Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 140/QĐ-BKHĐT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Bùi Quang Vinh
Ngày ban hành: 09/02/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/QĐ-BKHĐT

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2012

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Phương án Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 (kèm theo Quyết định này) nhằm thực hiện Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng Phương án quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và Thủ trưởng các cơ quan có tên tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Như điều 3;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các thành viên Ban chỉ đạo TW;
- Các UBND tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Các Cục Thống kê tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Các thành viên Tổ thường trực BCĐTW;
- Lưu: VT, TCTK (10 bản)

BỘ TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO
TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ,
HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP TRUNG ƯƠNG




Bùi Quang Vinh

 

PHƯƠNG ÁN

TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 140/QĐ-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU TỔNG ĐIỀU TRA

1.1. Mục đích

Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 (sau đây gọi là Tổng điều tra CSKT 2012) thu thập thông tin về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp ở nước ta nhằm đáp ứng các mục đích sau:

Một là, đánh giá sự phát triển về số lượng, cơ sở, lao động của các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu … đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương;

Hai là, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2011 của các chuyên ngành có liên quan đến doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (số lượng, số lao động, vốn, tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình thực hiện đầu tư …);

Ba là, bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP và các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương;

Bốn là, cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, HCSN cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ 2013 - 2017 của ngành thống kê, các Bộ, ngành và địa phương.

1.2. Yêu cầu

(1) Thu thập, tổng hợp và công bố các số liệu có độ tin cậy cao, đầy đủ các nội dung điều tra theo Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tính kế thừa và so sánh với Tổng điều tra CSKT năm 2007, đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế;

(2) Nội dung điều tra phản ánh xác thực tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu tổng hợp số liệu thống kê chính thức năm 2011;

(3) Giảm số lượng các cuộc điều tra thống kê, tránh trùng chéo trong hoạt động thống kê năm 2012;

(4) Rút ngắn thời gian xử lý, công bố số liệu; thông tin đầu ra phong phú, phản ánh nhiều chiều; cách thức công bố thông tin đổi mới theo hướng đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng thông tin;

(5) Khắc phục những hạn chế về nghiệp vụ và tổ chức thực hiện của các lần Tổng điều tra trước, đặc biệt là xác định rõ đơn vị điều tra và cách thức thu thập thông tin hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.

2. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI ĐIỀU TRA

2.1. Đối tượng, đơn vị điều tra: là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan nhà nước, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thỏa mãn cả ba điều kiện sau đây:

- Có địa điểm cố định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động thuộc các ngành kinh tế;

- Có chủ thể sở hữu hoặc có người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động; và

- Có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh, …

Riêng các cơ sở đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các cơ sở tạm ngừng SXKD theo thời vụ hoặc để đầu tư mở rộng quy mô SXKD, đổi mới công nghệ, sửa chữa, chuyển đổi mô hình pháp lý hoặc tổ chức, chờ sáp nhập, giải thể … nhưng bộ phận quản lý đang hoạt động, có thể trả lời thông tin trên phiếu vẫn là các đơn vị điều tra.

Lưu ý:

(1) Các đối tượng, đơn vị điều tra thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do hai Bộ tổ chức điều tra theo cấp hành chính với phương án riêng phù hợp với đặc thù của mỗi Bộ nhưng thống nhất với phương án Tổng điều tra của Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương. Kết quả điều tra được tổng hợp chung vào kết quả của toàn quốc.

(2) Cuộc Tổng điều tra CSKT 2012 không bao gồm các đối tượng sau:

- Các hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (đã điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011);

- Các cơ sở thuộc đoàn ngoại giao, Đại sứ quán, Lãnh sự quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;

Trong thực tế, các đơn vị điều tra của Tổng điều tra này được chia thành 04 khối sau:

Khối doanh nghiệp: gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hạch toán kinh tế độc lập và các hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); các cơ sở trực tiếp thuộc doanh nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể gồm các loại đơn vị điều tra sau:

- Doanh nghiệp không có cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác (các cuộc Tổng điều tra trước gọi là doanh nghiệp đơn): là doanh nghiệp chỉ có một địa điểm cố định duy nhất để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Doanh nghiệp có cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác: là doanh nghiệp có trụ sở chính và ít nhất một cơ sở trực thuộc đóng ở nơi khác, cụ thể:

+ Trụ sở chính của doanh nghiệp: là nơi điều hành chung hoạt động của toàn doanh nghiệp. Trụ sở chính chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có ít nhất 01 cơ sở trực thuộc đóng ở địa điểm khác;

+ Cơ sở trực thuộc doanh nghiệp: là chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, địa điểm sản xuất kinh doanh nằm ngoài trụ sở chính như: hầm mỏ, nhà ga, nhà máy, xưởng sản xuất, cửa hàng, quầy hàng …;

- Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài thiết lập tại Việt Nam.

Trong năm 2012, các đơn vị điều tra là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các phiếu điều tra ban hành theo phương án này, không phải thực hiện kỳ báo cáo chính thức năm 2011 theo quy định của Chế độ báo cáo thống kê định kỳ áp dụng cho DN nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ban hành theo Quyết định số 77/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 04/2011/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khối hành chính, sự nghiệp: gồm các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cơ sở trực thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Cụ thể gồm các loại đơn vị điều tra sau:

- Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, ở các cấp từ Trung ương đến địa phương;

- Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Các đơn vị sự nghiệp;

- Các cơ sở trực thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức nói trên (kể cả các cơ sở trực thuộc, hoạt động SXKD nhưng chưa hoặc không đăng ký thành lập doanh nghiệp, ví dụ: nhà khách, nhà nghỉ, trung tâm tổ chức hội nghị, xưởng in, cửa hàng bán lẻ hàng hóa …).

Khối cá thể: gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Cụ thể bao gồm các đơn vị điều tra là cơ sở SXKD thuộc sở hữu của một người, một nhóm người hoặc một gia đình, chưa đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp (trừ các cơ sở thuộc ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đã được điều tra trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011);

Riêng cơ sở SXKD cá thể ngành xây dựng, do đặc thù của hoạt động này và mục tiêu thống kê số lượng cơ sở, quy định: cơ sở SXKD cá thể xây dựng là đội/tổ/nhóm cá thể (gọi chung là đội xây dựng cá thể) do một người đứng ra làm đội trưởng (hay còn gọi là chủ/cai thầu xây dựng) thực hiện nhận thầu và tiến hành xây dựng mới, lắp đặt thiết bị, sửa chữa công trình xây dựng; được xác định theo tên và địa chỉ thường trú của chủ cơ sở (đội trưởng hay còn gọi là chủ/cai thầu xây dựng). Số lượng đơn vị cơ sở tính theo số lượng đội trưởng; không xác định số lượng cơ sở theo số lượng công trình mà đội trưởng đang tiến hành xây dựng. Như vậy, trong trường hợp đội trưởng xây dựng cùng một thời điểm nhận nhiều công trình xây dựng, vẫn chỉ tính là một cơ sở.

Khối tôn giáo: gồm các cơ sở tôn giáo được nhà nước công nhận; cơ sở tín ngưỡng là đình, đền, phủ.

Cụ thể gồm các loại đơn vị điều tra sau:

- Cơ sở tôn giáo: là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận như: chùa, tự, viện, tịnh xá, niệm phật đường, nhà thờ, nhà thờ họ công giáo, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo;

- Cơ sở tín ngưỡng: là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Trong cuộc Tổng điều tra này chỉ bao gồm các cơ sở tín ngưỡng là đình, đền, phủ. Loại trừ: các cơ sở tín ngưỡng là miếu, am, từ đường, nhà thờ họ (của dòng họ).

2.2. Phạm vi điều tra

Tổng điều tra (điều tra toàn bộ) trên phạm vi cả nước đối với các loại đơn vị điều tra thuộc các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế từ ngành A đến ngành S theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2007), cụ thể là:

- Ngành A: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chỉ điều tra các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các cơ sở thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản);

- Ngành B: Khai khoáng;

- Ngành C: Công nghiệp chế biến, chế tạo;

- Ngành D: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí;

- Ngành E: Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải;

- Ngành F: Xây dựng;

- Ngành G: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;

- Ngành I: Dịch vụ lưu trú và ăn uống;

- Ngành J: Thông tin và Truyền thông;

- Ngành L: Hoạt động kinh doanh bất động sản;

- Ngành M: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ;

- Ngành N: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ;

- Ngành P: Giáo dục và đào tạo;

- Ngành Q: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội;

- Ngành R: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí;

- Ngành S: Hoạt động dịch vụ khác.

3. NỘI DUNG ĐIỀU TRA

Nội dung điều tra bao gồm các nhóm thông tin sau:

3.1. Thông tin nhận dạng cơ sở

- Tên, địa chỉ, số điện thoại;

- Mã số thuế, mã đơn vị sử dụng ngân sách;

- Ngành hoạt động, sản xuất kinh doanh chính (theo VSIC 2007);

- Loại cơ sở (loại hình doanh nghiệp, trụ sở chính, cơ sở SXKD trực thuộc doanh nghiệp hoặc cơ quan hành chính, sự nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ quan nhà nước; Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng …).

3.2. Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động

- Thông tin về người đứng đầu cơ sở;

- Lao động của cơ sở (phân tổ theo loại lao động gia đình, lao động thuê ngoài, lao động là người nước ngoài, trình độ chuyên môn được đào tạo, giới tính, độ tuổi);

- Thu nhập của người lao động.

3.3. Thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh, tình hình hoạt động

- Tài sản, nguồn vốn;

- Kết quả sản xuất, kinh doanh;

- Thuế và các khoản nộp ngân sách;

- Vốn đầu tư;

- Tình hình sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo;

- Hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ;

- Các chỉ tiêu chuyên ngành: nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, thu gom và xử lý rác thải, xây dựng, thương nghiệp, vận tải, kho bãi, lưu trú, ăn uống, du lịch, trung gian tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục, dịch vụ khác ..;

- Tiêu dùng năng lượng.

3.4. Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin

- Sử dụng máy tính cho sản xuất, kinh doanh;

- Sử dụng mạng internet cho sản xuất kinh doanh;

- Sử dụng hình thức thương mại điện tử: mua, bán hàng qua mạng internet.

3.5. Thông tin về tình hình tiếp cận các nguồn vốn của doanh nghiệp

- Mục tiêu tiếp cận các nguồn vốn;

- Kết quả tiếp cận các nguồn vốn;

- Lý do bị từ chối tiếp cận các nguồn vốn.

4. PHIẾU ĐIỀU TRA VÀ CÁC BẢNG DANH MỤC

4.1. Các loại phiếu điều tra

Các nhóm thông tin cần điều tra được thu thập theo 28 loại phiếu điều tra:

a) Khối doanh nghiệp: áp dụng 16 loại phiếu

- Phiếu 1A/TĐTKT-DN: Phiếu thu thập thông tin về DN;

- Phiếu 1A.1/TĐTKT-NL: Thông tin về tình hình chung hợp tác xã thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

- Phiếu 1A.2/TĐTKT-CN: Kết quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của doanh nghiệp;

- Phiếu 1A.3/TĐTKT-RT: Kết quả hoạt động thu gom và xử lý rác thải;

- Phiếu 1A.4/TĐTKT-XD: Kết quả hoạt động xây dựng;

- Phiếu 1A.5/TĐTKT-TN: Kết quả hoạt động thương nghiệp;

- Phiếu 1A.6/TĐTKT-VT: Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi;

- Phiếu 1A.7/TĐTKT-LT: Kết quả hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch;

- Phiếu 1A.8/TĐTKT-TC: Kết quả hoạt động trung gian tài chính và hoạt động hỗ trợ cho hoạt động trung gian tài chính tiền tệ;

- Phiếu 1A.9/TĐTKT-BH: Kết quả hoạt động bảo hiểm và môi giới bảo hiểm;

- Phiếu 1A.10/TĐTKT-YT: Kết quả hoạt động y tế;

- Phiếu 1A.11/TĐTKT-GD: Kết quả hoạt động giáo dục, đào tạo;

- Phiếu 1A.12/TĐTKT-DV: Kết quả hoạt động dịch vụ khác;

- Phiếu 1Am/TĐTKT-KH: Phiếu thu thập thông tin về sử dụng công nghệ trong sản xuất (áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn mẫu điều tra);

- Phiếu 1B/TĐTKT-CS: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở trực thuộc (áp dụng cho văn phòng trụ sở chính và cơ sở SXKD sản xuất, kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài);

- Phiếu 1C/TĐTKT-ĐT: Phiếu thu thập thông tin áp dụng cho các doanh nghiệp đang đầu tư, chưa đi vào sản xuất kinh doanh.

Mỗi doanh nghiệp đang hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động để mở rộng SXKD, chờ sáp nhập, giải thể thực hiện một số loại phiếu điều tra trong số 16 loại phiếu nêu trên, cụ thể như sau:

- Phiếu 1A/TĐTKT-DN để ghi thông tin cho toàn doanh nghiệp;

- Một hoặc một số loại phiếu chuyên ngành từ Phiếu 1A.1/TĐTKT-NL đến 1A.12/TĐTKT-DV tùy thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là một ngành hay nhiều ngành, có hoạt động nào thì ghi thông tin vào phiếu tương ứng với hoạt động đó;

- Phiếu 1Am/TĐTKT-KH nếu là doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn vào danh sách điều tra mẫu;

- Phiếu 1B/TĐTKT-CS ghi thông tin cho các cơ sở trực thuộc và phiếu ghi riêng cho trụ sở chính (số lượng phiếu 1B/TĐTKT-CS của mỗi DN bằng số lượng cơ sở trực thuộc cộng với 01 phiếu của văn phòng trụ sở chính).

Đối với các doanh nghiệp có cơ sở trực thuộc đóng ở nơi khác, đơn vị ghi thông tin vào phiếu điều tra là trụ sở chính, nơi đặt bộ máy điều hành toàn doanh nghiệp. Số liệu tổng doanh thu, chi phí, lao động … của các cơ sở trực thuộc và văn phòng trụ sở chính phải bằng số liệu ghi cho toàn doanh nghiệp

Tùy điều kiện cụ thể, trụ sở chính có thể yêu cầu cơ sở trực thuộc điền đầy đủ thông tin theo phiếu số 1B/TĐTKT-CS và gửi về trụ sở chính để nộp cho cơ quan thống kê cùng với phiếu của trụ sở chính.

Doanh nghiệp đang đầu tư, chưa đi vào sản xuất kinh doanh chỉ thực hiện phiếu 1C/TĐTKT-ĐT.

b) Khối cá thể: áp dụng 04 loại phiếu

- Phiếu 2/TĐTKT-CT: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở SXKD cá thể (áp dụng cho cơ sở không thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả SXKD);

- Phiếu 2A/TĐTKT-CN: Phiếu thu thập thông tin về cơ sở SXKD cá thể hoạt động công nghiệp (áp dụng cho cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả SX công nghiệp);

- Phiếu 2B/TĐTKT-VT: Phiếu thu thập thông tin về các cơ sở SXKD cá thể hoạt động vận tải, kho bãi (áp dụng cho cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả kinh doanh vận tải, kho bãi);

- Phiếu 2C/TĐTKT-TM: Phiếu thu thập thông tin về các cơ sở SXKD cá thể hoạt động thương mại, dịch vụ (áp dụng cho cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu kết quả kinh doanh thương mại, dịch vụ).

Mỗi cơ sở SXKD cá thể thực hiện một trong 04 loại phiếu điều tra nêu trên

Lưu ý: chỉ thực hiện lập bảng kê đơn vị điều tra, không ghi phiếu điều tra đối với các cơ sở SXKD cá thể hoạt động vận tải nhưng không có địa điểm cố định (như xe ôm, xích lô, xe lôi, …); cơ sở cá thể xây dựng (chủ thầu, tổ trưởng tổ xây dựng); bán hàng quà vặt, hàng nước chè chén, xổ số … trên vỉa hè, lể đường; cho thuê nhà tư nhân.

c) Khối hành chính, sự nghiệp: áp dụng 07 loại phiếu

● Cơ quan hành chính, sự nghiệp và cơ sở trực thuộc cơ quan HCSN không thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh: thực hiện một trong 06 loại phiếu:

- Phiếu 3A/TĐTKT-HC: Phiếu thu thập thông tin chung về cơ sở hành chính, sự nghiệp (trừ cơ sở sự nghiệp y tế, giáo dục đào tạo) (áp dụng cho các cơ sở không thuộc danh sách điều tra mẫu);

- Phiếu 3Am/TĐTKT-HC: Phiếu thu thập thông tin chung và chi tiết thu/chi của cơ sở hành chính, sự nghiệp (trừ cơ sở sự nghiệp y tế, giáo dục đào tạo) (áp dụng cho các cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu thu, chi);

- Phiếu 3Y/TĐTKT-YT: Phiếu thu thập thông tin chung về cơ sở y tế (áp dụng cho các cơ sở không thuộc danh sách điều tra mẫu);

- Phiếu 3Ym/TĐTKT-YT: Phiếu thu thập thông tin chung và chi tiết thu, chi của cơ sở y tế (áp dụng cho các cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu thu, chi);

- Phiếu 3G/TĐTKT-GD: Phiếu thu thập thông tin chung về cơ sở giáo dục, đào tạo (áp dụng cho các cơ sở không thuộc danh sách điều tra mẫu);

- Phiếu 3Gm/TĐTKT-GD: Phiếu thu thập thông tin chung và chi tiết thu, chi của cơ sở giáo dục, đào tạo (áp dụng cho các cơ sở thuộc danh sách điều tra mẫu thu, chi).

● Cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp: thực hiện Phiếu 3B/TĐTKT-CS “Phiếu thu thập thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp”.

d) Khối tôn giáo: áp dụng 01 loại phiếu

- Phiếu 4/TĐTKT-TG: Phiếu thu thập thông tin về các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

(Nội dung các phiếu được thể hiện tại Phụ lục)

4.2. Các bảng danh mục áp dụng cho Tổng điều tra

a) Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23 tháng 01 năm 2007 và Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;

b) Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 39/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 05 năm 2010 và Thông tư số 19/2010/TT-BKH ngày 19 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam (chi tiết thêm đến mã 8 chữ số, đã sử dụng trong điều tra doanh nghiệp năm 2011);

c) Danh mục các đơn vị hành chính ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ, được cập nhật theo danh sách các đơn vị hành chính cấp xã đến thời điểm điều tra;

d) Danh mục các dân tộc Việt Nam (sử dụng trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009);

e) Danh mục nước và vùng lãnh thổ ban hành kèm theo phương án này.

5. THỜI ĐIỂM, THỜI KỲ VÀ THỜI GIAN TỔNG ĐIỀU TRA

5.1. Thời điểm, thời kỳ tổng điều tra

a) Thời điểm Tổng điều tra:

- Các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp: ngày 01/04/2012;

- Các đơn vị điều tra thuộc khối hành chính, sự nghiệp, khối cá thể và khối tôn giáo: ngày 01/7/2012.

b) Thời kỳ Tổng điều tra: những chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ được lấy thông tin theo số phát sinh trong năm 2011 hoặc các tháng năm 2012 tùy theo từng chỉ tiêu và đơn vị điều tra, được quy định cụ thể trong từng loại phiếu điều tra.

5.2. Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn

Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn được quy định như sau:

- Đối với các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp: 60 ngày, từ 01/4 đến 31/5/2012;

- Đối với các đơn vị điều tra thuộc các khối hành chính sự nghiệp, cá thể, tôn giáo: 30 ngày, từ ngày 01 đến ngày 30/7/2012.

6. LOẠI ĐIỀU TRA

Tổng điều tra CSKT 2012 thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu.

6.1. Điều tra toàn bộ được thực hiện đối với các đối tượng, đơn vị điều tra nhằm thu thập những thông tin cơ bản;

6.2. Điều tra chọn mẫu được thực hiện đối với các đối tượng, đơn vị điều tra được chọn nhằm thu thập một số thông tin chi tiết cho từng loại đơn vị điều tra. Số lượng, phương pháp và quy trình chọn mẫu được quy định riêng cho từng loại đơn vị điều tra.

6.2.1. Chọn mẫu điều tra các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Tổng cục Thống kê chọn cố định 8.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng tại 63 tỉnh, thành phố để điều tra thu thập thông tin về sử dụng công nghệ trong sản xuất theo phiếu số 1Am/TĐT-KH (thu thập số liệu trong 4 năm: 2010, 2011, 2012 và 2013, trong đó năm 2010 và 2011 đã thu thập số liệu qua điều tra doanh nghiệp). Danh sách các doanh nghiệp điều tra mẫu được Tổng cục Thống kê gửi cho các địa phương để thực hiện thu thập số liệu.

6.2.2. Chọn mẫu điều tra các cơ sở hành chính, sự nghiệp

Một số cơ sở hành chính, sự nghiệp được chọn vào mẫu điều tra thu thập thông tin chi tiết về thu, chi theo khoản mục, tài sản cố định để suy rộng kết quả đến cấp tỉnh. Tổng số mẫu được chọn là 15300 cơ sở. Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương (sau đây gọi là Ban chỉ đạo TĐT Trung ương) sử dụng danh sách các đơn vị hành chính, sự nghiệp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã lập trong năm 2011 phục vụ đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương” làm dàn chọn mẫu, thực hiện chọn mẫu trên cơ sở ngành kinh tế cấp 2 theo VSIC 2007 và gửi danh sách mẫu cho Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh.

6.2.3. Chọn mẫu điều tra các cơ sở SXKD cá thể

Một số cơ sở SXKD cá thể được chọn vào mẫu điều tra để thu thập thông tin chi tiết về kết quả SXKD theo chuyên ngành. Chọn mẫu điều tra được thực hiện để suy rộng kết quả đến cấp tỉnh. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lập danh sách toàn bộ cơ sở và nhập tin trước ngày 15/6/2012 để sử dụng làm dàn chọn mẫu. Phương pháp và cách thức chọn mẫu quy định tương tự như Điều tra cơ sở SXKD cá thể 1/10 hàng năm với tiêu thức chọn mẫu là doanh thu của cơ sở, sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên rải đều, thực hiện theo hai bước:

- Bước 1: xác định số lượng mẫu cần điều tra: Ban chỉ đạo Trung ương quy định số lượng mẫu theo 3 nhóm tỉnh, thành phố trực thuộc TW căn cứ vào số lượng cơ sở SXKD cá thể của mỗi nhóm tỉnh, thành phố;

- Bước 2: Chọn các cơ sở mẫu để tiến hành thu thập thông tin.

Việc chọn mẫu do các Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương.

(Chi tiết thể hiện tại Quy trình chọn mẫu cơ sở SXKD cá thể và được thực hiện bằng phần mềm thống nhất trên toàn quốc).

7. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP THÔNG TIN

7.1. Áp dụng kết hợp phương pháp phỏng vấn trực tiếp và phương pháp gián tiếp tùy theo từng loại đơn vị điều tra:

- Đối với các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp và khối hành chính, sự nghiệp: tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, kết hợp sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp (điều tra viên đến đơn vị điều tra, hỏi thông tin và ghi vào phiếu) và phương pháp gián tiếp (cơ quan thống kê mời đại diện đơn vị điều tra tham dự tập huấn để nghe hướng dẫn ghi phiếu điều tra hoặc điều tra viên gửi phiếu đến đơn vị điều tra, hướng dẫn ghi phiếu trực tiếp hoặc qua các phương tiện thông tin, hẹn ngày gửi trả phiếu đã điền thông tin cho cơ quan thống kê).

- Đối với các đơn vị điều tra thuộc khối cá thể và tôn giáo: áp dụng thống nhất phương pháp phỏng vấn trực tiếp.

7.2. Người cung cấp thông tin ở từng khối đơn vị điều tra như sau:

- Khối doanh nghiệp: lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo phòng kế toán và các phòng ban liên quan;

- Khối hành chính, sự nghiệp: lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo văn phòng cơ quan; người quản lý hoặc người phục trách cơ sở trực thuộc cơ quan HCSN;

- Khối cá thể và tôn giáo: chủ cơ sở. Trường hợp chủ cơ sở không có mặt thì có thể phỏng vấn người quản lý cơ sở hoặc người bán hàng nếu người đó có thể trả lời đầy đủ, chính xác các thông tin trong phiếu điều tra.

8. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

8.1. Thành lập Ban Chỉ đạo TĐT các cấp

8.1.2. Cấp Trung ương

a) Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó Trưởng ban thường trực, 01 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phụ trách công tác thống kê thương mại, dịch vụ làm Ủy viên thường trực; Đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) là đơn vị đầu mối thực hiện Tổng điều tra làm Ủy viên.

Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra theo đúng kế hoạch, nội dung và phương án Tổng điều tra.

b) Tổ Thường trực Tổng điều tra Trung ương là bộ phận thường trực giúp Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương tổ chức chỉ đạo Tổng điều tra, có trụ sở đặt tại Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) và các số máy điện thoại được phân công trả lời từng nhóm nội dung của Tổng điều tra.

(Chi tiết thể hiện tại Danh sách Tổ thường trực và phân công nhiệm vụ của các thành viên).

8.1.2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Cuộc Tổng điều tra được tổ chức thực hiện theo các cấp hành chính. Tuy nhiên do tính chất đặc thù của hai ngành hoạt động quản lý Nhà nước về quốc phòng và an ninh, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thành lập riêng hai Ban chỉ đạo Tổng điều tra, triển khai điều tra riêng theo sự chỉ đạo ngành dọc từ trung ương đến địa phương của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhưng thống nhất với nội dung phương án Tổng điều tra của cả nước.

Tổ Thường trực Tổng điều tra của mỗi Bộ là bộ phận thường trực giúp Ban Chỉ đạo TĐT của mỗi Bộ để tổ chức triển khai Tổng điều tra.

8.1.3. Cấp địa phương

Ban Chỉ đạo TĐT và Tổ Thường trực các cấp ở địa phương được thành lập theo quy định tại Công văn số 6873/BKHĐT-TCTK ngày 11/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ban Chỉ đạo TĐT các cấp ở địa phương có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra tại địa phương mình theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương; đồng thời tham mưu về chủ trương, giải pháp để hỗ trợ các cấp, các ngành trong Tổng điều tra.

8.2. Xác định địa bàn, lập danh sách (bảng kê) các đơn vị điều tra

8.2.1. Xác định địa bàn điều tra

Địa bàn điều tra là một khu vực hành chính được sử dụng trong công tác lập danh sách thực tế đơn vị điều tra và trong điều tra thu thập thông tin.

Trong cuộc Tổng điều tra này, địa bàn điều tra được quy định như sau:

- Đối với khối doanh nghiệp, khối hành chính, sự nghiệp và khối tôn giáo: địa bàn điều tra là xã, phường hoặc thị trấn;

Các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp như trung tâm thương mại, các tòa nhà đa năng, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì mỗi khu vực này là một địa bàn điều tra riêng và giao cho các Ban quản lý những khu vực đó phối hợp triển khai thu thập thông tin.

- Đối với khối cá thể: địa bàn điều tra là thôn/ấp/bản/phum/sóc hoặc khu/cụm dân cư/tổ dân phố.

Các khu vực tập trung nhiều cơ sở SXKD cá thể như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thì mỗi khu vực này là một địa bàn điều tra riêng và giao cho các Ban quản lý những khu vực đó lập danh sách, phối hợp triển khai thu thập thông tin.

Ban chỉ đạo TĐT các cấp căn cứ vào hướng dẫn và tình hình thực tế để phân bổ số lượng địa bàn điều tra cho mỗi điều tra viên, giám sát viên cho phù hợp.

8.2.2. Lập danh sách đơn vị điều tra

Danh sách đơn vị điều tra được lập cho từng địa bàn điều tra nhằm đảm bảo cho việc thu thập thông tin đúng đối tượng, không bỏ sót hoặc tính trùng, làm cơ sở để tuyển dụng và tập huấn điều tra viên, tổ trưởng; tính toán tài liệu, vật tư, văn phòng phẩm; dự toán kinh phí Tổng điều tra …

Lập danh sách được tiến hành theo trình tự ba bước như sau:

- Bước 1: Lập danh sách nền;

- Bước 2: Rà soát, lập danh sách thực tế;

- Bước 3: Tổng hợp danh sách đơn vị điều tra, địa bàn điều tra.

Cuộc Tổng điều tra CSKT 2012 được triển khai theo hai thời điểm khác nhau, việc thu thập thông tin của các đơn vị điều tra thuộc khối doanh nghiệp được thực hiện ở cấp doanh nghiệp nên khâu lập danh sách đơn vị điều tra được quy định cho các khối như sau:

a) Khối doanh nghiệp: Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh thực hiện rà soát danh sách doanh nghiệp theo Quyết định số 01/QĐ-BKHĐT ngày 03/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả rà soát danh sách doanh nghiệp được thống nhất giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và cơ quan thống kê theo tình trạng hoạt động:

- Doanh nghiệp thực tế đang hoạt động;

- Doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh nhưng đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh;

- Doanh nghiệp không tìm thấy hoặc không xác minh được;

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng khác.

Danh sách các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài thiết lập tại Việt Nam do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép thành lập. Ban chỉ đạo TĐT Trung ương gửi các Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh để rà soát, cập nhật;

Thời hạn: Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh hoàn thành lập danh sách doanh nghiệp trước ngày 15/3/2012 và báo cáo về Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương trước ngày 20/3/2012.

Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo TĐT Bộ Công an lập danh sách các doanh nghiệp do Bộ quản lý và sẽ thực hiện điều tra, gửi về Ban chỉ đạo TĐT Trung ương trước ngày 05/3/2012.

b) Khối hành chính sự nghiệp, khối cá thể và khối tôn giáo: thực hiện theo trình tự:

Bước 1: Lập danh sách nền

Danh sách nền được Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh tổ chức lập cho từng địa phương/đơn vị điều tra dựa trên những dữ liệu sẵn có và thông tin cập nhật từ các nguồn:

- Danh sách các đơn vị sự nghiệp tính đến thời điểm tháng 12/2011 do Tổng cục Thuế cung cấp (Ban chỉ đạo TĐT Trung ương gửi các Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh); danh sách cơ sở hành chính, sự nghiệp từ kết quả Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2007; Danh sách các đơn vị hành chính, sự nghiệp các tỉnh đã lập trong năm 2011 phục vụ đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương”. Thông tin cần được cập nhật từ thực tế quản lý, theo dõi của UBND cấp xã, phường;

- Danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể từ kết quả điều tra toàn bộ cơ sở SXKD cá thể 1/7/2010. Ban chỉ đạo TĐT cấp xã cần kết hợp với danh sách do cơ quan thuế địa phương cung cấp để cập nhật danh sách nền;

- Danh sách các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo trên địa bàn do ngành y tế, giáo dục đào tạo cấp giấy phép thành lập và quản lý;

- Danh sách các cơ sở tôn giáo được nhà nước công nhận: do Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) cung cấp, Ban chỉ đạo TĐT Trung ương gửi Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh để rà soát, kết hợp với danh sách các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong Tổng điều tra cơ sở kinh tế, HCSN năm 2007. Thông tin cần được cập nhật từ thực tế quản lý, theo dõi của UBND cấp xã, phường;

- Các nguồn khác: tham khảo thêm các nguồn tài liệu từ Niên giám hành chính của tỉnh/thành phố; Trang vàng điện thoại …

Bước 2: Lập danh sách thực tế

Danh sách thực tế là bảng kê các đơn vị điều tra được điều tra viên lập tại địa bàn điều tra. Điều tra viên lập danh sách thực tế phải nắm chắc danh sách nền trên địa bàn được phân công, tìm hiểu địa bàn được phân công, trực tiếp đến từng cơ sở để gặp chủ cơ sở hoặc người quản lý, hỏi và ghi chép vào bảng kê danh sách cơ sở theo đúng mẫu biểu quy định. Cách đi liệt kê là phải đảm bảo nguyên tắc thứ tự, lần lượt, không bỏ cách quãng, tránh trùng hoặc sót cơ sở trên địa bàn.

(Chi tiết được thể hiện tại Quy trình lập danh sách).

Thời hạn: Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh hoàn thành lập danh sách thực tế đơn vị điều tra trên địa bàn trước ngày 10/6/2012 và báo cáo về Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương trước ngày 20/6/2012.

Lưu ý: Đối với những đơn vị điều tra dân sự có trụ sở đóng trong khuôn viên của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì do hai Ban chỉ đạo TĐT lập danh sách, gửi cho Ban chỉ đạo TĐT Trung ương để giao cho Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh tổ chức điều tra thu thập thông tin.

Bước 3: Tổng hợp danh sách đơn vị điều tra

Tổng hợp danh sách đơn vị điều tra được thực hiện cho từng địa bàn điều tra để làm căn cứ chọn mẫu điều tra, phân chia địa bàn, danh sách đơn vị điều tra cho điều tra viên.

Căn cứ vào kết quả lập danh sách thực tế, Ban chỉ đạo TĐT các cấp tiến hành tổng hợp danh sách đơn vị điều tra cho từng địa bàn điều tra theo 05 loại danh sách sau đây:

- Danh sách cơ sở SXKD cá thể hoạt động công nghiệp;

- Danh sách cơ sở SXKD cá thể hoạt động vận tải, kho bãi;

- Danh sách cơ sở SXKD cá thể hoạt động thương mại, dịch vụ;

- Danh sách cơ sở hành chính, sự nghiệp;

- Danh sách cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

(Chi tiết xem Hướng dẫn mẫu biểu tổng hợp danh sách đơn vị điều tra khối hành chính, sự nghiệp, cá thể, tôn giáo tín ngưỡng).

c) Đối với các đơn vị điều tra mẫu

- Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các cơ sở hành chính, sự nghiệp điều tra mẫu: Tổng cục Thống kê gửi Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh danh sách đơn vị mẫu để rà soát, cập nhật.

- Các cơ sở hành chính, sự nghiệp: Ban chỉ đạo TĐT Trung ương gửi danh sách mẫu điều tra cho Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh;

- Các cơ sở SXKD cá thể: Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh thực hiện chọn mẫu theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo TĐT Trung ương, sử dụng phần mềm máy tính thống nhất trên toàn quốc.

Thời hạn: Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh hoàn thành việc rà soát, chọn mẫu và lập bảng kê cơ sở mẫu trước ngày 20/6/2012.

8.3. Cập nhật địa bàn và danh sách các đơn vị điều tra

Trong 5 ngày cuối tháng 6/2012 và trong quá trình điều tra, Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã tổ chức rà soát, cập nhật địa bàn và danh sách các đơn vị điều tra thuộc khối hành chính sự nghiệp, cá thể, đặc biệt với trường hợp trên địa bàn phát sinh việc chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính hoặc chuyển loại đơn vị hành chính từ cấp xã sang cấp phường, khu đô thị mới, thị tứ, thị trấn mới được mở rộng địa giới sau thời điểm lập bảng kê.

8.4. Tuyển dụng điều tra viên và tổ trưởng

8.4..1 Nhiệm vụ của điều tra viên, tổ trưởng

- Nhiệm vụ của điều tra viên: nhận phiếu điều tra và danh sách đơn vị điều tra trên địa bàn, liên hệ hoặc trực tiếp đến các đơn vị điều tra được phân công để thu thập thông tin trong phiếu điều tra theo đúng hướng dẫn; tổng hợp danh sách đơn vị điều tra trên địa bàn được phân công, kiểm tra và hoàn thiện phiếu điều tra, giao nộp phiếu điều tra hoàn chỉnh cho tổ trưởng hoặc người có thẩm quyền.

Trước khi đến cơ sở, điều tra viên phải nắm chắc danh sách cơ sở được phân công điều tra (cơ sở nào ghi phiếu chung, cơ sở nào ghi phiếu điều tra mẫu), cùng tổ trưởng kiểm tra lại các thông tin sẵn có của từng cơ sở. Khi thu thập thông tin, điều tra viên cần gợi ý để đơn vị điều tra cung cấp, giải thích thông tin nếu thấy chưa rõ. Chỉ ghi vào phiếu những thông tin trung thực, đã được kiểm tra, không tự ý ghi vào phiếu những thông tin giả tạo, sai sự thật.

- Nhiệm vụ của tổ trưởng: chịu trách nhiệm điều hành và quản lý đội điều tra viên điều tra cơ sở SXKD cá thể tại địa bàn, quan hệ trực tiếp với địa phương, phối hợp với trưởng thôn (ấp, bản …), tổ trưởng (tổ dân phố/khu, cụm dân cư …) trong khâu lập danh sách và thu thập thông tin, tuyên truyền giải thích mục đích, ý nghĩa, kế hoạch tiến hành cuộc Tổng điều tra.

Trong quá trình triển khai thu thập thông tin tại địa bàn, tổ trưởng có nhiệm vụ tổng hợp danh sách đơn vị điều tra trên địa bàn, phân chia địa bàn điều tra, giao phiếu điều tra cho từng điều tra viên, xây dựng kế hoạch điều tra, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tiến độ công việc, giám sát công việc của điều tra viên hàng ngày, hoàn thiện phiếu điều tra, cập nhật tình hình gửi Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã theo định kỳ quy định.

Tổ trưởng còn có nhiệm vụ tổng hợp nhanh kết quả điều tra trên địa bàn phụ trách, báo cáo và bàn giao phiếu điều tra cho Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã theo quy định.

8.4.2. Số lượng điều tra viên, tổ trưởng cần tuyển dụng

- Số lượng điều tra viên: Cần tuyển chọn điều tra viên cho hai loại công việc: lập danh sách đơn vị điều tra và thu thập thông tin trên phiếu điều tra. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa bàn điều tra, Ban CĐTĐT địa phương cần xác định định mức địa bàn điều tra hoặc số lượng đơn vị điều tra phù hợp cho mỗi điều tra viên.

- Số lượng tổ trưởng: chỉ tuyển dụng tổ tưởng đối với phiếu điều tra của khối cá thể. Quy định mức bình quân cho từng vùng như sau:

+ Đối với các địa bàn thuộc vùng núi cao, hải đảo: 1 tổ trưởng phụ trách 3 điều tra viên;

+ Đối với các địa bàn thuộc vùng núi thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi phương tiện giao thông đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng: 1 tổ trưởng phụ trách 4 điều tra viên;

+ Đối với các vùng còn lại: 1 tổ trưởng phụ trách 5 điều tra viên.

Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh căn cứ vào hướng dẫn của Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương, điều kiện thực tế của từng vùng, miền trong địa phương (địa hình, giao thông), căn cứ vào số địa bàn, số đơn vị điều tra và định mức điều tra cho 1 điều tra viên để xác định số lượng điều tra viên, tổ trưởng cần tuyển dụng cho từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bảo đảm đủ lực lượng để thực hiện đúng tiến độ và chất lượng khâu thu thập thông tin, đồng thời sử dụng tiết kiệm kinh phí trong tuyển chọn, tập huấn điều tra viên, tổ trưởng. Để đảm bảo tính chủ động và tiến độ Tổng điều tra, cần tuyển chọn và tập huấn dự phòng thêm 3% số điều tra viên và tổ trưởng.

8.4.3. Đối tượng tuyển dụng làm điều tra viên, tổ trưởng

Ban chỉ đạo TĐT từng cấp chịu trách nhiệm tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên thích hợp cho từng loại đơn vị điều tra. Ban Chỉ đạo TĐT cấp huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng cho từng địa bàn điều tra thuộc địa phương.

Người được tuyển dụng làm điều tra viên, tổ trưởng là những người có đủ điều kiện về sức khỏe, thời gian, đủ trình độ để tiếp thu và thực hiện tốt các hướng dẫn về quy trình và phiếu điều tra, có kinh nghiệm và hiểu biết địa bàn, có nhiệt tình và trách nhiệm đối với công việc được phân công. Để phù hợp với thực tế của các địa phương, trong quá trình tuyển dụng điều tra viên, tổ trưởng cần chú ý một số điểm sau:

- Đối với lực lượng thu thập thông tin của các phiếu áp dụng cho cơ sở SXKD cá thể: Điều tra viên, tổ trưởng tuyển dụng cần được chọn theo địa bàn điều tra (thôn, ấp, bản, tổ dân phố …) và hướng vào học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, giáo viên/cán bộ hưu trí, cán bộ xã, trưởng thôn (ấp, bản), tổ trưởng dân phố … có trình độ văn hóa khá, nhiệt tình với công việc. Ở vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa có thể tuyển dụng công an xã, giáo viên … làm điều tra viên. Đối với vùng dân tộc thiểu số, nều điều tra viên không biết tiếng dân tộc thì cần tuyển dụng người phiên dịch, dẫn đường (dẫn đường kiêm phiên dịch) với số lượng hợp lý, phù hợp điều kiện thực tế.

- Đối với lực lượng thu thập thông tin của các loại phiếu có nội dung phức tạp, chuyên sâu (phiếu áp dụng cho doanh nghiệp, cơ sở hành chính, sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng), điều tra viên nên chọn những người có trình độ nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm trong điều tra thống kê, am hiểu thực tế địa bàn điều tra.

8.5. Tập huấn các Ban chỉ đạo, giám sát viên, điều tra viên

a) Cấp Trung ương

Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương:

- Tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quán triệt nội dung, kế hoạch Tổng điều tra cho Đại diện Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT cấp tỉnh (tại Hội nghị ngành Thống kê triển khai kế hoạch công tác năm 2012);

- Tổ chức hai Hội nghị ở phía Bắc và phía Nam để tập huấn phương án Tổng điều tra, các quy trình, nội dung phiếu điều tra. Thành phần tham dự gồm: đại diện Ban chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT cấp tỉnh, Ban chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, giám sát viên cấp trung ương. Thời gian mỗi lớp tập huấn là 04 ngày.

- Phối hợp với Ban chỉ đạo TĐT của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức các lớp tập huấn riêng cho hai ngành. Thời gian mỗi lớp là 02 ngày.

b) Cấp tỉnh

Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn với các nội dung: triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt nội dung, kế hoạch Tổng điều tra; tập huấn phương án, các quy trình, nội dung các loại phiếu điều tra cho Ban chỉ đạo, Tổ Thường trực  TĐT cấp huyện, giám sát viên và điều tra viên cấp tỉnh. Thời gian lớp tập huấn là 03 ngày.

c) Cấp huyện

Ban Chỉ đạo TĐT cấp huyện tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn 3 lớp với các nội dung:

- Lớp 1: triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt nội dung, kế hoạch Tổng điều tra; tập huấn phương án, các quy trình, nội dung các phiếu điều tra cho điều tra viên và giám sát viên cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp xã. Thời gian lớp tập huấn là 02 ngày;

- Lớp 2: Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã tổ chức lớp tập huấn cho điều tra viên cấp xã với nội dung: hướng dẫn lập danh sách khối hành chính sự nghiệp, cá thể, tôn giáo tín ngưỡng. Thời gian tập huấn 01 ngày;

- Lớp 3: Ban Chỉ đạo TĐT cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã tổ chức lớp tập huấn cho điều tra viên cấp xã hướng dẫn phiếu điều tra khối HCSN, cá thể, tôn giáo tín ngưỡng, các quy định về nhiệm vụ của điều tra viên. Thời gian mỗi lớp tập huấn là 01 ngày. Số lượng người tham dự mỗi lớp tập huấn là 60 người. Căn cứ số lượng quy định, Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện tính toán số lượng điều tra viên mở lớp tập huấn theo cụm xã, mỗi cụm gồm một số xã lân cận.

8.6. Hoạt động tuyên truyền

a) Hoạt động tuyên truyền cần tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung và kế hoạch thực hiện Tổng điều tra đến các cấp, các ngành và cộng đồng.

Ban Chỉ đạo TĐT các cấp, các ngành huy động tối đa các hình thức tuyên truyền như: các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh, báo viết, báo điện tử, bản tin); cổ động (áp phích, khẩu hiệu, lô gô, …); tổ chức họp phổ biến ở cộng đồng (họp thôn, ấp, bản, tổ dân phố, các đoàn thể quần chúng, …). Vận động các tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng thực hiện tuyên truyền sâu rộng để các đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng điều tra tích cực hưởng ứng cuộc Tổng điều tra.

Trong quá trình triển khai, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương Ban chỉ đạo TĐT các cấp ở địa phương cần huy động các nguồn lực hỗ trợ cho cuộc Tổng điều tra để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở hành chính, sự nghiệp, cơ sở SXKD cá thể, cơ sở tôn giáo thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho điều tra viên.

b) Tổng cục Thống kê chuẩn bị điều kiện vật chất cần thiết (in áp phích, lô gô, làm đĩa CD về các nội dung cơ bản của cuộc Tổng điều tra, trong đó có mục hỏi/đáp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thực hiện thu thập thông tin, cách trả lời phiếu TĐT) cung cấp cho Ban chỉ đạo TĐT địa phương các cấp để tuyên truyền, phổ biến về cuộc TĐT từ cấp tỉnh đến tận các địa bàn điều tra.

c) Thời gian thực hiện hoạt động tuyên truyền:

- Tuyên truyền nội dung chung và chuyên đề về khối doanh nghiệp: cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2012;

- Tuyên truyền nội dung Tổng điều tra khối HCSN và cá thể, tôn giáo: cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2012.

8.7. Triển khai thu thập số liệu

- Thu thập số liệu khối doanh nghiệp: bắt đầu vào ngày 01/4/2012. Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã có khẩu hiệu và loa truyền thanh cổ động để phổ biến, quán triệt cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn về mục tiêu Tổng điều tra, đề nghị tinh thần hợp tác cung cấp thông tin của các doanh nghiệp.

- Thu thập số liệu các khối hành chính, sự nghiệp, cá thể và tôn giáo, tín ngưỡng: bắt đầu vào ngày 01/7/2012. Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã tổ chức buổi lễ ra quân thu thập thông tin TĐT tại trụ sở UBND cấp xã, có băng cờ, khẩu hiệu và loa truyền thanh cổ động để phổ biến, quán triệt kế hoạch thu thập thông tin ở địa phương. Sau đó tổ trưởng, điều tra viên về các địa bàn/đơn vị điều tra để triển khai công tác thu thập số liệu. Trong tuần đầu, tổ trưởng cần kiểm tra phiếu của điều tra viên vào cuối mỗi ngày để bổ sung, hoàn chỉnh những thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác, rút kinh nghiệm cho ngày tiếp theo.

Để đảm bảo tiến độ thu thập số liệu, Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh, huyện cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo TĐT cấp xã thông báo tiến độ thực hiện phiếu của các đơn vị điều tra, trên cơ sở đó Ban chỉ đạo TĐT cấp xã thông qua phương tiện truyền thanh xã, phường, hàng tuần đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị điều tra trên địa bàn thực hiện phiếu điều tra, nộp cho cơ quan thống kê.

8.8. Nghiệm thu phiếu điều tra

8.8.1. Tổ chức nghiệm thu phiếu ở các cấp

a) Khối doanh nghiệp: được tổ chức theo 3 cấp như sau:

a1) Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện nghiệm thu các loại phiếu điều tra khối doanh nghiệp do điều tra viên cấp huyện thực hiện. Thời gian từ ngày 01 đến ngày 10/6/2012;

a2) Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh/thành phố nghiệm thu các loại phiếu điều tra khối doanh nghiệp phân công cho cấp huyện thực hiện. Thời gian từ ngày 11 đến ngày 20/6/2012;

a3) Ban chỉ đạo TĐT Trung ương nghiệm thu các loại phiếu điều tra khối doanh nghiệp và kết quả nhập tin cơ sở dữ liệu điều tra doanh nghiệp cấp tỉnh/thành phố. Thời gian từ ngày 20/6 đến 15/7/2012.

Nội dung nghiệm thu số liệu đã nhập tin: sau khi nhận được số liệu đã nhập tin của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền về Tổng cục Thống kê, Tổ thường trực TĐT Trung ương có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả của các tỉnh, thành phố theo hình thức trực tiếp tại Cục Thống kê hoặc qua mạng máy tính tùy thuộc chất lượng số liệu nhập tin đã truyền về Tổng cục Thống kê. Kết quả đạt yêu cầu sau nghiệm thu của Tổ Thường trực TĐT Trung ương mới được các Cục Thống kê đưa vào khai thác để làm báo cáo chính thức năm 2011 và tổng hợp ở các bước tiếp theo.

Số liệu cơ sở trực thuộc doanh nghiệp của phiếu 1B/TĐTKT-CS sẽ được Ban chỉ đạo TĐT Trung ương tổng hợp thành các bộ cơ sở dữ liệu của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào “địa chỉ cơ sở” để gửi cho các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổng hợp chung.

b) Khối hành chính, sự nghiệp, khối cá thể và khối tôn giáo: được tổ chức như sau:

b1) Tổ trưởng nghiệm thu phiếu của điều tra viên khối cá thể;

b2) Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã nghiệm thu phiếu của tổ trưởng (khối cá thể), điều tra viên cùng cấp khối hành chính sự nghiệp, tôn giáo. Thời gian từ ngày 01 - 05/8/2012, sau khi kết thúc giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn;

b3) Ban Chỉ đạo TĐT cấp trên nghiệm thu phiếu điều tra, các biểu tổng hợp nhanh của Ban Chỉ đạo TĐT cấp dưới, điều tra viên cùng cấp. Thời gian nghiệm thu ở mỗi cấp từ 1 - 2 ngày tùy theo số lượng đơn vị điều tra và chất lượng thông tin của các phiếu điều tra.

Tiến độ tổ chức nghiệm thu quy định như sau:

- Cấp huyện nghiệm thu cấp xã: từ 06-20/8/2012;

- Cấp tỉnh nghiệm thu cấp huyện: từ 21/8 - 20/9/2012;

- Cấp Trung ương nghiệm thu cấp tỉnh: 21/9/2012 đến 25/10/2012.

Nghiệm thu phiếu điều tra của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ do mỗi Bộ thực hiện theo quy trình nghiệm thu quy định trong phương án này. Thời gian nghiệm thu của Ban chỉ đạo TĐT Trung ương đối với hai Bộ từ 25/8 - 25/9/2012.

8.8.2. Nội dung nghiệm thu

Nội dung nghiệm thu được thực hiện đối với số lượng từng loại phiếu, mức độ đầy đủ các chỉ tiêu và chất lượng số liệu của phiếu. Các thành phần tham gia nghiệm thu ký vào biên bản nghiệm thu và chịu trách nhiệm về kết quả đã nghiệm thu. Kinh phí cho công tác nghiệm thu do ngân sách trung ương cấp (ghi trong dự toán kinh phí của cuộc Tổng điều tra)

(Chi tiết được thể hiện tại Quy trình nghiệm thu).

8.9. Tổng hợp nhanh

Kết quả Tổng điều tra được tổng hợp nhanh một số thông tin chủ yếu về các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp do Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương quy định. Thời gian tổng hợp nhanh ở mỗi cấp như sau:

- Cấp xã từ ngày 08/8 đến 25/8/2012;

- Cấp huyện từ 25/8 đến 25/9/2012;

- Cấp tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tổng hợp nhanh về Ban Chỉ đạo TĐT Trung ương trước ngày 31/10/2012 để tổng hợp chung toàn quốc và công bố số liệu theo kế hoạch điều tra.

Để bảo đảm chất lượng của số liệu tổng hợp nhanh, Ban Chỉ đạo TĐT cấp tỉnh và cấp huyện có kế hoạch hỗ trợ các Ban Chỉ đạo TĐT cấp xã kiểm tra thông tin thu thập trước khi tiến hành tổng hợp nhanh.

Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổng hợp nhanh kết quả của các đơn vị thuộc từng Bộ và gửi về Ban chỉ đạo TĐT Trung ương trước ngày 5/11/2012.

(Nội dung, biểu mẫu tổng hợp nhanh các cấp được quy định trong Quy trình tổng hợp nhanh).

9. CÔNG TÁC GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THANH TRA

9.1. Nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo TĐT các cấp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm tra kết hợp thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất trong suốt thời gian từ khâu lập bảng kê, tập huấn đến khâu thu thập, tổng hợp nhanh số liệu điều tra tại các địa bàn.

Lực lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra ở Trung ương gồm thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT Trung ương, công chức Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Vụ Thống kê Công nghiệp, Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Thanh tra Tổng cục Thống kê và các đơn vị liên quan khác của Tổng cục Thống kê. Lực lượng giám sát, kiểm tra, thanh tra ở địa phương là các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực cấp tỉnh, huyện, xã, công chức, thanh tra Cục Thống kê và công chức các Chi cục Thống kê.

Nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra gồm: Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc lập bảng kê các đơn vị điều tra, tổ chức các lớp tập huấn, số lượng và chất lượng phiếu, cách hỏi và ghi phiếu của từng điều tra viên, tính logic giữa các cột, dòng, các chỉ tiêu, quan hệ giữa các biểu, kiểm tra số học, đơn vị tính, đánh mã, các thủ tục hành chính, kiểm tra thực địa tại địa bàn, …

Hình thức giám sát, kiểm tra, thanh tra: Kiểm tra chéo, cấp trên giám sát, kiểm tra, thanh tra cấp dưới, kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, kiểm tra trọng điểm, tổng kiểm tra trước khi nghiệm thu. Ban Chỉ đạo TĐT cấp trên kiểm tra điển hình việc tổ chức và thực hiện điều tra đối với cấp dưới để phát hiện và giải quyết tại chỗ, kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra.

9.2. Nhằm bảo đảm chất lượng của thông tin thu thập tại địa bàn trước khi nghiệm thu, bàn giao, Tổ trưởng điều tra phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trực tiếp đến một số cơ sở để kiểm tra việc thu thập thông tin, kiểm tra kết quả phiếu điều tra đã thu được cả về nội dung, phương pháp tính, tính logic, kiểm tra số học, các quy định hành chính bắt buộc (chữ ký, dấu). Công tác kiểm tra phiếu của các điều tra viên cần được thực hiện trong ngày, không để dồn nhiều ngày.

(Chi tiết thể hiện tại Quy trình thu thập và kiểm tra phiếu điều tra).

10. NHẬP TIN, XỬ LÝ SỐ LIỆU VÀ CÔNG BỐ KẾT QUẢ

10.1. Nhập tin, xử lý số liệu

Các phiếu điều tra sau khi được Ban chỉ đạo TĐT Trung ương nghiệm thu sẽ được nhập tin bằng bàn phím tại các Cục Thống kê theo chương trình phần mềm thống nhất trên toàn quốc.

Ban chỉ đạo TĐT Trung ương giao cho Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các đơn vị tin học trong ngành xây dựng, hướng dẫn chương trình phần mềm nhập tin, xử lý, tổng hợp cho các địa phương.

Thông tin của các đơn vị điều tra thuộc ngành quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhập tin, xử lý, tổng hợp theo chương trình phần mềm chung do Ban chỉ đạo TĐT Trung ương cung cấp, sau đó chuyển kết quả cho Tổng cục Thống kê - cơ quan thường trực Tổng điều tra để tổng hợp vào số liệu chung của cả nước.

10.2. Công bố kết quả

Thông tin về kết quả Tổng điều tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố theo quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chỉ công bố kết quả Tổng điều tra ở địa phương mình theo đúng kết quả do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã công bố.

Số liệu sơ bộ công bố vào tháng 12 năm 2012. Kết quả chính thức công bố vào quý III năm 2013.

11. MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN KHÁC

11.1. Tổng kết, khen thưởng, kỷ luật

a) Tổng kết

Việc tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện Tổng điều tra được tiến hành ở ba cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

- Ở Trung ương: Ban chỉ đạo TĐT Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết Tổng điều tra. Thành phần tham dự gồm: Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT Trung ương; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực TĐT cấp tỉnh; đại diện các tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Bộ trưởng.

- Ở cấp tỉnh: Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh. Thành phần tham dự gồm: Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT cấp tỉnh; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực TĐT cấp huyện; đại diện các tập thể và cá nhân được khen thưởng của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh.

- Ở cấp huyện: Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện tổ chức hội nghị tổng kết Tổng điều tra trên địa bàn huyện. Thành phần tham dự gồm: Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực TĐT cấp huyện; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực TĐT cấp xã.

b) Khen thưởng

Những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong cuộc Tổng điều tra sẽ được xét tặng các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giấy khen của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban chỉ đạo TĐT Trung ương giao Tổng cục Thống kê hướng dẫn Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh đối với các hình thức khen thưởng trong cuộc Tổng điều tra, đồng thời là cơ quan đầu mối thực hiện xem xét, rà soát hồ sơ khen thưởng trình Hội đồng thi đua - khen thưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, quyết định đối với hình thức khen thưởng “Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư” hoặc để trình ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đối với hình thức khen thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”. Kinh phí khen thưởng đối với các hình thức khen thưởng: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Giấy khen của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách Trung ương cấp (ghi trong dự toán kinh phí của cuộc Tổng điều tra).

Đối với hình thức khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân trong cuộc Tổng điều tra tại địa phương, Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định và bố trí kinh phí khen thưởng theo quy định của pháp luật.

c) Kỷ luật

Những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thống kê trong cuộc Tổng điều tra sẽ bị kỷ luật theo quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

11.2. In ấn, vận chuyển, phân phát tài liệu

Các tài liệu có số lượng sử dụng nhiều trong cuộc Tổng điều tra (bao gồm: phương án, các loại phiếu, các quy trình, sổ tay hướng dẫn) do Tổng cục Thống kê tổ chức in ấn, phân bổ và vận chuyển đến trụ sở Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo yêu cầu tiến độ công việc. Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức vận chuyển và phân phát đến tận tay các thành viên Ban chỉ đạo TĐT các cấp tỉnh, huyện, xã, giám sát viên, tổ trưởng, điều tra viên với kinh phí vận chuyển do ngân sách Trung ương cấp (ghi trong dự toán kinh phí của cuộc Tổng điều tra).

Đối với những loại tài liệu có số lượng sử dụng ít (bảng kê đơn vị điều tra, hướng dẫn lập bảng kê, hướng dẫn chọn mẫu, biểu tổng hợp nhanh các phiếu điều tra…) thì căn cứ điều kiện thực tế, Tổng cục Thống kê gửi mẫu tài liệu cho Cục Thống kê để tổ chức nhân bản với kinh phí do ngân sách trung ương cấp (ghi trong dự toán kinh phí của cuộc Tổng điều tra).

11.3. Mua sắm, phân phối vật tư, văn phòng phẩm

a) Những vật tư, văn phòng phẩm chủ yếu được sử dụng trong cuộc Tổng điều tra này bao gồm: thẻ thành viên Ban Chỉ đạo, thẻ tổ trưởng, thẻ điều tra viên, sổ tay ghi chép, bút bi, bút xóa, túi clear, cặp 3 dây bảo quản phiếu, túi nilon bảo quản phiếu, hộp cát tông đựng phiếu … phục vụ tập huấn và điều tra.

b) Người sử dụng vật tư, văn phòng phẩm là thành viên Ban chỉ đạo TĐT các cấp, giảng viên các lớp tập huấn, giám sát viên, tổ trưởng và điều tra viên theo từng loại vật tư, văn phòng phẩm tương ứng với nhiệm vụ được phân công.

c) Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm tổ chức in ấn, mua sắm, phân bổ và vận chuyển đến trụ sở Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo yêu cầu tiến độ công việc đối với eticket, áp phích, hộp cát tông đựng phiếu.

Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm mua sắm những vật tư, văn phòng phẩm còn lại theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Thống kê về quy cách, số lượng, chủng loại; thực hiện phân phối vật tư, văn phòng phẩm cho người sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Kinh phí do ngân sách trung ương cấp (ghi trong dự toán kinh phí của cuộc Tổng điều tra).

11.4. Bảo quản tài liệu

a) Toàn bộ thông tin ghi chép trên phiếu điều tra kể từ khi thu thập tại địa bàn được bảo mật và lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra như sau:

- Điều tra viên chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do mình thực hiện;

- Tổ trưởng chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do điều tra viên thuộc phạm vi quản lý giao nộp;

- Ban chỉ đạo TĐT cấp xã chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do các tổ trưởng thuộc phạm vi quản lý giao nộp;

- Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do Ban chỉ đạo TĐT cấp xã thuộc huyện giao nộp;

- Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và bảo quản phiếu điều tra do Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện thuộc tỉnh giao nộp;

- Các đơn vị tin học có liên quan trực thuộc Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm bảo mật thông tin được giao tổng hợp.

c) Việc giao nhận phiếu điều tra được thực hiện thông qua Biên bản bàn giao tài liệu, đảm bảo đầy đủ các thủ tục hành chính quy định (họ tên, chữ ký, đóng dấu của người có trách nhiệm của bên giao, bên nhận, ngày tháng và địa điểm giao, số lượng và loại phiếu giao nhận,…).

12. KINH PHÍ VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

12.1. Kinh phí

Kinh phí Tổng điều tra CSKT 2012 do ngân sách Trung ương bảo đảm cho mọi hoạt động được quy định trong Phương án này, kể cả kinh phí điều tra các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Ban chỉ đạo TĐT Trung ương trong quá trình lập dự toán để đưa vào kinh phí chung của Tổng điều tra.

Riêng kinh phí điều tra thu thập thông tin Phiếu số 1A.12/TĐTKT-KH “Phiếu thu thập thông tin về sử dụng công nghệ trong sản xuất” (áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn mẫu điều tra)” do “Chương trình hỗ trợ khu vực doanh nghiệp” (Dự án DANIDA - Đan Mạch) tài trợ (đơn vị chủ trì và thực hiện Chương trình phía Việt Nam: Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trên cơ sở đã thống nhất với Bộ Tài chính bằng văn bản, Ban chỉ đạo TĐT Trung ương thực hiện cấp kinh phí cho Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh và hai Bộ theo khối lượng công việc, số lượng đơn vị điều tra thực tế, định mức kinh phí bình quân cho từng loại công việc, phù hợp với chế độ hiện hành của từng vùng, địa phương và ngành.

Ban chỉ đạo TĐT Trung ương giao Tổng cục Thống kê (sau khi thống nhất với Bộ Tài chính về định mức và chế độ chi tiêu) hướng dẫn cho Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh, Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và công khai các khoản được chi theo chế độ. Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh thực hiện hướng dẫn và công khai các khoản được chi theo chế độ cho Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện. Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh và hai Bộ chịu trách nhiệm quyết toán với Tổng cục Thống kê theo đúng chế độ quy định.

Phân cấp cho Tổng cục Thống kê là đơn vị chủ quản nguồn kinh phí Tổng điều tra CSKT 2012. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai kịp thời các công việc về quản lý, điều hành kinh phí theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước.

Kinh phí Tổng điều tra phải được quản lý, sử dụng đúng chế độ, mục đích, khoản mục, định mức, tiết kiệm, hiệu quả.

12.2. Kế hoạch thực hiện

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

1. Tổ chức Hội nghị quán triệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra

Tháng 1/2012

Ban chỉ đạo TĐT TW

2. Công tác chuẩn bị trước khi thu thập thông tin Tổng điều tra

2.1. Lập danh sách nền, rà soát danh sách doanh nghiệp

Tháng 1-15/3/2012

Bộ KHĐT (Tổng cục TK, Cục Đăng ký kinh doanh), Tổng cục Thuế

2.2. Ban hành phương án Tổng điều tra

Trước 15/2/2012

Ban chỉ đạo TĐT TW

2.3. In tài liệu tập huấn cho Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh

Trước 25/2/2012

Tổng cục Thống kê

2.4. Tập huấn cho Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh

Tháng 2-3/2012

Ban chỉ đạo TĐT TW

2.5. In tài liệu hướng dẫn Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh, huyện, phiếu điều tra khối DN chuyển cho địa phương

Trước 15/3/2012

Ban chỉ đạo TĐT TW

In phiếu điều tra khối HCSN, cá thể, tôn giáo, sổ tay cho tổ trưởng, sổ tay cho điều tra viên khối HCSN, khối cá thể

Trước 15/4/2012

2.6. Tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng

Tháng 3, 4, 6/2012

Ban chỉ đạo TĐT các cấp

2.7. Tuyên truyền cho TĐT

Cuối tháng 3 - đầu tháng 4/2012

Cuối tháng 6 - đầu tháng 7/2012

Ban chỉ đạo TĐT các cấp

2.8. Tập huấn cho Ban Chỉ đạo cấp huyện, điều tra viên và giám sát viên cấp tỉnh

Tập huấn cho Ban Chỉ đạo cấp xã, điều tra viên và giám sát viên cấp huyện

Tháng 3/2012

Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh và cấp huyện

2.9. Tập huấn lập danh sách cho điều tra viên cấp xã

Tháng 4/2012

Ban chỉ đạo TĐT cấp huyện phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp xã

Tập huấn thu thập thông tin phiếu điều tra cho tổ trưởng và điều tra viên cấp xã

Tháng 6/2012

2.10. Rà soát, lập danh sách thực tế đơn vị điều tra khối HCSN, cá thể, tôn giáo

Trước 10/6/2012

Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh, huyện, xã

3. Triển khai Tổng điều tra

 

 

3.1. Triển khai thu thập số liệu

 

Ban chỉ đạo TĐT các cấp

Ban chỉ đạo TĐT hai Bộ

- Khối doanh nghiệp (kể cả chỉnh lý, đánh mã tại các Cục Thống kê)

Tháng 4-6/2012

- Khối HCSN, cá thể, tôn giáo

Tháng 7/2012

3.2. Kiểm tra, giám sát, thanh tra thu thập số liệu:

 

Ban chỉ đạo TĐT các cấp

Ban chỉ đạo TĐT hai Bộ

- Khối doanh nghiệp

Tháng 4, 5, 6/2012

- Khối HCSN, cá thể, tôn giáo

Tháng 7, 8/2012

3.3. Xây dựng phần mềm (kể cả thử nghiệm, hướng dẫn địa phương, hai Bộ)

 

Ban chỉ đạo TĐT TW

- Phần mềm nhập tin khối doanh nghiệp

Trước 30/4/2012

- Phần mềm nhập tin khối HCSN, cá thể, tôn giáo

Trước 30/6/2012

- Phần mềm xử lý, tổng hợp kết quả

Trước 15/7/2012

3.4. Nghiệm thu phiếu điều tra, nhập tin, xử lý, tổng hợp số liệu khối doanh nghiệp

 

Ban chỉ đạo TĐT TW và cấp tỉnh, hai Bộ

- Số liệu doanh nghiệp (phiếu 1A, 1C)

Trước 15/8/2012

- Số liệu cơ sở trực thuộc DN (phiếu 1B)

Trước 25/9/2012

3.5. Nghiệm thu phiếu điều tra khối HCSN, cá thể, tôn giáo các cấp

Tháng 8 - 10/2012

Ban chỉ đạo TĐT các cấp, hai Bộ

3.6. Tổng hợp nhanh số liệu

- Cấp xã

- Cấp huyện

- Cấp tỉnh

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

- Toàn quốc

 

Từ 8/8-25/8/2012

Từ 25/8-25/9/2012

Trước 31/10/2012

Trước 5/11/2012

Trước 15/12/2012

Ban chỉ đạo TĐT các cấp, hai Bộ

3.7. Rà soát, hoàn chỉnh dự toán kinh phí TĐT theo số lượng địa bàn, đơn vị điều tra thực tế tại địa phương để báo cáo Ban Chỉ đạo TW (Tổng cục Thống kê) điều chỉnh dự toán

Tháng 7-10/2012

Ban chỉ đạo TĐT cấp tỉnh

4. Xử lý, tổng hợp, công bố kết quả TĐT

 

 

4.1. Công bố kết quả tổng hợp nhanh

Tháng 12/2012

Tổng cục Thống kê

4.2. Xử lý, tổng hợp kết quả chính thức

Tháng 1-7/2013

Tổng cục Thống kê

4.3. Công bố số liệu chính thức

Tháng 9/2013

Tổng cục Thống kê

4.4. Công bố các ấn phẩm, hoàn thiện cơ sở dữ liệu Tổng điều tra

Tháng 9-12/2013

Tổng cục Thống kê

Trên cơ sở Phương án này, Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo TĐT Bộ Công an xây dựng Phương án Tổng điều tra riêng, phù hợp với tình hình thực tế của từng Bộ, bảo đảm thống nhất với Phương án chung.

Tổng điều tra CSKT 2012 là cuộc Tổng điều tra quan trọng, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, đơn vị điều tra, nội dung phức tạp, phương pháp thu thập thông tin có một số thay đổi, đòi hỏi Ban chỉ đạo TĐT các cấp, Ban chỉ đạo TĐT Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo TĐT Bộ Công an cần quán triệt, thực hiện đúng phương án, các quy trình áp dụng cho Tổng điều tra, chỉ đạo thực hiện từng nội dung công việc theo đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 140/QĐ-BKHĐT ngày 09/02/2012 về phương án Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.871

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.126.124
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!