VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
140/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2012
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI
CUỘC HỌP SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 239/QĐ-TTg NGÀY 09 THÁNG 02 NĂM
2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ EM NĂM
TUỔI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
Ngày 15 tháng 3 năm 2012, Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp trực tuyến sơ kết 02 năm thực hiện
Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề
án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Tham dự
họp tại điểm cầu Trung ương, đặt tại trụ sở Văn phòng Chính phủ gồm: Đại diện lãnh
đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo các cơ
quan: Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Các vấn đề xã hội
của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của
Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội khuyến
học Việt Nam. Dự họp tại 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương gồm: Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ
quan liên quan. Sau khi nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả 02 năm thực
hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg và ý kiến của các Bộ, các đại biểu tham dự cuộc họp,
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
Qua 02 năm thực hiện, Đề án Phổ cập
giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015 đã được triển khai
theo hướng đi đúng đắn, đáp ứng yêu cầu mới của bậc học mầm non, chuẩn bị tốt
điều kiện để trẻ tiếp tục vào lớp 1. Đã có nhiều địa phương triển khai quyết liệt
có hiệu quả bước đầu và có nhiều bài học kinh nghiệm về công tác này.
Để đẩy mạnh công tác phổ cập, Bộ
Chính trị đã có Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05 tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg , Bộ
Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ ban hành 13 văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đã có 100% số tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng đề án/kế hoạch Phổ cập
giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi trên địa bàn, có kế hoạch chuyển 4.440 trường
bán công sang công lập và đã thực hiện 3.473 trường, còn lại 967 trường; 9 tỉnh
khác đang trong quá trình phê duyệt đề án chuyển đổi. Trong 2 năm đã tăng 610
trường mầm non, trong đó có 269 trường bán công, đó là kết quả là rất đáng
khích lệ. Số trẻ mẫu giáo năm tuổi đi học đạt tỷ lệ 96,8%.
Các điều kiện bảo đảm chất lượng đã
được tăng cường, trong đó có cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chương trình kiến
cố hóa trường, lớp học giai đoạn I (2002 - 2006) chưa có cho trường mầm non;
giai đoạn II (2008 - 2012) đã có 21.036 phòng học mầm non được xây từ Chương
trình này, ngoài 5.115 phòng từ nguồn vốn khác; số phòng học cho mầm non năm tuổi
đã kiên cố hóa được 50%. Đã triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non
mới cho 88% số trường, tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ còn khoảng 6%, tức bằng 1/3 so
với tỷ lệ suy dinh dưỡng của số trẻ không đi học; nhiều nơi như tỉnh miền núi
Hòa Bình có tới 99% số cháu mầm non được ăn trưa tại trường. Có 95% trường ứng
dụng công nghệ thông tin, bình quân 4 máy/trường; 72,6% giáo viên biết cách sử
dụng máy vi tính cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ và quản lý, nhiều giáo
viên dân tộc ít người đã biết sử dụng thông tin trên internet cho công việc
này. Trong 2 năm, đã tuyển dụng 24.163 giáo viên (còn thiếu 22.800 giáo viên so
với nhu cầu). Đã có 1.542/11.069 xã (13,9%) được công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập.
Đã có 10 tỉnh đăng ký, hoàn thành kế
hoạch ngay trong năm 2012. Qua tổng kết ở các địa phương bước đầu có các bài học
kinh nghiệm cần phổ biến rộng rãi để áp dụng đó là:
- Phải bảo đảm 3 quyết tâm và 3 kế
hoạch: Quyết tâm từ tỉnh, đến huyện và xã; có đủ kế hoạch/đề án cấp tỉnh; cấp
huyện và cấp xã để triển khai.
- Phải thực hiện 3 đồng bộ: Đồng bộ
về xây dựng cơ sở vật chất, đồng bộ về chính sách cho giáo viên, đồng bộ về
chính sách hỗ trợ trẻ em đi học.
- Phải kiểm tra thường xuyên, định
kỳ và trao đổi kinh nghiệm: Cấp tỉnh giao ban 01 lần/tháng; cấp bộ giao ban 02
lần/năm (06 tháng một lần tổ chức kiểm tra liên ngành trước giao ban).
- Phân cấp trách nhiệm rõ ràng
trong việc đảm bảo kinh phí mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi; phân loại
đồ dùng, đồ chơi có thể dùng lại, sửa chữa, hoặc mua sắm thay thế, bảo đảm đủ đồ
dùng, đồ chơi và tiết kiệm.
Tuy nhiên, việc triển khai đến nay
vẫn chưa đều ở các vùng, các địa phương; vẫn còn 01 tỉnh đến nay mới có kế hoạch
và nhiều huyện chưa phê duyệt đề án/kế hoạch thực hiện. Một số địa phương xây dựng
mục tiêu cao, chưa phù hợp với điều kiện thực hiện; một số địa phương chưa ưu
tiên dành quỹ đất phát triển mạng lưới trường, vẫn còn 15% số phường, xã chưa
có trường mầm non độc lập; còn thiếu 23.379 phòng học, phòng học kiên cố mới đạt
48%; cả nước mới có khoảng 20% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; sau giai
đoạn chuyển đổi loại hình trường, giáo viên vẫn còn thiếu về số lượng, chưa đồng
đều về chất lượng (hiện thiếu 22.811 giáo viên, còn 3,8% giáo viên chưa đạt chuẩn);
còn nhiều giáo viên ngoài biên chế chưa được trả lương theo thang bảng lương và
nâng lương theo định kỳ; vẫn còn 34/63 tỉnh/thành chưa cho xã công nhận đạt chuẩn
phổ cập; còn gần 1.000 trường bán công chưa chuyển được sang công lập, chương
trình kiên cố hóa tiếp theo đang gặp khó khăn về kinh phí cũng là những thách
thức.
Trong thời gian tới tập trung thực
hiện một số việc cụ thể sau: Hoàn thành việc xây dựng kế hoạch cấp huyện, xã,
xây dựng kế hoạch tài chính bố trí đủ nguồn kinh phí, quỹ đất và giáo viên thực
hiện Đề án; thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non một cách hợp
lý; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về việc thực hiện đề án của những vùng
kinh tế khó khăn kể cả các thành phố lớn, đông dân, các khu chế xuất, khu công
nghiệp.
II. TRÁCH NHIỆM
VÀ SỰ PHỐI HỢP CÁC BỘ NGÀNH, CƠ QUAN VÀ ĐỊA PHƯƠNG
1. Các Bộ, ngành
Trung ương:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Mở trang phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ em năm tuổi trên Website của Bộ, trên đó có tên và hình ảnh các trường
đã đạt tiêu chuẩn phổ cập, có các văn bản hướng dẫn phổ cập, có chuyên trang
trao đổi kinh nghiệm.
- Trước ngày 30 tháng 4, sau
khi Thủ tướng ký phê duyệt giao kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia và kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 -
2012, Bộ tổ chức họp để thông báo các địa phương biết, thực hiện.
- Trước ngày 30 tháng 5 năm 2012
làm việc với 10 tỉnh đăng ký hoàn thành vào năm 2012 để đôn đốc, hỗ trợ, điều
chỉnh thời gian hoàn thành nếu cần thiết. Bộ làm việc với các tỉnh đăng ký hoàn
thành vào các năm 2013, 2014 và 2015 để xem lại tiến độ, đôn đốc thực hiện.
Tháng 11 năm 2012 tổ chức họp lần
thứ 2 trong năm về Đề án này, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình thực hiện
Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Ưu tiên vốn
Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án khác của Nhà nước, dự án
viện trợ quốc tế để lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Đề án Phổ cập giáo dục
mầm non cho trẻ em năm tuổi.
c) Bộ Tài chính bố trí đủ ngân sách
theo quy định của Chính phủ, đảm bảo cho các tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập
giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi theo lộ trình đăng ký.
d) Các Bộ: Lao động - Thương binh
và Xã hội, Nội vụ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng theo chức năng nhiệm
vụ hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung của Đề án nhất là thực hiện
chính sách đất đai, biên chế giáo viên, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, xây dựng
trường lớp…
đ) Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản phối hợp thực hiện chuyên
đề giáo dục mầm non đến năm 2015; Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Khuyến học phối hợp
tham gia đoàn kiểm tra, khảo sát phổ cập do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức;
trong năm 2012 đi kiểm tra, khảo sát công tác phổ cập ít nhất 3 địa phương.
2. Đối với các địa
phương:
- Trên cơ sở kết quả đạt được, rà
soát theo 2 nhóm:
+ Nhóm các tỉnh đăng ký hoàn thành
Đề án trong năm 2012: Rà soát về điều kiện thực hiện, những khó khăn vướng mắc
để có kế hoạch cụ thể cho từng mặt, bảo đảm tiến độ.
+ Nhóm các tỉnh đăng ký hoàn thành
Đề án trong các năm từ 2013 - 2015: Rà soát kế hoạch để bảo đảm tính khả thi
hàng năm, yêu cầu những tỉnh này cuối năm 2012 có ít nhất 1 hoặc 2 xã đạt chuẩn
phổ cập để làm mô hình nhân rộng, cuối năm ngành giáo dục và đào tạo có báo cáo
kết quả với Hội đồng nhân dân. Những tỉnh chưa kịp chuyển trường mầm non bán
công sang công lập cần thực hiện khẩn trương.
- Các tỉnh có điều kiện kinh tế -
xã hội tương đối giống nhau, đề nghị rà soát lại, tham khảo kinh nghiệm các tỉnh
bạn để có thể đăng ký lại lộ trình phù hợp hơn.
- Các thành phố có điều kiện kinh tế
- xã hội phát triển hơn và là trung tâm văn hóa, chính trị của cả vùng cần hoàn
thành phổ cập mầm non cho trẻ em năm tuổi sớm hơn.
Văn phòng Chính phủ thông báo các Bộ,
ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Vũ Đức Đam
|