mũi hoặc gần
ngay hướng trước mũi tàu mình và:
a) Vào ban đêm tàu thuyền này nhìn thấy các đèn cột
của tàu thuyền kia cùng hay gần cùng nằm trên một đường thẳng hay nhìn thấy cả
hai đèn mạn của nó;
b) Vào ban ngày quan sát tàu thuyền kia dưới một
góc nhìn tương ứng với góc nhìn của tàu kia quan sát tàu mình.
3. Trong trường hợp tàu thuyền chưa thể khẳng định được
mình có đi đối hướng với một tàu thuyền khác hay không thì phải coi như đang đi
đối hướng và phải tiến hành điều động thích hợp.
Điều 15. Tàu thuyền đi cắt hướng
nhau
Khi hai tàu thuyền máy đi cắt hướng nhau đến mức có
nguy cơ đâm va thì tàu thuyền nào nhìn thấy tàu thuyền kia ở bên mạn phải của
mình thì phải nhường đường cho tàu thuyền đó và nếu hoàn cảnh cho phép phải
tránh đi qua phía trước mũi của tàu thuyền đó.
Điều 16. Hành động của tàu
thuyền phải nhường đường
Tàu thuyền có trách nhiệm nhường đường cho tàu
khác, thì trong điều kiện cho phép phải điều động kịp thời và dứt khoát để
tránh xa hẳn tàu thuyền kia.
Điều 17. Hành động của tàu
thuyền được nhường đường
1. Nguyên tắc chung:
a) Khi một tàu thuyền được một tàu thuyền khác nhường
đường cho mình, phải giữ nguyên hướng đi và tốc độ;
b) Khi xét thấy tàu thuyền phải nhường đường đã
không hành động phù hợp với yêu cầu của Thông tư này, thì tàu thuyền được nhường
đường có thể tự mình điều động để tránh đâm va.
2. Khi tàu thuyền được nhường đường giữ nguyên hướng
đi và tốc độ nhận thấy đang ở rất gần tàu thuyền kia và không thể tránh khỏi
nguy cơ đâm va nếu chỉ dựa vào sự điều động của tàu thuyền kia, thì tàu thuyền
được nhường đường cũng phải có biện pháp tốt nhất để điều động tàu mình tránh sự
đâm va.
3. Một tàu thuyền máy đang điều động để tránh va với
một tàu thuyền máy khác đang cắt hướng đi của mình theo quy định tại điểm b khoản
1 Điều này, nếu hoàn cảnh cho phép, không được đổi hướng đi về phía bên trái nếu
tàu thuyền kia đang ở bên mạn trái của mình.
4. Điều khoản này không miễn trừ trách nhiệm cho
tàu thuyền có nghĩa vụ nhường đường cho tàu thuyền khác.
Điều 18. Trách nhiệm tương
quan giữa các tàu thuyền
Loại trừ các trường hợp quy định tại các Điều 9, 10, 13 của Thông tư này, cụ thể:
1. Tàu thuyền máy đang hành trình phải nhường đường
cho:
a) Tàu thuyền mất khả năng điều động;
b) Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động;
c) Tàu thuyền đang đánh cá;
d) Tầu thuyền buồm.
2. Tàu thuyền buồm đang hành trình phải nhường đường
cho:
a) Tàu thuyền mất khả năng điều động;
b) Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động;
c) Tàu thuyền đang đánh cá.
3. Tàu thuyền đang đánh cá và hành trình, với mức độ
có thể được phải nhường đường cho:
a) Tàu thuyền mất khả năng điều động;
b) Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động.
4. Tàu thuyền bị hạn chế mớn nước:
a) Bất kỳ tàu thuyền nào, trừ tàu thuyền mất khả
năng điều động hoặc tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động, nếu hoàn cảnh cho
phép không được làm cản trở đường đi an toàn của tàu thuyền bị hạn chế mớn nước
đang trưng các tín hiệu quy định tại Điều 28 của Thông tư này;
b) Tàu bị hạn chế mớn nước phải hành động hết sức
thận trọng và phải chú ý đặc biệt đến tình trạng của mình.
5. Thủy phi cơ trên mặt nước, theo quy định chung phải
tránh xa các tàu thuyền và không được làm trở ngại cho việc đi lại của chúng.
Tuy nhiên khi có khả năng xảy ra nguy cơ đâm va thì thủy phi cơ cũng phải tuân
theo các quy định tại Chương này.
6. Tàu đệm khí có cánh:
a) Tàu đệm khí có cánh khi cất cánh, hạ cánh hoặc
khi bay sát mặt nước phải tránh xa các tàu thuyền khác và tránh gây cản trở cho
hoạt động của các tàu thuyền đó;
b) Tàu đệm khí có cánh khi di chuyển trên mặt nước
phải tuân thủ các quy định tại mục này như tàu thuyền máy.
MỤC III. HÀNH TRÌNH CỦA TÀU THUYỀN
KHI TẦM NHÌN XA BỊ HẠN CHẾ
Điều 19. Hành trình của tàu
thuyền khi tầm nhìn xa bị hạn chế
1. Điều này áp dụng đối với các những tàu thuyền
không nhìn thấy nhau bằng mắt thường khi hành trình trong hay gần những vùng mà
tầm nhìn xa bị hạn chế.
2. Tất cả tàu thuyền phải hành trình với tốc độ an
toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế xảy ra và điều kiện tầm nhìn xa bị hạn chế.
Tàu thuyền máy phải chuẩn bị máy sẵn sàng để có thể điều động được ngay khi cần
thiết.
3. Khi áp dụng các quy định tại Mục I Chương này, tất
cả tàu thuyền phải hết sức thận trọng, cân nhắc hành động cho phù hợp với hoàn
cảnh thực tế và điều kiện tầm nhìn xa bị hạn chế.
4. Tàu thuyền chỉ phát hiện được tàu thuyền khác bằng
radar phải xác định xem tình huống có dẫn tới quá gần nhau hay có xảy ra đâm va
không, khi có tình trạng đó xảy ra thì phải có những biện pháp xử lý kịp thời;
trong trường hợp biện pháp chọn là thay đổi hướng đi thì trong chừng mực có thể
được, tránh:
a) Thay đổi hướng đi về phía bên trái, khi tàu thuyền
khác đang ở trước trục ngang và không phải là tàu thuyền đang bị vượt;
b) Thay đổi hướng đi về phía tàu thuyền đang ở vị
trí chính ngang hoặc ở phía sau hướng chính ngang của tàu mình.
5. Trừ khi đã khẳng định được là không có nguy cơ
đâm va, mọi tàu thuyền khi nghe được âm hiệu sương mù của một tàu thuyền khác ước
chừng ở phía trước trục ngang của mình hay khi không thể tránh được tình huống
quá gần tàu thuyền khác đang ở phía trước trục ngang thì phải giảm tốc độ đến mức
thấp nhất, đủ để cho tàu ăn lái. Nếu xét thấy cần thiết, tàu thuyền phải phá trớn
và trong mọi tình huồng phải điều động hết sức thận trọng cho đến khi không còn
nguy cơ đâm va.
Chương 3.
ĐÈN VÀ DẤU HIỆU
Điều 20. Phạm vi điều chỉnh
Chương III của Thông tư
1. Các quy định tại Chương này phải được áp dụng
trong mọi điều kiện thời tiết.
2. Các điều quy định về đèn phải được áp dụng từ
khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc và trong suốt khoảng thời gian này tàu
thuyền không được trưng các đèn khác có thể gây nhầm lẫn với các đèn quy định tại
Điều này hoặc làm giảm tầm nhìn xa hoặc gây ảnh hưởng đến đặc tính riêng biệt
hoặc gây trở ngại cho việc cảnh giới thích đáng.
3. Những đèn quy định tại Thông tư này cũng có thể
được trưng từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn khi tầm nhìn xa bị hạn chế
hoặc trong các trường hợp khác xét thấy cần thiết.
4. Các điều liên quan đến dấu hiệu phải được áp dụng
vào ban ngày.
5. Các đèn và dấu hiệu quy định tại các khoản 1, 2,
3 và 4 của Điều này thực hiện theo các yêu cầu tại Phụ lục I của Thông tư này.
Điều 21. Định nghĩa
1. "Đèn cột" là một đèn trắng đặt lên mặt
phẳng trục dọc của tàu thuyền, chiếu sáng liên tục trong phạm vi một cung chân
trời 225° và bố trí sao cho chiếu sáng thẳng từ hướng phía trước mũi tàu đến
22,5° sau đường trục ngang của mỗi mạn.
2. "Đèn mạn" là một đèn xanh lục đặt ở mạn
phải và một đèn đỏ đặt ở mạn trái, mỗi đèn chiếu sáng liên tục trong phạm vi một
cung chân trời 112,5° và bố trí sao cho chiếu sáng thẳng từ hướng phía trước
mũi tàu đến 22,5° sau đường trục ngang của mỗi mạn tương ứng.
Trên các tàu thuyền có chiều dài nhỏ hơn 20 mét,
các đèn mạn có thể kết hợp thành một đèn kép hai màu đặt ở mặt phẳng trục dọc của
tàu thuyền ấy.
3. "Đèn lái" là một đèn màu trắng đặt
càng gần phía lái tàu thuyền càng tốt, chiếu sáng liên tục trong phạm vi một cung
chân trời là 135° và bố trí sao cho chiếu sáng sang mỗi mạn là 67,5°.
4. "Đèn lai dắt" là một đèn vàng, có những
đặc tính như đèn lái đã quy định tại khoản 3 Điều này.
5. "Đèn chiếu sáng khắp 4 phía" là một
đèn chiếu sáng khắp vòng cung chân trời 360°.
6. "Đèn chớp" là một đèn có chớp đều theo
chu kỳ 120 chớp hoặc nhiều hơn trong một phút.
Điều 22. Tầm nhìn xa của các
đèn
Các đèn được mô tả tại các điều này phải có đủ cường
độ ánh sáng quy định tại điểm 8 Phụ lục I của Thông tư này để các đèn đó có thể
nhìn thấy ở những khoảng cách tối thiểu sau:
1. Trên các tàu thuyền có chiều dài từ 50 mét trở
lên phải có:
a) Đèn cột 6 hải lý;
b) Đèn mạn 3 hải lý;
c) Đèn lái 3 hải lý;
d) Đèn lai dắt 3 hải lý;
đ) Đèn trắng, đỏ, xanh hoặc đèn vàng chiếu sáng khắp
4 phía 3 hải lý.
2. Trên các tàu thuyền có chiều dài từ 12 mét trở
lên nhưng nhỏ hơn 50 mét phải có:
a) Đèn cột 5 hải lý, nếu chiều dài của tàu thuyền
nhỏ hơn 20 mét thì 3 hải lý;
b) Đèn mạn 2 hải lý;
c) Đèn lái 2 hải lý;
d) Đèn lai dắt 2 hải lý;
đ) Đèn trắng, đỏ, xanh lục hoặc đèn vàng chiếu sáng
khắp 4 phía 2 hải lý.
3. Trên các tàu thuyền có chiều dài dưới 12 mét phải
có:
a) Đèn cột 2 hải lý;
b) Đèn mạn 1 hải lý;
c) Đèn lái 2 hải lý;
d) Đèn lai dắt 2 hải lý;
đ) Đèn trắng, đỏ, xanh lục hoặc đèn vàng chiếu sáng
khắp 4 phía 2 hải lý.
4. Trên các tàu thuyền loại nhỏ khó phát hiện hoặc
trên các vật bị lai phải có đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía 3 hải lý.
Điều 23. Tàu thuyền máy đang
hành trình
1. Tàu thuyền máy đang hành trình phải trưng:
a) Đèn cột trước;
b) Đèn cột thứ hai ở phía sau cao hơn đèn cột phía
trước. Tuy nhiên, tàu thuyền có chiều dài dưới 50 mét không nhất thiết phải
mang đèn cột thứ hai;
c) Các đèn mạn;
d) Đèn lái.
2. Tàu thuyền chạy trên đệm không khí ở trạng thái không
có lượng chiếm nước, đang hành trình, ngoài những đèn quy định tại khoản 1 Điều
này còn phải trưng 1 đèn chớp vàng chiếu sáng khắp 4 phía.
3. Tàu đệm khí có cánh khi cất cánh, hạ cánh hoặc
khi bay sát mặt nước, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, phải trưng 1 đèn
chớp đỏ có cường độ ánh sáng cao, chiếu sáng khắp 4 phía.
4. Tàu thuyền máy có chiều dài dưới 12 mét:
a) Tàu thuyền máy có chiều dài dưới 12 mét có thể
thay thế các đèn quy định tại khoản 1 Điều này bằng một đèn trắng chiếu sáng khắp
4 phía và các đèn mạn;
b) Tàu thuyền máy có chiều dài dưới 7 mét và tốc độ
của nó không quá 7 hải lý một giờ có thể thay thế các đèn được quy định tại khoản
1 Điều này bằng một đèn trắng chiếu sáng khắp 4 phía. Tàu thuyền loại này nếu
có thể được trưng thêm các đèn mạn;
c) Tàu thuyền máy có chiều dài dưới 12 mét, nếu
trong thực tế không cho phép lắp đặt đèn cột hoặc đèn trắng chiếu sáng khắp 4
phía ở mặt phẳng trục dọc của tàu, thì các đèn này có thể lắp đặt ở mặt phẳng
tương đương với mặt trục dọc, miễn là các đèn mạn được kết hợp thành một đèn lắp
đặt ở mặt phẳng trục dọc hoặc thực tế cho phép thì đặt cùng mặt phẳng của đèn cột
hoặc đèn chiếu sáng khắp 4 phía.
Điều 24. Tàu thuyền lai kéo và
lai đẩy
1. Tàu thuyền máy đang lai kéo phải trưng:
a) Thay thế đèn được quy định tại điểm
a khoản 1 hoặc điểm b khoản 1 Điều 23 của Thông tư này bằng hai đèn cột trước
đặt trên một đường thẳng đứng. Nếu chiều dài đoàn lai tính từ lái tàu thuyền
lai đến điểm cuối cùng của đoàn lai vượt quá 200 mét thì phải trưng 3 đèn như
thế;
b) Các đèn mạn;
c) Đèn lái;
d) Đèn lai dắt theo một đường thẳng đứng với đèn
lái và trên đèn lái;
đ) Một dấu hiệu hình thoi treo nơi dễ nhìn thấy nhất
nếu chiều dài của đoàn lai dài hơn 200 mét.
2. Khi tàu thuyền lai đẩy tàu thuyền khác phía trước
mà chúng được ghép nối với tàu thuyền lai thành một khối vững chắc thì được xem
như một tàu thuyền máy và phải trưng các đèn quy định tại Điều
23 của Thông tư này.
3. Tàu thuyền máy khi lai đẩy phía trước hoặc lai
áp mạn tàu thuyền khác mà chúng không thành một đơn vị hỗn hợp vững chắc thì phải
trưng:
a) Hai đèn cột trên một đường thẳng đứng thay cho
các đèn quy định tại điểm a khoản 1 hoặc điểm b khoản 1 Điều 23
của Thông tư này;
b) Các đèn mạn;
c) Đèn lái.
4. Tàu thuyền máy phải áp dụng các quy định tại khoản
1 hoặc khoản 3 Điều này cũng phải tuân thủ các quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 23.
5. Tàu thuyền hoặc vật bị lai, trừ các tàu thuyền
quy định tại khoản 7 Điều này, phải trưng:
a) Các đèn mạn;
b) Đèn lái.
c) Một dấu hiệu hình thoi treo ở nơi dễ nhìn thấy nhất
nếu chiều dài của đoàn lai dài quá 200 mét.
6. Không kể số lượng tàu thuyền bị lai áp mạn hoặc
bị lai đẩy là bao nhiêu trong một nhóm đều phải trưng đèn như một tàu thuyền:
a) Tàu thuyền bị lai đẩy phía trước, phải trưng các
đèn mạn phía trước nếu không phải là một bộ phận của một đơn vị vững chắc;
b) Tàu thuyền bị lai áp mạn phải mang đèn lái và
các đèn mạn phía mũi.
7. Tàu thuyền khó phát hiện hoặc vật bị lai hoặc sự
kết hợp của các tàu thuyền như vậy, hoặc vật bị lai phải trưng:
a) Khi chiều rộng của chúng dưới 25 mét, một đèn trắng
chiếu sáng khắp bốn phía đặt ở phần sát phía trước thân tàu hoặc ở gần phía đó
và một đèn trắng như vậy đặt ở sát phía lái tàu hoặc ở gần phía đó, trừ loại
túi chất lỏng "túi hình trụ" không thể đặt đèn ở phần phía trước hoặc
ở gần phía đó;
b) Khi chiều rộng của chúng từ 25 mét trở lên, thêm
hai đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía bố trí ở hai điểm xa nhất của chiều rộng
tàu thuyền hoặc gần ở vị trí đó;
c) Khi chiều dài của chúng lớn hơn 100 mét, thì phải
thêm các đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía theo quy định tại điểm a và điểm b,
nhưng khoảng cách giữa các đèn này không được vượt quá 100 mét.
d) Một dấu hiệu hình thoi treo ở phía tận cùng phía
lái tàu hoặc vật bị lai cuối cùng hay đặt ở gần phía đó, và khi chiều dài của
đoàn lai lớn hơn 200 mét thì thêm một dấu hiệu hình thoi treo ở vị trí dễ trông
thấy nhất.
8. Khi tàu thuyền hoặc vật bị lai không thể trưng
các đèn hoặc các dấu hiệu quy định tại khoản 5 hoặc khoản 7 Điều này thì phải
dùng mọi biện pháp có thể được để chiếu sáng tàu thuyền hay vật bị lai hoặc ít
nhất cũng phải báo hiệu được sự có mặt của tàu thuyền hoặc vật bị lai đó.
9. Khi tàu thuyền bình thường làm nhiệm vụ lai dắt
nếu không thể mang các đèn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều này như khi
tiến hành lai kéo tàu thuyền gặp nạn hoặc lai kéo tàu thuyền yêu cầu cứu trợ
thì tàu thuyền lai không nhất thiết phải trưng các đèn này, nhưng phải áp dụng
tất cả các biện pháp có thể thực hiện được để thể hiện mối liên hệ giữa tàu
thuyền lai và tàu thuyền bị lai như đã quy định tại Điều 36 của
Thông tư này, mà chủ yếu là chiếu sáng dây lai.
Điều 25. Tàu thuyền buồm đang
hành trình và thuyền chèo bằng tay
1. Tàu thuyền buồm đang hành trình phải trưng:
a) Các đèn mạn;
b) Đèn lái.
2. Tàu thuyền buồm chiều dài dưới 20 mét thì các
đèn quy định tại khoản 1 Điều này có thể ghép thành một đèn ba màu đặt ở đỉnh cột
hay gần cột buồm, nơi có thể nhìn thấy rõ nhất.
3. Tàu thuyền buồm đang hành trình ngoài những đèn
quy định tại khoản 1 Điều này, có thể trưng ở đỉnh cột hoặc gần đỉnh cột buồm,
nơi nhìn thấy rõ nhất hai đèn chiếu sáng khắp bốn phía trên một đường thẳng đứng:
Đèn đỏ trên, đèn xanh lục ở dưới, nhưng những đèn này không được trưng ra cùng
với đèn ghép nêu tại khoản 2 Điều này.
4. Tàu thuyền buồm có chiều dài dưới 7 mét, nếu có
thể được phải trưng những đèn đã quy định tại khoản 1 hay khoản 2 Điều này. Khi
không thể trưng các đèn như thế thì phải chuẩn bị sẵn sàng một đèn pin hoặc thắp
sẵn một đèn xách tay phát ra ánh sáng màu trắng để đưa ra kịp thời tránh nguy
cơ đâm va.
5. Tàu thuyền chèo bằng tay có thể trưng những đèn
như quy định đối với tàu thuyền buồm, nhưng khi không trưng được những đèn như
thế thì phải chuẩn bị sẵn sàng một đèn pin hoặc thắp sẵn một đèn xách tay phát
ra ánh sáng màu trắng để đưa ra kịp thời tránh nguy cơ đâm va.
6. Tàu thuyền vừa chạy buồm vừa chạy máy phải trưng
ở phía trước nơi thấy rõ nhất một dấu hiệu hình nón đỉnh chúc xuống dưới.
Điều 26. Tàu thuyền đánh cá
1. Tàu thuyền đang đánh cá khi hành trình hoặc đang
thả neo chỉ phải trưng các đèn và dấu hiệu được quy định tại Điều này.
2. Tàu thuyền đang đánh cá bằng lưới vét hoặc một dụng
cụ đánh cá khác kéo lê chìm dưới nước phải trưng:
a) Hai đèn chiếu sáng khắp bốn phía đặt trên một đường
thẳng đứng, đèn trên màu xanh lục, đèn dưới màu trắng, hoặc một dấu hiệu gồm
hai hình nón quay đỉnh chóp vào nhau, cái nọ đặt cách cái kia trên một đường thẳng
đứng;
b) Một đèn cột đặt cao hơn ở phía sau đèn có màu
xanh lục chiếu sáng khắp bốn phía. Tàu thuyền có chiều dài dưới 50 mét có thể
có hoặc không có đèn này;
c) Khi tàu thuyền còn trớn thì ngoài những đèn quy
định tại khoản này còn phải trưng các đèn mạn và đèn lái.
3. Tàu thuyền đang đánh cá mà dụng cụ đánh cá không
phải là lưới vét hoặc một dụng cụ đánh cá kéo lê chìm dưới nước phải trưng:
a) Hai đèn chiếu sáng khắp bốn phía đặt trên một đường
thẳng đứng, đèn trên màu đỏ, đèn dưới màu trắng hoặc một dấu hiệu gồm hai hình
nón quay đỉnh chóp vào nhau, cái nọ đặt cách cái kia trên một đường thẳng đứng;
b) Khi dụng cụ đánh cá trải trên biển cách xa tàu
thuyền trên 150 mét theo mặt phẳng ngang thì phải trưng một đèn trắng chiếu
sáng khắp bốn phía hoặc treo một dấu hiệu hình nón đỉnh chóp lên trên đặt ở
phía có dụng cụ đánh cá;
c) Khi tàu thuyền còn trớn thì ngoài những đèn quy
định tại khoản này còn phải trưng các đèn mạn và đèn lái.
4. Những tín hiệu quy định tại Phụ lục II của Thông
tư này áp dụng cho các tàu thuyền đang đánh cá gần nhau.
5. Tàu thuyền đánh cá, khi không làm nhiệm vụ đánh
cá thì không được trưng các đèn hay dấu hiệu quy định tại Điều này mà chỉ trưng
những đèn hoặc dấu hiệu quy định cho tàu thuyền có cùng chiều dài.
Điều 27. Tàu thuyền mất khả
năng điều động và tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động
1. Tàu thuyền mất khả năng điều động phải trưng:
a) Hai đèn đỏ chiếu sáng khắp bốn phía, đặt theo
chiều thẳng đứng ở nơi có thể nhìn thấy rõ nhất;
b) Hai hình cầu hoặc hai dấu hiệu tương tự đặt theo
chiều thẳng đứng ở nơi có thể nhìn thấy rõ nhất;
c) Khi tàu thuyền còn trớn, ngoài các đèn quy định tại
khoản này còn phải trưng các đèn mạn và đèn lái.
2. Tàu thuyền bị hạn chế khả năng điều động, không
kể đến tàu thuyền đang tiến hành công việc rà phá bom mìn, phải trưng:
a) Ba đèn chiếu sáng khắp bốn phía đặt theo chiều
thẳng đứng ở nơi có thể nhìn thấy rõ nhất, đèn trên và đèn dưới màu đỏ, đèn giữa
màu trắng;
b) Ba dấu hiệu đặt theo chiều thẳng đứng ở nơi có
thể nhìn thấy rõ nhất, ở trên và ở dưới là dấu hiệu hình cầu, ở giữa là dấu hiệu
hình thoi;
c) Khi tàu thuyền còn trớn, ngoài những đèn quy định
tại điểm a khoản 2 còn phải trưng đèn cột hoặc các đèn cột, các đèn mạn và đèn
lái;
d) Khi tàu thuyền neo, ngoài những đèn hay dấu hiệu
được quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này còn phải trưng các đèn hay dấu
hiệu quy định tại Điều 30 của Thông tư này.
3. Tàu thuyền máy đang tiến hành công việc lai dắt
mà bị hạn chế đến khả năng của tàu lai và tàu bị lai không thể đi chệch hướng của
mình thì ngoài những đèn hay dấu hiệu đã quy định tại điểm a và điểm b khoản 2
Điều này còn phải trưng thêm các đèn hay dấu hiệu quy định tại khoản
1 Điều 24 của Thông tư này.
4. Tàu thuyền đang làm công tác nạo vét hay tiến
hành nhưng công việc ngầm dưới nước, bị hạn chế khả năng điều động thì phải
trưng các đèn và dấu hiệu được quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này
và trong trường hợp làm trở ngại việc đi lại cho tàu thuyền khác thì phải trưng
thêm:
a) Hai đèn đỏ chiếu sáng khắp bốn phía hoặc treo
hai hình cầu theo chiều thẳng đứng ở phía có trở ngại;
b) Hai đèn xanh lục chiếu sáng khắp bốn phía hoặc
treo hai hình thoi theo chiều thẳng đứng ở phía an toàn mà tàu thuyền khác có
thể qua lại;
c) Khi tàu thuyền neo phải trưng các đèn hay dấu hiệu
đã quy định tại điểm a và b khoản này thay cho các đèn hay dấu hiệu quy định tại
Điều 30 của Thông tư này.
5. Trong trường hợp kích thước của tàu thuyền làm
công tác ngầm dưới nước thực tế không cho phép trưng tất cả các đèn và dấu hiệu
quy định tại khoản 4 Điều này thì tàu thuyền đó phải trưng:
a) Ba đèn chiếu sáng khắp bốn phía treo theo chiều
thẳng đứng ở nơi dễ trông thấy nhất. Đèn trên và đèn dưới màu đỏ, đèn giữa màu
trắng;
b) Cờ hiệu chữ "A" theo luật tín hiệu quốc
tế làm bằng tấm cứng cao ít nhất 1m. Cần phải áp dụng các biện pháp để bảo đảm
nhìn thấy cờ này từ bốn phía.
6. Tàu thuyền đang tiến hành công việc rà phá bom
mìn, ngoài những đèn được quy định tại Điều 23 của Thông tư này
đối với tàu thuyền máy hoặc ngoài những đèn hay đấu hiệu quy định tại Điều 30 của Thông tư này đối với tàu thuyền neo, còn phải
trưng ba đèn xanh lục chiếu sáng khắp bốn phía hoặc ba hình cầu phải đặt ở đỉnh
cột trước, hai đèn còn lại hay hai hình cầu còn lại đặt ở đầu xà ngang của cột
trước mỗi bên một chiếc. Các đèn hay dấu hiệu này biểu thị cho tàu thuyền khác
biết sự nguy hiểm nếu gần tàu đang rà phá bom mìn ở khoảng cách dưới 1000 mét.
7. Tàu thuyền có chiều dài dưới 12 mét trừ các tàu
thuyền đang tiến hành công tác ngầm dưới nước, không nhất thiết phải trưng các
đèn và dấu hiệu quy định tại Điều này.
8. Những tín hiệu quy định ở Điều này không phải là
những tín hiệu của tàu thuyền bị nạn và yêu cầu giúp đỡ. Những tín hiệu gặp nạn
xin cấp cứu được quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
Điều 28. Tàu thuyền bị hạn chế
mớn nước
Tàu thuyền bị hạn chế mớn nước ngoài các đèn quy định
tại Điều 23 của Thông tư này cho tàu thuyền này, có thể
trưng thêm ở nơi dễ nhìn thấy nhất ba đèn đỏ chiếu sáng khắp bốn phía đặt theo
hình thẳng đứng hay một dấu hiệu hình trụ.
Điều 29. Tàu thuyền hoa tiêu
1. Tàu thuyền hoa tiêu đang làm nhiệm vụ hoa tiêu
phải trưng:
a) Trên đỉnh hay gần đỉnh cột buồm hai đèn chiếu
sáng khắp bốn phía, đặt theo chiều thẳng đứng, đèn trên màu trắng, đèn dưới mầu
đỏ;
b) Khi đang hành trình, ngoài những đèn nói trên
còn phải trưng các đèn mạn và đèn lái;
c) Khi neo, ngoài những đèn được quy định tại điểm
a khoản 1 còn phải trưng đèn, các dấu hiệu được quy định tại Điều
30 của Thông tư này cho tàu thuyền neo.
2. Tàu thuyền hoa tiêu khi không làm nhiệm vụ hoa
tiêu phải trưng những đèn hay dấu hiệu được quy định phù hợp với chiều dài của
loại tàu thuyền đó.
Điều 30. Tàu thuyền neo và tàu
thuyền bị mắc cạn
1. Tàu thuyền neo phải trưng ở nơi dễ nhìn thấy nhất:
a) Ở phía mũi, một đèn trắng chiếu sáng khắp bốn
phía hay một quả cầu;
b) Ở phía lái hay gần lái tàu thuyền, một đèn trắng
chiếu sáng khắp bốn phía, đặt thấp hơn đèn trắng nêu tại điểm a.
2. Tàu thuyền có chiều dài dưới 50 mét, có thể
trưng một đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía, đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất để
thay cho các đèn đã quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Tàu thuyền neo cũng có thể sử dụng những đèn làm
việc sẵn có hoặc các đèn tương đương để chiếu sáng boong tàu. Đối với tàu thuyền
có chiều dài bằng hoặc lớn hơn 100 mét thì quy định này là bắt buộc.
4. Tàu thuyền bị mắc cạn phải trưng các đèn quy định
tại khoản 1 hoặc 2 Điều này và còn phải treo ở nơi dễ nhìn thấy nhất:
a) Hai đèn đỏ chiếu sáng khắp bốn phía, đặt theo
chiều thẳng đứng;
b) Ba quả cầu đặt theo chiều thẳng đứng.
5. Tàu thuyền có chiều dài dưới 7 mét, lúc neo hay
khi bị mắc cạn mà không nằm trong hay gần luồng hoặc tuyến giao thông, vùng neo
tàu và những khu vực tàu thuyền thường xuyên qua lại thì không nhất thiết phải
trưng những đèn hay dấu hiệu quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này.
6. Tàu thuyền có chiều dài dưới 12 mét, khi bị mắc
cạn không nhất thiết phải trưng những đèn hay dấu hiệu quy định tại điểm a và
điểm b khoản 4 Điều này.
Điều 31. Thủy phi cơ
Trường hợp thủy phi cơ, tàu đệm khí có cánh không
thể trưng các đèn hay dấu hiệu có đặc tính và vị trí đáp ứng các quy định tại
các điều của Chương này, thì với mức độ có thể phải trưng các đèn và dấu hiệu
có đặc tính và vị trí càng gần đúng với quy định của Thông tư này càng tốt.
Chương 4.
TÍN HIỆU ÂM THANH VÀ TÍN
HIỆU ÁNH SÁNG
Điều 32. Định nghĩa
1. "Còi" là thiết bị có thể phát ra âm
thanh phù hợp với những yêu cầu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
2. "Tiếng còi ngắn" là tiếng còi kéo dài
khoảng một giây.
3. "Tiếng còi dài" là tiếng còi kéo dài
trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giây.
Điều 33. Thiết bị phát tín hiệu
âm thanh
1. Tàu thuyền có chiều dài từ 12 mét trở lên phải
trang bị một còi; tàu thuyền có chiều dài từ 20 mét trở lên, ngoài còi, phải
trang bị thêm một chuông; tàu thuyền có chiều dài từ 100 mét trở lên ngoài còi
và chuông phải trang bị thêm một cái cồng mà âm thanh của nó không thể nhầm lẫn
với âm thanh của chuông. Còi, chuông và cồng phải thỏa mãn những yêu cầu quy định
tại Phụ lục III của Thông tư này. Chuông hay cồng hoặc cả hai có thể thay thế bằng
thiết bị khác có những đặc tính âm thanh tương tự với điều kiện phải luôn luôn
có khả năng phát bằng tay những tín hiệu âm thanh theo lệnh.
2. Tàu thuyền có chiều dài dưới 12 mét không nhất
thiết phải có những thiết bị phát tín hiệu âm thanh như quy định tại khoản 1 Điều
này và nếu không trang bị những thiết bị đó thì tàu thuyền này phải trang bị
các dụng cụ khác để phát tín hiệu, âm thanh có hiệu quả.
Điều 34. Tín hiệu điều động và
tín hiệu cảnh báo
1. Khi tàu thuyền nhìn thấy nhau bằng mắt thường,
tàu thuyền máy đang chạy mà muốn tiến hành điều động tàu thuyền mình phải báo bằng
còi những tín hiệu điều động được quy định tại Thông tư này:
Một tiếng còi ngắn có nghĩa là: "Tôi đổi hướng
đi của tôi sang phải";
Hai tiếng còi ngắn có nghĩa là: "Tôi đổi hướng
đi của tôi sang trái";
Ba tiếng còi ngắn có nghĩa là: "Máy của tôi
đang chạy lùi".
2. Mọi tàu thuyền ngoài những tín hiệu còi quy định
tại khoản 1 Điều này, có thể phát kèm thêm những tín hiệu ánh sáng lặp đi lặp lại,
tuỳ theo sự cần thiết trong suốt thời gian điều động:
a) Tín hiệu ánh sáng này có nghĩa như sau:
Một chớp có nghĩa là : "Tôi đổi hướng đi của
tôi sang phải";
Hai chớp có nghĩa là : "Tôi đổi hướng đi của
tôi sang trái";
Ba chớp có nghĩa là : "Máy của tôi đang chạy
lùi".
b) Mỗi 1 chớp phải kéo dài khoảng 1 giây, khoảng
cách giữa các chớp khoảng 1 giây, khoảng cách giữa các tín hiệu kế tiếp nhau phải
ít nhất là 10 giây;
c) Đèn sử dụng để phát tín hiệu này (nếu có) phải
là đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía, nhìn thấy ở khoảng cách ít nhất là 5 hải
lý và đèn này phải phù hợp với những yêu cầu tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
3. Khi tàu thuyền nhìn thấy nhau bằng mắt thường
trong luồng hẹp hoặc kênh đào thì:
a) Tàu thuyền có ý định vượt tàu thuyền khác như đã
quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 của Thông tư này phải
báo ý định của mình bằng còi theo các tín hiệu sau:
Hai tiếng còi dài và tiếp theo là một tiếng còi ngắn
(--.) có nghĩa là: "Tôi có ý định vượt về bên mạn phải tàu thuyền của
anh";
Hai tiếng còi dài và tiếp theo hai tiếng còi ngắn
(--..) có nghĩa là: "Tôi có ý định vượt về bên mạn trái tàu thuyền của
anh";
b) Tàu thuyền sắp bị vượt phải điều động đúng theo
quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 và phải báo động sự đồng
ý cho tàu thuyền vượt bằng tín hiệu gồm 4 tiếng còi :1 dài, 1 ngắn, 1 dài, 1 ngắn
(-.-.).
4. Khi tàu thuyền nhìn thấy nhau bằng mắt thường và
đang tiến lại gần nhau, vì một lý do nào đó mà tàu thuyền không hiểu ý định hoặc
hành động của tàu thuyền kia, hoặc nghi ngờ tàu thuyền kia có biện pháp điều động
đủ để tránh đâm va hay không, thì tàu thuyền đó phải tức khắc biểu thị sự nghi
ngờ bằng cách phát ít nhất 5 tiếng còi ngắn nhanh, liên tiếp. Cùng với tín hiệu
này có thể phát kèm thêm tín hiệu đèn, ít nhất là 5 chớp ngắn, nhanh, liên tục.
5. Tàu thuyền đi đến gần chỗ ngoặt hoặc một khúc
sông hoặc một đoạn luồng mà ở đó tàu thuyền khác có thể bị các vật chướng ngại
che khuất, phải phát một tiếng còi dài. Tàu thuyền ở bên kia chỗ ngoặt hay ở
phía sau chướng ngại đang che khuất nghe thấy âm hiệu phải đáp cùng một tiếng
còi dài như thế.
6. Khi tàu thuyền có trang bị nhiều còi, bố trí cái
nọ cách cái kia trên 100 mét, thì chỉ cần sử dụng một còi khi phát những tín hiệu
điều động và tín hiệu cảnh báo.
Điều 35. Tín hiệu âm thanh khi
tầm nhìn xa bị hạn chế
Khi ở trong hoặc gần khu vực tầm nhìn xa bị hạn chế,
ban ngày cũng như ban đêm, các tín hiệu quy định tại Điều này phải được sử dụng
như sau:
1. Tàu thuyền máy đang còn trớn, cứ cách không quá
2 phút phải phát một tiếng còi dài.
2. Tàu thuyền máy đang hành trình, nhưng đã dừng
máy và hết trớn, cứ không quá 2 phút phải phát hai tiếng còi dài liên tiếp, tiếng
này cách tiếng kia chừng 2 giây.
3. Tàu thuyền mất khả năng điều động, tàu thuyền bị
hạn chế khả năng điều động, tàu thuyền bị hạn chế mớn nước, tàu thuyền buồm,
tàu thuyền đang đánh cá và tàu thuyền đang lai kéo hoặc đẩy một tàu thuyền
khác, cứ cách không quá hai phút phải phát ba tiếng còi liên tiếp gồm 1 tiếng
còi dài tiếp theo là 2 tiếng còi ngắn, thay cho những tín hiệu quy định tại khoản
1 hoặc khoản 2 Điều này.
4. Tàu thuyền đánh cá khi neo và tàu thuyền bị hạn
chế khả năng điều động đang làm nhiệm vụ của mình khi neo, phải phát tín hiệu
quy định tại khoản 3 Điều này thay cho tín hiệu quy định tại khoản 7 Điều này.
5. Tàu thuyền bị lai, nếu số lượng nhiều hơn 1 thì
tàu thuyền bị lai cuối cùng của đoàn nếu có thuyền viên ở trên đó thì cứ cách
không quá 2 phút phải phát 4 tiếng còi liên tiếp gồm 1 tiếng dài tiếp theo là 3
tiếng còi ngắn (-…). Nếu có thể được, tín hiệu này phải được phát tiếp ngay sau
tín hiệu của tàu thuyền lai.
6. Tàu thuyền đang lai đẩy và tàu thuyền bị đẩy
phía trước liên kết vững chắc thành một khối thì được coi như tàu thuyền máy và
phải phát các tín hiệu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.
7. Tàu thuyền neo cứ cách không quá 1 phút phải
khua nhanh một hồi chuông trong khoảng thời gian chừng 5 giây. Tàu thuyền có
chiều dài từ 100m trở lên tín hiệu chuông nói trên phải được phát ra ở phía mũi
tàu và tiếp ngay sau đó phải gõ nhanh một hồi cồng khoảng 5 giây ở phía lái.
Tàu thuyền neo có thể phát thêm tín hiệu gồm ba tiếng còi liên tiếp: 1 tiếng ngắn,
1 tiếng dài và 1 tiếng ngắn (.-.) để báo vị trí của tàu thuyền mình và khả năng
xảy ra nguy cơ đâm va cho những tàu thuyền khác đang đến gần biết.
8. Tàu thuyền bị mắc cạn, ngoài việc phát tín hiệu
bằng chuông và nếu được yêu cầu, phải đánh cồng theo quy định tại khoản 7 Điều
này, còn phải đánh thêm 3 tiếng chuông riêng biệt ngay trước và sau mỗi hồi
chuông. Tàu thuyền bị mắc cạn còn có thể phát thêm tín hiệu thích hợp bằng còi.
9. Tàu thuyền có chiều dài từ 12 mét đến dưới 20
mét không bắt buộc phải phát các tín hiệu chuông như quy định tại các khoản 7
và khoản 8 Điều này. Tuy nhiên, khi không phát tín hiệu chuông thì phải phát
các tín hiệu âm thanh khác thích hợp trong khoảng thời gian không quá 2 giây.
10. Tàu thuyền có chiều dài dưới 12 mét không bắt
buộc phải phát tín hiệu âm thanh nói trên, nhưng khi không phát tín hiệu đó thì
cứ cách không quá 2 phút phải phát 1 tín hiệu âm thanh khác có hiệu quả.
11. Tàu thuyền hoa tiêu đang làm nhiệm vụ hoa tiêu,
ngoài những tín hiệu quy định tại các khoản 1, 2 và 7 Điều này, còn có thể phát
thêm tín hiệu để nhận dạng gồm 4 tiếng còi ngắn.
Điều 36. Tín hiệu kêu gọi sự
chú ý
Bất cứ tàu thuyền nào, khi xét thấy cần phải kêu gọi
sự chú ý của tàu thuyền khác, thì có thể phát những tín hiệu âm thanh hoặc tín
hiệu ánh sáng không lẫn với bất kỳ một tín hiệu nào đã quy định tại các điều của
Thông tư này, hoặc có thể chiếu đèn pha về phía có nguy cơ đe doạ, nhưng không
được gây trở ngại cho tàu thuyền khác. Bất kỳ đèn nào sử dụng để kêu gọi sự chú
ý của tàu thuyền khác đều không được gây nhầm lẫn với bất kì thiết bị trợ giúp
hàng hải nào. Với mục đích của Điều này cần phải tránh sử dụng đèn chiếu sáng
gián đoạn hoặc đèn chiếu sáng quay vòng với cường độ ánh sáng cực mạnh (như các
đèn xung lượng).
Điều 37. Tín hiệu cấp cứu
Tàu thuyền bị tai nạn và yêu cầu sự giúp đỡ phải sử
dụng hoặc phát ra những tín hiệu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
Chương 5.
MIỄN TRỪ
Điều 38. Miễn trừ
Tất cả tàu thuyền có sống chính được đặt hoặc đang ở
giai đoạn đóng mới tương đương trước ngày có hiệu lực của Quy tắc quốc tế về phòng
ngừa đâm va trên biển năm 1972 và đã tuân thủ các quy định của Quy tắc quốc tế
về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1960 có thể được miễn trừ như sau:
1. Thay đổi bố trí đèn do kết quả chuyển đổi từ hệ
đo lường Anh sang hệ mét và quy tròn các kết quả đo đó, được miễn trừ vĩnh viễn.
2. Thay đổi cách bố trí các đèn cột trên những tàu
thuyền có chiều dài dưới 150 mét được quy định tại khoản a mục 3 Phụ lục I của
Thông tư này, được miễn trừ vĩnh viễn;
3. Sự chuyển chỗ các đèn chiếu sáng khắp bốn phía
theo quy định tại khoản b mục 9 Phụ lục I của Thông tư này được miễn trừ vĩnh
viễn.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm
2013 và thay thế Quyết định số 49/2005/QĐ-BGTVT
ngày 04 tháng 10 năm 2005 về áp dụng Quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền
trên biển và Quyết định số 28/2007/QĐ-BGTVT
ngày 25 tháng 06 năm 2007 về việc sửa đổi điểm a và điểm b mục 8 Phụ lục I Quy
tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển ban hành kèm theo Quyết định
số 49/2005/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 10 năm
2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 40. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng
các vụ liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 40;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cục Đăng kiểm Việt Nam;
- Tổng Công ty BĐATHH MB, MN;
- Các Cảng vụ hàng hải;
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ,;
- Trang Thông tin điện tử của Bộ GTVT;
- Báo GTVT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, ATGT(5).
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|
PHỤ
LỤC I
VỊ TRÍ VÀ ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT CỦA CÁC ĐÈN VÀ DẤU HIỆU
(Kèm
theo Thông tư số 19/2013/TT-BGTVT ngày 6 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải)
1.
Định nghĩa
"Độ cao trên thân tàu" là chiều cao trên
mặt boong cao nhất chạy liên tục từ mũi đến lái. Chiều cao này cần phải tính từ
điểm đặt các đèn theo chiều thẳng đứng.
2.
Vị trí và khoảng cách của các đèn theo mặt phẳng thẳng đứng
a) Trên tàu thuyền máy có chiều dài từ 20 mét trở
lên các đèn cột phải được bố trí như sau:
- Đèn cột phía trước hoặc đối với tàu thuyền chỉ có
duy nhất một đèn cột, thì đèn này phải đặt ở độ cao trên thân tàu ít nhất là 6
mét và nếu chiều rộng của tàu thuyền không quá 6 mét thì đèn phải đặt ở độ cao trên
thân tàu tối thiểu bằng chiều rộng, nhưng không nhất thiết phải đặt đèn ở độ
cao quá 12 mét trên thân tàu;
- Trong trường hợp tàu thuyền có hai đèn cột thì phải
đặt đèn phía sau cao hơn đèn phía trước ít nhất là 4,5 mét.
b) Khoảng cách theo chiều thẳng đứng giữa các đèn cột
của tàu thuyền máy, phải sao cho trong mọi điều kiện bình thường của độ chênh mớn
nước đèn sau luôn luôn phải được nhìn thấy cao hơn và phân biệt được với đèn
trước ở khoảng cách 1000 mét tính từ mũi tàu đến mực nước biển.
c) Đèn cột của tàu thuyền máy có chiều dài từ 12
mét trở lên nhưng không quá 20 mét phải đặt ở độ cao trên thân tàu ít nhất là
2,5 mét.
d) Tàu thuyền máy có chiều dài dưới 12 mét có thể bố
trí đèn cao nhất không quá 2,5 mét trên mép mạn. Nhưng nếu tàu thuyền này trưng
đèn cột, các đèn mạn và đèn lái hoặc đèn chiếu sáng khắp bốn phía được quy định
tại điểm a khoản 3 Điều 23 của Thông tư này, thì đèn cột hoặc
đèn chiếu sáng khắp bốn phía phải được bố trí cao hơn các đèn mạn ít nhất là 1
mét.
đ) Một trong số 2 hoặc 3 đèn cột quy định cho tàu
thuyền máy đang làm nhiệm vụ lai kéo hoặc lai đẩy một tàu thuyền khác phải bố
trí ở cùng một nơi đặt đèn cột trước hoặc đèn cột sau của tàu thuyền máy. Trong
trường hợp nếu tàu thuyền lai dắt bố trí ở đèn cột sau thì đèn thấp nhất trong
các đèn cột sau phải bố trí cao hơn 4,5 mét theo chiều thẳng đứng so với đèn cột
trước.
e) Đèn cột hoặc đèn quy định tại khoản
1 Điều 23 của Thông tư này cần phải bố trí sao cho ở trên và cách xa các
đèn khác và vật cản. Trừ trường hợp khi các đèn chiếu sáng khắp bốn phía quy định
tại điểm a khoản 2 Điều 27 hoặc tại Điều 28
của Thông tư này thực tế không thể bố trí ở dưới các đèn cột, thì có thể đặt
chúng trên các đèn cột hoặc đặt ở vị trí giữa các đèn cột trước và các đèn cột
sau theo chiều thẳng đứng; trong trường hợp này cần phải bảo đảm việc thực hiện
các yêu cầu tại khoản c mục 3 Phụ lục này.
g) Các đèn mạn của một tàu thuyền máy phải được đặt
ở độ cao trên thân tàu không vượt quá 3/4 chiều cao của đèn cột trước. Các đèn
này không được đặt quá thấp để tránh nhầm lẫn với ánh sáng của các đèn trên
boong.
h) Các đèn mạn, nếu được ghép thành một đèn hai màu
và trên thuyền máy có chiều dài dưới 20 mét thì phải được bố trí thấp hơn đèn cột
ít nhất 1 mét.
i) Khi chấp hành các điều khoản quy định phải trưng
2 hoặc 3 đèn trên một đường thẳng đứng thì khoảng cách giữa các đèn đó phải được
bố trí như sau:
- Tàu thuyền có chiều dài từ 20 mét trở lên các đèn
phải đặt cách nhau ít nhất là 2 mét và đèn thấp nhất trong số các đèn đó phải đặt
ở độ cao ít nhất 4 mét trên sàn tàu, trừ đèn lai dắt mà tàu thuyền phải trưng:
- Tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét các đèn phải
đặt cách nhau ít nhất là 1 mét và đèn thấp nhất trong số các đèn đó phải đặt ở
độ cao ít nhất là 2 mét trên mớn nước chuyên chở, trừ đèn lai dắt theo quy định;
- Khi tàu thuyền phải trưng 3 đèn thì các đèn đó phải
được đặt cách đều nhau;
k) Đèn thấp nhất trong số hai đèn chiếu sáng khắp bốn
phía quy định cho tàu thuyền đang đánh cá phải đặt cao hơn các đèn mạn ít nhất
bằng hai lần khoảng cách giữa hai đèn đó theo chiều thẳng đứng.
l) Khi tàu thuyền trưng hai đèn neo thì đèn neo
phía mũi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 của Thông tư
này phải đặt cao hơn đèn neo phía lái ít nhất là 4,5 mét. Tàu thuyền có chiều
dài từ 50 mét trở lên, đèn neo phía mũi đặt ở độ cao trên thân tàu tối thiểu là
6 mét.
3. Vị trí và khoảng cách giữa các đèn theo mặt
phẳng nằm ngang
a) Đối với tàu thuyền máy theo quy định phải trưng
2 đèn cột thì khoảng cách theo mặt phẳng nằm ngang giữa hai đèn ít nhất bằng một
nửa chiều dài của tàu thuyền đó nhưng không nhất thiết phải lớn hơn 100 mét.
Đèn cột trước không được đặt cách xa sống mũi tàu quá 1/4 chiều dài của tàu
thuyền đó.
b) Tàu thuyền máy có chiều dài từ 20 mét trở lên,
các đèn mạn không được đặt phía trước đèn cột trước mà phải bố trí ở hai bên mạn
hoặc gần hai bên mạn của tàu thuyền.
c) Khi các đèn quy định tại điểm a
khoản 2 Điều 27 hoặc tại Điều 28 của Thông tư này đặt ở
giữa đèn cột trước/các đèn cột trước và đèn cột sau/các đèn cột sau thì những
đèn chiếu sáng khắp bốn phía cần phải đặt theo chiều ngang cách đường mũi lái của
tàu không quá 2 mét.
d) Khi chỉ một đèn cột được quy định cho tàu thuyền
máy, thì đèn này phải được trưng phía trước sườn giữa của tàu, trừ trường hợp
tàu có chiều dài nhỏ hơn 20 mét không nhất thiết phải trưng đèn này ở phía trước
sườn giữa của tàu, nhưng phải trưng nó càng xa về phía trước sườn của tàu càng
tốt.
4.
Những chi tiết liên quan đến các đèn chỉ hướng trên tàu thuyền đánh cá, tàu
thuyền làm công tác nạo vét luồng lạch và tàu thuyền làm công việc ngầm dưới nước
a) Đèn chỉ hướng dụng cụ đánh cá quy định tại điểm b khoản 3 Điều 26 của Thông tư này cho tàu thuyền đang
đánh cá, theo phương ngang phải đặt cách xa đèn đỏ và đèn trắng chiếu sáng khắp
bốn phía ít nhất là 2 mét và nhiều nhất là 6 mét. Đèn chỉ hướng này phải ở vị
trí sao cho không cao hơn đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía như quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 của Thông tư này mà cũng không được thấp
hơn các đèn mạn.
b) Các đèn và dấu hiệu của tàu thuyền đang làm công
tác nạo vét luồng lạch hoặc đang tiến hành các công việc ngầm dưới nước chỉ
phía có chướng ngại hay chỉ phía để tàu thuyền qua lại an toàn như quy định tại
điểm a và điểm b khoản 4 Điều 27 của Thông tư này phải được
đặt ở khoảng cách tối đa theo phương ngang và trong mọi trường hợp, không được
nhỏ hơn 2 mét tính từ đèn hoặc dấu hiệu quy định tại điểm a và
điểm b khoản 2 Điều 27 của Thông tư này. Trong mọi trường hợp, đèn hoặc dấu
hiệu trên cùng của các đèn hoặc dấu hiệu này không được đặt cao hơn đèn hay dấu
hiệu thấp nhất trong 3 đèn hoặc dấu hiệu quy định tại điểm a và
điểm b khoản 2 Điều 27 của Thông tư này.
5.
Tấm chắn của các đèn mạn
Những đèn mạn trên tàu thuyền có chiều dài từ 20
mét trở lên phải có những tấm chắn sơn màu đen nhạt và thoả mãn những quy định
tại mục 9 của Phụ lục này. Trên các tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét, các
đèn mạn cần phải có những tấm chắn sơn màu đen nhạt ngăn cách với phía mặt phẳng
trục dọc tàu để phù hợp với quy định tại mục 9 của Phụ lục này. Trong trường hợp
sử dụng đèn kép hai màu có một vách ngăn rất hẹp giữa cung ánh sáng màu xanh lục
và màu đỏ thì không cần thiết phải bố trí tấm chắn bên ngoài.
6.
Các dấu hiệu
a) Các dấu hiệu phải là màu đen và có kích thước
như sau:
- Đường kính tối thiểu của dấu hiệu hình cầu là 0,6
mét;
- Đường kính đáy của dấu hiệu hình chóp nón tối thiểu
là 0,6 mét và có chiều cao bằng đường kính đáy;
- Đường kính của dấu hiệu hình trụ tối thiểu là 0,6
mét và có chiều cao bằng 2 lần đường kính;
- Dấu hiệu hình thoi phải gồm 2 hình nón đã nêu trên
và có chung một đáy.
b) Khoảng cách thẳng đứng giữa các dấu hiệu tối thiểu
là 1,5 mét.
c) Tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét, kích thước
của các dấu hiệu có thể nhỏ hơn, nhưng phải cân đối với kích thước của tàu thuyền
và khoảng cách giữa các dấu hiệu cũng có thể giảm bớt cho thích hợp.
7.
Đặc tính màu sắc của các đèn
Đặc tính màu sắc của tất cả các đèn hành trình phải
phù hợp với các tiêu chuẩn sau đây nằm trong phạm vi giới hạn của biểu đồ được
quy định cho từng loại màu sắc do Ủy ban quốc tế về chiếu sáng đã thông qua.
Vùng giới hạn của màu sắc khác nhau được xác định bằng những toạ độ gốc:
a) Màu trắng:
X 0,525 0,525
0,452 0,310 0,310 0,443
Y 0,382 0,440
0,440 0,348 0,283 0,382
b) Màu xanh lục:
X 0,028 0,009
0,300 0,203
Y 0,385 0,723
0,511 0,356
c) Màu đỏ:
X 0,680 0,660
0,735 0,721
Y 0,320 0,320
0,265 0,259
d) Màu vàng:
X 0,612 0,618
0,575 0,575
Y 0,382 0,382
0,425 0,406
8.
Cường độ ánh sáng của các đèn
a) Cường độ ánh sáng tối thiểu của các
đèn phải được tính toán theo công thức: I = 3,43.106.T.Đ2.K-D
Trong đó :
I: Cường độ ánh sáng tính bằng
Can-de-la trong điều kiện làm việc
T: Ngưỡng chiếu sáng 2,10-7
lux (Đơn vị độ rọi)
D: Tầm nhìn thấy đèn (Tâm chiếu sáng)
tính bằng hải lý
K: Hệ số truyền qua khí quyển. Đối với
các đèn quy định hệ số K bằng 0,8 là trị số tương ứng với tầm xa khí tượng khoảng
13 hải lý.
b) Bảng sau đây giới thiệu một vài trị
số đã tính toán theo công thức trên:
Tâm
chiếu sáng của đèn tính bằng hải lý (D)
|
Cường
độ ánh sáng của đèn tính bằng Can-de-la (I)
|
1
|
0,9
|
2
|
4,3
|
3
|
12,0
|
4
|
27,0
|
5
|
52,0
|
6
|
94,0
|
Ghi chú: Cường độ ánh sáng tối đa của các đèn hành
trình phải được giới hạn để tránh những phản chiếu gây trở ngại. Việc này không
nhất thiết phải lắp đặt các thiết bị để điều chỉnh cường độ ánh sáng.
9.
Cung theo mặt phẳng ngang
a) Đối với đèn mạn, đèn lái và đèn cột:
- Các đèn mạn được bố trí trên tàu thuyền phải đảm bảo
yêu cầu cường độ ánh sáng tối thiểu ở hướng mũi tàu. Cường độ ánh sáng phải giảm
dần trong phạm vi từ 10 đến 30 ngoài cung chiếu sáng theo
qui định thì không thể nhìn thấy ánh sáng nữa;
- Đối với đèn lái và các đèn cột ở 22,50
sau trục ngang đối với các đèn mạn, cường độ ánh sáng yêu cầu tối thiểu phải được
duy trì cho tới 50 bên trong phạm vi cung chiếu sáng quy định ở Điều 21 của Thông tư này. Từ 50 bên trong phạm vi
cung chiếu sáng cho đến giới hạn của cung chiếu sáng quy định cường độ ánh sáng
có thể giảm đi 50%. Sau đó cường độ ánh sáng phải giảm dần cho đến 50
bên ngoài giới hạn của cung chiếu sáng quy định thì không còn ánh sáng nữa.
b. Loại trừ các đèn neo không cần thiết phải đặt
quá cao bên trên thân tàu ra, các đèn chiếu sáng khắp bốn phía phải bố trí ở vị
trí sao cho không bị các cột buồm, xà ngang cột buồm hoặc các cấu trúc khác che
khuất trong phạm vi một cung lớn hơn 60. Trường hợp chỉ trưng một
đèn chiếu sáng khắp bốn phía, thì phải sử dụng hai đèn chiếu sáng khắp bốn phía
bố trí và che chắn một cách phù hợp để chúng có thể nhìn thấy như là một đèn ở
khoảng cách 01 hải lý.
10.
Cung theo mặt phẳng thẳng đứng
a) Cung theo mặt phẳng thẳng đứng của đèn điện đã
quy định, trừ các đèn trên tàu thuyền buồm đang chạy phải bảo đảm:
- Duy trì được cường độ ánh sáng yêu cầu tối thiểu
trong phạm vi nhỏ nhất là 50 bên trên đến 50 bên dưới của
mặt phẳng ngang ở tất cả các góc;
- Duy trì ít nhất 60% cường độ ánh sáng yêu cầu tối
thiểu trong phạm vi từ 7,50 bên trên đến 7,50 bên dưới mặt
phẳng ngang ở tất cả các góc.
b) Trường hợp tàu thuyền buồm đang chạy, cung thẳng
đứng của các đèn điện qui định phải bảo đảm:
- Duy trì cường độ ánh sáng yêu cầu tối thiểu trong
phạm vi từ 50 bên trên đến 50 bên dưới mặt phẳng ngang;
- Duy trì ít nhất 50% cường độ ánh sáng yêu cầu tối
thiểu trong phạm vi từ 250 bên trên đến 250 bên dưới mặt
phẳng nằm ngang.
c) Đối với các loại đèn không phải là đèn điện thì
những chi tiết về đặc tính kỹ thuật càng gần với qui định trên càng tốt.
11.
Cường độ ánh sáng của các đèn không phải là đèn điện
Cường độ ánh sáng của đèn không phải là đèn điện
trong chừng mực có thể được phải phù hợp với những hệ số đã ghi rõ trong bảng
nêu ở mục 8 Phụ lục này.
12.
Đèn điều động
Không phụ thuộc vào những qui định tại khoản k mục
2 Phụ lục này, tín hiệu đèn điều động nêu tại khoản 2 Điều 34 của
Thông tư này phải được đặt trong cùng mặt phẳng dọc như đèn cột hoặc các
đèn cột và nếu thực tế cho phép đèn điều động này phải đặt cao hơn đèn cột trước
ít nhất là 2 mét theo chiều thẳng đứng. Trường hợp tàu thuyền chỉ phải mang một
đèn cột thì đèn điều động nếu có phải đặt ở nơi có thể nhìn thấy rõ nhất cách
đèn cột theo chiều thẳng đứng một khoảng ít nhất là 2 mét.
13.
Tàu cao tốc
a) Đèn cột của tàu cao tốc, trong mối tương quan với
chiều rộng tàu, có thể bố trí ở độ cao thấp hơn qui định tại điểm 1 khoản a mục
2 Phụ lục này, miễn rằng góc đáy của tam giác cân được hình thành bởi các đèn mạn
và đèn cột khi nhìn trên hình chiếu đứng không nhỏ hơn 270.
b) Trên tàu cao tốc có chiều dài từ 50 mét trở lên,
khoảng cách thẳng đứng giữa đèn cột trước và đèn cột chính (đèn cột sau) là 4,5
mét như qui định tại điểm 2 khoản a mục 2 Phụ lục này có thể được thay đổi miễn
rằng, khoảng cách đó không nhỏ hơn giá trị được tính theo công thức sau:
Trong đó:
y - Độ cao của đèn cột chính so với đèn cột trước,
mét;
a - Độ cao của đèn cột trước so với đường nước đầy
tải, mét;
Ψ - Độ chúi tại mớn nước đầy tải, độ;
c - Khoảng cách ngang giữa các đèn cột, mét.
14.
Sự chấp thuận
Cấu tạo các đèn và các dấu hiệu cũng như sự bố trí
các đèn trên tàu thuyền phải thoả mãn yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Quốc
gia mà tàu thuyền mang cờ quốc tịch.
PHỤ
LỤC II
NHỮNG TÍN HIỆU BỔ SUNG CHO TÀU THUYỀN ĐÁNH CÁ ĐANG ĐÁNH CÁ Ở
GẦN NHAU
(Kèm
theo Thông tư số 19/2013/TT-BGTVT ngày 6 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải)
1.
Tổng quát
Các đèn hiệu nêu trong Phụ lục này, nếu được áp dụng
theo qui định tại khoản 4 Điều 26 của Thông tư này phải được
đặt ở nơi nhìn thấy rõ nhất. Các đèn này phải thấp hơn các đèn qui định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 26 của Thông tư này và
cách các đèn ít nhất là 0,9 mét. Các đèn này phải được nhìn thấy từ khắp bốn
phía và có tầm chiếu sáng ít nhất là 1 hải lý, nhưng phải nhỏ hơn tầm xa của các
đèn qui định trong Quy tắc này cho tàu thuyền đánh cá.
2.
Tín hiệu cho tàu thuyền đánh cá bằng lưới vét
a) Tàu thuyền đang đánh cá bằng lưới vét có chiều
dài từ 20 mét trở lên, dù sử dụng hay không sử dụng dụng cụ đánh cá chìm dưới
đáy hoặc dụng cụ đánh cá voi phải trưng:
- Khi thả lưới mang hai đèn trắng đặt trên dưới
theo chiều thẳng đứng;
- Khi kéo lưới mang đèn trắng trên, đèn đỏ dưới
theo chiều thẳng đứng;
- Khi lưới bị vướng mắc vào chướng ngại vật mang hai
đèn đỏ đặt trên dưới theo chiều thẳng đứng.
b) Mỗi tàu thuyền đang rà kéo lưới đôi có chiều dài
từ 20 mét trở lên phải trưng:
- Ban đêm, dọi đèn pha về phía trước và hướng về
tàu thuyền kia đang cùng rà kéo lưới đôi với mình;
- Khi thả lưới, kéo lưới bị vướng chướng ngại vật,
mang các đèn qui định tại khoản a mục 2 Phụ lục này.
c) Tàu thuyền đang đánh cá bằng lưới vét có chiều
dài nhỏ hơn 20 mét, dù sử dụng hay không sử dụng dụng cụ đánh cá chìm dưới đáy
hoặc dụng cụ đánh cá voi hoặc đang rà kéo lưới đôi có thể trưng các đèn qui định
tại khoản a hoặc b mục 2 Phụ lục này.
3.
Tín hiệu cho tàu thuyền đang đánh cá bằng lưới nổi
Tàu thuyền đang đánh cá bằng lưới nổi có thể trưng
hai đèn vàng đặt trên dưới theo chiều thẳng đứng. Những đèn này mỗi giây phải
luân phiên nhau chớp, khoảng thời gian sáng, tối bằng nhau và có thể chỉ mang
những đèn kể trên khi tàu thuyền di chuyển khó khăn do các dụng cụ đánh cá gây
nên.
PHỤ
LỤC III
ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT CỦA CÁC THIỆT BỊ PHÁT ÂM HIỆU
(Kèm
theo Thông tư số 19/2013/TT-BGTVT ngày 6 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải)
1.
Còi
a) Tần số và cự ly nghe rõ:
Tần số cơ bản của tín hiệu phải nằm trong dải tần
70 - 700Hz. Cự ly nghe rõ tín hiệu của các còi được xác định bởi các tần số bao
gồm tần số cơ bản và hoặc một hay nhiều tần số cao hơn nằm trong dải tần 180 -
700Hz (±%) đối với tàu thuyền có chiều dài từ 20 mét trở lên hoặc trong dải tần
180 - 2.100Hz (±1%) đối với tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét và đảm bảo mức
độ áp lực âm thanh qui định tại khoản c mục 1 Phụ lục này.
b) Giới hạn của tần số cơ bản: Để bảo đảm còi trên
tàu thuyền có đặc tính đa dạng, tần số cơ bản của các tín hiệu còi phải ở trong
các giới hạn sau đây:
- 70 - 200Hz đối với tàu thuyền có chiều dài từ 200
mét trở lên
- 130 - 350Hz đối với tàu thuyền có chiều dài từ 75
mét trở lên nhưng nhỏ hơn 200 mét.
- 250 - 700Hz đối với tàu thuyền có chiều dài nhỏ
hơn 75 mét.
c) Cường độ âm thanh và cự ly nghe rõ tín hiệu:
Còi lắp đặt trên tàu thuyền phải đảm bảo ở trên hướng
phát ra cường độ âm thanh cực đại và ở cách còi 1m thì mức độ áp lực âm thanh
phát ra trong một dải tối thiểu 1/3 ốc-ta-vơ trong dải tần số 180 - 700Hz (±1%)
đối với tàu thuyền có chiều dài từ 20 mét trở lên hoặc trong phạm vi 180 -
2.100Hz (±1%) đối với tàu thuyền có chiều dài dưới 20 mét, không được nhỏ hơn
trị số quy định, tương ứng trong bảng dưới đây:
Chiều dài tàu
thuyền tính bằng mét
|
Mức độ áp lực
âm thanh ở cự ly 1 mét trong dải 1/3 ốc ta vơ tính bằng đề xi ben tương đương
với 2.10-5 N/m2
|
Cự ly nghe rõ
tính bằng hải lý
|
Từ 200 mét trở lên
|
143
|
2,0
|
Từ 75 mét trở lên nhưng dưới 200 mét
|
138
|
1,5
|
Từ 20 mét trở lên nhưng dưới 75 mét
|
130
|
1,0
|
Dưới 20 mét
|
120*
|
0,5
|
115**
|
111***
|
* Khi tần số đo được nằm trong khoảng 180 - 450 Hz
** Khi tần số đo được nằm trong khoảng 450 - 800 Hz
* ** Khi tần số đo được nằm trong khoảng 800 - 2100
Hz
d) Đặc tính định hướng:
Ở tất cả các hướng của mặt phẳng ngang, trong phạm
vi hình quạt ±450 so với hướng trục còi, mức độ áp lực âm thanh của
một còi định hướng không được thấp hơn 4dB so với mức độ áp lực âm thanh quy định
trên hướng trục. Ở những hướng khác còn lại trong mặt phẳng ngang mức độ áp lực
âm thanh không được thấp quá 10dB so với mức độ áp lực âm thanh qui định trên
hướng trục, sao cho cự ly nghe rõ ở bất kỳ hướng nào cũng không được nhỏ hơn
1/2 cự ly nghe rõ trên hướng trục. Mức độ áp lực âm thanh phải được đo trong dải
1/3 ốc-ta-vơ để xác định cự ly nghe rõ của còi.
đ) Vị trí lắp đặt còi:
Khi trên tàu thuyền chỉ sử dụng duy nhất một còi định
hướng, còi này phải được bố trí sao cho cường độ âm thanh tối đa hướng về phía
trước mũi tàu.
Còi trên tàu thuyền phải đặt càng cao càng tốt để hạn
chế các chướng vật chắn âm thanh phát ra và để hạn chế tới mức thấp nhất nguy
cơ làm giảm thính giác của thuyền viên. Mức độ áp lực âm thanh của tín hiệu do
chính bản thân tàu phát ra không được vượt quá 110 dB (A) tại các vị trí nghe
và nếu có thể không vượt qua 100 dB (A).
e) Bố trí nhiều còi:
Khi trên tàu thuyền các còi bố trí cách nhau trên
100 mét thì phải có biện pháp xử lý sao cho các còi không được hoạt động đồng
thời.
g) Hệ thống còi kết hợp:
Nếu do có những chướng ngại vật mà trường âm thanh
của một còi duy nhất hoặc của một trong các còi nêu ở khoản e mục này có một
vùng mà mức độ âm thanh giảm đi rõ rệt thì cần phải sử dụng một hệ thống còi kết
hợp để khắc phục tình trạng đó. Vận dụng cho mục đích của Thông tư này, hệ thống
còi kết hợp phải coi như một còi duy nhất. Những còi trong hệ thống kết hợp
không được bố trí cách nhau quá 100 mét và phải sao cho có thể hoạt động đồng
thời. Tần số của các còi này phải khác nhau ít nhất là 10Hz.
2. Chuông hoặc cồng
a) Cường độ của tín hiệu:
Chuông hoặc cồng hoặc bất cứ thiết bị nào khác có
những đặc tính âm thanh tương tự, phải bảo đảm mức độ áp lực âm thanh ít nhất
là 110dB ở khoảng cách 1mét tính từ chuông hoặc cồng.
b) Cấu tạo:
Chuông và cồng phải được chế tạo bằng vật liệu chống
ăn mòn và phát ra một âm thanh trong trẻo. Đường kính miệng chuông không được
nhỏ hơn 300 mi li mét đối với tàu thuyền có chiều dài từ 20 mét trở lên. Nếu thực
tế cho phép có thể bố trí đánh chuông bằng máy để đảm bảo cường độ âm thanh
không thay đổi, nhưng vẫn phải đảm bảo được cho trường hợp đánh chuông bằng
tay. Khối lượng dùi đánh chuông không nhỏ hơn 3% khối lượng của chuông.
3.
Sự chấp thuận
Cấu tạo của những thiết bị phát âm hiệu, đặc tính
và cách bố trí chúng trên tàu thuyền phải thoả mãn yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền của Quốc gia mà tàu thuyền mang cờ quốc tịch.
PHỤ
LỤC IV
NHỮNG TÍN HIỆU CẤP CỨU
(Kèm
theo Thông tư số 19/2013/TT-BGTVT ngày 6 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải)
1.
Những tín hiệu sau đây sử dụng hoặc trưng ra cùng một lúc hay riêng rẽ, báo hiệu
tàu thuyền bị nạn và cần trợ giúp:
a) Cứ cách khoảng 1 phút cho nổ một phát súng hoặc
tiếng nổ nào khác;
b) Dùng bất kỳ một thiết bị phát tín hiệu sương mù
nào đó để phát ra âm thanh liên tục;
c) Từng thời gian ngắn bắn một pháo hoa hoặc bắn đạn
có tín hiệu hình sao màu đỏ;
d) Dùng các phương tiện thông tin khác phát ra tín
hiệu moóc sơ …--- … (SOS);
đ) Dùng vô tuyến điện thoại phát ra tiếng MAYDAY.
e) Tín hiệu cấp cứu NC theo luật tín hiệu quốc tế.
g) Treo một tín hiệu gồm 1 cờ hình vuông ở bên trên
hay bên dưới một quả cầu hoặc một vật có dạng hình cầu.
h) Đốt lửa trên tàu thuyền (như đốt thùng nhựa,
thùng dầu);
i) Pháo sáng có dù hay pháo cầm tay phát ra ánh
sáng màu đỏ;
k) Phát tín hiệu có các đám khói màu da cam;
l) Dang hai cánh tay ra và từ từ giơ lên hạ xuống
nhiều lần;
m) Cảnh báo bị nạn
bằng cách gọi chọn số (DSC) trên kênh:
- VHF kênh
70, hoặc
- Kênh MF/HF
trên tần số 2187,5 kHz; 8414,5 kHz; 4207,5 kHz; 6312 KHz; 12577 kHz hoặc
16804,5 kHz;
n) Cảnh báo bị nạn từ tàu đến bờ được truyền bởi hệ
thống Inmarsat của tàu hoặc các trạm cung cấp dịch vụ điện thoại vệ tinh của
tàu trên mặt đất;
o) Phát tín hiệu bằng vô tuyến điện định vị chỉ báo
vị trí tàu bị nạn (EPIRB);
p) Phát tín hiệu đã được chấp thuận bằng hệ thống
thông tin liên lạc vô tuyến điện, kể cả bằng thiết bị phát báo radar của phương
tiện cứu sinh.
2.
Cấm sử dụng hoặc trưng ra một trong số các tín hiệu trên vào mục đích khác,
ngoài trường hợp bị nạn xin cấp cứu. Cấm sử dụng những tín hiệu khác có thể nhầm
lẫn với những tín hiệu kể trên.
3.
Cần lưu ý đến những Chương có liên quan trong Bộ luật về tín hiệu quốc tế, Sổ tay
về tìm kiếm và cứu nạn dùng cho các thương thuyền quyển số 3 và sử dụng các tín
hiệu sau đây:
a) Giơ ra một mảnh vải màu da cam với hoặc một hình
vuông và một hình tròn màu đen hoặc một dấu hiệu tượng trưng khác thích hợp (để
dễ nhận biết được từ trên không).
b) Tạo ra vệt màu trên mặt nước.