ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
BÌNH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 570/QĐ-UBND
|
Bình Thuận, ngày 20
tháng 3 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020, XÉT ĐẾN 2025”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH
THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11
tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05
tháng 5 năm 2010 của Bộ Công thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục
lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;
Căn cứ Quyết định số 2383/QĐ-UBND ngày 07
tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể
phát triển ngành thương mại tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm
2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại
Tờ trình số 177/TTr-SCT ngày 14 tháng 02 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn
tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, xét đến 2025” với những nội dung sau:
I. Quan điểm, mục
tiêu và định hướng phát triển:
1. Quan điểm phát triển:
- Phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu
phải bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc
phòng của tỉnh; phù hợp với kết cấu hạ tầng và gắn kết với các quy hoạch khác
có liên quan;
- Phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu bảo
đảm yêu cầu thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, mở rộng mạng lưới phân
phối, nâng cao năng lực dự trữ nhiên liệu trên địa bàn tỉnh thiết thực và hiệu
quả;
- Phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu đúng
định hướng, đảm bảo các điều kiện về kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp
luật.
2. Mục tiêu phát triển:
a) Mục tiêu chung:
Quy hoạch sắp xếp lại các cửa hàng, kho xăng
dầu hiện có, định hướng xây dựng cửa hàng, kho xăng dầu mới khang trang, hiện đại,
bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng, khai thác có hiệu quả cơ sở
vật chất kỹ thuật của toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh;
b) Mục tiêu cụ thể:
- Sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng dầu
hiện có, khắc phục các tồn tại trong phân bố cửa hàng; trên cơ sở đó định hướng
phát triển 83 vị trí cửa hàng xăng dầu giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2025
nhằm bảo đảm cung cấp xăng dầu cho tiêu dùng và các nhu cầu phát triển kinh tế
- xã hội của trong tỉnh;
- Thực hiện di dời, giải tỏa 28 cửa hàng xăng
dầu không phù hợp quy hoạch; triển khai đầu tư nâng cấp, cải tạo 16 cửa hàng
bảo đảm các điều kiện về kinh doanh xăng dầu, nhất là an toàn giao thông, phòng
cháy chữa cháy (PCCC) và môi trường;
- Thực hiện xây dựng mới 83 cửa hàng xăng dầu
trên đất liền, 6 cửa hàng xăng dầu trên biển, 2 kho trung chuyển xăng dầu và
nâng cấp, cải tạo 17 cửa hàng xăng dầu.
3. Định hướng phát triển:
- Phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu đủ
năng lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của tỉnh gắn với phát triển đô
thị, các khu dân cư, khu du lịch và hạ tầng giao thông; đồng thời phải phù hợp
với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn;
- Phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu bảo
đảm các điều kiện theo quy định; đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cấp các cửa hàng
khu vực đô thị; thực hiện di dời các cửa hàng không phù hợp quy hoạch, nhất là
khu vực các kè biển, cảng cá, khu dân cư ven biển;
- Đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh xăng
dầu theo hướng huy động nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế; trong đó vốn khu
vực ngoài Nhà nước là chủ yếu.
II. Quy mô đầu tư các
loại hình kinh doanh xăng dầu:
1. Căn cứ, tiêu chuẩn xác định:
- Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005
của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
- Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000
của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc
các dự án đầu tư;
- Thông tư số 07/2003/TT-BXD ngày 17/6/2003
của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điểm Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày
17/7/2000 của Bộ Xây dựng;
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch
xây dựng (QCVN 01:2010/BXD) ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày
03/4/2008 của Bộ Xây dựng;
- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình
hạ tầng kỹ thuật đô thị (QCVN 07:2010/BXD) ban hành kèm theo Thông tư số
02/2010/TT-BXD ngày 05/02/2010 của Bộ Xây dựng;
- Các Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 4530-1998:
cửa hàng xăng dầu - yêu cầu thiết kế; TCVN 3254-1989: an toàn cháy nổ - yêu cầu
chung; TCVN 5684-1992: an toàn cháy - các công trình xăng dầu;
- Các văn bản, tiêu chuẩn quy phạm khác có
liên quan.
2. Phân loại xác định cơ sở kinh doanh xăng
dầu quy hoạch:
(Chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm)
III. Quy hoạch phát
triển hệ thống cửa hàng xăng dầu theo địa bàn:
1. Quy hoạch phát
triển cửa hàng xăng dầu trên đất liền:
- Cửa hàng xăng dầu hiện có 254 (bao gồm 239
cửa hàng xăng dầu đang hoạt động và 15 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận cấp
Giấy chứng nhận đầu tư); quy hoạch lại như sau:
+ Tiếp tục triển khai đưa dự án đi vào hoạt động:
15 dự án;
+ Đủ điều kiện hoạt động: 194 cửa hàng xăng
dầu;
+ Đầu tư nâng cấp, cải tạo: 17 cửa hàng;
+ Di dời, giải tỏa: 28 cửa hàng (trong đó, 24
cửa hàng không phù hợp quy hoạch sắp xếp lại, 3 cửa hàng giải tỏa xóa bỏ do
không có vị trí di dời đến và 01 cửa hàng nghỉ kinh doanh - không quy hoạch
lại).
- Quy hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2020,
có xét đến 2025: 83 vị trí cửa hàng xăng dầu.
+ Quy hoạch lại 58 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện;
+ Quy hoạch mới: 25 vị trí quy hoạch mới.
- Đến năm 2020, có xét đến 2025 trên địa bàn
toàn tỉnh có 309 cửa hàng xăng dầu trên đất liền.
2. Quy hoạch phát
triển cửa hàng xăng dầu trên biển:
Hiện có 3 tàu dầu đang hoạt động trên biển,
gồm: 02 trên vùng biển Mũi Né - thành phố Phan Thiết và 01 trên vùng biển đảo
Phú Quý.
- Phù hợp quy hoạch: 3 tàu dầu;
- Quy hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2020,
có xét đến 2025: 6 tàu dầu.
+ Quy hoạch lại: 5 tàu dầu theo quy hoạch xăng
dầu đến 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện (Quyết định số 1789/QĐ-UBND), mỗi
khu vực vùng biển quy hoạch một tàu dầu, gồm các khu vực vùng biển: cửa sông Cà
Ty, Phú Hài (thành phố Phan Thiết), xã Tân Hải, phường Phước Lộc, phường Bình
Tân (thị xã La Gi);
+ Quy hoạch phát triển mới: 1 tàu dầu trên
vùng biển Bình Thạnh - Chí Công, huyện Tuy Phong.
Đến năm 2020, có xét đến 2025 trên địa bàn
tỉnh có 9 tàu dầu trên biển.
3. Quy hoạch phát
triển kho trung chuyển xăng dầu:
- Hoàn thành, đưa vào hoạt động dự án Kho xăng
dầu Hòa Phú, quy mô 30.000m3 (đang triển khai xây dựng) trong năm 2012;
- Quy hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2020,
có xét đến 2025: 2 kho.
+ Quy hoạch lại: 02 kho trung chuyển xăng dầu
tại thị xã La Gi và huyện đảo Phú Quý theo quy hoạch xăng dầu đến 2010 nhưng
chưa triển khai thực hiện;
+ Quy hoạch mới: không có.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, trên địa bàn
toàn tỉnh có 03 kho xăng dầu.
4. Quy hoạch phát
triển trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố:
4.1. Thành phố Phan Thiết:
Trong số 49 cửa hàng (gồm 46 cửa hàng đang
hoạt động kinh doanh, 1 dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu
tư trên đất liền và 2 tàu dầu trên biển), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 32 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 28 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 4 cửa hàng (trong đó, có
Cửa hàng xăng dầu số 5 tại phường Phú Hài của Chi nhánh xăng dầu Bình Thuận
trong giai đoạn 2012 - 2013 phải nâng cấp theo hướng mở rộng cửa hàng ra phía
sau đuờng Nguyễn Đình Chiểu và đường ĐT 706B khang trang, đạt tiêu chuẩn cửa
hàng xăng dầu cấp 2);
- Không phù hợp phải di dời, giải tỏa: 17 cửa
hàng. Trong đó, có 15 cửa hàng di dời sắp xếp lại, 2 cửa hàng tồn tại đến cuối
thời kỳ quy hoạch giải tỏa xóa bỏ do không có vị trí để di dời (Cửa hàng xăng
dầu 408 và Cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Bình
Thuận);
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 20 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 17 vị trí theo quy hoạch
xăng dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện (15 vị trí trên đất liền
và 2 tàu dầu trên biển). Cụ thể:
* Khu vực cảng hàng hóa quy hoạch 1 cửa hàng
xăng dầu cấp 3 để bố trí lại Cửa hàng xăng dầu Trần Quốc Toản (Công ty Cổ phần
Vật tư Xăng dầu Bình Thuận) đã giải tỏa;
* Khu neo đậu tàu thuyền Phú Hài quy hoạch 3
cửa hàng xăng dầu cấp 3 để di dời 3 cửa hàng: Cửa hàng xăng dầu Gò Me, Cửa hàng
xăng dầu số 7 (Công ty Cổ phần Thương mại Bình Thuận) và Cửa hàng xăng dầu Hải
Nên;
* Khu cảng cá, bờ kè Mũi Né quy hoạch 9 cửa
hàng xăng dầu cấp 3 để di dời 9 cửa hàng xăng dầu: Thạch Long, Quốc Hồng, Tiên
Trang, Ngọc Tuấn, Quốc Hưng, Quang Thu, Liên Danh, Vĩnh Nhơn, Hoàng Cư;
* Tuyến đường Hùng Vương đi Thanh Hải, quy
hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2 để di dời Cửa hàng xăng dầu số 6 (Công ty Cổ phần
vật tư xăng dầu Bình Thuận);
* Tuyến đường từ Hàm Tiến đi xã Hồng Phong,
trên đoạn qua khu dân cư xã Thiện Nghiệp quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Khu vực vùng biển cửa sông Cà Ty quy hoạch
1 tàu dầu trên biển;
* Khu vực vùng biển cửa sông Phú Hài quy
hoạch 1 tàu dầu trên biển.
+ Quy hoạch mới: 3 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Trên trục đường ven biển nối Đức Long -
Tiến Thành (đường Trần Lê) quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Khu vực Cảng cá Phan Thiết quy hoạch 2 cửa
hàng xăng dầu cấp 3 để bố trí lại Cửa hàng xăng dầu số 1 và số 2 (Công ty Cổ
phần Thương mại Bình Thuận).
Đến năm 2020, có xét đến 2025, thành phố Phan
Thiết có 48 cửa hàng xăng dầu trên đất liền và 4 tàu dầu trên biển.
(Chi tiết tại Phụ lục 2 đính kèm)
4.2. Thị xã La Gi:
Trong số 30 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động
kinh doanh, quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 28 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 27 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 1 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải
tỏa: 2 cửa hàng;
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 12 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 7 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện (3 vị trí cửa hàng xăng dầu, 1
kho xăng dầu trên đất liền và 3 tàu dầu trên biển). Cụ thể:
* Trên tuyến đường từ Suối nước nóng (Hàm
Thuận Nam) đi Tân Xuân (nối QL 55) qua địa bàn xã Tân Bình quy hoạch 1 cửa hàng
xăng dầu cấp 3;
* Trên tuyến đường Lê Minh Công qua địa bàn
xã Tân Phước quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Trên địa bàn thị xã La Gi quy hoạch 1 kho
trung chuyển xăng dầu;
* Trên tuyến đường du lịch ven biển từ thôn
Hiệp Tiến - xã Tân Tiến đến xã Tân Bình quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Khu vực vùng biển xã Tân Hải (Ba Đăng) quy
hoạch 1 tàu dầu trên biển;
* Khu vực vùng biển phường Phước Lộc quy
hoạch 1 tàu dầu trên biển;
* Khu vực vùng biển phường Bình Tân quy hoạch
1 tàu dầu trên biển.
+ Quy hoạch mới: 5 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Khu vực hành lang bảo vệ bờ Sông Dinh thuộc
phường Phước Hội quy hoạch 2 cửa hàng xăng dầu cấp 3 để di dời Cửa hàng xăng
dầu Bến Đò (Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Bình Thuận) và Cửa hàng xăng dầu
Bến Đò Giữa (Công ty Cổ phần Trần Vũ);
* Trên trục đường chính khu dân cư mới N2 quy
mô 308ha (Tân Thiện – Bình Tân - Tân Bình) quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Tuyến đường Võ Thị Sáu qua địa bàn phường Bình
Tân quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Bến cá Ba Đăng, xã Tân Hải quy hoạch 1 cửa
hàng xăng dầu cấp 3.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, thị xã La Gi
có 36 cửa hàng xăng dầu trên đất liền, 1 kho xăng dầu và 3 tàu dầu trên biển.
(Chi tiết tại Phụ lục 3 đính kèm)
4.3. Huyện Tuy Phong:
Trong số 31 cửa hàng đang hoạt động kinh
doanh và 1 dự án kho xăng dầu đang triển khai xây dựng, được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 26 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 24 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 2 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải
tỏa: 5 cửa hàng;
- Hoàn thành xây dựng dự án kho xăng dầu Hòa
Phú;
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 14 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 12 vị trí theo quy hoạch
xăng dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện. Cụ thể:
* Bến neo đậu tàu thuyền Liên Hương - Phước
Thể quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Trên kè biển xã Chí Công hoặc bến cá Chí
Công (công trình quy hoạch) quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3 để di dời Cửa
hàng xăng dầu Chí Công của HTX Thương mại, dịch vụ Chí Công;
* Trên tuyến đường ĐT 716 qua địa bàn xã Hòa
Phú quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 1;
* Trên kè sông Hòa Phú quy hoạch 2 cửa hàng
xăng dầu cấp 3, ưu tiên 1 địa điểm để di dời Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Quyền;
* Khu vực Cảng Phan Rí Cửa - giai đoạn 2 quy
hoạch 3 cửa hàng xăng dầu cấp 3 để di dời 3 cửa hàng: Hiệp Hưng, Mỹ Thuận và
Chi nhánh xăng dầu Sơn Hà;
* Khu vực nội thị thị trấn Liên Hương và thị
trấn Phan Rí Cửa mỗi thị trấn quy hoạch 02 cửa hàng xăng dầu cấp 3.
+ Quy hoạch mới: 2 vị trí (1 vị trí trên đất
liền và 1 tàu dầu trên biển). Cụ thể:
* Trên tuyến đường Chí Công-Nha Mé quy hoạch
1 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Khu vực vùng biển Bình Thạnh - Chí Công quy
hoạch 1 tàu dầu trên biển.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Tuy
Phong có 39 cửa hàng xăng dầu, 1 kho xăng dầu trên đất liền và 1 tàu dầu trên
biển.
(Chi tiết tại Phụ lục 4 đính kèm)
4.4. Huyện Bắc Bình:
Trong số 19 cửa hàng (gồm 15 cửa hàng đang
hoạt động kinh doanh, 4 dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu
tư trên đất liền), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 18 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 17 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 1 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch và không có vị trí để
di dời, tồn tại đến cuối thời kỳ quy hoạch phải giải tỏa xóa bỏ: 1 cửa hàng
(Cửa hàng xăng dầu Thái Hòa);
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 10 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 9 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện. Cụ thể:
* Trên tuyến đường Chợ Lầu - Hòa Thắng, thuộc
địa bàn thị trấn Chợ Lầu quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Trên tuyến Lương Sơn đi Đại Ninh qua địa
bàn xã Sông Bình quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Trên tuyến đường Hải Ninh đi Bình An (thuộc
địa bàn xã Bình An) quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Trên tuyến đường Sông Lũy đi Phan Tiến
(thuộc địa bàn xã Phan Tiến) quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Khu vực tái định cư và khu vực trung tâm
của các xã: Phan Sơn, Phan Điền, Hồng Phong, quy hoạch phát triển ở mỗi xã 01
cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Trên tuyến đường ĐT 716 qua xã Hòa Thắng
quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 1;
* Khu vực thôn Hải Lạc, xã Hải Ninh, huyện
Bắc Bình quy hoạch 01 cửa hàng xăng dầu cấp 3.
+ Quy hoạch mới: 1 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Trên tuyến đường Chợ Lầu đi Hải Ninh qua địa
bàn xã Phan Hiệp quy hoạch 01 Cửa hàng xăng dầu cấp 3.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Bắc Bình
có 28 cửa hàng xăng dầu trên đất liền.
(Chi tiết tại Phụ lục 5 đính kèm)
4.5. Huyện Hàm Thuận Bắc:
Trong số 29 cửa hàng (gồm 26 cửa hàng đang
hoạt động kinh doanh, 3 dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên
đất liền), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 28 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 25 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 3 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải
tỏa: 1 cửa hàng;
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 7 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 4 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện. Cụ thể:
* Tuyến đường ĐT 714, đoạn qua địa bàn xã Đông
Tiến quy hoạch 1 cửa hàng cấp 3, đoạn qua địa bàn xã La Dạ quy hoạch 1 cửa hàng
cấp 3;
* Tuyến đường Quốc lộ 55 tại Km 200+00 (bên
trái tuyến) qua địa bàn xã Đa Mi quy hoạch 1 cửa hàng cấp 1 (vị trí đã được Bộ
Giao thông vận tải thỏa thuận và được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt
Quy hoạch điểm đấu nối giao thông các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh);
* Trên tuyến đường Triền từ QL 1A đi xã Hòa
Thắng (huyện Bắc Bình) đoạn qua địa bàn thôn 7, xã Hàm Đức quy hoạch 1 cửa hàng
cấp 3.
+ Quy hoạch mới: 3 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Tuyến đường Quốc lộ 1A tại Km 1680+500 (bên
trái tuyến) qua địa bàn xã Hồng Sơn quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 1 (vị trí
đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận và được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
phê duyệt Quy hoạch điểm đấu nối giao thông các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh);
* Khu vực nội thị thị trấn Phú Long quy hoạch
1 cửa hàng xăng dầu cấp 2 để di dời Cửa hàng xăng dầu Phú Long (Công ty Cổ phần
Vật tư Xăng dầu Bình Thuận);
* Trên tuyến đường Hàm Hiệp - Cẩm Hang - Sông
Quao qua địa bàn thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Hàm
Thuận Bắc có 35 cửa hàng xăng dầu trên đất liền.
(Chi tiết tại Phụ lục 6 đính kèm)
4.6. Huyện Hàm Thuận Nam:
Trong số 29 cửa hàng (gồm 28 cửa hàng đang
hoạt động kinh doanh, 1 dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu
tư trên đất liền), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 27 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 26 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 1 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải tỏa:
2 cửa hàng (1 cửa hàng không phù hợp quy hoạch sắp xếp lại và 01 cửa hàng giải
tỏa xóa bỏ là Cửa hàng xăng dầu Ngọc Bé nghỉ hẳn kinh doanh - không quy hoạch
lại);
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 8 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 5 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện. Cụ thể:
* Trên tuyến đường Hàm Minh đi Thuận Quý, quy
hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 1;
* Trên tuyến đường ĐT 719 qua địa bàn xã
Thuận Quý quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Đường từ ĐT 712 đi khu du lịch nước nóng
Phong Điền thuộc xã Tân Thuận quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Khu vực trung tâm các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh
quy hoạch mỗi xã 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3.
+ Quy hoạch mới: 3 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Trên tuyến đường Hàm Mỹ - Mương Mán qua địa
bàn xã Hàm Mỹ quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2 để di dời Cửa hàng xăng dầu
Ngã hai (Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Bình Thuận);
* Trên tuyến đường ĐT 712 từ Quốc lộ 1A (ngã
ba 30) đi vào qua địa bàn khu phố Lập Vinh, thị trấn Thuận Nam quy hoạch 1 cửa
hàng xăng dầu cấp 2;
* Trên tuyến đường ĐT 719 qua địa bàn thôn
Thanh Phong, xã Tân Thuận quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Hàm
Thuận Nam có 35 cửa hàng xăng dầu trên đất liền.
(Chi tiết tại Phụ lục 7 đính kèm)
4.7. Huyện Hàm Tân:
Trong số 15 cửa hàng (gồm 13 cửa hàng đang
hoạt động kinh doanh, 2 dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu
tư trên đất liền), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 15 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 14 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 1 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải
tỏa: không có;
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 8 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 6 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện. Cụ thể:
* Trong khu quy hoạch đô thị của huyện thuộc
thị trấn Tân Nghĩa (đoạn đã được chỉnh tuyến không thuộc Quốc lộ 55) quy hoạch
2 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Đường nối từ QL 55 (xã Tân Xuân) đi xã
Thắng Hải quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Đường giáp ranh từ xã Thắng Hải đến xã Tân Đức
quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Đường nối từ QL 1A (xã Tân Minh) đến QL 55
(xã Sơn Mỹ quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Tuyến đường Quốc lộ 55 tại Km 108+00 (bên trái
tuyến) qua địa bàn xã Sông Phan quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2 (vị trí đã được
Bộ Giao thông Vận tải thỏa thuận và được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê
duyệt Quy hoạch điểm đấu nối giao thông các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh).
+ Quy hoạch mới: 2 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Bến cá Hồ Lân, xã Tân Thắng quy hoạch 1 cửa
hàng xăng dầu cấp 3;
* Tuyến đường du lịch ven biển Thắng Hải -
Tân Thắng quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Hàm Tân
có 23 cửa hàng xăng dầu trên đất liền.
(Chi tiết tại Phụ lục 8 đính kèm)
4.8. Huyện Đức Linh:
Trong số 24 cửa hàng (gồm 22 cửa hàng đang
hoạt động kinh doanh, 2 dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu
tư trên đất liền), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 24 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 22 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 2 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải
tỏa: không có;
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 2 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: không có.
+ Quy hoạch mới: 2 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Trên tuyến đường ĐT 766 qua địa bàn khu phố
8, thị trấn Võ Xu quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Trên tuyến đường Mê Pu - Đa Kai (đoạn từ
ngã 3 cụm Công nghiệp Mê Pu đến ngã 4 Tư Sữu) thuộc địa bàn thôn 3, xã Mê Pu
quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Đức Linh
có 26 cửa hàng xăng dầu trên đất liền.
(Chi tiết tại Phụ lục 9 đính kèm)
4.9. Huyện Tánh Linh:
Trong số 26 cửa hàng (24 cửa hàng đang hoạt động
kinh doanh, 2 dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận/cấp Giấy chứng nhận đầu
tư dự án), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 26 cửa hàng; trong đó: đủ
điều kiện hoạt động 24 cửa hàng; phải nâng cấp mở rộng 2 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải
tỏa: không có;
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 6 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 2 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện. Cụ thể:
* Đường ĐT 717 qua xã Huy Khiêm quy hoạch 1
cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Tuyến đường quy hoạch Quốc lộ 55, tại Km
165+00 (bên trái tuyến) qua địa bàn xã La Ngâu quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu
cấp 2 (vị trí đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận và được Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định phê duyệt Quy hoạch điểm đấu nối giao thông các quốc lộ đi qua địa
bàn tỉnh).
+ Quy hoạch mới: 4 vị trí trên đất liền. Cụ
thể:
* Trên địa bàn xã Nghị Đức (vị trí đối diện
hoặc nằm trong cụm công nghiệp Nghị Đức) quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Đường ĐT 717 qua địa bàn thôn 1, xã Đức Tân
quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 2;
* Tại thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết quy hoạch 1
cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Khu dân cư suối kè, xã Gia Huynh quy hoạch
1 cửa hàng xăng dầu cấp 3.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Tánh
Linh có 32 cửa hàng xăng dầu trên đất liền.
(Chi tiết tại Phụ lục 10 đính kèm)
4.10. Huyện Phú Quý:
Trong số 5 cửa hàng (gồm 4 cửa hàng đang hoạt
động kinh doanh trên bờ và 1 tàu dầu trên biển), được quy hoạch lại:
- Phù hợp quy hoạch 5 cửa hàng; trong đó: đủ điều
kiện hoạt động 5 cửa hàng;
- Không phù hợp quy hoạch phải di dời, giải
tỏa: không có;
- Quy hoạch phát triển đến năm 2020, có xét đến
2025: 4 vị trí, gồm:
+ Quy hoạch lại: 3 vị trí theo quy hoạch xăng
dầu đến năm 2010 nhưng chưa triển khai thực hiện (2 cửa hàng xăng dầu trên bờ
và 1 kho xăng dầu). Cụ thể:
* Khu vực nằm ngoài phạm vi cảng Phú Quý về
phía Đông (có thực hiện lấn biển), thuộc khu vực đầu tư khu neo đậu tránh trú
bão Phú Quý, quy hoạch 1 kho xăng dầu;
* Tại cảng Phú Quý đang xây dựng đê Đông, khu
vực mở rộng thêm vùng neo đậu cho tàu cá, quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3;
* Tại khu vực ngã ba miếu Làng Phú, thôn Phú
An, xã Ngũ Phụng quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3.
+ Quy hoạch mới: 1 vị trí trên bờ. Cụ thể:
* Thôn Đông Hải, xã Long Hải (phía Tây Nam
ngã tư đường Tam Thanh - Long Hải) quy hoạch 1 cửa hàng xăng dầu cấp 3.
Đến năm 2020, có xét đến 2025, huyện Phú Quý
có 7 cửa hàng xăng dầu trên bờ, 1 kho xăng dầu và 1 tàu dầu trên biển.
(Chi tiết tại Phụ lục 11 đính kèm)
5. Tổng hợp nhu cầu
sử dụng đất quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến
năm 2020, có xét đến 2025:
Nhu cầu sử dụng đất để đầu tư hệ thống kinh
doanh xăng dầu đến năm 2020, có xét đến 2025 (có dự phòng 10%) là 949.834m2,
bao gồm:
- Diện tích đất hiện trạng phù hợp quy hoạch:
782.298m2;
- Diện tích sử dụng đất tăng thêm: 167.545m2 (gồm:
nâng cấp mở rộng là 21.245m2, phát triển mới là 146.300m2). Nhu cầu sử dụng đất
tăng thêm cho các giai đoạn cụ thể như sau: giai đoạn 2011 - 2015 là 114.360m2 và
giai đoạn 2016 - 2020, xét đến 2025 là 53.185m2).
(Chi tiết tại Phụ lục 12 đính kèm)
6. Danh mục các công
trình xăng dầu ưu tiên đầu tư:
- Các kho xăng dầu: Hòa Phú (xã Hòa Phú,
huyện Tuy Phong - dự án đang triển khai), La Gi (thị xã La Gi) và Phú Quý (xã
Tam Thanh, huyện Phú Quý);
- Các cửa hàng xăng dầu phục vụ các xã miền
núi (các xã: Phan Dũng, Phan Điền, Hàm Cần, Hồng Phong, Phan Hiệp);
- Các cửa hàng xăng dầu thuộc diện di dời,
giải tỏa (tại Phụ lục 13 đính kèm).
7. Nhu cầu vốn đầu tư
thực hiện quy hoạch:
- Tổng vốn phát triển hệ thống cửa hàng bán
lẻ xăng dầu, kho xăng dầu toàn tỉnh đến 2020, có xét đến 2025 là 270.600 triệu đồng.
Trong đó:
+ Vốn đầu tư xây dựng mới: 230.000 triệu đồng;
+ Vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo: 22.400 triệu đồng;
+ Kinh phí di dời, giải tỏa: 23.200 triệu đồng.
- Nguồn vốn đầu tư: 100% từ nguồn vốn ngoài
ngân sách Nhà nước.
IV. Các giải pháp
thực hiện quy hoạch:
1. Giải pháp về công
tác quản lý quy hoạch:
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các
ngành trong quản lý và thực hiện quy hoạch hệ thống kinh doanh xăng dầu đồng bộ
với các quy hoạch khác;
- Khi đề xuất xem xét vị trí cụ thể, các sở,
ngành và địa phương, đặc biệt đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương
phải rà soát kỹ bảo đảm có trong quy hoạch phát triển kinh doanh xăng dầu; quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo đảm các yếu tố an toàn trong khu dân cư, đô
thị; các cửa hàng xăng dầu nằm trên trục đường giao thông (các tuyến đường quốc
lộ qua địa bàn tỉnh) phải được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận cho phép đấu
nối và phải đạt tiêu chí quy định từng cấp cửa hàng mới làm thủ tục đề nghị Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;
- Thực hiện công bố công khai quy hoạch, vị
trí nào có 02 nhà đầu tư trở lên đăng ký đầu tư thì tổ chức đấu giá chọn nhà đầu
tư phù hợp;
- Xây dựng và triển khai lộ trình thực hiện
giải tỏa, di dời, nâng cấp các cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch, thông báo đến
các doanh nghiệp biết, thực hiện.
2. Giải pháp về PCCC,
bảo vệ môi trường:
- Nhiệm vụ phòng chống cháy nổ, an toàn môi
trường của cửa hàng xăng dầu được ưu tiên đặt lên hàng đầu; chú trọng ngay từ
khâu thẩm định vị trí đầu tư xây dựng các cửa hàng xăng dầu về mặt bảo đảm an
toàn PCCC, bảo vệ môi trường, nhất là trong khu dân cư, đô thị theo các quy định
hiện hành;
- Kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện đầy
đủ các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định của nhà nước về an toàn PCCC,
bảo vệ môi trường khi xây dựng các các cửa hàng bán lẻ, kho xăng dầu;
- Triển khai phổ biến đầy đủ đến các cơ sở
kinh doanh xăng dầu các quy định pháp luật trong về PCCC, môi trường; kiểm tra,
giám sát thường xuyên việc thực hiện các phương án bảo vệ môi trường, bảo đảm
an toàn PCCC;
- Rà soát, củng cố các công trình PCCC, kiểm
tra thường xuyên việc tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn PCCC; kiểm
tra, chấn chỉnh nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, thu gom rác tại
các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
3. Giải pháp về đất đai:
- Căn cứ nhu cầu sử dụng đất theo yêu cầu quy
hoạch, các sở ngành liên quan và các địa phương tiến hành đồng bộ việc rà soát
xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, xác lập quỹ đất
(có dự phòng 10%) phù hợp với tiêu chuẩn từng loại cửa hàng, kho xăng dầu trong
quy hoạch để bảo đảm bố trí quỹ đất cho đầu tư phát triển, đầu tư nâng cấp, mở
rộng hệ thống các kho, cửa hàng xăng dầu giai đoạn 2011 - 2020;
- Áp dụng, thực hiện thống nhất các quy định
của Nhà nước về đất đai như: thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu
giá quyền sử dụng đất phù hợp với từng trường hợp và vị trí đầu tư kho, cửa
hàng xăng dầu cụ thể.
4. Giải pháp thu hút,
bảo đảm nguồn vốn đầu tư:
- Thông báo công khai trên phương tiện thông
tin đại chúng về quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu
trên địa bàn để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư xây dựng các loại hình cửa
hàng, kho xăng dầu phù hợp;
- Áp dụng thống nhất các chính sách khuyến
khích đầu tư của Nhà nước đối với việc đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh
xăng dầu trên địa bàn tỉnh;
- Vận động thu hút các các nhà đầu tư có kinh
nghiệm và khả năng tài chính đầu tư các kho trung chuyển xăng dầu.
5. Giải pháp về đào
tạo nguồn nhân lực:
Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về
nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu, an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường,
bảo đảm 100% số lao động thuộc cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều được qua
đào tạo.
6. Giải pháp quản lý,
kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu:
- Tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các
quy định của pháp luật về các điều kiện kinh doanh xăng dầu, quy chế đại lý,
tổng đại lý xăng dầu đến các doanh nghiệp biết, để tuân thủ, thực hiện;
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát
hoạt động kinh doanh xăng dầu trên
địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi gian
lận thương mại, găm hàng, trốn thuế, vi phạm về giá, về đo lường chất lượng…
theo quy định của pháp luật.
7. Giải pháp về cơ
chế, chính sách:
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ áp
dụng cho việc nâng cấp, giải tỏa, di dời cửa hàng kinh doanh xăng dầu không còn
phù hợp quy hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày
13/3/2008 của UBND tỉnh;
- Áp dụng, thực hiện thống nhất các cơ chế
chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hiện hành của Nhà nước trong đầu tư phát
triển kho, cửa hàng xăng dầu.
8. Giải pháp di dời
các cửa hàng xăng dầu không phù hợp quy hoạch:
- Đối với các cửa hàng xăng dầu đã có địa điểm
để di dời (các công trình hạ tầng liên quan đã triển khai thực hiện có bố trí địa
điểm xăng dầu) yêu cầu phải thực hiện ngay việc di dời cửa hàng; thời hạn hoàn
thành chậm nhất đến 31/12/2015;
- Đối với các cửa hàng xăng dầu di dời mà các
công trình hạ tầng liên quan như cảng biển, kè biển, khu neo đậu tàu thuyền,
các tuyến đường giao thông chưa triển khai xây dựng hoặc phụ thuộc vào tiến
trình đầu tư của các công trình này: trong năm 2012 - 2013, các cửa hàng xăng
dầu thuộc diện này phải chủ động kiện toàn và duy trì các điều kiện kinh doanh.
Tiến hành di dời trong giai đoạn 2016 - 2020 ngay khi các công trình hạ tầng
liên quan triển khai xây dựng hoàn thành;
- Đối với các cửa hàng xăng dầu không có địa điểm
để di dời, gồm: Cửa hàng xăng dầu 408, Cửa hàng xăng dầu số 2 Lê Hồng Phong,
Cửa hàng xăng dầu Thái Hòa: trong năm 2012 - 2013, chủ động tiến hành kiện toàn
và duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu, chậm nhất đến 31/12/2020 giải tỏa
xóa bỏ cửa hàng.
9. Giải pháp nâng cấp
cửa hàng xăng dầu hiện hữu đạt tiêu chí quy định từng cấp cửa hàng:
- Đối với các cửa hàng xăng dầu hiện hữu có
vị trí phù hợp quy hoạch không thuộc đối tượng phải đầu tư nâng cấp, cải tạo,
di dời trên các tuyến đường du lịch, tuyến đường chính, trong khu vực dân cư;
chủ đầu tư căn cứ cấp cửa hàng của mình theo Quy hoạch này, chủ động triển khai
việc chỉnh trang cho đúng với tiêu chuẩn cấp cửa hàng (cấp 1, cấp 2 hoặc cấp
3); lộ trình thực hiện chậm nhất đến 31/12/2013;
- Sau ngày 31/12/2013, Sở Công thương phối hợp
với các sở, ngành và địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, báo cáo kết quả
thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.
V. Tổ chức thực hiện
Quy hoạch:
1. Về việc quy hoạch
các cửa hàng xăng dầu trên tuyến đường cao tốc, đường tránh thành phố Phan
Thiết và các cửa hàng xăng dầu trên các quốc lộ chưa có thỏa thuận đấu nối giao
thông:
a) Trên tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh
và tuyến đường tránh thành phố Phan Thiết sau khi đầu tư hoàn thành, Sở Công
thương phối hợp Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan tham mưu đề
xuất cụ thể (số lượng, vị trí các cửa hàng xăng dầu) trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét quyết định bổ sung quy hoạch;
b) Đối với 11 vị trí cửa hàng xăng dầu có dự
kiến quy hoạch trên các tuyến đường quốc lộ 1, 28 và 55 qua địa bàn tỉnh nhưng
chưa có trong Quy hoạch tổng thể các điểm đấu nối vào các quốc lộ qua địa bàn
tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-UBND ngày
16/8/2011 (gọi tắt là Quy hoạch đấu nối các quốc lộ của tỉnh); Ủy ban nhân dân
tỉnh ghi nhận trong Quy hoạch này.
(Chi tiết 11 vị trí cửa hàng xăng dầu tại Phụ
lục 14 đính kèm).
Khi chủ đầu tư các dự án có nhu cầu đặc biệt,
cần phải bổ sung điểm đầu nối cửa hàng xăng dầu mới để đáp ứng yêu cầu phát
triển kinh tế - xã hội tại các vị trí nói trên, thì chủ đầu tư đó có văn bản (trong
đó nêu rõ nhu cầu đặc biệt, cần phải bổ sung) kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh
cho chủ trương điều chỉnh bổ sung cụ thể từng vị trí đấu nối. Khi Ủy ban nhân
dân tỉnh có chủ trương cho phép bổ sung điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu vào quốc
lộ, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét thỏa thuận.
Sau khi Bộ Giao thông vận tải có văn bản thỏa
thuận thống nhất bổ sung điểm đấu nối cửa hàng xăng dầu vào quốc lộ, Ủy ban
nhân dân tỉnh giao: Sở Giao thông vận tải tham mưu bổ sung vào Quy hoạch đấu nối
các quốc lộ của tỉnh; Sở Công thương tham mưu bổ sung vào Quy hoạch này; Sở Tài
nguyên và Môi trường tham mưu bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Sở Kế
hoạch và Đầu tư tham mưu cấp chứng nhận đầu tư theo quy định.
2. Lộ trình thực hiện
quy hoạch:
a) Giai đoạn 2011 - 2015:
- Trong năm 2012, hoàn thành và đưa vào hoạt động
15 dự án cửa hàng xăng dầu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận/cấp Giấy
chứng nhận đầu tư dự án; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi các dự án không
triển khai;
- Giai đoạn 2012-2013, hoàn thành việc nâng
cấp 16 cửa hàng xăng dầu;
- Hoàn thành việc di dời, giải tỏa 9 cửa hàng
xăng dầu không phù hợp với Quy hoạch (có địa điểm di dời cửa hàng);
- Thu hút đầu tư xây dựng mới 23 cửa hàng
xăng dầu trên đất liền, 6 cửa hàng trên biển và 02 kho trung chuyển xăng dầu.
b) Giai đoạn 2016 - 2020, có xét đến 2025:
- Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm 5
năm thực hiện Quy hoạch; rà soát kết quả thực hiện, tiến hành điều chỉnh Quy
hoạch để bảo đảm thực hiện mục tiêu, định hướng đã đề ra;
- Năm 2016, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chấm
dứt hoạt động của các cửa hàng xăng dầu thuộc diện di dời, giải tỏa có địa điểm
di dời nhưng không triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015;
- Hoàn thành việc di dời, giải tỏa 19 cửa
hàng xăng dầu không phù hợp với Quy hoạch còn lại;
- Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng mới 35 cửa
hàng xăng dầu trên đất liền, phấn đấu hoàn thành đầu tư hệ thống cửa hàng xăng
dầu trước 2020;
- Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quy
hoạch; triển khai giải pháp ổn định hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đề
xuất định hướng phát triển, quản lý cho thời kỳ sau năm 2020 đến 2025.
3. Phân công tổ chức
triển khai thực hiện quy hoạch:
a) Sở Công thương:
- Tổ chức công bố công khai Quy hoạch sau khi
được phê duyệt;
- Chủ trì tham mưu xây dựng và triển khai Kế
hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về lộ trình đầu tư nâng cấp, giải tỏa, di dời
các cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch;
- Hướng dẫn, xem xét cấp giấy Chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh xăng dầu; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thương mại và
kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu
trên địa bàn toàn tỉnh;
- Chủ trì phối hợp các sở, ngành và địa
phương triển khai và theo dõi tình hình thực hiện quy hoạch, định kỳ hàng năm
tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chỉ đạo thực hiện việc rà soát, bổ sung quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2020 bảo đảm quỹ đất đầu tư phát
triển, nâng cấp và di dời các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo Quy hoạch này.
Kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện đầy đủ thủ tục
về đất đai theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác
bảo vệ môi trường đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong quá trình hoạt
động kinh doanh.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa
phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận đầu tư các cửa hàng,
kho xăng dầu theo Quy hoạch;
- Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh điều
chỉnh, bổ sung cơ chế và chính sách áp dụng cho việc nâng cấp, giải tỏa, di dời
cửa hàng kinh doanh xăng dầu, thu hút đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh
xăng dầu theo quy hoạch.
d) Sở Xây dựng:
- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây
dựng; cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng các cửa hàng xăng dầu trên địa
bàn tỉnh;
- Thực hiện kiểm tra về xây dựng đối với các
cửa hàng xăng dầu, nhất là các cửa hàng vi phạm chỉ giới xây dựng và xử lý vi
phạm theo quy định của pháp luật.
đ) Sở Giao thông vận tải:
- Xác định lộ giới các tuyến giao thông, cấm
mốc hành lang đường làm căn cứ để xây dựng các cửa hàng xăng dầu đảm bảo an
toàn giao thông, thỏa thuận và cấp phép đấu nối giao thông các cửa hàng xăng
dầu theo phân cấp quản lý đường bộ;
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo
vệ hành lang đường bộ và kiến nghị việc xử lý các cửa hàng xăng dầu xây dựng vi
phạm lộ giới giao thông;
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thỏa thuận
với Bộ Giao thông vận tải các vị trí cần quy hoạch phát triển mới các cửa hàng
xăng dầu trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, theo yêu cầu phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh.
e) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Hướng dẫn công nghệ/thiết kế cửa hàng và
thiết bị tồn trữ, bơm rót xăng dầu;
- Thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát đo
lường, chất lượng xăng dầu của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và xử lý các vi
phạm theo quy định của pháp luật.
g) Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu
nạn cứu hộ):
- Thẩm duyệt thiết kế về PCCC các dự án đầu
tư xây dựng cửa hàng xăng dầu; kiểm tra, giám sát việc duy trì thường xuyên
công tác bảo đảm PCCC và trang thiết bị PCCC của các cửa hàng xăng dầu trong
suốt quá trình hoạt động kinh doanh;
- Tổ chức thường xuyên và theo định kỳ công
tác huấn luyện về bảo đảm an toàn và kỹ thuật PCCC cho 100% cán bộ quản lý,
nhân viên các cửa hàng xăng dầu;
- Xây dựng và triển khai phương án PCCC bảo đảm
ứng phó kịp thời khi có xảy ra hỏa hoạn ở các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và
khu vực lân cận đe doạ đến an toàn cửa hàng xăng dầu.
h) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố:
- Phối hợp với Sở Công thương và các sở,
ngành liên quan phổ biến, triển khai Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh
hàng xăng dầu trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố để các doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân biết và thực hiện;
- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực
hiện việc rà soát, bổ sung nhu cầu sử dụng đất dành cho việc đầu tư phát triển,
nâng cấp, di dời các cửa hàng xăng dầu vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai
đoạn 2011- 2020 của địa phương;
- Theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh
xăng dầu trên địa bàn, phối hợp Sở Công thương và các sở, ngành liên quan đề
xuất các biện pháp quản lý, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội địa phương;
- Phối hợp Sở Công thương quản lý, kiểm tra
chặt chẽ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và triển khai Kế hoạch của
Ủy ban nhân dân tỉnh về lộ trình đầu tư nâng cấp, cải tạo, giải tỏa, di dời các
cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch;
- Xác nhận đăng ký và kiểm tra, giám sát việc
thực hiện nội dung cam kết bảo vệ môi trường các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn
theo quy định của pháp luật.
i) Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa
bàn tỉnh:
- Thực hiện đầy đủ các quy định trong Quy
hoạch này và các quy định pháp luật hiện hành về kinh doanh xăng dầu;
- Chủ động thực hiện việc đầu tư nâng cấp, di
dời các cửa hàng xăng dầu theo Quy hoạch đã được phê duyệt; chủ động cải tạo,
sửa chữa nâng cấp mở rộng hoặc đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh xăng dầu của đơn
vị kịp thời theo yêu cầu mới, đúng tiêu chí quy định từng loại cấp hàng xăng
dầu theo lộ trình trong Quy hoạch.
Điều 2.
1. Sở Công thương chủ
trì phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố cụ thể hóa thành các kế hoạch cụ thể (nhất là kế hoạch về lộ trình đầu tư
nâng cấp, di dời các cửa hàng xăng dầu) để tổ chức triển khai các mục tiêu,
nhiệm vụ của Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa
bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, có xét đến năm 2025” và các nội dung tại mục
1, 2 - phần V - Điều 1 Quyết định này gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển
ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức thực hiện
trong kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm; theo dõi, kiểm tra quá trình thực
hiện; đề xuất những giải pháp để thực hiện.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố tổ chức triển khai các định hướng phát triển và biện pháp cụ thể hóa các
nội dung quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn bảo đảm
tính thống nhất và đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại của
tỉnh; phối hợp các sở, ngành triển khai các giải pháp đầu tư, nâng cấp, di dời
các cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch được phê duyệt.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công
thương, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.