ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/2012/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 8 năm
2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ
THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính
phủ về quản lý cây xanh đô thị;
Căn cứ Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 01/6/2006 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chế quản lý
và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 250/TTr-SXD
ngày 12/4/2012 về việc ban hành Quyết định phân cấp quản lý cây xanh đô thị
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân cấp quản lý về cây xanh đô thị trên địa bàn
tỉnh
1. Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long.
2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức thực hiện việc quản
lý cây xanh đô thị trên phạm vi địa bàn huyện, thành phố.
Điều 2. Thẩm quyền cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây
xanh đô thị
1. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp Giấy
phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh thuộc danh mục cây cần bảo tồn trên địa bàn
đô thị toàn tỉnh (cây bảo tồn bao gồm: cây cổ thụ, cây thuộc danh mục loài cây
quý hiếm, cây được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam, cây được công nhận có giá
trị lịch sử văn hóa).
2. Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Uỷ ban nhân dân huyện,
thành phố cấp Giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị trên địa bàn
huyện, thành phố quản lý trong các trường hợp sau:
- Cây bóng mát trên đường phố;
- Cây bóng mát; cây đã được đánh số, treo biển trong công
viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây
dựng công trình;
- Cây bóng mát có chiều cao từ 10m trở lên trồng trong khuôn
viên nhà đất của tổ chức, cá nhân.
Điều 3. Trách nhiệm
1. Sở Xây dựng
- Chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn, đánh giá về công
tác quản lý cây xanh đô thị, hướng dẫn cấp huyện, thành phố xây dựng kế hoạch
hàng năm và 5 năm về đầu tư phát triển cây xanh sử dụng công cộng để tổng hợp
trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và các sở, ngành có liên quan xác định danh mục cây trồng, cây cần bảo
tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trình Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành;
- Thực hiện việc cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh
đô thị theo ủy quyền và tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc thực hiện
các quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn Tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức lập kế hoạch về đầu tư phát triển cây xanh đô thị
hàng năm và giai đoạn 5 năm; khảo sát, thống kê và lập danh mục cây xanh cần
được bảo tồn trên địa bàn đô thị thuộc huyện, thành phố gửi về Sở Xây dựng để
tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Thực hiện quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân
cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ban hành các quy định cụ thể về quản lý cây xanh đô thị trên
địa bàn theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ; phân công,
phân cấp trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị thuộc phạm vi
quản lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này;
- Lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện
dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn huyện, thành phố;
- Thực hiện việc cấp Giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh
theo phân cấp; tổ chức thống kê hàng năm và lập cơ sở dữ liệu về cây xanh đô
thị trên địa bàn được giao quản lý và báo cáo Sở Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân
tham gia phát triển cây xanh đô thị; đầu tư và phát triển vườn ươm, cây xanh đô
thị.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Phối hợp đóng búa bài cây, búa kiểm lâm trong việc cấp phép
chặt hạ, dịch chuyển cây; phối hợp xác định chủng loại cây trồng; khảo nghiệm, hỗ
trợ, phát triển nguồn giống, chủng loại cây xanh nhằm tạo sự đa dạng, phong phú
trong hệ thống cây xanh đô thị; hướng dẫn phát triển vườn ươm phục vụ nhu cầu
trồng cây xanh đô thị. Khuyến cáo cây cấm trồng và hạn chế trồng trong đô thị.
5. Sở Giao thông và Vận tải
Phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố trong quản lý và phát triển cây xanh đô thị khi đầu tư các dự án
đường giao thông đô thị.
6. Sở Tài chính
Theo dõi, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn lợi thu
được từ việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.
7. Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị
- Thực hiện trồng, chăm sóc và quản lý hệ thống cây xanh đô
thị theo hợp đồng đã ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Thường xuyên kiểm tra, kiến nghị các cơ quan chức năng
giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan cây xanh đô thị.
8. Các sở, ngành khác có liên quan
Theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Sở Xây dựng để triển
khai thực hiện.
Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở,
ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc Công ty TNHH
MTV Công trình Công cộng Vĩnh Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và
được đăng công báo tỉnh./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng - Vụ Pháp chế;
- Bộ Tư pháp - Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- TTr UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo VL;
- Sở Tư pháp (để kiểm tra);
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, 5.06.05.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Diệp
|