THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
545/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH
LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP
ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 92/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân
tỉnh Lạng Sơn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020
với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
PHÁT TRIỂN
1. Quy hoạch phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội của cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung
du và miền núi Bắc Bộ; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch các
ngành, lĩnh vực.
2. Phát huy nội lực kết hợp với thu
hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế -
xã hội bền vững, cân đối, hài hòa giữa chiều sâu và chiều rộng, tạo sức cạnh
tranh trên thị trường trong và ngoài nước; gắn kết với phát triển kinh tế - xã
hội của Vùng và với các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội -
Hải Phòng - Quảng Ninh, phấn đấu từng bước trở thành trung tâm đầu mối quan trọng
của tuyến hành lang kinh tế này.
3. Tập trung đầu tư có trọng điểm
vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, trước hết là tập trung xây dựng
và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng để tạo ra sự đột phá về tăng trưởng
trong khu vực, từ đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế vùng khác và tạo
sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.
4. Phát triển kinh tế gắn với phát
triển y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo
vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo;
tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường,
gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển
kinh tế - xã hội với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng,
an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
II. MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Lạng
Sơn trở thành tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch
theo hướng tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ; tạo sự chuyển
biến rõ rệt về chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất và văn hóa
tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái; có nền quốc phòng - an
ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và bảo vệ vững chắc chủ quyền
biên giới quốc gia.
Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng
Đăng- Lạng Sơn trở thành trung tâm đầu mối quan trọng của tuyến hành lang kinh
tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế
- Đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng
kinh tế bình quân đạt trên 10%; GDP bình quân đầu người đạt 1.600 USD; tỷ trọng
các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu GDP tương ứng
chiếm 34% - 24% - 42%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 43 - 44 nghìn tỷ đồng.
- Đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng
kinh tế bình quân đạt 9 - 10%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 USD; tỷ
trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu GDP
tương ứng chiếm 28% - 28% - 44%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 64 - 66 nghìn
tỷ đồng.
b) Về xã hội
- Tốc độ tăng dân số cả giai đoạn
2011 - 2020 là 0,72%; mức giảm sinh hàng năm khoảng 0,2‰; tỷ lệ hộ nghèo hàng
năm giảm 2 - 3%.
- Đến năm 2015: Hoàn thành phổ cập
giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo 40 - 42%; 90% xã,
phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5
tuổi còn 15%; tỷ lệ số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả 4 mùa đạt
95%; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đạt khoảng 99,6%.
- Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động qua
đào tạo 55%; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ suy
dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn 10%; tỷ lệ số xã có đường ôtô đến trung tâm
xã đi được cả 4 mùa đạt 98%; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đạt khoảng 99,9%.
c) Về bảo vệ môi trường
- Đến năm 2015: Tỷ lệ che phủ của rừng
đạt khoảng 54 - 55%; 98% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 85% dân sô
nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý hợp vệ
sinh môi trường chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị đạt 90%; 100% chất thải y tế tại
các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến và tuyến huyện được thu gom, xử lý;
- Đến năm 2020: Tỷ lệ che phủ của rừng
đạt khoảng 60%; 99,9% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 95% dân số
nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý hợp vệ
sinh môi trường chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị đạt 100%; không có điểm nóng về
ô nhiễm môi trường trên địa bàn Tỉnh; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng
sinh học, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và tôn tạo.
III. PHƯƠNG HƯỚNG
PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển
nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình
quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,5 - 4%/năm.
- Nông nghiệp: Phát triển theo hướng
sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường; tập trung thâm canh
tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng các loại
nông sản; ổn định vùng nguyên liệu để phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến.
Các sản phẩm chủ lực trong trồng trọt sẽ là: Lúa, ngô, đậu tương, khoai tây,
thuốc lá, thạch đen, rau cải làn, cải ngồng, dưa hấu.
Tập trung phát triển chăn nuôi gia
súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao gắn với việc
hình thành các cơ sở chế biến thực phẩm công nghệ sạch; phát triển chăn nuôi
gia cầm theo hướng trang trại bán công nghiệp; phát triển đàn bò, trâu theo hướng
nuôi nhốt kết hợp trồng cỏ làm thức ăn.
- Phát triển thủy sản ở những vùng
có điều kiện thuận lợi về mặt nước nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; nuôi trồng
theo hình thức quảng canh phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng; khuyến
khích nuôi trồng các loại phù hợp với điều kiện tự nhiên như cá, rùa núi, ba
ba, cá tầm …
- Lâm nghiệp: Phát triển theo hướng
bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng; tăng diện tích rừng sản
xuất phù hợp với nhu cầu thị trường và nguồn lực đầu tư; ổn định rừng phòng hộ
và rừng đặc dụng để đảm bảo an ninh môi trường và đa dạng sinh học. Phát triển
các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, khả năng khai thác nhanh như: Hồi,
trám, thông mã vỹ, keo, mỡ; phục hồi các loại cây lấy gỗ bản địa như: Lim, lát.
Phấn đấu đến năm 2015, độ che phủ rừng đạt 54 - 55% và khoảng 60% vào năm 2020.
2. Phát triển
công nghiệp
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp với
nhịp độ tăng trưởng cao, hiệu quả, coi trọng đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ
nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân
ngành công nghiệp đạt 17 - 18%/năm.
- Ưu tiên phát triển công nghiệp có
tiềm năng, thế mạnh như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm
sản, lắp ráp, điện tử, cơ khí nhỏ, tái chế và sản xuất hàng xuất khẩu, hàng
tiêu dùng và công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Khuyến
khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề để tận dụng nguồn nguyên
liệu và nhân công tại chỗ; đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ tiên
tiến đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
- Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu
là: Xi năng, sứ vệ sinh, đá xây dựng, đá trang trí, gạch, ngói các loại, quặng
sắt, than nâu, bôxit, chì thỏi, gỗ chế biến các loại, nước hoa quả, rượu, nước
thạch đen, thuốc lá nguyên liệu sơ chế, bánh kẹo, các sản phẩm linh kiện điện,
điện tử, các mặt hàng cơ khí và điện năng sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện.
- Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng
và thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp đã có trong khu quy hoạch và các
cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Phát triển
ngành thương mại, dịch vụ
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình
quân ngành dịch vụ đạt 9 - 10%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân
13%/năm; phấn đấu đến năm 2015 đón trên 2,8 triệu lượt khách du lịch và đạt
trên 3,7 triệu lượt khách vào năm 2020.
- Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng
các loại hình dịch vụ, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành dịch vụ. Ưu tiên đầu
tư vào những ngành dịch vụ phục vụ phát triển ngoại thương, kinh tế cửa khẩu,
bao gồm: Xuất nhập khẩu, thương mại, du lịch. Chú trọng phát triển hạ tầng các
ngành dịch vụ và các dịch vụ phụ trợ như: Dịch vụ tài chính, thông tin, truyền
thông, tư vấn, bảo hiểm …
- Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng
Đăng - Lạng Sơn gắn với hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng
Ninh; đến năm 2020 đưa Lạng Sơn trở thành khu kinh tế xuyên biên giới Việt -
Trung, là trung tâm dịch vụ của tiểu vùng Đông Bắc với các ngành dịch vụ trung
chuyển hàng hóa, vận tải, tái chế và xuất nhập khẩu.
- Phát triển du lịch theo hướng bền
vững và toàn diện; bảo vệ, tôn tạo và nâng cấp các di tích văn hóa - lịch sử,
phục hồi văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc; khuyến khích phát triển du
lịch tâm linh, du lịch tham quan di tích lịch sử kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng.
4. Các lĩnh vực
văn hóa xã hội
a) Giáo dục và đào tạo
Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ học
sinh đến trường đúng độ tuổi đi học của các cấp đạt 99,7% vào tiểu học, đạt 95%
vào trung học cơ sở, đạt 85% vào trung học phổ thông; đến năm 2020, các tỷ lệ
này tương ứng là 99,8% - 98% - 90%.
Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý
giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện,
đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục; mở rộng quy
mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo. Phấn đấu đến năm 2015,
hàng năm có 30% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thi đỗ vào đại học, cao
đẳng và tỷ lệ này là 35% vào năm 2020.
Bảo đảm đủ trường, lớp và đội ngũ
giáo viên cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố các trường phổ thông
dân tộc nội trú, khuyến khích phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán
trú; mở rộng đối tượng tuyển sinh con em dân tộc vào các trường nội trú và các
trường dự bị đại học; giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, thiệt thòi.
Đẩy mạnh công tác đào tạo dạy nghề.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo ở trường
chuyên nghiệp trong Tỉnh với các ngành nghề phù hợp nhu cầu phát triển sản xuất.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để
nâng cấp các trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật, trường Trung cấp nghề Việt
Đức và trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật lên Cao đẳng; mở rộng cơ sở vật chất
trường Cao đẳng sư phạm.
b) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân
dân
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, coi đó là một trong những mục tiêu ưu tiên của
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chú trọng công tác đào tạo,
nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ y tế các tuyến, tăng cường cán bộ có trính
độ quản lý và chuyên môn về cơ sở. Phấn đấu tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt 9 bác
sĩ vào năm 2015 và 10 bác sĩ vào năm 2020.
Củng cố và phát triển hệ thống y tế
ngoài công lập; hợp tác liên doanh, liên kết để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng,
nâng cấp trang thiết bị y tế; xây mới bệnh viện Đa khoa của tỉnh quy mô 700 giường;
hoàn thiện nâng cấp các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; nghiên cứu thành
lập các Bệnh viện Sản nhi, Tâm thần, Ung bướu thuộc tỉnh; phấn đấn đến năm
2015, số giường bệnh/10.000 dân đạt 26 giường và vào năm 2020 đạt 29 giường.
Tăng cường quan hệ hợp tác với các
tổ chức quốc tế, các Viện nghiên cứu, trường đại học Y, Dược để tranh thủ mọi sự
hợp tác, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, đặc biệt trong các lĩnh vực: Đào tạo
chuyên sâu, quản lý, chuyển giao công nghệ cao, y dược học cổ truyền.
c) Văn hóa, thể dục thể thao
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
các dân tộc; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư
xây dựng và phát triển các hệ thống thiết chế văn hóa, ưu tiên đầu tư cho các
thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng như bảo tàng, nhà văn hóa, rạp chiếu bóng,
nhà luyện tập thi đấu, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà thiếu nhi, nhà văn
hóa các huyện, thành phố, nhà văn hóa thôn bản, khối phố; phấn đấu năm 2015 có
85% thôn, bản, khối phố có nhà văn hóa và đạt 100% vào năm 2020.
Phát triển phong trào thể dục, thể
thao trong các tầng lớp, cơ quan, đoàn thể của xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội
hóa, tăng thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao công tác giáo dục thể
chất trong nhà trường; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thể thao thành
tích tham gia các giải thi đấu cấp vùng, cấp quốc gia.
d) Thông tin - truyền thông
Tiếp tục nâng cao thời lượng tiếp
sóng, phát sóng đài phát thanh, truyền hình; đầu tư, cấp máy phát hình và trạm
truyền thanh không dây cho các trạm trung tâm xã, cụm xã; phủ sóng truyền hình
tại các thôn, bản vùng lõm chưa được phủ sóng; sử dụng đa dạng các phương thức
truyền dẫn phát sóng; phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản chuyển đổi hoàn toàn
sang công nghệ số mặt đất.
- Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật
chất cho hệ thống phát thanh, truyền hình của Tỉnh. Tiếp tục đổi mới nội dung,
chương trình nhằm phục vụ công tác thông tin tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu
thông tin, giải trí của các tầng lớp nhân dân.
đ) Lao động, việc làm và an sinh xã
hội
Ưu tiên phát triển đào tạo nghề; mở
rộng quy mô đào tạo nghề song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng
chuẩn hóa các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và
trình độ đào tạo. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức
của người dân.
Tập trung thực hiện các mục tiêu về
giảm nghèo, giải quyết việc làm; huy động mọi nguồn lực, tăng vốn đầu tư cơ sở
hạ tầng thiết yếu cho các xã vùng III, vùng biên giới, đồng thời thực hiện lồng
ghép với các chương trình, dự án, các chính sách khác, từng bước rút ngắn khoảng
cách giữa các vùng, tổ chức hướng dẫn cho nhân dân cách thức tổ chức sản xuất,
kinh doanh có hiệu quả; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để giải quyết
việc làm ở khu vực đô thị, giảm tỷ lệ thất nghiệp; tích cực thực hiện tốt các
chính sách trợ giúp cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
5. Phương hướng
phát triển kết cấu hạ tầng
a) Hệ thống giao thông
- Đường bộ: Phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải hoàn thiện đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc 1A Hà Nội - Lạng
Sơn - Hữu Nghị; nghiên cứu nâng cấp các tuyến đường quốc lộ 1B Lạng Sơn - Thái
Nguyên; quốc lộ 4A Lạng Sơn - Cao Bằng; quốc lộ 4B Lạng Sơn - Quảng Ninh và tuyến
quốc lộ 279 kết nối Bắc Giang - Lạng Sơn - Bắc Cạn phù hợp với nhu cầu phát triển
và nguồn lực từng giai đoạn.
Phát triển các tuyến đường liên huyện;
cứng hóa mặt đường xã, thôn, bản; phấn đấu đến năm 2015 có 65% đường giao thông
nông thôn được cứng hóa và đạt trên 90% vào năm 2020; nghiên cứu xây dựng các
tuyến đường ra biên giới, đường nối từ đường hành lang biên giới lên đường tuần
tra biên giới, đường tuần tra biên giới trên đất liền; các cầu lớn vượt sông
như: Cầu Thác Mạ, cầu Na Sầm, cầu Hùng Việt, cầu Lộc Bình phù hợp với nguồn lực
của từng giai đoạn.
- Đường thủy: Phát triển tuyến đường
sông chạy trên sông Kỳ Cùng từ thành phố Lạng Sơn đi Khánh Khê (huyện Văn Quan)
và tuyến từ Bản Trại đi Bình Nghi (huyện Tràng Định).
b) Hệ thống thủy lợi
- Ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp
các công trình đầu mối, hệ thống kênh mương hiện có; tiếp tục thực hiện chương
trình kiên cố hóa kênh mương; nghiên cứu đầu tư một số công trình mới nhằm nâng
cao năng lực tưới, đảm bảo diện tích tưới củng cố và tưới phát triển hàng năm
tăng 1.380 ha.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy lợi, thủy điện
Bản Lải để sớm đưa vào sử dụng.
c) Hệ thống cung cấp điện
- Phấn đấu có nguồn điện (công suất)
đến 2015 đạt khoảng 132 MVA, 2020 đạt khoảng 300 MVA; đầu tư xây dựng mới, cải
tạo các trạm biến áp 110/35/22 KV tại thành phố Lạng Sơn và các huyện Chi Lăng,
Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan.
- Nghiên cứu đầu tư xây dựng đường
dây 220KV Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng; chuyển toàn bộ lưới điện trung áp 10
KV hiện có sang vận hành ở cấp điện áp 22 KV và 35 KV; từng bước thay thế đường
dây nổi ở khu vực trung tâm các đô thị bằng cáp ngầm.
d) Hệ thống cấp, thoát nước
- Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước
sinh hoạt và nước sản xuất cho các khu dân cư và các khu công nghiệp; tập trung
hoàn thành đầu tư nhà máy xử lý nước mặt lấy từ Hồ Nà Tâm và nhà máy xử lý nước
mặt sông Kỳ Cùng; triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư cấp nước tại các thị
trấn, nâng cấp các dự án cấp nước hiện có; phấn đấu đến năm 2020, cơ bản các thị
trấn đều có hệ thống cấp nước sạch đồng bộ.
- Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống
thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp tại các khu đô thị và
khu công nghiệp; phấn đấu đến năm 2015, tại khu vực thành phố và thị trấn, các
khu đông dân cư không có điểm ngập úng cục bộ; khuyến khích xây dựng các ao hồ
nhỏ để thoát nước cục bộ tại các khu vực nông thôn; tranh thủ nguồn nước thải
sau khi đã được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ sản xuất.
6. Bảo vệ tài
nguyên và môi trường
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính
sách về quản lý và bảo vệ đất, nước, các giống động, thực vật (bao gồm cả việc
xuất nhập khẩu), các phương pháp canh tác, quản lý bảo vệ môi trường sinh thái
và các nguồn tài nguyên thiên nhiên dùng trong nông, lâm nghiệp.
- Giảm đến mức thấp nhất tác động của
đô thị hóa tới môi trường; nâng cao hệ thống xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh môi
trường trong thiết kế, quy hoạch đô thị, khu cụm công nghiệp, du lịch và nhà ở.
- Giảm ô nhiễm không khí ở các đô
thị, khu công nghiệp, khu khai thác và chế biến các loại tài nguyên. Tiến hành
đánh giá kỹ lưỡng và kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất công
nghiệp, các phương tiện giao thông vận tải, các nguồn nước sông xuyên biên giới
và các phương thức sử dụng nhiên liệu phục vụ sinh hoạt. Phát triển trồng rừng,
phát triển trồng cây xanh trong đô thị và dọc đường giao thông.
- Giảm thiểu nguồn phát sinh chất
thải rắn; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ
mới nhằm tái sử dụng và tái chế chất thải tạo ra các sản phẩm hữu ích và tăng
nguồn thu cho các đơn vị hoạt động lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải.
- Ban hành quy định yêu cầu tất cả
các doanh nghiệp phải thiết lập các hệ thống tự giám sát về môi trường để cung
cấp thông tin về tải trọng ô nhiễm do các hoạt động của họ.
7. Về bảo đảm quốc
phòng, an ninh
Đẩy mạnh phong trào quần chúng, xây
dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, chống
truyền đạo trái phép, phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, buôn lậu,
gian lận thương mại … bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Hoàn thành cơ bản việc
đưa dân trở lại biên giới theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm điều kiện sản xuất
và sinh hoạt an toàn, biên giới không còn thôn, bản trống dân.
Thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ
biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển
với nước bạn láng giềng.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG
TỔ CHỨC THEO LÃNH THỔ
1. Về phát triển
vùng kinh tế
a) Vùng kinh tế động lực: Khu kinh
tế cửa khẩu Đồng Đăng;
- Mục tiêu đến năm 2020: Quy mô dân
số đạt khoảng 200 ngàn người; tăng trưởng GDP đạt bình quân từ 18 - 20%; cơ cấu
kinh tế trong GDP: Dịch vụ chiếm khoảng 45%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45%,
nông lâm nghiệp chiếm 10%.
- Định hướng phát triển: Tập trung
phát triển dịch vụ trong đó chú trọng dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi,
vận tải, tài chính ngân hàng, dịch vụ du lịch. Về công nghiệp, cơ bản tập trung
hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Hồng Phong, Khu chế xuất Khơ Đa - Ma Mèo và
thu hút các dự án công nghiệp lắp ráp, gia công, đóng gói, bao bì; công nghiệp
ôtô, chế tạo động cơ, phụ tùng; điện tử, cơ khí chính xác; công nghiệp chế biến
thực phẩm hướng xuất khẩu. Về nông nghiệp chủ yếu phát triển theo hướng sản xuất
hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của khu, thúc đẩy chuyển dịch theo hướng:
Tăng mạnh tỷ trọng chăn nuôi; phát triển các cây con có giá trị phù hợp với điều
kiện của địa phương; sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất nông nghiệp vốn đang bị
thu hẹp bằng thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, tăng chất lượng và giá trị sản
phẩm (các sản phẩm chủ yếu là rau, cây thực phẩm ngắn ngày và các sản phẩm có
giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh …).
b) Khu vực có điều kiện phát triển
kinh tế: theo 2 trục là Lộc Bình - Đình Lập và Chi Lăng - Hữu Lũng.
- Trục Lộc Bình - Đình Lập (gồm cả
điểm du lịch núi Mẫu Sơn):
+ Mục tiêu đến năm 2020: Quy mô dân
số đạt khoảng 80 ngàn người; tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 14%/năm; cơ cấu
kinh tế trong GDP: Công nghiệp - xây dựng chiếm trên 35%; nông, lâm nghiệp chiếm
khoảng 35% và dịch vụ chiếm 30%.
+ Định hướng phát triển: Tập trung
cho công nghiệp khai khoáng (than, nhiệt điện); hoàn thành xây dựng tổ hợp II
nhà máy nhiệt điện Na Dương; xây dựng Khu công nghiệp Na Dương phát triển các
ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến nông, lâm sản, bao bì, đóng gói sản
phẩm. Củng cố phát triển trung tâm dạy nghề để đáp ứng nhu cầu cung cấp lực lượng
lao động tại chỗ cho các dự án công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu lao động trong
khu vực. Phát huy thế mạnh về đất lâm nghiệp, phát triển có hiệu quả các dự án
trồng rừng, tiếp tục khai thác hiệu quả các vùng sản xuất tập trung đã có như vừng,
chè Đình Lập, vùng thông Lộc Bình, Đình Lập và vùng cây công nghiệp ngắn ngày tại
Lộc Bình …
Tập trung phát triển dịch vụ tại
khu du lịch Núi Mẫu Sơn, xây dựng và phát triển thành điểm du lịch trọng điểm
quốc gia; Khu cửa khẩu Chi Ma với các hoạt động thương mại, kho bãi vận tải
hàng hóa và phát triển các dịch vụ phụ trợ để phát triển Khu công nghiệp Na
Dương.
- Trục Chi Lăng - Hữu Lũng:
+ Mục tiêu đến năm 2020: Quy mô dân
số toàn vùng đạt khoảng 130 ngàn người; tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng trên
14%/năm; cơ cấu kinh tế trong GDP đạt: Công nghiệp chiếm khoảng 40%, dịch vụ
trên 35% và nông nghiệp khoảng 25%.
+ Định hướng phát triển: Tập trung
cho công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng, khai khoáng; xây dựng khu công nghiệp
Đồng Bành, cụm công nghiệp Hữu Lũng tạo mặt bằng thuận lợi bố trí các dự án
công nghiệp; tập trung phát triển các khu đô thị, các điểm chợ đầu mối phụ trợ.
Phát triển du lịch gắn với danh thắng Hang Gió, di tích ải Chi Lăng, xây dựng
trạm dừng nghỉ đạt chuẩn phục vụ du khách và giới thiệu các sản phẩm của địa
phương. Phấn đấu xây dựng thí điểm các điểm du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm …
c) Vùng có điều kiện khó khăn trong
phát triển kinh tế: Gồm các huyện Văn Lãng (trừ các cửa khẩu đã nằm trong Khu
kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn), Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn
và các xã khó khăn nằm trong vùng kinh tế động lực. Các khu vực này không có điều
kiện phát triển mạnh nên Tỉnh cần có định hướng ưu tiên hỗ trợ hạ tầng, đào tạo
nghề, cây, con giống … nâng cao mức sống của dân cư, ổn định các mặt kinh tế -
xã hội để tạo điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế động lực và vùng kinh tế
trọng điểm.
2. Phát triển hệ
thống điểm và mạng lưới dân cư nông thôn
a) Phát triển đô thị:
Đầu tư phát triển đô thị hạt nhân
là thành phố Lạng Sơn; các đô thị vệ tinh là thị trấn trung tâm các vùng kinh tế
trọng điểm trong tỉnh. Xây dựng chiến lược phát triển hệ thống dân cư kết hợp với
xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc. Tổ chức các không gian phát triển đô thị,
hành lang đô thị, cụm đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Phấn đấu đến năm 2020, nâng cấp
đô thị cho thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng, nghiên cứu thành lập mới
thị trấn Tân Thanh, thị trấn Chi Ma và thị trấn huyện lỵ mới của huyện Cao Lộc.
b) Mạng lưới dân cư nông thôn
Huy động tập trung nguồn lực đầu tư
xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông
thôn mới; đến năm 2020 tỷ lệ này là 50%. Chú trọng phát triển các loại hình dịch
vụ ở nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, phát triển các
ngành nghề truyền thống, khuyến khích người nông dân làm giàu; xây dựng xã hội
nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú và đậm đà
bản sắc dân tộc.
V. DANH MỤC CÁC
DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Phụ lục kèm theo)
VI. MỘT SỐ GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp huy
động vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư của toàn tỉnh
giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 110.000 tỷ đồng, trong đó thời kỳ 2011 - 2015 khoảng
44.000 nghìn tỷ đồng, thời kỳ 2016 - 2020 là 66.000 tỷ đồng. Căn cứ vào khả
năng cân đối ngân sách hàng năm, Tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu
tư phù hợp để đảm bảo vốn cho các công trình, dự án trọng điểm của địa phương;
đồng thời, cần có các giải pháp cụ thể để huy động có hiệu quả các nguồn lực
trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển như:
Xây dựng và ban hành danh mục các
chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020. Trên cơ sở đó đẩy mạnh
công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư từ các
thành phần kinh tế, chú trọng khai thác nguồn vốn ODA.
Cải thiện môi trường đầu tư, môi
trường sản xuất, kinh doanh, tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư theo hướng gọn,
minh bạch, công khai; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận các
dự án đầu tư; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư trên cơ sở lợi thế
về phát triển kinh tế của địa phương và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút đầu
tư nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, phát
thanh, truyền hình, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, …
Mở rộng các hình thức đầu tư BOT,
BT, BTO, PPP, … tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thị trường vốn; phát
triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản.
2. Giải pháp
phát triển hệ thống doanh nghiệp
Tạo điều kiện để phát triển khu vực
doanh nghiệp tăng nhanh cả về số lượng, quy mô vốn và lao động, trình độ công
nghệ và trình độ quản lý tổ chức sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng, hiệu
quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đăng ký
kinh doanh, thành lập danh mục, tiếp cận với các nguồn vốn và các dịch vụ tài
chính, thông tin … Mở rộng các hình thức trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ
tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất …
3. Giải pháp về
đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh
theo hướng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu về lao động trong các ngành nghề, kết hợp
hài hòa giữa đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động; có chính sách
thu hút đội ngũ chuyên gia, lao động có trình độ cao.
Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng,
quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý;
phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ là cán bộ, công chức và các nhà quản lý,
nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú trọng
công tác đào tạo nghề chuyên sâu; nâng cao chất lượng đào tạo; sử dụng cán bộ,
công chức phù hợp với ngành, nghề chuyên môn được đào tạo.
Khuyến khích các hoạt động xã hội về
khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; có khả năng hội nhập quốc tế.
4. Giải pháp về
khoa học - công nghệ
Tập trung cho các chương trình ứng
dụng, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống.
Hỗ trợ và khuyến khích đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh
cũng như trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Có chính sách khuyến khích
các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất
và bảo vệ môi trường.
Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công
tác quản lý khoa học công nghệ; tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giao công
nghệ, giám định công nghệ, chất lượng và ô nhiễm môi trường.
5. Giải pháp
tăng cường hợp tác và phát triển thị trường
Tăng cường hợp tác phát triển giữa
Lạng Sơn với các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng
Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; mở rộng
hợp tác, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong cả nước để phát triển trong
các lĩnh vực: Xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, quy hoạch các khu,
cụm công nghiệp, cung cấp dịch vụ, nguồn nguyên liệu và thị trường, phát triển
nguồn nhân lực.
Chủ động tăng cường quan hệ hợp tác
với Trung Quốc, đặc biệt với tỉnh Quảng Tây trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa,
xã hội; giải quyết tốt các vấn đề liên quan tới biên giới, trao đổi biên mậu; đảm
bảo an ninh trên toàn tuyến biên giới và sự lưu thông hàng hóa trong suốt.
6. Giải pháp về
bảo vệ tài nguyên và môi trường
Tăng cường công tác tuyên truyền,
giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp về bảo vệ
môi trường, coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các
quy định bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn
tài nguyên thiên nhiên vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác quản lý môi trường
trong xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp; xây dựng quy chế quản lý
chất thải, rác thải; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
VII. TỔ CHỨC VÀ
GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Công bố, phổ
biến Quy hoạch
- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 cho cấp ủy
Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh
ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Căn cứ nội dung của Quy hoạch,
tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để có kế hoạch thực hiện đạt kết
quả.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu
tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các
nhà đầu tư; giới thiệu các chương trình, dự án cần được ưu tiên đầu tư, trong
đó, chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm tạo ra những sản phẩm chủ lực.
2. Xây dựng
chương trình hành động
- Tỉnh cần cụ thể hóa nội dung của
Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện và có đánh giá kết quả
đạt được. Trên cơ sở đó tiến hành rà soát lại Quy hoạch và trình cấp có thẩm
quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ.
- Các cấp, các ngành, các tổ chức
chính trị - xã hội và nhân dân trong Tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Quy hoạch.
Điều 2. Quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 là cơ sở
cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch
xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan),
các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 3.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn căn cứ nội dung Quy hoạch
được phê duyệt chỉ đạo việc lập, duyệt và triển khai thực hiện theo quy định
các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong Tỉnh phù hợp với nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung
hạn, ngắn hạn gắn với các dự án cụ thể để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành (nếu vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính
sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Điều 4.
Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh Lạng Sơn trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
2. Phối hợp với tỉnh Lạng Sơn trong
quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để bảo đảm
tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động
các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.
Điều 5.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 6.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP; Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b)
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ
2011 - 2020 CỦA TỈNH LẠNG SƠN
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 545/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng
Chính phủ)
STT
|
TÊN
DỰ ÁN
|
I
|
TRUNG ƯƠNG NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
|
|
Đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn
|
|
Tuyến quốc lộ 31, 3B, 279
|
|
Nâng cấp quốc lộ 4A, 4B
|
|
Công trình thủy lợi - thủy điện Bản
Lài
|
II
|
TỈNH LÀM CHỦ ĐẦU TƯ
|
|
Hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế
Hữu Nghị
|
|
Hạ tầng khu trung chuyển hàng hóa
Thụy Hùng - Phú Xá
|
|
Hạ tầng khu chế xuất Khơ Đa- Ma
Mèo
|
|
Kè bảo vệ bờ sông biên giới
|
|
Kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng khu vực
thành phố Lạng Sơn
|
|
Hệ thống điện nông thôn
|
|
Bệnh viện Đa khoa 700 giường, Bệnh
viện Lao, Bệnh viện y học cổ truyền
|
|
Trường Đại học Lạng Sơn
|
|
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh
|
|
Tuyến đường giao thông đến trung
tâm các xã (13 tuyến)
|
|
Giao thông ra biên giới (8 tuyến
đường kết nối quốc lộ 4A, 4B với đường tuần tra biên giới)
|
|
Hệ thống trạm bơm điện Hòa Bình -
Yên Bình Quyết Thắng
|
|
Xây dựng mới hệ thống trạm bơm Bản
Chúc, Song Giang
|
|
Hệ thống thoát nước và xử lý nước
thải thành phố Lạng Sơn
|
|
Sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa hệ
thống kênh mương các công trình thủy lợi: Bản Chành, Tà Keo (Lộc Bình); Bủng
Tèng, Rọ Tý (Văn Quan) và hệ thống các công trình thủy nông trên địa bàn 11
huyện, thành phố
|
|
Cải tạo, thay mới các trạm biến
áp dưới 10/0,4 KV và trạm treo ở cột thành trạm biến áp 22/0,4 KV loại xây.
Thay thế đường dây nổi 22 KV ở khu vực trung tâm các đô thị bằng cáp ngầm 22
KV
|
|
Trạm biến áp 110/22KV khu công
nghiệp Lạng Sơn; Trạm 110/35/22 KV Chi Lăng; Trạm 110/35/22 KV Thất Khê; Trạm
110/22 KV khu vực Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan
|
|
Hệ thống xử lý và cung cấp nước
sinh hoạt, nguồn nước mặt sông Kỳ Cùng cho khu vực thành phố Lạng Sơn và thị
trấn Đồng Đăng
|
|
Hệ thống xử lý và cung cấp nước
sinh hoạt, nguồn nước mặt sông Thương cho khu vực thị trấn Chi Lăng và thị trấn
Hữu Lũng (gồm cả KCN Đồng Bành, Cụm công nghiệp Hữu Lũng)
|
|
Hệ thống cung cấp nước sạch cho
các thị trấn, khu cửa khẩu, khu dân cư
|
|
Hệ thống thoát nước và xử lý nước
thải tại các thị trấn, các khu cửa khẩu và khu dân cư
|
|
Cải tạo, nâng cấp, tôn tạo các điểm
du lịch tâm linh: Đền Bắc Lệ, Đền Mẫu, Chùa Tam Thanh
|
III
|
KÊU GỌI CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ
ĐẦU TƯ
|
|
Hạ tầng Khu công nghiệp Hồng
Phong, Đồng Bành.
|
|
Hạ tầng Cụm công nghiệp Hữu Lũng,
Na Dương, Hợp Thành
|
|
Hạ tầng ngoài hàng rào các Khu
công nghiệp và Khu trung chuyển
|
|
Phong điện Mẫu Sơn
|
|
Thủy điện vừa và nhỏ
|
|
Sản xuất và lắp ráp các sản phẩm
cơ điện, điện tử
|
|
Khai thác đá xây dựng; khai thác
và chế biến khoáng sản
|
|
Sản xuất gạch, ngói
|
|
Sản xuất các loại vật liệu xây dựng
có nguồn nguyên liệu tại chỗ, các loại vật liệu lợp, vật liệu chịu lửa, bê
tông và cấu kiện bêtông đúc sẵn.
|
|
Sản xuất, chế tạo các loại máy
móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm
|
|
Chế biến gỗ, dân dụng công nghiệp
|
|
Nhà máy nhiệt điện Na Dương (giai
đoạn II)
|
|
Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc
tế tại thành phố Lạng Sơn
|
|
Quần thể khu du lịch Tam Thanh -
Thành Nhà Mạc
|
|
Khu du lịch, nghỉ mát núi Mẫu Sơn
|
|
Khu du lịch sinh thái Hồ Nà Tâm
theo mô hình khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tổng hợp.
|
|
Hệ thống siêu thị, trung tâm
thương mại tại thành phố Lạng Sơn, thị xã Đồng Đăng và các khu cửa khẩu
|
|
Cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở
hạ tầng phục vụ du lịch
|
|
Khu du lịch Đèo Giang - Văn Vỉ;
Khu du lịch Núi Chóp Chài
|
|
Các dự án trồng rừng sản xuất
|
|
Các dự án thuộc chương trình phát
triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, nông thôn
|
|
Bệnh viện quốc tế Lạng Sơn
|
|
Trường quốc tế Lạng Sơn
|
Ghi chú: Về vị trí,
quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu
trên được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình
duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu
tư cho từng thời kỳ.