ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
36/2012/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng,
ngày 26 tháng 7 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC
NGÀNH, CÁC CẤP, CÁC LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG
BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày
25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ
phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống
buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về trách nhiệm và
quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng trong công
tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa
bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu,
hàng giả và gian lận thương mại, thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Ban Chỉ đạo 127 TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Công an, BCH BĐBP, QS tỉnh;
- Chi nhánh NHNN tỉnh;
- Chi cục Hải quan tỉnh;
- Công báo;
- Lưu: TH, KT, VX, XDCB, HC.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Hiếu
|
QUY CHẾ
VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP,
CÁC LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ
VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 36 /2012/QĐ-UBNDngày 26/7/2012 của UBND tỉnh Sóc
Trăng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
Quy chế này xác định trách nhiệm theo lĩnh vực,
địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, cơ quan chức năng, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện công tác đấu
tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh
doanh trái phép khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2: Nguyên tắc xác định
trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động
1. Về trách nhiệm:
a) Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao thực hiện việc chỉ đạo, tổ chức
công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thuộc lĩnh vực
sở, ngành mình quản lý.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu
tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn, địa phương
mình trực tiếp quản lý.
c) Trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh
chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, theo chức năng quản lý nhà nước
và thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật, các sở, ngành và
cơ quan chức năng có trách nhiệm chủ động tổ chức sự phối hợp hoạt động để đảm
bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác giữa các cơ quan
quản lý nhà nước, trong đó có phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ
quan phối hợp.
2. Quan hệ phối hợp:
a) Quan hệ phối hợp phải tuân thủ pháp luật; thực
hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên liên quan; kịp thời phát
hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản
xuất, kinh doanh hàng giả.
b) Việc phối hợp hoạt động được tiến hành trên
cơ sở yêu cầu của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại trong từng thời gian, địa bàn và lĩnh vực cụ thể.
c) Quan hệ phối hợp hoạt động được thực hiện
theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả; quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến
hoạt động chung của các bên có liên quan.
d) Giám đốc Sở Công Thương với vai trò là Trưởng
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (gọi tắt là Ban Chỉ
đạo 127 tỉnh), chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, các lực
lượng; giữa các ngành, các cấp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả
và gian lận thương mại theo Quy chế này trong phạm vi toàn tỉnh.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ,
NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ
Điều 3. Trách nhiệm các sở,
ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, hàng
giả và gian lận thương mại.
1. Ban Chỉ đạo 127 tỉnh chịu trách nhiệm chính
trong việc tổ chức các quan hệ phối hợp đa phương và song phương với từng sở,
ngành trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
a) Chỉ đạo công tác phối hợp quy định tại Điều 5
Quy chế này để tạo sự thống nhất trong việc chỉ đạo công tác đấu tranh chống
buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên phạm vi toàn tỉnh.
b) Theo dõi, rà soát, kiến nghị với Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung các văn bản, cơ chế, chính sách quản lý kinh
tế có liên quan do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để phục vụ và nâng cao hiệu quả
công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
c) Kiến nghị với các sở, ngành, địa phương các
giải pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại; tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực xuất
nhập khẩu đối với các ngành hàng, địa bàn mà các đối tượng thường lợi dụng để
buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả và các biện pháp xử
lý đối với các vụ việc vi phạm thuộc thẩm quyền; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh biện pháp xử lý đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều sở,
ngành, địa phương.
d) Theo dõi, đôn đốc các sở, ngành và địa phương
trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
các giải pháp, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; yêu cầu
các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình
và kết quả hoạt động, dự báo tình hình để xây dựng chương trình, kế hoạch đấu
tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phù hợp với tình
hình cụ thể trong từng giai đoạn.
đ) Dự báo tình hình thị trường, đưa ra các giải
pháp phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kể cả các biện
pháp tình thế nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật có liên
quan.
2. Sở Công Thương chịu trách nhiệm:
Chủ trì sự phối hợp trong quản lý và kiểm tra,
kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với các
lĩnh vực: kinh doanh khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm
và công nghiệp chế biến khác, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, dịch vụ
thương mại, quản lý cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, chống bán phá giá, chống
trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
a) Chỉ đạo cơ quan Quản lý thị trường:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng
triển khai công tác quản lý thị trường trong toàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, kiểm
soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh, lưu thông hàng
hóa trong tỉnh, các hoạt động thương mại trên thị trường, hoạt động xuất khẩu,
nhập khẩu, dịch vụ thương mại, chống đầu cơ găm hàng, tung tin thất thiệt, tăng
giá quá mức, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các vi phạm về giá,
ghi nhãn hàng hóa và các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái phép
khác; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng
hàng công nghiệp lưu thông trên thị trường; phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong
quá trình sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường; phối hợp với Sở Khoa học
và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc kiểm tra, xử lý các vi
phạm về sở hữu công nghiệp, đo lường chất lượng, bản quyền tác giả.
b) Chủ trì kiểm tra, giám sát việc chấp hành các
quy định về quản lý cạnh tranh, chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh
và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá
giá, chống trợ cấp.
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì quản lý về giá, phối hợp với các cơ
quan liên quan trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định
của pháp luật về giá, thẩm định giá; xử lý các hành vi vi phạm về giá, thẩm định
giá theo thẩm quyền.
Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền trong quá trình điều tra các hành vi độc quyền và liên kết độc quyền về
giá; hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá, hành vi bán phá giá hàng hóa nhập
khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.
b) Đề xuất chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí bảo
đảm điều kiện làm việc, thông tin liên lạc, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm
soát cho các cơ quan chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm:
Chủ trì thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp
hành chính sách, pháp luật về thuế; chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng
khác ở các ngành, các cấp trong phòng, chống gian lận về thuế, xử lý các hành
vi vi phạm về thuế theo thẩm quyền.
5. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng
dẫn nghiệp vụ để xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực
tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ theo lĩnh
vực được Ủy ban nhân dân tỉnh phân công; chỉ đạo các hoạt động đánh giá sự phù
hợp liên quan đến giám định, thử nghiệm hàng hóa phục vụ cho công tác chống
buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
6. Sở Y tế chịu trách nhiệm:
a) Chỉ đạo cơ quan Thanh tra chuyên ngành y tế
chủ trì, phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Thanh tra chuyên
ngành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về
quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế sản xuất trong nước;
phòng, chống kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế giả, kém chất lượng;
phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan quản lý nhà nước về giá
thuốc, thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường; xử lý các
hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo cơ quan Thanh tra chuyên ngành về an
toàn vệ sinh thực phẩm thuộc ngành y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có
liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế
biến, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến trong nước và nhập
khẩu trừ trường hợp quy định tại Điểm d, Khoản 7, Điều 3 Quy chế này; xử lý các
hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách
nhiệm:
a) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai
thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ lậu, động vật và các sản phẩm động vật hoang
dã, quý hiếm và những loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
b) Chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi
thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, ngăn
chặn và xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển và tiêu thụ thực vật, động vật
thủy sản nguy cấp, quý hiếm.
c) Chỉ đạo Thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và
phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử
lý các hành vi sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, nhập khẩu, kinh doanh,
vận chuyển, quảng cáo và sử dụng các loại vật tư nông, lâm nghiệp, thủy sản giả,
kém chất lượng, nhập lậu, cấm sử dụng và ngoài danh mục cho phép.
d) Chỉ đạo Thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm
thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá
trình sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống, sản phẩm thực phẩm tươi sống sản
xuất trong nước và nhập khẩu; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp
luật.
8. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thanh
tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong việc nhận, gửi, chuyển phát
thư, kiện, gói hàng hóa; xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm
được nhập khẩu, xuất bản, in và phát hành trái phép; viễn thông và công nghệ
thông tin.
b) Chỉ đạo các cơ quan báo chí tổ chức tuyên
truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại,
những tác động xấu đối với kinh tế xã hội của hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh
doanh hàng giả và gian lận thương mại.
9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách
nhiệm:
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, các cơ quan chức
năng có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về quyền tác giả,
quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật; về bản quyền phần mềm; chống
buôn lậu văn hóa phẩm, in sang băng đĩa lậu; thanh tra, kiểm tra và xử lý các
hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
10. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm:
Chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ngành, địa
phương có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng các
phương tiện vận tải và kê khai giá dịch vụ vận tải.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho
các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn vận chuyển trái
phép hàng cấm, hàng nhập lậu trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy.
11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm:
Chủ trì tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp
hành Điều lệnh, Điều lệ và các quy định của Quân khu, Bộ Quốc phòng kết hợp với
kiểm tra hoạt động của các phương tiện mang biển số quân sự giả, giấy phép giả,
giả làm quân nhân; tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán trái phép quân trang, thiết
bị quân sự và sử dụng các vật liệu nổ trái phép.
Chỉ đạo cơ quan Thanh tra quốc phòng kết hợp giữa
công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp
thời phát hiện và đề xuất xử lý các trường hợp quân nhân, công nhân viên quốc
phòng có hành vi liên quan đến buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên
truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại trong phạm vi quản lý của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
12. Công an tỉnh chịu trách nhiệm:
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phát hiện, điều tra,
xác minh làm rõ đường dây, ổ nhóm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả có giá
trị lớn để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật; đồng thời có trách nhiệm
phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý những vụ việc
buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm theo quy
định và những hành vi chống người thi hành công vụ.
a) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự
quản lý kinh tế và chức vụ chịu trách nhiệm tiến hành các kế hoạch, biện pháp
nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, điều tra tội phạm buôn lậu, vận
chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, buôn bán hàng cấm, kinh doanh trái phép, trốn
thuế, hàng giả, gian lận thương mại theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
b) Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Cảnh sát
đường thủy chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, dừng
phương tiện và bắt giữ các phương tiện vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng
giả, gian lận thương mại trên các tuyến đường bộ, đường thủy.
c) Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi
trường chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ
người và phương tiện vận chuyển động, thực vật hoặc sản phẩm động, thực vật mang
mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người, cho động thực vật; phát hiện
và xử lý các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật
hoang dã, quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật
đó.
13. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách
nhiệm:
a) Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp chặt
với các lực lượng có liên quan tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở khu vực giáp
ranh, vùng biển, cửa sông thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, đối
tượng. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn,
bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa
bàn.
b) Tuyên truyền và vận động nhân dân ở khu vực
biên phòng tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại.
14. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp cùng các sở, ngành rà soát các quy định
của pháp luật đối với các vấn đề có liên quan, phát hiện các sơ hở trong quản
lý kinh tế, các vấn đề còn chồng chéo không rõ ràng, không thống nhất của các
quy định về xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự trong lĩnh vực đấu tranh chống
buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi,
bổ sung.
b) Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản
chủ trì phối hợp thực hiện công tác bán đấu giá, bán thanh lý tài sản tịch thu
sung quỹ nhà nước do các cơ quan chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại chuyển giao.
15. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chịu trách
nhiệm:
Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại thực hiện các
biện pháp nhằm quản lý các nguồn ngoại tệ, hoạt động kinh doanh vàng, bạc; phối
hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính kiểm soát luồng ngoại tệ, việc niêm yết
giá và thu tiền bán hàng bằng ngoại tệ; phối hợp với các cơ quan chức năng
trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các loại tiền giả lưu thông trên thị
trường.
16. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi buôn
lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng
trên địa bàn tỉnh.
17. Chi cục Hải Quan Sóc Trăng chịu trách nhiệm:
Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong
tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng
giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật
Hải quan.
18. Các sở, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được giao tổ chức việc quản lý sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật,
chống các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại
nhằm ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng giao lưu hàng
hóa.
Điều 4: Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống
buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
1. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật,
các chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu,
hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.
2. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các cơ
quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật; phát hiện, ngăn chặn
và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận
thương mại theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, các cơ
quan chức năng kiểm tra, kiểm soát cấp tỉnh trong việc thực hiện công tác đấu
tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
3. Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các
sở, ngành kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách có liên quan đến công tác
đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Chương III
NỘI DUNG VÀ QUAN HỆ PHỐI
HỢP
Điều 5: Nội dung phối hợp
Theo yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạn, trên từng
địa bàn, lĩnh vực và theo chức năng của mình trong công tác đấu tranh chống
buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ
quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chủ động xác lập quan hệ phối hợp hoạt động
trong việc:
1. Phân định phạm vi trách nhiệm quản lý và hoạt
động.
2. Xây dựng kế hoạch, phương án công tác, các biện
pháp quản lý theo ngành, lĩnh vực, địa bàn; những vấn đề có liên quan đến ngành
hoặc địa phương khác cần có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất với các cơ quan
liên quan.
3. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ biện pháp hành
chính, kinh tế, giáo dục, tuyên truyền để đẩy mạnh công tác chống buôn lậu,
hàng giả và gian lận thương mại.
4. Phát hiện, thu thập trao đổi, cung cấp thông
tin, tài liệu gồm:
a) Thông tin về dự báo tình hình thị trường,
tình hình kinh tế, cung cầu hàng hóa, giá cả; về công tác đấu tranh chống buôn
lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong ngành và trên địa bàn; kết quả công
tác từng giai đoạn. Trong trường hợp có những vấn đề đột xuất, nổi cộm thì kịp
thời báo cáo về Ban Chỉ đạo 127 tỉnh để thông báo cho các sở, ngành, địa phương
và các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
b) Thông tin về những quy định mới của pháp luật
trong hoạt động quản lý, chính sách xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông hàng hóa
trong nước, chính sách quản lý đối với từng ngành hàng, mặt hàng.
c) Thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, quy
luật, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm; về tổ chức đường dây, ổ
nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến buôn bán, vận chuyển hàng nhập
lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác.
d) Thông tin về quy trình kiểm tra, xử lý mang
tính nghiệp vụ của các ngành, địa phương; thông tin về những khó khăn, vướng mắc
và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu,
sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác.
đ) Thông tin về kỹ thuật phòng, chống và các tiến
bộ khoa học kỹ thuật có thể áp dụng, trang bị khi các cơ quan chức năng thi
hành nhiệm vụ.
e) Các thông tin, tài kiệu khác theo đề nghị của
các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
5. Chỉ đạo và tổ chức tuần tra, thanh tra, điều
tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm
về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại gồm: xây dựng kế
hoạch kiểm tra, cung cấp thông tin về đối tượng; tổ chức lực lượng kiểm tra,
phương tiện để bắt giữ; tư vấn, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn để xử lý vụ việc
theo yêu cầu.
a) Phối hợp trong quá trình điều tra theo quy định
của Bộ Luật Tố tụng hình sự và theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền như:
mở rộng điều tra, xác lập chuyên án lớn, phức tạp cần đến sự phối hợp của nhiều
lực lượng trong và ngoài ngành để có thể thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng từ
liên quan.
b) Khi xử lý có sự bàn bạc thống nhất giữa các
bên tham gia; việc kiểm tra, kiểm soát không chồng chéo, trùng lắp, kéo dài thời
gian, gây phiền hà, khó khăn cho đối tượng được kiểm tra.
c) Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu phát
hiện tổ chức, cá nhân được kiểm tra, kiểm soát có những hành vi vi phạm ngoài
chức năng, thẩm quyền xử lý của mình, thì đơn vị kiểm tra, kiểm soát thông báo
và bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét xử lý đúng pháp luật.
d) Khi cần thiết có thể tổ chức lực lượng kiểm
tra, kiểm soát liên ngành để phối hợp kiểm tra. Cơ quan quản lý nhà nước chủ
trì sự phối hợp kiểm tra liên ngành có trách nhiệm chính trong việc tổ chức kiểm
tra và xử lý kết quả kiểm tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Các cơ
quan tham gia hỗ trợ lực lượng chuyên môn, phương tiện trong quá trình kiểm tra
và xử lý các vụ việc có tính chất phức tạp.
đ) Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền xử
lý của nhiều đơn vị, nếu ở cấp tỉnh thì giao cho Ban Chỉ đạo 127 tỉnh chủ trì tổ
chức sự phối hợp để xem xét biện pháp xử lý cho phù hợp; nếu ở cấp huyện thì
giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì tổ chức việc phối hợp xử lý.
6. Đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách
pháp luật khi phát sinh những vấn đề mới trong công tác đấu tranh phòng, chống
buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và các hành vi
gian lận thương mại khác để Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm
pháp luật cho phù hợp bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước trong từng giai đoạn.
7. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng lực lượng
theo yêu cầu công tác; tổ chức giao lưu, tuyên truyền về gương người tốt, việc
tốt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
8. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng
a) Tuyên truyền, phát động quần chúng nhân dân
tham gia phòng, chống các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong công tác
phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người
kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất,
kinh doanh, phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
9. Phối hợp với các doanh nghiệp, các hội trong
việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh
doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Điều 6. Các mối quan hệ phối
hợp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quan hệ phối hợp.
1. Các mối quan hệ phối hợp trong công tác đấu
tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, gồm:
a) Phối hợp giữa các sở, ngành ở tỉnh.
b) Phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc sở, ngành
ở tỉnh.
c) Phối hợp giữa các đơn vị sở, ngành ở tỉnh với
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn.
2. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh:
Làm đầu mối tổ chức sự phối hợp giữa các sở,
ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và
gian lận thương mại trên phạm vi toàn tỉnh, tránh chồng chéo trong kiểm tra, kiểm
soát, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh được thành lập các Tổ công tác
để thực hiện công tác kiểm tra, đấu tranh và đề xuất hướng xử lý vi phạm theo
quy định.
3. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì:
Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác đấu tranh chống buôn
lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo lĩnh vực do sở, ngành, địa phương, cơ
quan, đơn vị mình phụ trách; những vấn đề có liên quan đến ngành hoặc địa
phương khác cần có sự trao đổi, bàn bạc với các cơ quan liên quan và Ban Chỉ đạo
127 tỉnh.
4. Trách nhiệm của cơ quan phối hợp:
a) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo thường
xuyên hoặc đột xuất với cơ quan chủ trì theo quy định chung về tình hình thị
trường, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
của đơn vị mình.
b) Tham gia phối hợp kiểm tra liên ngành khi có
kế hoạch; trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của đơn vị chủ trì thì cung cấp lực
lượng, phương tiện kịp thời để ngăn chặn, bắt giữ các vụ việc buôn bán, vận
chuyển hàng lậu; kinh doanh trái phép và các vi phạm khác.
c) Tham dự các phiên họp do sở, ngành triệu tập
và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho phiên họp theo yêu cầu.
d) Tham gia xử lý các vụ việc có liên quan đến
trách nhiệm của đơn vị mình.
5. Đoàn kiểm tra liên ngành:
a) Căn cứ nhiệm vụ thường xuyên hoặc đột xuất,
cơ quan chủ trì quyết định việc thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, yêu cầu
các đơn vị liên quan phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống
buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
b) Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên
ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và nhiệm vụ cụ
thể của Đoàn do cơ quan chủ trì quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Công tác báo cáo
1. Các sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình
thực hiện về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh để tổng hợp báo cáo về
Ban Chỉ đạo 127 TW và Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Hình thức sơ kết, tổng kết
- Ban Chỉ đạo 127 tỉnh chủ trì tổ chức sơ kết, tổng
kết các nội dung phối hợp hoạt động theo quy định Quy chế này.
- Các sở, ngành tổ chức tổng kết công tác phối hợp
theo các mối quan hệ song phương;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
chủ trì sơ kết, tổng kết các nội dung phối hợp hoạt động theo quy định Quy chế
này tại địa phương.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Căn cứ Quy chế này, thủ trưởng các sở, ban
ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ
quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình công
tác cụ thể hàng quý, 06 tháng, năm, trong đó có nội dung quan hệ phối hợp để tổ
chức chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại theo lĩnh vực sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
2. Căn cứ Quy chế này, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh chịu
trách nhiệm tổ chức sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác đấu
tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong phạm vi toàn tỉnh.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc phản ánh về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh để tổng hợp
trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.