ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1261/QĐ-UBND
|
Bình
Thuận, ngày 29 tháng 6 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU
QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2017
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số
21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện
pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Quyết định số
79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Theo đề nghị của Sở Công
thương tại Tờ trình số 821/TTr-SCT ngày 21 tháng 5 năm 2012 và Công văn số
947/SCT-QLĐ ngày 11 tháng 6 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2017.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công
thương, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây
dựng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám
đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, thủ
trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã La Gi, thành phố Phan Thiết, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, Giám đốc
các Công ty Cổ phần Điện nông thôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ
Quyết định thi hành./.
CHƯƠNG TRÌNH
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 29/6/2012 của Chủ tịch
UBND tỉnh Bình Thuận)
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận
ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh
đến năm 2017, gồm những nội dung như sau:
I. Mục tiêu của
chương trình:
1. Mục tiêu tổng quát:
- Tổ chức thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận;
- Nâng cao nhận thức, năng lực của
các tổ chức, cá nhân để thực hiện và duy trì các hoạt động sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả một cách bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu từ nay đến năm 2017, đặt
mục tiêu hàng năm tiết kiệm ít nhất 1% điện thương phẩm và 5% tổng mức tiêu thụ
năng lượng so với nhu cầu tiêu thụ năng lượng thực tế trong toàn tỉnh, trên cơ
sở các mục tiêu cụ thể về mức tiết kiệm năng lượng hàng năm như sau:
- Tiết kiệm từ 5% đến 8% điện sử
dụng trong sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt; 10% điện sử dụng trong các cơ
quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước;
- Tiết kiệm 5% các loại năng lượng
khác sử dụng trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch
vụ, giao thông vận tải, ...
II. Nội dung
của chương trình:
1. Tăng cường quản lý Nhà nước về
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
1.1. Nội dung:
- Xây dựng, ban hành các văn bản
quy định, hướng dẫn về hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo
quy định của Chính phủ, Bộ Công thương;
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý
các vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định
của pháp luật.
1.2. Phân công thực hiện:
Sở Công thương chủ trì, phối hợp
các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.
2. Tăng cường giáo dục, tuyên
truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử
dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
2.1. Nội dung:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
truyền thông (chương trình, phóng sự, thông tin, quảng cáo, tờ gấp, tờ dán,
...) để nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt;
- Đào tạo, tập huấn về tiết kiệm
năng lượng cho cán bộ làm công tác quản lý năng lượng của các ngành, các cấp,
cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ, các tòa nhà,… trên địa bàn tỉnh.
2.2. Phân công thực hiện:
a) Sở Công thương:
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban,
ngành, địa phương liên quan tổ chức: mở lớp đào tạo quản lý sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả cho các cán bộ làm công tác quản lý năng lượng, cán bộ kỹ
thuật công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tòa
nhà,... trên địa bàn tỉnh; xây dựng các mô hình phòng học tiết kiệm điện, mô
hình hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phổ biến nhân rộng
mô hình trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông
tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Sở
Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức:
xây dựng các chuyên đề về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát hành tờ
rơi, tờ dán, quảng cáo, ... về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến cộng
đồng dân cư và các trường học trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo: phổ
biến các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với các hình thức
phù hợp trong các trường học nhằm tuyên truyền tiết kiệm năng lượng, đặc biệt
là tiết kiệm điện cho học sinh biết và thực hiện;
c) Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã La Gi, thành phố Phan Thiết: tuyên truyền, vận động, giáo dục phổ biến các
quy định và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân,
các cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền kết quả mô hình ứng dụng các giải
pháp tiết kiệm năng lượng.
3. Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước:
3.1. Nội dung:
- Hàng năm, các cơ quan, đơn vị
sử dụng ngân sách Nhà nước phải đăng ký phương án tiết kiệm ít nhất 10% lượng
điện năng sử dụng và định kỳ báo cáo việc sử dụng điện tiết kiệm theo quy định tại
Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT- BTC-BCT ngày 01 tháng 6 năm 2009 của Liên
Bộ Tài chính - Bộ Công thương về hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các
cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và Kế hoạch số 4958/KH-UBND ngày 30
tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện tiết kiệm điện
trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận;
- Khi lập kế hoạch thay thế, mua
sắm trang thiết bị phải sử dụng các phương tiện, thiết bị năng lượng hiệu suất cao,
tiết kiệm năng lượng và có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; xây dựng, ban hành
các quy định, quy chế nội bộ về sử dụng tiết kiệm năng lượng, đồng thời phổ biến,
quán triệt tới toàn thể cán bộ nhân viên; đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết
kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ
và thi đua khen thưởng hàng năm.
3.2. Phân công thực hiện:
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sử
dụng ngân sách Nhà nước có trách nhiệm ban hành các quy định, quy chế nội bộ về
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại cơ quan, đơn vị mình nhằm đảm bảo
chỉ tiêu tiết kiệm 10% điện năng sử dụng hàng năm; theo dõi việc thực hiện và
báo cáo định kỳ hàng quý, cả năm tình hình sử dụng điện tiết kiệm theo quy định
tại Kế hoạch số 4958/KH-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và trong các doanh
nghiệp sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tòa nhà, cơ sở sử dụng
năng lượng lớn không phải là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh:
4.1. Nội dung:
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra,
xử lý việc thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của
các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh;
- Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp
sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tòa nhà, cơ sở sử dụng năng
lượng lớn trong việc xây dựng, thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả; các giải pháp bố trí sản xuất, kinh doanh hợp lý, đảm bảo sử
dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất
công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các đơn vị chủ sở hữu, quản lý công
trình tòa nhà, cơ sở sử dụng năng lượng lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm
toán năng lượng; phổ biến giải pháp giúp các doanh nghiệp, các tòa nhà, các cơ
sở: hướng đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ, hợp lý hóa công nghệ; xây dựng
cơ chế, phương thức sản xuất, các quy định nội vi quản lý năng lượng…. nhằm
thúc đẩy, duy trì thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
4.2. Phân công thực hiện:
a) Sở Công thương chủ trì phối hợp
các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan:
- Theo dõi, kiểm tra, xử lý kịp
thời việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm;
- Triển khai hướng dẫn các giải
pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh
doanh,....; hàng năm xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần
kinh phí cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ,
các tòa nhà, các cơ sở sử dụng năng lượng lớn được lựa chọn trên địa bàn tỉnh
thực hiện kiểm toán năng lượng lần đầu.
b) Sở Công thương, Công ty Điện
lực Bình Thuận, các Công ty Cổ phần Điện nông thôn phối hợp theo dõi, kiểm tra
các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện hợp đồng mua bán điện đã
ký; xử lý các trường hợp sử dụng điện không đúng mục đích, không đúng biểu đồ
đã đăng ký;
c) Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận
tải: trong quá trình tham gia góp ý thiết kế cơ sở các công trình hạ tầng kỹ
thuật, lưu ý chức năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các
công trình xây dựng mới; hướng dẫn thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình
đã xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thủy lợi:
5.1. Nội dung:
a) Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong thủy lợi:
- Tăng cường kiểm tra, đánh giá
hiện trạng nguồn nước (lượng mưa, hồ chứa, sông suối,…) để xây dựng kế hoạch sử
dụng nước cân đối với khả năng đáp ứng của nguồn nước; chủ động xây dựng lịch
bơm cấp nước tại các trạm bơm điện hợp lý, tranh thủ bơm vào các giờ thấp điểm
để tận dụng nguồn điện lưới và tiết kiệm; đối với hệ thống tự chảy (hồ, đập, cống…),
xây dựng kế hoạch điều hành hệ thống hồ chứa, cấp nước phục vụ sản xuất đúng thời
vụ đồng thời thực hiện nghiêm túc việc luân phiên cấp nước theo tuyến kênh;
- Thường xuyên kiểm tra, tu bổ
các tuyến kênh, không để tình trạng thất thoát, rò rỉ nước qua bờ kênh, các cửa
van, cánh cống, ...
b) Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong sản xuất, sinh hoạt tại nông thôn:
- Các hộ gia đình, trang trại trồng
trọt tăng cường áp dụng hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, … để bơm tưới
các loại cây nông nghiệp, đặc biệt là bơm tưới cây thanh long;
- Khuyến khích các hộ gia đình,
trang trại chăn nuôi xây hầm biogas nhằm tạo nguồn năng lượng sinh học sử dụng
để đun nấu và chạy máy phát điện phục vụ nhu cầu tại chỗ; triển khai phổ biến,
nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.
c) Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu
quả trong chong đèn thanh long:
Tổ chức đánh giá hiệu quả của
bóng đèn compact tiết kiệm năng lượng so với đèn sợi đốt trong chong đèn thanh
long trái vụ; nếu có hiệu quả, triển khai phổ biến đến các địa phương, các hộ
nông dân trên địa bàn tỉnh và xây dựng lộ trình các hộ thanh long trên địa bàn
tỉnh đến năm 2017, mỗi hộ dân sử dụng ít nhất 50% bóng đèn compact để chong đèn
thanh long.
5.2. Phân công thực hiện:
Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn có trách nhiệm:
- Chủ trì, chỉ đạo, phối hợp Hiệp
hội Thanh long, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thanh long Bình Thuận và các
đơn vị có liên quan khác triển khai nghiên cứu và xác định rõ hiệu quả của việc
chong đèn thanh long bằng bóng đèn compact. Nếu có hiệu quả, tiến tới triển
khai ứng dụng toàn tỉnh; xây dựng lộ trình các hộ thanh long trên địa bàn tỉnh
đến năm 2017, mỗi hộ dân sử dụng ít nhất 50% bóng đèn compact để chong đèn
thanh long.
Dự toán kinh phí thực hiện gửi về
Sở Tài chính xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí từ nguồn ngân sách của
tỉnh;
- Chỉ đạo Công ty Khai thác Công
trình thủy lợi và các đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị
tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung có liên quan về sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thủy lợi được nêu tại
Chương trình này.
6. Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng:
6.1. Nội dung:
- Khi sửa chữa, thay thế, lắp đặt
mới hệ thống đèn chiếu sáng phải sử dụng các loại đèn chiếu sáng hiệu suất cao,
tiết kiệm điện, đèn 2 cấp công suất để giảm chi phí sử dụng điện; triển khai thực
hiện đầu tư, trang bị hệ thống điều khiển tự động cho các hệ thống chiếu sáng
đường phố chính; không sử dụng đèn dây tóc và các loại đèn chỉ có 1 cấp công suất
lớn (250W hoặc 150W); khuyến khích sử dụng bóng đèn LED tại các vị trí thích hợp;
- Xây dựng kế hoạch thay thế, điều
chỉnh, cải tạo và quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng hợp lý, tránh lãng phí
điện; thay thế ngay các loại bóng đèn chiếu sáng có công suất lớn không cần thiết,
gây lãng phí điện bằng các loại bóng đèn có công suất nhỏ, tiết kiệm điện tại
các tuyến đường nhánh, đường hẻm, mật độ giao thông thấp; phấn đấu đến năm 2017
trên địa bàn tỉnh có ít nhất 30% đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu được thay thế
bằng các loại đèn tiết kiệm năng lượng, đèn năng lượng tái tạo hoặc các loại
đèn có 02 cấp công suất;
- Xây dựng thí điểm và triển
khai nhân rộng mô hình tuyến chiếu sáng công cộng sử dụng các loại đèn tiết kiệm
năng lượng, hiệu suất cao, đèn năng lượng tái tạo (đèn năng lượng mặt trời, đèn
năng lượng mặt trời kết hợp năng lượng gió, đèn quang học cao cấp SSP, đèn ứng
dụng công nghệ đèn LED,...); ứng dụng thiết bị điều khiển tự động chế độ điều
chỉnh công suất.
6.2. Phân công thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã La Gi, thành phố Phan Thiết và Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án,
các đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn nghiêm
túc thực hiện các quy định có liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả, ứng dụng thiết bị điều khiển tự động chế độ điều chỉnh công suất khi lập dự
án đầu tư, thiết kế, thi công xây dựng công trình và trong công tác quản lý, vận
hành hệ thống chiếu sáng; mỗi địa phương phấn đấu triển khai lắp đặt thử nghiệm
thí điểm ít nhất một công trình chiếu sáng công cộng sử dụng các loại bóng đèn
hiệu suất cao, tiết kiệm điện (đèn năng lượng mặt trời, đèn năng lượng mặt trời
kết hợp năng lượng gió, đèn quang học cao cấp SSP, đèn ứng dụng công nghệ đèn
LED,...);
- Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án,
các đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn tổ chức
xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện các quy định của Chương trình này,
báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và Sở Giao
thông vận tải để triển khai thực hiện, đồng thời báo cáo về Sở Công thương.
b) Sở Công thương: chủ trì hướng
dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện; triển khai lắp đặt thử nghiệm thí điểm ít nhất
một công trình chiếu sáng công cộng sử dụng các loại bóng đèn hiệu suất cao, tiết
kiệm điện và ứng dụng thiết bị điều khiển tự động chế độ điều chỉnh công suất.
7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải:
7.1. Nội dung:
- Tăng cường ứng dụng các giải
pháp công nghệ, quản lý, tổ chức vận tải nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả;
- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng
các dạng nhiên liệu, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống sử dụng
trong giao thông vận tải.
7.2. Phân công thực hiện:
Sở Giao thông vận tải có trách
nhiệm:
- Triển khai thực hiện các giải
pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tổ chức, điều hành
hệ thống giao thông vận tải;
- Trong quá trình tham gia góp ý
thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế các công trình giao thông cần đưa ra các giải
pháp tiết kiệm năng lượng (kể cả đối với đèn chiếu sáng công lộ, đèn báo hiệu
giao thông); yêu cầu các nhà thầu khi xây dựng, cải tạo công trình giao thông
áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu trong các dự
án đã được phê duyệt;
- Thực hiện kiểm định an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường; kiểm tra việc tuân thủ quy định về niên hạn sử dụng
phương tiện giao thông theo quy định;
- Phối hợp các đơn vị có liên
quan, tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông đường bộ nhằm tuyên truyền,
giáo dục chủ xe và lái xe nâng cao ý thức trong việc kiểm tra, bảo dưỡng phương
tiện, đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, an toàn khí thải, bảo vệ
môi trường khi phương tiện tham gia giao thông.
8. Sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong cung cấp điện cho các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu,
vùng xa nơi không có điện lưới quốc gia:
8.1. Nội dung:
Phổ biến việc sử dụng nguồn năng
lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học (biogas),
các dạng năng lượng tái tạo khác, …. để cung cấp điện cho các hộ dân ở khu vực
nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi không có điện lưới quốc gia.
8.2. Phân công thực hiện:
Sở Công thương chủ trì phối hợp
các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng mô hình
sử dụng năng lượng tái tạo cho các hộ dân miền núi, vùng sâu, vùng xa; triển
khai nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.
III. Các giải
pháp chủ yếu của chương trình:
1. Về tài chính:
Phối hợp các nguồn vốn cấp từ
ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn của các doanh nghiệp, tài trợ của các
tổ chức quốc tế, các cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình,
trong đó:
- Theo khả năng ngân sách của tỉnh,
hàng năm cân đối bố trí từ nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ cho hoạt
động phục vụ công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời cân đối,
phân bổ hợp lý nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương cho Chương trình Quốc gia về
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh để chi triển khai,
thực hiện Chương trình đạt hiệu quả;
- Huy động nguồn vốn của các
doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực
hiện.
2. Về đào tạo nâng cao nhận thức
và năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả:
- Chú trọng đào tạo, nâng cao
năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng của các ngành, các cấp và cán bộ quản
lý, cán bộ kỹ thuật công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,
các tòa nhà, …, các cơ sở sử dụng năng lượng lớn trên địa bàn tỉnh;
- Tập trung đầu tư cho công tác
truyền thông, thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng
về tiết kiệm năng lượng.
IV. Tổ chức
thực hiện:
1. Sở Công thương:
- Phối hợp với các sở, ban,
ngành, các địa phương, các tổ chức liên quan triển khai thực hiện các nội dung
của Chương trình; theo dõi, giám sát việc tổ chức triển khai các nội dung của
Chương trình theo phân công trên địa bàn tỉnh; định kỳ hàng năm sơ kết và cuối
năm 2017 tổng kết đánh giá việc thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, các địa phương, các tổ chức liên quan triển khai xây dựng các mô
hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được phân công thực hiện tại
Chương trình.
Kinh phí tổ chức thực hiện: trước
ngày 30 tháng 11 hàng năm, Sở Công thương lập dự toán đăng ký kinh phí thực hiện
chương trình cho năm sau, gửi Sở Tài chính xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
ghi kế hoạch cho đơn vị thực hiện từ nguồn ngân sách của tỉnh; đồng thời, hàng
năm lập kế hoạch đăng ký kinh phí hỗ trợ của Trung ương cho Chương trình Quốc
gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ thực
hiện các nội dung nêu trên, gửi Bộ Công thương;
- Hàng năm, phối hợp với các sở,
ban, ngành, các địa phương tổ chức thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách các cơ
sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
và Bộ Công thương.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và
Đầu tư:
- Phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan và tùy theo khả năng ngân sách của tỉnh đưa vào cân đối kế hoạch
năm để triển khai thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn ngân sách cùng thời điểm xây dựng
dự toán hàng năm;
- Triển khai tuyên truyền, phổ
biến các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đầu tư để thực hiện các dự án sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
- Kiểm tra việc đầu tư, trang bị
thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thẩm định, phê
duyệt dự án đầu tư và thanh quyết toán; thẩm tra chứng từ chi và báo cáo thanh
quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả trên địa bàn tỉnh theo quy định chế độ xây dựng cơ bản hiện hành.
3. Sở Khoa học và Công nghệ: tổ
chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt thông qua
các đề tài, dự án khoa học và công nghệ.
4. Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Báo
Bình Thuận: phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình, phóng sự để
tuyên truyền, đưa tin nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về thực hiện sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã La Gi, thành phố Phan Thiết: chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hàng năm rà
soát, tổng hợp danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn gửi
về Sở Công thương trước ngày 15 tháng 01 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh và Bộ Công thương.
6. Công ty Điện lực Bình Thuận
và các Công ty Cổ phần Điện nông thôn:
- Tuyên truyền, phổ biến về nhận
thức, kiến thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân, cộng đồng bằng
các hình thức: tờ gấp, tờ dán, trên phương tiện thông tin đại chúng, …; tổ chức
tuyên truyền kết quả mô hình ứng dụng các giải pháp tiết kiệm điện và các giải
pháp thực hiện;
- Tăng cường thực hiện các giải
pháp quản lý, kỹ thuật, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện, phấn đấu giảm tổn
thất điện năng.
7. Trên cơ sở nội dung của
Chương trình này, căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, thủ trưởng các sở,
ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã La Gi, thành phố
Phan Thiết lập kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch hỗ
trợ, mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đề tài, … phục vụ Chương
trình có sử dụng vốn ngân sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.
8. Trong quá trình thực hiện
Chương trình, nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, thủ trưởng các sở,
ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã La Gi, thành phố
Phan Thiết kịp thời phản ánh về Sở Công thương để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định./.