BỘ
THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2012/TT-BTTTT
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ THI TUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm
2009;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 50/2011/NĐ-CP
ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định sổ 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tần
số vô tuyến điện;
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông ban hành Thông tư quy định về thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện,
MỤC I. QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này quy định về thi tuyển
quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Thi tuyển quyền sử dụng tần số
vô tuyến điện (sau đây gọi là thi tuyển) là việc lựa chọn các doanh nghiệp
được quyền sử dụng khối băng tần, kênh tần số thông qua việc đánh giá Hồ sơ thi
tuyển của doanh nghiệp theo các điều kiện quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển.
2. Hồ sơ mời thi tuyển là
toàn bộ các tài liệu phục vụ cho việc thi tuyển do Hội đồng thi tuyển phát hành
để làm cơ sở cho các doanh nghiệp lập Hồ sơ thi tuyển và tham gia thi tuyển.
3. Hồ sơ thi tuyển là các
tài liệu do doanh nghiệp tham gia thi tuyển lập và nộp trực tiếp cho Hội đồng
thi tuyển theo yêu cầu quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển.
4. Bản cam kết là tài liệu
trong Hồ sơ thi tuyển được đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên,
đóng dấu để cam kết tính xác thực thông tin và thực hiện các trách nhiệm của
mình theo quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển.
5. Yêu cầu tối thiểu là các
yêu cầu quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển đối với doanh nghiệp khi tham gia thi
tuyển, bao gồm: yêu cầu về năng lực pháp lý, năng lực tài chính và đầu tư, năng
lực kinh doanh, năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ, nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Điều 3. Nguyên
tắc thi tuyển, đối tượng được tham gia thi tuyển, băng tần, kênh tần số được
thi tuyển
1. Việc thi tuyển được thực hiện
theo nguyên tắc công khai, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của các bên tham gia.
2. Đối tượng được tham gia thi tuyển
là các doanh nghiệp có đủ điều kiện được xem xét cấp giấy phép thiết lập mạng
viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông.
3. Mỗi doanh nghiệp tham gia thi
tuyển được đăng ký nguyện vọng cho một hoặc nhiều khối băng tần, kênh tần số
trong đợt thi tuyển (số nguyện vọng tối đa bằng tổng số khối băng tần, kênh tần
số thi tuyển) nhưng chỉ được phân bổ một khối băng tần, một hoặc một số kênh tần
số trong trường hợp trúng tuyển theo quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển.
4. Theo từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục băng tần,
kênh tần số cụ thể được thi tuyển phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Điều 4. Hội đồng
thi tuyển
Hội đồng thi tuyển bao gồm đại diện
các đơn vị được giao thực hiện chức năng quản lý về tần số vô tuyến điện, viễn
thông, tài chính và các đơn vị khác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong
trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mời thêm các cơ
quan, tổ chức khác có liên quan cử đại diện tham gia Hội đồng thi tuyển.
Cục Tần số vô tuyến điện là đơn vị
thường trực Hội đồng thi tuyển.
Điều 5. Trách
nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội đồng thi tuyển
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có
trách nhiệm:
a) Thành lập Hội đồng thi tuyển,
quy định quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển và quy định nhiệm vụ cụ thể của
thường trực Hội đông thi tuyển;
b) Phê duyệt Hồ sơ mời thi tuyển;
c) Phê duyệt kết quả thi tuyển.
2. Hội đồng thi tuyển có trách nhiệm
giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hồ sơ mời thi tuyển và tổ
chức thi tuyển theo quy định tại Thông tư này.
Điều 6. Chi phí
thi tuyển
1. Chi phí thi tuyển bao gồm:
a) Chi phí liên quan đến việc xây dựng
Hồ sơ mời thi tuyển;
b) Chi phí cho hoạt động của Hội đồng
thi tuyển, tổ giúp việc cho Hội đồng thi tuyển (nếu có);
c) Chi phí cho việc thuê chuyên gia
hoặc mời tư vấn (nếu có).
2. Chi phí thi tuyển được lấy từ
kinh phí hoạt động thường xuyên của Cục Tần số vô tuyến điện theo dự toán được
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và được thanh toán theo quy định
hiện hành.
3. Chi phí liên quan đến việc chuẩn
bị hồ sơ thi tuyển thuộc trách nhiệm của Doanh nghiệp tham gia thi tuyển.
MỤC II. HỒ SƠ MỜI
THI TUYỂN VÀ HỒ SƠ THI TUYỂN
Điều 7. Hồ sơ mời
thi tuyển
Hồ sơ mời thi tuyển gồm:
1. Tài liệu giới thiệu về băng tần,
kênh tần số được thi tuyển và điều kiện sử dụng băng tần, kênh tần số;
2. Tài liệu hướng dẫn các nội dung
cần thiết để xây dựng Đề án khai thác, sử dụng băng tần, kênh tần số;
3. Các nội dung yêu cầu tối thiểu;
4. Tiêu chí, nguyên tắc chấm điểm;
thang điểm;
5. Bản cam kết mẫu trong đó có cam
kết về tổng số tiền đầu tư vào mạng lưới theo giai đoạn, cam kết chấp hành hình
thức và mức phạt (kể cả hình thức thu hồi giấy phép) khi không thực hiện đúng
cam kết sau khi được cấp giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến
điện;
6. Các tài liệu cần thiết khác phục
vụ cho thi tuyển.
Điều 8. Hồ sơ
thi tuyển
Hồ sơ thi tuyển gồm các tài liệu
sau:
1. Đơn đăng ký thi tuyển theo mẫu
quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Bản sao có chứng thực Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy
phép đầu tư;
3. Điều lệ tổ chức và hoạt động của
doanh nghiệp;
4. Đề án khai thác, sử dụng băng tần,
kênh tần số;
5. Bản cam kết;
6. Tài liệu chứng minh đáp ứng yêu
cầu tối thiểu;
7. Tài liệu khác theo yêu cầu của Hồ
sơ mời thi tuyển.
MỤC III. QUY
TRÌNH THỰC HIỆN THI TUYỂN
Điều 9. Thông
báo mời thi tuyển
1. Trước thời điểm phát hành Hồ sơ
mời thi tuyển ít nhất 30 ngày, Hội đồng thi tuyển thông báo mời thi tuyển trên
trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Tần số vô tuyến
điện và đăng trên phương tiện thông tin đại chúng khác.
2. Thông báo mời thi tuyển có các nội
dung chủ yếu sau đây:
a) Băng tần, kênh tần số được thi
tuyển;
b) Thời gian, địa điểm phát hành Hồ
sơ mời thi tuyển;
c) Thời gian, địa điểm, phương thức
nộp Hồ sơ thi tuyển;
d) Thời gian, địa điểm mở Hồ sơ thi
tuyển.
Điều 10. Nộp Hồ
sơ thi tuyển
1. Các doanh nghiệp tham gia thi
tuyển nộp Hồ sơ thi tuyển về Hội đồng thi tuyển theo thông báo mời thi tuyển.
2. Hồ sơ thi tuyển của doanh nghiệp
được lập thành 06 bộ, gồm 01 bộ gốc, 04 bộ sao và 01 bộ mềm trong đĩa CD ROM được
đóng gói, niêm phong theo quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển.
3. Sau khi đã nộp Hồ sơ thi tuyển,
doanh nghiệp không được phép rút Hồ sơ thi tuyển ra để bổ sung hoặc sửa đổi.
4. Trước thời điểm mở Hồ sơ thi tuyển
doanh nghiệp có quyền nộp đơn xin rút tên khỏi danh sách tham gia thi tuyển
nhưng không được nhận lại Hồ sơ thi tuyển.
5. Đối với các Hồ sơ thi tuyển đáp ứng
điều kiện tại khoản 1 và 2 Điều này, Hội đồng thi tuyển xác nhận bằng văn bản
cho doanh nghiệp về việc đã tiếp nhận Hồ sơ thi tuyển, ghi rõ ngày, giờ nhận Hồ
sơ thi tuyển và có xác nhận việc niêm phong.
Điều 11. Mở Hồ
sơ thi tuyển
1. Hội đồng thi tuyển tổ chức mở Hồ
sơ thi tuyển theo thời gian và địa điểm ghi tại thông báo mời thi tuyển.
2. Các doanh nghiệp tham gia thi
tuyển cử đại diện đến tham dự mở Hồ sơ thi tuyển. Việc mở Hồ sơ thi tuyển được
thực hiện đúng theo thời gian quy định, không phụ thuộc vào việc có mặt hay vắng
mặt của các đại diện doanh nghiệp tham gia thi tuyển.
3. Trình tự mở Hồ sơ thi tuyển được
thực hiện như sau:
a) Thông báo thành phần tham dự;
b) Thông báo số lượng Hồ sơ thi tuyển
và tên các doanh nghiệp tham gia thi tuyển;
c) Kiểm tra niêm phong của Hồ sơ
thi tuyển;
d) Mở lần lượt các bộ Hồ sơ và ghi
vào biên bản mở Hồ sơ thi tuyển các thông tin về: tên doanh nghiệp; số lượng bộ
hồ sơ gốc, bộ sao và bộ CD ROM;
đ) Thông qua biên bản mở Hồ sơ thi
tuyển;
e) Đại diện của từng doanh nghiệp
và Hội đồng thi tuyển ký xác nhận vào biên bản mở Hồ sơ thi tuyển. Bản sao của
biên bản mở Hồ sơ thi tuyển được gửi cho tất cả các doanh nghiệp nộp Hồ sơ thi
tuyển;
g) Sau khi mở Hồ sơ thi tuyển, Hội
đồng thi tuyển ký xác nhận vào bản gốc của tất cả các Hồ sơ thi tuyển và niêm
phong bản gốc. Trên giấy niêm phong có chữ ký của một thành viên Hội đồng thi
tuyển và đại diện của doanh nghiệp. Việc sơ tuyển, xét tuyển Hồ sơ thi tuyển được
tiến hành dựa theo bản sao. Bản gốc của Hồ sơ thi tuyển được bảo quản và lưu trữ
tại Bộ Thông tin và Truyền thông sau khi kết quả thi tuyển được công bố.
Điều 12. Làm
rõ nội dung của Hồ sơ mời thi tuyển và Hồ sơ thi tuyển
1. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ
thi tuyển, doanh nghiệp có quyền yêu cầu Hội đồng thi tuyển làm rõ các nội dung
của Hồ sơ mời thi tuyển. Nội dung làm rõ Hồ sơ mời thi tuyển phải được Hội đồng
thi tuyển trả lời bằng văn bản.
2. Trong quá trình sơ tuyển và xét
tuyển, Hội đồng thi tuyển có quyền yêu cầu các doanh nghiệp làm rõ nội dung
trong Hồ sơ thi tuyển nếu cần thiết. Nội dung làm rõ Hồ sơ thi tuyển chỉ mang
tính chất giải đáp các nội dung chưa rõ ràng, không có giá trị sửa đổi hoặc bổ
sung nội dung của Hồ sơ thi tuyển. Nội dung làm rõ Hồ sơ thi tuyển phải được
doanh nghiệp thể hiện bằng văn bản.
3. Trong trường hợp cần thiết, Hội
đồng thi tuyển có quyền tổ chức Đoàn kiểm tra để xác minh tính chính xác của số
liệu trong Hồ sơ thi tuyển. Doanh nghiệp thi tuyển có trách nhiệm phối hợp với
Đoàn kiểm tra để xác minh số liệu nếu được yêu cầu.
Điều 13. Sơ
tuyển Hồ sơ thi tuyển
1. Hội đồng thi tuyển tiến hành sơ
tuyển Hồ sơ thi tuyển của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí: tính đầy đủ và hợp
lệ; đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển.
2. Hồ sơ thi tuyển của doanh nghiệp
được coi là trúng tuyển vòng sơ tuyển nếu đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản
1 Điều này.
3. Trong trường hợp không có doanh
nghiệp nào có Hồ sơ thi tuyển trúng tuyển vòng sơ tuyển, Hội đồng thi tuyển
tuyên bố không có doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn để tiến hành xét tuyển, không
có doanh nghiệp nào trúng tuyển.
Điều 14. Xét
tuyển Hồ sơ thi tuyển
1. Hội đồng thi tuyển tiến hành xét
tuyển Hồ sơ thi tuyển của doanh nghiệp trúng tuyển vòng sơ tuyển theo tiêu chí
chấm điểm, thang điểm và nguyên tắc chấm điểm quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển.
2. Hội đồng thi tuyển lập bảng điểm
của doanh nghiệp theo thứ tự từ điểm cao nhất đến điểm thấp nhất. Nếu có từ hai
doanh nghiệp trở lên có số điểm bằng nhau, Hội đồng thi tuyển tổ chức cho các
doanh nghiệp này bốc thăm để xác định thứ tự trong bảng điểm.
3. Hội đồng thi tuyển lập biên bản
về kết quả xét tuyển và báo cáo kết quả thi tuyển với Bộ Thông tin và Truyền
thông.
4. Sau khi được Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông phê duyệt kết quả thi tuyển, Hội đồng thi tuyển thông báo kết
quả thi tuyển bằng văn bản tới tất cả các doanh nghiệp tham gia thi tuyển, đăng
kết quả thi tuyển trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông
và của Cục Tần số vô tuyến điện.
5. Trường hợp doanh nghiệp trúng
tuyển bị hủy bỏ kết quả thi tuyển theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này
thì doanh nghiệp có thứ tự trong bảng điểm thấp liền kề các doanh nghiệp trúng
tuyển là doanh nghiệp trúng tuyển.
Điều 15. Hủy kết
quả thi tuyển
Kết quả thi tuyển của doanh nghiệp
bị hủy trong các trường hợp sau:
1. Có sự thông đồng giữa các bên
tham gia thi tuyển hoặc giữa các doanh nghiệp tham gia thi tuyển.
2. Doanh nghiệp trúng tuyển không
thực hiện các quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và các
quy định tại Hồ sơ mời thi tuyển để được cấp giấy phép viễn thông, giấy phép sử
dụng tần số vô tuyến điện.
Điều 16. Tổ chức
thi tuyển lại
1. Nếu thấy cần thiết, Bộ Thông tin
và Truyền thông sẽ quyết định tổ chức thi tuyển lại toàn bộ hoặc một số khối
băng tần, kênh tần số.
2. Thi tuyển lại toàn bộ khối băng
tần, kênh tần số được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Không có doanh nghiệp nào nộp Hồ
sơ thi tuyển hoặc không có doanh nghiệp nào có Hồ sơ thi tuyển qua vòng sơ tuyển;
b) Tất cả các doanh nghiệp trúng
tuyển bị huỷ kết quả thi tuyển.
3. Thi tuyển lại một số khối băng tần,
kênh tần số được thực hiện trong trường hợp chưa xác định được doanh nghiệp
trúng tuyển.
4. Trình tự, thủ tục thi tuyển lại
được tiến hành như thi tuyển lần đầu.
MỤC IV. CẤP GIẤY
PHÉP VÀ SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Điều 17. Cấp
giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Doanh nghiệp trúng tuyển thực hiện
các quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và các quy định
tại Hồ sơ mời thi tuyển để được cấp giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần
số vô tuyến điện.
2. Các doanh nghiệp trúng tuyển được
quyền lựa chọn khối băng tần, kênh tần số theo thứ tự tương ứng với số điểm từ
cao đến thấp sau khi được cấp giấy phép viễn thông.
Điều 18. Thu hồi
giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
Doanh nghiệp trúng tuyển bị thu hồi
giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo các quy định tại Điều
23 của Luật Tần số vô tuyến điện và trường hợp vi phạm nghiêm trọng nội
dung trong Bản cam kết phải áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép quy định tại Hồ
sơ mời thi tuyển.
Điều 19. Trách
nhiệm của doanh nghiệp được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông
qua thi tuyển
Doanh nghiệp được cấp giấy phép tần
số vô tuyến điện qua thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm
sau:
1. Thực hiện các nội dung trong Bản
cam kết;
2. Nộp lệ phí cấp giấy phép sử dụng
tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp
luật;
3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo
quy định của pháp luật.
MỤC V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 20. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01/12/2012.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có
vấn đề phát sinh, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin
và Truyền thông để xem xét, bổ sung, sửa đổi
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Trang tin Điện tử Bộ TT&TT;
- Các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng;
- Lưu: VT, CTS, ( 270).
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Bắc Son
|
PHỤ LỤC
MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ THI TUYỂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2012/TT-BTTTT ngày 30 tháng 07 năm
2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
DOANH
NGHIỆP
(Tên công ty)
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
………/……..
|
………….,
ngày …. tháng ….. năm …..
|
ĐƠN
ĐĂNG KÝ THI TUYỂN
Kính
gửi: Bộ Thông tin và Truyền thông
Sau khi nghiên cứu các nội dung quy
định tại Hồ sơ mời thi tuyển do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành kèm theo
Quyết định số ….. ngày ……… của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, (tên
doanh nghiệp) xin được tham gia thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
trong băng tần/ kênh tần số ………………..
Nếu trúng tuyển quyền sử dụng tần số
vô tuyến điện trong băng tần kênh tần số……………….., (tên doanh nghiệp) cam kết thực
hiện các nội dung trong Đề án khai thác, sử dụng băng tần, kênh tần số và cam kết
thực hiện các nội dung trong Bản cam kết kèm theo.
Kèm theo Bản đăng ký này là các tài
liệu được chuẩn bị theo yêu cầu của Hồ sơ mời thi tuyển. Doanh nghiệp chúng tôi
chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về độ chính xác của số liệu, thông tin,
các văn bản trong Hồ sơ thi tuyển.
|
Đại
diện theo pháp luật của doanh nghiệp
(Ghi rõ họ tên, chức danh, ký và đóng dấu)
|