UỶ
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2012/QĐ-UBND
|
Đà
Nẵng, ngày 02 tháng 03 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐỔI
MỚI CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
119/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về một số chính sách và
cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và
công nghệ;
Căn cứ Nghị định số
56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển
doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Quyết định số
677/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21 tháng 2 năm 2011 Liên bộ Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm
được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm hướng
dẫn triển khai Quy định nêu tại Điều 1.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các sở: Khoa học
và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và phát
triển Nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UNBD thành phố và Thủ
trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Văn Hữu Chiến
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TRÊN
ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 02 tháng 3 năm 2012 của UBND
thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, mục đích
1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định một số
chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đổi mới công nghệ bao gồm cả
công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.
2. Mục đích
a) Tăng cường hoạt động chuyển
giao công nghệ, nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ, làm chủ công nghệ được
chuyển giao của các doanh nghiệp;
b) Gắn hoạt động nghiên cứu triển
khai với việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất
lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Chuyển giao công nghệ:
Là quá trình đưa công nghệ từ bên giao công nghệ (bên có công nghệ) sang bên nhận
công nghệ để bên nhận công nghệ có năng lực công nghệ như bên giao công nghệ và
tuân thủ theo quy định hiện hành của nhà nước về chuyển giao công nghệ.
2. Sản phẩm mới: Là sản
phẩm có tính năng, công dụng mới so với sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường
hoặc sản phẩm sử dụng loại vật liệu mới.
3. Đổi mới công nghệ: Là
thay thế một phần đáng kể (cốt lõi, cơ bản) hoặc toàn bộ công nghệ đang sử dụng
bằng một công nghệ khác.
4. Cải tiến công nghệ: Là
quá trình hoàn thiện, nâng cao khả năng công nghệ đang sử dụng để mang lại hiệu
quả hơn hoặc làm cho công nghệ phù hợp với thực tế sản xuất và mang lại hiệu quả.
Điều 3. Đối
tượng được hỗ trợ
1. Các doanh nghiệp, trong đó
chú trọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trên địa bàn thành phố thực
hiện đổi mới, cải tiến công nghệ hội đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Quy định
này.
2. Các tổ chức, cơ sở đào tạo,
nghiên cứu và cá nhân có chuyển giao cho các doanh nghiệp kết quả nghiên cứu ứng
dụng và triển khai ứng dụng công nghệ, cải tiến công nghệ, giải mã công nghệ,
ươm tạo công nghệ để chuyển giao cho các doanh nghiệp.
3. Một công nghệ được chuyển
giao từ các tổ chức, các cơ sở đào tạo, cá nhân đến các doanh nghiệp, nếu đã được
hỗ trợ theo khoản 2 thì không hỗ trợ cho doanh nghiệp theo khoản 1 Điều này.
4. Không hỗ trợ đối với các dự
án đã và đang thực hiện bằng nguồn vốn của nhà nước hoặc đã nhận từ nguồn khác
của nhà nước.
Điều 4.
Lĩnh vực hỗ trợ
1. Các loại hình công nghệ được
hỗ trợ
a) Công nghệ tạo sản phẩm mới, sản
phẩm công nghệ cao;
b) Công nghệ nhằm nâng giá trị
gia tăng, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm;
c) Thực hiện cải tiến công nghệ,
giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động;
d) Sử dụng công nghệ thân thiện
với môi trường, tiết kiệm năng lượng;
đ) Tiếp nhận công nghệ tiên tiến
(công nghệ thông tin, sinh học, môi trường, công nghệ vật liệu mới, các phương
pháp gia công hiện đại…);
e) Nâng cao năng lực quản lý
doanh nghiệp, sử dụng các công cụ quản lý tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000, ISO
22000, ISO 27000…);
g) Xây dựng các mô hình triển
khai, ứng dụng công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn (giống cây, con; trang
thiết bị công nghệ; chuyển giao công nghệ…).
2. Các lĩnh vực đổi mới công nghệ
được ưu tiên hỗ trợ:
a) Điện, điện tử, tự động hoá;
b) Công nghệ thông tin;
c) Công nghệ sinh học phục vụ
nông nghiệp, nông thôn, y dược;
d) Vật liệu mới, vật liệu
composit, vật liệu nhẹ;
đ) Cơ khí chế tạo (trong đó chú
trọng gia công khuôn mẫu);
e) Công nghiệp hỗ trợ: dệt may,
da giày, cao su…;
g) Công nghệ xử lý môi trường;
h) Các công nghệ thuộc lĩnh vực
kinh tế biển (đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản…);
i) Các lĩnh vực đặc biệt khác
(ví dụ công nghệ phục vụ phòng chống dịch, kiểm soát thực vật xâm lấn, công nghệ
khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai…).
Điều 5. Điều
kiện được hỗ trợ
1. Đối với các
doanh nghiệp (quy định tại khoản 1 Điều 3):
a) Các điều kiện bắt buộc:
- Thực hiện đổi mới, cải tiến
công nghệ thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 4
đã được triển khai tại doanh
nghiệp và mang lại hiệu quả;
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
thuế theo quy định hiện hành của nhà nước;
- Doanh nghiệp có trích lập Quỹ
phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
b) Các điều kiện xem xét ưu
tiên:
- Các doanh nghiệp có quy mô từ
20 lao động trở lên; có doanh thu bình quân trong 3 năm, mỗi năm từ 10 tỷ đồng
trở lên;
- Tham gia sản xuất sản phẩm chủ
lực của thành phố; sản xuất hàng xuất khẩu, các mặt hàng thành phố ưu tiên phát
triển;
- Các doanh nghiệp đã đạt Giải
thưởng Chất lượng Việt Nam;
- Không vi phạm các quy định của
pháp luật về môi trường;
- Thực hiện tốt các hoạt động xã
hội;
- Các doanh nghiệp thực hiện
nghiêm các chế độ báo cáo về hoạt động tổ chức triển khai đổi mới công nghệ, thống
kê khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định hiện hành của nhà nước.
2. Đối với các hợp tác xã (quy định
tại khoản 1 Điều 3)
a) Điều kiện bắt buộc:
- Thực hiện đổi mới, cải tiến
công nghệ thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 4 đã được triển khai tại doanh
nghiệp và mang lại hiệu quả;
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
thuế theo quy định hiện hành của nhà nước.
b) Các điều kiện xem xét ưu
tiên:
- Thực hiện sản xuất các mặt
hàng phục vụ xuất khẩu, các mặt hàng đặc trưng của thành phố ưu tiên phát triển;
- Hiện đại hóa các ngành sản xuất
thủ công, mỹ nghệ;
- Ứng dụng các công nghệ mới
tăng năng suất, chất lượng giống, cây, con phục vụ dân sinh.
3. Đối với các tổ chức, cá nhân
(quy định tại khoản 2 Điều 3)
Điều kiện bắt buộc:
- Là chủ sở hữu hoặc có quyền
chuyển giao đối với công nghệ sẽ chuyển giao;
- Có năng lực thực hiện nghiên cứu,
cải tiến, giải mã, ươm tạo công nghệ;
- Có địa chỉ chuyển giao công
nghệ.
Chương II
NỘI DUNG HỖ TRỢ
Điều 6. Đào
tạo, huấn luyện
Tổ chức đào tạo, huấn luyện cho
đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở các doanh nghiệp các kiến thức quản
lý công nghệ, cụ thể:
1. Phổ biến các văn bản quy phạm
pháp luật có liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ,
tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Kỹ năng lựa chọn công nghệ,
đàm phán, xây dựng và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ,
năng suất, chất lượng và các vấn đề có liên quan.
3. Kỹ năng quản trị doanh nghiệp,
quản trị dự án, tài chính, nhân sự… cho đội ngũ cán bộ quản lý của các doanh
nghiệp.
4. Quản lý sản xuất, các phương
pháp quản lý hiện đại, tiên tiến, các công cụ phục vụ quản lý, phương pháp triển
khai thực hiện các đề tài nghiên cứu ở cơ sở sản xuất.
5. Phương pháp đánh giá công nghệ.
6. Hướng dẫn xây dựng bộ phận
nghiên cứu và triển khai khi các doanh nghiệp có yêu cầu.
Điều 7. Hỗ
trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ cho các
doanh nghiệp
1. Các dự án nghiên cứu triển
khai
a) Tiếp nhận công nghệ chuyển
giao để tiến hành sản xuất thử; hoàn thiện đổi mới quy trình công nghệ; giải mã
công nghệ; thiết lập quy trình công nghệ tối ưu; đổi mới dây chuyền công nghệ;
làm mới thiết bị máy móc, dụng cụ kiểm tra, đo lường.
b) Thiết kế, chế tạo, mô phỏng
các thiết bị công nghệ theo công nghệ nhận chuyển giao phục vụ đổi mới công nghệ;
chi phí mua tài liệu công nghệ nước ngoài mà trong nước chưa có.
c) Thiết kế, chế tạo các thiết bị
phục vụ cho các lĩnh vực và loại hình công nghệ ưu tiên đổi mới.
d) Cải tiến công nghệ nâng cao
năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác
động tiêu cực đến môi trường.
đ) Xây dựng các mô hình ứng dụng,
triển khai công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
e) Hỗ trợ triển khai các sáng kiến
cải tiến, giải pháp hữu ích do doanh nghiệp tạo ra.
2. Mức hỗ trợ thực hiện dự án
a) Hỗ trợ đến 30% giá trị hợp đồng
mua các bí quyết công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ
thuật thuộc các lĩnh vực và loại hình công nghệ ưu tiên đổi mới.
b) Hỗ trợ đến 50% chi phí cho
nghiên cứu, thiết kế mô phỏng các thiết bị công nghệ theo công nghệ nhận chuyển
giao phục vụ đổi mới công nghệ, thiết kế các thiết bị phục vụ cho các lĩnh vực
và loại hình công nghệ ưu tiên đổi mới.
c) Hỗ trợ đến 50% giá trị các dự
án cải tiến công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng, tiết
kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
d) Hỗ trợ đến 50% kinh phí xây dựng
các mô hình ứng dụng, triển khai công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
đ) Hỗ trợ đến 50% chi phí thực
hiện cải tiến, giải pháp hữu ích của doanh nghiệp.
e) Chuyển giao không thu phí các
kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án sử dụng ngân sách của nhà nước cho các
doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ.
g) Kinh phí hỗ trợ cho các dự án
quy định tại mục a, b, c, d, đ khoản 2 Điều này không quá 2 (hai) dự án/doanh
nghiệp và không vượt quá 300 triệu đồng/doanh nghiệp trong một năm.
Điều 8. Tư vấn
chuyển giao công nghệ, thông tin
1. Hỗ trợ thông tin giới thiệu tổ
chức tư vấn, nhà cung cấp, chuyên gia, tư vấn lựa chọn công nghệ, lập dự án đổi
mới công nghệ, đàm phán, lập hợp đồng chuyển giao công nghệ, ký kết hợp đồng
chuyển giao công nghệ, tiếp nhận công nghệ. Giới thiệu các công nghệ mới, các kết
quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp công
nghệ.
2. Hỗ trợ đến 70% kinh phí đánh
giá công nghệ tại các doanh nghiệp, thẩm định và đánh giá công nghệ chuyển giao
cho doanh nghiệp, tối đa không quá 10 triệu đồng/doanh nghiêp trong một năm.
3. Doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân được tham gia sàn giao dịch công nghệ ảo (techmark online) miễn phí trong
thời gian 3 năm kể từ ngày đăng ký tham gia.
Điều 9. Hỗ
trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ
1. Hỗ trợ 30 triệu đồng/doanh
nghiệp kinh phí xây dựng, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo
tiêu chuẩn (ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, ISO 2700 và các tiêu chuẩn khác).
Trong 1 năm hỗ trợ tối đa 50 doanh nghiệp.
2. Hỗ trợ 10 triệu đồng/doanh
nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.
3. Hỗ trợ 20 triệu đồng/doanh
nghiệp xây dựng hệ thống chỉ tiêu đo lường năng suất của doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm
để đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn và giá chứng nhận hợp quy đối với sản
phẩm xuất khẩu. Hỗ trợ không quá 2 sản phẩm/năm cho một doanh nghiệp.
5. Hỗ trợ với mức 10 triệu đồng
để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ phát minh hoặc sáng chế hoặc giải pháp hữu ích
của doanh nghiệp.
6. Hỗ trợ đăng ký sở hữu công
nghiệp với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và một
doanh nghiệp hỗ trợ không quá 3 nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp/năm.
7. Hỗ trợ 20 triệu đồng/nhãn hiệu,
kiểu dáng công nghiệp đăng ký sở hữu ở nước ngoài.
8. Tổng mức hỗ trợ quy định tại
khoản 1 đến khoản 7 Điều này cho một đơn vị không quá 70 triệu đồng/năm.
Điều 10. Hỗ
trợ tiếp cận các nguồn lực, các chương trình, dự án
1. Các sở, ban, ngành của thành
phố có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, tham gia các Chương trình,
dự án của các tổ chức trong và ngoài nước, Chương trình, dự án của quốc gia về
hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ.
2. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp
cận các nguồn vốn ưu đãi trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư đổi
mới công nghệ.
3. Việc hỗ trợ bao gồm tạo các
điều kiện tiếp cận, xây dựng dự án, các thủ tục để nhận hỗ trợ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
Nguồn kinh phí thực hiện
1. Kinh phí thực hiện hỗ trợ đổi
mới công nghệ:
a) Kinh phí sự nghiệp khoa học
công nghệ hàng năm cấp cho Sở Khoa học và Công nghệ chiếm tỷ trọng 30 đến 40% tổng
kinh phí hỗ trợ;
b) Nguồn tài trợ từ Quỹ Phát triển
khoa học và công nghệ thành phố chiếm tỷ trọng 60 đến 70 % tổng kinh phí tài trợ;
c) Hỗ trợ từ Quỹ Phát triển khoa
học và công nghệ thông qua việc cho vay để đổi mới công nghệ với mức lãi suất
ưu đãi;
d) Các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu
tư để đổi mới công nghệ;
đ) Huy động các nguồn khác theo
quy định của pháp luật để hỗ trợ.
2. Kinh phí hỗ trợ cho đào tạo,
huấn luyện: Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ; kinh phí thực hiện các đề
tài, dự án, chương trình trong và ngoài nước; doanh nghiệp đóng góp một phần.
3. Kinh phí phục vụ cho hoạt động
thẩm định, theo dõi, đánh giá và nghiệm thu dự án thực hiện như sau:
a) Dự án nhận hỗ trợ từ nguồn
quy định tại mục a khoản 1 điều này được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa
học và công nghệ;
b) Dự án nhận hỗ trợ từ nguồn của
Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (mục
b, c khoản 1 điều này) thực hiện
theo quy định của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Điều 12. Hồ
sơ, thủ tục xét hỗ trợ
1. Xét hỗ trợ các dự án đổi mới,
cải tiến công nghệ (quy định tại Điều 7)
a) Hồ sơ bao gồm (theo Phụ lục):
- Đơn đề nghị;
- Dự án hoặc báo cáo nghiên cứu
khả thi;
- Giấy phép đầu tư hoặc Giấy
đăng ký kinh doanh (bản sao);
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ
(bản sao, nếu có);
- Hợp đồng mua thiết bị công nghệ
(bản sao, nếu có);
- Các hồ sơ có liên quan đến chất
lượng sản phẩm và liên quan đến các điều kiện ưu tiên (bản sao, nếu có);
- Báo cáo kết quả triển khai đổi
mới công nghệ đã được triển khai thực hiện tại doanh nghiệp bao gồm cả các báo
cáo về hiệu quả kinh tế và các hiệu quả khác từ đổi mới công nghệ (khi đã triển
khai thực hiện dự án đổi mới công nghệ).
b) Thủ tục:
- Sở Khoa học và Công nghệ nhận
hồ sơ đề nghị hỗ trợ và tiến hành thẩm định hồ sơ;
- Sở lập Hội đồng khoa học đánh
giá đề án. Căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng khoa học, Sở Khoa học và Công
nghệ trình UBND phê duyệt về nội dung của dự án và mức hỗ trợ;
- Sở Khoa học và Công ghệ thông
báo cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quyết định của UBND thành phố;
- Sở Khoa học và Công nghệ theo
dõi, giám sát quá trình tổ chức thực hiện. lập
Hội đồng khoa học đánh giá kết
quả thực hiện dự án. Căn cứ nội dung, khối lượng, chất lượng thực hiện dự án,
tiến hành làm thủ tục giải ngân theo thực tế thực hiện.
2. Thủ tục đề nghị hỗ trợ hoạt động
tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ (quy định tại Điều 9)
a) Hồ sơ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ (theo mẫu);
- Bản sao Giấy chứng nhận hệ thống
quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn; Chứng nhận hợp quy; Văn bằng đăng ký sở
hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá (có kèm bản gốc để đối
chiếu).
b) Thủ tục: Sở Khoa học và Công
nghệ xem xét và làm thủ tục hỗ trợ theo mức quy định tại Điều 9 của Quy định
này.
3. Các mẫu đơn, dự án, biên bản
Hội đồng thẩm định, thông báo của Sở Khoa học và Công nghệ theo mẫu tại Phụ lục
1 của Quy định này.
Điều 13.
Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
1. Tổng hợp và xem xét đánh giá
sơ bộ nhu cầu của các doanh nghiệp về đổi mới, cải tiến công nghệ.
2. Phối hợp với các sở ban
ngành, các đơn vị được lựa chọn tham gia công tác đào tạo, huấn luyện.
3. Tiếp nhận hồ sơ theo quy định
tại khoản 1 và 2 Điều 12.
4. Lập Hội đồng khoa học để đánh
giá thẩm định các dự án đổi mới, cải tiến công nghệ của doanh nghiệp, cơ sở đào
tạo, nghiên cứu, cá nhân.
5. Thông báo kết quả thẩm định mức
hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và thực hiện giám sát quá trình triển
khai.
6. Tổng hợp kết quả đánh giá, thẩm
định của Hội đồng khoa học trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
7. Lập Hội đồng để đánh giá nghiệm
thu kết quả thực hiện dự án của các doanh nghiệp, tổ chức và thực hiện cấp kinh
phí hỗ trợ theo quy định tại Chương II của Quy định này.
8. Chịu trách nhiệm hướng dẫn
chi tiết thực hiện Quy định này.
Điều 14.
Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
1. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Khoa học
và Công nghệ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành ý tưởng, thực hiện
triển khai các đề tài, dự án đổi mới công nghệ thuộc phạm vi lĩnh vực của ngành
mình.
2. Sở Tài chính phối hợp với Sở
Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố
bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm cho hỗ trợ đổi mới
công nghệ trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách của địa phương.
3. Quỹ Phát triển khoa học và
công nghệ thành phố cân đối nguồn vốn thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp theo
đúng đối tượng, nội dung, phương thức đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Điều 15.
Trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
1. Lập nhu cầu đổi mới công nghệ
đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ, lập dự án đổi mới công nghệ (theo mẫu quy
định);
2. Tổ chức tiến hành triển khai
dự án theo đúng nội dung, khối lượng, thời gian và kinh phí được thẩm định phê
duyệt;
3. Trong quá trình triển khai dự
án các tổ chức phải thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Điều 16. Điều
khoản thi hành
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các thủ tục xét hỗ trợ và giải ngân.
2.Trong quá trình triển khai thực
hiện nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phản ánh về
Sở Khoa học và Công nghệ để kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố
xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.