THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
696/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG MẶT BẰNG KHU DI TÍCH TRUNG TÂM
HOÀNG THÀNH THĂNG LONG TẠI 18 HOÀNG DIỆU THÀNH PHỐ HÀ NỘI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật quy hoạch đô thị số
30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật di sản Văn hóa số
28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số
37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt
và quản lý quy hoạch đô thị;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây
dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại
18 Hoàng Diệu, Hà Nội với những nội dung chính sau đây:
1. Phạm vi và
quy mô lập quy hoạch
a) Phạm vi lập quy hoạch
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng
Long tại 18 Hoàng Diệu thuộc phường Quan Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội,
có ranh giới được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ.
- Phía Nam giáp đường Bắc Sơn và
khu đất xây dựng Nhà Quốc hội.
- Phía Tây giáp đường Độc Lập và khu
đất xây dựng Nhà Quốc hội.
- Phía Đông giáp đường Hoàng Diệu.
b) Quy mô diện tích lập quy hoạch:
4,538 ha.
2. Mục tiêu quy hoạch
- Quy hoạch bảo tồn Khu di tích 18
Hoàng Diệu cùng với khu Thành cổ trở thành Công viên Văn hóa Lịch sử nhằm phát
huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di tích, thể hiện được ý
nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn
một nghìn ba trăm năm trước.
- Bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến
trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn
hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau.
- Tiếp tục công tác nghiên cứu,
giáo dục, quảng bá văn hóa, phát triển du lịch. Tạo điều kiện cho người dân,
khách tham quan trong và ngoài nước có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu giá trị,
ý nghĩa của khu di sản và nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam. Tuyên truyền,
nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ gìn giữ di sản thế giới.
- Tạo lập một không gian văn hóa cộng
đồng hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng
kỹ thuật với khu vực Khu Trung tâm Chính trị Ba Đình.
- Làm cơ sở để lập các kế hoạch và
lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản.
3. Tính chất của đồ
án
Khu vực 18 Hoàng Diệu và khu Thành
Cổ thuộc Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là di sản
văn hóa thế giới. Cùng với giá trị đã được thế giới công nhận đồng thời nằm
trong khu trung tâm chính trị Ba Đình bên cạnh là công trình Nhà Quốc hội đang
xây dựng vì vậy đây là quy hoạch đặc thù, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
4. Quy hoạch sử dụng
đất
BẢNG
TỔNG HỢP CƠ CẤU SỬ DỤNG ĐẤT
|
Hạng
mục
|
Diện
tích (m2)
|
Tỷ
lệ (%)
|
Diện tích khu đất
|
45.380
|
100
|
Diện tích xây dựng nhà trưng bày
khảo cổ
|
13.674
|
30,1
|
Khu vực trưng bày mô phỏng, hầm
kính
|
3.438
|
7,6
|
Diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ
học
|
21.195
|
46,7
|
Diện tích khảo cổ học tiếp tục
nghiên cứu
|
6.803
|
15
|
Diện tích khu vực kỹ thuật, phụ
trợ
|
859,3
|
1,9
|
Diện tích sân, đường giao thông
|
6.214
|
13,7
|
- Chiều cao công trình xây mới
trong Khu di tích 18 Hoàng Diệu tối đa 5 m.
5. Tổ chức không
gian kiến trúc cảnh quan
a) Quy hoạch tổ chức không gian và
các khu chức năng
- Khu trưng bày bảo quản tại chỗ
A-B, D4-D6:
Bảo tồn các hố khai quật A-B và
D4-D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc, đảm bảo
điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản.
Nhà trưng bày tại chỗ A-B có diện
tích xây dựng khoảng 11.700 m2, nhà trưng bày khu D4-D6 có diện tích
khoảng 2.050 m2. Các nhà trưng bày có các chức năng như không gian sảnh
đón, không gian lối đi kết hợp trưng bày các hiện vật khảo cổ, thông tin dưới dạng
bản vẽ, hình ảnh, mô hình, sa bàn…
Định hướng không gian kiến trúc nhà
trưng bày khu A-B, nhà trưng bày khu D4-D6 sử dụng giải pháp kết cấu vượt nhịp
lớn, đảm bảo khả năng chịu lực, thông thoáng và tổ chức trưng bày. Hình thức kiến
trúc của nhà trưng bày đơn giản, hiện đại, hài hòa với kiến trúc công trình Nhà
Quốc hội.
- Khu kỹ thuật, phục vụ và quản lý:
Gồm các không gian như khu làm việc
của bộ phận quản lý thuyết minh, khu vận hành kỹ thuật, khu vực đón tiếp … Khu
vực bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật như bể ngầm, trạm bơm nước, khu vệ
sinh và khu kỹ thuật điện. Các khu trên được bố trí hợp khối trong nhà trưng
bày theo hướng hạ ngầm để giảm mật độ xây dựng.
Trước khi xây dựng các công trình
yêu cầu thám sát khảo cổ tại vị trí xây dựng.
- Khu sân, vườn kết hợp trưng bày hầm
kính ngoài trời:
Các khu vực không xây dựng được quy
hoạch thành khu cây xanh, đường dạo để dự trữ khảo cổ học.
Lựa chọn một số di chỉ khảo cổ học
quan trọng tại các hố D2-D3, A6, D7, C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm
kính.
Với khu C4-C6 là khu vực có dấu
tích kiến trúc công trình nền móng hình bát giác đặc biệt tiêu biểu cần tiếp tục
nghiên cứu. Giải pháp bảo quản theo phương án lấp đất, sau đó có thể phỏng dựng,
đánh dấu theo đúng vị trí vết tích kiến trúc gốc trên bề mặt lấp. Trưng bày một
số dấu tích chân tảng và một phần nền lát gạch dưới dạng hầm kính.
Lựa chọn trồng các loại cây xanh bản
địa phù hợp, có rễ không ăn sâu, không ảnh hưởng đến các tầng di chỉ khảo cổ.
- Kế hoạch bảo tồn, khảo cổ:
Tiếp tục nghiên cứu khảo cổ nhằm
xác định rõ hơn về quy mô chức năng, danh tính của các dấu tích, di chỉ khảo cổ
học. Tại các khu vực phát lộ nếu xuất hiện các giá trị đặc biệt quan trọng sẽ
nghiên cứu, hội thảo đề xuất giải pháp bảo tồn, trưng bày giới thiệu một cách
phù hợp.
Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, lập
kế hoạch thám sát khảo cổ theo lộ trình.
b) Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây
dựng và chiều cao công trình
Tuyến đường Độc Lập: Ranh giới khu
đất trùng với chỉ giới đường đỏ. Chỉ giới xây dựng theo chỉ giới xây dựng Nhà
Quốc hội.
Tuyến đường Bắc Sơn: Ranh giới khu
đất trùng với chỉ giới đường đỏ. Chỉ giới xây dựng theo chỉ giới xây dựng Nhà
Quốc hội.
Tuyến đường Hoàng Văn Thụ: Ranh giới
khu đất trùng với chỉ giới đường đỏ. Chỉ giới xây dựng cách chỉ giới đường đỏ
là 10 m.
Tuyến đường Hoàng Diệu: Ranh giới
khu đất trùng với chỉ giới đường đỏ. Chỉ giới xây dựng cách chỉ giới đường đỏ
là 6 m.
Phần tiếp giáp với Nhà Quốc hội: Chỉ
giới xây dựng cách chỉ giới xây dựng Nhà Quốc hội tối thiểu 15 m.
Hạn chế xây dựng các công trình nổi.
Nhà trưng bày có chiều cao xây dựng 1 tầng với chiều cao thích hợp để đảm bảo
thông thoáng, tạo không gian mở, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh.
c) Tổ chức tham quan
Tổ chức tuyến tham quan đảm bảo
tính xuyên suốt, không bị chồng chéo, gián đoạn. Kết nối thuận tiện tham quan
khu 18 Hoàng Diệu với tuyến tham quan Nhà Quốc hội và tuyến tham quan khu Thành
Cổ.
d) Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ
thuật
- Về giao thông:
Cổng vào: Bố trí 4 lối vào từ đường
Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng vào chính được xác định tại
phía Nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu - Bắc Sơn. Các cổng còn lại là cổng phụ
chỉ sử dụng trong các trường hợp cần thiết.
Giao thông trong nội bộ khu di
tích:
Thiết kế hai tuyến đường tham quan
đi bộ chính và các đường dạo kết nối các điểm tham quan. Các tuyến đường theo
hướng trục của Nhà Quốc hội và dấu tích các công trình kiến trúc. Chiều rộng và
kết cấu đường của các tuyến chính bảo đảm cho xe cứu hộ và xe phòng cháy chữa
cháy sử dụng khi cần thiết. Tạo lối đi bộ và phân cách mềm bằng hàng rào cây
xanh xung quanh Nhà Quốc hội.
Thiết kế hai tuyến đường tham quan
đi bộ chính và các đường dạo kết nối các điểm tham quan. Các tuyến đường theo
hướng trục của Nhà Quốc hội và dấu tích các công trình kiến trúc. Tạo lối đi bộ
xung quanh Nhà Quốc hội đảm bảo hài hòa trong tổng thể kiến trúc cảnh quan. Chiều
rộng và kết cấu đường của các tuyến chính và lối đi bộ quanh Nhà Quốc hội bảo đảm
cho xe cứu hộ và xe phòng cháy chữa cháy sử dụng khi cần thiết.
Xây dựng đường ngầm qua đường Hoàng
Diệu để kết nối Khu 18 Hoàng Diệu và khu Thành Cổ tạo thành chỉnh thể thống nhất
và liên tục trong Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Không bố trí chỗ để xe trong khu di
tích, khu để xe của khác tham quan và bộ phận quản lý kết hợp với khu để xe
chung được quy hoạch trong khu Trung tâm Chính trị Ba Đình.
- Chuẩn bị kỹ thuật:
Cao độ nền thiết kế đảm bảo tiêu thoát
nước theo hướng tự chảy, phù hợp với ý tưởng thiết kế cảnh quan và với hạ tầng
xung quanh, đảm bảo không ảnh hưởng đến di chỉ khảo cổ.
- Quy hoạch hệ thống cấp nước:
Nguồn nước: Lấy từ mạng cấp nước của
thành phố trên tuyến đường Độc Lập. Tính toán cấp nước đảm bảo cho nhu cầu dùng
nước gồm nước sinh hoạt, nước tưới cây, nước rửa đường, nước cho công tác PCCC.
- Quy hoạch hệ thống thoát nước
mưa:
Hệ thống thoát nước mưa bao gồm các
cống tròn bê tông cốt thép, hố ga kết hợp hố thu nước mưa mặt đường, hệ thống
thu nước xung quanh các công trình. Các tuyến cống tròn thoát nước mưa được
tính toán đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu lưu lượng thoát nước.
Thiết kế hệ thống thu và thoát nước
tại các hố khảo cổ trưng bày dưới dạng hầm kính, đảm bảo khả năng tiêu thoát
nhanh chóng.
- Quy hoạch hệ thống thoát nước thải:
Hệ thống nước thải từ các khu vệ
sinh sau khi qua xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường sẽ được xả vào hệ thống
thoát nước thải chung. Độ dốc thiết kế đảm bảo vận tốc tự chảy tối thiểu v ≥ 0,7m/s.
Độ sâu chôn ống thiết kế phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các tầng di chỉ.
- Quy hoạch hệ thống cấp điện:
+ Nguồn điện: Nguồn điện cấp cho
khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu là lưới điện 3
pha 380/220V từ tủ điện hạ thế của khu vực. Chi tiêu và công suất tính toán đảm
bảo tiêu chuẩn và yêu cầu sử dụng điện cho toàn bộ hoạt động của khu di tích.
+ Hộ thống chiếu sáng ngoài nhà gồm:
Thiết kế chiếu sáng cho công trình, đường giao thông nội bộ và cây xanh thảm cỏ.
Lựa chọn kiểu mẫu đèn mang tính đặc trưng riêng, màu sắc ánh sáng hài hòa với cảnh
quan xung quanh.
- Thu gom rác thải:
Hệ thống thu gom rác bằng các thùng
rác bố trí trên tuyến tham quan và tại các khu vực trưng bày trong nhà, ngoài
nhà. Thu gom rác bằng xe chuyên dụng vào giờ quy định.
- Các giải pháp bảo vệ môi trường:
Hệ thống cấp nước, thu gom nước thải,
nước mặt cần đảm bảo vệ sinh, an toàn không thẩm thấu, không gây ô nhiễm môi
trường đất. Trong công tác thi công tại khu di tích và các khu vực lân cận phải
có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lựa chọn công nghệ thi công phù
hợp, hạn chế rung chấn để không gây ảnh hưởng đến địa tầng của khu vực di sản.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:
- Tổ chức công bố đồ án Quy hoạch tổng
mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu theo
quy định của pháp luật. Triển khai tuyển chọn phương án kiến trúc, xây dựng kế
hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng phù hợp với các nội dung của đồ án được
duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
chức năng, ban hành các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan của Khu
di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long theo quy định.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp cùng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố
Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng
Long, tổ chức giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá phát huy giá trị khu di sản.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
Hà Nội; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường,
Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- UBND thành phố Hà Nội;
- Viện Khoa học xã hội Việt Nam;
- BQL dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, ĐP, KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|