BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 2123/QĐ-BTC
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 08 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020”
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Quyết định số
579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển
nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển
nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược
Tài chính đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phê duyệt
“Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2011 - 2020” với các nội
dung cơ bản sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT
TRIỂN NHÂN LỰC
1. Quan điểm phát triển nhân lực
- Phát triển nhân lực là yếu tố quan trọng góp phần
thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Tài chính. Phát triển nhân lực ngành Tài
chính phù hợp với mục tiêu phát triển nhân lực chung
của toàn quốc gia và xu thế phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phát triển
nhân lực ngành Tài chính phải đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa, tính thay thế
kịp thời của cơ cấu nhân lực.
- Coi trọng việc bồi dưỡng,
thu hút và sử dụng nhân tài về lĩnh vực Tài chính. Việc phát hiện, tuyển chọn,
sử dụng và đãi ngộ đối với người có tài phải thường xuyên, nhất quán. Tạo điều
kiện, cơ hội thuận lợi, khuyến khích năng lực sáng tạo trong đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức làm việc trong các lĩnh vực ngành quản lý.
- Phát triển nhân lực với
cơ cấu trình độ hợp lý, năng động, nhanh chóng thích ứng với nhu cầu phát triển
trong nước và thế giới; nâng cao trình độ nhân lực của ngành dần ngang tầm với
nhân lực Tài chính các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo
nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, hội nhập
vững chắc, có hiệu quả, chú trọng đến yêu cầu hội nhập và liên thông thị trường
lao động Việt Nam với quốc tế.
- Phát triển nhân lực hợp
lý hài hòa giữa các ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc, Dự trữ, Chứng khoán, đáp ứng
yêu cầu phát triển và đặc điểm của mỗi ngành. Phát triển cơ cấu vị trí công việc
cân đối đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển ngành đề ra.
2. Mục tiêu phát triển
nhân lực
2.1. Mục tiêu tổng quát
Mục tiêu phát triển nhân
lực ngành Tài chính đến năm 2020 là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
ngành Tài chính có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, đủ về số lượng, đảm bảo
chất lượng, có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhằm đáp ứng
được yêu cầu đòi hỏi mới của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Xác định hợp lý quy mô,
nhu cầu nhân lực cần đào tạo giai đoạn 2011 - 2020 của ngành Tài chính, gồm
nhân lực trong biên chế Bộ Tài chính và nhân lực ngoài biên chế Bộ Tài chính,
làm cơ sở cho quy hoạch đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của toàn xã hội.
- Phát triển đồng bộ đội
ngũ nhân lực với chất lượng cao, đủ mạnh trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà
nước về tài chính.
- Củng cố và tăng cường
chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tài chính để đáp ứng yêu cầu đào
tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành và xã hội.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN
LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH
1. Nhu cầu nhân lực ngành Tài chính
1.1. Nhu cầu nhân lực toàn ngành Tài chính đến năm
2015 dự kiến trên 4,5 triệu người, tăng so với năm 2010 hơn triệu người, trong
đó:
- Nhân lực Bộ Tài chính là trên 88.000 người, chiếm gần 2% trong tổng số nhân lực toàn ngành Tài
chính, với cơ cấu trình độ đào tạo dự kiến như sau: trên 5% có trình độ sau đại
học, trên 65% có trình độ đại học, trên 25% có trình độ cao đẳng, trung cấp.
- Nhân lực tài chính tại
các cơ quan trung ương, cơ quan hành chính địa phương (bao gồm cả công chức các
sở tài chính và công chức tài chính kế toán xã, phường): 73.000 người.
- Nhân lực tài chính tại
các đơn vị sự nghiệp không thuộc Bộ Tài chính: 77.500 người.
- Nhân lực tài chính khác
trên 4,3 triệu người, trong đó: lĩnh vực Chứng khoán chiếm 0,27%, lĩnh vực Bảo
hiểm 4,41%, lĩnh vực Dịch vụ kế toán - kiểm toán 0,48%, lĩnh vực Thẩm định giá
0,04%, lĩnh vực Đại lý thuế 0,06%, lĩnh vực Đại lý hải quan 0,06%. Còn lại là
nhân lực quản lý tài chính - kế toán tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và
các tổ chức, đơn vị khác.
1.2. Nhu cầu nhân lực
toàn ngành Tài chính đến năm 2020 là gần 5,7 triệu người, tăng thêm 1,2 triệu
người so với năm 2015, trong đó:
- Nhân lực Bộ Tài chính
là trên 100.000 người, chiếm gần 2% so với tổng số nhân lực toàn ngành Tài
chính. Trình độ đào tạo dự kiến như sau: 8% có trình độ sau đại học, 70% có
trình độ đại học, 19% có trình độ cao đẳng, trung cấp.
- Nhân lực tài chính tại
các cơ quan trung ương, cơ quan hành chính địa phương (bao gồm cả công chức các
sở tài chính và công chức tài chính kế toán xã, phường): 81.000 người.
- Nhân lực tài chính tại
các đơn vị sự nghiệp không thuộc Bộ Tài chính: 91.500 người.
- Nhân lực tài chính khác
trên 5,4 triệu người, trong đó lĩnh vực Chứng khoán chiếm 0,30%, lĩnh vực Bảo
hiểm 5,49%, lĩnh vực Dịch vụ kế toán - kiểm toán 0,60%, lĩnh vực Thẩm định giá
0,05%, lĩnh vực Đại lý thuế 0,18%, lĩnh vực Đại lý hải quan 0,07%. Còn lại là
nhân lực quản lý tài chính - kế toán tại các các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế
và các tổ chức, đơn vị khác.
2. Nhu cầu đào tạo nhân lực
ngành Tài chính
2.1. Giai đoạn 2011 -
2015
- Nhu cầu đào tạo mới
nhân lực ngành Tài chính là trên 2,2 triệu người; trong đó số người có trình độ
đại học trở lên chiếm khoảng 30,5%, trình độ cao đẳng khoảng 19,5%, trình độ
trung cấp khoảng 50,0%. Riêng đối với nhân lực thuộc biên chế Bộ Tài chính, nhu
cầu đào tạo mới là trên 30.000 người, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm
khoảng 94%, trình độ cao đẳng khoảng 3,4%, trình độ trung cấp khoảng 2,7%.
- Nhu cầu nhân lực cần
đào tạo nâng cao trình độ là khoảng 6.000 người.
2.2. Giai đoạn 2016 -
2020
- Nhu cầu đào tạo mới
nhân lực ngành Tài chính là trên 1,6 triệu người, trong đó, số người có trình độ
đại học trở lên chiếm 31,0%, trình độ cao đẳng là 20,0%, trình độ trung cấp là
49,0%. Riêng đối với Bộ Tài chính, nhu cầu đào tạo mới nhân lực trên 24.000 người,
trong đó phần lớn là trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 98%, còn lại là các
trình độ khác.
- Nhu cầu nhân lực cần
đào tạo nâng cao trình độ khoảng 4.500 người.
III.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH
1. Các giải pháp về đào tạo
và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực
1.1. Đầu tư phát triển
các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Tài chính
- Đầu tư mở rộng diện
tích, xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo trực thuộc
Bộ Tài chính, gồm: Học viện Tài chính, Trường Đại học Tài chính - Marketing,
Trường Đại học Tài chính - Kế toán, Trường Cao đẳng Tài chính - Quản trị kinh
doanh, Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan.
- Tăng cường thiết bị dạy
và học, đổi mới phương pháp giảng dạy.
- Tăng cường đội ngũ giảng
viên.
- Gắn đào tạo với nghiên
cứu khoa học và thực tiễn.
- Tiếp tục thực hiện nâng
cấp các Trường Cao đẳng trực thuộc Bộ thành các Trường Đại học.
1.2. Đào tạo, bồi dưỡng
thường xuyên đối với công chức, viên chức Bộ Tài chính
- Nâng cao hiệu quả quản
lý công tác đào tạo, bồi dưỡng: Hoàn thiện, bổ sung hệ thống cơ chế quản lý
công tác đào tạo, bồi dưỡng; Phân cấp quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phù
hợp để đa dạng hóa và phát huy hiệu quả của các hình thức, các cơ sở đào tạo, bồi
dưỡng.
- Đổi mới nội dung, cách
thức đào tạo, bồi dưỡng: Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí công việc, vị trí lãnh
đạo, quản lý; Đổi mới nội dung chương trình, tài liệu; Xây dựng, phát triển đội
ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm nhiệm.
- Củng cố và phát triển
các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ và các Tổng cục: Đầu tư xây dựng các Trường,
Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng tại 03 miền: Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính tại
Hưng Yên; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ miền Trung tại Thừa Thiên - Huế;
Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh; xây dựng và
phát triển hoạt động của các trường, các trung tâm bồi dưỡng trực thuộc các Tổng
cục.
1.3. Tăng cường hợp tác
quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng
- Tăng cường hợp tác quốc
tế về đào tạo chuyên sâu tại các nước tiên tiến, xây dựng các chương trình, dự
án hợp tác với các nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng; mời chuyên gia nước
ngoài vào Việt Nam tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về các nội dung quản
lý tài chính cho các chuyên gia, giảng viên kiêm chức và cán bộ trẻ có năng lực.
- Đưa nội dung đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành một trong các cấu phần của các Dự án hợp
tác quốc tế giữa Bộ Tài chính với các nước, các tổ chức quốc tế.
2. Các giải pháp về tuyển
dụng nhân lực
- Đối với các thành phố
trực thuộc trung ương, nâng số lượng tuyển dụng đối với công chức, viên chức có
trình độ Đại học trở lên.
- Đối với công chức tuyển
dụng mới, cần tăng tỷ lệ tốt nghiệp đại học chính quy, tốt nghiệp chuyên ngành
kinh tế gắn với nhiệm vụ quản lý tài chính; Nâng dần điều kiện về ngoại ngữ,
tin học để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ hội nhập kinh tế.
- Xây dựng tiêu chuẩn tuyển
dụng cho từng đơn vị cần đảm bảo sự phù hợp giữa chuyên ngành tốt nghiệp với chức
năng, nhiệm vụ, vị trí công việc để lựa chọn ứng viên có năng lực, trình độ
chuyên môn phù hợp đăng ký dự tuyển.
- Cải tiến nội dung, hình
thức thi tuyển, đảm bảo lựa chọn được nhân lực có kiến thức tư duy, kỹ năng tốt,
phù hợp với lĩnh vực cần tuyển, với nhu cầu công việc.
3. Giải pháp về sử dụng
nhân lực và chính sách đãi ngộ nhân lực
Đổi mới cơ chế đánh giá
cán bộ bằng cách xây dựng các tiêu chí, quy chế, quy trình đánh giá cán bộ đảm
bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, khách quan và công bằng trong đánh giá, làm
cơ sở để biểu dương, khen thưởng, động viên.
Tiếp tục thực hiện việc
thu hút nhân tài trong đơn vị bằng cách:
- Khuyến khích, tạo điều
kiện cho cán bộ đi học tập nâng cao trình độ (học văn bằng hai, học sau đại học)
trong và ngoài nước, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp
vụ, tạo điều kiện để cán bộ đi học và được hỗ trợ các khoản học phí theo chế độ.
- Đưa vào quy hoạch chức
danh lãnh đạo và xem xét bổ nhiệm những cán bộ có năng lực làm việc tốt, tạo
môi trường làm việc cho cán bộ an tâm công tác, phục vụ lâu dài trong Bộ Tài
chính.
4. Tập trung xây dựng và
thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm
- Đề án “Mô tả chức danh
công việc của cán bộ, công chức Bộ Tài chính”.
- Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng
công chức, viên chức Bộ Tài chính đến năm 2015”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng công
chức, viên chức Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020”.
- Đề án “Xây dựng định mức
biên chế Bộ Tài chính”.
- Các đề án: Xây dựng cơ
cấu nhân lực và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của ngành Thuế,
Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ, Kho bạc Nhà nước từng giai đoạn.
- Đề án “Xây dựng quy chế
các kỳ thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức Bộ Tài chính”.
- Đề án Thành lập Trường
Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài
chính - Quản trị kinh doanh.
- Đề án Thành lập Trường
Đại học Tài chính - Hải quan trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài chính - Hải
quan.
5. Nhu cầu kinh phí phát
triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2011 - 2020
- Kinh phí cho các cơ sở
đào tạo trực thuộc Bộ Tài chính, gồm:
+ Kinh phí chi thường
xuyên: 1.000 tỷ đồng.
+ Kinh phí chương trình mục
tiêu quốc gia: 100 tỷ đồng.
+ Kinh phí đầu tư xây dựng
cơ sở vật chất: 1.500 tỷ đồng.
- Kinh phí đầu tư xây dựng
và nâng cấp các Trường và Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng:
+ Dự án xây dựng Trung
tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài chính miền Bắc (tại Hưng Yên): 1.100 tỷ đồng
+ Dự án xây dựng Trung
tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài chính miền Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh):
900 tỷ đồng.
- Kinh phí bồi dưỡng công
chức, viên chức:
+ Kinh phí đào tạo, bồi
dưỡng công chức, viên chức Bộ Tài chính: 1.300 tỷ đồng.
+ Kinh phí đào tạo, bồi
dưỡng cho các đối tượng xã hội bên ngoài Bộ Tài chính (các doanh nghiệp, các tổ
chức, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và một số đối tượng khác): 50 tỷ
đồng.
Trong quá trình thực hiện
các hoạt động, hàng năm Bộ Tài chính sẽ cụ thể hóa và cân đối lại trên cơ sở
các quy định về chế độ, định mức chi tiêu và tình hình nguồn ngân sách của Nhà
nước.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kế hoạch thực hiện
1.1. Giai đoạn I (2011 -
2015):
- Tập trung xây dựng và
triển khai các đề án, dự án trọng điểm.
- Căn cứ vào nhu cầu nhân
lực của ngành đến năm 2015, triển khai tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo về
số lượng, nâng cao chất lượng với cơ cấu trình độ đào tạo, nội dung bồi dưỡng hợp
lý.
- Tổ chức sơ kết 05 năm
triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính”
1.2. Giai đoạn II (2016 -
2020):
- Tiếp tục xây dựng và
triển khai các đề án, dự án trọng điểm
- Hoàn thiện cơ sở vật chất,
củng cố và phát triển các Trường và Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng của Bộ và các
Tổng cục, đảm bảo phục vụ 100% nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức
trong ngành.
- Tổ chức tổng kết 10 năm
thực hiện “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính”.
2. Nhiệm vụ của các đơn vị
2.1. Vụ Tổ chức cán bộ
- Chủ trì triển khai Quy
hoạch phát triển nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2011 - 2020; hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện; báo cáo định kỳ trong quá trình triển khai.
- Chủ trì tổ chức sơ kết 05
năm, tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Quy hoạch.
2.2. Các đơn vị Tổng cục
Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước
- Xây dựng và triển khai
các chương trình, đề án liên quan thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ở các
đơn vị.
- Báo cáo Bộ định kỳ quá
trình triển khai thực hiện Quy hoạch (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
2.3. Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Vụ Tài chính - hành chính sự nghiệp, Vụ Ngân sách nhà nước
Vụ Kế hoạch - Tài chánh
chủ trì phối hợp với Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ Ngân sách nhà nước và các đơn
vị liên quan nghiên cứu, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định tài chính phù
hợp để đáp ứng yêu cầu triển khai Quy hoạch.
- Vụ Kế hoạch - Tài chính
phân bổ và quản lý việc sử dụng các nguồn lực tài chính triển khai thực hiện
Quy hoạch.
2.4. Các tổ chức, đơn vị
khác
Các tổ chức, đơn vị khác
thuộc và trực thuộc Bộ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ triển khai các giải pháp
thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực.
Điều
2. Quyết định
này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều
3. Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Vương Đình Huệ
|