VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
300/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 08
năm 2013
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC SƠ KẾT 3 NĂM
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 1956
Ngày 17 tháng 7 năm 2013, tại trụ sở
Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn
quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm
2020 (Đề án 1956). Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có
đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương gồm: Lao
động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền
thông, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội
Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng cục Dạy nghề (thuộc Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội); đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Xây dựng,
Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội
đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội
Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Hội Dạy nghề
và Nghề công tác xã hội Việt Nam; đại diện các Bộ, cơ quan: Tư pháp, Quốc phòng,
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
của Quốc hội, Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Kênh truyền hình
nông nghiệp - nông thôn (VTC16) và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. Tại đầu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội cùng các sở ngành liên quan, các thành viên Ban Chỉ đạo
địa phương, đại diện của một số mô hình thí điểm và cơ sở
dạy nghề.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện
lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan
thường trực Đề án 1956; báo cáo của các Bộ: Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Nội vụ; ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị tại các đầu
cầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:
I. Đánh giá kết quả thực
hiện
Qua 3 năm thực hiện, Đề án 1956 cơ
bản đạt được các mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong giai đoạn đầu, tạo cơ sở để
phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn
trong những năm tiếp theo.
1. Kết quả đào tạo nghề cho lao động
nông thôn được 1.088.393 người (đạt 77,7% kế hoạch), trong đó 78,9% có việc làm
mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn; 44% có việc làm nông nghiệp, 56% có việc làm phi nông nghiệp, 53% là
phụ nữ, 44% hộ nghèo đã thoát nghèo, 11% hộ thu nhập trung bình nay có thu nhập
khá; trên 200 nghìn lượt cán bộ, công chức cấp xã đã được
đào tạo, đạt 67,9% kế hoạch. Các kết quả đạt được đã đóng góp tích cực cho sự
phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn thời gian qua.
2. Các điều kiện tiền đề cho việc
thực hiện các giai đoạn tiếp theo của Đề án 1956 đã được thiết lập, cụ thể:
a) Bộ máy chỉ đạo điều hành: 63 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án
ở địa phương; 98,5% đơn vị hành chính cấp huyện, 93,4% đơn vị hành chính cấp xã
có lao động nông thôn đã có Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác;
b) Cán bộ chuyên trách: có 382 trong tổng số 663 đơn vị hành chính cấp
huyện có lao động nông thôn đã bố trí cán bộ
chuyên trách quản lý dạy nghề thuộc Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội, đạt 57,6%;
c) Nghiên cứu nhu cầu học nghề và xây
dựng danh mục nghề: 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
đã thực hiện điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của
doanh nghiệp và xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo với 1.154 lượt nghề nông nghiệp và 1.933 lượt nghề phi nông nghiệp;
d) Định mức chi phí đào tạo: 62 tỉnh,
thành phố đã phê duyệt định mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối
với 2.782 lượt nghề, trong đó 1.035 lượt nghề nông nghiệp, 1.747 lượt nghề phi
nông nghiệp;
đ) Cơ sở đào tạo và giáo viên: Đã huy
động được 1.466 cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn;
80,5% đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm dạy nghề hoặc trường dạy nghề.
Huy động được 12.214 giáo viên cơ hữu, 8.859 giáo viên thỉnh giảng, 11.379
người dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn;
e) Mô hình dạy nghề: Đã hoàn thành
việc triển khai thí điểm 4 nhóm mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm:
dạy nghề nông nghiệp; dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, làng
nghề; dạy nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; dạy nghề máy trưởng, thuyền
trưởng tàu đánh cá trên biển và mô hình tổ chức quản lý dạy nghề cho lao động
nông thôn thông qua hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp.
3. Hoạt động kiểm tra, giám sát và
truyền thông
a) Đã tổ chức được 250 lượt kiểm tra ở cấp trung ương và 10.668 lượt ở cấp địa phương;
b) Đã thực hiện tốt công tác thông
tin, tuyên truyền, phổ biến tri thức, kinh nghiệm và giải
đáp kịp thời câu hỏi của người dân, nhất là nông dân thông qua Kênh truyền hình
nông nghiệp-nông thôn (VTC16) và một số kênh truyền hình ở
địa phương. Nhiều địa phương có sáng kiến kết hợp, lồng
ghép các chương trình đào tạo nghề với giải pháp việc làm,
góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Một số kinh nghiệm tốt của các địa phương cần trao đổi, phổ biến nhân rộng.
4. Bên cạnh những kết quả đã đạt được
trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 còn một số mặt hạn chế như: sự quan tâm của cán bộ lãnh đạo các
cấp ở một số địa phương chưa đầy đủ đến công tác dạy nghề;
còn một số ít địa phương chưa tổ chức sơ kết, chưa nắm chắc đối tượng tham gia
học nghề và sau học nghề; hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
II. Các nhiệm vụ cần triển
khai trong thời gian tới
Việc đào tạo nghề cho lao động nông
thôn là một giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, góp phần thực hiện xây
dựng nông thôn mới, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 1956 trong
thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
a) Tiếp tục hoàn thiện Ban Chỉ đạo ở
cấp huyện, Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác ở cấp xã; bố trí
cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề ở cấp huyện; huy động được các cơ sở đào
tạo, giáo viên đủ điều kiện tham gia dạy nghề. Thời gian hoàn thành các công
việc này chậm nhất đến tháng 3 năm 2014;
b) Triển khai quyết liệt việc đào tạo
nghề gắn với yêu cầu phát triển sản xuất của địa phương, chú trọng yếu tố thực
hành, hướng đến có việc làm và tiêu thụ sản phẩm.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung
một số điều của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành
trong tháng 8 năm 2013;
b) Phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong tháng 8 năm 2013 văn bản hướng dẫn việc
sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề cấp huyện
thành một trung tâm thực hiện đồng thời nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, dạy
nghề, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm có bổ sung thêm nhiệm vụ giới thiệu các mô hình tốt của địa phương;
c) Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc
thực hiện Đề án 1956 tại các địa phương chưa hoàn thiện về tổ chức, nhân sự, cơ
sở đào tạo nghề cho nông thôn. Thời gian kiểm tra từ tháng 10 năm 2013.
3. Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ
động có phương án cho vay vốn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng
người nghèo.
4. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo,
bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính
quyền, công chức chuyên môn xã và cán bộ nguồn bổ sung, thay thế cho cán bộ,
công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt, có độ tuổi
phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.
Phấn đấu hoàn thành việc đào tạo trên
50% số cán bộ, công chức cấp xã vào năm 2016.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp
tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp
với các địa phương để phổ biến rộng rãi các gương điển hình, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
6. Các Bộ và cơ quan: Lao động -
Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh thống nhất phương án phối hợp trong
đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp và tạo việc làm cho lao
động nông thôn.
7. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động
khen thưởng hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích trong công
tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các BCĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và
Nhi đồng của Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTBXH;
- Hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam;
- Hội Làm vườn Việt Nam;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam;
- Tập đoàn Dệt may Việt Nam;
- Kênh truyền hình VTC16;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, KTN,
TKBT,
V.III, TCCV, TH, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Khắc Định
|